Với nghệ thuật, ta không thể lấy số lượng tác phẩm để định giá tài năng của một tác giả. Điều này càng đúng đối với thi ca. Thế nên ông Giả Đảo đời Đường đã từng giãi bày thật thấm thía: Nhị cú tam niên đắc – Nhất ngâm song lệ lưu ([1]). Nghĩ đến đây tôi lại nhớ đến tập thơ Cây nội ô, kết tinh thơ của nhà thơ Tăng Hữu Thơ trong mấy chục năm cầm bút.
Lần giỡ từng trang thơ, điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy đó những cảm xúc của những khoảnh khắc đời thường - những điều tưởng chừng hết sức giản dị mà nếu như sống hời hợt ta có thể rất dễ dàng bỏ qua - đã được nhà thơ chia sẻ giải bày bằng những vần thơ trĩu nặng những tâm tình hoài niệm, những trãi nghiệm, những suy tư.
Mở đầu tập thơ là bài thơ Cây nội ô, một bài thơ hay viết về thị xã Trà Vinh mến yêu. Khi tiếp cận bài thơ, cái làm cho người đọc nhớ nhiều tuyệt nhiên không phải ở lối đặt câu đặt chữ tân kì mà chính là qua đó ta hiểu được "chất trầm" của một con người có khát vọng hiến dâng cho cuộc sống những gì đẹp nhất của cuộc đời mình bằng một giọng thơ rất nhỏ, rất nhẹ, mà đầm sâu:
Trăm tuổi cây tuổi phố
Mấy thăng trầm bể dâu
Mùa trôi qua thớ gỗ
Chở hương đời đi đâu
......
Nét trầm tư rạng rỡ
Mái đình cong dáng tiên
Hoa vàng bay bỡ ngỡ
Gửi hương xa trăm miền
Trong tập thơ này ta thấy thấp thoáng hình ảnh một người thơ luôn đắm mình trong vẻ đẹp mĩ lệ của quê hương của đất nước. Tăng Hữu Thơ đã tạo dựng hình ảnh quê hương bằng thứ ngôn từ đẹp, giàu chất tạo hình.
Bóng cổ thụ ôm vai chiều cổ tích
Ngực ao thơm rạo rực búp sen hồng
Đêm viên mãn Hằng Nga say yến tiệc
Nghiêng li ngà rượu rót ngợp ao trong
(Một thoáng Ao Vuông)
Có vẻ như đứng trước vẻ đẹp của quê hương, ông không bao giờ dè sẻn ngôn từ. Một không khí đậm màu huyền thoại được tái hiện. Nhà thơ thổi hồn vào cảnh vật để làm dậy lên sức sống của Ao Vuông, hư và thực, đất và trời như hòa vào nhau trong đêm hội.
Những địa danh gợi nhớ gợi thương trên mảnh đất Trà Vinh quê hương cũng đã đi vào thơ ông thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Đọc bài thơ Với Cầu Ngang tôi không khỏi xúc động khi những tên đất Bông Ven, Chông Bát, Thốt Nốt quyện chặt cùng với tình người để người thơ dậy lên những suy tư triết lí với một tâm hồn đầy say mê:
" Chân chửa chạm mặt đường, chân đã mê bước tới
Người chưa tỏ mặt người, hồn đã vang tiếng gọi"
Rồi với một Mùa Tân Qui, một Phố Biển…Tăng Hữu Thơ đã cho cúng ta một cái nhìn mới, một cảm nhận mới với những gì mà chúng ta ngở như là rất quen thuộc để từ đó chúng ta càng thêm yêu, thêm gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn. Đọc Chiều Làng Cá, chúng ta sẽ bắt gặp những liên tưởng thật độc đáo:
Chiều làng cá chứa chan màu huyền thoại
Mùi cá tươi vón đặc cả không gian
Tiếng cười nói tiếng bàn chân bước vội
Hợp tấu vui bay vút tới cung Hàn
Tôi thích thú với câu thơ "Mùi cá tươi vón đặc cả không gian". Câu thơ tạo dựng được cái không khí lao động của ngư dân, sự trù phú của sản vật quê hương. Chữ "vón đặc" là nhãn tự. Hai chữ giản dị nhưng đã gợi được không khí, mùi vị, hình khối. Nhờ vậy mà câu thơ đầy chất tạo hình và giàu sức gợi.
Không những say với vẻ đẹp của quê hương, vẻ đẹp của những vùng quê đi qua luôn mời gọi để lại trong ông những vần thơ đẹp. Đọc thơ ông ta sẽ bắt gặp một Hà Tiên "nồng nàn nắng gió" (Gặp Hà Tiên), một Hà Nội với hoa sữa thơm nồng, chiều Cổ Ngư lộng gió, với một chút lãng đãng của Hồ Gươm, Tây Hồ (Điệp khúc mùa thu) hay một "Sông Hương chảy – chảy đầm đầm trong tôi" (Sông Hương)…còn nhiều và nhiều nữa. Mỗi nơi đi qua, mỗi nơi đều được nhà thơ lưu giữ lại bao luyến nhớ, bao vấn vương :"Thu đi – thu còn trở lại - Xa em- xa đến bao giờ" (Điệp khúc mùa thu).
Bên cạnh những vần thơ ca ngợi quê hương, Tăng Hữu Thơ còn có những bài thơ đằm sâu những nỗi niềm trước những tan thương, mất mát. Trước cơn biến động của thiên nhiên những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những trẻ thơ thiếu vòng tay cha dìu đỡ được khắc họa thật cảm động trong thơ ông:
Bao nhiêu bà mẹ mất con
Bao nhiêu người vợ héo hon mất chồng
Mắt buồn lệ chảy thành sông
Bao nhiêu đứa trẻ thiếu vòng tay cha
(Gửi Cà Mau)
Cơn cuồng nộ của đất trời đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đọng lại để tác giả đau đáu một nỗi niềm: "Lòng tôi giông bão ngậm ngùi khôn tan".
Đọc Cây nội ô chúng ta sẽ bắt gặp nhiều con người thơ trong ấy. Có khi đó là một khách hải hồ say sưa với những miền đất lạ để rồi khi ra đi lòng lại xiết bao vấn vương, luyến nhớ; có khi ta lại bắt gặp một con người suy tư trước nỗi đau của thế nhân "Nâng chén rượu thầm gọi người khuất mặt" (Sau cơn bão), có khi lại là một người thơ với nụ cười đằm thắm, ý vị nhưng lại rất đỗi tinh nghịch:
Em đừng mặc áo bà ba
Lỡ trời trở gió làm ta rối lòng
Nghìn vàng cái dáng lưng ong
Trốt nâng vạt áo rối lòng người ta
Em đừng mặc áo bà ba
Đừng may cổ trễ, đường tà đừng cao
Lời đồn: "mắt sắc hơn dao"
Chỉ e tia chớp chạm vào rát da
Em đừng mặt áo bà ba
Dầm mưa ướt áo người ta trầm trồ
Trời còn mưa mãi lâu khô
Bao nhiêu hồn vía nhập vô…Thôi đừng.
Một bài thơ hay! Thú vị. Hay ở tứ thơ, thú vị ở ngôn từ thơ, thứ ngôn từ giản dị mà điêu luyện. Một bài thơ có màu sắc nhục thể nhưng lại gợi trong lòng người đọc sự thăng hoa của những cảm xúc đẹp. Phóng khoáng nhưng không buông tuồng, phơi phới nét thanh tân hòa quyện trong cái duyên của sự dịu dàng đầm thắm.
Thơ của Tăng Hữu Thơ mang đến những xúc cảm đẹp trong lòng người đọc không phải bởi những biến tấu, những cách tân của ngôn từ cũng như của thi pháp thơ mà bằng sự dung dị, gần gũi. Đó là thứ thơ mọc lên từ mảnh đất mở màng của văn hóa dân gian. Thơ ông cũng dung dị như con người ông vậy.
Chú thích
([1]) Ba năm nghĩ được đôi câu – ngâm lên một tiếng lệ sầu chứa chan