Tiểu phẩm:
Gà không cục tác, làm sao ta biết gà đẻ. Với nữa, đẻ ra trứng hồng cho thiên hạ có con dòng, cháu dõi, cũng đáng cục tác lắm chứ. Đằng này, chín chữ cù lao, mang nặng đẻ đau, làm sao mà không cục tác cho được. Xuân Diệu từng thốt lên: “Mỗi ngày vui một quả trứng hồng”. Ôi chao là cái sự vinh thiêng của sinh nở!
Nhưng ông ba ta có vẻ còn tinh tướng hơn nhiều. “Gà đẻ gà cục tác”, còn có nghĩa khoe khoang, bố cáo. “Thấy chưa, tôi lại đẻ trứng đây nè!”. Nhưng trứng gì mới được. Chuyện xưa có gà đẻ trứng vàng. Vàng ròng một loạt số 9 cơ đấy. Đẻ ra đẻ đấy chứ. Trứng của tớ là trứng vàng. Còn trứng của các cậu, giỏi lắm cũng chỉ nở ra gà, còn không thì ung, thì xác. Đương nhiên tớ phải cục tác cho các cậu biết mặt.
Tôi nhớ có câu chuyện. Thôn nọ muốn thay tay trưởng thôn hách dịch bằng trưởng thôn khác. Trưởng thôn nói: “Được thôi! Nhưng giỏi thì thiên hạ thử bắt gà đen đẻ trứng đen xem nào!”. Tất nhiên không ai làm được chuyện trái khoáy ấy. Trưởng thôn cười hề hề: “Thấy chưa! Không kiếm được người làm khác tôi, thì cử họ lên làm gì! Họ cũng có bắt gà đen đẻ trứng đen được đâu! Rốt cục, hết thảy cũng gà cùng một mẹ, đá đáp nhau làm gì; ai lên chức trưởng thôn rồi mà không vậy. Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Và… trưởng thôn vẫn cứ làm trưởng thôn. Ông ta quan liêu, hách dịch, thì cũng như người khác hách dịch, quan liêu, chứ có khác gì. Lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng. Suy cho cùng, từ xưa tới nay, gà vẫn đẻ và gà vẫn cục tác. Chỉ có gà đẻ mà không cục tác mới là chuyện lạ.
Sách nhà Phật có chuyện, kể rằng: Anh nọ mắc chứng sợ gà, bởi hoang tưởng mình là hột bắp. Người nhà đem vô viện tâm thần. Bác sĩ cho anh ta câu thần chú, niệm hàng ngày. “Tôi không phải là hột bắp”. Anh nọ thuộc nằm lòng, sung sướng trở về nhà, vừa đi vừa hùng hổ: tôi không phải là hột bắp. Dáng vẻ oai phong như chưa hề biết sợ gà là gì. Tới ngõ, thấy con gà nhởn nhơ mổ hột bắp trên sân, anh ta tá hỏa tam tinh, vùng chạy đáo trở lại. Thấy anh nọ hớt hơ hớt hãi, lại mồ hôi túa ra như tắm, bác sĩ hỏi: “Sao vậy?”. Anh chàng hột bắp, vừa run lập cập, vừa hổn hển trả lời: “Thưa bác sĩ! Đã đành tôi biết tôi không phải là hột bắp, nhưng liệu con gà nó có biết không?”.
Ấy, cái chuyện sợ gà ngày xưa ghê gớm là vậy, nhưng sao bằng năm rồi dân ta sợ cúm gà. Một đằng chỉ là hoang tưởng, còn một đằng là sự thật cơ mà. Chàng hột bắp sợ gà thì phải đi viện, còn hậu duệ sợ gà thì cạch gà ra, nổi lửa tru di tam tộc họ nhà gà. Trống mái, tre nòi, ó chuối, lớn bé, to nhỏ… cứ là chết chùm cả nút, cả nút. Nguy cơ bị liệt vào sách đỏ là rành rành. Vậy tam tổ họ nhà gà, hỏi làm sao không cục tác!
Con khóc mẹ mới biết đặng cho bú sữa. Còn gà cục tác… phải chăng… tặng một nắm lá chanh cho rồi?..