Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.142.390
 
Nghĩ Về Đề Tài Chiến Tranh, Tình Yêu Và Siêu Hình, Trong Thơ Luân Hoán
Trần Văn Nam

Nhà thơ Luân Hoán đã có bề dầy văn chương qua số lượng sáng tác hiện diện trong sách báo, thời gian đóng góp từ trước 1975 cho đến nay ở hải ngoại, và phẩm chất tác phẩm làm người viết bài cảm thức được cái hay qua đề tài chiến tranh, tình yêu và siêu hình. Cảm thức những phẩm chất hay đó, xin lần lượt nêu ra trong ba phần. Dĩ nhiên còn biết bao đề tài khác, người viết mong được đưa bài này đến đứng cạnh để có được tổng thể về sự nghiệp văn chương của nhà thơ Luân Hoán, chẳng hạn như còn đề tài quê hương sinh quán, đề tài tổ quốc, đề tài tình bạn, đề tài từ ngữ thơ đôi khi diễu cợt….

 

Đề tài chiến tranh đáng lý phải bao gồm tình yêu đất nước, nhưng đề tài tổ quốc ấy có lẽ nên dành riêng cho một bài khác, vì chiến tranh được nói đến ở đây gắn liền với chiến thương mà tác giả gánh chịu từ lúc mới 35 tuổi. Bàn chân trái bị cắt lìa khỏi thân thể do chiến trận là điều Luân Hoán thường kể trong thơ. Cho nên ta nói thơ chiến tranh của ông gắn liền với chiến thương. Có gì khác với màu sắc thơ chiến tranh thuộc khuynh hướng không ưa chiến tranh của một số người? Ta thấy không có gì khác, vì trước khi bị thương thì tác giả đã không ưa chiến tranh rồi. Tác giả nhấn mạnh lòng yêu chuộng hòa bình hơn là muốn biểu lộ chủ trương phản chiến có tính cách chính trị:

 

… cuối cùng rồi cũng xong

vắt mình xuống ổ quân trang vừa tha về

nghĩ về em

ngủ thiếp

giá trái pháo kích rơi đúng chỗ nằm

đời đã đỡ ngang dọc.

(Trích: Bài học vỡ lòng ở trường Bộ Binh Thủ Đức)

 

Coi tình yêu trai gái đáng lưu tâm hơn việc phải đối phó với lửa đạn, ta nghĩ tác giả hơi cường điệu để biểu lộ nỗi bất mãn không được sống ở thời bình yên. Bất mãn sự quấy nhiễu thời cuộc, vậy không hẳn do chủ trương phản chiến, mà chỉ là thái độ không ưa chiến tranh. Không ưa mà phải tuân lệnh là không quyết liệt chống đối. Tác giả nói súng đạn địch không kiêng giờ tác giả đang nghĩ đến người yêu, làm mất bình yên tư lự:

 

… chiều ngày thứ tư ngồi dựa ngửa

bên con đường sắt ở Nghĩa Hưng

trùng trùng lửa đạn từ âm phủ

ta chợt hết hồn chợt nổi xung

địch phá đám ta không kiêng nể

cái giờ tịnh khẩu nghĩ về em

cuồng tay rút súng phơ bờ bụi

phơ cả đất trời đang muốn quên.

(Trích bài: Đệ nhất thiêng liêng là giờ nhớ em)

 

Tác giả rút súng bắn vu vơ vào bờ bụi cho hả giận thời thế, có khi cho hả giận nỗi bất hạnh của đồng đội chết trận; và có khi cho vơi niềm đau xót súng đạn vô tình giáng xuống một người thay cho mình được về phép. Kẻ gây ra đau thương chiến tranh mang tên là Thời Thế, là Định Mệnh. Những người từng lâm trận, từng chứng kiến may rủi của chết chóc, nhiều phen hóa ra khinh bạc, nhiều nữa thì hóa ra chai lì. Đôi khi nhà thơ Luân Hoán đã có được tính khinh bạc này. Ta không biết nên dùng những từ ngữ “có được tính khinh bạc” hay “biến thành khinh bạc”; biến thành do thụ động biến đổi tính tình, còn“có được” do ý thức tự rèn luyện. Cũng như chai lì, do tâm hồn biến tính hay được rèn luyện?:

 

từ đồn Đức Hải ta về phép

bạn thế chân ta kích xóm đêm

… đâu có chỗ nào vừa mắc võng

nằm hoài cũng mỏi cái lênh đênh

….bạn mới ngã lưng lim dim mộng

cạc-bin, bảy-chín, lẫn AK

trời xanh thăm thẳm hồn nhiên quá

phận số dành riêng mỗi chúng ta?

… ta trở lại đồn qua xóm cũ

rút colt bắn lẫy cái lu sành

nước tràn, lu vỡ, trời ta khóc

bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh

… Nam ơi, Đức Phổ trưa nay vắng

biển lặng ngồi không, xót phận mày

ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng

đến lượt ta, hay đứa nào đây?

(Trích bài: Bàn giao cho bạn địa-bàn. Bàn giao cho bạn nghĩa-trang vô tình)  

                                                                                 

Đề tài chiến tranh bao gồm đề tài chiến thương, riêng với nhà thơ Luân Hoán. Trong thơ, thi sĩ có nhắc khá nhiều lần về điều này, có khi nó mang đến điều mặc cảm làm đời vô dụng đối với gia đình, có khi mừng nó là khúc rẽ để được cắt đứt cuộc tình-ngã-ba (sẽ bàn đến sau trong phần thơ tình và tình gia đình). Có một bài thơ tác giả dành trọn vẹn cho biến cố mất bàn chân trái trong chiến trận. Điếu văn cho bàn chân trái, bạn hiền bàn chân gỗ, bia mộ cho bàn chân, cái chân một thuở đánh rơi, bàn chân tuyệt tình, tất cả là những từ ngữ đặc biệt đó tác giả ưu ái nói về chiến thương của mình. Ngôn ngữ đặc biệt ấy rải rác đây đó trong thơ của Luân Hoán. Ta muốn biết rõ nơi nào nhà thơ gặp nạn; trong trường hợp nào; và một phần thân thể đó nay ở đâu…, tác giả ghi lại đầy đủ như sau:

 

thế rồi tôi lên Núi Vàng

bằng trực thăng giữa chiều loang cánh đồng

nằm im mà thấy bềnh bồng

nghe như mây đảo vòng vòng trong tim

tỉnh ra sửng sốt giật mình

một đoạn chân đã tuyệt tình bỏ đi

….núi Vàng, cõi đặt mộ bia

Cho bàn chân trái năm kia, mơ hồ

….cái chân một thuở đánh rơi

hình như đang nhớ đến tôi, khóc thầm…

(Trích bài:Núi Vàng, nghĩa địa một bàn chân)

(Núi Vàng, nơi có bệnh viện quân đội Mỹ, ở Đức Phổ, Quảng Ngãi)

 

Thứ hai là Đề tài Tình Yêu bao gồm Tình Gia Đình trong văn chương Luân Hoán, thi tứ cũng dồi dào như thơ với đề tài chiến tranh. Ta có thể kể theo thứ tự tình lúc gặp gỡ thời son trẻ; tình khi thành vợ chồng; tình ở khúc rẽ ngả ba; tình gia đình hiện tại. Tình yêu gặp gỡ lúc son trẻ nếu không có đặc điểm riêng thì đều tương tự với ở các nhà thơ khác. Tác giả như cố tránh trùng hợp nên quy vào điều đặc biệt ngay, như trường hợp cảm hứng viết nên bài thơ dám theo em đến vùng “xôi đậu” giữa thời kình địch của hai phe lâm chiến: bài thơ “Theo Em Về Đại Lộc”. Ta không biết “tình theo em về vùng bất an đó đã đi đến đâu, nhưng “tình theo em về quê em” có lẽ đã thành duyên nợ. Có lẽ thôi, vì tác giả cũng không nói rõ phần chung cuộc như thế nào. Bài thơ tình này cảm động, đại ý nói quê nàng không có gì rực rỡ nhưng tình của tác giả đối với người yêu làm nó rực rỡ. Cảnh vật tác giả nói trong thơ tưởng đâu không có gì đáng kể như bụi chuối, con rắn mối, cỏ gà, đôi chòm mả, ao bèo nước xanh xao… nhưng tất cả chan chứa đầy tình yêu, và còn hẹn vì nàng mà nhà thơ sẽ đào xới cải tạo đất đai dù chỉ quen với nghề cầm bút:

 

… em chỉ ta xem đìa cá nhỏ

đục câm nằm núp bóng hàng keo

chà tre, thanh chõng, vạt giường cũ

chìm nổi xanh xao giữa đám bèo

em chỉ ta xem đôi chòm mả

mấy đời nội ngoại đã nằm đây

xương tàn cốt rụi xanh chân mạ

quấn quít hồn ôm bụi đất này

em chỉ ta xem dòng sông cái

đã buồn từ thuở mới luân lưu

bao nhiêu đò đã thay trên bến

bao kẻ qua sông biết ngậm ngùi?

… quê em có vẻ không giàu lắm

ruộng thấp ruộng cao úng nước phèn

lỏng leo vài tiếng gà cục tác

đời lún dần vào nỗi băn khoăn

yêu em ta nguyện yêu màu lúa

màu mái rạ thâm sì nắng mưa

tay ta tuy đã quen cầm bút

luống chữ hẹn thơm những đường bừa…

(Trích bài: Quê em lộng lẫy quá bởi vì đã có em)

 

Thơ tình của Luân Hoán bao gồm tình trai gái lãng mạn và tình gia đình. Tình lãng mạn dồi dào dĩ nhiên, cũng nhiều như ở các nhà thơ khác, và tình gia đình trong thơ của ông  thêm cảm động ở những đoạn tác giả nghĩ mình vô dụng với đời phế binh làm nặng gánh cho vợ. Nhưng trong đó có vài điều tác giả không tiện nói ra làm ta thắc mắc, như tự hào “không bán nốt lương tâm”, chỉ ban phát đạo lý trong việc “bán chữ nghĩa” mà thôi:

 

em không hỏi vì sao ta bỏ cuộc

giữa chợ đời không bán nốt lương tâm

… em không hỏi vì sao ta bất lực

ngồi bó đầu chờ đợi áo cơm em

… rượu đã hết, xin cho ta giọt lệ

giọt mồ hôi, em đổ sáng sang chiều…

(Trích bài: Vết thương)

 

Nhưng tình gia đình có một lần tác giả tự thú đã bị mình làm vẩn đục vì đèo bòng thêm một hình bóng khác. Tác giả lấy ẩn dụ một ngã tư để nói về việc đèo bòng này, cũng như ở Mỹ người ta thường dùng hình ảnh tình “tam giác tay ba”. Ngã ba (thật ra là ngã tư) trong thơ Luân Hoán không trừu tượng, vì ngã rẽ làm lạc hướng đó có thật, là một địa điểm ở vùng Sông Trà tỉnh Quảng Ngãi. Việc xảy ra khi tác giả tham dự một cuộc hành quân, dĩ nhiên ở thời điểm nhà thơ Luân Hoán chưa mất một bàn chân. Chuyện đã qua khá lâu trong thời chiến, và chuyện bị tiết lộ rồi cũng mau chóng được giải quyết xong. Nay tác giả kể lại như một câu truyện vui. Vui vẻ cả làng, vì trái mìn làm nhà thơ mất đi bàn chân trái, đồng thời làm mất đi mối tình đèo bòng, vì nàng thiếu nữ lãng mạn yêu thơ yêu người ấy cũng đã xa bay khi hay tin chàng đã thành phế binh, và người phế binh trở về trong vòng tay của vợ:

 

tình chẳng thong dong như dòng mây trắng

bà xã hay, và em cũng ngộ ra

từng lá thư buồn nhạt nhòa dấu lệ

vợ cũng quay lưng về lại quê nhà

ta bỗng hiện nguyên một thằng thua cuộc

ngồi mé ngã tư, đứng dựa ngã ba

thơ thẩn bỗng không hơn gì giấy lộn

đắp mặt không xong, phủ lòng xót xa

định mệnh bất ngờ giúp nhau mở lối

trái mìn oan khiên như vị cứu tinh

em chợt vội vàng làm cô dâu mới

vợ đã yên lòng nuôi gã thương binh

… ta phỉnh ai đâu, phỉnh ta đấy chứ

cho đến bây giờ ta vẫn phỉnh ta

nhớ nước sông Trà quay bờ xe nước

lòng đậu hay trôi ngã tư Ba La?

(Trích bài: Đôi mắt ngã tư Ba La)

 

Ta dễ nhận ra tác giả có những từ ngữ đùa cợt trong thơ, phải nói là rất dồi dào, những từ ngữ thường có trong đối thoại của đại chúng, chẳng hạn như: đổ quạu, mập ú, sống nhăn răng, làm hết hồn, đúng y-bon, rút súng phơ bờ bụi, cái ngắt cái véo, đứng chầu rìa, đêm tối thui, tỉnh bơ, bà xã, ai dạy em háy nguýt, đếch cần đời… khiến thơ tình của ông có vẻ đùa cợt. lúc lãng mạn cũng như lúc đau thương. Cả khi không dùng từ ngữ thuộc về đối thoại đời thường như trên mà thơ tình của Luân Hoán cũng có vẻ cợt đùa:

 

ai cho em về gõ cửa

hồn ta nào phải cõi không

mà em neo tình cư ngụ

sầu ơi gắng nép trong lòng

… ai cho em về tìm bóng

hồn ta nào phải tấm gương

lệ đây ta nhờ em khóc

cho vừa đủ rửa vết thương

yêu em ta nghêu ngao hát

một mình ta dẫm bóng ta

tiếng không lời sao bi đát

nhạc không điệu cũng xót xa

… trắng đêm ta ngồi uống rượu

ly rồi ly nữa nghe em

mừng ta được mời ăn cưới

mừng em… vâng, để mừng em.

(Trích bài: Bài ca của người thất tình)

 

Chủ đề thứ ba người viết muốn nói đến là đề tài siêu hình trong thơ Luân Hoán. Siêu hình ở đây chỉ là những ý nghĩ về thời gian đời người, về kiếp người có lúc muốn dứt bỏ có lúc bám níu sự sống. Không phải bàn về thơ siêu thực hay tôn giáo, điều ta ít thấy biểu lộ trong thơ Luân Hoán. Luân Hoán đôi khi bi quan, đó là do hậu quả của chiến thương, có những mặc cảm thành phế nhân vô dụng. Lúc bi quan nhất ông mới 59 tuổi, và cũng đã là thời gian ông sống nơi hải ngoại ở Canada. Ta nghĩ không phải do eo hẹp vật chất, vì Canada là nơi vốn hào sảng về phúc lợi. Bi quan đây là do cảm thức sự đều đặn chảy trôi của hàng ngày, do mặc cảm phế nhân trong một thời gian ông cho là đã dài rồi, sẵn sàng đón nhận cái chết. Bây giờ nghĩ lại chắc nhà thơ thấy 60 mươi năm chưa phải là kỳ hạn của đời người trong những xứ văn minh như Canada, Nhật Bản hay Hoa Kỳ:

 

tảng sáng nghe chim hót

xế trưa nhìn mây bay

xẫm chiều gác chân đợi

trừ đời thêm một ngày

không nặng như đá tảng

chẳng nhẹ như lông hồng

thỉnh thoảng nghe gió lọt

qua lòng chút bềnh bồng

có lẽ vào buổi sáng

không chừng vào buổi trưa

biết đâu vào chạng vạng

kết thúc đời dư thừa.

(Trích bài: 59, tôi)

 

Cảm thức sự nhàm chán trôi chảy của ngày tháng mà sinh ra yếm thế, đúng là do tâm-sinh-lý hòa quyện vào nhau. Cơ thể không vận động do thương tích đã tác động lên tâm hồn mà gây sự buồn rầu, điều này chỉ hiện diện đôi lúc khi thời tiết khó chịu. Còn những khi dễ chịu như buổi sáng tưng bừng tiếng chim hót hay sẩm chiều chờ đợi người thân trở về thì nhà thơ lại mong một ngày đừng trôi qua. Rõ ràng nhà thơ cũng như mọi người trong chúng ta đều ham sống. Ta có thể khẳng định vài cảm nghĩ yếm thế của nhà thơ Luân Hoán chỉ trong phút chốc nào đó mà thôi. Nhà thơ Luân Hoán từng nói ông tiếc mỗi ngày trôi qua, thời gian còn lại của đời người thật quý báu cần duy trì cả mỗi phút giờ. Ta ghi nhận được như vậy, qua bài thơ rất cảm động ông thương tiếc cái chết của con chim hồng yến nuôi trong nhà, sau vài ngày cố tranh thủ sự sống cho con chim bị mắc bệnh:

 

nhỏ cho mày giọt thuốc                                                                                       

trùm khăn ấm trần lồng

đặt vừa tầm dòng sưởi

mừng mày đứng vững dần

… sáng sớm ta xuống lầu

lòng nhẹ bớt lo âu

khi thấy mày vẫn đứng

dù hơi cúi thấp đầu

… mày chiêm chiếp vài lần

mắt nhìn ta trân trân

có điều gì muốn nói

mà lòng còn bâng khuâng?

… yến ơi mày đã chết

sau đêm dài đợi chờ

nhìn mặt ta lần cuối

rồi lịm vào hư vô

… cuộc sống ta còn lại

quý báu từng phút giờ

mất thêm một bằng hữu

ta đành hành hạ thơ…

(Trích bài: Vĩnh biệt Hồng Yến)

 

Lần lượt nói vê ba chủ đề “chiến tranh bao gồm chiến thương – tình yêu bao gồm tình gia đình – siêu hình về kỳ hạn đời người”, như vậy cũng có phần nào viết về tác giả. Viết về tác giả vốn là điều người viết bài thực sự muốn tránh, vì việc này đòi hỏi tìm hiểu thấu đáo các tác phẩm của một người. Tìm hiểu thấu đáo như thế thuộc về khuynh hướng nghiên cứu hay phê bình. Còn chỉ vì cảm thấy cái hay của môt số bài thơ liên hệ đến các chủ đề trên, rồi bàn theo suy xét riêng của mình, nghĩa là tự giới hạn ở vài nhận định mà thôi. Tóm lại, những cảm nghĩ của người viết mong cùng bên cạnh những nghiên cứu của một số người khác để có một cái nhìn tổng thể về Luân Hoán, một tác giả với thi ca có những đặc điểm và cũng đã nhiều đóng góp văn chương./.

 

(Trích Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 47, tháng 7 năm 2011 – Bản gửi từ tác giả)

Walnut, California, tháng 4 năm 2011

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2463
Ngày đăng: 28.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn Thêm Một Số Nhận Định Văn Chương Ở Sách Giáo Khoa - Trầm Thanh Tuấn
Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dạo bên trời - Nguyễn Vy Khanh
Luân Hoán, nhà thơ Thế Hệ Chiến tranh - Phạm Văn Nhàn
Phong Kiều dạ bạc , Ngàn Năm Âm Vang - Trầm Thanh Tuấn
Tương lai của văn-chương Việt Nam - Nguyễn Vy Khanh
Ca Ngợi Văn Chương - Nguyễn Phú Yên
Cảm Hứng Thiền Trong Thơ Thiên Nhiên Đời Trần - Trầm Thanh Tuấn
Văn Chương Bên Lề Cuộc Chiến Và Thơ Lúc Từ Bỏ Cuộc Chiến - Trần Văn Nam
Nguyễn Huy Thiệp: Những Chuyện Huyền, Kỳ, Núi, Sông Và Nước ... - Nguyễn Vy Khanh
Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư 1 - Lại Nguyên Ân
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)