Richard Weitz, The Diplomat, 06/6/2011
Richard Weitz viết những bình luận hằng tuần về các vấn đề an ninh và chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Ông là giám đốc Trung tâm Phân tích Quân sự Chính trị và Cộng tác viên Cao cấp của Viện Hudson. Các bài bình luận của ông xuất hiện trên International Herald Tribune, The Guardian và Wall Street Journal (Châu Âu), cùng những ấn phẩm khác.
Mặc dầu sức mạnh quân sự và kinh tế đang lên của nó, Nga không coi Trung Hoa là một đe dọa. Những hỗn loạn tiềm tàng ở Trung Á là một vấn đề khác.
http://the-diplomat.com/2011/06/06/what-russia-fears-in-asia/
Tình hình tiến triển ở Trung Á và Pakistan, chứ không phải sức mạnh quân sự đang lớn lên của Trung Hoa thật sự là những mối quan tâm lớn đối với Nga, ít nhất theo các quan chức chính trị và quân sự Nga đã cùng tôi trò chuyện tại một hội nghị quan trọng ở Moscow.
Tôi đã thăm dò nhiều quan chức cao cấp Nga tại cuộc họp không chính thức An ninh và Quốc phòng của câu lạc bộ Vandai Thảo luận Quốc tế về Trung Hoa, và nhận được những câu trả lời có phần đáng ngạc nhiên. Khi xem xét sức mạnh kinh tế và tiềm năng quân sự Trung Hoa ngay cả nhiều nhà phân tích về quốc phòng của Hoa Kỳ tuy không coi Trung Hoa là đe dọa nhưng vẫn coi việc kiềm chế sự lớn lên của nó là một thách thức. Quả thực trong hai năm qua, chính quyền Barack Obama đã tìm cách củng cố hợp tác quốc phòng với nhiều nước châu Á khác lo ngại về sự lớn lên của Trung Hoa, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Và, giống như các chính phủ trước của Hoa Kỳ, họ cũng kêu gọi các nhà lập chính sách của Trung Hoa làm cho các chương trình và chính sách quốc phòng của họ trở nên minh bạch.
Trái lại, các nhà lãnh đạo Nga khi phát biểu công khai luôn luôn nhắc lại quan điểm chính thức rằng Nga và Trung Hoa là những đối tác chiến lược, rằng thay vì sợ Trung Hoa lớn lên, Moscow hoan nghênh nó như một nhân tố ổn định ở châu Á. Và mặc dầu vị quan chức quân sự cao cấp mà tôi gặp ở Moscow nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc phòng Nga thường xuyên theo dõi những phát triển quốc phòng của Trung Hoa, và thấy dấu hiệu rõ ràng về những khả năng của Trung Hoa đã được cải thiện, nước này vẫn không coi Trung Hoa là một mối đe dọa hiện tại hay đang nổi lên.
Một viên tướng cao cấp Nga xác nhận rằng các lãnh đạo quốc phòng Nga thường xuyên thảo luận về Trung Hoa với các đồng nhiệm của họ ở Mỹ, và thêm rằng đó là bởi vì các lãnh đạo Nga lo ngại về những căng thẳng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ có thể tác động tiêu cực đến an ninh ở châu Á nói chung, và nước Nga nói riêng.
Tuy nhiên một số nhà phân tích quốc phòng Nga tại hội nghị hơi thiếu lạc quan về sự lớn lên về tiềm năng quân sự Trung Hoa. Chẳng hạn, một người nói với đại biểu Nhật Bản duy nhất, người đã đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này, rằng đừng lo về việc có thể đặt một trong những tàu chiến Mistral ở miền Viễn Đông Nga, bởi vì chức năng của nó là để ngăn chặn Trung Hoa, không phải để đánh Nhật Bản.
Quả thật việc đổ vỡ trong vụ bán vũ khí Nga cho Trung Hoa trong mấy năm gần đây đã dẫn đến nhiều nhà phân tích quốc phòng phương Tây tin rằng Nga thực chất đã bỏ Trung Hoa. Trong quá khứ, Moscow có thể đã dựa vào việc Trung Hoa mua nhiều hệ thống vũ khí công nghệ cao từ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. Và, theo sau quyết định của các chính phủ phương Tây áp đặt cấm vận vũ khí lên Trung Hoa sau sự cố Thiên An Môn năm 1989, một lệnh cấm nói chung vẫn còn hiệu lực đến hôm nay, Trung Hoa nổi lên như một trong những khách hàng tin cậy nhất của các hạng mục quốc phòng Nga. Trong gần hai thập niên, Trung Hoa đã thanh toán khoảng từ một phần tư đến một nửa lượng hàng quân sự bán ra nước ngoài của Nga, Trung Hoa mua các sản phẩm quân sự của Nga nhiều hơn của tất cả các nước khác cộng lại. Trong những năm 1990 giá trị mua bán này lên đến 1 tỉ $ mỗi năm, trong khi giữa những năm 2000, con số này lên trên 2 tỉ $ mỗi năm.
Nhưng từ bấy đến nay điều này đã thay đổi trông thấy. Từ 2005, Trung Hoa đã ngừng mua tầu chiến hay máy bay chiến đấu của Nga, và đã thôi ký những hợp đồng mới mua bán vũ khí nhiều tỉ đô la. Các nhà cung cấp Nga hiện nay chủ yếu chỉ tiếp tục thực hiện những hợp đồng quá khứ (như giao tên lửa phòng không S-300,) hiện đại hóa những hàng đã giao trước, hay cung cấp công nghệ chuyên môn hóa, như những động cơ máy bay công suất cao cho các phản lực cơ chiến đấu, trong đó các nhà chế tạo của Nga giữ được một lợi thế rõ ràng. Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí do nhà nước kiểm soát , Rosoboronexport, đã tiên đoán rằng giá trị vũ khí Nga bán cho Trung Hoa có thể sụt xuống tới ít nhất 10 phần trăm giá trị của toàn bộ xuất khẩu quân sự của Nga trong những năm tới.
Nhưng vị lãnh đạo hãng quốc phòng đã ăn tối với chúng tôi khẳng định rằng các công ty Nga vẫn còn thấy cơ hội để bán vũ khí cho Trung Hoa để kiếm thêm lợi nhuận. Mặc dầu ông ta thừa nhận rằng Nga đã giúp góp phần cải tiến chất lượng công nghiệp quốc phòng Trung Hoa thông qua việc chuyển giao bằng sáng chế các công nghệ Su-27 và các phương tiện khác, ông vẫn thấy những cơ hội hợp tác có lợi với Trung Hoa nhờ sự thừa nhận của nhiều (nếu không phải tất cả) thành viên của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ rằng Trung Hoa vẫn còn cần dựa vào các đối tác nước ngoài, bởi vì công nghiệp nội địa của nó vẫn chưa đủ khả năng tự nó làm được tất cả mọi thứ.
Lãnh đạo hãng quốc phòng nói thêm rằng ông ta cũng không coi công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Hoa là một đe dọa cạnh tranh. Khi tôi hỏi về các "chiến đấu cơ thế hệ thứ 5" của Trung Hoa, ông trả lời rằng người Trung Hoa sẽ phải "đi một đoạn đường dài" trước khi họ chế tạo được một máy bay thế hệ 5 tương đương với T-50 của Nga. Ông cũng thêm rằng mặc dầu một số trong các hệ thống con của J-20 của Trung Hoa có thể được coi như thế hệ 5, Trung Hoa sẽ còn cần nhiều thời gian để kết hợp tất cả các hệ thống con này một cách hiệu quả và sản xuất ra một chiếc máy bay thật sự tối tân.
2.
Vậy thì người Nga lo ngại điều gì? Các lãnh đạo quốc phòng dường như tập trung hơn vào Trung Á, vì tin rằng sự mất ổn định ở đó sẽ tăng lên từ những tác động dễ lây truyền của những rối loạn về kinh tế chính trị và xã hội ở Bắc Phi và từ việc các lực lượng NATO rút khỏi Afghanistan trong những năm tới. Những người nói chuyện với tôi đặc biệt lo lắng về những xung đột nội bộ mới ở Kyrgyzstan, sự nổi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Hồi giáo ở Tajikistan, và thất bại của Mỹ và NATO trong việc ổn định tình hình ở Afghanistan trước khi họ rút các lực lượng chiến đấu về. Các nhà hoạch định chính sách Nga sợ rằng những phức tạp do những thay đổi này gây nên sẽ làm tăng nguy cơ khủng bố và buôn lậu ma túy vào Nga, cũng như thách thức các lợi ích kinh tế của Nga ở đó, như tiếp cận và kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt.
Để đối phó với nỗi sợ thật sự về hỗn loạn ở Trung Á, Nga đang dựa mạnh vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thế (CSTO) bẩy thành viên. Một viên tướng cấp cao phụ trách việc lập kế hoạch và các chiến dịch của quân đội Nga nói rằng các nước, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Russia, Tajikistan và Uzbekistan đã khắc phục được nhiều thiếu sót mà ông xác nhận rằng CSTO đã trải qua mùa hè vừa rồi, khi nó tê liệt trong cuộc khủng hoảng Kyrgyzstan. Ông ta nói rằng CSTO hiện nay có khả năng quân sự, kế hoạch tác chiến và cơ sở pháp lý để tiến hành những cuộc can thiệp nhanh ở Kyrgyzstan, Tajikistan và thậm chí có thể cả Afghanistan với lý do chống khủng bố, giữ gìn hòa bình và những cớ khác.
Ông ta còn nói ông cảm thấy các lãnh đạo quân sự các nước thành viên CSTO đã đạt được sự đồng thuận thật sự về tổ chức. Kazakhstan chẳng hạn, đã trở thành một đối tác đặc biệt gần gũi của nước Nga trong việc xây dựng một CSTO mới và hiệu quả hơn, và viên tướng này nói rằng ông ta đang chờ đợi một cuộc tập trận lớn mà CSTO có kế họach tổ chức vào mùa hè và đầu thu năm nay để xác nhận tiến bộ đó. Ông và nhiều người Nga khác thôi thúc NATO lập những quan hệ trực tiếp với CSTO, biết rằng nó rất có thể đóng một vai trò lớn hơn ở Trung Á khi các quân đội phương Tây rời khỏi Afghanistan.
3
Tuy nhiên thật thú vị, từ cuộc họp của chúng tôi, ngày càng trở nên rõ ràng là các lãnh đạo quân sự và dân sự của Nga nhìn tiềm năng CSTO hoàn toàn khác nhau. Trái ngược với phát biểu lạc quan của các lãnh đạo quân sự Nga, về các khả năng và sự cố kết trong tương lai của tổ chức này, các quan chức dân sự lập chính sách quốc phòng và các nhà phân tích coi sự bất đồng quan điểm về an ninh của các nước thành viên là một vấn đề lớn. Chẳng hạn, các thành viên CSTO như Belarus và ngay cả Armenia đang bận tâm với những vấn đề an ninh khác về cơ bản với bốn thành viên Trung Á khác. Vì lý do này, họ coi CSTO chủ yếu như một 'tổ chức chính trị' xác nhận vị trí đứng đầu của Moscow ở Trung Á, hơn là một lực lượng quân sự lớn.
Tương tự họ cũng đánh giá thấp tiềm năng quân sự của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), không giống CSTO nó gồm cả Trung Hoa nhưng không có Armenia và Belarus. Họ nói họ tin rằng nó sẽ tiếp tục tập trung vào chống khủng bố hơn là phát triển các khả năng hợp tác quân sự chung giữa các nước thành viên. Theo quan điểm của họ, SCO, cũng có một chức năng chính trị là chủ yếu, làm nản chí những sự kình địch tiềm tàng giữa Trung Hoa và Nga trong vấn đề kiểm soát Trung Á.
Nhìn xa hơn ra ngoài mặt trận này, các quan chức quốc phòng Nga nói nhiều về các quan hệ an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nước này là đối tác chủ yếu của Nga trong việc đảm bảo an ninh của Hắc Hải chống lại cướp biển, khủng bố và các mối đe dọa khác. Chẳng hạn họ nói họ lấy làm tiếc rằng các nước Hắc Hải khác đã từ chối đề nghị của Nga và Thổ về mở rộng hợp tác an ninh đa phương trong khu vực Hắc Hải, qua đó một lượng đáng kể dầu khí châu Á được chuyển vào các thị trường châu Âu.
Tuy nhiên dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, phòng thủ tên lửa vẫn còn là vấn đề căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Vấn đề cơ bản là, không giống như các đối tác NATO của mình, các lãnh đạo Nga không coi Iran là một đe dọa đối với an ninh châu Âu. Như một quan chức cao cấp bộ quốc phòng diễn tả: 'người Iran không điên đầu. họ sẽ không bao giờ tấn công châu Âu.' Và vị quan chức đó coi mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Nga cũng không thể xảy ra. 'Theo quan điểm của tôi,' ông ta nói, 'đe dọa thật sự đối với nước Nga đến từ Pakistan' mặc dầu ông nói rõ mối đe dọa ấy nảy sinh đơn giản từ việc những kẻ Islamist quá khích ở chung một nơi với các vật liệu hạt nhân, điều này cũng làm các quan chức phương Tây lo ngại.
Xét đến những nhận thức khác nhau về mối đe dọa, và mang trong tâm trí những thông điệp tại một chỉ thị của Nga nói rằng Hoa Kỳ đang đơn giản sử dụng mối hiểm họa Iran như một cái cớ để xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh hơn chống lại Nga, vị quan chức cao cấp bộ quốc phòng nói ông thấy ít có lý do tại sao nước ông nên giúp xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đe dọa tiềm tàng đối với các lực lượng hạt nhân của Nga. Họ sẵn sàng nhìn theo cách khác, ông nói, nếu NATO muốn "tiêu phí toàn bộ số tiền" vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng chỉ nếu Nga nhận được bảo đảm bằng văn bản rằng các khả năng của hệ thống được giữ trong giới hạn đủ để không đe dọa các lực lượng hạt nhân của nước Nga.
Nhưng còn một cường quốc đang lên khác, Ấn Độ, thì sao? Người lãnh đạo công ty quốc phòng biểu lộ đôi chút tức giận với người Ấn Độ, vì đã quên rằng chính Nga, chứ không phải Ấn Độ, là đối tác dẫn đầu trong mối quan hệ quốc phòng của họ. Ông ta nhận xét, chẳng hạn, mặc dầu quyết định của bộ quốc phòng Ấn Độ loại bỏ các máy bay Nga (và Mỹ) khỏi vòng cuối trong cuộc cạnh tranh bán cho Ấn Độ những máy bay chiến đấu đa năng, ông vẫn coi Ấn Độ như một thị trường tốt – chừng nào người Ấn Độ đánh giá đúng rằng Nga có những "thứ có ích" chào bán./.