Truyền thuyết về đời Hùng Vương thứ 6 kể lại chuyện tổ nghề dệt lụa là công chúa Thiều Hoa, không những đặt nền tảng cho giá trị văn hoá vật chất nhưng còn để lại những vết tích trong ngôn ngữ của dân tộc. Cụ thể là chữ cửi, một dạng chữ Nôm viết bằng bộ mịch 糸 hợp với chữ cải 改 hài thanh như câu '... cửi mắc văng mấy đoạn sầu ...' (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập) hay '... đường sá bằng mắc cửi ...' (Truyền Kỳ Mạn Lục). Ca dao tục ngữ Việt Nam dùng nhiều hình ảnh và ý tưởng về khung cửi như
Anh về đi học cho ngoan
Để em cửi vải kiếm quan tiền dài (xài)
Hay
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ
...v.v...
Và không có hình ảnh gì đẹp bằng câu thơ của Nguyễn Bính 'Em là gái trong khung cửi' mà không một chàng thư sinh nào có thể quên được. Âm cửi1 thật ra còn là một dạng âm cổ của chữ hiếm hợi 絯 (Unicode 7D6F) trong vốn từ Hán có tần số dùng (tần suất/frequency of use) là 22 trên 237243358. Hợi 絯có nghĩa là trói buộc (kết lại, theo Bác Nhã 博 雅), sợi tơ lớn (đại ti dã 大 絲 也), hay là treo/móc (Ngọc Thiên 玉 篇) đều dẫn ý cửi của tiếng Việt; để ý giọng Quảng Đông/QĐ đọc là goi1 (đọc như là âm coi tiếng Việt). Tiếng Trung (Quốc) bây giờ vẫn dùng chữ cơ (ki 機) với nghĩa mở rộng chỉ máy (động cơ): một dạng âm cổ của cơ là *kǝi, xem thêm các dạng âm cổ phần dưới.
Bài viết này (đánh số 5A) dựa vào các tương quan ngữ âm như hợi cửi bên trên, dùng cấu trúc chữ Hán qua khả năng ký âm tiếng Việt (cổ) để đưa đến kết luận là Hợi/Hãi 亥 (thường dùng làm thành phần hài thanh) có âm cổ hơn là *kui/kôi hay là cúi (heo/lợn - tiếng Mường vẫn còn dùng), nói cách khác tên gọi 12 con giáp như Hợi (âm Hán trung cổ) có khả năng là tiếng Việt (cổ) nhập vào tiếng Hán (cổ). Sau đó, khi văn hoá Trung Quốc khởi sắc (Hán ... Đường) thì lại tên 12 con giáp lại nhập ngược vào ngôn ngữ Việt Nam với cách đọc phù hợp với hệ thống âm thanh Hán trung cổ, tương tự như như đa số các âm Hán Việt/HV khác. Tuy cúi không còn dùng để chỉ lợn/heo trong tiếng Việt hiện đại, động từ cúi (kuj, Mường Rục) có thể liên quan đến hoạt động của loài heo: thường chúc đầu xuống bới đất để tìm thức ăn (xem chữ hôi phần 1.1). Cúi có khả năng ngạc hoá để cho ra dạng chúi (xem phụ chú 26.2). Người đọc nên tham khảo thêm2 bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi *kui cúi (phần 5)" để cho liên tục, cũng như loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp" để có khái niệm tổng quát và chính xác hơn về cùng đề tài này. Nên phân biệt số phụ chú (superscript, như số 1 trong chữ cửi1) là số ghi sau chữ có phụ chú và số ghi thanh điệu cũng ghi sau chữ (như số 1 trong chữ goi1); giọng Bắc Kinh ghi theo hệ thống bính âm (pīnyīn) rất phổ thông hiện nay. Dấu hình sao (asterisk) đứng trước chỉ dạng âm cổ phục nguyên, thí dụ như *kui/kǝi, *keng (hay *kêηh).
1. Âm *kui/kǝi là âm cổ của Hợi
1.1 Cúi là heo/lợn: chữ hiếm hôi 䝅 (Unicode 4745),
giọng Bắc Kinh/BK bây giờ là huī
Trích Tập Vận/TV 集 韻và Ngọc Thiên
呼 回 切, 音 灰。 豕 也
Hô hồi thiết, âm hôi . thỉ dã (chỉ con heo)
Các dị thể của chữ hôi –
trích trang http://dict.variants.moe.edu.tw/yitic/frc/frc12301.htm
Một nghĩa liên hệ của hôi là heo xới đất lên (để tìm thức ăn, côn trùng … như loài nhím). Âm hôi có thể từng là dạng *kôi/kǝi hay cúi (chỉ con heo) vẫn còn hiện diện trong tiếng Mường; tuy nhiên đã bị đào thải và trở thành chữ hiếm trong vốn từ Hán.
1.2 Cúi là heo: chữ hiếm hợi 豥
Chữ hợi 豥 (Unicode 8C65) có tần số dùng là 10 trên 237243358; trích Nhĩ Nhã, phần Thích Thú 爾 雅· 釋 獸
豕 四 蹢 皆 白
Thỉ tứ trịch giai bạch (loài heo có bốn móng chân trắng) - còn có thể viết là 豥 . Để ý thành phần hài thanh là chữ Hợi亥và giọng QĐ còn đọc là goi1
Các dị thể của chữ Hợi/Hãi - trích từ trang
http://dict.variants.moe.edu.tw/yitib/frb/frb04784.htm
Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh còn ghi '... bằng người giết cúi dê ...' rõ ràng cho thấy tiếng Việt (trung cổ) còn dùng từ cúi (chỉ heo/lợn), nhưng bây giờ chỉ còn vết tích trong các cụm từ như heo cúi (người miền Nam ưa dùng), cá cúi (heo biển, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị); Trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa có câu '... cúi nước gặp người lội theo ...'. Chính âm cổ của Hợi có một dạng là *kui đã chứng minh liên hệ trực tiếp giữa âm Hợi và con heo, con vật biểu tượng của chi thứ 12, cũng như hé mở cánh cửa cho thấy các quan hệ đến tiếng Việt (cổ).
1.3 Tại sao lại gọi là đầu gối?
Hãy xem chữ hài 骸 chỉ xương chân (từ đầu gối trở xuống) qua thư tịch cổ của TQ
說 文】 脛 骨 也
[Thuyết Văn] hĩnh cốt dã
Hay nghĩa chữ hài còn mở rộng hơn để chỉ xương: 【 博 雅】 骨 也 [Bác Nhã] cốt dã. Để ý cách dùng hài cốt chỉ xương người chết.
Một dạng âm cổ phục nguyên của hài 骸 là *goi hay *kui/koi dựa vào thành phần HT亥hợi - so với dạng cổ phục nguyên của Axel Schuessler3 là *grǝ hay *gǝy/guy theo Benedict15; Dạng *kui tương ứng với kur (năm con lợn, tiếng Khme), ku:l (tiếng Pakatan, Arem, Mày, Sách) và củi (Mường Bi); Ferlus20 đề nghị hai dạng cổ phục nguyên *ku:r? hay *gu:r? . Gối còn đọc là gúi trong vài phương ngữ miền Trung VN, giải thích được tại sao ta lại có cách dùng ‘đầu gối’ (đầu của xương *kui, tiếng Mường Bi là cổl lãi). Các chữ hiếm như cối 䯣 (Unicode 4BE3) cũng có nghĩa là đầu gối hỗ trợ cho âm gối tiếng Việt, cối có cách đọc trung cổ là
古對切, 音憒 (TV)
Cổ đối thiết - âm hội
Một chữ hiếm khác là quỳ 䟸 (Unicode 47F8, giọng BK bây giờ là kuí), theo Thuyết Văn Giải Tự (biên hiệu 1394) chỉ bắp chân (calf)
䟸,[渠追切 ],脛肉也。一曰曲脛也。从足聲。讀若逵。
quỳ,[ cừ truy thiết ], hĩnh nhục dã。 nhất viết khúc hĩnh dã。 tòng túc quỳ thanh。độc nhược quỳ
1.4 Cùi cồi cội 核 so với hạch
Một chữ có thể liên quan đến *kui hay gúi/gối bên trên là hạch 核với các dị thể sau đây - trích trang
http://dict.variants.moe.edu.tw/yitia/fra/fra01911.htm
Theo Thuyết Văn Giải Tự:【說 文】 古 哀 切 [Thuyết Văn] cổ ai thiết - âm đọc là cai mà ta có thể phục nguyên một dạng là *kui/kǝi nghĩa là phần bên trong (hạt, hột) hay trung tâm, gốc và các âm liên hệ là cùi, cồi hay cội, cỗi ... Bị cùi (hủi, cho thấy tương quan k-h như *kúi Hợi) là bị bệnh lở loét cho thấy bên trong (thấy cùi); so với cách dùng cùi chỏ phản ánh phần cho thấy xương rất rõ hay cùi tay. Tục ngữ ta có câu ‘cây có cội, nước có nguồn’; và không ai quên được câu 2658 trong Kiều ‘Tu là cội phúc tình là dây oan’. Một dạng chữ Nôm dùng cối 檜 HV để chỉ cội (hay cối, cỗi, cúi, củi, gối - xem thêm 1.3): ‘cội cây, la-đá lấy làm nhà’ (Nguyễn Trãi).
1.5 Cõi so với cai 垓
Cai hay giai 垓 là chữ không thông dụng trong vốn từ Hán với tần số dùng là 634 trên 432067456; giọng QĐ là goi1. Cai còn có nghĩa là rể cỏ (cai 荄). Các dữ kiện trên hỗ trợ cho khả năng cõi liên hệ đến cai垓so với giới4 界 . Một dạng chữ Nôm dùng bộ thổ 土 hợp với chữ quý 癸 để chỉ cõi.
1.6 Côi/cui cút, đơn côi, mồ côi, lui cui … âm côi/cui so với cai 峐
Chữ cai 峐 (Unicode 5CD0) là chữ hiếm trong vốn từ Hán với tần số dùng là 5 trên 171894734. Giọng QĐ là goi1 nghĩa là núi trọc (không có cây cỏ):
【 爾 雅· 釋 山】 無 草 木峐
[Nhĩ Nhã - Thích Sơn] vô thảo mộc cai
Một chữ hiếm khác là hội (Unicode 21E6F) cũng có nghĩa là núi trọc mà giọng Hẹ còn đọc là k'ui5. Chữ dĩ 屺 thông dụng hơn cũng chỉ núi trọc với tần số dùng là 48 trên 431409404. Thời Kinh Thi đã từng dùng dĩ để liên tưởng đến hoàn cảnh vắng mẹ, nhớ mẹ (trắc bỉ dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề 陟 彼 屺 兮 瞻 望 母 兮). Một dạng chữ Nôm dùng chữ khôi 瑰 HV để chỉ côi so với cách dùng HV như đồng 童, trùng/xung 沖 ...
1.7 Khai 奒 hay cối
Chữ hiếm khai 奒 (Unicode 5952) theo TV có nghĩa là lớn lao/nặng nề, tương ứng với cối tiếng Việt (như súng cối) - so với giọng QĐ hoi1, Mân Nam hai1
丘 哀 切, 音 開。 大 貌
khâu ai thiết, âm khai。 đại mạo (TV)
1.8 Ngón cái từng được ký âm là cai 胲
Chữ hiếm cai 胲 (Unicode 80F2), đọc là cai (cổ ai thiết 古 哀 切/ TV), có tần số dùng là 36 trên 430747376 nghĩa là ngón (chân) cái
【 說 文】 足 大 指 毛 肉 也
[Thuyết Văn] túc đại chi mao nhục dã
Tự điển Khang Hy đã ghi và chỉnh lại là 【 註】 足 大 指 也 [Chú] túc đại chỉ dã (chỉ ngón chân cái - không liên hệ đến lông hay thịt ở dưới chân như Thuyết Văn giải thích). Tiếng Mường (Bi) vẫn còn cách dùng không cải (sông Cái), cảy ca (cái gà, con gà), cảy cả (cái cá, con cá) ... Không phải ngẫu nhiên mà trong An Nam Dịch Ngữ5, Hợi được ghi âm là cái 盖, ngoài ra chữ Hán cái còn ghi âm cái và giặc trong cùng một tài liệu.
2. Liên hệ h (Hợi) và k (cúi) rất tự nhiên
2.1 Liên hệ h (Hợi) và k (cúi)
Tương quan đồng đại k-h hiên diện trong các cách dùng cùi hủi, cấp (tốc) và hấp tấp, củ tiếu (quả điều 粿 條) và hủ tiếu; hay hổng (hông) trong khẩu ngữ thay vì không. Phụ âm tắc cuối lưỡi k thường bị nhược hoá (lenition, weakening) để trở thành phụ âm xát h yếu hơn. Rõ nét nhất là liên hệ lịch đại k-h phản ánh qua vốn từ Hán Việt như
Hãn hàn 汗 (mồ hôi) - để ý thành phần HT là can 干
Hãn, cán 旰 (chiều xuống)
Han hãn 鼾 (ngáy)
...
Hộc cốc 鵠 (chim hộc) - để ý thành phần HT cốc cáo 吿 (bảo)
Hội cối 會 (họp) - chữ này dùng để ghi cúi trong "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" (Trần Xuân Ngọc Lan, 1985): Hà đồn cúi nước gặp người lội theo. Trong lịch sử, Cối Kê 會稽 còn đọc là Hội Kê: đất cổ của nước Ngô, Việt.
Hội 薈 (cây cỏ um tùm)
Hạch cách 槅 (đòn xe lớn, hay cùng nghĩa với hạch核)
…v.v…
2.2 Nhìn rộng ra xem một số thuật ngữ Phật giáo
Ta có thể kiểm chứng khuynh hướng biến âm từ phụ âm tắc cuối lưỡi k/g trở thành phụ âm xát vô thanh h qua các từ (thuật ngữ Phật giáo) nhập từ tiếng Phạn (Sanskrit) vào tiếng Hán và Việt. Tiếng Phạn là một tử ngữ từng một thời phổ thông cũng như tiếng Latin, bây giờ không ai dùng để nói nữa. Hệ thống âm thanh tiếng Phạn rất ít thay đổi theo thời gian nên là một nguồn dữ kiện rất chính xác để so sánh các biến âm trong ngôn ngữ. Thí dụ như Hằng Hà 恆河 (恒河) là phiên âm từ tiếng Phạn Ganga गङ्गा. Trong Đại Đường Tây Vực Kí, thầy Huyền Trang6 (602–664) ghi sông Hằng Hà là Căng Già hà 殑伽 河 gần với âm Phạn ngữ nhất. A-hàm 阿鋡/阿含là tên phiên âm từ tiếng Phạn agama आगम bao gồm các giáo lí căn bản của Phật giáo Tiểu Thừa và Ấn Độ giáo (các phép yoga/du già 瑜 珈). Các cách phiên âm khác là A-cấp-ma (阿笈摩), A-già-ma (阿伽摩), A-hàm-mộ (阿鋡暮)... Các dữ kiện trên từ thuật ngữ Phật giáo minh chứng rất rõ nét khuynh hướng biến âm từ k/g ra h phù hợp với tương quan lịch đại giữa cúi và Hợi.
2.3 Định luật Grimm và ngữ hệ Ấn-Âu (nhìn rộng ra hơn)
Liên hệ k-h rất tự nhiên vì vị trí phát âm của hai phụ âm k và h gần nhau thành ra dễ hoán chuyển cho nhau. Khuynh hướng này cũng hiện diện trong các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Ấn Âu (Indo-European languages) và là một phần của định luật Grimm trong Ngôn Ngữ học; vì Jacob Grimm (nhà ngữ học Đức) phát hiện các liên hệ này vào năm 1822. Thí dụ như con chó tiếng Anh là: hound, tiếng Hà Lan (Dutch): hond, tiếng Đức (German): Hund, tiếng Gothic: hunds, tiếng Icelandic, tiếng Faroese: hundur, tiếng Đan Mạch (Danish), Na Uy (Norwegian), Thuỵ Điển (Swedish): hund ... đều bắt đầu bằng phụ âm h so với tiếng cổ Hi Lạp (Ancient Greek): κύων (kýōn), tiếng Latin: canis, tiếng Welsh: ci (số nhiều là cwn) ... đều bắt đầu bằng phụ âm k; xem dạng cổ phục nguyên bên dưới. Tiếng Anh host (chủ nhà) và guest (khách) đều có cùng một gốc Ấn-Âu *ghosti (lạ, strange). Tiếng Tây Ban Nha (Spanish) có các tiếng can (con chó), ciento (một trăm), corazón (trái tim) - so với tiếng Pháp là chien, cent, cœur và tiếng Anh hound (dạng tiền Ấn-Âu, proto IndoEuropean là *kuntos), hundred (dạng tiền Ấn-Âu là *kmtom), heart (dạng tiền Ấn-Âu là *kerd-, tiếng Anh còn chữ core nghĩa là trung tâm, gốc) v.v...
Quá trình biến âm từ k qua h (thuộc định luật Grimm) có thể tóm tắt như sau:
k > kh > h
So với tiếng Hán và Việt, quá trình biến âm trên phản ánh rõ nét qua cách đọc chữ HV không 空 với thành phần HT công 工 thành ra không 空 (>khôn) và hông, hổng7 qua khẩu ngữ; không phải ngẫu nhiên mà ta có các liên hệ giữa can 乾 cạn, khan/khản/khàn và hạn 旱 (nắng gắt khô cạn) hay cang 亢 kháng so với họng8 ... Do đó, ta có cơ sở giải thích chiều biến âm từ *kui cúi qua Hợi và Hãi.
3. Khảo cứu về DNA của heo và nguồn gốc Việt (Nam)
Kết quả nghiên cứu mới nhất từ các ngành như di truyền học, văn hoá học, khảo cổ và ngôn ngữ học đều nên được xem xét thật cẩn thận và phải tương thích với nhau để dẫn đến cùng một kết luận khoa học, không phải chỉ tin vào truyền thuyết hay cảm tính (dân tộc) chủ quan. Nguồn gốc tên gọi 12 con giáp là một đề tài với bản chất như trên, thật không đơn giản vì đã hiện diện trong suốt chiều dầy lịch sử Việt Nam cũng như quá trình giao lưu văn hoá phức tạp (đa chiều) giữa các dân tộc từng chung sống ở Bắc Bộ và phía nam Trung Quốc. Trong khảo cứu gần đây (3/2007) của nhóm nghiên cứu về DNA của loài heo và hình dạng răng (tooth shape), TS Greger Larson9 đã đi đến kết luận là các loài heo Nam Đảo (Polynesian pigs) có nguồn gốc từ Việt Nam. Sau đó vài tháng (11/2007), các nghiên cứu từ đại học Auckland (Tân Tây Lan) cũng đi đến cùng một kết luận, khác hẳn với giả thuyết về nguồn gốc Đến-Từ-Đài Loan trước đây. Theo GS Peter Bellwood10, nền nông nghiệp trên các đảo trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương xuất phát từ dân Nam Đảo (Austronesians) khi thiên di từ đảo Đài Loan khoảng 5000 năm trước đây, dựa vào một số dữ kiện khảo cổ, di truyền và ngôn ngữ - mô hình này còn được gọi là giả thuyết Đến-Từ-Đài Loan (Out-of-Taiwan hypothesis) - xem bản đồ của vùng ảnh hưởng rất lớn của ngôn ngữ Nam Đảo ở bên dưới trích từ bài viết của GS Jared M. Diamond
http://faculty.washington.edu/plape/pacificarchwin06/readings/
Diamond%20nature%202000.pdf đăng trên tạp chí Macmillan
Magazines Ltd (2/2000)
Trước đó, bác sĩ Stephen Oppenheimer11 , trong cuốn sách nổi tiếng "Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia" (1998), cũng đã từng đưa ra kết quả cho thấy người cổ thuộc giống người hiện đại đã từng đến vùng Đông Nam Á rồi mới thiên di lên phương Bắc (nam Trung Quốc) và sau đó hợp chủng với người Altaic .... Sau một thập niên, ông và các đồng nghiệp ở đại học Leeds khảo sát tiếp mtDNA của cư dân địa phương và kết luận là trong khoảng 10000 năm trước, dân cư từ khu vực cổ Đông Dương tản mác ra các vùng chung quanh (kể cả Đài Loan) vì các trận lụt lớn. Điều này phù hợp với số truyền thuyết về đại hồng thuỷ hiện diện rất nhiều trong kho tàng văn hoá cổ của các dân tộc Đông Nam Á. Các truyền thuyết về Sơn Tinh - Thuỷ Tinh và Lạc Long Quân - Âu Cơ ở Việt Nam có thể phản ánh các trận lụt lớn đã từng xẩy ra (khoảng 4000 năm hay trước đó), tạo ra những cuộc thiên di ra các vùng chung quanh (kể cả phía bắc VN hay nam Trường Giang), do đó mang theo ngôn ngữ Việt cổ đến những nơi này. Các kết quả nghiên cứu từ di truyền học như trên đều hỗ trợ cho khả năng nguồn gốc Việt (Nam) của Hợi là cúi, vết tích của ngôn ngữ phương Nam trong tiếng Hán cổ.
4. Tóm tắt các giả thuyết về nguồn 12 con giáp và kết luận phần 5A
4.1 Từ đầu thế kỷ XX, khi ngôn ngữ học bắt đầu trở nên quan trọng và hữu dụng như những ngành khoa học thực nghiệm khác cũng như nhiều dữ kiện ngôn ngữ được thu thập một cách nghiêm túc hơn, các nhà nghiên cứu văn hoá và ngôn ngữ đã đặt lại vấn đề nguồn gốc của 12 con giáp Á Đông - thường được cho là sản phẩm đặc thù của nền văn hoá Trung Quốc. Năm 1885, linh mục Tin Lành (Protestant) Joseph Edkins12 (1823-1905) viết bài "Babylonian Origin of Chinese Astronomy" chứng minh nguồn gốc Babylon của thiên văn học TQ. Năm 1886, GS Terrien de Lacouperie13 đề nghị dân tộc cổ đại Bak là đầu cầu đưa kiến thức thiên văn và 12 con giáp vào Trung Nguyên. Năm 1906, nhà Hán học Edouard Chavannes14 (1865–1918) đặt vấn đề về nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của 12 con giáp, ông tra cứu cẩn thận các tài liệu Hán cổ liên quan đến 12 con giáp và các ngôn ngữ ở Đông Dương, thí dụ như ghi nhận âm kǒr (tiếng Khme) chỉ Hợi (chi thứ 12) so với kun (tiếng Xiêm/Thái Lan). Năm 1935, học giả George Coèdes15 (1886-1969) sau khi so sánh tên 12 con giáp của Xiêm và Kampuchia đã đi đến kết luận là chúng có nguồn gốc tiếng Mường Cổ. Ông đã viết nhiều về các ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ trong vùng Đông Nam Á, tuy nhiên không đưa ra một liên hệ gì về tên 12 con giáp với Ấn Độ. Học giả TQ Li Fang-Kuei16 (1945) chuyên khảo về tiếng Thái đã phân tách thập can và thập nhị chi qua các ngôn ngữ Thái và đưa ra nhận định rằng tiếng Thái vẫn còn duy trì một số phụ âm Hán Cổ như pl-, zng-, sm- tuy không nhất quyết xác định được nguồn gốc tên 12 con giáp từ đâu ra. Sau đó là các công trình của học giả Paul K. Benedict17, vào năm 1967 ông đề nghị thập nhị chi có nguồn gốc Nam-Thái (Austro-Thai) trong bài viết về Văn Hoá và Ngôn Ngữ Nam-Á, và dựa trên các liên hệ của âm ngựa (Ngọ), chó (Tuất) và heo (Hợi). Năm 1975, ông viết cuốn “Austro-Thai Language and Culture” khai triển các ý từ những năm trước. Sau nhiều năm thu thập dữ kiện, ông đưa ra các phân tích cùng so sánh các ngôn ngữ địa phương để đi đến kết luận rằng tiếng TQ đã mượn một số tiếng Nam-Thái như trứng, gà, ngựa, yên (ngựa), cỡi ngựa, voi, ngà, lợn (heo), thỏ, trâu bò … nuôi lấy thịt, ong, mật, gạo, mía, muối …v…v… và điều đáng chú ý và oái ăm là sau đó, các ngôn ngữ vùng Đông Nam Á đã phải mượn lại các từ ngữ mà mình cho TQ mượn trước kia ! Thí dụ như các từ trà, giấy … Cũng theo Benedict thì có những tính chất đặc thù bắt nguồn từ văn hoá Nam-Thái như phép tính 12 con giáp mà nhiều người tưởng là của TQ. Ông ghi nhận rằng chữ ngựa trong tiếng Lê (黎 - hay Hlai, thổ dân đảo Hải Nam) là nga/ka và là một bằng chứng là mã và ngựa có liên hệ, sau khi so sánh và đề nghị dạng âm cổ phục hồi của ngựa trong tiếng Inđônêsia và Mã lai là *t’anga, tác giả đề nghị âm cổ Nam-Thái là *sanga. Cuối cùng kết luận bằng cách đưa ra một giả thuyết rằng có thể một ngôn ngữ cổ Nam-Thái đã từng hiện diện trong vùng Đông Nam Á, mà ông gọi là AT-x và đã cho TQ mượn nhiều từ căn bản. Tác giả Jerry Norman18 (1985) cũng dựa vào các dữ kiện từ tiếng Thái, Hán Việt, Việt và TQ, Mường để chứng minh rằng tên 12 con giáp có nguồn gốc từ phương Nam (Austroasiatic, Nam Á). Ngoài 3 từ Ngọ/Tuất/Hợi, Norman còn liên hệ 4 từ Sửu, Thìn, Mùi, Dậu với các tiếng phương Nam (Nam Á) – bài viết trên thật ra là từ một bài viết cùng với tác giả Mei Tsu-Lin (1976) về các từ Hán có nguồn gốc phương Nam. Các tác giả trên đã đi đến kết luận là chủ nhân tên 12 con giáp có thể đã ở khu vực bờ biển Đông Nam TQ, và có thể là các nước Ngô hay Việt thời xưa. Gần đây hơn, trong bài viết về 12 con giáp của William G. Boltz19 (1991), ông ghi lại một số bảng so sánh gồm có các tiếng Saek, trích từ tài liệu của giáo sư William Gedney (1982). Sau khi phân tích các dữ kiện, tác giả kết luận rằng bảng 12 con giáp của tiếng Saek Cổ (mà Gedney chép lại) là vay mượn từ TQ, có lẽ khoảng 200 hay 600 năm sau Công Nguyên (SCN), và 12 con giáp VN có lẽ mượn sau đó nữa (thời kỳ Late Middle Chinese). Từ năm 2000, người viết đã bắt đầu đăng loạt bài viết (tổng hợp từ nhiều năm trước) bàn về tên 12 con giáp để minh chứng nguồn gốc VN của chúng. Các tác giả trước đây không ai đề nghị nguồn gốc VN của 12 con giáp, có lẽ gần nhất là tiếng Mường Cổ mà thôi. Thêm vào đó là những học giả tiền bối trong nước như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn … cũng như các học giả TQ đều viết nhiều về văn hoá VN nhưng đều hàm ý nguồn gốc TQ của 12 con giáp, tuy không ai dựa trên dữ kiện ngôn ngữ học cả và đa số dựa trên tài liệu lịch sử và văn chương cổ điển TQ. Năm 2004, học giả Pháp Michel Ferlus20 viết về lịch sử 12 con giáp và giao lưu cổ đại giữa VN và Cam Bốt. Năm 2008, học giả Nguyễn Văn Lợi21 viết một bài về Tí (chuột), và sau đó vài năm (2011) bài thứ nhì về Mão (mèo) lặp lại khả năng tiếp xúc văn hoá và ngôn ngữ giữa các dân tộc cổ đại từng định cư ở Giao Chỉ và Chân Lạp. Bài viết "Chuột dưới góc nhìn Văn Hoá Học" của Mai Bá Ẩn22 (2008) cho thấy tầm quan trọng của loài chuột trong đời sống văn hoá và xã hội nông nghiệp VN, phù hợp với khả năng nguồn gốc phương Nam của tên 12 con giáp; xem thêm những bài viết của các tác giả như "Năm Mão và con Mèo qua thơ văn” của Nguyễn Quảng Tuân (2/2011) đăng trên Tạp Chí Hồn Việt … Vấn đề nguồn gốc phi-Hán của 12 con giáp cũng từng được cố GS Trần Quốc Vượng23 viết (khoảng 7 bài) và cố GS Nguyễn Tài Cẩn24 (viết 1 bài về tên gọi con rồng). Nguồn gốc phi-Hán của 12 con giáp đã được vài học giả (rất hiếm hoi) TQ bàn đến. Theo học giả Triệu Dực 趙翼 (1727-1814) đời Thanh, trong cuốn Cai Dư Tùng Khảo 陔余叢考, cho rằng các dân tộc du mục ở phương Bắc đã từng dùng các loài vật để chỉ năm như chuột, trâu, hổ, thỏ ... Quách Mạt Nhược 郭沫若 (1892-1978) đã so sánh 12 con giáp qua 4 nền văn minh cổ Ấn Độ, Hy Lạp, Ai Cập và TQ - con giáp của Ai Cập giống như Hi Lạp nhưng thay chuột bằng mèo, con giáp của Ấn Độ tương tự như TQ. Con giáp thời cổ đại của Babylon ( Ba Bỉ Luân 巴比倫) là mèo, chó, rắn, bọ hung, lừa, sư tử, dê đực, trâu đực, chim cắt, khỉ, hồng hạc, cá sấu nên đưa đến kết luận là nguồn gốc 12 con giáp TQ từ Babylon25 (các học giả TQ còn gọi là Tây Vực 西域). Gần đây hơn, vấn đề nguồn gốc phi-Hán của 12 con giáp được thảo luận nhiều trên các diễn đàn khắp nơi, trung và đại học … Hay vào dịp tết và đã có những luận án sau/hậu đại học (postgraduate) liên hệ. Số lần thảo luận (từ chi tiết nghiêm túc đến sơ sài qua loa) như đã thấy là những chỉ số tích cực biểu lộ vấn đề bắt đầu được xem xét cẩn thận và đầy đủ từ nhiều góc độ rất khác nhau.
4.2 Kết luận cho các bài viết 5 và 5A: Hợi/Hãi亥là âm Hán trung cổ nhập vào tiếng Việt giống như đa số các từ HV khác (khoảng thời Đường Tống trở lại); nhưng âm cổ hơn của Hợi lại là *kui/kǝi nghĩa là con lợn/heo qua các chữ hiếm tối cổ trong tài liệu Hán, cũng như kết quả từ các khảo cứu di truyền học, văn hoá học ...; cho ta có cơ sở rất vững chắc để kết luận nguồn gốc của âm Hợi có thể là tiếng Việt cổ *kui (nhánh Việt-Mường, cúi là lợn/heo). Điều này còn cho thấy quá trình giao lưu văn hoá ngôn ngữ đa chiều của các cư dân thời cổ đại ở Bắc Bộ và nam TQ - tiếng Việt cổ nhập vào tiếng Hán cổ, sau đó lại nhập ngược lại tiếng Việt và làm tiếng nói dân tộc thêm phong phú (nhiều hệ thống tên gọi 12 con giáp cùng hiện diện, bình dân đến bác học).
Không chỉ là vấn đề giao lưu văn hoá cổ đại và linh hoạt trong vùng ĐNA, nếu dựa vào tương quan k-h của *kui cúi-Hợi/Hãi, ta còn có thể khám phá ra (khả năng tiên đoán) nhiều liên hệ từ nguyên rất lý thú như hĩnh 脛/踁 với khẳng (khẳng khiu) và cẳng26 ... Đây là một đề tài đáng tra cứu và đào sâu thêm nhưng không nằm trong phạm trù của bài 5A này.
5. Phụ chú và phê bình thêm
Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm. Bài 5 đã viết về lợn trong tục ngữ ca dao VN và TQ, kết quả là rất khó phân biệt hình ảnh cùng ‘đóng góp’ loài này trong hai nền văn hoá; khác hẳn với trường hợp mèo và thỏ - chi Mão - tham khảo thêm các bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Mão Mẹo mèo (phần 4, 4A, 4B). Có lẽ nên tóm tắt ở đây các vết khắc/viết cổ của hai chữ Hợi 亥 và thỉ 豕, chữ thỉ rõ ràng là loại chữ tượng hình loài vật này với các chân và đuôi dài. Âm Hợi là âm cổ hơn so với âm Hán trung cổ là hài (鬍改切 hồ cải thiết/ĐV, 下改切 hạ cải thiết/TV); Giọng QĐ là hoi6, giọng Hẹ là hoi5 hoi3 hoi6 so với các âm kay6 (tiếng Yay), keu (Ahom), kai4 (Lü) theo Boltz19. Ít người biết rằng Hợi từng có nghĩa là rễ cỏ; theo Thuyết Văn 亥 . 荄 也 Hợi . cai dã.
Xem thêm nhiều chi tiết về giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện về chữ Hợi trang
http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E4%BA%A5 ;
và chữ thỉ trang
http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E8%B1%95 Richard Sears cập nhật năm 2003, 2008, 2011.
1) cửi tiếng Môn là kơi so với kây (tiếng Khme), kữa (Thái) ... cho thấy khả năng nguồn gốc phương Nam của chữ này. Theo các học giả Lê Ngọc Trụ và Paul Schneider (xem trích dẫn ở phụ chú số 4 bên dưới) thì cửi liên hệ đến gốc Hán cơ (ki, 機). Tiếng Hán có các từ chức bố cơ 織 布 機 hay chức cơ, cơ trữ, phưởng cơ chỉ khung cửi. An Nam Dịch Ngữ5 ghi âm khung cửi là không cai 空 該
Dệt the lụa ở La Khê - trích trang
http://hoidisan.vn/index.php/di-san-van-hoa-viet-nam/
di-san-phi-vat-the/141-nghe-det-the-lua-o-la-khe.html
2) xem chi tiết về các bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi *kui cúi (phần 5)" trang
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=81&ib=228&ict=3262
hay
http://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/010606-muoihaicongiap-1.htm ...
3) theo GS Axel Schuessler (2007) trong cuốn "ABC Etymological Dictionary of Old Chinese" - NXB University of Hawai'i (Honolulu, Mỹ)
4) cõi, theo các học giả Lê Ngọc Trụ ("Tầm Nguyên tự điển Việt Nam" NXB Thành Phố HCM, 1993) và Paul Schneider ("Dictionnaire historique des idéogrammes vietnamiens" NXB Université de Nice-Sophia Antipolis, 1992), có gốc Hán là giới 界
5) "An Nam Dịch Ngữ" (1995) Vương Lộc giới thiệu và chú giải - NXB Đà Nẵng, Trung Tâm Từ Điển Học - Hà Nội, Đà Nẵng.
6) "Từ điển Phật Học Hán Việt" (1998) Giáo Hội Phật Giáo VN - NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội (tái bản có sửa chữa và bổ sung)
7) công工giọng BK bây giờ là gōng so với không空đọc là kōng ; không空giọng Hẹ là k'ung1 k'ung5, giọng QĐ là hung1 hung3 và giọng Mân Nam (Đài Loan) là khang3. Thuyết Văn Giải Tự (biên hiệu 4628) ghi nhận về không là 從穴工聲 tùng huyệt công thanh, cho thấy một dạng âm cổ công của không. Khuynh hướng nhược hoá (mất dần đi) của phụ âm k còn có thể dẫn đến kết quả là mất hẳn phụ âm này đi. Không còn có thể ngạc hoá thành chăng hay chẳng (tiếng Nùng, Thái là chẳng), và rút gọn (apocope) phụ âm cuối thành chả, chớ (xem phụ chú 26), so với các dạng trùng 沖 冲 còn đọc là xung (xát hoá)
-Khi đứng trước nguyên âm
Công 公 thành ra ông
Công cuống (cọng) 䅝 thành ra ống (chữ công này là chữ hiếm, giọng QĐ là hung1)
Cai 䬵 (Unicode 4B35, chữ hiếm - cổ ai thiết/TV) còn đọc là 於 戒 切 ư giới thiết/TV mà tiếng Việt còn duy trì một dạng cổ là ôi (cá ôi, thịt ôi ...): *cai/côi > ôi
-Khi đứng sau nguyên âm
Bác thành bá 伯 (giọng BK bây giờ thường mất các phụ âm cuối tắc như k/p/t)
Bách 百 tánh, bách quan trở thành bá tánh, bá quan v.v...
8) cang (cổ họng, yết hầu) 亢đọc là cổ lang thiết 古 郞 切 (Đường Vận), nhưng cũng có thể là kháng (khổ lãng thiết 苦 浪 切/NT), còn viết là hàng/hạng 吭 theo tự điển Khang Hy. Giọng Hẹ còn đọc cang là hong2 so với họng tiếng Việt. Thuyết Văn Giải Tự (biên hiệu 6618) ghi chữ này tượng hình, trông giống mạch cổ họng
Sau này, sách vở mới phân biệt rõ là cổ trước là cảnh, cổ sau là hạng ( 廣 韻: 頸 在 前, 項 在 後 Quảng Vận: cảnh tại tiền, hạng tại hậu), tuy hai chữ cảnh và hạng đều có khả năng cùng một gốc (chỉ cái cổ).
9) xem toàn bài "Phylogeny and ancient DNA of Sus provides insights
into neolithic expansion in Island Southeast Asia and Oceania" của các tác giả Greger Larson, Thomas Cucchi, Masakatsu Fujita, Nguyen Thi Dieu Thuy et al. - xem tran
g http://www.dur.ac.uk/greger.larson/TheGroup/
Publications_files/2007%20Larson%20et%20al%
20Pacific%20Pigs%20PNAS.pdf (đăng ngày 20/3/2007) ,
hay các trang mạng như
http://news.nationalgeographic.com/news/2007/
03/070320-pigs-migration.html
10) trong cuốn "First Farmers: The Origins of Agricultural Societies" (NXB John Wiley & Sons, 2004), GS Peter Bellwood bàn về nguồn gốc và diễn biến của các nền nông nghiệp cổ đại trên thế giới cũng như giả thuyết về nguồn gốc Đến-Từ-Đài Loan. Một chi tiết nhỏ nhưng đáng ghi nhận ở đây là vào đầu năm 2011, người viết có dịp ghé thăm đảo Đài Loan và khi lên miền núi gặp nói chuyện với vài dân tộc thiểu số ở đây, như dân tộc Beinan (卑南族 Ti Nam tộc) đọc 5 (số năm) là lima - so với tiếng Maori (ở Tân Tây Lan) là rima, tiếng Mã Lai/Indonesian là lima, tiếng Tagalog (ở Phi Luật Tân) lima, tiếng Fijian lima, tiếng Tonga là lima, tiếng Samoan là lima ... So với vài dân tộc anh em ở miền trung VN như Chăm gọi số 5 là limư, tiếng GiaRai/Jarai là rơma, tiếng Rhadê là êma, tiếng Chru là lma: và tiếng Chăm ở Hải Nam là ma33, tiếng Dobuan (ở British New Guinea) là nima, tiếng Malagasy (đảo Madagascar) là dimy (phát âm là /ˈdimʲ/) ...v.v...
11) trong cuốn "Eden in the East" (1998), bác sĩ Oppenheimer đề nghị một tiểu lục địa (subcontinent) đã từng hiện diện ở Đông Nam Á, gọi là Sundaland (xem bản đồ bên dưới), cũng là nguồn của nền văn minh cổ đại và các ngôn ngữ Nam Đảo. Xem thêm chi tiết (tiếng Việt) về sách này từ trang
http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1503%3Agii-thiu-sach-a-ang-phng-ong&catid=96%3Agii-thiu-sach&Itemid=139
Lục địa Sundaland và các thềm lục địa Sunda và Sahul
- trích từ trang http://en.wikipedia.org/wiki/Sundaland
Tóm tắt bài viết về khám phá DNA mới nhất của nhóm nghiên cứu đại học Oxford (đồng tác giả Oppenheimer) đăng ngày 23/8/2008: "New DNA evidence overturns population migration theory in Island Southeast Asia" (Bằng chứng mới về DNA đảo lộn giả thuyết thiên di ở Đông Nam Á và Mã Lai, Inđônêsia, Phi Luật Tân) - xem trang
http://www.ox.ac.uk/media/news_releases_for_journalists/080523.html .
12) Joseph Edkins (1885) "Babylonian Origin of Chinese Astronomy" Tạp chí The China Review (Vol XIV trang 90-95). Ông viết rất nhiều về ngôn ngữ, văn hoá, triết học TQ (như Phật, Đạo giáo); cố gắng so sánh vốn từ tiếng Hán và Ấn-Âu để chứng minh những ngôn ngữ này đều cùng một gốc. Xem thêm các tác giả Léopold de Saussure (1909), Carl Bezold (1919), Rupert Gleadow (2003) ... về nguồn phi-Hán của nền thiên văn TQ.
13) Terrien de Lacouperie (1886) "The languages of China before the Chinese", bản bằng tiếng Pháp (1886); bản dịch tiếng Anh Otto Zeller Verlag (NXB) - Osnabruck - Đức 1969
14) Edouard Chavannes (1906) "Le cycle Turc des douze animaux", T'oung Pao 通 報 (Thông Báo) 7: 51-68. Là nhà Hán học gốc Pháp, ông nổi tiếng là người tiên phong đem tư tưởng lịch sử TQ đến với các học giả phương Tây (đầu thế kỷ XX, ít ai biết đến tư tưởng Á Châu) như dịch bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên.
15) George Coedès (1935) "L'origine du cycle des douze animaux au Cambodge" T'oung Pao 31: 315-329. Nguyên giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ (École française d'Extrême-Orient, viết tắt là EFEO); ông là tác giả hai cuốn sách "The Indianized States of Southeast Asia (1968, 1975)" và "The Making of South East Asia (1966)" có ảnh hưởng không nhỏ trong giới học thuật về Đông Phương học cho tới ngày nay.
16) Li Fang-Kuei 李方桂 Lí Phương Quế (1945) "Some Old Chinese loan words in the Tai languages" Harvard Journal of Asiatic Studies 8: 333-342. GS Lí Phương Quế (1902-1987) là một trong những học giả TQ đầu tiên qua Mỹ du học về Ngôn Ngữ học. Ông viết nhiều bài khảo cứu về nguồn gốc tiếng Thái cùng các phương ngữ.
17) Paul K. Benedict (1975) "Austro-Thai, Language and Culture - with a glossary of roots" NXB New Haven (Connecticut, Mỹ). Nhà Ngôn Ngữ học Mỹ nổi tiếng về các công trình phục nguyên tiếng cổ Hán-Tạng, Tạng-Miến và đề nghị họ ngôn ngữ Austro-Tai (Nam Thái).
18) Jerry Norman (1985) "A note on the origin of the Chinese duodenary cycle" trong cuốn "Linguistics of the Sino-Tibetan area - The state of the art" chủ biên Graham Thurgood, James Matisoff, David Bradley 85-89. GS Jerry Norman là tác giả cuốn "Chinese" (NXB Cambridge, 1988) viết về lịch sử hình thành tiếng Trung (Quốc) rất phổ thông trong giới sinh viên theo ngành Hán học. Trong bài viết "The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence" (1976), các GS Jerry Norman và Mei Tsu-Lin 梅祖麟đã nhận xét '... Cho đến thập niên 1950, không có khảo cứu nghiêm túc về các ngôn ngữ đã nhập vào tiếng Hán cổ. Một phần dễ hiểu là không có đầy đủ dữ kiện về các ngôn ngữ láng giềng TQ và dân tộc thiểu số, như vậy thì không thể xác định thời điểm vay mượn cũng như phục nguyên các dạng âm cổ của các từ đã nhập vào tiếng Hán cổ. Tuy nhiên, còn một trở ngại khác - thật ra là thành kiến - đã cản bước tiến trong quá trình nghiên cứu trên. Chúng ta thường có ý tưởng rằng văn hoá TQ rất phát triển, nên chẳng cần phải vay mượn bất cứ ai, kể cả ngôn ngữ. Khi có một tiếng Hán giống như một tiếng nào của một ngôn ngữ khác, thì tự nhiên chúng ta cho rằng ngôn ngữ đó đã vay mượn tiếng Hán, chứ không phải là cho tiếng Hán mượn! Các phát hiện mới đây về di tích ngũ cốc và đồ đồng cổ đại ở miền bắc Thái Lan cho chúng ta thấy là vùng Đông Nam Á đã từng là một cái nôi văn minh, hoàn toàn có khả năng cho vay những phát minh văn hoá của mình. Quên vấn đề so sánh văn hoá nào hơn hay kém - mà ta rất khó chứng minh một cách khoa học - điều rõ ràng là khi hai dân tộc sống gần nhau, quá trình vay mượn qua lại hầu như là một kết quả tự nhiên ...' (phỏng dịch từ bài viết bằng tiếng Anh, Nguyễn Cung Thông). Xem chi tiết toàn bài trang
http://www.keepandshare.com/doc/1802506/the-austroasiatics-in-ancient-south-china-some-lexical-evidence-269k?da=y hay trang http://tlmei.com/tm17web/res/austroasiatics.pdf ; Sau 35 năm, đánh giá trên của Norman và Mei Tsu-Lin vẫn còn có giá trị sau khi đọc thông tin các phát hiện về mộ Triệu Văn Đế, nha chương ở xóm Rền Phú Thọ hay kết quả các nghiên cứu di truyền học.
19) William G. Boltz (1991) "The Old Chinese terrestrial rames in Saek" trong cuốn "Studies in the Historical Phonology of Asian Languages" chủ biên William G. Boltz, Michael C. Shapiro. Ông là tác giả cuốn "The origin and early development of the Chinese writing system" NXB New Haven (Connecticut, Mỹ, 1994). Một điểm đáng ghi nhận ở đây là GS Boltz phủ nhận loại chữ hội ý 会意字 / 會意字 trong cấu trúc chữ Hán (sđd); lý do đơn giản là thành phần HT đã từng có cách đọc khác (cổ) mà ta không biết (hay quên/mất đi theo thời gian). Thí dụ như chữ an 安 thường được đưa ra làm thí dụ cho loại chữ hội ý với bộ miên 宀 (nóc nhà) và chữ nữ 女 (đàn bà): đàn bà ở trong nhà thì mọi chuyện đều bình an (yên ổn). Thật ra chữ nữ đã từng đọc như *an qua các chữ như 妟 yàn BK (Unicode 599F, yên lặng - Thuyết Văn ghi: 妟an dã 安也), 奻 nuán BK (Unicode 597B, cãi nhau) và 姦 jiān BK (gian HV): đây là các dạng biến âm (ngạc hoá) của *an. Ta có thể thêm các chữ hiếm với gốc âm cổ *an như nghiên 蔅 yán BK (xinh đẹp, như nghiên 妍), yển 匽 (dấu diếm, tần số dùng là 13 trên 171894734 ) và một số chữ HV yển *an dùng chữ 匽 làm thành phần HT, yển yăn BK (cá sủ, cá mẫn)…
20) Michel Ferlus (2004) "Le cycle des douze animaux: histoire d'un contact ancien entre Vietnam et Cambodge" bài viết cho Hội Thảo quốc tế The Sixth International Symposium on Pan-Asiatic Linguistics ở Hà Nội (25-26/11/2004). Ông có các bài viết về tiếng Mường và nhánh Việt Mường. Một điểm đáng ghi nhận là trang từ nguyên Nam Á (Austro-Asiatic Etymology do cố GS Sergei Starostin khởi xướng từ năm 1998) có ghi các dạng cổ của lợn (dựa vào tiếng Khme cổ) là *kur; một dạng cổ khác chỉ lợn là *ruak (giải thích được cách dùng hiện tại là cho-ruk) và *sɨaŋ (proto-Khmu). Cách dùng cho-ruk chỉ con lợn (tiếng Khme hiện đại) cho thấy dạng Khme cổ *kur có khả năng nhập từ *kui (Việt cổ) chứ không phải là ngược lại. Xem chi tiết trang http://starling.rinet.ru/cgi-bin/query.cgi?basename=\data\aas\aaet&root=config&morpho=0.
Không những thế, tiếng Khme (cổ) gọi năm chuột là cu:t (như chụt tiếng Việt giọng Bắc bộ) nhưng con chuột thì họ gọi là kon đao (không phải con chuột như tiếng Việt). Trường hợp tương tự cũng hiện diện trong tiếng Thái: năm Tý/Tử - còn gọi là năm chuat3 trong tiếng Thái. Thật ra, chuat3 chỉ dùng cho năm Tý/Tử và không dùng để chỉ con chuột! Ngôn ngữ Thái có tiếng nŏo หนู (hay có khi ghi là nuu) chỉ con chuột, hay dùng tiếng moo-sik mượn từ tiếng Phạn. Điều này cho thấy hệ thống tên gọi 12 con giáp của tiếng Thái mượn từ tiếng Việt cũng như các tên gọi khác như khan (kễnh), roong1 (rồng)…
21) Nguyễn Văn Lợi (2011) "Câu chuyện Mão Mèo hay Thỏ? và sự tiếp xúc văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc phương Đông" đăng trên mạng
http://www.vietlex.com/ngon-ngu-hoc/91-Cau_chuyen-_MAO-_MEO_hay_THO_va_su_tiep_xuc_van_hoa,_
ngon_ngu_cac_dan_toc_phuong_Dong
; tác giả bài viết "Tí (chuột) trong hệ Thập Nhị Chi và một số vấn đề tiền sử ngôn ngữ ở Đông Nam Á", tạp chí Khoa Học Xã Hội miền Trung và Tây Nguyên, s. 3: 41-46 (Hà Nội, 2008)
22) Mai Bá Ẩn (2008) "Chuột dưới góc nhìn Văn Hoá Học" đăng trên mạng Văn Hoá Học (Đại Học
Quốc Gia Thành Phố HCM, 6/2/2008), phần Văn Hoá VN trang
http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=
com_content&task=view&id=322&Itemid=118
23) Trần Quốc Vượng “Lịch, tết, tử vi, phong thủy và 12 con giáp” NXB Thời Đại (Hà Nội, 2009). Phần 2 (Văn hóa 12 con giáp) gồm 15 bài viết, nhưng chỉ viết về 7 con giáp mà thôi: Sửu, Dần, Thìn, Ngọ, Tuất, Hợi. Cố GS Sử học Trần Quốc Vượng (1934-2005) có nhiều khảo luận giá trị về lịch sử, khảo cổ và ngôn ngữ VN. Ông viết về phương pháp tổng hợp liên ngành trong tác phẩm "Trong Cõi" (NXB Trăm Hoa, California 1993); cụ thể là các kết quả khảo cổ, ngôn ngữ, lịch sử ... đều phải đồng quy và hỗ trợ cho nhau để kết luận thêm phần thuyết phục. Ông từng đề nghị Hùng 雄 là ký âm của khun (trưởng bộ tộc po khun) trên núi Hy Cương ở vùng Phong Châu (khu vực đền thờ vua Hùng hiện nay); Tiếng Mường (Bi) có cun là chức quan cai quản lớn như cun Bi, cun Bổng ... Tiếng Thái vẫn dùng kŭn ขุน chỉ lãnh tụ, người cầm đầu như pôr kŭn พ่อขุน là vua. Liên hệ Hùng kun/cun cũng là một trường hợp của tương quan h-k đã nói bên trên.
24) Nguyễn Tài Cẩn (2001) "Về tên gọi con rồng của người Việt" tạp chí Diễn Đàn s. 94, sau đăng lại trong cuốn "Một số chứng tích về văn tự và văn hóa" NXB Đại học Quốc gia (Hà Nội), 2001 trang 20-29. Cố GS Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chữ Nôm, Hán Việt ... Người viết có dịp nói trao đổi cùng GS Cẩn khi về Hà Nội tham dự Hội Thảo quốc tế Việt Nam Học kỳ 3 (4-7/12/2008) về chủ đề 12 con giáp trước khi ông mất. Ý kiến của ông phản ánh phần nào từ một đoạn trích từ bài viết trên từ trang mạng
http://quachhien.blogspot.com/2011/02/meo-hay-tho.html
‘…Thời thượng cổ, khi người Hán đóng khung ở lưu vực sông Hoàng, sông Vị thì toàn bộ miền Hoa Nam rộng lớn lại là địa bàn cư trú của rất nhiều bộ lạc khác, nói những ngôn ngữ thuộc nhiều dòng họ khác. Giới ngữ học quốc tế hiện đang cố gắng tìm nguồn gốc tên gọi 12 năm ở những ngữ hệ này: người thì tìm ở họ Austro-Thái như P.K.Benedict, người thì tìm ở họ Nam Á (Austro-Asiatique), như J.Norman và T.L.Mei. Họ Nam Á là ngữ hệ lớn bao gồm nhiều tiểu chi, trong đó có tiểu chi Việt-Chứt với nhóm Việt Mường của chúng ta. Chúng tôi hiện cũng đang cố gắng đi theo hướng Nam Á để xem thử kết quả như thế nào: ví dụ đang cố gắng tìm thử xem HỢI có gần với CÚI, SỬU có gần với TRÂU, NGỌ có gần với NGỰA hay không? Riêng năm MÃO chưa nhất trí ứng với một con nào: nơi thì cho là con THỎ, nơi thì cho là con MÈO. Phải chăng quan hệ MÃO-MÈO là hợp lý hơn? Tất nhiên phải hết sức thận trọng trong suy luận, phải hết sức nghiêm ngặt trong phương pháp, tên năm, tên con vật đều phải phục nguyên dạng thượng cổ mới đem ra so sánh được…’ (hết trích).
25) các nhà ngữ học như Hugh Moran và David Kelley, Edwin Pulleyblank, Victor Mair … còn đưa ra nhận xét là cách viết (chữ Hán) 12 con giáp hay thập nhị chi và thiên can liên hệ mật thiết đến mẫu tự Phoenicia (tổ tiên của mẫu tự Hi Lạp và La Mã); xem chi tiết bài viết “Correspondences Between the Chinese Calendar Signs and the Phoenician Alphabet” của học giả Julie Lee Wei (3/1999) trang
http://www.sino-platonic.org/abstracts/spp094_alphabet.html
26) Hĩnh脛là chữ hiếm trong vốn từ Hán - tần số dùng là 121 trên 434055722 - chỉ chân/cẳng với một dạng cổ phục nguyên là *kêηh (dựa theo dạng phục nguyên của Schuessler, xem phụ chú 3). Ngoài biến âm k-h cẳng khăng hĩnh, phụ âm tắc vô thanh k còn có khả năng ngạc hoá để cho ra một dạng khác như phụ âm tắc mặt lưỡi ch-
26.1 *kêηh > cẳng (Việt) > hĩnh (HV, jìng BK) khẳng-khiu (nhược hoá/lenition). So với các cách đọc cẳng là kang (tiếng Mã Lai), căng (Khme), kang (Temang, Karen), kẻng (Nùng)... Cẳng có một dạng chữ Nôm là hĩnh脛 '...Lớn đầu vắn cẳng dài tay ...' (Dương Từ Hà Mậu). So sánh liên hệ k-h với *kui (cúi) Hợi, lui cui - lui khui - lui hui ...
26.2 *kêηh > *chêng > chân hay chên (Việt Bồ La/1651), chơn, chơng, chưng, châng ... (ngạc hoá/palatalisation) - so với các dạng chưng/chơn (tiếng Mường), châng เชิง (Thái), chơng (Khme), jâng/châng (Môn), chiơng (Khmu/Palaung), chơng (Bahna, Kơho) ...v.v... Không thấy GS Nguyễn Tài Cẩn (xem phụ chú 24) đề cập đến các trường hợp k>kh>h và k>ch trong "Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt" (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2004); tuy nhiên ông có ghi nhận khả năng ngạc hoá k>gi (kiến>GI). Tham khảo thêm các trao đổi về liên hệ căn-gian trên diễn đàn Viện Việt Học trang
http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,37118,37489,quote=1 (9/8/2008).
Tương quan k-ch hiện diện trong các cách dùng: cùng công ~ chung, ken ~ chen (chêm, xen - xát hoá cao độ cũng như cách đọc cent tiếng Anh/ Pháp), cành (cây) ~ chánh (tự điển Việt Bồ La - không thấy dùng nữa); (cái) kim, ghim so với châm HV 鍼 箴 hay 針, kêu khiếu 叫 hay 呌, giọng BK bây giờ là jiào (đọc như chiao3, ngạc hoá so với các giọng QĐ, Hẹ, Hán Việt) ... Ngữ hệ Ấn-Âu cũng có nhiều trường hợp tương tự (định luật Grimm) như Kapelle (tiếng Đức, nhà thờ) ~ chapel (tiếng Anh) ~ chapelle (tiếng Pháp) ~ capella (Latin cổ/Late Latin) ~ kapel (Hà Lan)
Kinn (cái cằm, tiếng Đức) ~ chin (tiếng Anh)
Kind (con nít) ~ child
Kette (chuỗi) ~ chain v.v…