( Thư An Quán in & tái bản- Hoa Kỳ 2004 )
Trần Hoài Thư viết :Lời Mở” cho tập truyện : Màu Thời Gian của tôi. Anh viết: “....được đọc một tác phẩm của một tác giả mà mình yêu mến là một niềm vui. Càng vui mừng hơn nữa khi tác giả ấy là một người cùng một thế hệ, cùng một lứa tuổi, trên vai mang cùng chung những thăng trầm của lịch sử...”. Đoạn văn ngắn mà anh Trần Hoài Thư viết trên có gì là “quá đáng ” không, khi anh viết về tôi? Tôi nghĩ là không. Không quá đáng và cũng không “ cường điệu ” gì cả trong câu viết ấy. Tôi nghĩ: anh đã trải lòng mình trên những trang giây để viết “ Lời Mở ” cho tập truyện của một người bạn. Và, hôm nay, tôi cũng trải lòng mình khi đọc xong một tác phẩm của người bạn cũ. Tác phẩm Tưởng Chừng Đã Quên của nhà văn Nguyên Minh.
bản- Hoa Kỳ 2004
Đọc tác phẩm của anh để thấy có tôi trong đó; mà đã bao nhiêu năm lầm lũi sống, trong nước cũng như ra hải ngoại, tôi cứ ngỡ những cậu chuyện, những người bạn một thời, như: Tưởng Chừng Đã Quên mất rồi.
Vâng! Nhìn lại thời gian trước 1975, trong quãng đời quân ngũ rày đây mai đó của tôi. Tôi không gặp lại anh: kể từ khi anh rời khỏi khu phố cổ ngắn và đầy bóng râm trên con đường Nguyễn Thái Học, Phan Rang - ngôi nhà mang số 11- để vào Sài Gòn lo cho nhà in và tiếp tục làm tờ Ý Thức. Hình như cuối năm 1969 (?). Và sau đó đời lính của tôi cũng rời khỏi nơi đóng quân ở Tháp Chàm, để đi đến một nơi khác, cho mãi đến tháng 4 năm 1975. Ngay cả những bạn bè lúc ấy, nơi thành phố nhỏ bé Phan Rang tôi cũng không gặp lại kể từ năm ấy. Ai nhỉ, nào: Trân Hoài Thư, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Ngy Hữu, Chu Trầm Nguyên Minh, Tô Đình Sự...Cũng vì bao nỗi thăng trầm của lịch sử... nói to lớn cho vui vậy thôi, chứ thật ra, đời lính thú mà, họ sai đâu thì đi đó. Cũng vì sai đâu đi đó, mà bạn bè khó gặp lại...Trước 1975, nghe đâu, Trần Hoài Thư đổi vào Nam, thỉnh thoảng có “dù ” về Sài Gòn gặp Nguyên Minh nơi tòa soạn Ý Thức. Và, cũng từ chỗ này, Thư còn gặp nhiều anh em khác nữa. Còn tôi thì biệt tăm cá nhạn.
Để rồi, vào tháng tư năm 1975, bạn bè lại mỗi người mỗi ngã, tan tác. Gặp nhau rất khó. Tôi thì “chôn chân” tại một thành phố biển nhỏ bé như trong lòng bàn tay. Âm thầm mà sống. Nào ngờ! Đúng quá Nguyên Minh ạ. Tác phẩm của anh Tưởng Chừng Đã Quên. ( Bốn chữ này tôi phải viết hoa và đồ lại cho đậm nét). Vâng! Với tôi, tôi tưởng tôi quên hết rồi. Ngay như vào cuối năm 1982 được lịnh cho về trong nỗi cơ hàn của một “ bần sĩ ” chánh hiệu . Ngồi bên lề quốc lộ 1, thành phố Tuy Hòa để đón chuyến xe đò xuôi Nam tìm lại vợ con. Hôm ấy, lòng buồn não nuột. Tuy Hòa cũng có những người bạn một thời trân quý. Ngồi giữa lòng thành phố Tuy Hòa nhưng nghe sao rất xa với bạn bè, anh em thuở nào. Nào: Nguyễn Lệ Uyên , Mang Viên Long, Phạm Ngọc Lư , Phạm Cao Hoàng và anh Trần Huyền Ân...không biết có còn ở nơi đây không. Hay trở về quê cũ? Nhớ như in trong trí nhớ, gần trong khu não bộ, mà sao thấy xa quá. Như NLU, tôi cứ ngỡ bạn ta còn đứng nơi bục giảng ở đâu miệt sông nước Hậu Giang. Nào ngờ bạn ta cũng đã trở về cày sâu cuốc bẩm nơi quê nhà Phú Yên. Phải chi biết được NLU ở đó, chắc ngày về của tôi cũng “ râm ran ” chuyện trò suốt đêm với vài ba ly rượu đế.
Để rồi, với thời còn bao cấp, đi đứng khó khăn của một người trở về từ một nơi chẳng được “ lành lặn ” cho mấy ấy. Đành vậy: Tưởng chừng đã quên. Ấy thế mà hôm nay, chính anh ( Nguyên Minh ) đã đưa tôi về với bạn bè, với những địa danh nơi tôi đã đi qua, đã một thời “ lăn lộn ”. Tập truyện ngắn Tưởng Chừng Đã Quên của anh, anh viết cho anh, cho những bạn bè của anh, và cho cả tình yêu ban đầu của anh nữa, mà sao như anh viết cho chính tôi...vậy.
Hãy đọc lấy một đoạn văn ngắn, trang 226, trang cuối của tập truyện TCĐQ. Truyện : Người Viết Kịch. Anh viết:: “...Tôi nghĩ đến sự may mắn. Trong chiến tranh, may mắn là viên đạn tránh mình. Trong trại tù, đó là lúc nhiều năm không được ăn một miếng đường, một hôm đi vô rừng đốn củi bắt gặp một tổ ong mật. Với tôi may mắn là được gõ cửa, tôi biết, bên kia cánh cửa đóng, có bạn...” Bên kia cánh cửa đóng, có bạn. Vâng! Chỉ một đoạn văn ngắn tôi đọc như thấy có tất cả bạn bè của một thời quen biết, hiện còn ở bên kia cách cửa đóng. Xa trên địa hình địa vật nhưng hôm nay sao nghe gần gũi trong tâm thức của tôi. Và ta đang bước tới. Phải không anh Nguyên Minh? Trong chiến tranh. Vâng, tôi đã tham dự 10 năm. May mắn ư ? . Đúng, viên đạn tránh tôi trong suốt mười năm quân ngũ. Rồi trong trại cải tạo. Vâng, lao động cực nhọc, chất ngọt làm thèm cái dạ dày. Nhìn lại thời gian ấy, nghĩ lại thấy buồn: thèm ăn như đứa trẻ. Nhưng cũng ít ai được vào rừng thấy được một tổ ong mật. Trời ơi, những giọt mật đang ứa ra từ những “ ô cửa sổ ” của tổ ong...Nhưng, những vị ngọt của tổ ong ngày nào đó, bây giờ là những vị ngọt của bạn bè tôi; mà tôi tưởng chừng đã quên mất.
bản- Việt Nam- nxb Thanh Niên, 2008
Ừ! mà quên sao được nhỉ? Những địa danh anh đã viết lại, những con người mà anh đã ghi lại, gần như có tôi tham dự trong đó. Thôi, thì cứ “ thấy sang bắt quàng làm họ ” khi đọc tác phẩm TCĐQ của Nguyên Minh. Này nhé, trong truyện ngắn: Những Linh Hồn Đứng . Anh viết: “...Những ngôi nhà biệt thự ở Hàng Đoát cất theo kiểu Tây vì đó là của người Pháp để lại sau hiệp định giơ neo ký kết. Các sĩ quan người Việt được phân phối ở đó...” và “...Con đường thật vắng vẻ, không một người qua lại. vắng tiếng người. Rỉ rả tiếng côn trùng, ếch nhái, từ những đám ruộng sau nhà vọng lại, tưởng như mình đang ở chốn nông thôn. Mỏi cả chân, sau khi đi từ đầu đường đến cuối đường, rồi quay lại. Cứ thế tiếp tục. Đêm đã khuya trời vẫn nóng nực. Không một chút gió. Thả người ngồi xuống giữa lòng đường nhựa, nhìn những cây đoát vẫn trơ trơ, bất động giữa đất trời, Phan thốt lên rất khẽ nhưng cũng đủ cho tôi nghe: “ Như những linh hồn từ đâu đó vất vưởng nhập vào những hàng đoát này đứng sững sờ giữa đêm trăng ”. ( trang 167 ). Truyện Những Linh Hồn Đứng, anh đã dẫn dắt người đọc đi từ địa danh này đến địa danh khác ở Huế, và cũng vì đất nước lúc ấy: chiến tranh. Bạn bè anh: người ở bên này, kẻ ở bên kia. Cuối cùng rồi cũng kết thúc : chết. Chết một cách không ai nghĩ tới tại sao phải chết, và hồn của những bạn anh chắc đã nhập vào những cây đoát ấy? hay hồn của những người dân Huế vô tội trong thời gian bị thực dân Pháp giết vào đêm 23 tháng 5 năm Ất Dậu???
Hàng Đoát. Cây đoát, anh đã dẫn tôi về với một kỷ niệm thật đẹp trên con đường này. Mượn những kỷ niệm của anh để nói về tôi. Vào cuối năm 1970, vợ tôi đưa tôi đi trên con đường này. Hôm đó, Huế buồn lắm. Trời vào đông, lạnh và ảm đạm. Hai đứa nép vào nhau mà đi. Đường vắng. Thật vắng. Những ngôi nhà Tây nằm im lìm, vắng vẻ. Tôi cứ đi bên vợ vì muốn biết cái xứ Huế, quê hương thứ hai của tôi lạnh và buồn như thế nào, mà sao mỗi đêm, mưa tạnh, tiếng ếch nhái kêu râm rang buồn hơn những nơi khác . Đang đi, vợ hỏi: anh biết đường chi không? Đường Hàng Đoát đấy? Nó có tên gì khác không? Có , nhưng dân Huế quen gọi Hàng Đoát. Tôi dừng lại nhìn. Đường ngắn, im ắng, với cái lạnh của đông về, thích hợp cho những cặp trai gái đang yêu nhau. Hàng Đoát dưới mắt tôi sao thấy buồn quá đổi. Tôi nói với vợ tôi: anh thấy trong mỗi cây Đoát hình như có ma . Vợ tôi bấu vào lưng tôi, nói nhỏ: có thật không anh? Thật! Thôi đi anh, anh nói chi dễ sợ rứa!
Lâu rồi, thời gian đã làm tôi quên. Nay, đọc Những Linh Hồn Đứng của anh, tôi bỗng nhớ lại những ngày đầu tôi về với Huế.
Tưởng Chừng Đã Quên là một tập truyện mà anh đã ghi lại những kỷ niệm của anh với bạn bè, với tình yêu và với những cái đam mê chữ nghĩa của anh. Với bao đổi thay - xã hội và con người- Nhưng, với anh, có lẽ không bao giờ thay đổi trong giòng thời gian qua. Anh vẫn ghi lại rõ nét lắm. Rõ đến độ, tôi đọc tác phẩm của anh vẫn thấy thích thú và nuối tiếc cho khoảng thời gian qua.
Như trong bài: Hình Như Trời Đang Mưa. Anh viết: “...Ở hai con đường khác nhau. Nguyễn Thái Học. Trần Hưng Đạo nhưng nhà hai đứa kế hông nhau. Căn gác của tôi, cửa sổ mở nhìn qua là căn gác suốt của hắn. Chỉ cần tín hiệu huýt gió là chúng tôi xuống gác ra khỏi nhà gặp nhau mà chẳng ai biết. Thường vào những đêm trời có trăng khi những ngọn đèn nhà trong phố tắt hẳn, lũ chúng tôi ba đứa, Minh Bui, Bảy Rìu và Tín Chả rủ nhau ra ngồi ở sân quần vợt mà đánh đàn guitar, mà ca hát... ”( trang 46 ). Đoạn văn trên anh nói về kỷ niệm của anh ở thành phố biển rất nhỏ mà anh gọi là rất “ hiền hòa” đó. “ Tín Chả ” thì tôi không biêt; vì anh đã mất. Còn Bảy Rìu thì tôi biết. Nhớ lại những tháng ngày đổi về Tháp Chàm, buồn, đi lang thang thì gặp Võ tấn Khanh ( Tôn Nữa Hoài My) đang lái chiếc honda, ngược chiều, dừng lại hỏi: phải PVN không? tôi nói phải, và từ đó tôi quen VTK. Khi ấy VTK đang dạy học ở trường tiểu học Đô Vinh, Tháp Chàm. Quen VTK thì quen với mấy anh em cầm bút ở Phan Rang, trong đó có anh.
Trong đoạn văn trang 50, truyện: Hình Như Trời Đang Mưa “...Ba tôi trong những ngày cuối đời chỉ còn là một ông già gầy nhom, mặc quần áo lụa trắng, tay chống gậy, mỏi mệt lân bước chân đi. Tuổi tác ba tôi bấy giờ cũng bằng tôi lúc này. Sáu mươi, nhưng cơn bịnh lao kéo dài phá nát hai buồng phổi, những cơn ho kéo dài và tuôn máu đỏ tươi, trông ba tôi như một cụ già tám mươi. Muốn lên gác, tôi phải đi ngang qua ba tôi. Nơi ông nằm vào ban ngày là chiếc ghế xích đu bằng vải bố, trước bàn thờ leo lét một ngọn đèn dầu hột vịt, một lư hương luôn luôn có cây nhang được đốt lẻ loi, phảng phất mùi thơm, phía sau là tấm hình hoen ố của mẹ tôi...” .
Đoạn văn trên, anh đã đưa tôi về với những kỷ niệm, dù ngắn, chưa tới một năm ở Tháp chàm. Nhưng những lúc rảnh rỗi, tôi lại đến ngôi nhà mang số 11 Nguyễn Thái Học. Và lên gác. Vâng, những bước chân thật nhẹ khi phải đi ngang qua khu nhà thờ với cái không khí thật trang nghiêm, lạnh tẻ, nếu không muốn nói là huyền bí với mùi nhang thơm phảng phất trên bàn thờ. Ba anh nằm trên chiếc ghế dựa, im ắng lạ lùng nơi gian nhà thờ. Và, như một cái gì đó nghịch lại, lên tới gác, một không khí sôi nỗi, cách biệt với khu nhà thờ phía dưới: giấy má, bàn máy đánh chữ , và những tiếng gõ đều tay trên bàn phiếm của cô thư ký đang đánh máy và trình bày trên những tờ stancil. Rồi mực, rồi những tàn thuốc lá hút dở dụi vội xuống cái gạt tàn. Không khí như khẩn trương, vì: tôi biết anh đam mê chữ nghĩa và báo chí đên nỗi phải bỏ nghề sư phạm để chạy theo nghề cầm bút và làm báo. Như đoạn văn sau đây, ta mới thấy cái đam mê của bạn tôi: “...Đáng lẽ tôi chở Tuyên thẳng đến nhà hàng, tôi lại ghé tạt nhà in- như ma dẫn đường- định xem qua công việc tiến triển ra sao, và phân công cho anh em thợ làm đêm. Cô thư ký vẫn chưa đến. Tôi bắt Tuyên thế chân, ngồi sửa lỗi bản in thử. Còn tôi hì hục gắn bản in nhủ lên ma-két. Đói bụng, tôi nhờ nhân viên đi mua cơm phần. Nghĩ tay một lát, tôi và Tuyên vội ăn cho xong để tiếp tục công việc. Mãi đến tối....” ( trang 16 )
Và:” ...ngày xưa Tuyên bỏ tôi đi lây chồng, tôi chỉ buồn đôi chút rồi qua đi. Vì bên cạnh tôi còn có tờ báo Ý Thức...” ( trang 17 ).
Như thế đó, mới thấy anh đam mê chữ nghĩa như thế nào. Đọc đoạn văn trên, thắc mắc tại sao lại có cã “cô Truyên” trong từng truyện ngắn của Nguyên Minh? Một nhân vật nữ thật sự ở ngoài đời chú không phải nhân vật nữa hư cấu trong những tác phẩm văn chương của anh, có lẽ nổi bật nhất trong suốt chiều dài cầm bút của Nguyên Minh, Nhân vật nữa “T.” này đã tạo cho anh nhiều cảm súc khi viết, ngay cả tập TCĐQ. Mà sao lạ, cô Tuyên trong truyện của anh viết lại là “ cô bé Tuyên ” mà ít nhiều tôi đã biết. Vâng! Thời gian đổi về Tháp Chàm, và tôi đã gặp cô Tuyên đang ở học trong một ngôi chùa sư nữ trước quán cà phê Diễm của anh “ Bảy Đầu Rìu ” theo lối gọi thân mật của các bạn anh. Lại gần căn phố 11 Nguyễn Thái Học...Ngày ấy, tôi đâu có nghe anh nói đến cô Tuyên. Và bên cạnh cái sân đánh quần vợt. Trời nóng, tôi với anh, với LKT, với VTK ngồi đó. Sân quần vợt chỉ cách ngôi chùa của Tuyên ở một tấm vách, và đối diện với quán cà phê Diễm ( tấm vách sau chùa ). Gần gũi. Ngày đó, tôi cũng quên bẵng đi cái cô nữ sinh người Huế nhỏ bé học một lớp với mấy đứa em tôi ở Phan Thiết. Và, tất cả: Tưởng chừng Đã Quên...Nào ngờ, 4 năm trước, tôi gặp lại cô bé Tuyên trong truyện anh viết tại nhà của con tôi ở Houston, nước Mỹ. Tôi vẫn ký đầu và nói chuyện với “ con bé Tuyên ”. Tuyên cười thật dễ thương: em lớn rồi đấy nhé, trên năm mươi. Trời đất, sao tụi bây chóng lớn vậy. Tôi cứ tưởng chỉ có một mình tôi là già. Gặp lại “ con bé Tuyên ” tôi mới biết rõ hơn về hoàn cảnh của Tuyên hiện tại, chồng chết trong trại cải tạo. Và, mối tình với người bạn tôi. Vâng! Cám ơn anh, đã cho tôi gặp lại những cái mà tôi tưởng đã đánh mất lâu rồi. Và, cũng là những cái gì đó thật đẹp trong khoảng đời còn lại của tuổi về già.
Hạnh phúc biết bao, cái tuổi thơ của tôi ngày nào như sống lại. Khi mà:”...Con gà chọi nhốt trong lồng còn đi qua đi lại được, cái cổ dài còn lắc lư. Còn tôi thì ngồi chồm hổm, co ro như con mèo thu mình lại. Đôi mắt trẻ thơ của tôi rơm rớm nhìn xuống đất, tủi thân. Lũ học trò bạn tôi đi học về ngang qua thấy lạ, dừng lại ngạc nhiên hỏi:-” Nguyên, mày giở trò gì vậy? ” Một đứa lanh hơn nói khẽ:- “ Nó bị ba nó phạt đó. ”( trang 20 ).
Tuổi thơ. Ai rồi cũng trải qua. Còn lại là những kỷ niệm. Anh vì “ bực bội ” - chưa hiểu hết nổi đam mê về một môn chơi nào đó- như đá gà của ba anh; mà suýt làm hại một con gà đá của ba anh. Đến nổi: Mẹ tôi la hoảng: - “ Thôi chết rồi. làm sao cho con gà tỉnh lại để khi ba con về không khám phá được. ” Lúc đó tôi mới sợ hết hồn, mặt mày xanh mét khi liên tưởng đến trận đòn nát mông...
Đọc câu văn trên, tôi liên tưởng đến tôi, cái tuổi thơ ngày nào đó ham xem đá gà ( trại gà nằm gần nhà cô dượng tôi ). Vì nhà nghèo, đông anh chị em, cô dượng mới đem tôi về nuôi cho ăn học và làm việc nhà. Tuổi thơ tôi hình như không biết gì hơn là ở trong bốn vách tường và cái khoảng sân rộng dùng để đậu những chiếc xe chở khách. Trường gà, tôi hay lén tới xem, và vợ chồng cô dượng tôi bắt được, đem tôi về phạt một trận “ nhừ tử ” . Hình thức phạt bằng cách “ thụt dầu ” hàng ngàn cái...để rồi, cuối cùng, tôi xỉu . Một buổi tối bỏ cơm, nằm trên căn gác: khóc vì nhớ mẹ...
Hành động của anh là: để cho con gà đá ( tự nó thấy hình nó trong gương ). Còn tôi, lén đi xem, mà còn bị một trận phạt “ thụt dầu ” đáng giá.
Nhưng đến khi đọc tới truyện Mây Trôi, tự nhiên tôi mê nhân vật nữ mà anh viết. Nàng tên là Vân Phi. Người con gái có dáng mảnh khảnh , mắt mí lót, tóc đen mướt xõa quá lưng. lại là một phật tử thuần thành ( huyng trưởng ). Hình ảnh của một cô nữ sinh hiền dịu khi còn học chung với anh một lớp đệ nhị ở một ngôi trường tỉnh. Và, có ngờ đâu: “...Giây phút gặp nhau làm tôi ngỡ ngàng, không biết thật hay hư. Chẳng lẽ đang đứng trước mặt tôi là người con gái dịu hiền năm xưa, dáng yếu đuối, xanh xao mang vẻ đẹp liêu trai. Người con gái giờ đây, mặt trét đầy phấn trắng nham nhở, môi như sưng vù bầm máu, tóc dựng lông nhím, mặc chiếc quần tây bằng kaki vàng đã bạc màu và hai đầu gối vá hai miếng vải đậm màu, cùng chiếc áo thun đỏ hở nách ôm sát thân thể nàng. Bộ ngực căng đầy sức sống. Tôi tưởng nàng đang hóa trang sắm một vai bụi đời trong một vở kịch nào đó mà sân khấu là trong quán cà phê...”
Và:”...Bỗng nghe tiếng huýt gió, rồi tiếng búng tay, rồi một giọng nói ngổ ngáo:” Ghê! Chủ quán đâu? ” Tôi đi về hướng có tiếng gọi ngang qua đám thanh niên đưa ngón tay ra dấu tôi phải gặp ai.
Người con gái đang quay mặt vào trong vách tường. Tôi hỏi giọng nhẹ nhàng: “- Xin lỗi, cô dùng gì? ” Giọng người con gái khàn khàn và cay cú: “ Nghe quán mới mở. Nói chủ ra đây?”- “ Tôi đây. Chủ quán đây.” Tôi vẫn đứng thẳng người. Cô nàng quay mặt lại. Tôi tưởng cô đùa với tôi sau bao nhiêu năm gặp lại. Tôi nhìn chăm bẳm rồi buột miệng: - “ Phật Bà Quan Âm ”. Cô nàng cười ngất ngưởng: - “ Tưởng ai xa lạ. Té ra ông bạn thời xa xưa. Hết Phật Bà rồi giờ thành nữ tặc. ” ( trang 124 ) . Để rồi đọc tiếp những trang kế tiếp, tôi mới thấm và thấy được tại sao một cô gái thật dễ thương, vào những ngày cuối tuần mặc áo lam đến chùa sinh hoạt với các em thiếu nhi, rồi tới trường, tới lớp dạy học. Cô giáo ấy tại sao lại bụi đời, để có một số đàn em đi theo. Phải nói là có bản lĩnh lắm mới làm được việc ấy. Tại sao? Ta nghe Vân Phi ( tên cô gái ) tâm sự, khi lòng đã lắng xuống, ngồi trước mặt anh- một người bạn cũ. “ ...Nữ tặc tự trả lời: Nhi nữ thường tình chỉ âm thầm biết khóc. Còn tôi khi những người tình đã bị chiến tranh cướp mất, tôi phải làm sao? ”.
Những con chữ trong câu văn trên, tôi đọc, mới thấy được nỗi đau của thân phận người con gái Việt nam, sinh ra và lớn lên trong một đất nước mà chiến tranh triền miên. Có lẽ Vân Phi là một trong muôn vàn người con gái Việt có người yêu chết ngoài chiến trường. Có khác Vân Phi chăng là “ âm thầm ” khóc. Còn Vân Phi, từ một cô giáo, Vân Phi đã nạp đơn xin nghỉ dạy. Phản kháng ư? Không. Mà chắc chắn là: buồn; vì người yêu chết ngoài chiến trường. Buồn vì : Chiến tranh. Nguyên do đã gây nên biết bao nhiêu đau khổ cho nhiều gia đình. Có người dằn được lòng mình. Có người dằn không được lòng mình thì phá phách, như Nữ tặc trong truyện Mây Trôi .
Ngay chính anh, tác giả của tập truyện TCĐQ, khi nghe tin người bạn thân chết trên chiến trường A Sao, anh đã chạy một mạch ra bờ sông Dinh, giang hai tay lên trời mà gọi tên người bạn. Đó chỉ là người bạn trai thân. Còn với Vân Phi, người tình chết trận. Vân Phi phá phách là phải. Nhưng, tôi phục một Vân Phi trong truyện và ngoài đời ( vì anh viết thật - không hư cấu ), phải nói là có bản lãnh !
Cũng trong truyện ngắn Mây trôi, anh nghe tin người bạn thân chết ngoài chiến trường, anh chạy ra bờ sông Dinh, giang hai tay lên trời mà gọi tên bạn. Sông Dinh của Phan Rang mà ít ra tôi cũng đã đến đó một thời gian ngắn. Sông Dinh với tôi mà anh nói đến có những kỉ niệm khó quên giữa tôi với Trần Hoài Thư. Cũng vì chiến tranh . Chiến tranh! Chiến tranh! Ta hãy lắng lòng nghe : đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Hay: người chết hai lần thịt da nát tan. Phản chiến ư? Xạo. Nếu ai đó nói phản chiến! Sự thật đấy! Chiến tranh của Việt Nam.
Xuyên suốt 227 trang, đọc đến “ chạnh lòng ”, một cái truyện ngắn anh viết cho một người bạn văn- một kỷ niệm- Vâng. Ngay cả tôi khi đọc cũng phải “ chạnh lòng ” về một người bạn.
“...Sau khi ba tên kia thức dậy, thì Kim đến. Sáng nay Kim thướt tha trong chiếc áo dài lụa trắng. dáng nàng gầy gầy. hắn nhìn Kim rồi rồi nhìn sang tôi như thầm hỏi: “ Có phải Tuyên đó không? ” Tôi như hiểu ý nên trả lời: “ Tuyên như con chim họa mi đã bay xa, rất xa! ” Kim hỏi nhỏ tôi: “ Ai vậy? ”- “ Một con ngựa hoang vừa mới lạc bầy, đang bơ vơ.”- “ Sao già vậy?” - “ Bơ vơ, lạc loài trong cuộc chiến nên tóc bạc sớm. ” Thư cười gật đầu chào Kim. Tôi nói với Thư:” Tờ báo tụi mình chữ đẹp hay không là nhờ bàn tay của Kim đó. Cả hai vợ chồng Kim là bạn của mình. lát nữa ông sẽ thấy tòa soạn báo và cả nhà in của mình ” ( trang 189 ). Và qua trang 192, cũng trong bài “ Chạnh lòng ” “...Tôi hỏi hắn: “ Đi đâu?” - “ Tìm về đơn vị, mình nhớ những thằng lính của mình. Cậu chưa vào quân ngũ nên cậu không cảm nhận được tình đồng đội. Giữa cái sống và cái chết mỏng manh như sợi tóc vẫn thể hiện qua ánh mắt nụ cười cho nhau. Mình đang mang theo những cuốn truyện Nỗi Bơ Vơ Của bầy Ngựa Hoang ra chiến Trường . Cám ơn cậu rất nhiều. Hẹn ngày gặp lại...”
Đoạn văn ngắn vài giòng ở trên mà tôi trích ra đây để nói lên cái thật của người viết. Với ai, thì tôi không biết. Nhưng với nhân vật chính trong truyện ngắn “ Chạnh lòng ” thì quá rõ ràng qua hình ảnh của người bạn tôi, mà cô Kim ( một nhân vật nữ có thật đã đánh máy, layout trên những tờ stancil đã đóng góp rất nhiều công sức để hoàn thành một tờ báo văn học, với số lượng bài vở thật dồi dào và gây nhiều ấn tượng trong giới độc giả của cái thời mà: đại bác đêm đêm dội về thành phố ấy. Cô đã hỏi nhỏ anh: ai vậy?- Sao già quá vậy? Vâng! Tuổi trẻ và chiến tranh VN đã làm cho bọn tôi già trước tuổi. Vâng! Tuổi trẻ của chúng tôi đã ít nhiều lăn xả , và đối diện giữa cái sống và cái chết ở chiến trường chì trong một sát na. Buồn bã! Cô đơn! Chết choc! Bơ vơ khi trở về phố thị. Vâng! nỗi bơ vơ ấy đã là đề tài có thật mà Trần Hoài Thư lấy làm tựa cho tập truyện đầu tay của anh. Tôi nghĩ, chắc ít người biết tại sao có cái tên đó cho một tập truyện đầu tay của một người lính trẻ viết văn, làm thơ thời ấy... Cũng từ viện Pasteur Nha Trang, trong những chuồng ngựa bỏ hoang, đã được dọn sạch sẽ, làm chỗ ngủ cho những người lính thuộc Tiểu khu Khánh Hòa canh gác sau tết Mậu Thân; mà đêm đó tôi với Thư trở về Nha Trang, cũng phải vào nơi đó để ngủ qua đêm cùng với nhà báo- Lê Minh – Chủ trương tờ Dựng Đất. Từ đó mà tên tác phẩm được hình thành, và cơ sở Ý Thức của anh, đã in tập truyện đầu tay cho Trần Hoài Thư từ cơ sở này.
Nguyên Minh ơi, Trần Hoài Thư ơi, đọc truyện “chạnh Lòng” của anh viết, và nhớ lại tập truyện NBVCBNH của THT. Cũng từ tập truyện này tôi đã bị “thẩm tra” một lần mệt “ngất ngư” từ một “bà chị” M.H vợ của nhà báo CĐB làm tại tòa soạn báo Quyết Tiến trên đường Võ Tánh trước 1975. Cũng vì trong tập truyện đó có một truyện ngắn, nhân vật nữ mang tên H…Tôi thì “mệt” phải trả lời chị còn cái anh chàng CĐB thì cười cười… tại sao lúc ấy chị H. không hỏi người viết mà lại hỏi tôi? Tréo cẳng ngỗng.
NBVCBNH anh còn giữ không. Nguyên Minh ? hay cũng đã mất theo thời cuộc? Và, cô Kim, đánh máy cho Ý Thức năm nào bây giờ chắc cũng già lắm, Minh nhỉ? ??
Ấy! Trích từng ấy đoạn văn thôi trong tập truyện TCĐQ của anh. Tôi nhớ lại nhiều lắm. Dù đọc và cách xa anh 1/2 vòng trái đất. Dù hôm nay, với những bạn bè cầm bút biết nhau ngày nào, chỉ có tôi và THT sống trong cùng một đất nước của “ người ta ”. Nhưng Tưởng Chừng Đã Quên của anh ( phát hành trong nước ) cũng đến tay anh em bên này, do Thư Ấn Quán - một cơ sở in của Thư Quán Bản Thảo, in lại và phổ biến. Với TCĐQ, anh đã đưa tôi về với nhiều kỷ niệm thật đẹp, thật ấm lòng với biết bao kỷ niệm cùng với anh em cầm bút cũ một thời khó quên chữ nghĩa của hơn 40 năm về trước.
Tôi nghĩ với TCĐQ sẽ sống mãi với bạn bè của anh trong từng tế bào trí nhớ . Và, ngay cả một nhân vật nữ; mà ở nơi trang nào, giòng nào cũng thoáng hiện “ em ” qua ngòi bút trân quý của anh.
Cảm ơn anh đã cho tôi đọc một tập truyện hay. Vì trong đó đã có tôi ( dù là ẩn số ) và bạn bè tôi./.