1. Cái nôi văn hoá con người
Những nhà mỹ học Mỹ, Pháp Elsa, Horld, Coaklin, Woodbury, Condominas… nghiên cứu nghệ thuật không gian với các mặt tồn tại sống. Khái niệm không gian xã hội các dân tộc, là môi trường thực tại nơi cư trú, thời gian, văn hoá, hoạt động tự nhiên xã hội.
Không gian xã hội các dân tộc Mông Tày Nùng Thái, quan niệm nơi cư trú lâu đời làm nẩy sinh các mặt hoạt động vật chất, tinh thần con người. Mỗi dân tộc cư trú trên vùng miền, những khu vực địa lý khác nhau tạo dựng phong tục, lối sống, phương thức lao động tồn tại, ngôn ngữ giao tiếp. Qua đó, ra đời các làn điệu dân ca mang dấu ấn thời gian, không gian, phong tục ngữ âm từng dân tộc. Những làn điệu dân ca mỗi dân tộc ở những không gian khác hoặc giồng nhau, còn ghi lại phong cách bản sắc riêng chung. Không gian xã hội các dân tộc, dù cộng cư trên cùng một khu vực địa lý như nhau lại có những bài dân ca khác nhau, tồn tại nhiều bài dân ca riêng biệt. Những tồn tại thực tiễn các bài dân ca từng tộc người như khẳng định đặc điểm tự nhiên, con người, xã hội mang diện mạo cuộc sống. Không gian xã hội chỉ quyết định một phần văn hoá tinh thần con người, cái không gian ấy tạo ra hay quyết định nét chung các dân tộc. Hoạt động sống hiện thực không gian xã hội tác động đến từng dân tộc, môi trường thiên nhiên mang dấu ấn ngôn ngữ vùng miền, thể hiện qua âm thanh ngôn ngữ tiếng nói và âm nhạc. Mỗi bài, loại thể dân ca, cấu trúc chuyển động giai điệu bị tác động ra đời từ đặc trưng tiếng nói mỗi dân tộc còn chịu ảnh hưởng môi trường không gian xã hội. Qua ghi nhận từng làn điệu dân ca chứng minh câu nhận định nổi tiếng của nhà dân tộc học Xecne: âm nhạc ra đời từ tâm lý bản ngữ.
Tâm lý con người, tâm lý từng dân tộc phản ánh nhận thức tư duy. Tư duy con người hình thành qua cảm xúc. Cảm xúc bắt nguồn từ quan sát thế giới xung quanh môi trường không gian xã hội, hình thức đầu tiên của tư duy. Qua những hiện tượng tự nhiên xã hội, tập hợp nhiều sự kiện nghe nhìn tổng hợp, phát triển quá trình cảm giác, tri giác nâng lên biểu tượng tạo dựng khái niệm. Khái niệm biểu hiện quá trình nhận thức tư duy, mà biểu tượng tư duy là khái niệm. Biểu tượng là một tập hợp những quan sát, cảm xúc, hình khối, mầu sắc, âm thanh, ánh sáng… nhận biết tri giác, nhận thức các loại hiện tượng sự vật. Qua cuộc sống thiên nhiên xã hội, con người mỗi tộc người nhận biết các loại hiện tượng hình thành khái niệm về các mặt mang tính khái quát trừu tượng. Những khái niệm ấy, biểu hiện qua văn hoá giao tiếp bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ có nhiều dạng, ngôn ngữ tiếng nói, ngôn ngữ hành động, ngôn ngữ tín hiệu, ngôn ngữ âm thanh… Mọi trạng thái ngôn ngữ là công cụ tư duy, biểu hiện tâm lý, tình cảm con người. Âm thanh là một trạng thái ngôn ngữ, ngôn ngữ giao tiếp con người là tiếng nói bằng âm thanh biểu cảm âm nhạc. Nói đến âm nhạc là ngôn ngữ âm thanh sẽ nhầm lẫn với âm thanh tiếng nói giao tiếp, vì thế âm thanh âm nhạc khác với tất cả các dạng âm thanh ở chỗ là âm thanh đặc biệt. Âm thanh đặc biệt của âm nhạc khác với âm thanh hỗn độn trong đời sống con người và tự nhiên, ngược lại mọi âm thanh hỗn độn lại trở thành âm thanh đặc biệt của âm nhạc. Đó là, tiếng gió bão, tiếng mưa, sấm chớp, chó sủa… là âm thanh âm nhạc khi nó tổ chức trong cấu trúc một chuỗi âm thanh giai điệu bản nhạc theo quy luật phát triển âm thanh, tâm lý cảm xúc. Vì âm nhạc là nghệ thuật âm thanh, biểu hiện đầu tiên từ cảm xúc mang theo tâm lý tư duy hình tượng tác phẩm từ hiện thực đời sống tự nhiên xã hội. Cái gốc âm nhạc bắt đầu hình thành bằng tâm lý cảm xúc con người, cảm xúc tâm lý ấy biểu hiện sắc thái tình cảm riêng mỗi người trong cộng đồng xã hội, tâm lý chung mỗi tộc người. Âm nhạc ra đời từ tâm lý, là tâm lý cảm xúc mang ngôn ngữ âm thanh công cụ giao tiếp biểu cảm.Tâm lý ấy, xuất phát từ môi trường không gian xã hội từng tộc người, những bài dân ca ghi chép biểu hiện chân thực tự nhiên từng tộc người về tâm lý, không gian xã hội.
Không gian xã hội tác động, ảnh hường vào tâm lý cảm xúc con người là môi trường ra đời những đặc điểm lối sống văn hoá nghệ thuật mang bản sắc riêng. Không gian xã hội tác động đến bản ngữ mỗi con người, từng tộc người, mỗi vùng miền mang âm điệu ngôn ngữ riêng. Không gian xã hội, tạo dựng phương thức tư duy ứng xử riêng từng tộc người. Hầu hết các dân tộc chọn một phương thức diễn tả riêng những vùng miền, cộng đồng các dân tộc phía bắc có phương cách diễn đạt ngôn ngữ khác người Việt. Cách nói đồng bào Mông Tày Nùng Thái giống nhau, đặc điểm tư duy phản ánh nhận thức hình ảnh ngôn ngữ tự nhiên. Cách giao tiếp dễ hiểu mang liên hệ thực tại như “con đường về nhà tao phải ba quang dao vớ”, “con nai rừng đi không bằng tao đâu”… Nếu là người Việt sẽ nói: tao đi nhanh lắm, hoặc mày chạy không bằng tao đi bộ… Các nhà thơ dân tộc Nông Quốc Chấn, Bàn Tai Đoàn, Cầm Biêu… làm thơ theo cách nói người dân tộc khác ngôn ngữ thơ người Việt.
Ngôn ngữ âm nhạc các dân tộc cấu trúc giai điệu âm thanh mang đặc tính tâm lý, bản ngữ từng dân tộc, một đặc tính chung và những nét riêng. Âm nhạc hình thành từ bản ngữ, bản ngữ bao gồm cái gốc, cái bản địa, cái không gian địa lý, không gian xã hội đồng bào. Khái niệm không gian xã hội các dân tộc bao gồm khu vực địa lý đồng bào cư trú trên các tộc bao gồm vùng địa lý, núi sông, cánh đồng… là không gian đất đai. Còn xã hội là khái niệm tổng hợp các hoạt động tinh thần con người, cấu trúc xã hội gồm các mặt đời sống. Cấu trúc xã hội biểu hiện tổ chức đời sống, hệ thống làng bản, phong tục sinh hoạt lễ hội, văn hoá giao tiếp, phương thức canh tác sản xuất lúa gạo… Xuất phát điểm đầu tiên các tộc người thiểu số di cư đến nước ta lâu nhất từ trước công nguyên, những tộc người ấy thừa hưởng gia sản tự nhiên lúa gạo, hoa màu. Những sản vật ấy, là tài nguyên hoang dã, lúa là cỏ dại mọc tự nhiên, khoai sọ, củ mài, sa nhân, cánh kiến… hoang dã. Những tộc người Tày Mông, đầu tiên đến nước ta thu hoạch cây rừng hoang sơ, thuần dưỡng trồng cây ăn quả thành sản vật nuôi sống người. Những phương thức canh tác ruộng bậc thang ở Sapa thành nơi thắng cảnh quốc gia, nhiều dấu tích người Mông Trung Quốc còn những cánh đồng ruộng bậc thang đẹp mắt. Người Mông xưng danh gọi tên dân tộc phải viết theo văn bản pháp quy: HMôngz, nhưng do thói quen viết là Mông mong được các bạn dân tộc thông cảm. Dù viết thế nào chỉ là cái vỏ ngôn ngữ, còn tình cảm tác giả yêu quý, khám phá những cái hay, vẻ đẹp người Mông và các dân tộc anh em. Đến đây khái niệm không gian xã hội hé mở: Đại lý đất đai – Cấu trúc xã hội – Ngôn ngữ văn hoá các dân tộc. Văn hoá các dân tộc bao gồm nhiều thành tố hợp lại văn hoá vật chất, tinh thần, mọi sản phẩm con người tạo ra với các quan hệ xã hội.
Văn hoá tinh thần những phương thức tư duy, công cụ ngôn ngữ giao tiếp, hành vi ứng xử, phong tục lễ hội, các hình thức văn học, dân ca, nhảy múa… Mọi hoạt động tinh thần các dân tộc chi phối, ảnh hưởng trực tiếp từ không gian văn hoá xã hội. Không gian văn hoá xã hội ảnh hưởng đến tác phong lao động, lối sống là thời gian trên không gian tự nhiên, mỗi dân tộc một lối sống canh tác thời gian theo mùa vụ, một tập tục theo thời gian… Vô số hằng hà biểu hiện văn hoá tinh thần mang ý thức cảm xúc con người dân tộc, từ sản xuất hái lượm đến canh tác trồng lúa nước, bước tiến dài về tư duy kinh nghiệm sống. Quá trình lao động sản xuất, người Mông trồng lúa nương, Thái Tày Nùng lúa nước, những loại hoa quả củ thiên nhiên, các giống cây thuần phục, tiến dần đến văn minh. Những cấu trúc không gian xã hội khác nhau, nẩy sinh phương cách tồn tại sản xuất, kinh nghiệm truyền thống. Người Thái nghệ thuật đánh bắt cá, người Mông đốt rẫy làm nương trên các triền núi cao… Từ đặc điểm địa lý, ra đời tiếng nói bản ngữ. Bản ngữ là ngôn ngữ gốc, bản thể xuất phát từ đặc điểm không gian địa lý tự nhiên, ra đời cách phát âm, sử dụng từ vựng, tiếng địa phương.
Bản ngữ thổ âm vùng miền, là cái gốc ra đời ngôn ngữ âm nhạc mang bản ngã địa phương. Người Mông trên những đỉnh núi cao, tiếng nói tác động trực tiếp đến ngôn ngữ âm nhạc. Người dân tộc, người Mông (HMôngz) ít từ vựng, nhiều từ vựng dấu giọng khó nói hoặc cách viết dẫn giải dài dòng. Theo thói quen phát triển thông tin tín hiệu là bản chất ngôn ngữ, nên đa phần gọi là người Mông, không đọc HMôngz bởi nó chậm tiến độ lập trình thông tin. Vì thế, âm nhạc Mông còn nhiều bài dân ca chỉ cấu trúc thang ba âm thể hiện ngôn ngữ âm thanh hạn chế, nhưng giai điệu nhạc không hề hạn chế mà cực hay, đặc sắc dân ca Mông. Người Mông đặc phẩm nhạc khí khèn bè, Tày Nùng đàn tính, là những nhạc cụ khác nhau, diễn tả bản sắc ngôn ngữ các dân tộc. Theo nhà băn hoá, dân tộc học Mã A Lềnh kể chuyện dân gian một dị bản về nguồn gốc khèn bè Mông. Thủa xưa một gia đình có sáu anh em thổi sáo hay nhất jào (bản), những ngày lễ hội dân bản mời các anh đến vui. Mỗi lần mời đi diễn khó đủ mặt mọi người, cậu em trai út sáng chế ra bằng cách gộp cả sáu cái sáo vào một cái bầu, chỉ cần một người đi diễn là đủ. Từ đấy, mỗi người một cái bầu gọi là khèn bè, đi lưu diễn khắp nơi vui vũ hội, thoả lòng dân bản. Dị bản hai mang dấu tích cây khèn bè làm bằng các loại chất liệu như hiện có, chưa thành các đặc tính trình diễn: Vui chơi – tâm sự – phong tục (cưới, hội, tâm linh). Theo ông, những bản nhạc khèn bè có lời ca, nhưng ngày nay thường trình diễn nhạc không lời làm nền nhảy múa. Múa khèn có ba loại: Múa võ, múa chọi, múa tài tử.
Múa khèn, nghệ thuật dân vũ tài năng đặc sắc, những nghệ sĩ (nghệ nhân dân gian), thổi khèn nhảy múa. Múa võ, thổi khèn đánh võ, theo Mã a Lềnh miêu tả: một tay bấm nốt khèn diễn tả điệu nhạc, tay kia vỗ bàn chân, đá, gạt đối thủ… nhiều động tác kỹ thuật võ cổ truyền hấp dẫn.
Múa chọi, ngồi xổm, hai chân co duỗi, đảo nhau, đá phía trước, phía sau, nhảy lò cò… Nếu múa đôi, song khèn, hai người ngồi cùng thi tài nhảy cao, đá chân… Mỗi người diễn một kỹ thuật cá nhân, điêu luyện phấn khích.
Múa tài tử, loại kỹ thuật nhảy tự do, nhảy thăng bằng trên dây, nhào lộn, đi tay… Mỗi loại múa khèn thể hiện tài năng kỹ xảo cá nhân đầy tính dân gian ngẫu hứng nghệ nhân: thổi khèn – nhảy múa.
Nguồn gốc âm nhạc, các bài dân ca mang dấu ấn khu vực vùng miền, những đặc điểm ấy biểu hiện cấu trúc chuyển động giai điệu. Đây là nét đặc trưng dựa trên những âm giai quan trọng luôn nhắc lại, lặp lại trên quãng giai điệu để nhận diện phong cách dân ca – phong cách âm nhạc dân tộc. Không gian xã hội các dân tộc là cái gốc sinh ra cảm hứng nghệ thuật, các truyền thuyết huyền thoại, văn học ca múa nhạc mang phong cách dân tộc bản địa. Cái không gian yêu quý ấy, gắn bó văn hoá, trí tuệ ngàn đời các dân tộc, nhưng những biến đổi đời sống xã hội dần mất đi bản sắc tinh hoa các tộc người. Nhân loại qua những bước tiến dài từ xã hội nguyên thuỷ, thị tộc, bộ lạc đến văn minh nông nghiệp dần kéo loài người đi xa cội nguồn. Nền văn minh công nghiệp làm mất đi bản sắc văn hoá các dân tộc, họ bị kéo ra khỏi không gian xã hội hái lượm tự nhiên thiên nhiên hoang dã. Các dân tộc trên thế giới đổ xô về thành phố hoà nhập nhịp sống ồn ào, đồng bào các dân tộc thiểu số bị kéo ra khỏi rừng, di cư đi khắp miền đất nước thành phố, đồng quê… ra nước ngoài bước đi dài hành trình sống. Các dân tộc rời xa điệu khèn, đàn tính, dân ca… Thời văn hoá hội nhập, đuổi nhiều tộc người đi khỏi không gian cổ xưa. Quá trình ấy, làm mất dần lối sống tự nhiên muốn thống nhất hỗn độn. Càng văn minh, con người càng rời xa bản ngã không gian xã hội. Truyền thống văn hoá nghệ thuật muôn đời, thắm tươi sắc áo chàm, áo hoa đỏ Mông, áo đen trắng Thái, những điệu xoà đêm lửa trại… chỉ còn trong cõi nhớ. Nơi cư trú, cái nôi không gian văn hoá yên bình, đạo lý thiên nhiên con người – vũ trụ.
2.Đạo lý cộng đồng
Các dân tộc Mông Tày Nùng Thái sống hoà bình trên không gian địa lý, các tỉnh miền núi phía Bắc theo phân bố tự nhiên lựa chọn. Người Mông trên những đỉnh núi lưng đồi, cao nguyên cùng những tập tục. Đạo lý sống con người hoà vào thiên nhiên, tự cung, tự cấp. Phương thức canh tác, dựa vào tài nguyên thiên nhiên ôn hoà, tạo lối sống gia tộc cộng đồng.
2.1.Người Mông.
Người Mông sau hàng chục thế kỷ trên đất nước ta, hoàn chỉnh tập tục văn hoá ứng xử cộng đồng dựng nhà, trồng cây, chăn nuôi gia xúc. Ngôi nhà, con ngựa, ruộng bậc thang, tài sản cao quý gắn với nhiều tập tục văn hoá.
Đồng bào Mông nhiều tập tục, mùa làm ruộng lễ ước bảo vệ rừng, cúng ruộng để mùa vụ bội thu, diệt trừ sâu bọ, thú hoang phá lúa. Con trâu vật thiêng, người Mông hành xử con trâu như vật gia truyền quý trọng, là báu vật hiến dâng tài sản, sinh vật có hồn. Theo quan niệm đồng bào vạn vật có hồn, nếu người Tây Nguyên lấy trâu làm lễ đưa hồn về trời thì người Mông coi là lễ vật phú quý. Hệ thồng tín ngưỡng, lễ tục Mông mang bản sắc văn hoá gắn với nhiều hình thức ca nhạc nhảy múa. Dân ca Mông đặc phẩm âm thanh giai điệu hay, chinh phục những người yêu âm nhạc mọi miền đất nước, lời ca hoà đồng con người vũ trụ. Người Mông sống trên vùng cao nguyên mang theo phong tục hoà nhịp con người thiên nhiên, những chàng trai đua ngựa mùa xuân như tráng sĩ du mục. Mùa xuân nhiều phong tục lễ hội, tục đua ngựa, cắm cây nêu, cướp vợ, bắt dâu, kéo dâu… Thực tiễn không phải ăn cướp, hoặc cưỡng bức ép người con gái, theo tục lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy!”. Hầu hết các dân tộc thiểu số phía Bắc, trai gái có tình yêu tự do, tự do lựa chọn người con gái. Từ nhỏ, tôi sống chung cùng đồng bào Mông, sán chỉ, Tày Nùng, Thái, Dao… đi chơi xem họ hát giao duyên suốt mùa xuân. Người Mông hát giao duyên bằng tiếng khèn, sáo gọi người yêu suốt đêm trăng, còn Tày Nùng, sán chỉ… hát tìm người yêu. Người sán chỉ hát đám, hát đôi giống người Tày Nùng, họ đi hát đến đêm khuya, thì chia ra theo lựa chọn. Tôi thấy một số người bị cha mẹ gả chồng, con gái không được quyền lựa chọn, những trường hợp ấy thường không hạnh phúc. Ông chú ruột tôi bị ép lấy một cô gái Tày khá đẹp, vì gia đình bên ấy có nhiều ruộng, trâu béo, nhưng kết quả gần đến ngày hoà bình. Ông chú tôi bỏ vợ, bỏ nhà đi thanh niên xung phong, tự giải thoát mình. Hoà bình lập lại, ông lấy cô vợ sống ở Hà Nội, chẳng ai quan tâm đến nhà vợ xưa ở miền núi Quân Thần Lục Ngạn. Dù trong văn học Tày Nùng còn khá nhiều chuyện tình bi thảm, thì tình yêu của họ là tự lựa chọn, ở người Mông sự lựa chọn tự nhiên phóng khoáng tự do hơn.
Ngày tết cắm cây nêu biểu tượng sống hoà hợp cùng vũ trụ. Nhà tôi là người kinh, có lẽ vì chung sống cùng đồng bào dân tộc nên tết cắm cây nêu. Cây nêu thường chặt cây trúc róc hết lá chỉ để một chút trên ngọn, buộc vải đỏ trên cao, nói là báo hiệu mời tổ tiên về nhà ăn tết. Còn cây nêu người Mông theo Mã A Lềnh mô tả: ngọn cây nêu treo hai cổ vật chính, một quả bầu đựng nước suối, ngọn cây treo vải đỏ. Bầu nước mong ước mưa gió thuận hoà, hai quả bầu như thể hiện điều ước, vuông vải đỏ trên cao biểu tượng mặt trời. Nếu treo màu chàm biểu trưng lòng chung thuỷ của người tổ chức lễ hội, còn thấy treo lồng gà màu đỏ, con cá… biểu thị các vị thần. Dưới gốc cây nêu thường có ngũ cốc, đồ ăn, những vật qúy biểu trưng phồn thịnh của gia chủ.
Người Mông nhiều tập tục văn hoá không thể kể hết những nét đẹp phong tục dân tộc. Đồng bào quan niệm sống đa thần, chung đạo lý cộng đồng. Sống hoà hợp thiên nhiên môi trường con người xã hội, những bản ngã nhân thiện nhất, tự nhiên và ý thức, trí tuệ tâm linh.
2.2.Đồng bào Tầy Nùng.
Nguồn sống các dân tộc phía Bắc gần giống nhau, thủa ban đầu sản vật tự nhiên, khai thác thiên nhiên hoang dã. Các loại sản phẩm cây rừng, chim muông thú, đồng bào dân tộc thường dắt bên người con dao có bao bằng gỗ hoặc da trâu, cây sáng kíp, những vật bất ly thân.
Đồng bào Tày Nùng cư trú theo quằng, thổ ty, nguồn sống chính cấy lúa nước, trồng ngô. Dân tộc Tầy Nùng trồng lúa dưới khe, thung lũng, trồng lúa nương trên sườn đồi. Sau này, đồng bào phát triển sản xuất trồng cam quýt, mía đường, nhiều nghề phụ gần giống người Việt như nghề dệt, dệt thổ cẩm, đan giọ, rèn đúc, làm gốm… Nhưng khác biệt người Việt, bản sắc văn hoá Tày Nùng từ phương thức sản xuất đến chất liệu sản phẩm, đặc biệt hoạ tiết hoa văn. Đồng bào thường hái sa nhân, cánh kiến, mật ong, cánh hồi, từng đoàn người vào rừng hái lượm. Bây giờ mọi thứ phải nuôi trồng mới có, mai một khá nhiều tập tục sống tự nhiên, gắn con người với thiên nhiên hoang dã cùng tồn tại. Đồng bào thích món ăn xào mỡ lợn, nổi tiếng tục uống rượu khau nhục, mời nhau chéo bát, nay thêm cái bắt tay, uống bằng chén.
a. Người Nùng.
Người Tày Nùng nhiều nét văn hoá gần nhau từ ăn ở đến phong tục sống, phục trang dáng vẻ bề ngoài khó phân biệt bởi quần áo chàm. Quan sát kỹ sẽ thấy sự khác biệt tập quán người Nùng có nét riêng thích ăn ngô, uống rượu bằng thìa. Nam nữ trưởng thành, bịt răng vàng ở hàm trên. Phụ nữ áo 5 thân, cổ tay mang miếng vải khác màu. Nhà ở: nhà sàn, nửa sàn (tầng một trình tường, tầng hai nứa lá).
Tổ chức xã hội người Nùng gần giống người Tầy, bản có từng người đứng đầu cai quản. Mỗi ngành Nùng còn luật tục khác nhau như Nùng phàn sình, Nùng cháo, Nùng lòi, Nùng inh. Người Nùng hay đôi khăn chàm có điểm trắng… Người Nùng trồng lúa nước, nhưng làm rẫy phát nương nhiều hơn, là nguồn sống chính. Làng bản Nùng thường ở dưới thung lũng ven sườn núi, bên sông suối. Mỗi bản có không gian thiêng: cây đa, miếu thờ. Phần này gần người Việt, có lẽ đây là ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa. Người Việt rất nhiều biểu tượng tâm linh: Đình, chùa, đền, điện, miếu, nghè, chòi, quán… là những nơi thờ tự thần linh theo những quan niệm khác nhau. Người Nùng nhiều phong tục văn hoá riêng gần người Tày, nhiều hội lễ: Hội Lồng tồng, Hát then, hát lượn, Hà lều, Náng ới… văn hoá tâm linh đa thần.
b. Dân tộc Tầy.
Như người Nùng, đồng bào Tầy thuộc ngữ hệ Tầy Thái, là cộng đồng cư dân đông nhất ở Việt Bắc. Số người lên khoảng 1.200.000 người, cư trú trên mọi miền đất nước, gốc tích tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La…
Nguồn sống chính trồng lúa nước, dưới thung lũng bên bờ suối, ngoài ra chăn nuôi phát triển ngựa dê, gà vịt, trồng cây công nghiệp quế hồi, thuốc lá, cám quýt, bưởi chanh… Nghề phụ dệt may, dệt thổ cẩm, phải nói dệt thổ cẩm đặc sản, các dân tộc nào cũng độc đáo lạ mắt. Nhà ở người Tày, nhà sàn, nhà đất xây trình tường, nóc lợp lá cọ, cỏ ranh, hoặc ngói nhỏ. Tổ chức xã hội, sống theo quằng, Thổ ty, tổ chức thành làng bản, người đứng đầu theo huyết thống, khó thay đổi. Người Tày, quan niệm thế giới đa thần, nhiều luật tục thờ cúng. Người Tày, nhiều tết trong năm: nguyên đán, thanh minh, Hội lồng tồng, cầu mùa, rằm tháng bẩy, tục cơm mới…
Sinh hoạt văn hoá, nhiều truyện cổ tích thần thoại, lễ hội, ca nhạc, nhảy múa. Văn hoá Tày nhiều truyện dân gian như Phạm Tải Ngọc hoa, Biooc rằm, Nam Kim Thị Đan… Ca nhạc dân gian: Hát then, si lượn, Nàng hai… nổi tiếng và phổ biến đàn tính, phí lè, quả nhạc, chuông…
Đồng bào Tầy Nùng như hầu hết các dân tộc thiểu số, sống hiền từ, ít to tiếng, đoàn kết hoà thuận môi trường văn hoá cộng đồng. Đồng bào Tày Nùng, dù nhiều điều chung về tổ chức xã hội, phong tục văn hoá, đời sống nhưng đi sâu vào từng tộc người, các ngành Nùng văn hoá riêng, bản sắc, phong cách, dân tộc bản địa. Đây là sự phong phú, khác biệt mỗi tộc người, từ đó sinh ra nhiều hình thức âm nhạc dân ca mang đặc điểm riêng của đồng bào Tày Nùng.
2.3. Dân tộc Thái.
Dân tộc Thái, số dân khoảng 10.000 người, cư trú suốt rải sông Đà, sông Mã, sông Lam… bên thung lũng ven bờ suối. Không gian cư trú nổi bật theo các dòng sông lớn trên đất nước ta, người Thái có nghệ thuật đánh bắt cá đi vào dân ca, dân vũ nhưng nét sinh hạot văn hoá cộng đồng. Người Thái có múa sinh hoạt, múa xoè, nét văn hoá độc đáo, vui chơi hoà đồng.
Đồng bào Thái, nhiều luật tục văn hoá, vật thiêng giống như các nhóm dân tộc vùng Đông Nam Á thờ đa thần. Người Thái tổ chức sản xuất cao nghề trồng lúa nước. Thủa hoang sơ, người Thái ngâm ruộng , sau này cày cấy như người Việt. Phong cách sống và canh tác như câu thành ngữ “đi ăn cá về uống rượu”. Rượu như là hủ tục và văn hoá toàn nhân loại. Không rượu không có niềm vui, quá rượu mất vui. Người Thái có nghi lễ quan trọng, khởi công dựng nhà, sau cùng dọn sang nhà mới. Tục dọn nhà, chọn người bên ngoài mang ba ông đầu rau, lửa, nước đến trước, sau chủ nhà dẫn đầu họ lên nhà cúng ma. Chủ nhà cúng xong, mọi người liên hoan. Người Thái thường cất nhà sàn bằng gỗ, kiến trúc công phu trạm hoa văn độc đáo, hợp vệ sinh. Tổ chức xã hội đa tầng.
Người Thái định cư theo bản mường, mỗi bản 40-50 gia đình, giữa bản có Hạn Khuống. Mỗi bản mường có ranh giới ruộng nước riêng. Tổ chức mường to hơn bản, mỗi mường có hai ba bản bên nhau. Bản lớn gọi là Chiềng, trên bản là mường, dưới mường chúa đất. Xã hội Thái sống theo dòng họ huyết thống, có tầng lớp mo then hoạt động tâm linh chuyên nghiệp. Phong tục văn hoá như nhiều dân tộc, quan niệm đa thần, vạn vật linh thiêng. Đồng bào quan niệm người chết về thế giới bên kia, linh hồn đưa về mường trời… Tục tang ma nhiều điệu hát dân ca bi thương, lễ gọi hồn, đưa đường, tiễn biệt… Nhiều nghi thức cầu cúng, tế thần thổ địa, ma bếp, tổ tiên, xên bản, xên mường, xên hươn, cúng cơm mới, cúng ruộng, cầu mưa, nhập hạ…
Vốn văn hoá nghệ thuật độc đáo, áng thơ nổi tiếng Sóng trụ xôn xao, câu chuyện thơ xúc động, tâm lý tình yêu. Múa phát triển mạnh các loại dân gian, đồng hành cùng ca nhạc. Dân ca Thái vui rộn ràng, giầu nhịp điệu các loại khắp: Khắp báo xao, khắp lồng tồng, khắp chèo thuyền… Hát mo, khắp tủa, khắp giao duyên, hát ngẫu hứng, hát phong tục… Dân ca Thái, văn hoá cổ bản địa, hoang sơ, dân dã, ấn tượng hấp dẫn.
3. Mấy nét đặc điểm không gian văn hoá.
Không gian văn hoá phụ thuộc vào truyền thống không gian địa lý, các dân tộc trên cả nước đang chuyển đổi từ không gian truyền thống sang hiện đại. Không gian hiện đại với các dân tộc nhiều biến đổi mức độ đô thị hoá, hoặc rời bỏ nơi cư trú vào thành phố… Các dân tộc đang đánh mất hàng loạt truyền thống trên đà hội nhập, phát triển đất nước sau đổi mới.
Không gian hiện đại, các dân tộc chuyển đổi hai điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội, do nhu cầu xây dựng. Những công trình thuỷ điện: Thác Bà, Hoà Bình, Sơn La, Cam Ly, Đắc Nông… Vùng đồng bào dân tộc biến đổi nhanh trên những khu di cư mới. Nhà nước tổ chức làng dân tộc, mô phỏng không gian địa lý truyền thống, thực tế chỉ là đồ dởm, truyền thống giả dối. Những người dân nơi đây mất hết, cắt đứt quá khứ. Họ không thể phát rẫy làm nương, không thể hái lượm hoa quả. Quá trình sống mỗi tộc người, dù từ đầu đến cư trú trên đất nước ta, họ từng có truyền thống hoạt động sản xuất sinh tồn: Bước thứ nhất, hái lượm hoa quả, săn bắn thú rừng, đánh cá, khai thác sản phẩm tự nhiên. Bước thứ hai, thuần dưỡng cây trồng vật nuôi… Bước thứ ba, phát triển kỹ thuật canh tác, sản xuất lúa gạo cây lương thực, nghề phụ từ đơn giản đến tinh xảo. Không gian địa lý tự nhiên ấy là cái nôi, nguồn gốc mọi nguồn gốc sinh ra đạo đức lối sống cộng đồng, văn hoá nghệ thuật. Những làn điệu dân ca Mông Tày Nùng Thái… ra đời mang lại đặc phẩm folklor và chuyên nghiệp. Nghệ thuật folkor phi lịch sử, hỗn đồng chưa xác định rõ từng thể loại, chưa phân biệt nghệ thuật với mục đích cuộc sống. Hát mo then các dân tộc là thể thức folklore đan xen tổng hợp các loại hình nghệ thuật, sinh ra từ hoạt động tâm linh vì cuộc sống, mục đích con người xã hội. Quá trình ấy , trải nhiều thế kỷ hình thành các thể loại ca múa nhạc, diễn xướng dân gian, tiến lên nhiều hình thức nghệ thuật chuyên nghiệp. Không gian địa lý truyền thống sản sinh ra xã hội, văn hoá nghệ thuật, tập tục, kỹ thuật canh tác, đạo đức, lối sống, tinh thần hoà hợp cộng đồng. Không gian xã hội truyền thống, nguồn thực phẩm vô biên gắn liền đời sống văn hoá tâm linh, các dân tộc sẵn có ý thức đời sống tự cung tự cấp. Chợ phiên vùng cao, hoạt động văn hoá tự nhiên, sản phẩm thú rừng, tất cả từ rừng, văn hoá rừng, nghệ thuật rừng. Người phụ nữ thả lưới, bắt cá dưới dòng suối trong, đập cây xác rắn, cây dại có chất gây tê cá say bắt lên mang ra chợ bán. Hái măng rừng, quả củ từ rừng mang theo những điệu hát ru em, làm rẫy, phát nương hoà vào nhịp sống văn hoá truyền thống. Không gian địa lý tự nhiên nguồn sản sinh:
- Phong tục đạo đức lối sống các dân tộc.
- Đạo lý văn hoá ứng xử xã hội cộng đồng.
- Những điệu dân ca, nghệ thuật dân tộc bản địa.
Truyền thống ấy là quê hương, tiếng hát tâm hồn ngàn đời, như người Việt thường hát mãi bài ca quê hương gắn với tình yêu tổ quốc. Không gian địa lý tự nhiên, là không gian văn hoá xã hội truyền thống các dân tộc.
Không gian địa lý hiện đại, do cuộc sống biến đổi đưa đến những khủng hoảng đổ vỡ truyền thống. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, có nhìn về quá khứ mới thấy sự đánh đổi tương lai. Dù đây là xu thế thời đại, xu thế lịch sử thì bảo vệ truyền thống văn hoá các dân tộc phải bảo vệ từ gốc, từ không gian địa lý truyền thống. Những khu dân cư mới, những thành phố mới, dù xưa là nơi đông đúc đồng bào dân tộc cư trú hoang sơ, khác những thành phố dân tộc hiện đại như Điện Biên, Lai châu, Đắc Lắc, PlayCu… Những không gian hiện đại, tạo cấu trúc nhà ở, đường phố Việt hoá, lối sống văn hoá ứng xử việt hoá. Những tập tục dân tộc dần biến khỏi không gian địa lý hiện đại. Những điệu dân ca, dân vũ đang “hiện đại hoá” theo cách trình diễn mới. Nguồn gốc dân tộc bị lai căng giống như ngày nay văn hoá, dân ca Việt đang biến mất mà họ từ hào cho là đã phục hồi truyền thống phát triển mạnh. Những hình thức dân ca Xoan ghẹo, ca trù, quan họ… đang phục hồi theo kiểu hàng nhái tràn đầy các phương tiện truyền thông giống như nền kinh tế thị trường ở nước ta. Ngày nay khó đoán biết đâu là thật, hay giả dối, bởi một nước như nước ta chưa đủ tiêu chí hội nhập nền kinh tế thị trường nhưng các nước lớn cứ công nhận, còn một số nước đủ điều kiện chưa được ai công nhận. Chuyện trọng tài quốc tế đã thế nói gì những chuyện khác. Ngày nay, ta nghe hát nhiều loại dân ca Việt hàng nhái như nền kinh tế: điện thoại Nokia chính hãng, Nokia liên doanh, Nokia Tầu, Đài Loan, Hàn Quốc… Nghe dân ca cũng tuơng tự, chỉ tính dân ca quan họ có: quan họ “ao chuôm”, quan họ làng. Đây là dân ca chính hãng, sau đến quan họ chuyên nghiệp của Trung tâm quan họ Bắc Ninh, các liền anh liền chị nhái hoặc dởm như Thuý Cải, Thuý Hường… đưa lên sân khấu son phấn loè loẹt, học lại nghệ nhân, họ phát triển chuyên nghiệp hoá. Người giỏi nhất như Thuý Cải, Hai Tráng chỉ đạt 90% so với quan họ nghệ nhân trình diễn. Tiếp đến các loại quan họ: quan họ chèo, quan họ đài, quan họ văn công… giống như kinh tế thời mở cửa quá nhiều hàng nhái. Quan họ chèo là những diễn viên chèo hát quan họ, quan họ văn công, các ca sĩ ca mới hát quan họ… quá sai lạc với quan họ nghệ nhân. Sự trơ tráo hơn, các nghệ sĩ hạng sao ngành chèo chuyển qua hát xẩm, diễn ngoài đường phố, bắt chước nghệ thuật Graphiti mà tuyên ngôn là hát xẩm. Hát xẩm đường phố, xẩm dân gian, những người mù hát để ăn xin, những nghệ sĩ chèo hạng sao có mù đâu mà gọi là xẩm. Thời hiện đại, nhiều thanh niên biểu diễn nghệ thuật đường phố, họ muốn biểu hiện mình, tự khẳng định mình như loại tranh tường và nhảy hip hop. Văn hoá Việt (nghệ thuật cổ truyền người kinh) thời nay quá nhiều hàng dởm, cái tưởng thật phải chấp nhận, nhưng cần phân biệt không thể coi quan họ chuyên nghiệp, quan họ chèo, xẩm chèo… là dân ca bản địa cổ truyền, phục hồi truyền thống. Những hình thức biểu diễn dân ca cổ, là phục chế, tái chế như cổ vật bảo tàng không bao giờ có giá trị bằng đồ cổ. Có lẽ nhiều nhà quản lý văn hoá nghệ thuật chưa thấy hết cái không gian xã hội nghệ thuật dân ca folklore, một không gian lý tưởng tạo dựng truyền thống văn hoá các dân tộc. Cái không gian văn hoá nghệ thuật thời hiện đại là sự hỗn đồng, bắt chước folkor. Nghệ thuật folklore hoà đồng vô thức, còn cái hỗn đồng nghệ thuật thời hiện đại tràn đầy ý thức trí tuệ.
Không gian văn hoá cổ bao gồm nơi cư trú địa lý xã hội ngàn đời, sinh ra sản phẩm văn hoá, nghệ thuật giá trị nguyên gốc. Còn không gian văn hoá thời hiện đại, hỗn tạp, phát sinh nhiều hình thái nghệ thuật thực dụng, vụ lợi không gian xã hội hiện đại chỉ tạo ra:
- Lối sống tác phong kỹ nghệ.
- Mô phỏng các hình thái, loại thể nghệ thuật cổ.
- Nghệ thuật hiện đại, hỗn tạp hoà đồng.
Không gian xã hội hiện đại phát sinh vì sự bùng phát nhu cầu khoa học kỹ thuật, những thế hệ xã hội loài người. Thực tiễn nhịp sống xã hội hiện đại đòi hỏi xuất hiện các loại hình nghệ thuật vì con người, sự nuối tiếc quá khứ, nhu cầu hiện tại. Mỗi thời đại tạo dựng lối sống nhu cầu văn hóa xã hội, vì cuộc sống con người.
Không gian xã hội các dân tộc đang diễn ra gay gắt theo hai hướng, bảo tồn và phát triển. Không gian truyền thống ngày càng thu nhỏ, bị xâm hại biến đổi từng giờ. Không gian xã hội hiện đại ngày càng mở rộng đến những nơi hoang sơ nhất mang nhịp sống công nghiệp hiện đại, các dân tộc đang bị đồng hoá. Đồng bào bị đồng hoá đầu tiên về hình thức, hình thức bị phá vỡ. Phá vỡ khu vực địa lý, nơi cư trú, phá vỡ phương tiện giao thông, phá vỡ trang phục… Nhiều phụ nữ Thái vấn tóc cao, báo hiệu tập tục có chồng, nay phải thả xuống đội mũ bảo hiểm… Từ phá vỡ hình thức bên ngoài trang phục, phương tiện đồ dùng… dần tạo thành lối sống mới, văn hoá giao tiếp mới, phá vỡ giá trị bên trong bản sắc văn hoá. Xã hội hiện đại đang đồng hoá, quốc tế hoá các dân tộc, đây là mối hiểm hoạ toàn nhân loại. Nếu không bảo tồn không gian xã hội các dân tộc, trái đất sẽ chỉ còn một tập thể loài người. Nhà nước cần bảo vệ không gian địa lý nguyên sơ các dân tộc, bảo vệ phong tục văn hoá nghệ thuật các dân tộc. Bảo tồn dân ca, bản địa bằng sự khuyến khích các nghệ nhân dạy lại con cháu hát dân ca trên miền đất nương đồi hoang sơ. Phục hồi mọi lệ thức tập tục dân tộc từ sắc phục bên ngoài, bởi hình thức nào sẽ ra đời nội dung ấy. Cần bảo tồn tự nhiên, quyết định nguồn gốc văn hoá nghệ thuật các dân tộc khi chưa muộn, còn hơn vô trách nhiệm./.