1. Cả tuần lễ nay ông Đương không ra khỏi cửa hang, nơi trú ngụ của gia đình ông, kể từ ngày gia đình ông cùng hơn một trăm hộ dân ở Sông Lô bị tỉnh K. cho lực lượng liên ngành xuống cưỡng chế lấy đất giao cho ban dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Sông Lô.
Ở vào cái tuổi thất thập, ông Đương người gầy gò, ốm yếu. Là thương binh, lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo: viêm gan mãn tính. Mắt vàng, hai má hóp lại, râu ria chìa ra tua tủa như mớ rễ tre. Ông ngồi im lặng giống như một pho tượng trước cửa hang, mắt nhìn xa xăm về hướng bờ sông, nơi trước đây là ngôi nhà của gia đình ông. Một ngôi nhà tranh nhỏ xinh nằm dưới hàng dương xanh êm đềm. Ngôi nhà đã gắn bó với gia đình ông, hai vợ chồng, một cô con gái và một chú chó vàng đã hơn mười năm nay. Giờ chỉ còn lại một bãi đất hoang vu với vài ba cây cột, gầy guộc, khẳng khiu còn sót lại, đứng chơi vơi như những mũi lao nhọn đâm thẳng lên trời làm tim ông đau nhói!.
- Ba bệnh sao không vô giường nằm nghỉ. Ở mãi ngoài này gió máy nguy hiểm lắm đó ba. Cô con gái duy nhất của vợ chồng ông năm nay bước sang tuổi mười bảy, một cô gái thông minh, sống ở nơi rừng sâu, lam lũ vất vả mà làn da cô vẫn trắng hồng tựa trứng gà bóc. Hệt nước da của mẹ cô. Cô tên Tâm. Tâm vừa đi mò cua ngoài sông về.
Ông Đương ngước mắt nhìn con gái, giọng thều thào:
- Mi cứ lo việc của mi. Tao ngồi mặc xác tao.
Ngoài trời mưa tầm tã. Từng đợt gió lạnh ùa vô hang; trên rừng tiếng chim lạc đàn kêu thất thanh, tiếng kêu nghe nao lòng.
2. Sau 1975 tỉnh K. , vùng đất này vốn chỉ là một thung lũng hoang vu với ba bề là núi, phía Nam là biển cả mênh mông. Có cái tên sông Lô, nhiều người lầm tưởng nơi đây là một dòng sông rộng lớn, hoành tráng như dòng Lô trong trường ca nổi tiếng của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Thực tế nơi này chỉ là một nhánh sông nhỏ, bắt nguồn từ sông Cái mãi tận trên ngàn đổ về. Băng qua đây, một khu rừng ngập mặn đổ ra biển. Bao đời nay, sông Lô được coi là nơi rừng thiêng nước độc, không một người dân nào dám đặt chân tới. Nước sông quanh năm đen ngòm, mùa hè thường hắt lên những mùi hôi thối nồng nặc. Phân người, phân trâu, bò, gỗ lạt trên thượng nguồn đổ về nổi lềnh bềnh trông tởm lợm.
Vào giữa năm 1979, tỉnh K. có chủ chương vận động đưa dân ở thành phố vào sông Lô xây dựng vùng kinh tế mới để trồng rừng, tăng gia sản xuất bảo vệ rừng đầu nguồn, làm lá chắn cho thành phố. Hưởng ứng cuộc vận động của tỉnh, hàng loạt hộ dân nghèo trong thành phố đã tình nguyện vô sông Lô lập nghiệp. Ông Đương khi ấy là một quân nhân mới xuất ngũ, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vợ ông, bà Lê Thị Hạnh, vốn con nhà thị thành, không có nghề nghiệp ổn định, từ nhỏ đến lớn chỉ biết theo mẹ ra bán hàng khô ngoài chợ. Khi kết hôn với ông Đương, hai vợ chồng sống dựa vô đồng trợ cấp thương tật ít ỏi của ông. Trong cuộc họp phường, biết được chủ trương của tỉnh đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới sông Lô, ông hăng hái ghi tên đầu tiên.
3. Một buổi sáng mùa hè, thời tiết nóng bức. Ông Đương vai vác cuốc, dao dựa, tay dắt theo con vàng, lưng gùi xoong nồi, gạo mắm, bà Hạnh lưng địu con, tay xách bị áo quần hai vợ chồng hăm hở theo đoàn người bộ hành vô sông Lô. Trải qua gần một ngày trèo đèo lội suối mới vào tới sông Lô. Ông Đương vốn là lính chiến nên chuyện đi bộ, trèo đèo lội suối không hề hấn gì. Với bà Hạnh đây quả là một thử thách lớn lao trong đời, bởi từ nhỏ đến giờ bà chưa hề đi ra khỏi thành phố vài cây số. Vào tới nơi tập kết hai chân bà phồng rộp. Toàn thân mỏi nhừ, mồ hôi tuôn ra như tắm. Bà nằm lăn ra vạt cỏ bìa rừng, thở không nổi. Ngồi nghỉ một lát, ông Đương để vợ con ở lại, một mình vác rựa vô rừng, đốn cây về dựng lán. Ông làm rất thuần thục. Sau một buổi đã dựng được một chiếc lán xinh xắn, có đủ chỗ ăn, chốn ở cho cả gia đình. Xong việc nhà ông còn giúp bà con trong khóm dựng lán trại. Một tuần, ổn định chỗ ở, mọi người hối hả vô rừng, phát lau lách làm nương rẫy, trồng khoai sắn.
Những năm đầu vô chinh phục vùng đất hoang dại sông Lô đầy gian truân vất vả. Hơn hai trăm hộ dân ở thành phố vô lập nghiệp đã có 50 hộ bỏ cuộc, về lại thành phố. Ăn uống kham khổ, làm lụng vất vả, cực nhọc, rất nhiều người mắc bệnh tiêu chảy, sốt rét. Có người còn bị rắn cắn, cây đổ vào người phải đi cấp cứu. Trong khóm của ông Đương có mấy người vô rừng hái rau rừng về nấu ăn, không may hái phải nấm độc, một thứ nấm ăn chết người, làm 4 người bị tử vong. Bà Hạnh hàng ngày địu con lên trên rừng hái lá giang, lội xuống sông Lô mò cua bắt ốc. Sông Lô có rất nhiều đỉa. Con nào con ấy to như ngón tay út. Ngay buổi đầu xuống sông mò ốc, bà Hạnh bị lũ đỉa đói tấn công. Hàng trăm con ngoi lên bám đầy hai bắp chân trắng nõn của bà. Nó thi nhau hút máu, làm cho bà sợ hết hồn, bỏ cả giỏ dưới sông, hốt hoảng chạy về nhà, kêu la ầm ĩ. Bà con trong xóm tưởng bà gặp nạn, kéo nhau đến đầy nhà. Thấy bà nằm giãy giụa trước cửa nhà, hai chân máu tươi chảy ròng ròng, mọi người xúm lại, lấy vôi ăn trầu hòa vô nước, tưới vô hai ống chân bà làm cho lũ đỉa rớt ra. Từ bữa đó bà Hạnh sợ không dám lai vãng ra sông mò cua. Dưới sông đầy đỉa, trên rừng đầy vắt, vắt dưới đất, vắt trên cành lá nhiều vô kể. Những con vắt to như đầu đũa ngất nghểu bám theo gót chân người. Vắt bò vô tận trong nhà, chỗ nào có hơi người là chúng tới. Ban đêm nằm ngủ không cảnh giác là chúng leo cả lên giường tấn công người. Giáp Tết năm 80, bà Hạnh vô rừng lượm củi khô về chụm không may bị một con vắt chui vô trong áo ngực, cắn vô đầu vú. Nó cắn êm ái đến nỗi bà không hay biết gì. Mãi cả tuần sau mới thấy bầu vú sưng tấy, đau nhức, lấy tay nắn thấy có vật gì cưng cứng trong bầu vú, bà hoảng hốt tưởng mình mắc bệnh u vú vội vã nói với chồng cho đi bệnh viện đa khoa tỉnh. Vô bệnh viện, các bác sĩ khám và kết luận bà có một khối u nhỏ trong vú phải phẫu thuật ngay để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Xem xong lời phê của bác sĩ trong bệnh án, hai vợ chồng ngất xỉu ngay cửa bệnh viện. Bà Hạnh lo nhà nghèo không biết lấy tiền đâu mà giải phẫu, ông Đương lo sợ khi giải phẫu phải cắt đi của vợ mình một bầu vú thì đau khổ biết nhường nào. Bởi vợ ông là người đàn bà xinh đẹp, gương mặt trái xoan, nước da hồng hào lúc nào cũng tươi tắn như người thoa phấn. Riêng hai bầu vú của vợ ông tự hào hiếm thấy người đàn bà nào có được bộ ngực đẹp nhường vậy. Đã có con nhưng hai bầu vú của bà vẫn tròn căng như hai trái đào non. Đành rằng tiếc vậy nhưng ông vẫn quyết định chạy tiền cho vợ đi phẫu thuật, không thể để vợ mình chết được. Ông về vay mượn bà con họ hàng, khóm phường đưa bà đi trị bệnh. Bà con họ hàng khuyên vợ chồng ông nên đi vô thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho chắc ăn. Họ không mấy tin tưởng vô cái bệnh viện tỉnh nhà.
Vô bệnh viện đa khoa thành phố Hồ Chí Minh bác sĩ chuyên khoa khám rất kỹ, với kinh nghiệm và tay nghề cao, cộng với máy móc hiện đại các bác sĩ phát hiện trong vú trái của bệnh nhân có một vật gì màu trắng, dài, to như hạt đậu. Qua hội chẩn, tất cả bác sĩ trong khoa đi đến kết luận đây không phải là khối u mà do một vật gì từ bên ngoài đột nhập vô bệnh nhân không biết. Hội chẩn xong, khoa quyết định phẫu thuật. Sau 30 phút phẫu thuật mau lẹ các bác sĩ lấy ra một con vắt căng tròn như hạt bưởi, trắng nõn. Qua hình dáng và kích thước cho thấy con vắt này đã nằm trong bầu vú của bệnh nhân một thời gian khá dài. Chưa đầy một tuần vết mổ đã lành, bầu vú vẫn nguyên vẹn. Bà Hạnh ra viện, hai vợ chồng lên tàu về quê nét mặt rạng ngời trong niềm vui hân hoan chào đón của bà con cô bác trong làng. Năm đó ông Đương sắm cho vợ con ăn một cái Tết tươm tất, mừng cho gia đình mình thoát nạn.
4. Ngót 20 năm lao động cần cù, thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt và có cả máu xương sông Lô đã không còn đìu hiu, cách trở, hai trăm hộ dân ở thành phố lên đã xây dựng lên một làng mới lấy tên là làng Sông Lô.
Làng Sông Lô trở thành một điểm sáng của tỉnh. Qua bàn tay lao động cần cù của con người đất đai ở đây trở lên màu mỡ và được nhiều người ở khắp nơi trong tỉnh nhòm ngó. Đầu thập niên 90, trong cơn sốt đất tại sông Lô đã diễn ra việc giao đất, chuyển nhượng đất, mua bán nhập nhoạng, sử dụng đất sai mục đích, trái pháp luật ở đây. Trong đó lấp ló những gương mặt chức sắc có vai vế của huyện, tỉnh K.
Tình hình thực sự nóng bỏng và diễn biến phức tạp kể từ khi tỉnh K. ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái sông Lô. Những nhà lãnh đạo có chức, có quyền của huyện, tỉnh chỉ ra thông báo, không có quyết định thu hồi đất với từng hộ như Luật đất đai quy định. Đứng trước bản thông báo như sét đánh của tỉnh hàng trăm hộ dân ở sông Lô phẫn nộ, lên tiếng phản đối gửi đơn đi khiếu kiện khắp nơi, từ huyện lên tỉnh và ra cả Trung ương. Huyện, tỉnh đều phớt lờ những khiếu kiện của dân. Quyết lấy bằng được khu đất sông Lô. Lập tức lệnh cưỡng chế của tỉnh được ban hành.
5. Ngày 23 tháng Chạp Tết Quý Mùi, bất chấp công văn khẩn cấp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu tỉnh ngừng cưỡng chế thu hồi đất đai ở sông Lô, nhưng chính quyền tỉnh K. vẫn ra lệnh cưỡng chế.
Năm giờ sáng, sông Lô còn đang đắm chìm trong màn sương mù dày đặc. Ô tô, máy ủi, máy xúc đã ầm ầm kéo về sông Lô, đi sau đoàn xe là cả một đội quân liên ngành gồm có công an, địa chính, dân phòng... những gương mặt đằng đằng sát khí vừa đi vừa giương loa thông báo "Đề nghị bà con ở sông Lô rời nhà, trả lại đất cho Nhà nước. Gia đình nào không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. A lô! A lô...!”.
Nghe tiếng xe, tiếng loa cả làng hoảng loạn kêu khóc thảm thiết. Nhiều cụ già ôm ảnh Bác Hồ đứng trước cửa nhà kêu khóc “Bác Hồ ơi! Người về cứu chúng con với, chúng con đang bị người ta cướp đất, cướp nhà mất rồi!”. Có những bà má tóc bạc phơ, nằm lăn trước đầu xe ủi, ngăn không cho ủi nhà mình. Thấy cảnh dân chúng giương cao biểu ngữ, la hét om xòm, lực lượng công an, dân phòng theo lệnh của chỉ huy xông vào, giật tấm biểu ngữ của dân. Thế là cuộc giằng co giữa đôi bên diễn ra quyết liệt. Giống như một trò chơi kéo co. Cuộc giằng co kéo dài khoảng năm phút, không phân thắng bại. Hai bên, bên nào cũng mạnh. Cuối cùng tấm biểu ngữ đứt làm đôi. Bên công an, dân phòng giật được nửa tấm biểu ngữ có hai chữ: “Chính phủ”; bên bà con sông Lô giành được nửa có hai chữ: “cứu dân”. Cả hai bên ngồi phịch xuống đường thở hổn hển. Gió nổi lên, hai nửa tấm biểu ngữ bay phần phật giống như hai cánh tay, giơ cao vẫy vẫy, muốn xích lại gần nhau, chắp nối lại với nhau. Nhưng không được. Gió mỗi lúc một mạnh. Lực lượng công an, dân phòng vội đứng dậy, cuộn tròn nửa tấm biểu ngữ vất lên xe, coi đó như một chiến lợi phẩm. Nhìn cảnh tượng này khiến những người đi ngang qua nhìn thấy cũng phải phẫn nộ thốt lên: "Sao tỉnh K. lại đối xử với dân ác như vậy. Có sai trái chi cũng phải để cho người ta ăn xong cái Tết rồi làm gì hãy làm. Ngay trong chiến tranh giữa hai bên giao chiến quyết liệt, ngày Tết đến cũng phải ngưng chiến cho binh lính về ăn Tết; huống hồ bây giờ sống trong hòa bình, các ông là người “đầy tớ” của dân, sao lại nỡ cư xử với dân như vậy?!".
Trước phản kháng quyết liệt của đông đảo bà con nhân dân trong xã, 10h trưa đội cưỡng chế vẫn không thực hiện được. Lúc này Lê Văn Hách, Phó chủ tịch huyện, trực tiếp chỉ đạo đội cưỡng chế mặt đỏ phừng phừng, đi đi lại lại trước đội xe đang đứng nổ máy ầm ầm nơi đầu làng. Không biết xử lý ra sao. Hách lấy máy di động trong túi quần ra, phôn cho Nguyễn Lự, lãnh đạo cấp cao của tỉnh, Lự lúc này đang ngồi ở nhà hàng Hương Biển ăn nhậu với cánh đàn em. Giữa lúc Lự đang ngồi bên một cô gái xinh đẹp thì chuông điện thoại reo. Từ trong máy di động của Lự vang lên tiếng nói: "Bẩm cụ có điện thoại ạ!". Lự lâu nay nổi tiếng là người ăn chơi có cỡ. Ngay cả máy điện thoại của ông ta cũng khác người. Trong máy luôn cài đặt những câu nói hoặc những tiếng nhạc quái dị.
- A lô... Lự đây.
Từ trong máy điện thoại của Lự vọng ra:
- Báo... cáo... anh. Em, Hách đây.
- Có chuyện chi nói lẹ lên. Mình đang bận công việc - Giọng Hách run run:
- Báo... cáo... anh dân... chúng làm dữ lắm. Họ cố tình cản trở không cho đội thi hành cưỡng chế làm nhiệm vụ. Lự đứng dậy, đi ra phía sau nhà hàng, vẻ mặt giận dữ nói như quát vào máy điện thoại:
- Kẻ nào chống đối.
- Ông Đương - Hồ Sĩ Đương thưa anh.
Nghe Hách nói tới Hồ Sĩ Đương, Lự bỗng khựng lại. Hai mắt chớp chớp. Đắn đo nghĩ ngợi giây lát. Bởi Đương với Lự là hai người đồng đội thân thiết sống cùng trung đội trong chiến tranh thời chống Mỹ. Giữa năm 1972, trong một trận càn của quân ngụy lên căn cứ của ta ở Đầm Rơi. Sau một loạt pháo kích của địch dữ dội. Lự bị thương vào đùi không chạy được. Đương phải cố hết sức cõng Lự thoát khỏi vòng vây của địch, cứu Lự thoát chết.
Sau 1975 Lự được thăng quan, tiến chức, mải say mê quyền lực chẳng còn nghĩ tới đồng chí đồng đội. Ngay cả Đương, ân nhân cứu mạng Lự cũng quên luôn.
- Phải cương quyết cưỡng chế bằng được. Kẻ nào chống đối bắt nhốt, bất kể ai. Nội trong ngày hôm nay các cậu phải giải quyết xong. - Lự nói một hơi dài không để Hách đáp lời. Nói xong, cúp máy quay vào nhậu tiếp.
Có được chỉ thị của Lự, Hách ra lệnh cho công an kéo hết những người đứng chắn đầu xe ra xa. Lúc này ông Đương từ trong đám đông, trước đầu xe lao ra, tới trước mặt Hách tức giận:
- Ai, ai ra lệnh cho các ông cưỡng chế.
- Anh Lự, cán bộ cấp cao của tỉnh này (Hách nói).
- Nghe nói tới tên Lự, ông Đương tức sôi máu. Hằn học nói:
- Thằng Lự ư. Trời ơi! Thằng Lự. Biết cơ sự này năm 72 tao để cho bọn ngụy nó bắn chết mi cho xong. Lự ơi sao ngày ấy tao lại cứu mày cơ chứ. Để bây giờ mày làm những điều thất đức với dân. Lự ơi là Lự ơi!
Hách không để ý gì tới những lời ông Đương. Hắn khoát tay làm hiệu cho đoàn xe xông lên húc đổ nhà dân. Căn hộ đầu tiên bị húc đổ là nhà bà Cao Thị Diễm. Chiếc xe ủi gầm rú, trườn qua bờ đê, lao thẳng vô nhà bà Diễm như một con trâu điên lao mình vô đối phương. Húc đổ bức tường đầu hồi phía Đông gạch ngói rơi tơi tả, khói bụi bốc lên mù mịt. Con cháu bà Diễm bồng bế nhau lao ra khỏi nhà kêu khóc thảm thiết giống như thời chiến tranh bị bom đạn Mỹ tàn phá.
Cưỡng chế xong nhà bà Diễm, tiếp đến nhà ông Vạn, bà Hồng, ông Đương... cứ thế cho tới chiều tối gần một trăm căn nhà của sông Lô bị san phẳng. Gạch ngói, đất đá, cây cối đổ ngổn ngang giống như một bãi chiến trường. Đêm hôm đó, cả làng sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. Một bầu không khí đau thương trùm lên cái làng nhỏ bé, mới ngày hôm trước còn sống trong cảnh yên bình, hạnh phúc. Đêm đêm vang lên tiếng trẻ học bài, tiếng nhạc êm dịu phát ra từ những quán cà phê nhỏ bên đường. Giờ đã hết, hết tất cả, chỉ còn lại những tiếng khóc than ai oán!
Hầu hết các gia đình bị giải tỏa không được cấp đất tái định cư đã rơi vào cảnh bi thảm. Bà con phải dựng lều ở tạm trong rừng, ngoài bờ sông. Ông Đương lúc này không còn đủ sức để dựng lều. Đành đưa vợ con và con Vàng chui vô ở tạm trong một cái hang tối tăm ẩm ướt nơi bìa rừng, cách đường làng khoảng năm trăm mét. Cái hang rộng khoảng 3 mét, cao 1 mét, hang này được ông phát hiện ra ngay từ ngày đầu vào rừng đốn cây về làm nhà. Sau này cái hang trở thành người bạn thân thiết với ông trong những ngày đi làm rẫy trú thân khi gặp mưa, gió.
6. Hàng trăm hộ dân của sông Lô đang sống trong cảnh gieo neo, đói nghèo lại mất đất, mất nhà. Bỗng đâu 23 hộ quan chức của tỉnh K., mặc dù đã có đất, có nhà cao cửa rộng trong thành phố nghiễm nhiên lại được cấp mỗi hộ một lô đất tái định cư 200m2 tại vị trí đắc địa, mặt tiền đại lộ Hoàng Diệu. Đất cất xong, họ nhanh chóng sang nhượng hoàn tất, ẵm ngon một mớ tiền trời cho.
Việc cấp đất cho... quan này là một nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện dai dẳng ở sông Lô nhiều năm. Liên tiếp từ năm 2005, nhiều tờ báo trong nước như: Nhân dân, Pháp luật, Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động..., đồng loạt lên tiếng bênh vực cho người dân nghèo sông Lô. Có tờ báo đã gọi sự kiện tranh giành đất ở sông Lô là “địa tặc”.
Báo Pháp luật Việt Nam số 220 (2690) ra ngày 14/9/2005 in bài: Trở lại loạt bài “địa tặc” hoành hành trên vùng đất sông Lô. Hàng loạt cán bộ công chức có liên quan? Kèm theo bài viết dài 2/3 trang là một tấm hình khổ 9x12 in ngay đầu bài báo. Bức ảnh ghi lại trung thực hình ảnh một bà cụ chừng 80 tuổi, tóc bạc phơ, gương mặt già nua khắc khổ, đứng nghiêm trang, chắp hai tay vái lạy các quan chức của tỉnh, hai hàng nước mắt lăn tròn trên gò má nhăn nheo; sau lưng bà là những người dân sông Lô, họ là những nạn nhân bị mất đất, mất nhà đến khiếu kiện vẻ mặt buồn thảm bi ai! Nhìn vô bức ảnh ai cũng thấy nhức nhối, thương cảm trước cảnh tượng một cụ già sắp "gần đất xa trời" phải đứng chắp tay vái lạy những ông quan cách mạng đáng tuổi con cháu mình xin cho được một chốn trên cõi trần để nương thân! Để được sống nốt những ngày ngắn ngủi của cuộc đời. Lời khẩn cầu của bà:
- Xin các ông, đèn trời soi xét cho người dân sông Lô chúng tôi có miếng đất để ở, để thờ ông bà tổ tiên. Được vậy tôi chết cũng cam lòng!
7. 26 tháng Chạp chỉ còn 4 ngày nữa là tới Tết Quý Mùi, ông Đương lúc này sức khỏe đã yếu lắm rồi. Cả tháng nay không đêm nào ông ngủ trọn giấc. Lo cho vợ con sao cho có được vài lon gạo ăn Tết. Ba bốn tháng nay gia đình ông chỉ ăn bắp, ăn khoai thay cơm. Lúc này vợ và con gái ông vô rừng hái lá giang, đem xuống chợ bán kiếm chút tiền mua rau mắm, mình ông với con Vàng ở trong hang. Ngồi trong hang tăm tối, không có một chút ánh nắng mặt trời soi vô. Ông thấy tuyệt vọng suy nghĩ vẩn vơ. Nghĩ về cuộc đời ông. Miệng luôn lẩm bẩm: "Đời mình sao thế? Nửa đời đi theo cách mạng ăn hang ở hầm trên xanh, chiến đấu sống chết với kẻ thù, những tưởng hòa bình về được sống trong nhà cao cửa rộng, cuộc sống ấm êm, nào ngờ lại phải chui rúc trong căn hầm tối tăm lạnh lẽo này. Và cả cái hang này cũng chắc gì được ở lâu dài khi cái khu du lịch sinh thái kia mở ra. Ông trời sao ăn ở không công bằng những kẻ trong chiến tranh nhút nhát, không dám hy sinh gian khổ, tìm mọi cách tụt lại sau, bỏ mặc đồng đội xông lên đối mặt với kẻ thù. Giờ sống trong hòa bình lại được làm quan, đi xe hơi, sống trong nhà cao tầng, cuộc sống dư thừa giống như vua chúa, như thằng Lự, thằng Hách, thằng Thi, con Hồng, thằng Minh... Còn mình thì.... Trời ơi! Mình muốn đâm đầu xuống sông Cầu chết cho xong. Nhưng không thể chết được. Mình còn vợ, còn con, còn bà con làng xóm. Vợ mình một phụ nữ hiền thục luôn sống hết mình vì chồng con nỡ lòng nào mình bỏ mặc mà ra đi. Dù sao mình cũng phải sống; sống để đấu tranh với bọn quan tham hại dân, hại nước".
Ngồi suy nghĩ mãi thấy mệt mỏi, ông dắt con Vàng đi dạo ngoài đại lộ Hoàng Diệu. Vừa đi vừa nghĩ ngợi miên man. Bất chợt nhìn sang bên trái đường, trong khu nhà cao to lộng lẫy như một lâu đài, bên ngoài có hàng rào sắt bao bọc vững chắc. Đó là ngôi nhà của một quan chức cỡ bự của tỉnh mới được xây dựng còn thơm mùi vôi vữa. Vị quan chức này đã có một tòa nhà cao 3 tầng trong thành phố. Khu nhà nơi đây để làm nơi nghỉ mát cuối tuần. Trong nhà lúc này chỉ có một người làm thuê, hàng ngày tưới cây kiểng và trông coi nhà cửa với một con béc-giê cao lớn như con bê con. Con béc-giê đang nằm ung dung trong sân, mồm cạp một miếng thịt bò to bằng bắp chân. Nhìn con béc-giê đang ăn miếng thịt ngon lành, ông Đương thèm ứa cả nước miếng. Ông ước gì mình có được miếng thịt kia mà ăn. Lúc này ông mới sực nhớ cả năm nay gia đình mình không có được một bữa cơm thịt.
Trở về cái hang tối tăm của mình, ông Đương ngồi trầm tư. Hình ảnh con béc-giê với miếng thịt bò cứ ám ảnh trong đầu ông. Con Vàng như hiểu được ý của chủ. Nó vụt chạy ra ngoài. Khoảng 5 phút sau mang về cho ông một miếng thịt heo ước chừng 5 lạng. Miếng thịt bắp còn tươi rói. Chẳng biết nó ăn cắp được ở đâu. Con Vàng mang miếng thịt tới trước mặt ông, giơ hai chân trước gãi gãi vào tay ông. Ông Đương đưa mắt nhìn miếng thịt rồi quay sang nhìn con Vàng. Đặng ông đặt tay lên đầu nó vuốt ve âu yếm. Hai hàng nước mắt ông ứa ra...
Ngoài trời lại đổ mưa, mùa mưa ở miền Trung dầm dề, dai dẳng. Mưa, mưa nước khe suối thi nhau đổ về ầm ầm. Ngồi trong hang nhìn ra thấy những giọt mưa rơi xối xả, đan chéo nhau giống như những sợi dây oan nghiệt đang siết chặt số phận mỗi con người!./.