Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.155.185
 
Vai Trò Của Việc Học Chữ Hán Trong Nổ Lực Nâng Cao Chất Lượng Dạy Học Ngữ Văn Phổ Thông
Trầm Thanh Tuấn

Ngày nay trong quá trình giảng dạy môn ngữ văn trong nhà trường, người ta nói nhiều đến việc cải tiến phương pháp theo hướng tích cực hoá quá trình tiếp nhận tri thức của học sinh (HS). Điều này đúng nhưng chưa đủ, thậm chí sẽ không đạt hiểu quả bởi sự chuyển biến này chỉ là phần ngọn. Phần gốc ngôn ngữ là phần quan trọng, phần căn bản nhưng lại chưa được nhìn nhận một cách thấu đáu. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề: Vai trò của việc học chữ Hán trong nổ lực nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông.

 

Hiện thực đã cho thấy chất lượng dạy và học môn Ngữ văn đã và đã và đang có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng. Sau mỗi kì thi quan trọng báo chí lại cho đăng tải những bài viết chi chít lỗi ngôn ngữ của thí sinh trong đó lỗi về dùng từ Hán Việt chiếm một phần không nhỏ. Ngay bản thân chúng tôi là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn vấn đề này. Điều đó phản ánh một hiện thực, HS ngày nay rất thờ ơ với việc trao dồi khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ thông qua những giờ học Ngữ văn. Quả thật đây là một điều cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và nhanh chóng có những công trình điều tra xã hội trên bình diện rộng khắp từ đó đưa ra những giải pháp thật cụ thể và thiết thực để chấn chỉnh.

Ngôn ngữ có mối quan hệ một cách mật thiết đối với văn hoá dân tộc nói như L. Hevvett: "Không có một chiếc chìa khoá vạn năng nào để mở cửa vào cuộc sống nội tâm của một dân tộc ngoài trừ ngôn ngữ của dân tộc đó". Điều này không có gì để bàn cải thêm. Qua các công trình nghiên cứu chuyên sâu đã đưa ra những minh định giàu sức thuyết phục cho thấy ngôn ngữ ngoài chức năng  giao tiếp thì bên trong chúng lại chứa đựng những "mã" văn hóa của cộng đồng ngôn ngữ ấy. Như vậy hẳn nhiên để giữ gìn cũng như phát triển văn hóa dân tộc, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề ngôn ngữ đặc biệt lá quá trình giảng dạy ngôn ngữ trong nhà trường phổ thông qua môn Ngữ văn. Nếu như những điều này không được nhanh chóng thực hiện thì những hệ luỵ cho nền văn hoá dân tộc là điều không thể tránh khỏi.

 

Qua sự trao đổi với nhiều đồng nghiệp chúng tôi nhận thấy có một nguyên nhân hết sức quan trọng khiến cho HS không hứng thú với việc học tiếng mẹ đẻ là vì HS không hiểu hết những từ ngữ mà bản thân các em sử dụng để giao tiếp hằng ngày lẫn một số từ ngữ trong văn bản mà các em tiếp cận. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề chính là việc HS chưa nắm vững nghĩa của những yếu tố cấu thành từ Hán Việt.

 

Như chúng ta đã biết, vì đặc điểm của lịch sử dân tộc, tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Hán trong một thời gian dài. Và hệ quả là cho đến ngày nay lượng từ Hán Việt tồn tại trong kho từ vựng của chúng ta là khoảng hơn 70 %. Theo thống kê của Lê Xuân Thại thì: "Trong tiếng Việt có khoảng 3000 yếu tố Hán Việt. Số lượng này xấp xỉ với số lượng yếu tố Hán trong tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên" ([1]) [tr14]. Tuy nhiên từ khi chế độ phong kiến sụp đổ kéo theo nền Nho học cũng tàn lụi thì chữ Hán mất dần địa vị. Chữ Quốc ngữ (viết theo hệ thống ghi âm ABC) được thay thế. Từ khi được chấp nhận, chữ Quốc ngữ đã đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo nền văn hoá Việt Nam mới. Đặc biệt là việc thanh toán nạn mù chữ (trong giai đoạn đất nước có chiến tranh và xây dựng đất nước sau chiến tranh) vì tốc độ lĩnh hội của người học chữ Quốc ngữ nhanh hơn nhiều so với chữ Hán. Chúng ta yên tâm, thậm chí rất đỗi tự hào rằng: việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ là một bước tiến dài trong lịch sử tiếng Việt. Tuy nhiên qua những bài viết, những công trình nghiên cứu trong những năm gần đây của các học giả nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ đã cho thấy vấn đề chưa hẳn đã vậy. GS Đặng Đức Siêu, trong một bài viết giáo khoa đã nhận xét: "Từ khi từ Hán Việt nhất loạt được phiên chuyển từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, hoạt động song ngữ văn hoá Việt – Hán suy yếu dần, những khó khăn lầm lẫn trong việc nhận thức ý nghĩa của từ Hán Việt  nói chung, từ ngữ Hán Việt đồng âm nói riêng đã trở nên phổ biến hơn nhiều"(TTT nhấn mạnh) ([2]). Trong bài viết Người Việt cần bao nhiêu chữ Hán để hiểu sâu Tiếng việt?, GS.TS Nguyễn Ngọc San đã có những nhận định hết xác đáng: " Đến đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ biên rộng khắp và thay thế hoàn toàn chữ Nôm. Đây là một bước phát triển nhảy vọt; văn tự Việt Nam từ chổ ghi ý và ghi na ná âm tiết đã chuyển sang ghi âm vị và có phần nào ghi sát âm hơn là các văn tự ghi âm vị trong họ Ấn – Âu. Tuy nhiên, cũng có thể đứng về mặt khác mà nói đây là một bước lùi (TTT nhấn mạnh). Trong văn tự mới này đã mất yếu tố ghi ý, các từ Hán Việt hoà lẫn vào các từ thuần Việt về mặt hình thức, tạo ra hàng loạt từ đồng âm mà ý nghĩa dễ gây sự lẫn lộn, chất tư duy thị giác hoàn toàn biến mất" ([3]) [tr 390]

 

Quả thật điều ấy đã được bộc lộ ngày càng rõ nét trong tình hình học tập môn Ngữ văn hiện nay. Khi thực hiện hoạt động đọc hiểu các em không hiểu một cách tường minh những từ ngữ có trong văn bản hoặc khi tạo lập văn bản, các em sử dụng từ Hán Việt nhưng không hiểu rõ nghĩa, từ đó dẫn đến dùng sai rất nhiều. Đó chính là lí do khiến HS giảm sút sự  hứng thú khi học môn Ngữ văn. Một điều dễ thấy là HS ngày nay rất ngại học những tác phẩm văn học được viết bằng chữ Hán hay những bài thơ Đường bởi một khoảng cách ngôn ngữ quá xa mà ngôn ngữ chính là chìa khoá đi vào thế giới nghệ thuật của văn bản nghệ thuật. Do vậy nếu như không hiểu biết về Hán tự thì nhãn tự của những thi phẩm được viết bằng chữ Hán sẽ dễ dàng bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Ví dụ khi tiếp cận Nam quốc sơn hà mà không hiểu sâu chữ đế, chữ quốc trong cái nhìn lịch đại thì làm sao có thể thấy được tầm vóc của tác phẩm. Tiếp cận Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du không so sánh được tại sao Nguyễn Du chọn từ khấp chứ không phải từ khốc (mặc dầu hai chữ này đều chỉ hoạt động khóc) trong câu: Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như thì làm sao có thể thấy hết được sự tinh tế khi sử dụng từ ngữ của đại thi hào([4]). Đọc câu thơ Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, nếu muốn tìm hiểu tâm trạng luyến nhớ của nhân vật trữ tình trong buổi chia tay được kín đáo đan cài trong một câu thơ mà chỉ đọc lướt qua phần dịch nghĩa, ta sẽ chẳng thấy gì ngoài nội dung thông báo hết sức bình thường, vô cảm: Ngoái về phía tây, bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc. Những điều này chỉ có thể cảm nhận được khi đi sâu và khám phá hệ thống ngôn từ của câu thơ bắt đầu từ chữ  "cố nhân " 故人. Rõ ràng với việc cụ Ngô Tất Tố dịch thành bạn cũ chưa thể lột tả được những hàm ý sâu xa của từ này. Đặt nó trong hệ thống những từ có cùng yếu tố cố như: cố quốc, cố hương, cố quận, cố thổ, cố viên ta mới cảm nhận được hết  bao tình cảm yêu thương trìu mến trong từ cố nhân. Phải là người bạn hết sức thâm giao, tri âm tri kỉ người ta mới dùng từ cố nhân để gọi nhau. Điều này xuất phát từ tư duy hoài cổ, nệ cổ, sùng cổ của con người Trung Hoa xưa. Thế nên dù rằng lúc này đang diễn ra cuộc chia tay nhưng tác giả vẫn dùng từ cố nhân để thể hiện tâm tình gắn bó thiết tha của mình. Không hiểu chữ Hán thì làm sao HS có thể hiểu được sự tinh tế và tài hoa trong câu thơ chiết tự độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

 

Duyên thiên () chưa thấy nhô đầu dọc()

Phận liễu () sao đà nẩy nét ngang ()([5])

(Không chồng mà chửa)

 

Hoặc để chứng minh cho sức mạnh tuyên truyền của văn học, GV có thể dẫn câu ca dao sau:

 

Trăng xưa dọi tỏ lòng người

Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung ([6])

 

Tiếp cận một cách sơ lược cứ tưởng đây là một bài ca dao đề cập đến tình yêu nam nữ nhưng khi dùng phép chiết tự chữ Hán, ta sẽ giúp HS khám phá ra những điều lí thú về nghệ thuật chơi chữ của tác giả dân gian: Trăng xưa dịch từ chữ Cổ nguyệt , cổ và nguyệt ghép lạ thành chữ Hồ; lòng người là thầm nói đến chữ tâm , ghép hai chữ này lại ta có chữ Chí ; còn chữ nhật và chữ nguyệt ghép lại thành chữ Minh Vậy ba chữ chiết tự từ câu ca dao ra là Hồ Chí Minh. Thật tinh diệu làm sao! Mà cũng thật tài hoa làm sao! Hoặc giả chỉ cần chiết tự một chữ sầu ta có thể lí giải với HS bao điều về mối quan hệ giữa mùa thu với văn chương. Chữ Sầu gồm có chữ thu và chữ tâm . Mùa thu đậu lên lòng người người những nỗi niềm nên thơ thu từ cổ kim đều thấm đẫm nỗi buồn. Những bài thơ về mùa thu được học trong chương trình đều mang nét chung ấy như Thu hứng (Đỗ Phủ), Thu điếu (Nguyễn Khuyến), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu). Xâu chuỗi những điều ấy lại bằng cách chiết tự một chữ sầu thiết nghĩ chúng ta đã mở ra trong lòng HS  bao suy nghĩ, bao liên tưởng thú vị. Còn rất nhiều những áng thơ văn trong quá khứ đã bị chúng ta "bỏ rơi" như thế vì một nỗi ta không biết chữ Hán!

 

Đáng quan tâm hơn là trong quá trình giao tiếp, HS sử dụng từ Hán Việt hết sức tùy tiện. Vì các em không hiểu chính những từ mà mình dùng. Chúng tôi đã từng yêu cầu HS trình bày cách hiểu của mình về một số từ Hán Việt. Các em sẽ có những lí giải hết sức ngô nghê. Ví dụ: với từ "thiên lệch", các em đã rất thản nhiên giải thích: thiên là trời, lệch là không thẳng. Trời là lực lượng siêu nhiên đại diện cho công bằng mà lực lượng ấy lại không ngay thẳng nên từ thiên lệch có nghĩa chung là chỉ việc gì đó không được đối xử một các công bằng!…Ở đây các em đã nhằm lẫn chữ thiên là trời với chữ thiên mang nét nghĩa là lệch. HS dùng nhầm lẫn từ có yếu tố mãi mại (khuyến mãi, khuyến mại; mãi dâm, mại dâm), dùng sai nghĩa từ cứu cánh, không xác định được nên dùng trọng tải hay tải trọng, văn hoa  hay hoa văn ([7])….

 

Những nguyên nhân khiến cho việc HS hiểu sai những từ ngữ mang yếu tố Hán hiện nay là:

1.       Đồng âm giữa những từ Hán Việt và từ Hán Việt.

Ví dụ:

-          Thiên: trời (Thiên hạ, thiên nhiên, thiên lí, thiên địa)

-          Thiên: nghìn (thiên niên kỉ, thiên tuế, thiên thu, thiên lí…)

-          Thiên: lệch (thiên vị, thiên hướng, thiên kiến…)

-          Thiên: dời (thiên di, thiên chuyển, thiên đô….)

-          Thiên: bài (thiên phóng sự, đoản thiên…)

Rõ ràng để hiểu yếu tố "thiên" ta phải nhìn vào tự dạng chữ Hán mới nhận diện được sự khác nhau đó. Hiện tượng này rất phổ biến trong kho từ vựng tiếng Việt chúng ta.

2.       Đồng âm giữa những từ Hán Việt và từ thuần Việt

Ví dụ: Ngoan trong ngoan cố, ngoan cường đồng âm với ngoan trong : ngoan ngoãn, ngoan hiền, phiếu bé ngoan

3.       Hiểu lầm hoặc không phân biệt rạch ròi các từ Hán Việt gần âm hoặc gần nghĩa

Ví dụ: Mãi: mua # mại: bán (Khuyến mãi ≠ khuyến mại)

Khi tìm hiểu sâu vấn đề này chúng tôi còn nhận ra thêm được một hiện thực nữa: chính bản thân rất nhiều GV dạy môn Ngữ văn cũng không nắm nghĩa của những chữ Hán có trong văn bản. Đây là một tình trạng có thực và cũng rất đáng suy nghĩ. Trong một tiết dạy, GV đã rất thản nhiên khi giảng: Ngay từ tiêu đề bài thơ (Độc tiểu thanh kí) tác giả đã thể hiện được sự đồng cảm của Nguyễn Du đối với nàng Tiểu Thanh khi một mình đọc tập thơ của Tiểu Thanh. Rõ ràng người giáo viên này đã nhầm lẫn bởi độc trong tiêu đề Độc tiểu thanh kí nghĩa là đọc, còn chữ độc với nghĩa là một thì lại có tự dạng hoàn toàn khác. Chữ độc ấy nằm ở câu thừa đề Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (獨吊窗前一紙書)

 

Nhìn lại quá trình đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, chúng ta nhận thấy số lượng tiết học cho môn Hán Nôm quá ít và sinh viên thường cảm thấy không mấy hứng thú khi học môn này. Các bạn SV thường chỉ dừng lại ở việc nhớ máy móc và "vẽ chữ" để rồi khi ra trường không còn đọng lại cái gì. Nguyên nhân là chỉ vì lên đại học các bạn SV mới tiếp xúc, không có nền tảng căn cơ mà thời gian học tập lại không nhiều. Nên dẫn đến tình trạng giảng viên và SV cùng "cưỡi ngựa xem hoa" chưa hiểu hết Lục thư (Sáu loại chữ lập thành Hán tự), chưa nhớ hết 214 bộ thì đã quay sang phân tích bộ trong chữ, rồi minh giải nguyên tác chữ Hán của các bài thơ Đường luật, thơ cổ phong, những đoạn biền văn khó như: Bình Ngô đại cáo, Dự chư tùy tướng hịch văn, Bạch Đằng giang phú  quả thật là việc quá sức. Do vậy để đối phó SV chỉ cố gắng nhớ và viết lại cho qua kì thi chứ chả hiểu gì nhiều. Từ đó dẫn đến tình trạng SV Ngữ văn ra trường, khi thực sự bắt tay vào việc giảng dạy, họ thường không mặn mà lắm với mảng văn học thời trung đại và thơ Đường vì ở bộ phận văn học này, GV nắm không chắc bản nguyên tác chữ Hán mà khi đã không nắm chắc chữ Hán thì để so sánh đối chiếu giữa nguyên tác và bản dịch, khai thác những tín hiệu thẩm mĩ ẩn chứa sau từng con chữ là việc không dễ dàng. Nói như thế, chưa hẳn với văn học hiện đại, GV có thể chỉ một cách tường minh những từ Hán Việt có trong văn bản. Đó là chưa kể đến những văn bản nhật dụng có sử dụng nhiều từ Hán Việt khó như: Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại của Nguyễn Khắc Viện, Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu, Tư duy hệ thống, nguồn sức sống mới trong việc đổi mới tư duy, Phan Đình Diệu….

 

Hiện nay chúng ta chủ trương dạy tiếng Anh cho HS ngay từ lớp ba. Việc được và mất của chủ trương này cần tham khảo thêm nhiều ý kiến của các nhà khoa học chuyên môn. Nhưng theo thiễn nghĩ của chúng tôi, thì thay vì dạy tiếng Anh chúng ta nên dạy chữ Hán. Vì những lẽ sau: Thứ nhất tiếng Anh được xây dựng bằng hệ thống kí âm (ABC) nên để tiếp nhận hệ thống ngôn ngữ này chỉ cần một khoảng thời gian không quá dài. Như vậy HS bắt đầu học từ cấp THCS vẫn là không muộn lắm. Thứ hai: Xét về phương diện văn hóa, chúng ta cần phải hiểu ngôn ngữ dân tộc để thông qua đó hiểu văn hóa dân tộc. Chỉ khi nào chúng ta có một bản lĩnh văn hóa vững chắc chúng ta mới có thể tiến vào con đường hội nhập một cách sâu rộng với thế giới mà không lo lắng về sự lai căn mất gốc, không dững dưng trước những giá trị văn hóa mà ông cha ta để lại dẫn đến tình trạng: người nước ngoài khi đến Việt Nam "đều rất kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài di tích lịch sử" ([8]). Đến đây ta lại càng nhận thấy ý kiến của Nguyễn An Ninh từ những năm đầu của thế kỉ 20 vẫn còn nguyên giá trị: "chỉ có những người đã hiểu biết vững một nền văn hóa rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hóa ngoại bang" ([9])

 

Vì những lí do trên chúng tôi nghĩ rằng những cơ quan hữu quan nên sớm có một lộ trình khoa học để nhanh chóng đưa việc giảng dạy chữ Hán vào nhà trường phổ thông. Những điều này từng được nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết đề xuất như GS Cao Xuân Hạo đã nhận định "Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai họa không hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu sự mất mát ấy bằng cách dạy chữ Hán như một môn bắt buộc ở nhà trường phổ thông. Người Việt sẽ không thể giỏi tiếng Việt nếu không thấu đáo nghĩ của tiếng Hán-Việt, vốn chiếm tỉ lệ hơn 70% trong vốn từ vựng tiếng Việt" ([10]) hay GS Nguyễn Đình Chú trong bài viết Cần khẩn trương khôi phục chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam đã phát biểu: "thiết tưởng đã đến lúc cần đặt vấn đề học chữ Hán trong nền giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay một cách thấu đáo, có bài bản, có chủ trương kế hoạch hẳn hoi. Nhưng, muốn làm được điều đó, lại trước hết cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc học chữ Hán là thế nào trong việc xây dựng nên văn hóa Việt Nam hiện đại và tương lai". GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng Trong bài viết Chữ Hán chữ Nôm với thế hệ trẻ, cũng đã có những đề xuất đáng quan tâm về vấn đề khôi phục việc giảng dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông.

 

Thật vậy ngôn ngữ của mỗi dân tộc đều ẩn chứa trong nó cả linh hồn của dân tộc ấy. Tiếng Việt chứa đựng linh hồn của người Việt. Vậy nên là người Việt Nam nhiệm vụ giữ gìn tiếng nói của cha ông là một nhiệm vụ thiêng liêng đã có truyền thống lâu dài từ xưa đến nay và cần phải được quan tâm nhiều hơn trong thời đại ngày nay - thời đại hội nhập giao lưu quốc tế một cách rộng khắp. Việc ấy không thể làm được nếu như chữ Hán chưa được khôi phục trong hệ thống giáo dục từ bậc PT. Bởi vì ngoài việc giúp HS sử dụng thật chính xác, linh hoạt vốn ngôn ngữ của dân tộc, nó còn giúp HS thủ đắc những thuật ngữ khoa học của các ngành học khác từ đó tiếp cận một cách nhanh chóng những khái niệm. Đồng thời một điều đáng quý nữa là với một kho di sản văn hóa khổng lồ của dân tộc trong quá khứ sẽ có cơ hội được thế hệ trẻ bảo lưu và phát huy.

 

Tài liệu tham khảo

 

1.       Hoàng Trọng Canh: Hình thức chơi chữ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, Ngôn ngữ và đời sống, số 1-2, 2009

2.       Nguyễn Đình Chú, Cần khẩn trương khôi phục chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam, tạp chí Hán Nôm, số 2, 2005

3.       Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, 2003

4.       Nguyễn Quang Hồng, Chữ Hán chữ Nôm với thế hệ trẻ, Ngôn ngữ và đời sống, số 12, năm 2008.

5.       Nguyễn Ngọc San, Người Việt cần bao nhiêu chữ Hán để hiểu sâu Tiếng việt?, Tuyển tập mười năm tạp chí Văn học và tuổi trẻ, NXB GD, 2003

6.       Đặng Đức Siêu, Từ Hán Việt và những điều lưu ý khi sử dụng từ Hán Việt, Tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao Ngữ văn 10, NXBGD, 2006

7.       Lê Xuân Thại, Từ Hán Việt và việc giảng dạy từ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở, NXB GD, 2005.

 

Chú thích



([1]) Từ Hán Việt và việc giảng dạy từ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở, NXB GD, 2005

([2]) Chủ đề 4: Từ Hán Việt và những điều lưu ý khi sử dụng từ Hán Việt (In trong Tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao Ngữ văn 10, NXBGD, 2006)

([3]) Người Việt cần bao nhiêu chữ Hán để hiểu sâu Tiếng việt?, Tuyển tập mười năm tạp chí Văn học và tuổi trẻ, NXB GD, 2003

([4]) Khấp () là khóc không ra tiếng chứ không phải khốc () là khóc to. Sự kì khu trong việc chọn chữ của Nguyễn Du rõ ràng là có ẩn ý. Câu thơơ bộc lộ nỗi xót thương, cảm thương - Một nỗi xót thương, cảm thương xuất phát từ chân tâm chứ không phải là những biểu hiện thuần tuý hình thức bề ngoài.

([5]) Ở đây dùng lối chơi chữ chữ Hán. Chữ Thiên là trời nhô đầu lên thì thành chữ phu là chồng; chữ liễu là rõ hoặc hết, đồng âm với cây liễu chỉ người con gái, nếu thêm một nét ngang thì thành chữ tử là con. Hai câu này ý nói: Gái chưa chồng mà sao đã có con trong bụng

([6]) Ca dao Nghệ Tĩnh (Dẫn theo tài liệu của Hoàng Trọng Canh: Hình thức chơi chữ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh, Ngôn ngữ và đời sống, số 1-2, 2009)

([7]) Không phải chỉ có HS sử dụng sai mà cái sai này được mở rộng ra nhiều đối tượng từ các cơ quan thông tin đại chúng, nhà văn, nhà khoa học…(Xem thêm Từ Hán Việt và những điều lưu ý khi sử dụng từ Hán Việt - In trong Tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao Ngữ văn 10, NXBGD, 2006)

([8]) Chữ Tây và chữ Hán thứ chữ nào hơn, (In trong Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, 2003)

([9]) Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, in trên báo La Cloche Fêlée, tháng 12-1925

([10])  Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ (In trong Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, 2003)

Trầm Thanh Tuấn
Số lần đọc: 5654
Ngày đăng: 30.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5A) - Nguyễn Cung Thông
Thời Gian Nghệ Thuật Trong "Chinh Phụ Ngâm" Nhìn Từ Góc Độ Ngôn Ngữ - Trầm Thanh Tuấn
Bàn Thêm Về Cách Hiểu Chữ "Ngưu" Trong Một Câu Thơ Cổ - Trầm Thanh Tuấn
Có Một Bà Tên Huyen (Huyện) Họ Quan Lót Chữ Thanh - Thiếu Khanh
Tiếng ta - Đỗ Hồng Ngọc
Tiếng Việt Gốc Khmer Trong Ngôn Ngữ Bình Dân Ở Miền Tây Nam Bộ - Nhìn Từ Góc Độ Ca Dao - Trần Minh Thương
Trao Đổi Lại Với Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Cung Thông - Hà văn Thùy
Các từ Hán-Nhật-Hán-Việt so với Hán-Nhật-Nhật-Việt (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về danh từ ‘cá sấu’: Vết tích phương Nam trong tiếng Hán (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Bụt hay Phật? (phần 2A) - Nguyễn Cung Thông