Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
779
123.239.259
 
Khai đập
Anh Động

Sửa soạn vác cây vá đi vào ngọn rạch Cam, Sơn định bữa nay tiếp tục thuyết phục bác Ba Cư để khai cái đập nước cho rồi. Ba công khoai và mấy đám mạ thần nông "ba bảy hai" của tổ sản xuất chi đoàn hổm nay bị khô, anh em cứ phải gánh nước tưới xa hơn hai trăm mét, cực quá! Và mấy miếng rẫy phục hoá ở khu rừng ráng bên trong cũng đang thiếu nước dữ dội. Con rạch nầy hồi mấy mươi năm trước còn nhỏ xíu và cong queo, sầm uất. Nhà bác Ba Cư ở tận cùng trong ngọn, đất bác nằm trùm hai bên mé, nên quanh năm bác cứ bí cái đập nước để giữ cho cá về đìa. Bây giờ, từ nhà bác trở ra bị mấy chiếc máy đuôi tôm chạy tới lui, sóng đánh lở mé, nước chảy thông thương, chỉ từ cái đập nước trở vô là rạch còn hẹp.

 

Mặc dù Sơn là bí thư chi đoàn, có chân trong ban đại diện ấp, nhưng lại là con rể tương lai trong nhà bác Ba Cư nên anh mở miệng mấy lần còn lấp vấp… bác Ba mà còn chù chừ một ngày là chi đoàn tổn thất mười mấy ngày nhân công. Bởi vậy nên lần nầy Sơn cương quyết vận động Tơ, người vợ chưa cưới của anh, tiếp tục tranh thủ ông già lần nữa xem sao; để anh em gánh nước xa cực, cằn nhằn quá! Mà cũng không phải sợ anh em cằn nhằn, cái gì đúng, có lợi cho tập đoàn, cho xóm ấp thì phải cương quyết đấu tranh cho tới nơi tới chốn…

 

Nghĩ đến đây, Sơn cảm thấy có cái gì vương vướng trong ngực khó chịu. Anh vác vội cây vá lên vai, bước vụt ra cửa, đi về phía nhà Tơ. Con chó cò cũng tốc theo, chạy đâm bổ vào chân Sơn rồi té lăn ra. Con chó ú mềm như cái gối gòn, nằm ngửa đưa bốn chân chòi chòi. Sơn đi thêm một chút, con chó lại đứng dậy chạy sấn sả vào chân anh lần nữa và ngã ra đất nằm lăn mỡ. Sơn vớ vài cọng cỏ khô, quất gió:

 

- Cò! Trở lại. Đi !

 

Con chó không thèm đếm xỉa, đứng dậy thè lưỡi, nghiêm trang chạy theo chân Sơn.

 

Đến nhà bác Ba Cư, Sơn lột nón tai bèo lau sơ qua mặt và đưa ngón tay trỏ gãi gãi sống mũi rồi mới bước vào. Bác gái với mấy đứa nhỏ đi đám giỗ ngoại ngoài Mỹ Long, Sơn đã biết. Còn Tơ với bác trai đi đâu vắng queo? Sơn bước lại nhìn lên giường thờ ông bà kê giữa nhà. Tấm biển "bá phước" vuông tượng, uy nghi! Dưới chân hai cây chưn đèn bằng gỗ căm xe mua ô, có con mèo mướp đang nằm ngủ. Sơn với nhéo cái đuôi quắn của con mèo, lôi dậy. "Sướng quá anh Hai ha !". Con mèo đứng gù lưng, nhón bốn chân thật cao vung vai định nhảy xuống đất. Nhưng chợt thấy con chó cò đứng dưới đất nhìn lên bằng cặp mắt hiếu chiến, nó xựng lại, xù lông, gầm gừ. Sơn hất con mèo xuống. Con chó "gâu" lên một tiếng, nhảy xổ tới chụp hụt con mèo. Hai con vừa "gâu" vừa "ngoao", đuổi nhau ra phía mặt đập. Sơn dừng lại, núp vào bệ vách. Hai con vật đuổi nhau ra tới bụi tre xiêm còi chỗ Tơ ngồi thì con mèo leo lên cây vông đồng giữa bụi tre. Con chó phải chịu đứng dưới nhìn lên sủa gâu gâu. Có lẽ Tơ biết Sơn còn núp mặt, cô vớ mấy lá tre khô huơ về phía con cho, nói bóng gió:

 

- Cò! Đừng có om sòm, giống chủ mầy quá đi !

 

- Nói lén nghen !

 

Sơn xách vá men ra. Tơ quay mặt về phía đập nước, cúi xuống chiếc thau giặt đồ:

 

- Nói lén hay nhìn lén ?

 

Mái tóc đen óng của Tơ mới gội còn xoắn từng lọn thả nằm tua tủa khắp đôi vai căng tròn trong chiếc áo bà ba trắng tinh. Sơn nhìn, thấy trong lòng khó chịu:

 

- Xỏa tóc lang thang, thấy mà…  ghét.

 

Tơ quay lại hất tạt ánh mắt đen láy vào mặt Sơn:

 

- Vô duyên…

 

Sơn dòm chừng bốn phía rồi ngồi xuống, đưa tay ghẹo mớ tóc nằm lôi thôi bên vai Tơ. Anh liền bị Tơ đắp vào cổ cho một nắm bọt xà bông trắng phếu như ổ bù tọt. Sơn nhích ra, vuốt cổ:

 

- Tía đi đâu rồi ?

 

- Bác Tám "thợ mộc" về thăm xóm, bà con tập hợp lại nhà chú Chín Hơn tổ chức liên hoan. Hồi nãy bác Tám vô dẫn tía ra ngoải chơi.

 

- Ông già lên hương quá ha! Được "tỉnh uỷ" đến nhà dẫn đi chơi là…

 

- Bởi có cái "hương" vậy nên chuyện khai đập mới còn lòng vòng trần ai đó. Xã Phú Lâm mình mà được mười người như tía, thì cái "hương" đó nó nực mùi mắm tôm à.

 

- Em nói anh mới nhớ. Có lần tía nói với anh là cái mặt đập nầy còn mang một kỷ niệm máu xương của tía với bác Tám sao đó…

 

- Cái đó cũng có, nhưng còn mấy khẩu đìa sợ long nước vô xì phèn nữa. Hết "chưa chụp cá" lại đến "xì phèn". Cái phèn trong lòng nó xì ra hoài, biết chừng nào cho hết.

 

- Cái gốc nông dân mà… Chưa khai cái đập trong lòng thì sao khai nổi cái đập bên ngoài.

 

- Ổng không chịu khai, nay mai em cũng bửa ra thôi. Cho giỏi bị rượt chạy một buổi chớ gì.

 

- Mấy bữa nay thằng Thao, con Mạnh chúng nó nói nhức xương. Chúng bảo mai tía không chịu khai đập là tụi nó đào vòng cái lạch dẫn nước trên miếng ruộng khô của chú Chín Hơn cho mà xem - Sơn nhìn lên những chùm bông vông đồng nở đỏ chói giữa bụi tre xiêm còi, rồi nhìn Tơ, cười, nói tiếp - Thằng Thao còn bảo là ông già vợ anh chớ phải ông già vợ nó thì… Anh tức, muốn giao tía cho nó làm ông già vợ thử coi nó làm sao.

 

Tơ khoát nước vào Sơn:

 

- Nói bậy không. Giao cho nó hổng lỗ vốn sao ?…

 

- Đổi con Mạnh của nó - Sơn cười hô hố, nhích ra chút nữa - Thiệt mà, tía em chớ phải tía anh, anh vác vá khai đập tới thử coi ổng đánh đòn không cho biết.

 

- Thì ổng là tía chung đó, có xài gì thì xài đi !

 

- Đừng thách chớ ta.

 

- Ai thách chi.

 

- Có gì thì em chịu đi !

 

- Ai dám làm thì dám chịu chớ, bộ dao động rồi hả ?

 

- Chừng nào? Coi đây !

 

Sơn vớ cây vá vọt nhanh lại mặt đập. Con chó cò cũng vọt theo sát chân anh. Ngang vũng nước xà bông của Tơ xả đồ, Sơn trật chân té ngửa, quất cây vá và con chó, nó la ẳng ẳng. Tơ cười rũ ra đến những lọn tóc hai bên vai tuột hết xuống hai bên cổ. Sơn đứng dậy, bẽn lẽn.

 

Ngoài kia, đám thằng Thao, con Mạnh mang thùng vòi, đòn gánh kéo vô có dọc. Đã đến giờ chúng nó đi tưới ba công khoai và mấy đám mạ thần nông thí ngiệm của tổ sản xuất chi đoàn. Sẵn trớn, Sơn vọt luôn qua mặt đập, vác vá đi trước vô rẫy. Tơ ngừng tay giặt, nhìn theo Sơn. Nước trong đập khô queo. Mặt nước bạc ngoài đập căng ứ. Gốc tre đã lâu đời bám sâu vào đất, bện cứng nhau thành dề. Vài lá tre khô buông lăn tăn làm mặt nước gợn màn nhện. Tơ nghe da mặt mình hơi gây gây và trong lòng cũng đang gợn lên một thứ màn nhện gì lăn tăn…

 

- Con Tơ chưa đi tưới khoai với tụi nó sao, con? Chà! Bọn trẻ bây làm ăn, bác Tám bây chịu lắm đó! Ổng nói diễn tập như vậy để tạo không khí tập thể rồi bước vào hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa cho nó chuồi - Bác Ba Cư đi dự liên hoan về, vừa bước vô cửa là cởi mở dài dài xuống nhà dưới - Chà! Tụi bây gánh nước tưới xa quá hả ?

 

- Mai thì tới phiên con rồi. Gánh cho bỏ mạng luôn.

 

- Ừ. Mai thì để tía tính…

 

- Vậy chớ anh em khác làm cực thì tía không chịu tính sao? Chiều con ra chú Chín Hơn bàn cái chuyện mượn đường khai lạch dẫn nước vô cho rồi.

 

Bác Ba Cư cởi chiếc áo bà ba trắng, vò viên, quăng lên vạc. Nghe con trả lời không được vui, nhưng bác vẫn tiếp tục cười hề hà:

 

- Khoan đã! Để tía tính… Làm vậy người ta coi tía ra gì. Còn bác Tám mầy nữa…

 

Tơ nắm được cái cơ hội lúc cha còn mang "không khí gần gũi Tỉnh uỷ", mới về, nên cố nói non nói già… Tơ cứ lục đục nấu cơm dưới bếp nói vọng lên chớ không phải đến năn nỉ cha như mấy lần trước. Hồi nãy Tơ có thốc mách với bác Tám chuyện ấy. Có lẽ bây giờ… cha cô đã chuyển biến. Lén nhìn thấy cha ngồi phệch xuống vạc, thở ra, vuốt râu càm, Tơ cũng cảm động, thay đổi thái độ:

 

- Bác Tám có nói chuyện gì với bà con mình không tía ?

 

- Nói gì? Ừ, ờ… Cũng có…

 

- Bà con mình có phản ánh tính tình địa phương cho bác Tám nghe không, tía ?

 

- Phản ánh ?… Ừ, ờ… Cũng có…

 

Bác Ba Cư đứng lên, đi tới đi lui và lại vuốt râu càm, thở ra. Rồi bác đi lững thững ra con đập nước. Bác dừng lại bên bụi tre xiêm còi, rờ rẫm mấy cây tre già thân trổ đầy hoa lốm đốm như da bụng con lươn một cách quyến luyến. Bác ngồi xuống chỗ cánh đập, mắt đăm đăm nhìn vào gốc cây vông đồng mọc giữa bụi tre. Cây vông đồng lớn bằng bắp vế sấp, mình đầy gai. Ánh mắt bác xoáy sâu, xoáy sâu vào bên dưới gốc cây vông mà bươi xới lên mớ kỷ niệm oai hùng đã vùi chôn gần hai mươi năm nay…

 

Thuở ấy, bác Tám là một huyện uỷ viên, phụ trách xã Phú Lâm nầy. Bác Tám đóng vai một người thợ mộc dạo, hợp pháp. Từ ngày bác Tám bị lộ, chuyển sang bất hợp pháp với giặc thì về ở nhà bác Ba. Ban đầu cái hầm bí mật đặt trong vách buồng hai ngăn. Dần sau kiểu đó bị lộ nhiều nơi, hai bác chuyển hầm xuống gốc bụi tre chỗ cánh đập nầy. Lúc ấy con Tơ mới bốn tuổi. Bác Tám cưng nó lắm! Mỗi đêm đi hoạt động về bác Tám thường ôm hôn nó cho đỡ nhớ con. Thường thì bác Tám ở trong buồng nhà, có động mới ra hầm ngoài.

 

Một bữa, bác Tám đi chỉ đạo kế hoạch chống thu tô trên Lung Sen, gặp ngay cuộc càn của đám lính bảo an từ thị trấn kéo vô. Bác Tám và số cán bộ bất hợp pháp rút dần về ngọn rạch Cam nầy. Dọc đường, bất ngờ bị một cánh quân địch đánh thúc vào hông. Dưới mưa đạn các bác phân tán mỗi người chạy một ngã. Bác Tám bị trúng đạn vào đùi, nhưng cố chạy khuất vào ngọn rạch Cam nầy. Bọn giặc tràn theo vây phủ, bác Ba nghe vậy chạy ra, dìu bác Tám. Đang móc đất bồi cái cánh đập, nên trên ta bác Ba còn cầm cây mác và chiếc cù nèo sắt. Bác Ba cởi lấy chiếc áo bác Tám, mặc vào cho mình. Trước lúc đưa bác Tám xuống hầm, hai người nhìn nhau phân vân… Bác Ba nheo mắt mấy cái, vụt chụp cây mác đâm vào đùi mình một nhát và dùng mỏ cù nèo sắt mấu vào vết thương, nhấn mạnh cho nó thủng xuyên qua bên kia! Bác Tám cắn răng nhìn bác Ba mà tràn nước mắt…

 

Xóa những vết máu gần miệng hầm xong, bác Ba vô nhà ngồi, chiếc khăn cột chặt vết thương đùi lại. Bọn giặc tràn vào, đứa véo vành tai con Tơ, đứa nạt nộ hỏi ai vừa chạy vào. Con Tơ khóc, và chỉ tay vào bác Ba. Bác Ba lại trả lời thản nhiên với giặc: "Đạn mấy ông bắn như trấu vãi, kông chạy rút về nhà để chết sao ?". Thế là bác Ba ở tù năm năm. Khi về thì xã nhà đã được giải phóng…

 

Chuyện gần hai mươi năm rồi. Bây giờ, bác Tám "thợ mộc" ngày trước đã đắc cử vào ban chấp hành Tỉnh ủy. Chiếc hầm cũ đã có cây vông mọc lên. Bụi tre xiêm cũ đã già còi cọc, nhưng còn một số cây đứng bao vòng. Và nhất là cái kỷ niệm cũ nó vẫn còn ngự trị nặng nề trong lòng bác Ba. Lâu nay bác sợ khai cái đập nầy thì nước chảy thông thương sẽ đạp lở mất gốc bụi tre già đi; mà mất bụi tre là mất một cái gì đáng tự hào của một chiến công hiển hách vừa qua. Rồi hàng năm, vào mùa hạn, chiều chiều bác đâu còn chỗ để ngồi hàng giờ ngắm nghía, ôn nhớ… Tụi nhỏ bây giờ đâu thông cảm hết nỗi lòng thầm kín ấy của bác? Bác không chịu khai cái đập là vì còn hai lẽ, chứ không chỉ có ba con cá đìa…

 

Nhưng… Hồi sáng bác Tám có lại đây. Hai ông già cùng ngồi nhìn bụi tre, nơi dấu vết không thể quên được trên cánh đập nầy. Bác Tám có mấy phút xúc động đến run run mái tóc bạc. Bác Tám chỉ vào gốc vông, nói: "Tụi mình già rồi, phải tìm mọi cách giúp đỡ bọn trẻ làm việc. Sức vóc của chúng nó mới là lực lượng thúc đẩy xã hội chủ nghĩa tiến nhanh lên. Ví như mình phải biết khươi bớt những củ trối của bụi tre già đó để cho cây vông nầy đơm hoa nhiều hơn vậy !".

 

"Phải tìm mọi cách cho bọn trẻ làm việc". Lời "Tỉnh ủy" nói, mình phải suy nghĩ kỹ! Bác Ba Cư vuốt râu càm, thở dài… Bác thì thầm một mình: "Khai đập! Phải khai cái đập".

 

Nghe tiếng con gái kêu vọng ra. Bác Ba giật mình nhìn vô nhà.

 

- Hả? Ừ! Tía mới ăn ba hột ngoài Chín Hơn, chưa đói. Để tía vô đậy cái họng đìa cá giống lại đặng chiều về tính chuyện khai đập.

 

Tơ vọt ra cửa, vỗ tay reo lên:

 

- Thiệt vậy hả tía ?

 

- Vậy chớ… - Bác Ba bước đi, dặn lui lại - Đón thằng Sơn về, dọn cơm hai đứa ăn trước đi. Nói với nó…

 

Tơ nghiêng đầu đi vô nhà, nói nhỏ một mình:

 

- Trước sau gì cũng… lựng bựng hoài…

 

Bác Ba đi khuất, Tơ vội vã xách vá ra khai đập. "Tính gì thì cũng khai. Khai rồi sẽ tính".

 

Tơ cầm vá xắn đất túi bụi, vít ào ào vào chỗ bụi tre xiêm. Tơ cố ý làm rút cho đến lúc Sơn về mà ngạc nhiên chơi. Nước bên ngoài căng ứ, chực sẵn. Lưỡi vá Tơ khai đến đâu là nước xô ập theo đến đó như nước biết thúc hối. Trong lòng Tơ cũng đang có một sự thúc hối khác. Tơ cứ xắn vá bầm bập, quăng đất tắp vun gốc cây vông đồng. Mặt Tơ đỏ rần, mũi thở phì phò, mồ hôi nhỏ giọt hai bên màng tang. Những món tóc mới gội trơn chuồi, tuột xuống hoài, Tơ phải dùng cùi tay quật ngược lên. Cái lạch khai xong nhưng cây gắn đập nằm ngang bằng thân cây dừa lớn quá, Tơ không nạy đất xuống được sâu, chỗ ấy chỉ có một lớp nước mỏng như một bức vải trắng trải qua. Lượng nước chảy chỉ có thế nầy thì biết chừng nào cho đủ tưới đồ trong ngọn? Tơ nghĩ vậy mà cảm thấy bực bội. Nhưng một mình thì xeo cây gắn đập không nổi. Tơ đứng lống nhống một hồi, càng bực. "Thôi! Tạo chuyện bất ngờ đành để khi khác vậy". Tơ quăng cây vá, cắm đầu chạy vào ngọn rạch để gọi Sơn về xeo tiếp cây rắn đập.

 

Ba chân bốn cẳng chạy bở hơi tai, chưa tới rẫy khoai là Tơ đã cất tiếng réo om sòm:

 

- Anh Sơn ơi! Anh Sơn !

 

Sơn và đám thằng Thao, con Mạnh đang gánh nước tưới khoai, nghe Tơ kêu, dừng tay nhìn. Thằng Thao quăng cặp thùng vòi làm ra vẻ xuội lơ:

 

- Nghe "sư tử Hà Đông" của thằng Sơn réo là tao bủn rủn tay chân.

 

Con Mạnh lé cặp mắt đen chau quảu nhìn thằng Thao:

 

- Chỉ có con trai mấy anh là hiền như… phật…

 

Con Mạnh muốn nói "phật thiến" nhưng thôi, bụm miệng cười.  Mạnh đưa tay ngoắc Tơ:

 

- Lại đây! Kêu gì mà hớt hải vậy ?

 

Tơ chạy tới, nói hụp hửi với Sơn:

 

- Ra khai đập tiếp em. Đi! - Thấy Sơn còn dụ dự, Tơ tiếp - Đi mà. Tía đã…

 

- Sơn, Thao cùng Mạnh chồm tới:

 

- Thiệt hả? Vậy là hoan hô tía !

 

Sơn gạt tay Thao:

 

- Tía tao chớ tía mầy sao ?

 

Thao chỏi ra:

 

- Tía chung. Tía chung !

 

- Đâu được. Vậy tao kêu ba con Mạnh bằng tía à ?

 

Họ cười rộ lên, cùng nhau chạy ào vô hướng con đập nước. Đám người tưới mạ bên kia cũng quăng thùng, chạy theo. Con chó cò của Sơn núp đâu trong bụi nãy giờ cũng ngóc ra vừa la gâu gâu vừa chạy sấn sả vào chân người nầy người nọ…

 

Riêng bác Ba Cư đi đậy miệng đìa cá giống về đến mặt đập mới bật ngửa ra:

 

- Trời! Trời! Đứa nào? Đứa nào… thế nầy ?…

 

Bác kêu lên và chạy bổ lại chỗ cánh đập có lạch nước ai mới khai đang chảy ồ ồ. Bác cầm cây vá còn dựng lên xem:

 

- Thằng Sơn? Con Tơ ?… Đứa nào ?…

 

Bác ngẩn người ra. Rồi bác quay qua gốc cây vông đồng, bươi bươi đống đất mới. Nhưng bác lại dừng tay, quay qua nhìn chỗ cánh đập có lạch nước đang chảy xối xả. Nước xoáy trắng bọt. Bác Ba Cư đứng im lìm, lắc lắc đầu: "Đã bảo chờ về… tính…".

 

Bỗng bác giật mình nhìn ra ngoài ruộng. Một đám thanh niên đang chạy vô, la lối như đoàn biểu tình:

 

- Hoan hô bác Ba !

 

- Hoan hô tía !

 

Sơn và Thao chạy tới. Sơn vớ cây vá trên tay bác Ba Cư:

 

- Đưa con! Con đã dặn Tơ là chừng nào tía kêu khai đập thì cho tụi nầy hay liền. Vậy mà cứ để… Tía khai nãy giờ hả? Mất công tía quá! Tía mệt, rửa tay nghỉ đi !

 

- Ừ… À… Con Tơ đâu ?

 

- Dạ. Tơ chạy về sau kìa !

 

Thằng Thao bước lại chỗ cây gắn đập:

 

- Bác xích ra chút, để cháu nạy đầu nó lên cho.

 

Bác Ba Cư nhích qua rồi nhích lại… Lựng bựng…

 

- Ừ… À… Khai bên nầy !… Khai bên kia !… Con. Khai cái lạch nhỏ nhỏ nó! Để dưỡng. Bụi ơ mà… cây vông…

 

Mặc dù đã chịu để cho bọn trẻ khai đập, nhưng đôi mắt bác Ba Cư vẫn còn liếc chừng vào bụi tre xiêm còi…

 

 29/ 4/ 1977

 

Anh Động
Số lần đọc: 2910
Ngày đăng: 15.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gà đẻ gà cục tác - Hồ Tĩnh Tâm
Bến lội - Khôi Vũ
Tri thiên mệnh - Khôi Vũ
Vợ chồng già - Kim Quyên
Học trò ơi - Minh Châu
Cõi vô hình - Minh Châu
Trăng tháng chạp - Anh Động
Hàng rào sậy - Anh Động
Quanh co Rạch Giếng - Nguyễn Thanh
Vắng vẻ chợ hoa - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)