Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này. Trần Hoàng Phố cũng tổ chức ngôn từ một cách tinh tế như thế. Nhưng ông biết chọn lọc và định hướng con đường thơ ca của mình bằng năng lượng siêu thực. Điều ấy được thể hiện rất rõ qua “Bóng của con nhân sư”(1).
Chạm vào tận cùng của bản chất sự vật, thế mạnh thơ siêu thực sẽ phát khởi mọi khả năng của trí tuệ và mới lạ của câu chữ. Những câu thơ siêu thực trong “Bóng của con nhân sư” xáo trộn, chia cắt hệ thống đau thương bằng cảm quan phi lý. Cái tôi bị cắt xé bằng sự suy ngẫm. Nó là kết quả nghiệm chứng của dòng chảy tư tưởng. Chính vì thế, Trần Hoàng Phố phá bức tường cổ điển của những tập thơ trước, hệ thống, cân bằng chúng bằng dạng thức tự do: lắp ghép từ, câu ngắn dài đan cài, câu thơ thiết kế tầng bậc...; bằng những hình ảnh phi lý, chênh vênh giữa cõi thực và cõi mộng; bằng sự kết hợp không-thời gian siêu thực, siêu cảm. Năng lượng cảm xúc thơ từ đó rộng mở đa chiều. Cảm xúc thăng hoa cái vô tận của bản ngã.
Bóng và hành trình tìm bản ngã
So với tập "Cõi nhân gian lạ lẫm", "Quê quán tôi xưa"(2), âm hưởng kí ức của tập “Bóng của con nhân sư” tuôn trào mạnh mẽ hơn. Vấn đề này thể hiện khá rõ nét qua hình ảnh "bóng". Hình ảnh “bóng” ám ảnh, trở đi trở lại trong hầu hết các bài thơ: Hình như là bóng của nỗi bình an; Chén mộng du này đầy bóng hình xa xôi; Bóng của một cái bóng; Và cái bóng lắc lư buồn rầu khốn khổ trong anh; Bóng trần gian não nùng in rợn giữa sao khuya; Bồng bềnh đêm chếnh choáng bóng mồ côi; Phế tích buồn trong bóng chiều huyền thoại/ Bóng vương tôn vua chúa đi về/ Những chiếc bóng nổi trôi ở chân trời phù du huyền ảo/ Một nụ cười buồn của Vô thường (Phế tích buồn)... Cảm xúc hướng nội, nên các con chữ trong thơ Trần Hoàng Phố rượt đuổi đến tận cùng của hồi ức, của kỷ niệm. Chúng nhào nặn, quấn riết cái tôi đa cảm và mở ra những tầng ngầm day dứt:
Ta như ráng mây chiều ngủ yên trong giếng cổ
Nơi giấc mơ ngàn đời
Bóng trần gian não nùng in rợn giữa sao khuya
(Bóng thời gian)
Cuộc đời là ảo ảnh. Thế giới này (thế giới hiện hữu) chỉ là cái bóng, còn thế giới bên kia (thế giới phi hiện hữu) mới là thế giới của sáng tạo, của tâm linh tồn tại trong trường vô thức của người nghệ sĩ. Theo Platôn, mọi sự vật đều chỉ là hiện thân của các ý niệm, là cái bóng của ý niệm. Ngoài thế giới vật chất đang hiện hữu còn có một thế giới khác – thế giới của ý niệm. Đối với những người theo chủ nghĩa siêu thực thì "không có hai thế giới, nhưng nếu thế giới bên ngoài được chiếu sáng cũng bởi một thế giới bị che khuất, thì thế giới bị che khuất này mới là thế giới đơn thuần trần thế"(3). Hoặc như Đỗ Lai Thúy đã khẳng định: "người ta tưởng không có thế giới bên kia, chỉ có một thực tại duy nhất nhưng thực ra còn có một thực tại khác. Chủ nghĩa siêu thực ra đời minh chứng cái thực tại này. Đó là thơ của tiềm thức, của giấc mơ, của mê sảng, của lối viết tự động"(4). Ở đây, Trần Hoàng Phố đối thoại với bóng, xem bóng là cái "siêu tôi". Nhưng cuộc đời chỉ là cái bóng, là "cõi tạm". Cho nên, kí ức được tái hiện bằng những âm thanh, những gương mặt, những cảm giác từ cái tôi thăm thẳm cô đơn. Cái tôi được đặt trong nhiều mối tương quan với các sự kiện khác, tìm đến đa bản ngã từ chính cái bóng của chính mình. Nhà thơ phân thân, đối thoại với chính cái bóng của mình để tìm chân lý cuộc đời ở thế giới vô hình: "Bóng của thời gian in trên ngưỡng cửa/ Hình như cái kiếp người khắc khoải/ Không ngừng hỏi anh, tra vấn anh/ Bóng cây sầu đông chờn vờn trong gió/ Hay cái bóng người khốn khổ trong anh/ Cứ lắc lư buồn rầu/ Thì thầm những lời kỳ lạ rên rỉ" (Sấm truyền và lời hiến tế). Nhà thơ còn đối thoại với nhiều cái bóng khác. Đó là bóng của nhân gian: "Bóng nhân gian đổ xuống hoàng hôn/ Sau lưng/ trập trùng/ bóng ta/ mênh mang/ lạnh" (Tận cùng chiều). Bóng nhân gian và bóng ta nằm trong thế lệch đối xứng nhân thêm nỗi cô đơn của nhà thơ. Đó là bóng cố nhân mà nhà thơ mải miết đi tìm: "Bóng cố nhân/ Anh tìm/ Dưới đám mây trôi" (Vườn địa đàng). Đó còn là cuộc phân thân của chính cái bóng. Cái bóng tự tách mình, trú ngụ trong cái bóng siêu thức với nỗi lo lắng: "Bóng của một cái bóng/ Mùa thu tan đi trong giá đông/ Cài hơn một tiếng thở dai/ Dài hơn một lời cầu nguyện/ De profundis/ De profundis/ Mưa cứ thì thầm một điều hát mỏi mòn/ Và thời gian cứ xoay quanh quẩn trôi trong vũng nước tù đọng// Ai hình như tôi đứng đợi/ Ở cuối con đường của giấc mơ nào đây/ Chờ bình minh của em khuôn mặt trắng sáng của một ngày" (Dự cảm). Trong cuộc rượt đuổi cái bóng của mình, Trần Hoàng Phố đã chạm được chính cái bóng của vũ trụ: "Đá cổ/ Vọng hồn nghìn kiếp/ Phù vân/ Trầm mặc chiêm bao/ Vó ngựa/ Thời gian nghiệt ngã/ Tàn tro/ Dâu bể đa mang/ Chầm chậm/ Cuối ngày thảng thốt/ Giật mình/ Chạm bóng mênh mông" (Trầm tư chiều). Nhưng trước mênh mông ấy làm sao nhà thơ có thể tìm được chính mình? Chỉ còn cách đối diện với con người ảnh chiếu. Tại vị trí này, Trần Hoàng Phố là nhà đạo diễn bản ngã. Ông khéo léo trình diễn những mặt nạ được chồng lên trên một khuôn mặt-cuộc đời: mặt nạ bi thương, mặt nạ cao cả, mặt nạ hài hước, mặt nạ lạnh lùng, mặt nạ khóc... Đối lập với những mặt nạ ấy là khuôn mặt đớn đau trước cám cảnh đời:
Tôi dẫn các bộ mặt bản ngã mình đi lại nói cười
Diễn các trò chơi ở cuộc đời mới qua
Một nhân vật bi thương cao cả lẫm liệt
Một nhân vật hài hước lạnh cười ra nước mắt
Và rất nhiều mặt nạ chơi trò sự đời phi lý đáng chán này
Ở bên kia sự ồn ã khuất nơi cánh gà từ sân khấu tâm tư sâu kín
Một con người đơn độc rầu rầu
Lắng nhìn mọi thứ náo nhiệt gọi là cuộc đời
Với sự giễu cợt buồn buồn
Một cô đơn với nhiều nỗi đớn đau tôi
(Ngắm nhìn tôi)
Trần Hoàng Phố sống với quá khứ, trăn trở với quá khứ, mong tìm được cái bóng bình an để lắng nghe Tiếng chim câu gù mơ hồ dưới bóng những sớm mai”, để giữ lấy khoảnh khắc “Chén sa mạc đêm này bỗng chầm chậm thơm đường cong môi em” nhưng hoài vọng ấy đôi khi lặn sâu vào tầng nham thạch của cõi lòng như vết tích ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, ông chối bỏ hiện tại, quăng quật mình ở chốn phiêu du, hư ảo là để trốn chạy cái nghịch lý đang ăn mòn mọi thứ trong hiện tại. Cái tôi ấy cô quạnh, trống rỗng trong thế giới trớ trêu thật giả. Và nhà thơ tìm bóng mình ở em. Em là một phần của cái bóng trong chuyến tìm bản ngã của nhà thơ. Tìm em để hiểu mình. Nhưng hình ảnh em cũng nhạt nhòa sương khói:
Dòng sông linh hồn anh
Trong đêm thao thiết chảy
Hồi nhớ những bình minh tình yêu phù chú
Hãy chờ hoàng hôn cái chết giăng cạm bẫy
Anh đã lạc trong mê cung thời gian
Nơi vô số bóng hình em và anh
Nhòe trong tấm gương nhà mồ kỷ niệm
(Hồi ức ngày hạ)
Trong tập "Bóng của con nhân sư", không chỉ có những cuộc đối thoại, trò chuyện với bóng, Trần Hoàng Phố còn phân thân tách rời giữa thể xác và linh hồn bằng hệ quy chiếu khác: anh và linh hồn. Đây là cách nhà thơ đi sâu kiệt cùng khám phá chính mình. Linh hồn được xác lập bằng những lát cắt trái tim: "Linh hồn anh bước đi trên mảnh vụn trái tim/ Lạo xạo nỗi buồn mùi hương cay đắng/ Như tro tàn nếm vị lãng quên trên môi/ Ngọn lửa" (Mùi hương lãng quên). Có lúc nhà thơ chất vấn linh hồn mình trước hương xuân đất trời: "Này ta rót niềm vui vào đất đai hồi sinh/ Người chờ gì vậy hỡi linh hồn khát khao" (Hương xuân) mà giãi bày, khuây khỏa nỗi buồn mênh mông của mình trước cõi thế: "Này ta rót khổ đau vào hư không/ Cho tan biến cái nỗi buồn nhân gian vời vợi" (Hương xuân). Có lúc lại thao thiết linh hồn tìm "ta" trở về với những thương nhớ đồng quê: "Xin hãy để linh hồn ta vật vã/ Đi tìm ta giữa chốn vô thường/ Thoắt hiện hữu rồi thoắt không không có có/ Mắt chiêm bao ta lệ chảy ròng ròng/ Chốn thương nhớ đồng quê rơm rạ/ Cõi tâm linh ta lịm giữa ru hời/ Cõi quặn thắt giữa chiều hoàng hôn thinh lặng... / Đêm đêm trời lòng ta mọc vạn trăng sao" (Lượm một vì sao khuya).
Ở thể nghiệm này, anh-linh hồn cũng là một hành trình siêu thực như hành trình anh-bóng. Các tầng ngầm bản ngã như mở ra vô biên: nỗi cô đơn của nhà thơ trước cuộc đời. Cô đơn tận đáy đời:
Thành phố - giọt mưa buồn rơi trong mắt em
Anh không còn nhìn thấy những vì sao lung linh trong đáy cốc đời mình
Dòng sông lững lờ trôi không gặp bể giữa sương mù ngày tháng
Những hàng cây xanh non mưa quất than van trong tim anh
Giọt nước mắt em rơi trên môi anh
Mưa đông rơi trên những con đường mưa rơi trên những mái nhà thành phố
Anh nếm thấy trắng xóa đại dương của cô đơn
(Thành phố, mưa và tôi)
Mỗi cái bóng mở ra tâm hồn băn khoăn, trăn trở, suy tư của nhà thơ. Nhưng cuộc truy tìm nào ắt cũng có giới hạn. Với Trần Hoàng Phố, dường như chưa có đích cuối cùng. Bởi, tìm chính mình ở “kí ức xa lắc” thì chưa đủ dù ông từng tuyên bố “ăn ở với chính bóng mình”, dù đã vạch đường chỉ lối: "Chỉ là tiếng vang âm thầm quá khứ/ Trên con đường sâu thẳm của linh hồn/ Anh đi tìm những chiếc bóng của chính anh/ Trong cơn mưa nhẹ như hơi thở của mùa thu" (Mùa thu). Đây chính là lý do để ông tìm chính bóng mình ngay trong cõi thiền. Chạm đến thực tại vô tướng, ông chạm đến bản ngã chính mình bằng hành trình vượt lằn ranh của hiện thực. Con đường giác ngộ dịch chuyển tâm thế của nhà thơ, soi chiếu vào bản thể, định hướng cái bóng của nhà thơ.
Cuộc sống bày ra biết bao nhiêu cạm bẫy. Chỉ cần nhích một tí, sự chuyển đổi đã được đo đếm. Nếu không giữ được bản lĩnh khó có thể đoạn tuyệt với những hẹp hòi, rỗng rễnh, vô nghĩa... đang bủa vây. Để dựng xây hệ giá trị cho riêng mình, vượt ra khỏi giới hạn của cái tôi, nhà thơ nhập thế, thấu suốt bằng tâm thiền:
Và con mắt Thiền
Nhìn vào cõi Vô minh
bóng tối
lòng mình
(Trở về)
Hành trình hướng thiền – ánh sáng của chứng ngộ đã giúp ông cởi bỏ những vướng bận, bừng ngộ đạo tâm. Cái bóng của nhà thơ tồn tại trên nguyên tắc đồng đẳng: giữa nhà thơ và cái bản ngã. Bởi thế, cái bóng không chỉ là cái "siêu tôi" của chính nhà thơ mà còn là cái "siêu tôi" của những con người nhiệt huyết với đời.
Thế giới hình ảnh ảo mộng
Vô thức trở thành thước đo phi hiện hữu cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Chính lẽ đó, Thụy Khuê cho rằng: "Siêu thực vừa là một khám phá, vừa là một nhận thức về thực tại ảo mộng trong thơ và trong cuộc sống; và thi nhân, không nhiều thì ít, đã mang tính chất siêu thực trong người"(5). Thế giới "siêu thực" được soi chiếu từ góc nhìn của vô thức, của cõi huyền bí, vô thường đúc ra những hình ảnh thơ kì dị, lạ lùng. "Bóng của con nhân sư" có men hình ảnh siêu thực. Khi Trần Hoàng Phố kết hợp ý thức sáng tạo với lối viết tự động, hình ảnh thơ cách biệt trở nên gần gũi, giao thoa. Nhờ vậy, Trần Hoàng Phố đã tạo nên bầu không riêng cho tập thơ này.
Nếu chia tách bầu không cõi thực và ảo là một vấn đề nan giải trong tập thơ này. Bài thơ nào cũng có dấu tích của hai cõi. Thế nên, hình ảnh thơ nhập nhòa, chao đảo. Hình ảnh bóng vốn dĩ đã khó nắm bắt nay lại càng khó nắm bắt hơn. Bóng ấy là bóng của sự thanh thản, của sự nhẹ nhàng của hồn người:
"Đó là cánh chim rượt bắt vô tận thời gian
Đột nhiên gặp lại một mảnh hồ trong vắt
Hình như là – bóng của nỗi bình an"
(Bóng của nỗi bình anh)
Kỷ niệm cũng được định dạng bởi sự hệ lụy từ cái dáng của bước chân "ngả nghiêng": "Bước chân khuya/ chuếnh choáng mùi hương/ ngả nghiêng/ nhòe/ bóng kỷ niệm" (Chuếnh choáng mùi hương). Không chỉ cảm nhận linh hồn mà nhà thơ còn thấy được cái bóng của linh hồn đang rên rỉ, đớn đau: "Hoa vô thường tê dại/ Trong ánh chớp khổ đau/ Trái tim anh quằn quại/ Bóng linh hồn – vực sâu" (Bóng linh hồn). Cái bóng đa diện nhưng nó cũng hết sức siêu hình, bởi lẽ, muốn cảm nhận được nó, người đọc phải sống, phải hội nhập bằng chiều sâu của tư tưởng và bằng sự vô thức trong kiến giải. Cái bóng là mạch tư tưởng về ý nghĩa cuộc đời của nhà thơ.
Thơ siêu thực thường mang đến những hình ảnh khác lạ bằng những liên tưởng bất ngờ, xa nhau. Những người theo trường phái này luận giải: "Hình ảnh không phục vụ cho việc nhân đôi một ý tưởng, không dùng để làm cho ý nghĩa trở nên sắc bén theo con đường của trí thông minh... Hình ảnh hủy hoại thế giới giả tạo của lý trí và thay thế giới ấy bằng thế giới thực tại của cuộc sống vô thức... Bởi vì, mỗi hình ảnh, mỗi khi sử dụng, đều buộc anh ta phải xem xét lại toàn bộ thế giới"(3). Khi đi vào giấc mơ, sự phi lý của hình ảnh càng rõ rệt hơn. Nếu Hàn Mặc Tử trước đây rao trăng, bán trăng thì bây giờ Trần Hoàng Phố cũng rao bán, nhưng rao bán nhiều hơn về số lượng. Thế giới của đấu sĩ lăn xả là thế giới của những đối lập: buồn-vui; lo âu-hạnh phúc, của cõi lạ. Việc nhà thơ hành hương rao bán các vì sao, đóa hồng, vòng ngọc thiên nhiên như "chiêu hồn" cho những giấc mộng của họ. Thể hiện tính phù phiếm của giấc mộng, nhà thơ vẽ nên bức tranh lệch khớp của nó:
Những giấc mộng thật đẹp phù du và huyễn ảo
Nhưng những giấc mộng như những vầng trăng xanh quấn đầy rắn
Với đôi mắt phù thủy mê hoặc
Với tiếng rít dịu dàng quyến rũ
Cõi cái chết như đêm sáng sao của Thiên đường bất tử
(Đấu sĩ Giấc mộng và Mặt nạ)
Mỗi bản nhạc đều có những giai điệu trầm bổng riêng. Bản nhạc của Trần Hoàng Phố không vin vào các cung thanh mà vin vào thi thể của hoàng hôn để bày biện thế giới tâm hồn và chuyển động, xoay vần theo cuộc luân hồi:
Nhạc Thánh đường
Trôi trên thi thể hoàng hôn
...
Nhạc thánh đường trẻ trung
Tan trong hồi chuông sớm
Qua nước mắt hóa sinh cái chết
Em – con hoãng trắng – giấc mơ anh
Dịu dàng và đớn đau
Như chính tình yêu
(Nhạc thánh đường tình yêu)
Hình ảnh siêu thực là yếu tố chủ đạo cho hành trình tìm bóng của nhà thơ. Có thể liệt kê qua một số câu thơ chứa hình ảnh khác thường như: "Trăng lòng anh thị tịch"; "Linh hồn ta giăng sợi tơ sầu nối kết"; "Nụ cười thời gian vội vã như chiêm bao"; "Chuyến tàu đêm tăm tối băng qua quá khứ"; "Trên đời mình đã thắp nắng hư hao"; "Trái khát vọng rơi vào nỗi buồn"...
Những đứt khúc, chắp nối của ngôn từ là cánh cổng dẫn lối nhà thơ dấn thân vào thế giới của nhịp siêu thực. André Breton có lần diễn giải: "Tôi cảm thấy tiếng nói ấy (tức tiếng nói siêu thực) không chỉ tỏ ra thích hợp với mọi tình huống của cuộc sống, thứ tiếng nói mà tôi luôn cố để nó trở nên có giá trị, tiếng nói ấy không những không tước đi của tôi bất kỳ phương tiện nào, nó còn mang lại cho tôi một sự sáng rõ kỳ lạ, cả trong lĩnh vực mà tôi ít chờ đợi nhất. Tôi thậm chí sẽ khẳng định rằng tiếng nói ấy đã dạy tôi và quả thật có lúc tôi đã sử dụng một cách siêu hiện thực những từ mà tôi đã quên cả nghĩa"(6). Bằng ngòi bút siêu thực, từ ngữ của Trần Hoàng Phố cũng đầy bí hiểm, kỳ lạ. Trước hết, ông sử dụng nhiều phép so sánh. Phép so sánh mở ra nhiều liên tưởng thú vị, làm mới thơ và thay đổi những định vị quen thuộc của người đọc, lôi kéo người đọc cùng tác giả phát huy các tầng nghĩa của thơ. Những câu so sánh lạ khá nhiều trong tập thơ.
So sánh bằng từ so sánh “như”, cái biểu đạt gia tăng thêm điểm nhìn mới cho cái được biểu đạt. "Chiều" được so sánh như chiều sâu của đôi mắt người chết, nhà thơ đã cảm nhận được tận cùng của nó. "Chiều" đâu chỉ là thời gian thuần túy mà nó còn là ám ảnh thân phận:
- Chiều cô đơn
thăm thẳm
như mắt người chết
(Tận cùng chiều)
Nhà thơ còn định dạng, hoán vị, giao thoa giữa cái vô hình và hữu hình để đạt đến cái khả thể:
Trong đêm khuya lá rụng
Như một nét nhạc buồn
Chậm rãi cứa tim
(Gió xuân thì)
"Quyền năng đặc biệt của nhà thơ, là tạo ra một vật không thể nào có kiểu mẫu" (André Frénaud). Những hình ảnh siêu thực là kiểu mẫu được thiết kế riêng cho tập trong "Bóng của con nhân sư". Trần Hoàng Phố có quyền năng ấy. Quyền năng không hề lẫn với bất kỳ ai.
Ám ảnh không- thời gian
Dõi theo hành trình tìm bóng, đối thoại với bóng của nhà thơ, chúng ta như lạc vào thế giới siêu nhiên, tiềm thức. Nó đẩy chúng ta vào không gian đầy ma mị: "dòng sông linh hồn anh", "chén sa mạc", "đại dương của cô đơn", "thi thể hoàng hôn", "bờ sinh tử" trắng rợn, "chân trời tím giấc mơ vàng bay lượn"... Nhưng không gian và thời gian có sự xuyên thấm lẫn nhau. Trú ngụ trong cõi vô thức, thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố mở ra không gian và ngược lại, không gian mở ra thời gian. Không-thời gian của thế giới bên này và không-thời gian của thế giới bên kia không còn ranh giới của xa cách. Sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa chúng là cơ sở tạo dấu ấn siêu thực.
Thời gian nghệ thuật trong thơ thường đa chiều. Nó có thể vận hành, tiến, thoái, ngưng đọng… tùy vào chủ quan của thi nhân. Do đó, thời gian thơ luôn chứa đựng chiều sâu triết lý, hàm chứa biểu tượng. Trần Hoàng Phố không quay quắt níu giữ thời gian mà tan chảy vào dòng trôi ấy để cảm nhận gương mặt thời gian. Thời gian trong thơ ông xuất hiện như đối tượng cụ thể: Thời gian rỉ máu từng tích tắc chậm rãi; Vết thời gian chạm trổ những đám rêu lổ chỗ lao đao; Nụ cười thời gian vội vã như chiêm bao; Những đám mây thời gian đuổi bắt vô tận... Những khoảnh khắc thời gian trôi qua được cảm nhận rất tinh tế:
Tiếng đàn mưa
Biền biệt trốn hơi thở tình yêu nồng nàn
Thời gian nhón những bước chân
Chạm thật khẽ
Trên những mảnh vỡ
Của những bóng trăng ảo ảnh
(Điệu luân vũ dịu dàng mưa)
Nhà thơ so sánh ngầm bước đi của thời gian như những bàn chân chạm vào mảnh vỡ của ảo ảnh trăng. Đó chính là sự kết dính của thế giới vô hình với thế giới vô hình. Người đọc chỉ có thể liên tưởng theo tuyến vô thức của tác giả, nếu không sẽ bị dội ra ngoài ranh giới của bản thể thơ.
Thời gian hiện hữu hóa bằng nhiều chiều kích của không gian. Kiểu tư duy phi tuyến tính này hướng tới sự tàn lụi trong cái vô hình:
Bông hoa lặng câm cắm trong chiếc bình thời gian
Đã vô hồn
Như sắc đẹp ảm đạm ngày tàn
(Muộn sầu ngày tàn)
Như thời gian, không gian của "Bóng của con nhân sư" cũng mang tính trùng phức. Đêm-không gian "chén đêm" được nới rộng bằng chiều đảo nghịch của thời gian "một nghìn năm sau" và chiều véc-tơ của "giấc mơ xưa xa lắc", bằng "đường cong môi em". Bài thơ "Chén đêm" trở thành chốn đi về giữa không gian và thời gian:
Chén đêm này đầy cay đắng
Biển của nỗi khổ đau vô tận
Em hãy nhấp môi vào tiếng vọng
Một nghìn năm sau linh hồn anh
...
Băng qua ốc đảo cô đơn mềm mại
Chén đêm này đầy rỗng không – mai sau là tro than cát bụi
Biển linh hồn anh gào rú giấc mơ xưa xa lắc thuở dịu dàng hương
Chén sa mạc đêm này chầm chậm thơm đường cong môi em.
Không-thời gian làm cho cuộc hành trình tìm bản ngã thêm diệu vợi. Nó xuyên thấm, len lỏi ngay trong cái bóng của nhà thơ. Nó trở thành biểu tượng bất diệt của bản thể. Nhưng con đường tìm bóng mình trải qua vô tận của không-thời gian, chông gai của cuộc đời đâu dễ dàng đến được bến Chân Như? Trần Hoàng Phố đã làm được. Thơ ông lóe tính minh triết, hóa đạo trong tinh thần nhập thế:
Ta trở lại thương từng ngọn cỏ
Từng bơ vơ trong bão táp cuộc đời
Cõi nào đây ta từng dừng mỏi bước chân trần
Có ai đến hôn vào mỗi dấu vết chia xa
Để nỗi nhớ thấm vào đất đai sinh nở
Để hóa thân cho lộng lẫy bụi trần
(Gió xuân thì)
Đến đây, người đọc đã có thể lý giải vì sao nhà thơ Trần Hoàng Phố lấy tên tập thơ là "Bóng của con nhân sư". "Bóng của con nhân sư" được soi chiếu bằng điểm nhìn mơ-thực nhưng ẩn dấu trong tâm thế vô thức ấy là những triết lí sâu sắc. Đó là bức thông điệp của nhà thơ về ý nghĩa bản thể: "Đó là ngọn lửa hiền minh của trái tim ngươi/ Đốt lên dưới bóng con nhân sư sừng sững/ Ngươi sẽ đứng trước cõi thinh lặng của vô cùng/ Với chỉ một mình/ Chiếc bóng thật của ngươi" (Bóng con nhân sư).
Người tiếp nhận không chỉ bị ám ảnh bởi cách xử lý đa phức không-thời gian mà còn bị lôi cuốn bởi cách sắp đặt kết cấu bài thơ của Tràn Hoàng Phố. Kết cấu thơ đan xen chặt-lỏng, kiểu kết thúc bỏ ngỏ cũng là một thành công của nhà thơ trong việc giãi bày: ý nghĩa cuộc đời còn dang dở, chưa xong. Hành trình tìm bóng, tìm bản ngã được nhà thơ đặt trong trạng thái còn tiếp diễn: "Đó là hành trình của gió/ Thổi qua mấy mùa chiêm bao/ Khi đêm của linh hồn buông xuống/ Bóng của con nhân sư sừng sững hiện lên/ Ám ảnh như một lời chất vấn/ Đâu là bản thể/ Và ý nghĩa đời người" (Bóng của con nhân sư). Bởi vậy, tư tưởng của "Bóng của con nhân sư" là đa mạch ngầm, người đọc tự chọn cho mình một chìa khóa thích ứng thì có thể khám phá chiều sâu triết lý được ẩn giấu trong những bức màn vô thức ấy.
Trong tập "Bóng của con nhân sư", vì quá mãi miết tìm cái bóng của chính mình nên nhiều hình ảnh thơ lặp đi lặp lại, thiếu sự bão hòa. Tuy nhiên, người đọc không thể dứt ra khỏi trường trạng thức của nhà thơ. Những giấc mộng đầy ám ảnh, chập chờn, ma quái. Guồng máy ấy chuyển động đến cội nguồn tâm linh, vượt khỏi phiền não cõi nhân gian, bất tận hồn thiền bằng những va đập giữa chất truyền thống và chất hiện đại; giữa có và không; giữa sinh và tử... Tìm bóng chính mình, bóng thời gian là hành trình bất tận khôn nguôi về ám ảnh bản thể và ý nghĩa đời người. Đúng như đánh giá của PGS. Nguyễn Thị Bích Hải: "Thơ Trần Hoàng Phố đem đến cho người đọc một cảm giác rất lạ: đang ở bến mê, thoắt ngỡ như đã đến bờ diệu ngộ, lại thoắt vỡ nhẽ ra rằng điều mình đợi trông vẫn ở tận chân trời"(7)./.
Đồng Hới, ngày 15-2-2011
(1). Trần Hoàng Phố, Bóng của con nhân sư, NXB Thuận Hóa, 2010.
(2). Trần Hoàng Phố, Cõi nhân gian lạ lẫm, NXB Thuận Hóa, 2002 và Quê quán tôi xưa, NXB Thuận Hóa, 2002.
(3). Henri Bénac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, NXB Giáo dục, 2005, tr 826; tr 426.
(4). Đỗ Lai Thúy, Bút pháp của ham muốn, NXB Tri thức, 2009, tr 188.
(5). Thụy Khuê, Cấu trúc thơ, http://thuykhue.free.fr/
(6). Đỗ Lai Thúy (giới thiệu), Nguyễn Bích Thủy và Phùng Kiên (dịch), André Breton và Chủ nghĩa siêu thực, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5-2004, tr 205.
(7). Ý kiến đánh giá được in trong tập "Quê quán tôi xưa" .