Nhà văn Khuất Đẩu viết về Trương Thìn nghệ sĩ thật tha thiết, khi nghe ông và ca sĩ hát những ca khúc phổ thơ của Hàn Mạc Tử trong vô-vàn-ấn-tượng-trăng.
Có khi Trăng của Hàn còn là tiếng rên xiết, là đau đớn tìm quên, là sáng tạo, là ước vọng, là tự do, là vượt thoát của cá nhân và con người. Tiếng thơ trăng của Hàn không dừng lại bên trăng mà là tiếng xích dịu êm loãng xoãng trong đau đớn xót xa. Hàn đã dùng hình tượng trăng như một cớ sự nhằm nguôi đi sự ngu xuẩn đớn hèn của con người trong một giai đoạn lịch sử. Ngay từ thời trẻ, Hàn đã thao thức vì quê hương đất nước và trăng quê hương của anh cũng chính là cái đất nước khốn khổ của mình.
Nguyễn Hoà vcv
Giữa cái nóng tháng sáu, nóng của đất trời và nóng của lòng người vì sự hỗn xược của đám con cháu Tào Tháo ở biển Đông, tại cà phê Bros gần dinh thái thú, bác sĩ Trương Thìn đã cho ra mắt tập nhạc tuyển những ca khúc phổ thơ của Hàn Mạc Tử và Bích Khê.
Mượn thơ Nguyên Sa, tôi muốn nói, nắng Sài Gòn tôi đi mà chợt mát/bỡi vì nghe trăng hát ngập lòng tôi.
Trương Thìn hát và Nguyễn Tuấn Khanh đệm đàn
Trăng hát, đó là điệu thức huyền diệu nghe ra từ trái tim rướm máu của thi sĩ. ( Năm 1940 Hàn Mạc Tử mất cũng là năm Trương Thìn chào đời. Một sự tái sinh chăng?)
Đàn ơi
Hãy lắng nghe trăng
Hãy lắng nghe
Trăng!
Trăng của Hàn Mạc Tử là nường trăng đang nằm sóng soãi trên cành liễu/ đợi gió đông về để lả lơi. Rồi nường trăng trần truồng tắm dưới đáy khe. Trăng như thế mà không “chơi”, không “ngủ” với trăng thì sao phải giống nòi tình. Cho dù có phải tội thì chàng cũng xin chắp tay tôi lạy cả miền không gian!
Hai ngàn năm trước, Lý Bạch ôm trăng mà chết, thực ra là thi vị hóa hay vì quá yêu mà tô vẽ cho cái chết vì say rượu chứ không phải say trăng. Chỉ có Hàn Mạc Tử mới thực là người say trăng, diên trăng và hạnh phước được chết vì trăng.
Hơn 70 năm sau khi thi sĩ mất, một người có thể gắn thêm nhiều từ sĩ, như thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ ngoài hai tiếng bác sĩ chính danh, Trương Thìn đã vì quá yêu Hàn Mạc Tử theo cách riêng của mình mà thay chàng cất lên tiếng hát của trăng.
Ngoài tài ghi được những âm điệu huyền bí của Hàn trong những câu thơ dữ dội nhất như ô kìa chị nguyệt trần truồng tắm/lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ sáng dậy điên cuồng mửa máu ra! bác sĩ họ Trương còn cho ta nghe qua chính giọng hát của mình, một giọng hát của trăng 30!
Giọng hát của trăng 30 là giọng hát thế nào?
Xin thưa đó là giọng hát của một người sắp bước vào cõi Trời Quên. Một giọng hát mong manh như một sợi khói. Một giọng hát hổn hển như lời của nước mây. Nhưng là một giọng hát đẹp nếu không muốn nói là tuyệt đẹp.
Anh cũng như trăng 30. Người xưa gọi là đêm nguyệt tận. Trăng lên không ai thấy, trăng lặn không ai hay. Một vệt mờ hư ảo ở đường chân trời. Trên lưng biển tím thẩm mông mênh hay trên những ngực cát trinh nguyên ở sa mạc. Rồi trăng tan trong ánh bình minh. Cái phút giây mà anh hiển hiện dưới ánh sáng màu hồng ở cà phê Bros, chính là những sát na trăng hiển hiện ở những nơi hoang vu trên mặt đất. Ta tưởng chừng trăng tan trong ánh vàng của một ngày rực rỡ, nhưng trăng không mất, trăng vẫn còn đi cho hết một vòng đời để rồi tái sinh thành trăng mồng một, mồng hai…
Nữ nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý, nhỏ hơn Trương Thìn đến hai thế hệ, trong những lời ca chênh vênh của cô, có một câu làm tôi giật mình: Yêu trăng 30! Tuổi trẻ mà tinh tế biết nhường nào. Xin mượn câu hát trên gởi đến anh, một giọng hát của trăng 30, để thay cho lời chào của một người đồng tộc, đồng niên và cũng có thể là đồng cảm nên đã lặn lội từ một miền quê dưới chân hòn Vọng Phu vào đây để nghe Trăng hát.
02/7/2011