Có thể nói Phong Kiều dạ bạc [楓橋夜泊] là một thi phẩm được ngàn đời xưng tụng là tuyệt tác. Thanh thế của Phong Kiều dạ bạc không chỉ dừng lại ở quê hương sản sinh ra nó mà đây còn là bài thơ Đường được các nước đồng văn (Việt Nam, Nhật Bản) vô cùng mến mộ. Ắt hẳn cũng vì lẽ ấy mà xung quanh bài thơ vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất về cách hiểu một số từ. Đây cũng là vấn đề của những cuộc tranh luận học thuật sôi nổi. Có thể tóm gọn lại như sau: ngoài cách hiểu truyền thống ([1]), một số các ý kiến đề xuất nên hiểu:
- Ô Đề là tên thôn
- Giang Phong, Ngư Hỏa đều là địa danh
- Sầu Miên là tên núi...
Cụ thể là cách hiểu của các tác giả Thái Anh, Trần Yên Thảo, Trần Đắc Thọ…Tuy nhiên, những ý kiến này chưa có những chứng cứ thật đáng tin cậy. Qua những bài viết phản hồi của những nhà nghiên cứu lão thành như Nguyễn Khắc Phi, Kiều Thu Hoạch…nhìn chung cách hiểu truyền thống vẫn tỏ ra ưu thế hơn([2]).
Nguyên tác chữ Hán
月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船
Phiên âm
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khác thuyền.
Dịch nghĩa
Trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời
(Khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của đèn chài và lùm cây phong bên sông.
Chùa Hàn Sơn ở ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm tiếng chuông văng vẵng vọng đến thuyền khách
Dịch thơ
Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chày cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
(K.D dịch, trong Thơ Đường, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)
Phong Kiều dạ bạc, là thi phẩm có sức thu hút mạnh mẽ đối với độc giả của nhiều thế hệ. Có lẽ, sức thu của thi phẩm này ở cách tạo dựng ngôn từ nghệ thuật đặc sắc.
Mở đầu bài thơ với ba ngữ đoạn đối nhau:
Nguyệt lạc / Ô đề / Sương mãn thiên
C-V / C-V / C-V
Đã cho thấy sự vận động của cảnh vật và cả sự vận động của thời gian. Vẫn là những hình ảnh đặc trưng của Đường thi nguyệt, sương tuy nhiên ở đây ta thấy sự liên hội những hình ảnh này trong cấu trúc đối ngữ đoạn đã kiến tạo nên sự chuyển cảnh từ đó gợi cho người đọc những cảm nhận về không gian và cả thời gian: Trăng lặn, bất chợt có tiếng quạ kêu, ngoài trời sương giăng đầy. Qua làn sương phủ ấy, thi nhân cảm nhận được phía ngoài con thuyền là khoảng không bao la, vắng lặng. Tiếng quạ kêu càng khắc sâu hơn sự vắng lặng và tĩnh mịch ấy, thủ pháp quen thuộc của Đường thi đã được sử dụng, dĩ động tả tĩnh. Ở đây thi nhân không trực tiếp đối diện với cảnh mà chủ yếu là cảm nhận những biến thái cảnh vật từ trong con thuyền hải hồ của mình. Thế nên ý sương mãn thiên cứ tưởng không phù hợp với thực tế lại quá ra rất phù hợp. Sương không thể phủ đầy trời được. Sương là do "Hơi nước ngưng tụ lại thành hạt trắng rất nhỏ bay lơ lửng trong lớp không khí gần mặt đất" ([3]) . Như vậy cho thấy điểm nhìn của tác giả ở đây phải là ở trong lòng thuyền. Vì trong lòng thuyền tầm mắt bị hẹp lại nên tác giả nhầm tưởng là sương phủ đầy trời.
Ở câu thơ này một số học giả cho rằng có một ý không hợp với thực tế nữa là ô đề. Vì họ cho rằng ban đêm làm gì có tiếng quạ kêu. Đây cũng chính là căn cứ của một số người vin vào để khẳng định ô đề là địa danh. Quả thật trong thực tế, quạ là loài chim ít kêu về đêm tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất thường. Vì một lí do nào đó mà lũ quạ bất giác kêu trong đêm. Nếu không phải thế thì Tào Tháo đã không viết trong
Đoản ca hành [短歌行]:
月明星稀
烏鵲南飛
繞樹三颯
無枝可衣
Nguyệt minh tinh hi,
Ô thước nam phi.
Nhiễu thụ tam táp,
Vô chi khả y.
(Trăng sáng sao thưa - Quạ bay về nam - Lượn ba vòng cây – không cành nào có thể nương tựa)
Và thi tiên Lí Bạch đã không có một bài thơ với tiêu đề Ô dạ đề ([4])(Quạ kêu trong đêm)...Trong thơ cổ điển của Việt Nam cũng có thấy xuất hiện hình ảnh này ví dụ như trong thơ của Nguyễn Xuân Ôn ([5]), bài Hộ giá hạnh Thúy Sơn cảm tác có câu:
山樹月明看繞雀
江楓霜滿聽啼烏
Sơn thụ nguyệt minh khan nhiễu tước
Giang phong sương mãn thính đề ô
(Trăng sáng cây đầu non, thấy đàn chim sẻ bay quanh - Cây phong bên sông sương nhuốm đầy, nghe bầy quạ kêu)
Hay trong thơ của Lê Quý Đôn:
墙角烏啼深夜月
Tường giác ô đề thâm dạ nguyệt ([6])
(quạ kêu ở góc tường lúc trăng sáng canh khuya)
Vậy là đã khá rõ, cái lí do khiến cho bầy quạ giật mình kêu giữa trời đêm chẳng phải được thi nhân tạo dựng bằng thủ pháp dĩ động tả tĩnh theo kiểu Nguyệt xuất kinh sơn điểu - Thời minh tại giản trung ([7]) đó sao?
Câu khai vốn đã hay, câu thừa càng hay hơn một bậc:
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Trong cuốn Tự học Hán văn, Nguyễn Khuê hiểu câu thơ trên như sau: "Hàng cây phong bên bờ sông, ánh đèn thuyền chài đối cùng khách đang thao thức sầu" (trong khoang thuyền đậu tại bến Phong kiều). Nguyễn Quảng Tuân, trong Kiến thức ngày nay (số 388 ra ngày 20/5/2001) lại hiểu: "Khách (tác giả) nằm trong thuyền ngó ra ngoài thấy hàng cây phong ở trên bờ sông và những ánh đèn thuyền chài trước bến trong lòng sinh ra buồn bã nên cứ mơ màng không ngủ được". Sách giáo khoa Ngữ văn 7 thì dịch thành: (Khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của đèn chài và lùm cây phong bên sông. Nguyễn Thị Bích Hải, trong cuốn Bình giảng thơ Đường, hiểu theo hướng khác: "Cây phong bên bờ sông, ngọn lửa đèn chài, (khách) ngủ với nỗi buồn". Nguyễn Cảnh Phúc, trong một bài viết trên tạp chí Hán Nôm ([8]) đã đề xuất cách hiểu câu thơ trên như sau: "Rặng cây phong bên bờ sông và ngọn lửa trên thuyền chài đang đối diện với nhau mà ngủ một cách buồn rầu".
Sở dĩ có nhiều cách hiểu cho một câu thơ như vậy, thiết tưởng không có gì là lạ. Bởi Vì yêu cầu kiệm lời nên những thủ pháp như đảo trang, tỉnh lược được sử dụng một cách rất phổ biến trong luật thi. Hệ quả là một số câu thơ sẽ có nhiều cách hiểu. Và như vậy việc còn lại của độc giả là trong số nhiều cách hiểu ấy chọn riêng cho mình một cách hiểu, miễn sao phù hợp với logic bài thơ là được([9]). Riêng chúng tôi vẫn tán thành hơn cách hiểu của Nguyễn Khuê và Nguyễn Quảng Tuân. Bởi lẽ, nếu hiểu như Nguyễn Thị Bích Hải hay Nguyễn Cảnh Phức thì làm sao lí giải được một người đã ngủ rồi làm sao có thể biết được trăng lặn, quạ kêu, sương giăng đầy trời và thậm chí mang cả " nỗi sầu" vào giấc ngủ (Mặc dầu miên [眠] nghĩa là ngủ). Đối sầu miên [對愁眠]có thể nói là một cụm từ "đắc" nhưng rõ ràng không hề đơn giản để hiểu và dịch. Theo nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch thì ở Trung Quốc với cụm từ trên, người ta đã chú như sau: "Bản Đường thi tam bách thủ, Tân Cương, 1997, chú rằng, "Sầu miên: chỉ hoài trước lữ sầu thảng tại thuyền thượng đích du nhân" ([10]) (Sầu miên: chỉ người du khách mang nỗi sầu lữ thứ nằm thao thức trên thuyền). Bản Đường thi tam bách thủ, Thượng Hải cổ tịch, 1999, thì chú "Sầu miên: dạ sầu bất miên chi nhân" ([11]) (Sầu miên: chỉ người đêm buồn sầu không ngủ được)" ([12]). Vậy đến đây là đã rõ, trộm nghĩ cũng không cần tranh luận thêm làm gì.
Hai câu thơ đầu vốn đã rất đặc sắc nhưng linh hồn của bài thơ lại nằm ở hai câu cuối
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Câu chuyển, "Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự", không là một câu thơ đột xuất, nó giản đơn chỉ là một câu trần thuật thuần túy "Chùa Hàn Sơn ở ngoài thành Cô Tô". Nhưng chính câu trần thuật ấy lại có tác dụng nối kết hình ảnh người lữ khách đang trực diện với nỗi sầu quạnh vắng trên con thuyền cô đơn ở câu thơ trên và tiếng chuông chùa vọng lại trong đêm khuya ở câu thơ cuối.
Bản dịch của K.D vốn được nhiều người yêu thích. Thế nhưng rất tiếc bản dịch ấy lại thất suất ở ngay chính câu thơ đặc sắc nhất của thi phẩm: Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Vì nếu như hiểu theo bản dịch thơ của K.D thì chủ thể trữ tình chính là người chủ động nghe tiếng chuông chùa, trong khi nghĩa gốc của nguyên tác thì ngược lại: Nửa đêm tiếng chuông văng vẵng vọng đến thuyền khách.
Để làm rõ vấn đề này ta thử nối kết hai câu thơ lại trong cái nhìn liền mạch:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự / Dạ bán / chung thanh / đáo khách thuyền
Trạng ngữ chỉ nơi chốn / Trạng ngữ chỉ thời gian/ chủ ngữ / Vị ngữ
Như vậy từ cấu trúc trên ta thấy, lúc này tiếng chuông chùa phải là chủ thể "chủ động" tìm đến thuyền khách chứ không thể hiểu ngược lại: "Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn". Tiếng chuông ngân nga trong đêm khuya từ chùa Hàn San như một thứ nước cam lộ diệu kì xua hết những mê kiến trong lòng người lữ khách đang dấn thân trên bước hải hồ bôn ba.
Con người trung đại tin ở sự thống nhất trong thế giới. Thiên nhiên là bạn tri âm tri kỷ của con người. Người phương Đông xưa quan niệm: thiên nhiên có mối giao hòa giao cảm với con người bởi con người là một "tiểu vũ trụ" có quan hệ tương thông tương cảm với "đại vũ trụ" - thiên nhiên ngoại giới. Do quan niệm con người và thiên nhiên có mối giao cảm đặc biệt như thế nên thiên nhiên cũng là thiên nhiên hữu linh, hữu tâm, hữu tình. Khi con người bất đắc chí thì con người tìm về với thiên nhiên tạo vật, vũ trụ như tìm về với nguồn cội. Con người cô đơn, cảm thấy mình là trung tâm , là khách để thu nhận mọi âm ba của đất trời non nước. Nhân vật trữ tình trong hai câu thơ này cũng không nằm ngoài qui luật trên. Nếu ở hai câu thơ khai thừa, nghệ thuật "dĩ động tả tĩnh" đã được vận dụng thành công thì ở câu thơ chuyển hợp, Trương kế đã sử dụng tiếp một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc khác của Đường thi, thủ pháp "tá thanh truyền ảnh". Tiếng chuông ngân nga vọng đến từ chùa Hàn San gợi ra hình ảnh của một đêm thanh vắng. Tiếng chuông này không đơn thuần là một thứ âm thanh của thế giới khách quan mà nó đã được "phổ" vào tâm tình của con người. Và nó đã tìm đến con người để giãi bày, để chia sẻ nỗi cô đơn quạnh vắng trong thẳm sâu tâm tư của khách hải hồ. Chữ "đáo" vì thế hẳn nhiên đã trở thành nhãn tự của cả bài thơ. Chính câu thơ cuối này đã hoàn chỉnh thế giới nghệ thuật của Phong Kiều dạ bạc, đã phong kín niềm ngưỡng mộ của khách văn chương trong mười mấy thế kỉ qua đối với áng Đường thi tuyệt bút "vĩnh thùy bất hủ" – còn mãi không mờ.
Phụ lục
Truyện kể rằng: Trương Kế, sau khi viết được hay câu thơ đầu thì mất hứmg không thể viết được nữa vì hai câu đầu được viết rất tốt rồi. Hai câu sau phải hay hơn hoặc cân xứng với hai câu đầu mới được. Ông đang băn khoăn thao thức. Lúc ấy thì ông bỗng nghe tiếng chuông chùa Hàn San vang vọng trong đêm khuya. Bởi vì cùng lúc ấy, hòa thượng trụ trì chùa Hàn San cũng đang làm được hai câu thơ hay nhưng cũng như Trương Kế ông không triển khai tiếp được. Tương truyền hai câu thơ ấy là:
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
(Đêm nay đầu tháng trăng mờ - Nửa như móc bạc nữa ngờ vành cung)
Vị sư già mãi thao thức vì bài thơ chưa hoàn chỉnh đúng lúc ấy thì có một chú tiểu lò dò đi đến trình cho hòa thượng xem hai câu thơ mới làm. Xem xong sự cụ hoan hỉ vì ghép hai câu của ông và hai câu chú tiểu sẽ thành một bài thơ hoàn chỉnh. Nội dung của hai câu sau là:
Thùy bả kim bôi phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để, bán phù không
(Hồ xanh ai xẻ đôi vừng – nửa chìm đáy nước, nửa lồng chân mây ([13]))
Sư cụ sai chú tiểu ra thỉnh chuông còn mình đi thắp hương để tạ ơn Phật Tổ. Và cũng chính tiếng chuông ấy đã gợi hứng để Trương Kế hoàn thành hai câu thơ cuối./.
Chú thích
([1]) Hiểu như trong phần dịch nghĩa mà chúng tôi đã trình bày phía trên
([2]) Thái Anh - Từ một áng thơ Đường đến với một tập thơ đương đại - Văn nghệ số 36 (67)-1998; Nguyễn Khắc Phi - Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc - Văn nghệ trẻ số 1 (68) – 1998; Nguyễn Cảnh Phức - Một cách tiếp cận bài thơ Phong Kiều dạ bạc - Tạp chí Hán Nôm số 5 (2004); Nguyễn Tất Phan - Nói thêm về bài thơ Phong Kiều dạ bạc - Tuần báo Văn nghệ số 29 (2004)….
([3]) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1992
([4]) Nguyên văn chữ Hán
烏夜啼
黃 雲 城 邊 烏 欲 棲
歸 飛 啞 啞 枝 上 啼
機 中 織 錦 秦 川 女
碧 紗 如 湮 隔 窗 語
停 梭 悵 然 憶 遠 人
獨 宿 孤 房 淚 如 雨
([5]) Nguyễn Xuân Ôn (1825 – 1889) người Lương Điền – Đông Thành – (Nay là xã DiễnThái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) làm quan dưới triều Tự Đức.
([6]) Bài Yết Lê Thiếu Phó công từ đường (Tồn Am Bùi Huy Bích - Hoàng Việt thi tuyển – Trung tâm nghiên cứu quốc học – NXB Văn học - 2007)
([7]) Điểu minh giản – Vương Duy
([8]) Một cách tiếp cận bài Phong Kiều dạ bạc - Tạp chí Hán Nôm số tháng 5/2004
([9]) Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác thiết tưởng cũng rất cần phải tra cứu một cách cẩn thận.
([10]) Nguyên văn chữ Hán: 愁 眠 : 指 怀 著 旅 愁 躺 在 船 上 的 游 人
([11]) Nguyên văn chữ Hán: 愁 眠 : 夜 愁 不 眠 之 人
([12]) Lại bàn về Phong Kiều dạ bạc – Bài thơ gây xôn xao dư luận ngàn năm - Tạp chí Hán Nôm, số 4, 2005