Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.010
123.235.719
 
Phượng Hoàng Bay Về Đâu
Vương Hà

Chuyện xảy ra lâu rồi, tính đến nay cũng đã ngót nghét trăm mùa lúa trôi qua. Câu chuyện này có người biết, có người không. Có người còn nhớ, có người quên.

Ngày đó.

 

Đón là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp và có giọng hát hay xiên trời lọt đất. Trai bản ai cũng muốn được cưới Đón làm vợ. Chỉ có người già là không ưng Đón. Không phải tại người già ghen với sắc đẹp thanh xuân của Đón. Mà là họ sợ.

 

Người già kể cho trai bản nghe: Vào ngày Đón được sinh ra, có con phượng hoàng đuôi dài lông đỏ như lửa bay về đậu chầu trên nóc nhà. Mỗi khi Đón bật tiếng khóc thì phượng hoàng lại líu lo hót như dỗ dành, Đón nín thì phượng hoàng lại đậu lặng yên, cứ như thế tận cho đến tối mờ mịt phượng hoàng mới bay đi. Cho nên, Đón sinh ra đã chẳng phải người thường, không là con của mẹ tiên thì cũng là con của mẹ ma. Người nào mà lấy Đón làm vợ, chắc chắn sẽ không thể có được hạnh phúc.

 

Trai bản nghe người già kể vậy thì cười, lắc đầu không tin. Người già trợn tròn hai mắt, chỉ tay lên rừng, thề độc: "Mọi chuyện già kể đều thật không sai. Nếu sai thì già lên rừng bị hổ vồ, xuống suối bị thuồng luồng kéo chân". Đến nước này thì trai bản lè lưỡi tin là thật. Nhưng cho dù nàng đúng là con của mẹ ma đi nữa, thì trai bản cũng vẫn sẵn lòng cưới nàng làm vợ, sẵn lòng chết vì nàng.

 

Thế rồi vẻ đẹp của Đón theo tiếng chim xéng kháo[1] đồn lan ra đến tận ngoài mường lớn. Tạo mường tuy đã có sáu vợ nhưng vẫn muốn cưới Đón làm vợ thiếp. Tạo cũng lờ mờ nghe nói rằng Đón là con của mẹ ma. Nhưng điều này Tạo không sợ. Làm gì có mẹ ma cơ chứ. Mà nếu có, thì Tạo chức cao quyền lớn, chắc chắn mẹ ma còn phải sợ ngược lại.

 

Tạo mường cho người đem vàng bạc vào hỏi Đón làm Nàng Bảy. Bố mẹ, anh em họ hàng nhà Đón vui mừng, cả bản vui mừng. Nhà Tạo rộng nhiều gian, trâu nhà Tạo nhiều đàn, ruộng nhà Tạo lắm thửa, bạc nhà Tạo nhiều hũ;… thiếu nữ ai mà chả mong được làm vợ Tạo. Nay Đón làm vợ Tạo, cho dù chỉ là Nàng Bảy thì cả bản cũng được thơm lây, mừng quá đi thôi.

 

Đám cưới Tạo với Nàng Bảy còn đông vui hơn cả ngày tết đầu năm. Dân bản được Tạo cấp bạc tiền cho phép mổ chín trâu, mười lợn, gà vịt thì tùy. Để chuẩn bị đám cưới, giấy đỏ được bồi dán khắp mọi chỗ mọi nơi: chum rượu; cầu thang; vách; cột nhà;… cả những cây ăn quả mọc ở ngoài vườn cũng được dán bồi giấy đỏ.

 

Đám cưới vui lắm, múa hát thâu đêm suốt sáng, khi Đón đã lên kiệu được rước ra ngoài mường rồi, dân bản vẫn tiếp tục vui uống rượu kéo dài thêm ba ngày nữa.

 

Đón về nhà Tạo làm Nàng Bảy, cứ đêm tối xuống là mặc áo dài chiết eo, hát múa cho Tạo thưởng thức. Đón vừa múa vừa hát, đám xao mổ[2] múa dập dìu xung quanh, ánh nến ánh đuốc hắt lung linh, nom Đón đẹp lộng lẫy.

 

Đi làm dâu ngoài mường, nhớ cha mẹ, thỉnh thoảng Đón lại xin Tạo cho về bản thăm họ. Làm vợ Tạo nên Đón về bản là có cả cụn khỏi[3] đi hầu theo. Dân bản gặp Đón là vái chào lễ phép, gọi Đón là Bà Nàng. Sẵn có tiền bạc Tạo cho, Đón biếu các cụ bà bạc lẻ để các cụ bà mua trầu, mua vỏ. Mọi người nhìn Đón ngưỡng mộ. Trong mường không hiếm gì thiếu nữ xinh đẹp, nhưng mấy ai có phận phúc được làm vợ Tạo, được gọi là Bà Nàng như Đón đâu. Và cứ mỗi lần Đón về bản thăm cha mẹ là dân trong bản lại nghỉ việc ruộng nương, rủ nhau xuống suối bắt cá tươi về làm lạp, làm cỏi[4] tiếp đãi Bà Nàng. Tối xuống là đuốc thắp sáng trưng. Rượu uống suốt thâu đêm. Mọi người vừa ăn uống vừa hát. Người này hát khản giọng lại có người khác hát thay.

 

Bố mẹ Đón trong cuộc vui luôn được mời ngồi lên mâm đầu. Cha mẹ của Bà Nàng, phải được tôn trọng như thế mới phải đạo.

 

Nhưng rồi chẳng được bao lâu, Tạo đã chán nghe Đón hát, bảo Đón hãy đi làm việc bình thường cùng với mọi người. Đón lại đi cấy lúa, làm vườn, chăn lợn, dệt vải,… Ngoài những việc này, Đón còn xuống gầm sàn đứng giã gạo chày chân cùng các Bà Nàng vợ Tạo. Trước đây trên cần cối giã gạo đứng sáu Bà Nàng. Nay, trên cần cối lại có thêm Nàng Bảy. Phải làm việc chân tay thì cũng chẳng sao, vất vả đâu có bằng ngày Đón còn ở bản. Nhưng Đón buồn nhất là cảnh chiếu lạnh giường đơn, làm vợ cũng như không. Tạo dường như quên hẳn Đón rồi. Đón cũng chẳng khác gì những cụn khỏi làm việc ở trong nhà Tạo.

 

Tuy nhiên, thỉnh thoảng Đón vẫn được Tạo cho phép đem theo cụn khỏi về bản thăm cha mẹ. Ở bản, không ai biết đến chuyện cay chuyện đắng của Đón. Gặp Đón, dân bản vẫn lễ phép vái chào, gọi Đón là Bà Nàng, vẫn nhìn Đón bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Đón gượng cười vui. Nào ai biết được rằng Đón đang trong héo ngoài tươi.

 

Trong số các Bà Nàng vợ Tạo, có Nàng Ba làm vợ Tạo đã hai chục năm nay mà không có con. Chắc tại Nàng Ba. Nhưng Nàng Ba rất hay cười. Dường như chuyện không có con chẳng ảnh hưởng gì tới tâm trạng của Nàng Ba. Nàng Ba thân thiết nhất với Đón. Có lẽ vì Đón cũng chưa có con như Nàng Ba.

 

Buồn quá, Đón rủ Nàng Ba cùng ngồi uống rượu suông. Đón làm Nàng em nên là người bưng chén rót rượu. Đón đưa chén nào, Nàng Ba uống cạn chén đó.

 

Đón hỏi:

- Được làm vợ Tạo chị thấy có sướng không?

 

Nàng Ba cười hấc hấc.

- Cái ăn cái mặc thì sướng. Nhưng khổ nỗi chung chồng. Lâu lắm rồi, chị không còn được nằm cùng chung với Tạo.

 

Đón rót thêm rượu.

- Uống đi Nàng Ba ơi! Em đây thân làm Nàng Bảy, còn trẻ đẹp hơn Nàng chị nhiều. Vậy mà Tạo cũng hờ hững như không.

- Ừ! Nàng em xinh tươi thế mà Tạo còn quên, thì chị đây thân trâu già làm sao được Tạo ngó tới.

 

Đón giọng ủ ê:

- Vậy bây giờ phải làm thế nào hả chị?

 

Nàng Ba cười khanh khách.

- Chẳng làm thế nào cả. Cứ ở như thế này cho tới khi già gầy khô như con tắc kè thôi.

Nàng Ba cười như thể đang rất vui, nhưng sao đuôi mắt lại có rưng rưng ngấn nước. Đón đoán, Nàng Ba chắc cũng như mình trong héo ngoài tươi, vui là vui gượng, vui để đánh lừa con mắt của người khác.

 

Đón hỏi:

- Không thể xin Tạo cho trở về bản lấy chồng khác được ư?

 

Nàng Ba lắc đầu.

- Không thể được. Như thế thì còn gì thể diện của nhà Tạo. Đã làm vợ Tạo thì sau này cũng phải chết ở đây làm ma nhà Tạo.

 

Đón buột miệng:

- Hay là chết đi làm ma luôn không cần sống nữa!

 

Nàng Ba gắt:

- Xúi quẩy cái mồm Nàng Bảy nói dại. Sống mới khó, chứ chết thì dễ lắm!

Nàng Ba tiếp tục đưa chén rượu lên miệng. Chén cạn, Nàng Ba giơ chén không ra trước mặt Đón. Rượu lại rót nữa. Uống như thể là nước. Nàng Ba say. Đón say. Nậm rượu cạn đến giọt cuối cùng.

 

*

 

Ôn làm cụn khỏi cho nhà tạo đã được ba năm. Trai tráng khoẻ mạnh nên Ôn được giao việc khiêng kiệu và chăn dắt ngựa. Làm cụn khỏi nhưng Ôn lại giỏi chơi đàn tính tảu. Bởi vậy, những lúc được nghỉ Ôn vẫn thường đệm tính tảu cho mọi người hát. Giọng hát hay sao có thể thiếu được tiếng đàn. Đón bảo Ôn đệm đàn cho mình hát. Dần lâu ngày, Ôn không ngờ rằng mình đã là cái bóng nằm trong đuôi mắt của Đón.

 

Đón tìm cách gặp Ôn ở chỗ vắng, và nói rằng thương Ôn. Ôn hoảng, làm cụn khỏi cho nhà tạo mà dám yêu Bà Nàng là tội chết. Chết lây cả nhà chứ không phải đùa.

 

Nhưng Đón nói:

- Bà Nàng còn không sợ chết, dám đem lòng thương Ôn thì tại sao Ôn phải sợ?

Đón nói cùng với cả cặp mắt long lanh, Ôn nhìn mà ngơ ngẩn. Bà Nàng đẹp quá. Ừ! Ôn sẽ dám chết để đáp lại cái sắc đẹp ấy.

 

Yêu không phải chỉ là nói không. Đón hẹn Ôn bí mật gặp nhau tại chỗ đầu thác nước vào buổi chiều. Ôn hỏi, sao không hẹn vào tối? Đón bảo, vì muốn được yêu dưới trời xanh và ánh sáng, để cho mặt trời cũng được chứng kiến tình yêu của Đón.

 

Chiều. Đón đến chỗ hẹn, phải đi lội qua một bến suối nông, rồi mới xuôi theo dọc bờ trái tới chỗ có ngọn thác. Nước suối trong văn vắt. Núi rất xanh, đổ bóng xuống soi lung linh chìm sau ngấn nước.

 

Đón ngồi trên đầu con thác đợi Ôn.

 

Ôn đến, trên tay cầm một nắm hoa rừng hái vội. Ôn tặng hoa cho Đón. Đón vứt hoa xuống nước. Đón cần gì hoa. Đón chỉ cần Ôn. Hãy ngồi xuống đây, thật gần sát vào Đón, Ôn ơi!

 

Ôn đắm đuối nhìn mắt Đón.

- Mắt Đón đẹp quá, đen và sâu hút như vực nước nơi có Vua Thuồng Luồng làm chủ.

Đón cười bẽn lẽn. Mắt đen đẹp rồi cũng sẽ mờ, liệu tới lúc đó Ôn có còn yêu Đón nữa không?

 

Ôn vuốt ve má Đón.

- Má Đón đẹp quá, ửng hồng tựa như màu cánh hoa phong lan Móng Tay Nàng Ổ.

Đón cười thẹn thùng. Má hồng rồi cũng sẽ phai, liệu đến khi đó Ôn có còn thương Đón nữa không?

 

Ôn nâng niu bàn tay mịn màng của Đón.

- Làn da tay của Đón đẹp quá, trắng muốt như thể nõn chuối rừng mới bóc.

Đón cười ngượng ngùng xấu hổ. Làn da tay trắng mịn rồi cũng sẽ sạm, liệu lúc đó Ôn có còn thích Đón không?

 

Ôn tiếp tục đưa bàn tay xoa bầu ngực mẩy căng của Đón.

- Bầu ngực của Đón thật đẹp, tròn trịa căng nhức như quả tỉnh kình[5] mọc treo trên thân dây leo.

 

 

 

Đón ngất ngây. Chưa bao giờ tai Đón được nghe những lời ngọt ngào đến vậy. Đón thôi cười, đưa tay lên giữ bàn tay Ôn lại ấp chặt trên bầu ngực mình.

- Thôi đừng nói dẻo nói ngọt nữa. Đón cho Ôn cả hai quả tỉnh kình này đấy. Hái lấy đi!

 

Bàn tay Ôn đáp lại những lời của Đón. Hàng cúc bướm trên áo cóm trắng của Đón lơi tuột dần từng chiếc. Hai vầng trăng rằm hiện rõ giữa ban ngày. Ôn nhìn mê miết vào trăng rằm, hơi thở đứt quãng, thầm thì vào tai Đón:

- Ôn nói sai rồi Đón à! Sao lại có thể ngu ngốc đem so trái tỉnh kình mọc trên rừng hoang với bầu ngực tiên nữ đẹp như trăng rằm của Đón cơ chứ.

 

Lời nói ngọt là nước mát được đem đến trong cơn khát. Đón quên cả đất trời, để mặc cho Ôn đỡ người mình ngả nằm xuống cỏ, hai người bện quyện vào nhau, cùng đam mê cuồng nộ; như mây bay; như gió thổi; như lá rơi; như thác gào; như mưa đổ,… tận cho tới lúc mê cuồng trong hai người dịu lại.

 

Vẫn bện bên nhau, nằm gối đầu trên cánh tay Ôn, Đón nói:

- Nếu Ôn thật lòng yêu Đón thì hãy cùng Đón trốn đi thật xa, tới nơi không một người nào biết chúng ta là ai, cho dù hai chúng ta có phải hoá thành Dá Tai Nao[6], thì cũng được ở cùng nhau mãi mãi.

 

Ôn im lặng, bàn tay vừa lỏng lơi giờ tiếp tục vò miết chặt lên bầu ngực trăng rằm của Đón. Bàn tay xoè úp xuống làm con ếch khổng lồ tham lam ăn trăng.[7]

Mặc cho ếch ăn trăng, Đón hỏi Ôn:

- Có dám trốn đi cùng nhau không?

Con ếch tham lam lại vò miết mạnh lên bầu ngực, khiến Đón phải ưỡn người.

- Trốn! - Ôn khẳng định - Ôn hứa sẽ cùng Đón trốn đi thật xa để được sống với nhau.

 

Ôi! Đón đang đợi Ôn nói những lời như thế. Bởi khi yêu, người ta thường chờ mong được nghe những lời hứa. Lửa mê mụ lại tiếp tục bùng lên. Đón và Ôn  lần nữa hoá làm đám mây bay; làm cơn gió thổi; làm chiếc lá rơi; làm con thác gào; làm trận mưa đổ,… tận cho tới lúc mê mụ trong hai người dịu lại.

 

Qua cơn mê mụ, Đón sửa búi lại tóc, miệng hát điệu xai xơng:

"Oi ói…

"Nước nguồn cạn chỉ còn bằng chiếc đĩa mới quên

"Nước sông Đà cạn chỉ còn bằng chiếc đũa mới quên…"

Ôn hát nối theo:

"… Cá bống (biết) nhảy lên đớp sao mới quên

"Cá trắng (biết) nhảy lên đớp mây mới quên…"[8]

Hai người nhìn nhau. Đón hỏi:

- Hát như thế có phải là thề không?

Giọng Ôn ngọt ngào:

- Ừ, thề đấy! Thề đừng quên nhau Đón ơi!

 

Đón mơ màng. Câu hát xai xơng nói hộ tất cả rồi. Đã yêu là yêu mãnh liệt, yêu không thể quên nhau, yêu khiến cho núi phải sập, đá phải lở, suối phải chuyển dòng đúng không Ôn?

Nhưng Ôn không nghe thấy gì cả. Hồn vía Ôn lúc này đang lang thang trên mây trên gió, vừa thích vừa sợ. Ôi, thật không ngờ, người đang trong vòng tay của Ôn lại là Bà Nàng…

Quen hơi, Đón và Ôn lại tiếp tục bí mật hẹn gặp tại thác nước để yêu nhau. Vừa gặp mặt, Đón đã nhắc lại câu hỏi lần trước:

- Có dám trốn đi cùng nhau không?

- Dám chứ! - Ôn nói quả quyết.

Đúng, phải như thế chứ, Ôn ơi! Đón hân hoan, mơ mộng đến một vùng đất xanh có ngôi nhà nhỏ mà Đón và Ôn cùng nhau sống ở trong đó. Đón nghĩ: Chắc chắn ở đó Đón và Ôn sống sẽ rất hạnh phúc. Vì yêu, Đón sẵn lòng đánh đổi tất cả. Địa vị Bà Nàng đối với Đón chỉ là bọt nước, tan đi không tiếc, mất đi không hối hận, Ôn à!

 

Thế rồi, như lần trước Đón và Ôn lại bện quyện vào nhau, hối hả hoà vào nhau trong cơn mê mụ.

 

Lần này, tan cơn mê mụ, Đón cắn mạnh hằn vết răng vào cổ tay Ôn và nói:

- Hãy nhớ thật kỹ nhé. Sáng ngày mai hẹn gặp tại chỗ này. Hai ta cùng đi!

 

*

 

Buổi sáng. Sương đọng còn chưa kịp bốc hơi hết bay lên trời trở lại làm mây.

 

Đón một mình lội qua bến suối nông, tiếp tục đi xuôi dọc theo bờ trái tới chỗ ngọn thác nơi hai người hẹn gặp. Dòng nước mọi hôm trong văn vắt sao hôm nay bỗng dưng vần đục.

Điềm gở chăng?

 

Đón đã đi đến chỗ thác reo. Đón đợi Ôn tới rồi hai người sẽ cùng đưa nhau đi thật xa, tìm nơi yên ả dành cho những người yêu nhau. Đón ngồi trên đầu con thác chờ Ôn. Sóng nước trước mặt lớp lớp rờn trôi. Núi vẫn rất xanh nhưng không còn soi được bóng xuống dưới làn nước đục. Đón nhìn sóng nước trôi rất lâu. Lâu đến nỗi Đón hoa mắt nhìn dòng nước thấy như trôi ngược lại, con suối trở nên rộng như không có bờ. Đón thôi nhìn nước trôi, mà nóng ruột nhìn về phía lối mòn sẽ dẫn Ôn xuất hiện. Sao Ôn chưa tới? Ở gần ngay cạnh chỗ Đón ngồi, tự dưng có một tảng đất lở vô tình.

 

Điềm xấu chăng?

 

Không thấy Ôn đến, Đón định trở về nhưng gấu váy cứ như thể muốn níu giữ lại bàn chân. Đón đã yêu nhầm người, đặt niềm tin vào nhầm người rồi. Cũng chỉ tại Đón cả thôi, yêu không nhìn trước ngó sau, yêu mê muội, yêu bền như rễ cây bám chặt vào đất, để rồi thân phải mang khổ.

 

Ôn không đến. Vậy Đón sẽ đi một mình, không quay về nhà Tạo nữa. Sóng nước rì rào thôi miên. Nước chỗ này sâu lắm. Đón gieo mình xuống suối, nước cuồn cuộn chảy, cuốn Đón trôi theo rơi như hòn đá chìm xuống dưới đáy thác.

 

Tạo mường sai rất nhiều người đi tìm, nhưng không hề tìm ra được tung tích của Đón. Ba ngày sau, có con phượng hoàng bay về đậu trên đỉnh nóc nhà Tạo. Bộ lông đỏ của phượng hoàng nom rực lửa như muốn thiêu đốt cháy tất cả xung quanh. Sau những phút đậu yên lặng, chim ngửa cổ hót than ai oán mấy tiếng rồi vỗ cánh bay đi./.

 



                [1] Xéng kháo: Là một loài chim mà người Thái cho rằng tiếng hót của nó chỉ có đem tới điềm xấu, điều bất hạnh.

                [2] Thiếu nữ ở trong đội múa thì được gọi là xao mổ.

                [3] Cụn khỏi:  Là người ở giúp việc cho các gia đình nhà giàu, nhà quan tạo.

                [4] Lạpcỏi là hai món ăn thông thường của người Thái. Cá cỏi (pa cỏi) là món thịt cá sống thái mỏng, trộn chua cùng với các loại rau gia vị và hạt tiêu rừng (mák khén). Còn món cá lạp (pa lạp) là món nạc cá một nửa để sống, một nửa chín (nướng) được băm nhuyễn, rồi đem trộn cùng với mák thố náu (mắm đậu tương hạt), mák khén và các loại rau gia vị.

                [5] Tỉnh kình: Là thứ quả mọc trên thân dây, to cỡ bằng quả bưởi. Bổ ra, trong mỗi quả có từ 6 - 8 múi hạt, nhân hạt đem nướng hoặc luộc lên ăn rất bùi và ngậy.

                [6] Người Thái vùng Mường Xo có một truyền thuyết kể về đôi trai gái yêu nhau nhưng không được phép lấy nhau. Họ rủ nhau cùng bỏ trốn. Họ đi mãi để lên núi Cổ Rồng (Núi Hoàng Liên Sơn). Đi cho tới tận khi già, rồi ôm nhau chết trong giá lạnh. Sau đó thi thể của hai người hoá đá, được gọi là Dá Tai Nao (Già chết rét).

                [7] Theo quan niệm tín ngưỡng của người Thái thì, hiện tượng nguyệt thực xảy ra là do có con ếch thần khổng lồ ăn mặt trăng (cốp kin bơn).

                [8] Lời trong bài hát cảu chí lựm, xíp chí lựm của người Thái.

Vương Hà
Số lần đọc: 1467
Ngày đăng: 03.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kêu ai - Lê Văn Thiện
Freud Lắc Đầu - Tiêu Đình
Tượng Than - Kinh Dương Vương
Một kết cục vui vẻ - Phạm Phương
Tuyệt Tình Ca - Quý Thể
Kẻ đội mồ - Lưu Thuỷ Hương
Đại Bất Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Bùi Hoằng Vị
Vện Và Ba Nhà Hàng Xóm - Vũ Ngọc Tiến
Đã Tạnh Mưa Chưa? - Đặng Kim Côn
Người Đàn Bà Điên Trong Nghĩa Trang - Kinh Dương Vương
Cùng một tác giả
Kẻ Cầu Mưa (truyện ngắn)
Ám Ảnh Đất (truyện ngắn)
Cỏ Hát Tìm Nhau (truyện ngắn)
Đêm Sương Trôi Rơi (truyện ngắn)
Hoa Núi Biên Thùy (truyện ngắn)