Quan sát thế giới xung quanh người ta nhận thấy mỗi sự vật quá trình đều có tính chu kỳ. Mặt trời sáng mọc tối lặn, mỗi tháng một lần trăng tròn, mỗi chu niên đều có đủ xuân, hạ, thu, đông để cho vạn vật "xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn" theo chu kỳ "thành, thịnh, suy, hủy". Ðời người không ai ra khỏi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử". Chính vì thế cho nên không lạ nếu ta thấy trong thơ văn cổ thời gian thường được nhìn trong quan hệ tương thông với vũ trụ và mang tính tuần hoàn bất biến. Trong Chinh Phụ Ngâm thời gian tuần hoàn xuất hiện nhằm tăng cường cảm giác về độ dài triền miên không dứt của thời gian hiện tại, nhằm khắc họa tâm trạng cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ.
1.1 Thời gian tuần hoàn thể hiện bằng hình ảnh biểu trưng cho thời gian
Tính liên tục tuần hoàn của thời gian được ý thức thường xuyên như một đoạn thơ trách người chinh phu lỡ hẹn diễn ra với ý niệm thời gian liên tục tuần hoàn của vũ trụ, nhất là vòng tuần hoàn bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng ở đây tác giả không diễn đạt trực tiếp bằng những từ chỉ mùa: xuân, hạ, thu, đông mà dùng những hình ảnh biểu trưng.
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu (xuân)
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca (hè)
Nay quyên đã giục oanh già (sang hè)
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo (thu)
Thuở đãng đồ mai chưa dạn gió (đông)
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông (xuân)
Nay đào đã quyến gió đông (hết xuân)
Phù dung lại rã bên sông ba xoà (thu)
Chim oanh biểu trưng cho mùa xuân, trong thơ ca cổ hình ảnh này xuất hiện khá phổ biến nhất là trong Đường thi. Chim đỗ quyên là biểu trưng cho mùa hè. Trong Truyện Kiều có câu thơ đặc sắc miêu tả mùa hè của Nguyễn Du với hình ảnh chim đỗ quyên kêu khắc khoải (Dưới tẳng quyên đã gọi hè). Hoa đào thường biểu trưng cho mùa xuân: "Trước sau nào thấy bóng người - Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" (Truyện Kiều)
Cả đoạn thơ không một từ chỉ thời gian, mà nó chỉ hiện lên những hình ảnh của những sinh thể trong đời sống tự nhiên: chim oanh, chim đỗ quyên, chim én, hoa mai, hoa đào, hoa phù dung. Chúng đến rồi chúng lại đi, chúng tàn rồi chúng lại nở. Nhưng qua đó người đọc có thể hình dung ra được sự tuần hoàn trôi chảy đến bất tận của thời gian. Bên cạnh đó trong đoạn thơ, tác giả còn dùng kết cấu thơ trùng điệp nhằm nhấn mạnh sự lặp đi lặp lại những cảm xúc trong lòng người chinh phụ. Tâm trạng chính phụ diễn tiến theo hai vế hy vọng - thất vọng. Nàng cứ đợi chờ hy vọng khi một mùa xuân trôi qua, một năm trôi qua thì đến mùa sau, năm sau người chinh phu sẽ trở về như lời hẹn ước về đáp lại lòng mong đợi, thương nhớ của nàng.
Sự vận hành của thời gian của vũ trụ cứ tuần hoàn trôi chảy vô thuỷ vô chung mà cuộc đời con người thì hữu hạn. Cảm thức này luôn thường trực trong quan niệm của con người trung đại. Trong cái nhìn đối sánh với cái độ dài vô tận của thời gian và sự đợi chờ của người chinh phụ chúng ta sẽ thấy bật nổi lên hình ảnh của một con người mỏi mòn vì chờ đợi ngóng trông cứ nhìn thời gian trôi (thông qua các biểu tượng thời gian) mà bóng người chinh phu vẫn mịt mù bóng chim tăm cá.
Bên cạnh việc sử dụng những hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu trưng thường thấy trong thơ ca cổ điển, ở Chinh Phụ Ngâm còn có những hình ảnh thiên nhiên cụ thể gần gũi được dùng để gợi thời gian
Tin thường lại người không thấy lại,
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh,
Rêu xanh mấy lớp chung quanh,
Sân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ.
Thư tường tới người chưa thấy tới,
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương,
Bóng dương mấy lớp xuyên ngang,
Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.
Trong đoạn thơ chúng ta nhận thấy có một hệ thống hình ảnh thiên nhiên đang vận động biểu trưng cho sự trôi chảy của thời gian: hoa dương, rêu, bóng dương. Đoạn thơ này đã dùng phép lặp (rêu xanh, bóng dương). Qua đó người đọc có thể hình dung được quá trình vận động của các hình ảnh thiên nhiên. Từ đó làm bật nổi sự vận động của thời gian: thời gian trôi chảy trong cái tuần hoàn bất tận. Cụm từ "mấy lớp" lặp đi lặp lại khắc họa sâu sắc bước đi của thời gian: Hoa tàn rồi hoa nở, rêu mọc rồi phủ xanh phong kín, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn để soi chiếu vào tận thẳm sâu cái nỗi niềm "trăm tình ngẩn ngơ" của người chinh phụ. Chinh phụ tri giác được những hình ảnh thiên nhiên cứ xuất hiện rồi lại mất đi, mất đi rồi lại xuất hiện, tiếp diễn bất tận trong cái vòng vô thủy vô chung của đất trời mà nỗi nhớ mong của người chinh phụ thì theo đó mà cũng dằng dặc cùng năm tháng.
Chúng ta thấy bằng những hình ảnh biểu trưng chỉ thời gian bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tác giả đã diễn tả được sự vận hành liên tục của thời gian vũ trụ. Thời gian bốn mùa thì vô tình trôi đi theo qui luật vốn có của nó, còn cuộc sống của người chinh phụ sao vẫn không thấy biến đổi. Nàng vẫn một mình âm thầm chờ đợi, âm thầm chịu đựng, có trách chồng sai hẹn thì cũng trong tâm tưởng làm sao mà giải bày ưu tư trực tiếp cùng chàng.
Trải mấy xuân tin đi tin lại,
Tới xuân này tin hãy vắng không,
Thấy nhàn luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng.
Gió tây nổi không đường hồng tiện,
Xót cõi ngoài tuyết nguyện mưa sa,
Màn sương trướng tuyết xông pha,
Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài.
Nhìn sự vận hành của thời gian vũ trụ nàng chạnh lòng thương mình nhưng nàng càng thương người chinh phu hơn. Mỗi khi gió tây những cơn gió mùa thu trở về, hơi sương lạnh lẽo của mùa đông nơi biên ải thì người chinh phu lại phải chịu nhiều gian lao vất vả. Chỉ một đoạn thơ thôi nhưng hàm chứa nhiều thời điểm: Xuân, thu (gió tây), đông. Ở đây để chỉ thời gian, tác giả đã sử dụng nhiều hình thức phong phú. Có khi tác giả dùng trực tiếp những từ chỉ thời gian, từ xuân. Có khi lại là biểu tượng chỉ mùa thu (gió tây). Thông qua hệ thống hình ảnh: hơi sương, tuyết, từ đó người đọc có thể liên tưởng về một mùa đông khắc nghiệt băng giá. Qua đó tác giả đã khắc họa thật sâu sắc những cuộc hành quân mải miết không ngơi nghỉ của người chinh phu: hết mùa này sang mùa khác từ năm này sang năm khác, nó trải dài cùng cái vòng tuần hoàn năm tháng của đất trời.
2.1.2 Thời gian tuần hoàn thể hiện bằng những từ chỉ thời gian
Vấn đề thời gian đối với người chinh phụ rất quan trọng. Vì thời gian trôi đi hình như mang theo cả những hy vọng về sự sum vầy của người chinh phu và người chinh phụ. Theo số liệu thống kê có tới mười lần thời gian xuân, hạ, thu, đông được xuất hiện trong Chinh Phụ Ngâm.
Thét roi cầu vị ào ào gió thu
Xuân tàn đổi mới đông nào có dư
Trải mấy xuân tin đi tin lại
Tới xuân này tin hãy vắng không
Gió xuân ngày một vắng tin
Trước gió xuân vàng tía sánh nhau
Trăng thu lại bắc cầu sang sông
Xuân thu để giận quanh ở dạ
Qua bảng thống kê cho thấy tần số xuất hiện của từ chỉ mùa thu và mùa xuân chiếm phần lớn. Chỗ này có thể thấy dấu vết của triết học phương Đông, với quy luật "xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn". Mùa xuân và mùa thu là hai mùa sự vật đang phát triển theo hai hướng trái ngược nhau nhưng chưa phải đến tột độ để dừng lại và sắp biến đổi về chất. Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở nhưng là mới bắt đầu. Nó là cái dương chưa trưởng thành đầy đủ. Mùa thu là mùa cây cỏ hoa lá úa vàng, con người buồn bã nhưng cũng chưa phải là đỉnh cao của sự tàn lụi. Nó là cái âm chưa trưởng thành đầy đủ. Hai mùa xuân thu như vậy vừa tiêu biểu cho hai trạng thái đối nghịch nhau của vạn vật, vừa chứa trong nó khả năng tiếp tục phát triển của quá trình. Thế nên chúng chọn được biểu tượng cho quy luật vận động không ngừng của tự nhiên.
Tính liên tục tuần hoàn của thời gian không những thể hiện bằng phương thức gián tiếp qua những hình ảnh biểu trưng mà nó còn được diễn tả trực tiếp bằng những từ chỉ thời gian như sáng – trưa - chiều - tối, ngày, đêm.
Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông nào thấy hơi tâm,
Ngập ngừng lá rung cành trâm,
Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao.
Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ,
Chiều lại tìm nào có tiêu hao,
Ngập ngừng gió thổi chéo bào,
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.
Người chinh phụ tìm đến nơi ước hẹn để ngóng đợi chồng. Buổi sớm nàng có thấy gì đâu ngoài những chiếc lá héo úa đang rơi rụng, rồi buổi trưa hình bóng chồng vẫn bặt tăm chỉ có tiếng chim lao xao trên cành cây, đến chiều rồi đến tối nàng vẫn mong chờ, nhưng xung quanh nàng chỉ có dòng thời gian trôi chảy cùng với những cơn gió, những điệu buồn của cảnh sắc. Tất cả như khắc sâu vào nỗi mong nhớ người chinh phu.
Trong cái vòng tuần hoàn sáng - trưa - chiều - tối thì thời gian buổi chiều và ban đêm thường thay nhau xuất hiện nhiều trong Chinh Phụ Ngâm.
Theo số liệu thống kê có tất cả 14 lần tác giả dùng thời gian buổi chiều và ban đêm.
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
Ðêm trăng này nghỉ mát phương nao
Sương đầu núi buổi chiều như gội
Khiến người thôi sớm thì hôm những rầu
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm
Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao
Chiều lại tìm nào có tiêu hao
Bãi hôm tuôn dãy nước trào mênh mông
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai
Sớm lại chiều dòi dõi nương song
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm 8
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Tuy nhiên thời gian ban đêm được chú trọng nhiều hơn vì đây là khúc ngâm kể nỗi niềm tâm sự đau đớn của người chinh phụ đang có chồng đi chiến đấu. Tâm trạng nhớ nhung sầu muộn của nàng thường được thể hiện ở khoảng thời gian về đêm. Tuy vậy hai điểm thời gian chiều và đêm rất gần nhau ranh giới của nó là bóng hoàng hôn, nhạt dần vào bóng tối. Nếu như có đến mười lần thời gian chiều và đêm được lặp lại thì thời gian sớm và trưa chỉ có bốn lần. Ðiều này cho thấy tác giả rất nhạy cảm với tâm lý nhân vật, nhất là tâm trạng của người vợ xa chồng. Như ta đã nói trong vòng tuần hoàn thời gian thể hiện nỗi buồn triền miên của người chinh phụ là thời gian buổi chiều và ban đêm. Ðặc điểm của thơ cổ là ưa chuộng thời gian tĩnh, thời gian của tâm trạng cá nhân con người. Về đặc điểm này Khâu Chấn Thanh trong cuốn Lí luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc đã nhận xét: "Thời xưa nhà thơ hạ bút xuống viết hai chữ "tịch dương" là gắn liền với những loại tình cảm: nỗi buồn nhớ quê hương, oán trách sự chia li, hoặc xúc động cảnh chiều trôi chậm chạp". Trong hơn 400 câu thơ của Chinh Phụ Ngâm dù chỉ có ba lần nhắc đến thời gian buổi sớm và một lần nhắc tới thời gian buổi trưa. Tuy ít ỏi nhưng qua đó, chúng ta sẽ nhận ra tâm trạng nhớ thương của người chinh phụ là một tâm trạng thường trực. Bất kể vào thời gian nào đi chăng nữa dù đó là sáng – trưa hay chiều, tối thì nỗi nhớ thương chồng của người chinh phụ vẫn cứ ngập tràn. Những câu thơ lặp cấu trúc trùng điệp có tác dụng khắc hoạ sự luân chuyển biến đổi, liên tục tuần hoàn của thời gian. Qua đó, làm bật nổi sự chờ đợi mỏi mòn đến tái tê của người chinh phụ.
Bằng việc dụng ngôn ngữ điêu luyện tác giả Chinh phụ ngâm đã tạo dựng được những biến thái tâm trạng hết sức vi tế trong lòng người chinh phụ thông qua hình tượng thời gian tuần hoàn của vũ trụ. Chính những thành công về mặt vận dụng ngôn ngữ trong Chinh phụ ngâm đã được Xuân Diệu đánh giá: "Nếu chỉ kể về khía cạnh trong sáng của ngôn ngữ ở đây thì Chinh phụ ngâm không nhường Truyện Kiều" (Sự trong sáng của tiếng Việt trong thơ in trong Một số bài viết về sự vận dụng tiếng Việt )./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Trần Côn, Chinh phụ ngâm, NXB Thanh Niên, 2005
2. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999
3. Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, NXB Văn học, Hà Nội, 1994
4. Nhiều tác giả, Một số bài viết về sự vận dụng tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1981