Władysław Tatarkiewicz 1950, Lê Hải dịch
Husserl khao khát muốn đặt triết học trên nền các ngành khoa học mà bản thân không còn gì có thể lay chuyển nữa. Nhưng khoa học nào đủ sức đứng như vậy? Ông từ bỏ ý nghĩ vốn phổ biến rằng tâm lý học có thể làm điều đó, và dần đi đến tin tưởng rằng vẫn chưa có ngành học nào như thế cả, và cần phải tự lập ra. Và ông đặt tên cho môn này là hiện tượng học. Môn này phải trở thành “khoa học tiên khởi”, là cơ sở cho tất cả các khoa học khác, như là các triết gia mà đặc biệt là Descartes từ lâu vẫn mơ ước.
Môn khoa học tiên khởi này, sẽ cung cấp giả định cho các môn khoa học khác. Bản thân sẽ không có giả định, vì nếu có thì sẽ cần đến một cái nền khác và không thể làm nền cho tất cả. Môn học không có giả định – đó là tính chất đầu tiên. Khoa học này phải tự bỏ mọi giả thiết, kết cấu và chỉ ra định luật với những gì hiển nhiên.
Tính chất thứ hai là tính “hình thể”. Có nghĩa là nghiên cứu không phải hiện tượng trong hình dạng cụ thể, mà chỉ riêng bản chất. Cũng không hỏi hiện tượng giả định - sự vật giả định, giá trị giả định - tồn tại ở đâu, tại sao hiện hữu, hay thậm chí là có tồn tại hay không; chỉ hỏi xem có tính chất gì, và nếu tồn tại thì bản chất là gì.
Nhưng sau này ý định của Husserl còn đi theo hướng khác nữa: muốn tìm ra phương pháp triết học nào không giả định về sự tồn tại của thế giới hiện thực mà thông qua phân tích nhận thức có thể đánh giá liệu có thế giới hiện thực hay không và như thế nào. Phương pháp cơ sở này được gọi là “giản lược chiêm nghiệm” hay phép giản lược của hiện tượng học; tức là loại trừ, trên cơ sở “cho vào ngoặc” như Husserl từng diễn nghĩa, tất cả những gì mà sự hiện hữu không được chính quá trình nhận thức bảo đảm. Phương pháp này nói chung giống như phương pháp của Descartes nghi ngờ và loại bỏ tất cả những gì đáng ngờ. Thế nhưng cuối cùng phương pháp này lại dẫn đến một quan điểm khác: duy tâm.
Như vậy, hiện tượng học bao gồm hai nhánh theo các hướng đi ban đầu: một bên là nghiên cứu sự vật, bên kia là nghiên cứu hoạt động tìm hiểu các sự vật đó. Husserl chủ yếu quan tâm đến hiện tượng học sự vật, còn hoạt động tìm hiểu cũng là mối quan tâm của tâm lý học, cho nên có các ý kiến cho rằng dù ông phản biện tư tưởng tâm lý học, nhưng bản thân lại chịu ảnh hưởng của nó. Thế nhưng đó là hiểu nhầm: tâm lý học và hiện tượng học xử lý hoạt động đó theo cách khác nhau, với tâm lý học là in concreto (trên trường hợp cụ thể) còn hiện tượng học là hình thể (eidos). Tương tự vậy, hiện tượng học cũng không phải là vật lý học, dù cùng nghiên cứu nhận biết hình thể của vật chất.