Một tờ báo nọ có bài viết về tiểu thuyết “Cho em trườn qua anh” của hắn như sau: “Đây là sự bứt phá ngoạn mục của Hoàng Châu. Từ bút pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, anh đã nhảy sang sân chơi hiện thực huyễn tưởng kiểu Gabriel Market một cách đầy tự tin và dứt khoát. Cách tân triệt để này đã khiến anh thoát khỏi sự bế tắc nhiều năm trong sáng tạo nghệ thuật và trở nên gần gũi hơn với những cây bút hậu hiện đại. Điều đó còn thể hiện qua cách viết đầy ý thức tung phá ngôn ngữ, cấu trúc thể loại và cả cú pháp tiếng Việt của anh. Dường như đây là khuy nút không thể không đứt của một chiếc áo đã quá chật so với sự phát triển cơ thể… ”
Lại có một tờ báo khác viết: “Với cái nhìn bệnh hoạn, tác giả Hoàng Châu đã đè lên văn hóa phương đông những vết cào thú tính hết sức phản cảm. Cứ tưởng đây là vấn đề mới, kỳ thực anh đã lặp lại người khác hàng trăm năm trước. Phải chăng vì nóng lòng muốn nổi danh mà anh đã tự đánh mất chính anh, đánh mất những hạt ngọc đang dần dà kết tinh trong một ngòi bút thô mộc, chân chất? Tôi đồ rằng “Cho em trườn qua anh” rồi sẽ yểu mệnh như một người xấu số, nếu không nói là quái thai, sinh không gặp lúc, gặp nơi…”
Và thế là hắn nổi tiếng….
Với tư cách là bạn viết, tôi tìm đến hắn để sẻ chia khen chê. Và cũng để xem phản ứng của hắn. Chưa kịp hỏi những điều muốn hỏi, hắn đã cười hề hà: “Sách của mình vừa được công ty Đô-vi-na nhận tài trợ tái bản, hai nghìn bản hẳn hoi chứ không phải năm bảy trăm như trước đây. Mình chỉ cần gật đầu, không phải bỏ tiền ra, không phải chạy xin hỗ trợ kinh phí hay phát hành chỗ nọ chỗ kia…”.
Thiếu lửa, tôi như cứng lại, lạc lõng ngồi uống nước và nghe hắn nói. Đây là quá trình trầm tích tư duy sau một hành trình dài đi tìm cái mới. Đây là sự lột xác đớn đau đòi hỏi phải bản lĩnh. Đây là sự chọn lựa tất yếu trước những ngã rẽ của văn chương đương đại. V.v…. Hết nói, hắn lôi ra cả lô báo cũ và khoe với tôi: “Đây, người ta viết về sách của mình nhiều lắm!”
- Khen cũng nhiều và chê không ít?
- Đúng, nhưng mình không quan tâm. Miễn sao mình được nhiều người biết đến. Ca sĩ, diễn viên còn đổi cả thân xác để được nổi tiếng kia mà. Mấy năm qua còng lưng viết sách, rã chân mang đi biếu mà có ai thèm đọc đâu. Người ta có thể bỏ vài trăm cho gái nhưng không chịu bỏ vài chục mua sách. Chừ thì người ta còn phô tô sách của mình để đọc. Trước hết phải tìm cách thoát ra khỏi số phận của một nhà văn tỉnh lẻ. Sau hẵng hay. Còn thoát bằng cách nào thì tùy mỗi người, như hàng trăm ngàn cách tiếp thị một sản phẩm. Suy cho cùng thì sách cũng chỉ là hàng hóa. Sẽ lãng phí và có tội nếu hàng hóa cứ để đó trong khi người ta đang đói một thứ khác.
- Vậy là mày đã chính thức chọn được hướng đi cho mình chưa đấy?
- Rồi, sẽ cắm đầu cắm cổ mà đi tiếp. Đi cho đến khi ai cũng biết mình, ai cũng phải ngước nhìn mình.
- Có khi nào mày nghĩ sẽ bị ai đó ném đá vỡ đầu?
- Thế càng tốt, càng nổi tiếng chứ sao…. Nhà văn, nhà doanh nghiệp hay nhà gì gì đó cũng cần bắt đầu bằng sự nổi tiếng. Đó là ý tưởng thời đại đấy.
Tôi cầm tờ báo hắn đưa sang, lướt mắt như một trò chơi lịch sự. Bỗng tôi không thể không dừng lại trước một cái tên quen thuộc: nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hải Sơn. Đây là cái tên khá quen với tôi hồi còn ở trung học phổ thông và đại học. Ông đã có những phân tích rất giáo khoa về cuốn tiểu thuyết của hắn đứng trên góc nhìn này, chủ nghĩa nọ nghe lạ tai lắm. Lại còn trích cả ý của một nhà phê bình tên tuổi phương Tây để minh họa cho quan điểm của ông. Khi ném trả tờ báo cho hắn, tôi bỗng nhớ lời của một ai đó: “Tôi không trách lớp trẻ mà chỉ trách những người cầm chịch văn học đã cắm chói cho sự bệnh hoạn của lớp trẻ”.
- Nhưng khi đã thành người nổi tiếng rồi thì sao?
- Chuyện đó tính sau. Hiện tao đang khai thác tiếp đề tài sex với tính ám chỉ cao hơn trong một tiểu thuyết lịch sử về thời “mang gươm đi mở cõi” của cha ông. Chắc rồi cuốn này sẽ ăn khách hơn nữa.
Chuyện đến đó thì di động của hắn giòn giã réo giục kiểu chuông monotone cài đặt phồng cao dần lên. Máy mở lớn âm nhưng chỉ nghe được giọng hắn nói. Tiếng của thằng bạn nào đó không kịp chen vào, hay ít ra là đã bị chèn lấp. “Mày đừng có nói cái giọng đó với tao. Nằm đấy mà đợi “té nặng”. Đời này lắm thằng trèo cao mà có bao giờ thấy té đâu. Nói chi đến nặng nhẹ. Ngồi dưới mà chờ cho nó té để vỗ tay, khối thằng nuốt nước bọt khô cổ chết luôn đấy…”
- Mẹ kiếp - Hắn ném di động lên bàn rồi quay sang tôi - Thằng Thìn, cái thằng quen thói ganh tỵ nhỏ nhen. Thấy mình nổi tiếng tí xíu là nó cạnh khóe đủ điều. Giỏi, cứ viết như tao đi. Mắc mớ chi lại cản bước tiến của bạn bè. Ôi, cái nghiệp văn chương này nhiều khi nghiệt ngã thật, cứ văn mình là nhất, ai không giống mình là chê, là chửi….
Gần hai giờ gặp gỡ lửng lơ, ra về lòng tôi cũng lơ lửng chuyện đời. Tưởng thế rồi mọi việc sẽ qua đi, nhanh như đời người. Ai ngờ, trưa hôm đó chuyện sách của hắn với những dư luận khen chê trái chiều bị vợ tôi mang ra hành hạ tôi một trận xơ xác mướp. Nàng nói, đúng hơn là chửi bằng cái giọng Quảng chõi cao, không được tự nhiên như mọi khi. Văn chương gì cái thứ Hoàng Châu! Trường em sáng nay ầm lên vì ba cái chuyên trai gái, sex siếc vớ vẩn đó. Mất văn hóa! Bạn anh đấy à, anh mà học theo cách đó thì cơm không có ăn, nước không có uống chứ đừng nói sáng tác. Tôi cãi, độc giả ai cũng như em thì sách có mà in ra để đốt. Mỗi độc giả có sở thích riêng, mỗi tác giả có cách viết riêng. Em cứ lấy cái nhìn của em đè lên cái nhìn người khác thì còn đâu là sáng tạo nghệ thuật?
Nàng nổi nóng, ít khi thấy nàng nổi nóng như thế. Anh còn bênh che cho cái loại “văn chương không phải để thờ” ấy hả? Nói anh nghe, văn chương không phải để mua vui, nói mua vui như cụ Nguyễn Du là nói khiêm tốn thôi. Chứ nghìn năm sau nó vẫn còn đó, vằng vặc bia miệng. Văn chương cũng không phải là thứ mỳ ăn liền, làm tiền từ văn chương là làm đĩ với chữ nghĩa. Cho nên viết ít hay nhiều không thành vấn đề, kiếm được bao nhiêu tiền cũng chẳng quan trọng. Vấn đề là đừng để nằm yên dưới lòng đất rồi mà cháu con vẫn đào mồ mả lên chửi…
Còn nữa, nàng nói nhiều lắm thì phải, lại còn minh họa bằng câu nói nổi tiếng của Nam Cao: “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nghe là biết ngay cái giọng của cô giáo dạy văn. May là sau đó nhà tôi có khách. Cũng là khách văn chương, mà vợ tôi thực ra chẳng đến nỗi tệ với khách văn chương của chồng. Nàng bỏ nửa chừng cuộc tranh luận, cười cười chào khách rồi xuống bếp nấu nước pha trà. Tôi định chuyển câu chuyện sang “đất” khác, về kinh tế chăn nuôi chẳng hạn, bởi dân trong vùng đang kêu trời vì nạn cúm gia cầm đi rồi lại về, không cho người nông dân thoát ra khỏi sự túng thiếu. Chuyện bén rễ hào hứng đâu được mươi phút thì đụng đến vấn đề tiền bạc. Vậy là thằng bạn nhà thơ của tôi, nhân vừa đọc tiểu thuyết “Cho em trườn qua anh” đã bắt đầu thao thao bất tuyệt. Như thằng Hoàng Châu thì bữa ni vừa “có tiếng lại có miếng”, khỏi phải bòn rút từng đồng của vợ, khỏi phải sáng sáng tưới rau chiều chiều cắt rau. Viết như rứa mới gọi là viết.
Tôi cố ngăn mà không được. Nó càng bốc chuyện Hoàng Châu tôi càng lo. Thấy vợ cứ thậm thụt vừa xắt mấy lát dưa leo làm mồi vừa nghe ngóng câu chuyện tôi càng thêm ngại. Nàng tốt bụng nhưng hơi trực tính và khá nhạy bén với văn chương. Lỡ không tự kiềm chế được, nàng “nổi máu lý luận phê bình” lên là mệt chuyện. Mang tiếng với bạn bè.
Nhưng rồi điều gì đến phải đến, như người đời phải trả cái gì của đất về cho đất. Vợ tôi vừa bưng dĩa mồi “chân quê” lên, vừa nói: “Tiểu thuyết của Hoàng Châu đáng giá mấy xu đâu mà các anh phải bận tâm. Nghe xôn xao quá, thư viện trường em đòi mua bị em chửi cho một trận. Nhà trường không có cửa cho loại văn chương rẻ tiền ấy. Một tai nạn giao thông có thể gây con số thương tích, chết người cụ thể, còn nguy hại từ một tác phẩm văn chương đồi trụy thì vô chừng và dai dẳng lắm. Những người có chức trách sao cứ nghe lải nhải hoài bài ca chống tệ nạn xã hội mà chẳng chịu ra tay với những trường hợp như thế. Đụng phải tay em hả, em trị cho mà ra bã….
Bạn tôi há mồm ngồi nghe vợ tôi lý sự. Tôi mừng thầm, cái thằng nói nhiều này vuốt mặt còn biết nể mũi. Nhưng chỉ được một chốc thì “máu anh hùng” trong hắn nổi lên. “Chị Sáu nói vậy là không đúng. Phải thay đổi cách nghĩ cách cảm chứ chị. Thời đại thay đổi từ lâu mà văn chương cứ một hai dẫm chân tại chỗ thì ai thèm đọc. Điều tồi tệ nhất đối với con người là không dám nói ra cái mình muốn nói. Như trường hợp sex chẳng hạn, đây là bản năng con người, có gì xấu đâu. Ưng bụng thấy tổ mà nói ra lại sợ dị miệng. Giả dối, với chính mình đã giả dối rồi. Huống chi với người khác.
Vợ tôi hơi run tay cầm ấm trà. Nàng nhìn ông bạn nhà thơ như nhìn người ngoài hành tinh. Tôi đã từng gặp đôi mắt lúc này của nàng vào những khi nổi cơn ghen tam bành. “Các anh hãy mang vứt những thứ rác rưởi của phương tây về cho phương tây. Ở đây là Việt Nam. Vấn đề không phải là nuy, là sex, là dục vọng…mà là cách thể hiện. Mượn ba cái thứ ấy để mập mờ đánh lận con đen, cho rằng mình viết mới, mạnh dạn cách tân thì…buồn cười quá. Người ta cũng viết về bản năng thú tính của con người nhưng bằng sự cảm nhận từ trái tim nhân hậu nên đẹp đẽ và thơ mộng biết bao. Đằng này các anh thì lại nhìn cái đẹp bằng…quả thận. Trong thơ cũng vậy. Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng thật lòng mà nói, nhiều người làm thơ chỉ để dụ gái, kiếm rượu. Tồi bại!....
Chiến sự có vẻ như không còn “cục bộ” mà lan sang cả lĩnh vực thơ ca. Là thằng dạy văn vừa viết văn, tôi biết rõ quan điểm của bạn, của vợ nằm trong sách vở nào, của quan thầy nào. Có khi chỉ là ma đưa lối quỹ dẫn đường. Nhưng tôi phải nhảy vào cuộc, đưa tay ra ngăn giữa hai võ sĩ quyền anh hạng nặng, dẫu tôi chẳng muốn làm cái nghề trọng tài. “Thôi, em hơi quá khích. Phải có sai đúng, xấu tốt, được mất…mới là cuộc sống. Văn chương bây giờ đẻ thêm nhiều chức năng lắm, không như cái thời lý luận phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử…mà anh với em đã học. Độc giả cũng lạ lắm, mỗi người là một tính khí, không ai chịu nghe ai. Viết đôi khi phải biết chiều người đọc một chút….”
Vì phép lịch sự với khách, trọng tài đã có hơi thiên vị, nhưng bạn tôi vẫn không chịu nghe. Nó cứ sấn tới, đòi thách đấu. Cũng may là vợ tôi không biết nghĩ sao lại bỏ xuống nhà bếp. Sau đó tôi nghe tiếng vá nhôm cạo cơm nguội nồi nhôm. Và tiếng nàng ô chó lớn hơn thường ngày.
Cả tuần sau đó, nàng ngủ cong, úp mặt vào tường. Và cũng trong thời gian này, tôi nhận cùng lúc hai tin: Hoàng Châu vừa xuất bản tiếp tiểu thuyết “Thia lia quen bóng” và anh đã được kết nạp vào hội “Những tài năng trẻ thời đại”./.