Khi viết về Michel Foucault (1926-1984) người ta thường gặp khó khăn trong việc quyết định nên xếp ông vào ngành khoa học nào, vì tư duy của ông liên ngành, lấy khởi điểm từ rất nhiều ngành khác nhau và cũng mở đường cho rất nhiều ngành khác nhau trong phạm vi các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Bản thân ông từng là khoa trưởng của một ngành học được mở riêng cho ông tại Collège de France là Lịch sử các hệ thống tư duy. Thế nhưng ông đả phá lịch sử từ ngay những dòng đầu tiên trong tác phẩm làm nên tên tuổi và chứa đựng những tư tưởng cơ bản nhất của mình, là Khảo cổ kiến thức (L’archéologie du savoir) xuất bản năm 1969, nhấn mạnh đến việc sử dụng phương pháp tái dựng của khảo cổ trong nghiên cứu các biện chứng của tư duy.
Sử gia chuyên ngành xã hội học người Ba Lan Jerzy Szacki đánh giá Foucault là một trong số các triết gia độc đáo và nhiều ảnh hưởng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20. Tư tưởng của Foucault đã giúp Stuart Hall mở ngành Nghiên cứu văn hóa (Cultural studies) ảnh hưởng rộng ở Anh, cũng như tác động mạnh vào ngành địa lý chính trị làm thay đổi toàn bộ các góc nhìn truyền thống ở Hoa Kỳ, và tiếp tục là bộ môn nhân học đô thị hay không gian. Bản thân Foucault trong phần mở đầu công trình Khảo cổ kiến thức kêu gọi người đọc “đừng hỏi tôi là ai, cũng đừng yêu cầu tôi ở yên một vị trí”. Đầu thập niên 1950 ông là đảng viên đảng cộng sản Pháp. Trong thời gian sang Ba Lan làm giám đốc Trung tâm Pháp cuối thập niên 1950, ông gặp rắc rối với hệ thống an ninh cộng sản và phải chuyển về Đức sau một vụ việc liên quan đến đồng tính luyến ái, vấn đề cũng được nhắc nhiều trong thời gian ông giảng dạy ở UC Berkeley ở Mỹ đầu thập niên 1970. Căn bệnh liên quan đến HIV/AIDS cũng gây ra cái chết của ông vào năm 1984.
Foucault không phân chia giữa kiến thức khoa học và kiến thức có được từ cuộc sống đời thường và khảo sát chung một không gian tư duy – epistemology. Chính vì vậy mà ông xây dựng lý thuyết cơ bản cho khái niệm trao đổi (discourse), và khảo sát các luận bàn đó bằng phương pháp hoàn toàn khác với phương pháp lịch sử theo cách hiểu của Hegel, mà ông đặt tên là khảo cổ. Không đi theo ý mà cuộc trao đổi đó tạo ra, không đặt các câu hỏi mà sử gia thường hỏi, mà quan tâm đến các nguyên tắc chi phối cuộc trao đổi đó. Không quan tâm đến chủ thể đang trao đổi, mà chú ý đến quá trình thực hiện việc trao đổi đó. Mà như vậy thì kiến thức phụ thuộc vào quyền lực, sự thật được tạo ra trong khuôn khổ hệ thống quyền lực, mang nghĩa văn hóa hơn là thể chế chính trị. Trong hệ thống quyền lực đó luôn xuất tồn tại nhóm người bị loại trừ, với nhiều mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có việc không được tham gia quá trình trao đổi và tạo ra biểu tượng.