Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.144.556
 
Chai & Lọ & Vài Thứ Linh Tinh Khác
Nguyễn Viện

1.

Hắn vuông. Ở cạnh vuông phía trên, cái đầu tròn như một cái núm. Bốn góc, tay chân mọc ra trông như mấy cái đuôi diều. Hắn bảo hắn bay được. Nhưng trong thực tế, việc di chuyển của hắn giống như một con cua. Mà không phải lúc nào hắn cũng đi được. Thường thì người ta vẫn túm đầu hắn như cầm một cái núm và bốc hắn bỏ vào một chỗ nào đó. Hắn vẫn quả quyết rằng hắn bay được. Hắn giải thích, khi người ta nắm đầu hắn quẳng vào một chỗ nào đó, chẳng phải là chân hắn không còn chạm mặt đất sao? Mà chân không còn chạm mặt đất, không phải bay thì là gì?

 

Tuy nhiên, việc bay hay bị quăng ném đối với hắn cũng không có ý nghĩa gì lắm. Hắn bảo vấn đề là cảm giác. Mà cảm giác của hắn khi bị đè mới là tuyệt vời. Cái hình vuông của hắn lúc ấy bẹp xuống nhưng cảm giác lại bị căng hết cỡ. Sự khác thường đó hắn gọi là một nhục cảm thiêng liêng. Ngày nào hắn không bị đè, hắn bảo ngày đó không đáng sống.

 

Những người biết hắn đều cho rằng hắn nửa này nửa kia, nghĩa là không phải chai cũng không phải lọ.

 

2.

Thế nào mới là chai?

Về hình dáng, chai phải dài hoặc cao, có cổ và miệng thì nhỏ.

Ngược lại, lọ phải to ngang hoặc thấp, không có cổ nhưng miệng lại rộng.

Cái chai thì có thể đút vào cái lọ. Việc cái này đút vào cái kia, người ta gọi là sự sắp xếp. Vậy thì làm thế nào có thể đút cái hình vuông vào cái hình tam giác khi có nhu cầu?

 

Ở xứ sở của hắn, có một câu tục ngữ: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cho nên việc hắn là chai hay lọ không thành vấn đề, mà điều quan trọng chính là đút một cái hình vuông vào trong một cái hình tam giác như thế nào, nó có phải là một nan đề toán học hoặc vật lý hay không? Hoặc nó thuộc phạm trù triết học hay thần học?

 

Thật ra đối với hắn, chỉ cần nghĩ rằng sẽ chui vào cái hình tam giác, tức thì hắn sẽ có cảm giác ở trong hình tam giác. Thậm chí hắn vẫn luôn luôn ở trong hình tam giác mà hoàn toàn không ý thức được cái sự thể bao bọc mình là gì.

 

3.

Hắn hình vuông. Ở cạnh phía dưới, hắn có đến hai cái chai để xả nước. Thật đáng tự hào, trong lúc mỗi người chỉ có một cái chai. Hai cái chai thì có thể đút vào cái lọ cùng lúc được không? Tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào cái lọ cỡ nào. Hắn bảo chân trong chân ngoài là một hiện tượng phổ biến nơi xứ sở hắn. Cho nên việc sắp xếp để một cái chai bên trong, một cái chai bên ngoài không hề tạo ra một trở ngại nào trong cảm nghĩ của hắn về cuộc sống. Bởi cuộc sống luôn luôn được chấp nhận trong sự bất toàn của nó. Tuy nhiên, hắn chỉ nghĩ đến hắn mà không hề nghĩ đến cái lọ cảm thấy thế nào về sự thừa thãi đó.

 

4.

Cô là một cái lọ hình tròn, mặc dù miệng lọ là một hình tam giác. Cảm giác của cô lúc nào cũng no đầy. Chỉ số về hạnh phúc trong xứ sở cô được xếp hạng vào loại nhất thế giới. Vì thế việc hắn chỉ đút một cái chai vào trong cái lọ của cô không làm cô cảm thấy thiếu. Cô bảo có thằng nào ở xứ sở này mà không đi hai hàng. Tuy như thế thì không được gọn gàng lắm, nhưng cô lại cho rằng bằng chứng về một cái đuôi của con người thì không nên xóa bỏ, cứ để nó ngọ nguậy bên ngòai thênh thang cho có vẻ tự do. Cũng theo cô, về mặt triết học hay thần học thì làm quái gì có tự do. Nhưng một cảm giác về tự do dù chỉ là sự ngụy tín tự phỉnh cũng làm cho người ta bớt ngạt thở.

Một chai trong lọ, một chai ngoài lọ là một tình thế khốn nạn nhất của tính lưu đày tồn tại. Nhưng không một ai cần biết điều đó. Đôi khi để an ủi cái chai ngoài lọ, cô lấy tay cầm nó vừa vung vẩy vừa hát: “Đời người ai cũng có một cái đuôi…”

 

5.

Vuông và tròn vốn là một biểu tượng của sự tốt đẹp nhị nguyên. Nhưng cô và hắn đi bên cạnh nhau lại là một xô lệch lớn. Trong khi cô tỏ ra uyển chuyển bao nhiêu thì hắn lại khúc khuỷu gập ghềnh bấy nhiêu. Mặc dù xét về mặt hình học, hình vuông ở bên ngoài hay bên trong hình tròn đều mang ý nghĩa của sự trọn vẹn. Cô bảo, hắn thường làm cô đau vì những góc cạnh của hắn. Cô không phân biệt được sự thô kệch với phẩm chất của cá tính. Thật ra, cô lầm lẫn trong những trạng huống khác nhau của mối tương quan giữa cô và hắn.

 

Nếu hình tròn nằm trong hình vuông, mọi thứ sẽ trơn tuột như quan hệ của thú vật.

Nếu hình vuông nằm trong hình tròn, sự va chạm giữa những khác biệt đó sẽ là tình yêu con người, nhưng con người luôn tìm cách chối từ những phẩm chất của mình. Vì thế, tính biểu tượng trở nên quan trọng hơn sự thật và đáng nói hơn sự thật.  

 

6.

Vấn đề lớn lao nhất giữa cô và hắn không phải là vuông hay tròn, mà chính là cái miệng hình tam giác.

Một cái miệng tiện dụng.

Khi nghiêng về bất cứ phía nào, ba góc của cái miệng hình tam giác đều có khả năng đáp ứng cho những tình huống khác nhau để dốc nước ra. Kiểu nào cũng sướng, cô bảo thế. Nhưng hắn lại bảo như thế thì mất quan điểm lập trường.

Không thể bịt kín được những khoảng hở do sự khác biệt tạo ra, sự rối rắm luôn phát sinh những điều phiền toái, chẳng hạn những tiếng kêu bọp bẹp như ếch nhái giữa cơn mưa. Nó lạc điệu với thần hứng tái tạo lịch sử.

 

7.

Lịch sử là trò bóp nặn sự thật. Trong tất cả những sự sắp xếp để tạo ra sự ngăn nắp và thông thoáng giữa các loại hình, thì cái miệng hình tam giác dường như luôn là nguyên nhân của những tình trạng phức tạp và nhạy cảm.

 

Một hôm cô bảo: “Không phải cái tam giác nào cũng giống nhau”.

Hắn nói: “Nhưng những cái tam giác để bên cạnh nhau sẽ rất gọn và ổn”.

Cô bảo: “Và nó sẽ tạo ra một mặt phẳng vô nghĩa”.

Hắn nói: “Không có gì vô nghĩa”.

Cô bảo: “Thế thì anh hãy đi tìm những cái hình vuông và xếp chúng lại với nhau. Anh sẽ tìm được sự tốt đẹp đấy”.

Hắn nói: “Không thể dẹp bỏ những cái chai vào trong chính nó được”.

Cô bảo: “Không hề gì, nếu những cái chai tự biết thu xếp giống như một quả bóng xì hơi”.

Hắn nói: “Cái chai không là một quả bóng. Một cái chai chỉ có thể nằm trong cái lọ”.

 

Họ không cãi nhau nữa. Thay vào đó, họ thực hành việc bỏ cái chai vào trong cái lọ. Nhưng miệng lọ lại có hình tam giác, vì thế trong lúc xoay sở cho thần hứng tái tạo lịch sử và cho lịch sử có sự tươm tất, chẳng may cái chai bị vỡ bởi đường gấp bất ngờ của góc hình tam giác. Những mảnh vỡ đó sau được gọi là lịch sử bởi sự tồn tại đích thực của nó. Còn chính lịch sử chỉ là sự phiền phức hay nhạy cảm mà tất cả các bên liên quan đều không ghi chép vào trong ký ức của mình./.

 

7.7.2011 

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2032
Ngày đăng: 08.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây đào quỳ ở Tân Cương - Đặng Quang Tình
Quán vắng - Lê Văn Thiện
Sanh ra trên tấm thớt - Lưu Thuỷ Hương
Trong Cõi U Minh - Dương Nghiễm Mậu
Kẻ tự vẫn - Lưu Thuỷ Hương
Phượng Hoàng Bay Về Đâu - Vương Hà
Giang Hồ - Hà Thúc Sinh
Kêu ai - Lê Văn Thiện
Freud Lắc Đầu - Tiêu Đình
Tượng Than - Kinh Dương Vương
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)