“Tôi hiểu rằng con đường văn chương là con đường đầy tai họa không phải lót hoa trải thảm.
Nó mang đến cho gia đình và bản thân sự bất an. Vì văn chương đã dựa vào sự thật. Cái sự thật mà tuổi trẻ của chúng tôi không thể nói lên tiếng nói, trừ tiếng hấp hối trên bãi chiến trường, trong phòng cấp cứu. “
Tôi là một con ngựa bất kham. Ngày nhỏ, mẹ tôi đã không có thì giờ để huấn luyện tôi, bắt tôi bỏ vào chuồng, kềm cương cho tôi khỏi chạy, trái lại bà để tôi lêu lỏng cùng những đám mây hay như con dế mèn phiêu lưu trong cuốn sách của Tô Hoài mà cô Hồng Ấn đã bắt học trò cô phải đọc. Bây giờ tôi lại bị đẩy vào một chuồng lớn hơn, khắc khe hơn, bảo thủ hơn, phong kiến hơn mà ba là một người tiêu biểu đại diện.
Xứ Huế lại buồn, buồn không thể tả. Mưa ủ dột dầm dề suốt ngày. Trời thì sương muối, sương mù sáng đến trưa, che cả sông Hương. Và mùa gió thì gió cắt da cắt thịt. Lại thêm những thành quách cũ mờ nhạt nổi hiện như những nghĩa trang vua chúa đìu hiu.
Càng ngày tôi càng phản kháng, nổi loạn. Tôi mang dép Nhật, để tóc dài. Mà hồn và trí thì muốn nổi loạn. Tôi tôn sùng cụ Trần Tế Xương, Cao Bá Quát. Tôi si mê nhân vật Alexis Zorba the Greek.
Ba tôi quá buồn vì tôi. May mà tôi học tạm khá. Toán luôn luôn xuất sắc. Kỳ thi nào tôi cũng đậu kỳ đầu. Ai cũng nghĩ tôi học hành chăm chỉ, không biết gái là gì, cô đơn, sợ bạn bè và suốt ngày chỉ miệt mài trong thư viện.. Nào ai biết, bên trong tôi, nỗi buồn tuổi trẻ đến rưng rưng. Chiến tranh cận kề, tiếng nổ cũng cận kề. Những tín hiệu càng lúc càng đánh về, mỗi ngày qua những đài ngoại quốc. Mỗi ngày, trang nhật báo đầy tin chiến sự. Cả thế giới đã nhìn vào nước tôi và khóc dùm nước tôi. Lệnh Tổng động viên đã ban hành. Một lứa tuổi được lệnh trình diện. Rồi một ngày nào đó đến phiên lứa tuổi của tôi. Chắc chắn phải vậy.
Có những buổi chiều chỉ còn tôi với lòng thư viện rộng mênh mông và lặng lẽ. Trong khi bên ngoài ánh nắng chiều đã hắt lên giàn hoa giấy từ phía trường Jeanne D'Arc và trên mặt lộ những lá ngâu, lá điệp đuổi nhau bay theo gió... Lúc ấy những con tính theo nỗi chán chường mà trở thành một số zero buồn bã.
Như chiều nay, trang báo của tạp chí Time mở ra. Trân đánh Bình Giả vẫn đang tiếp diễn. Thêm một tấm hình làm đau xót cả thế giới. Đứa bé gái bị thương vừa chống gậy vừa khóc giữa nền gạch vụn và lửa bốc đằng sau. Tấm hình chụp để nhìn chứ không để nghe. Đối với kẻ không cận kề với chiến tranh, không nghe tiếng đạn bom, thì bức hình chỉ mang đến sự hãi hùng, kinh hoàng qua tuổi thơ vô tội, qua chiếc miệng gào khóc, qua đôi mắt tột cùng sợ hãi và đau thương. Còn tôi, tôi còn nghe cả tiếng nổ, còn thấy được thế nào là nỗi bất hạnh của những đứa bé không cha không mẹ. Em kêu mẹ, kêu ba hay là em kêu lương tâm loài người ? Rồi sau đó, em ở đâu?
Lòng tôi muốn nói, muốn chia sẻ. Tôi nghĩ đến những hình ảnh cũ, trong viện mồ côi Hòn Chồng, nơi tôi có mặt gần hai năm trời. Một giai đoạn lịch sử đã qua, nhưng nỗi bất hạnh vẫn là bất hạnh cũ. Và tự dưng, tôi viết. Viết về một thảm kịch tuổi thơ. Nuớc mắt tuổi thơ.
Tôi không bao giờ mơ ước thành nhà văn. Nhưng chiều hôm ấy, tôi đã bỏ vào phong bì, và liều mạng gởi về tòa soạn báo tạp chí Bách Khoa. Bởi lẻ nó là tạp chí độc nhất mà tôi có thể tìm được tại thư viện Xavier này. Tôi muốn mang nước mắt ấy cho người đọc khắp nơi. Tôi xin làm một tiếng khóc để khóc cho em bé trên trang báo này.
Nước mắt ấy đôi khi trở thành định mệnh. Vợ tôi sau này luôn luôn nói về bài văn này trước khi gặp tôi. Nàng cũng đã khóc. Khóc nức nở. Để rồi từ đó, những giọt lệ ấy đã theo tôi trên khắp ngã đường lênh đênh. Từ người tình đến người chinh phụ.
Và đó là định mệnh. Đó là lý do tôi có thể nói tôi xuất thân từ lò báo Bách Khoa.
Tôi đã may mắn chọn đúng chỗ.
Bởi vì, không thể ngờ, tạp chí Bách Khoa đã đi bài của tôi. Xúc động, đọc cả chục lần. Nhưng mà, những phần bôi đen thê thảm như mảng tang chế. Tôi đã viết thật, vì tôi đã thấy và đã sống ờ trong cô nhi viện, vì tôi cũng đã từng nín thở nằm ép dưới đáy giường, phản, để tránh đạn. Tôi đã khóc tuổi thơ của tôi vì chiến tranh. Bây giờ tôi khóc cho tuổi thơ của các em tôi. Nhưng người ta đã tàn bạo đục, cắt, bôi, xóa viện cớ làm lợi cho địch.
Ba biết được. Bởi lẽ tôi dùng tên thật. Người ta mách lại ông. Ông rầy tôi dữ dội. Ông nói cái nghề này chỉ thương mây khóc gió, nghèo mạt rệp, không có danh giá gì. Ông sợ tôi xao lãng học hành nên thi hỏng chăng.
Sự thật, xét cho cùng, ba tôi có lý.
Đời ông đã quá khổ. Ông không muốn tôi khổ như ông. Ông muốn tôi phải đổ đạt, ra đời có bằng cấp và chức phận.
Nhưng từ cái bài văn định mệnh ấy, tôi bị chất cần sa ma túy là văn chương hành hạ. Tôi đã lỡ nếm thử, và đã bị chất độc thấm vào máu huyết.
Nó làm tôi ngất ngư. Tôi xao lãng việc học hành. Tôi bỏ qua cơ hội khi trường đại học sư phạm Huế cho phép thu nhận những sinh viên có chứng chỉ dự bị Toán hay Toán Lý Hóa vào thẳng năm thứ hai. Đó là dịp tốt nhất để được hoãn dịch. Và đó cũng là cơ hội tốt để kiếm một cô vợ mỹ miều xinh đẹp, khỏi cảnh "người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận/nón che ngang nên chẳng thấy tôi buồn" (thơ của Phan Nhự Thức).
Tôi hiểu rằng con đường văn chương là con đường đầy tai họa không phải lót hoa trải thảm.
Nó mang đến cho gia đình và bản thân sự bất an. Vì văn chương đã dựa vào sự thật. Cái sự thật mà tuổi trẻ của chúng tôi không thể nói lên tiếng nói, trừ tiếng hấp hối trên bãi chiến trường, trong phòng cấp cứu.
Cũng vì tôi đi vào con đường viết văn ấy, mà ba tôi buồn khổ vì tôi không ít.. Tôi ứa nước mắt. Phải, tôi chính là con ngựa ôn dịch. Ngày trước, tôi đã gây khổ, gây buồn cho mẹ. Và bây giờ cho ba.
Tình thương của ông ngập lụt trên thân thể tôi. Ông là mẹ từ tâm. Ông là ông thánh hiền hào quang soi rọi cả cuộc đời ngỡ như tàn tạ của tôi. Ông đã quạt cho tôi bao nhiêu đêm, hết tay phải qua tay trái, để tôi được mát. Và cả những giọt lệ tủi cực như cứng đầy ở cuống họng không thoát ra được, vì phải sống giữa loài ngạ quỉ. Ấy vậy, tôi không lạy ông, lại bắt ông lạy tôi:
- Tao lạy mày, đừng viết nữa.
Tôi sa ngã rồi. Văn chương ơi..
Không phải riêng ba tôi nói lạy tôi mà còn người con gái mà tôi lỡ yêu đầu đời cũng lạy tôi.
Đừng xây dựng nhân vật nữ giống như Quỳnh nữa. Đừng có nói truyện văn chỉ là hư cấu, và nhà văn là ông vua có quyền tối thượng để hành hạ tôi nữa.
Trời ơi, khi tiếng thì thầm mà miệng không thể nói ra, thì văn chương sẽ thay dùm để nói hộ dùm tim mình. Khi tôi không có ai trên đời này, mẹ cha anh em bạn hữu, thì chỉ có em làm cõi nương tựa, sao em lại trách tôi.
Em bắt tôi phải điên khùng. Em khiến cái kiêu ngạo của tên thanh niên bị lép vế, trở thành số không. Và cái tự ái của hắn càng bốc cao ngùn ngụt. Em cười cười nói nói, đọc kinh nhắm mắt dịu dàng làm sao. Em mang áo màu lam đi lễ chùa qua nhà tôi ngày rằm mồng một khiến tôi phải nín thở, trời ơi, đến độ phải thuộc lòng câu thơ của một thi sĩ nào đó: em đi dáng mỏng như là gió, phơi tuổi vàng ta trên ngọn cây, và ghen đến cả ông trụ trì. Em không hiểu con tim tôi không phải là một cái máy bơm máu. Nó còn hơn thế nữa. Ðang yên ngủ bỗng nhiên một hôm nào bị đánh thức như ba hồi trống dục. Nó đòi được yêu. Tui không thể cứ nhảy hoài một điệu buồn bã như vậy. Tui phải vùng dậy, cách mạng. Tui phải đòi quyền sống. Tui phải yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét.
Em làm sao hiểu có biết bao nhiêu trang giấy tôi đã chung thủy với một nhân vật Quỳnh không, hỡi em hiền như ma soeur mà sao tâm như là gỗ đá ?
Vâng, thì tôi sẽ vì em mà xa.
Tôi đã lỡ dại dột sa vào tình yêu, cũng như sa vào văn chương.
Thôi thì chỉ có cách là bỏ vào Saigon.
Để em xa một tay du thủ.
Để mạ ba em không còn nhìn thấy một tên phản thầy, phản đạo, mất dạy, du côn.
(Trích Cảm Tạ Văn Chương, đang viết)