Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.155.131
 
Đứt Ruột
Nguyên Minh

Nghỉ là không còn viết gì về T. nữa sau khi được tin từ Trần Hoài Thư ở Mỹ cho hay T. đã tái giá và sống rất hạnh phúc bên cạnh người chồng mới. Điều này từ lâu tôi muốn T. được yên bề gia thế với tuổi già sắp đến. Tôi cũng đã cắt đứt liên lạc với T. qua email. Tôi muốn T. không bận lòng về tôi. Và, ngược lại.

 

Nhưng, hôm nay thì khác. Một chuyến du lịch với các bạn đã từng là cựu học sinh Quốc học trên 50 năm về trước; cùng đi có thêm thầy cô năm xưa. Thầy Hồng Giũ Lưu, cô Diệu Trang. Vợ chồng Bác sĩ Thân Trọng Minh, Thanh Hằng. Vợ chồng Tiến sĩ Luật sư Trần Anh Tuấn, Hồ Thị Mộng Loan. Vợ chồng Kịch tác gia Sâm Thương, Lâm Ngọc Bích. Riêng tôi. Nguyên Minh. Nhà văn. Chỉ một mình. Lên cao nguyên. Buôn Mê Thuột.

                              

Chiếc xe 16 chỗ ngồi, đời mới, máy lạnh, thong dong trên quốc lộ. Mọi người vui vẻ nói chuyện huyên thuyên. Trần Anh Tuấn bô bô cho biết lịch trình chuyến đi. Mộng Loan nhắc đến bài viết của tôi về chuyến đi thăm cô giáo cũ Giáng Châu, có đọan viết về T. Mộng Loan là người quen biết T. qua cô em gái ở Mỹ. Mộng Loan nói có gởi bài đó qua cho T. Còn tôi thì không. Bài đăng trên TQBT số 45. Trong một email của THT cho biết T. gọi điện thoại qua nhờ chị Yến gởi cho T. số báo đó. THT đã đáp ứng. Thư trước đã lâu, vài tháng, THT cho hay T. đã tái giá và sống rất hạnh phúc. Tôi buồn nhưng sau đó lòng tôi thanh thản, không còn ray rứt về một mối tình xưa đó nữa. Tôi hứa với mình sẽ không bao giờ viết về T. nữa. Nhưng, hôm nay, vô tình Mộng Loan báo cho tôi biết những bất hạnh mà T. vừa gặp phải về cuộc hôn nhân muộn màng đó. Tôi điếng người. Suốt thời gian trên Buôn Mê Thuột, hai ngày, tôi ngậm câm. Tôi không biết tin nào trước tin nào sau. Của Mộng Loan, tôi buồn. Của Trần Hoài Thư, tôi vui.

 

*

 

Chuyến đi lên Cao nguyên đã được chuẩn bị từ lâu, đến lúc lên xe tôi cũng chưa biết được mình sẽ ở tại khách sạn nào, Trần Anh Tuấn cho biết từ Sài Gòn con gái anh đã lấy phòng trước cho chúng tôi tại Đam San, một khách sạn lớn nhất. Tôi hỏi lại: Có đúng là Đam San không? – Sao lại không? Nguyên Minh có biết Đam San hả? Tôi chưa trả lời, móc túi lấy điện thoại gọi lại em tôi ở Phan Rang báo tin tôi đang lên Buôn Mê Thuột, cần địa chỉ gia đình người chị. Em tôi cho hay, chỉ cần anh đến khách sạn Đam San thì rõ.

 

Đến nơi, tại quầy tiếp tân, tôi nói tôi muốn gặp giám đốc khách sạn. Cô gái cho tôi số điện thoại di động, tôi gọi nói muốn gặp anh để anh ta dẫn đến thăm người mẹ là người chị con người cô ruột của tôi, mà từ lâu, cả đến 6o mười năm qua tôi chưa gặp lại. Anh ta trả lời đang bận ở xa, bảo tôi ngồi chờ ở phòng khách sẽ cho cậu em kế đến chở tôi về nhà người mẹ.

 

Gặp chị, một cụ già trên 90 tuổi đang nằm trên giường nệm, tôi nhận ra ngay. Tôi chỉ nhắc đến một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được là thuở còn là cậu bé 7, 8 tuổi đã từng nằm trong lòng chị để được chị quấy lỗ tai. Ngày ấy chị sống với chồng trên Đà Lạt, còn tôi sống ở Phan Rang có dịp theo mẹ lên Đà Lạt chơi.

 

Cái cảm giác đầu đời vừa sợ vừa khoái cảm từ thời thơ ấu đã theo tôi đến tận tuổi già. Còn chị, qua hơn nửa thế kỷ, với tuổi già người ta thường quên hết những chuyện đã qua nhất là chuyện không đáng nhớ, thế mà chị lại cười gật đầu nhớ ngay và gọi đúng biệt danh của tôi thời ấy. Bui đó à. Tôi nắm chặt lấy tay chị.  Bui đây.

 

Như đưa tôi về lại thuở xa xưa. Như đưa tôi về vùng cao nguyên với đồi thông vi vu, với những hàng cây nở đầy hoa anh đào, với bờ hồ Xuân Hương có nhà thủy tạ, với những con phố dốc trên dốc dưới, những dãy biệt thự trong những vườn hoa rực rở tỏa đầy mùi hương. Buổi sáng sương mù lảng đảng trên núi đồi, buổi chiều mưa lâm râm. Lạnh buốt, tôi, một thằng bé con, hết run rẩy và ấm áp trong lòng người đàn bà chưa đầy ba mươi tuổi. Tôi nằm nghiêng, gối đầu lên đùi chị, một tai áp sát, một tai nghểnh ra, mắt nhắm lại, chỉ thỉnh thoảng hé mở nhìn khuôn mặt chị và đôi mắt chị đang chăm bẳm vào lổ tai tôi. Bàn tay chị nhỏ nhắn cầm chiếc que nhỏ nhẹ nhàng đưa sâu vào lỗ tai tôi. Một nỗi sợ hãi chợt lóe lên nhưng rồi biến mất ngay nhường lại cho một cảm giác tê mê làm tôi thiếp đi trong một giấc mộng ngắn ngủi. Giọng nói chị nói đầy âm điệu như tiếng hò mái đẩy, kể lể, thổ lộ nỗi nhớ quê nhà mà chị phải đành bỏ nó ra đi. Chị thủ thỉ rót vào tai tôi về quê chị, còn trong tâm hồn tôi đang liên tưởng bằng ảnh tượng, như mình đang đứng trước ngôi nhà từ đường có rường cột to tướng, bóng láng màu gỗ lim, cùng mái tranh dầy cộm tỏa hơi mát xuống nền nhà ximăng lúc nào cũng được lau chùi đến nỗi lên nước như đá thạch. Chị diễn tả con đường dẫn vào nhà chị, quanh co bên bờ sông Hương lúc nào cũng một màu xanh như có rêu rong nằm dưới đấy, đến chiếc đò ngang chở khách qua sông, từ Bãi Dâu qua con đường Chợ Mai đến làng Ngọc Anh. Ngày đó chị còn là đứa trẻ thơ theo mẹ về thăm bà ngoại đến lúc trở thành người con gái mà con đò vẫn còn người đàn ông cầm sào chống xuống lòng nước đưa chiếc đò chồng chềnh đầy khách từ từ cập bến. Lúc ấy, tôi nghe chị kể lể như tôi nghe một câu chuyện cổ tích, và tôi thiếp đi trong giấc ngủ êm đềm, trong giấc mơ tôi gặp một người thiếu nữ có khuôn mặt hình trái soan cùng đôi mắt hiền từ, đẹp như một nàng tiên. Lớn lên, mười năm sau, tôi thành cậu thiếu niên 17 tuổi, mới trở về quê nội, tôi sửng sờ khi đứng trước ngôi nhà từ đường, lần đầu tiên mà tôi thấy quá quen thuộc như đã từng sống nơi đó từ lâu. Trên chiếc đò ngang, nhìn dòng sông Hương tôi không ngạc nhiên vì màu xanh rêu mà chưa bao giờ tôi thấy ở những con sông khác nơi tôi đã từng đi qua. Đến làng Ngọc Anh, trước nhà vẫn là lũy tre cao vút, vẫn có cái hồ nhỏ làm hòn non bộ, vẫn còn giàn hoa thiên lý trước sân. Bấy giờ tôi mới nhận ra đúng là cảnh chị tả quê nhà mình cho tôi từ thuở ấu thơ.

 

Hơn sáu mươi qua chị em tôi mới được gặp nhau lại. Từ lâu tôi cũng muốn tìm chị nhưng biệt tăm từ ngày chị bỏ Đà Lạt lên Buôn Ma Thuột.

 

Trước khi từ giả chị tôi nhận thấy đôi mắt chị hình như hướng về một nơi xa xôi nào đó và giọng chị run rẩy:

- Tất cả đều đổi thay rồi em ạ. Đâu còn chiếc đò ngang. Đâu còn lũy tre làng. Đâu còn mái nhà tranh.

Tự nhiên tôi thốt  lên:

- Màu xanh của dòng sông Hương, vẫn còn.

 

*

Hai ngày đêm ở Buôn Mê Thuột, chúng tôi đi thăm vài buôn làng với những ngôi nhà sàn bằng gỗ, đến những nhà mồ, vào tận trong núi sâu, lên dốc xuống dốc, băng qua những ghềnh đá nhỏ trơn tru để đến những thác nước hùng vĩ. Ban đêm Thân Trọng Minh, Sâm Thương, Trần Anh Tuấn, thầy Hồng Giũ Lưu kéo nhau qua phòng tôi ngồi uống rượu whiski nói chuyện đời. Rượu ngon phải có bạn hiền nên chai rượu đầy đã vơi cạn lúc nào không hay.

 

 

Buổi sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên xe về Đà lạt. Không ngờ con đường đèo quanh co khúc khỉu lại bị cày xới, đất đá lởm chởm, ổ gà ổ voi, chỗ khô chỗ nước vũng lầy, chiếc xe lắc lư và chúng tôi cũng lắc lư, mệt nhừ. Đến giữa trưa xe đậu lại ở một cái quán bên đường theo lời đề nghị của tôi. Giữa cái hẻo lánh, đìu hiu, hai bên đường là đồi núi, không có một nhà cửa, buôn làng lại mọc lên cái quán nhỏ, trước cổng lại giăng một bảng quảng cáo ngày khai trương Quán Thung Lủng. Tình cờ chúng tôi là khách đến đầu tiên.

 

Ngồi dựa đầu vào chiếc ghế cận kề gốc cây, bên cạnh ly cà phê phin đang chảy từng giọt màu đen sậm, thở một hơi dài như trút hết cái buồn ngủ đã dật dờ trên xe, nhìn xuống phía dưới cái quán nhỏ này, cheo leo trên sườn đồi, một dòng suối nhỏ, đục ngầu màu đất phù sa, quanh co dưới thung lủng, như một bức tranh vẽ, dòng nước đứng yên. Lòng tôi nhẹ tênh trong phút chốc rồi lại bay bổng theo mây, theo khói bốc lên từ núi rừng phía xa lơ lửng mỏng như sương mù, trong tiếng hát phát ra từ cái điện thoại di động của thầy Hồng Giũ Lưu đặt trên bàn nhỏ. Tôi thả hồn theo ca từ:

………

Có những niềm riêng gần như hơi thở

Nuôi ta cô đơn nuôi ta đợi chờ

Có những niềm riêng một đời dấu kín

Như rêu như rong lắng trong bể khơi

Có những niềm riêng gần như câm nín

Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi

……….

Có lẻ nhìn vẻ ưu tư của tôi, thầy Lưu hỏi:

- Nguyên Minh biết bản nhạc này của ai không?

Tôi lắc đầu và nói nhỏ:

- Thầy cho em nghe lại vài lần.

- Bản nhạc đầu tay của vợ bạn anh đó. Lê Tín Hương.

 

Trong chuyến đi này, tình cờ ngồi ở nhà hàng bên bờ hồ Lắc để ăn trưa, chị Mộng Loan nhắc đến cuộc đời của Lê Tín Hương thời còn ở Việt nam. Tôi kể lại cuộc đời của Vô Thường những ngày trước năm 1975 ở quê anh, một thị xã nhỏ Phan Rang. Hai đứa tôi là bạn từ thuở thiếu thời. Một thằng mê văn chương chữ nghĩa. Một thằng mê âm nhạc, đàn ghi-ta. Một thằng viết văn bằng tay mặt. Một thằng khảy đàn bằng tay trái. Tôi viết văn hắn đọc. Hắn khảy đàn tôi nghe.

 

Lịch sử sang trang. Tôi ở lại quê nhà, gác bút làm nông. Hắn lưu lạc nơi xứ người tiếp tục khẩy đàn, thâu băng đĩa. Trong một tình cờ hy hữu tôi nghe được tiếng đàn ghi-ta độc đáo của hắn khi ngồi với Lữ Quỳnh ở một quán cà phê dưới cơn mưa bất chợt, trước khi Lữ Quỳnh rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ. Âm thanh từng giọt réo rắc của đàn ghi-ta phát ra từ một máy ghi âm cũng đủ làm tôi nhận ra tiếng đàn của Bảy Rìu sau 20 năm vắng bóng. Tiếng đàn đó đưa tôi vào cõi xa xưa nào đó, với một không gian nào đó, với khuôn mặt ngây thơ của một người con gái thuở còn là nữ sinh trong trắng đã từng làm nát tim tôi. Tôi không cầm được nỗi xúc động, để mặc cho nước mắt chảy dài. Sau đó tôi viết được một truyện ngắn mang tên Hình Như Trời Đang Mưa tặng Bảy Rìu sau này tôi mới biết là Vô Thường gởi qua đăng trên Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư. Không ngờ Trần Hoài Thư in ra một bản sao gởi cho Vô Thường ở Mỹ. Từ đó Vô Thường và tôi liên lạc qua email. Cũng một tình cờ khác, có một người quen nhờ tôi sao lại hình Lê Tín Hương. Tôi gởi email hỏi thật tình Vô Thường ở Mỹ có biết Lê Tín Hương cùng mấy bản nhạc của cô ta không. Tôi muốn nhờ Vô Thường kiếm hộ, gởi về Việt Nam cho tôi. Vô Thường tưởng tôi đùa dai. Thư qua thư lại tôi biết té ra Lê Tín Hương là vợ của Vô Thường. Nhưng giờ họ đã chia tay nhau sau 7 năm chung sống. Vô Thường tâm sự với tôi, những năm tháng đó là những tháng năm hạnh phúc nhất trong đời của Vô Thường.

 

Vô Thường hẹn với tôi sẽ về Việt Nam và hai thằng sẽ ra Nha Trang tìm một thuê một căn nhà nhỏ gần bãi biển. Xa lánh mọi người thân để một thằng viết văn, một thằng sáng tác những bản tình ca mà Vô Thương ấp ủ. Chúng tôi quên là mình không còn trẻ. Chúng tôi quên tuổi già sẽ làm mình gục ngã, xuôi tay lúc nào không hay.

 

Thật vậy, chưa thực hiện lời hẹn đó, Vô Thường đã ra đi sau cơn bạo bệnh. Khi nhận email của tôi hỏi thăm bệnh của Vô Thường bớt chưa mà cả tháng nay không thấy Vô Thường thư cho tôi như mấy lâu nay chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Trước đó Vô Thương chỉ cho biết dạo này anh thường ho dữ dội, khám bác sĩ cho hay chẳng có gì quan trọng. Trả lời email của tôi là của một người em gái nuôi tên D. báo tin cho tôi hay Vô Thường đã chết mấy ngày nay rồi. Tôi bàng hoàng và tưởng rằng cô em gái nuôi nào đó đã đùa dai nên tôi gởi thư qua cho Trần Hoài Thư kiểm chứng lại tin dữ này. Đúng.

 

Thế mà từ ngày Vô Thường ra đi về cõi vĩnh hằng đã gần 8 năm qua, tôi mới được nghe lần đầu tiên bài “Có Những Niềm Riêng” của Lê Tín Hương.

 

Sau chuyến đi chơi Tây Nguyên về, sáng nào tôi cũng dậy sớm, ngồi bên song cửa nhìn xuống bãi cỏ xanh rờn, ngút ngàn sau nhà, uống một tách cà phê và vào mạng để nghe lại tiếng đàn ghi-tar của Vô Thường trong ca khúc của Lê Tín Hương mà anh đã thu vào dĩa CD và hứa sẽ đem về tặng tôi.

 

Thôi thì tôi pha thêm một tách cà phê, đốt một điếu thuốc Pallmall, xích người qua một chút, nhường cho hương hồn người bạn có ngón đàn ghi-tar độc đáo bằng tay trái ngồi cạnh bên. Tôi nói nhỏ:

 

Bảy Rìu uống cà phê, hút thuốc đi mày, nghe tiếng đàn của chính mày đó. Có Những Niềm Riêng đó. Hạnh phúc nhất của đời mày đó. Minh Bui đây. Hẹn gặp lại mày nơi cõi vĩnh hằng một ngày không xa.

 

*

 

Đoạn đường từ Buôn Mê Thuột về Đà Lạt ngang qua những khu vườn cà phê, hoa đang nở và bầy bướm vàng bay lững lờ hai bên đường cái. Tôi lấy làm lạ cứ nhìn đăm đăm theo loài bướm vàng đó trong khi cô giáo Diệu Trang kể cho chúng tôi nghe về con bướm mang hồn người chết lảng vảng bên cạnh người thân yêu trước nấm mồ vừa xây xong. Tôi nhớ đến tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng mà thời còn đi học mình đã từng say mê. Thân Trọng Minh lại nói: Là bướm cũng có thể là con chuồn chuồn.

 

Nên khi ngồi trên ghế sa long trong ngôi nhà trên lưng đồi ở Đà Lạt nhìn tấm tranh anh vừa vẽ xong, để chuẩn bị cho cuộc triễn lãm chung với Đinh Cường, Hoàng Trọng Bân tại nhà trưng bày nghệ thuật của Phạm văn Hạng. Bức tranh có con chuồn chuồn màu hồng đậu trên cánh hoa, phía dưới vẽ một phin cà phê trên cái tách nhỏ. Giản dị như thế nhưng sao cứ làm lòng tôi bồn chồn xúc động. Có phải con chuồn chuồn là hồn của con trai anh cứ luôn luôn tìm về. Tôi biết nỗi đau mất con của anh. Anh là bác sĩ từng cứu người nhưng với người con trai đầu đã lớn có vợ lại vừa có con trai đầu lòng chưa đầy giáp năm lại chết đi vì căn bệnh quá ngặt nghèo. Anh bó tay. Cùng năm tháng đó, tôi cũng nằm mê man trên giường bệnh, mổ lui mổ tới, vứt bỏ hẳn túi mật, cắt bớt một phần gan. Thân Trọng Minh tưởng sẽ mất hẳn một thằng bạn thân thiết là tôi. Còn người con trai cũng đang nằm trên giường bệnh ở một nhà thương khác sẽ qua khỏi cơn nguy. Anh không mất bạn mà anh phải chịu đau khổ phải xa lìa mãi mãi người con yêu quí. Những bức phát họa bằng mực tàu tại phòng khám bệnh riêng của anh những ngày sau đó toàn là vẽ những con chuồn chuồn. Chuồn chuồn đậu trên tách cà phê. Chuồn chuồn bám vào tấm màn che cửa sổ. Chuồn chuồn đậu trên thành ghế dựa trong phòng làm việc của anh. Trên giường anh ngủ, chuồn chuồn cũng đậu trên thành cây đèn nhỏ.

 

Nếu anh khóc được như tôi mỗi lần nhớ đến người thân đã mất thì nỗi đau trong lòng vơi đi một ít. Anh vẫn cười, anh vẫn nói huyên thuyên, nhưng tôi biết con chuồn chuồn đang cắn vào tim anh.

 

Tôi nhìn bức tranh chưa có tên đó, tôi nói nhỏ với anh để tôi đặt tên là Đứt Ruột. Anh không vẽ nỗi một con dao nhỏ nằm trên bàn và một khúc ruột vừa mới cắt. Nhưng tôi đã mường tượng ra.

 

 

*

Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

Chúng tôi chơi trò học trò đây. Những tên học trò giờ đã xấp xỉ bảy mươi tuổi chọc phá cô giáo tuổi gần tám mươi. Chúng tôi bày trò cô giáo cởi voi. Cô giáo ngày xưa từng dạy môn triết học ở trường Quốc Học Huế, thường môn học khô khan ấy chỉ dành cho mấy ông thầy lớn tuổi, sao lại có một cô giáo trẻ, đẹp, quí phái dòng Tôn Thất vừa mới ra trường đại học sư phạm đảm trách dạy chúng tôi. Có lẻ nhìn vẻ duyên dáng của cô, nhìn nụ cười tươi rói của cô, nghe giọng nói dịu dàng khi giảng bài nên thu hút được sự chăm chú của chúng tôi. Chúng tôi đâm thích những giờ dạy của cô, chắc chắn không phải vì bài học khô khan đó rồi.

 

Sau bao nhiêu năm qua, sau bao nhiêu cuộc bể dâu, chúng tôi gặp lại thầy cô ở Sài Gòn. Từ đó chúng tôi thường có những buổi đi du lịch hoặc tựu họp nơi quán cà phê dùng điểm tâm, nói chuyện phiếm cùng thầy cô giáo cũ. Trong những lúc ấy, nhất là Thân Trọng Minh, Trần Anh Tuấn hay đùa cợt với cô nhưng tôi thấy cô vẫn cười đón nhận. Cả bọn học trò già chúng tôi xúm nhau ngồi xem cô giáo già mặc váy dài nương tay vịn vào vai ông chồng già lựng khựng từ cái đài cao bằng gỗ bước qua để ngồi trên yên đặt ở đầu con voi to tướng. Cả bọn chúng tôi, như lũ học trò đứng hai bên đường xem mặt hai cô nữ sinh Đồng Khánh đóng vai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đang cởi voi thật diễn hành trong ngày lễ Hai Bà Trưng.

 

Có tiếng ai đó trong bọn thốt lên:

- Hôm nay cô Diệu Trang đóng vai bà Trưng Trắc nghe, không có Trưng Nhị đi cùng, cô cứ nghĩ mình đang ngồi với Thi Sách chồng mình chứ không phải Tô Định, giặc Tàu, kẻo cô hất thầy rớt xuống đất mà voi dày xéo đó nghe.

 

Cô giáo gật đầu, cười ra tiếng:

- Vâng, vâng.

Ông thầy cười nấc nẻ:

- Thi Sách đây. Tô Định chạy về tàu rồi.

Lũ học trò già vổ tay reo vui.

 

Ngày cuối cùng ở Đà lạt, buổi tối tại một nhà hàng, bất ngờ tôi mới biết mình đang dự buổi tiệc chiêu đãi của thầy cô nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của thầy cô. Cô giáo trang điểm nhan sắc lại đôi chút, vẫn đài các như bà hoàng ngồi bên người chồng cao tuổi nhưng tóc vẫn còn đen. Những câu chúc tụng chân thành của học trò chúng tôi. Lời đáp lại với nỗi xúc động của cặp vợ chồng đã chung sống, từng chia xẻ ngọt bùi cay đắng với nhau đúng nửa thế kỷ. Cả thầy cả cô thốt lên:

- Cám ơn các em học trò ngày xưa của chúng tôi.

 

Cả thầy trò đều say ngất ngưởng, nhưng cũng cố kéo nhau vào một quán cà phê trên dốc cao để nhìn xuống bờ hồ Xuân Hương cùng thành phố cao nguyên ban đêm với muôn ngàn ánh đèn cao thấp như tưởng mình đang lơ lửng giữa những vì sao.

 

 

Cô Diệu Trang, cựu giáo sư trường Quốc học, môn triết

 

Ngồi cuối bàn, tôi im lặng, chỉ nhìn vào khuôn mặt cô giáo mang đôi kính cận, thỉnh thoảng nở nụ cười duyên dáng và hồn nhiên đón nhận trước những lời tinh nghịch của lũ học trò ngày xưa.  Bỗng chốc, ý nghĩ chợt đến: Chúng tôi thì già, bầm dật với cuộc đời. Còn cô giáo thì trẻ lại hồn nhiên với cuộc sống./.

 

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1971
Ngày đăng: 09.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hành Giả Phiêu Dạt - Nguyễn Hàng Tình
Bài văn định mệnh - Trần Hoài Thư
Tình yêu, tình thân và tình bạn trong buổi ra mắt Tuyển Tập 12 tác giả và 9 ca khúc của nhạc sĩ Trương Thìn. - Nguyễn Hòa vcv
Đi tìm bút tích ( di cảo) của cha tôi ( nhà thơ Quang Dũng) - Bùi Phương Thảo
Những Lần Ra Mắt Sách 2 - Nguyên Minh
Những Lần Ra Mắt Sách 1 - Nguyên Minh
Cá Mòi – Món “Thời Trân” Phố Hiến - Phạm Minh Hoàng
Xổ bụi - Nam Dao
Bài Học Vỡ Lòng - Mây Ngàn Phương
Bác Nguyễn - Nam Dao