Anh em chúng tôi có thói quen cứ mỗi lần có tác phẩm mới, những bài thơ, những bài hát… anh đều gọi chúng tôi đến để chia sẻ. Dù bên ngoài trời có đổ mưa, tôi cũng đội mưa mà tới phòng tranh của anh để nghe anh hát, anh đọc thơ và ngắm tranh. Có lúc lại gặp đông đủ bạn bè, cả Rừng, cả Miên Đức Thắng. Anh hát, mọi người cùng say sưa hát đến khuya.
Nhà văn Nguyên Minh lặng nghe Ca sĩ Trương Thìn hát.
Phòng tranh của anh biệt lập hẳn với bệnh viện ở phía cuối vườn. Đêm âm u, ngồi vườn như rộng hẳn ra. Căn phòng trên gác rợp bóng cây, im ắng lạ thường.Cũng chính nơi này một thời đã nuôi dưỡng cảm xúc cho tôi. Đối với tôi, thơ của anh mới hớp hồn người.
Người ta lên núi tìm đến chỗ những người chăn cừu
Nửa ngày đến đó
Nửa ngày đi về
Chỉ để nghe một bài thơ
Còn tôi, tôi cũng đi lên đồi cao
Tìm nơi người ẩn náu
Nửa đời đi, về
Tìm kiếm một trái tim rướm máu
Lặng lẽ chui vào trong đó
Chẳng ai hay
Chỉ để đọc một bài thơ
Rồi bật khóc
Năm 1997, tôi cùng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đến thăm anh. Tôi đã đưa hai tập thơ Bích Khê: Tình Huyết và Tình Hoa để anh phổ nhạc nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người.
Trong lễ kỷ niệm ngày mất của Thi sĩ Bích Khê tại nhà văn hóa Thanh Niên, ngoài phần chính là giới thiệu tác giả, các bài tham luận của các giáo sư, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn học… phần còn lại là một chương trình văn nghệ đặc sắc gồm ngâm thơ và biểu diễn ca nhạc do các nhạc sỹ tự biểu diễn như Nhạc sỹ Phú Quang, Xuân An, Trương Thìn.
Trương Thìn hát nhiều bài do anh sáng tác dựa theo ý thơ Bích KHê cùng với bác sỹ Lê Hùng. Hàng trăm người tham dự lắng nghe các anh hát, xúc động trào dâng.
Đám đông nghe anh hát hay một người nghe anh hát đều nín lặng bồi hồi.
Trương Thìn phổ thơ không theo nguyên tác. Anh chỉ nhặt một số câu, một số chữ nhập tâm rồi từ đó phăng ra theo cách của anh, theo tình cảm của anh, tạo ra những âm hưởng rất riêng của Trương Thìn. Âm nhạc, ca từ cứ trôi theo một dòng.
Có lẽ vì anh là một nhà thơ nên khi phổ nhạc cho thơ người khác anh không bị gò bó bởi câu chữ của bài thơ, tự do tuôn trào theo cảm xúc riêng, cảm nhận riêng.
Anh hát cũng như nói, chầm chậm, êm êm cùng với tiếng đàn ghitar.
Sáng tác đối với anh như một nhu cầu bức thiết để sống, để tồn tại, như một cuộc rong chơi nghệ thuật không biết mệt.
Anh đã phổ Kiều ca thơ của Nguyễn Du, Rong ca thơ Bùi Giáng, Trăng thơm thơ hàn Mặc Tử và Bích Khê, Thong dong ca, Tụng ca, Mấy cõi rong vui…
Tôi đã nghe anh hát và cùng anh hát từ thời thiếu nữ, thời của tuổi hoa niên – sinh viên trong chương trình “Tiếng nói sinh viên” trên đài phát thanh Sài Gòn. Nhóm hát của chúng tôi có cả Miên Đức Thắng, Lê Hiếu Đằng… do anh phụ trách.
Kỷ niệm của chúng tôi dày và sâu như cuộc đời của mỗi chúng tôi. Sau đó mỗi người lưu lạc một phương khi chiến tranh lan vào thành phố.
Sau này lại gặp nhau, có dịp lại nghe anh hát cùng bạn bè, nhắc nhở một thời ấm áp, một thời sôi nổi của tuổi thanh xuân.
Trời cho anh sự đam mê cháy bỏng, sức sáng tạo liên tục, bền bỉ trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: thơ, nhạc, họa.
Tôi không hiểu thời gian, sức lực đâu mà anh sáng tác ồ ạt như thế, cả lúc bệnh nặng tưởng không qua khỏi.
Tôi ngồi chăm chú nghe anh hát thơ, tưởng như anh đang hát cho chính mình.
Thời gian như dừng lại, mọi thứ như hội tụ về hiện tại với niềm khát vọng ngọt ngào về một nhà – thơ – nhân – loại đang sống dậy từ một miền ký ức xa xôi…
Mùa xuân 2011