John C. Bogle: Phụ thuộc vào nhiều thứ
Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta đang nói đến loại thị trường nào và chúng ta coi “đức hạnh” là gì. Hiện nay thị trường “tự do” như mọi người vẫn hiểu đúng ra lại có thể được mô tả một cách chính xác hơn là thị trường “bị trói chân trói tay”. Chế độ tài chính và hoạt động của các công ty khác hẳn với tiêu chuẩn của thị trường tự do cổ điển: cơ cấu lí tưởng, cạnh tranh lí tưởng và môi trường thông tin lí tưởng.
Trong lần xuất bản đầu tiên cuốn: Economics: An Introductory Analysis, cuốn sách giáo khoa mà tôi đọc trong năm học thứ hai ở Princeton vào năm 1948, Paul Samuelson, người được giải Nobel về kinh tế, đã tóm tắt vấn đề một cách chính xác như sau: “Cạnh tranh lí tưởng cũng có vấn đề mà George Bernard Shaw đã có lần nói về Thiên chúa giáo: ‘chỉ có một vấn đề là chưa bao giờ có ai thử làm như thế cả’”.
Một người được giải Nobel nữa là Joseph E. Stiglitz còn nặng lời hơn về những đỗ vỡ gần đây của thị trường tự do. Vốn là kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, Stiglitz nhận xét rằng những vụ bê bối của các công ty trong mấy năm gần đây “có dính líu đến hầu như tất cả các công ty kiểm toán, hầu hết các ngân hàng lớn, nhiều quĩ tương hỗ và một tỷ lệ khá lớn các công ty hàng đầu của chúng ta”. Ông kết luận: “Thị trường không tạo ra kết quả hữu hiệu, chưa nói đến các kết quả phù hợp với nguyên tắc công bằng”.
Tôi có thể khẳng định rằng người ta đang nói tới hậu quả chứ không phải là nguyên nhân. Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không phải là do tính chất cơ bản của thị trường hay là bản chất của con người mà là những thay đổi mang tính cơ cấu của các định chế tài chính và đầu tư diễn ra trong thời gian gần đây. Hơn nửa thế kỉ trước một chút chúng ta đã từng sống trong “xã hội của những sở hữu chủ”, trong đó phần lớn cổ phần của các công ty là do những nhà đầu tư tư nhân nắm. Trong xã hội như thế, “bàn tay vô hình” mà Adam Smith từng mô tả trong thế kỉ XVIII vẫn còn là tác nhân quan trọng. Các nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đó; trong khi theo đuổi lợi ích cá nhân, những người này không chỉ thúc đẩy lợi ích của xã hội mà còn thể hiện những phẩm chất tích cực như sự thận trọng, sáng kiến và tinh thần tự lực cánh sinh nữa.
Nhưng trong mấy thập niên gần đây chúng ta đã trở thành xã hội đại lí, trong đó những người quản lí không có nhiều cổ phần lại giữ quyền kiểm soát những doanh nghiệp khổng lồ của chúng ta. Có thể gọi đấy là chủ nghĩa tư bản của các ông bầu. Tương tự như thế, phần lớn những nhà đầu tư tư nhân hiện nay cũng có các đại lí, tức là những môi giới tài chính nắm đa số phiếu trong các công ty của Mĩ. Hồi đầu những năm 1950, các nhà đầu tư tư nhân nắm 92% cổ phần của tất cả các công ty Mĩ, các định chế chỉ nắm có 8% mà thôi. Trong khi đó, hiện nay các nhà đầu tư tư nhân chỉ nắm trực tiếp có 25%, còn các định chế, chủ yếu là quĩ hưu bổng và quĩ tương hỗ, nắm đến 75%.
Nhưng những người môi giới này lại không hành động như những người đại diện thực sự. Các công ty, những người quản lí quĩ hưu bổng và quản lí quĩ hỗ tương thường lại đặt quyền lợi tài chính của họ lên trên quyền lợi của thân chủ mà họ có trách nhiệm đại diện – đấy là một trăm triệu gia đình, sở hữu chủ của các quĩ hỗ tương và được thụ hưởng tiền hưu bổng. Chuyện đó có đáng ngạc nhiên hay không! Adam Smith từng nhận xét một cách rất sắc sảo như sau: “Những người quản lí tiền của người khác ít khi theo dõi nó một cách sốt sắng … như theo dõi đồng tiền của chính mình… Họ rất dễ dàng tự cho phép mình bỏ qua. Cẩu thả và hoang phí là những hiện tượng chắc chắn sẽ diễn ra thường xuyên”.
Hơn thế nữa, thị trường tự do đã bị mất uy tín vì những định chế làm công việc môi giới của chúng ta dường như không chỉ bỏ qua quyền lợi của các thân chủ mà còn quên cả các nguyên tắc đầu tư của chính họ nữa. Cuối thế kỉ XX chiến lược đầu tư của các định chế đã chuyển từ đầu tư dài hạn đầy khôn ngoan sang những vụ đầu cơ ngắn hạn ngu xuẩn.
Khi những người sở hữu cổ phiếu dài hạn trở thành những người ăn sổi ở thì trên thị trường chứng khoán và khi giá cổ phiếu quan trọng hơn là giá trị của chính công ty thì người ta sẽ không còn quân tâm đến quản trị doanh nghiệp nữa. Nhiệm vụ quan trong duy nhất của giám đốc công ty là bảo đảm rằng bộ máy quản lí tạo ra giá trị thặng dư cho cổ đông, nhưng đối với những nhà môi giới/đầu tư mới của chúng ta thì đây chỉ là mục tiêu phụ mà thôi.
Nhưng đức hạnh lại là giá trị tuyệt đối. Người ta có thể là người có đức hoặc không. Cho nên nếu trong xã hội chúng ta hiện nay đức hạnh đang bị băng hoại (tôi tin là thế) thì chỉ có nghĩa là số người thể hiện phẩm chất đạo đức kiên định ít hơn là số người không có những phẩm chất đó. Liệu việc chuyển từ thị trường tự do sang thị trường “bị trói chân trói tay” có góp phần thúc đẩy quá trình đó hay không? Chắc chắn là có. Tiêu chí đạo đức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và ngành tài chính của chúng ta đã bị méo mó. Cách đây mới vài chục năm vẫn còn tồn tại nguyên tắc là: “Có những việc mà trong bất kì hoàn cảnh nào người ta cũng không làm”. Xin gọi đấy chủ nghĩa tuyệt đối về đức hạnh. Còn hiện nay qui tắc chung là: “Nếu tất cả mọi người đều làm như thế thì tôi cũng có thề làm”. Chỉ có thể gọi quan điểm này là chủ nghĩa tương đối về đức hạnh.
Sự thay đổi như thế giúp giải thích một số rối loạn diễn ra trong thời gian gần đây trong thị trường tự do. Chúng ta đã chứng kiến những cố gắng nhằm quản lí giá cả những món hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta bán; chứng kiến sự gia tăng đến mức điên rồ tiền lương của các nhà quản trị doanh nghiệp (cách đây 30 năm lương trung bình của các giám đốc công ty chỉ cao hơn 40 lần lương công nhân, hiện nay cao hơn khoảng 500 lần); chứng kiến sự xuyên tạc số liệu tài chính trong báo cáo kiểm toán nhằm tạo ra ảo tưởng về sự gia tăng thu nhập một cách bền vững; chứng kiến những số tiền khổng lồ, gây bất bình cho dư luận, được trả cho những người vận động hành lang nhằm “điếu chỉnh” các bộ luật theo hướng có lợi cho những người giàu và có thế lực; chứng kiến những thương vụ đầy mạo hiểm và những sáng kiến rất tốn kém trong hệ thống ngân hàng của chúng ta.
Nhưng bây giờ cuộc khủng hoảng tài chính lại đổ lên đầu chúng ta, phần lớn gánh nặng không rơi vào một ít những người thiếu trách nhiệm, đã để xảy ra tình trạng như thế mà lại rơi vào nhiều người, những người đã trót đi ngược lại lời khuyên nhủ là phải tiết kiệm và thận trọng, những người đã bị lôi kéo vào quá trình gọi là đầu tư chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp được đánh giá quá cao và những người đi vay nợ, rất nhiều người trong số đó đã bị đuổi ra khỏi nhà. Chủ nghĩa tư bản “bị trói chân trói tay” như thế đúng là có làm băng hoại các giá trị đạo đức của chúng ta vì lợi ích thì cá nhân hưởng, còn rủi ro thì xã hội chịu (dưới hình thức trợ giúp của nhà nước). Cả hai hiện tượng đó đều là sự phản bội những nguyên tắc của thị trường tự do. Vì vậy xã hội phải đòi hỏi nâng cao các giá trị đạo đức trong một hệ thống thị trường tự do hơn.
Michael Novak: Không! Nhưng mà…có
Khi nước Mĩ mới giành được độc lập, phần lớn các nước được tổ chức trên cơ sở quí tộc điền chủ hay là giới quân nhân đầy sức mạnh. Những người lập quốc của chúng ta đã bác bỏ cả hai mô hình này và khẳng định dứt khoát rằng xã hội mới - được xây dựng trên nền tảng thương mại tự do - sẽ tạo ra không chỉ những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn mà còn tạo ra những bảo đảm vững chắc hơn cho chế độ pháp quyền. Xã hội đó sẽ không dành toàn tâm toàn ý cho việc theo đuổi quyền lực mà là tạo ra sự giàu có về mặt vật chất. Như Alexander Hamilton viết trên tờ Federalist #12: “Hiện nay tất cả các chính khách đã được khai minh đều hiểu và công nhận rằng sự thịnh vượng trong lĩnh vực thương mại là hữu ích nhất, đồng thời là lực lượng sản xuất có năng xuất cao nhất của sự giàu có của xã hội và vì vậy mà trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu trong chính sách của họ”. Thương mại đưa con người thoát ra khỏi những nguồn gốc của sự chia rẽ và bất hòa. Lòng nhiệt tình của họ sẽ chuyển từ lĩnh vực chính trị sang hoạt động kinh tế, và tinh thần hợp tác cần thiết cho thị trường tự do sẽ dần dần nâng cao lòng trung thành của họ với nước cộng hòa.
Ngoài ra, xã hội thương mại sẽ tốt, tốt hơn rất nhiều đối với người nghèo và sẽ có tác động tốt đối với đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân. Nhờ nghiên cứu kĩ lưỡng lịch sử, những lập quốc Mĩ đã nhận thức được rằng xã hội dựa vào sức mạnh quân sự có xu hướng dễ nổi giận và khó dự đoán – sẵn sàng đánh nhau khi lòng tự hào bị tổn thương – trong khi những khoản chi phí to lớn và thường xuyên như thế lại đổ lên đầu lên cổ người nghèo. Cảnh nghèo đói hầu như không giảm suốt từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, David Hume, nhà triết học người Scotland khẳng định như thế. Những cuộc chiến vì danh dự, báo thù và tranh cãi giữa các vị hoàng đế, các ông vua và các vị nam tước, đã xóa sạch, hết lần này đến lần khác, những bước tiến nhỏ nhoi do người nghèo tạo ra.
Nói về các quí tộc điền chủ thì cuộc sống của họ chỉ là những ngày lễ hội, giải trí, tiêu khiển và những trò nhảm nhí khác. Mặc dù nhiều nam tước, bá tước có tinh thần hiệp sĩ và đã từng là những chiến binh dũng cảm, tự rèn luyện lấy những đội thân binh của mình, nhưng nói chung họ đều có cuộc sống vô tích sự. Họ sống xa hoa như thế là do thu nhập từ những điền trang rộng lớn và lao động của người nông dân. Họ nuôi quân đội là để sử dụng cho hết số lương thực dư thừa mà những con đường thô sơ và tình trạng vô luật pháp (bên ngoài các thành phố lớn) cản trở không thể biến thành sản phẩm thương mại được.
Xây dựng xã hội mới trên nền tảng của chế độ quí tộc hoặc quân phiệt sẽ gây nguy hiểm cho nền cộng hòa, các nhà lập quốc Mĩ kết luận như thế. Nước cộng hòa cần những con người tự chủ, tự lực tự cường, sáng kiến, sáng tạo và không sợ lao động, tự hào vì đã trở thành những người lao động hăng say, có sáng kiến và quyết tâm tìm ra những cách làm tốt hơn (thường là ít vất vả hơn). Tự chủ và sáng kiến đưa đến việc cải tiến một cách thường xuyên hàng hóa xã hội, sẽ trở thành thành quả của xã hội thị trường – ít nhất là đối với nước cộng hòa non trẻ như Hợp Chủng Quốc Hoa Kì.
Hơn thế nữa, các nhà lập quốc của chúng ta cho rằng xã hội được xây dựng trên cơ sở thương mại sẽ phải đòi hỏi trách nhiệm của từng người trước pháp luật. Xã hội không chấp hành pháp luật, tòa án không buộc được người ta thực hiện hợp đồng thì làm sao những người tham gia buôn bán có thể chấp nhận những rủi ro lớn trước khi họ nhận được toàn bộ tiền công được trả cho những cố gắng của mình? Tàu bè đi từ New England đến châu Á mua trà sẽ phải được trả tiền trước khi họ quay về và bán hết hàng hóa. Phải chiến đấu chống lại bọn cướp biển không chỉ bằng luật thành văn mà còn bằng hỏa lực trên biển (vì vậy mà Jefferson đã đưa quân đi đánh bọn cướp biển ở Barbary). Không cò gì ngạc nhiên khi khẩu hiệu của Amsterdam – lúc đó là một trong những trung tâm thương mại chủ yếu của thế giới và được các nhà lập quốc của chúng ta ngưỡng mộ - là Commercium et Pax: Thương mại củng cố hòa bình. Thương mại chính là sự trao đổi một cách hòa bình giữa những người láng giềng với nhau chứ không phải là cướp đoạt bằng vũ lực.
Cha ông chúng ta tin rằng thị trường sẽ dạy tất cả các thành viên của xã hội lòng nhiệt tình lao động, tính nhất quán và sáng tạo. Nó cũng sẽ dạy cho người Mĩ tinh thần dũng cảm, dám mạo hiểm (như các vị thuyền trưởng ở New England), khiêm nhường trong những kì vọng về lời lãi và tiết kiệm trong những khoản tái đầu tư nhằm thu lợi trong tương lai. Đấy là những hoạt động sẽ thay thế cho sự tiêu dùng hoang phí của giới quí tộc điền chủ. Xã hội trên cơ sở thị trường khuyến khích tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, đức hi sinh và hướng tới tương lai trong các công dân của nó. Đấy là những người công dân đặc biệt cần nếu ta muốn tạo ra một nước cộng hòa thượng tôn pháp luật và thịnh vượng.
Vì cội rễ của xã hội thị trường - thói quen sáng kiến và sáng tạo, tôn vinh tình yêu lao động, hướng tới tương lai - là đòi hỏi của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, các nhà lập quốc của chúng ta đã nhanh chóng nhận thức được vai trò của tôn giáo và đạo đức trong việc kiềm chế các bản năng thương mại, trong việc giữ chúng trong những giới hạn nhất định và hướng những bản năng này theo hướng xây dựng chứ không phải là phá hoại. “Nhiều việc người Mĩ không giám làm là do tôn giáo chứ không phải do luật pháp”, Tocqueville đã nhận xét như thế.
Mặt khác, sau một thời gian, thành công của xã hội thị trường cũng sản sinh ra một loạt ảnh hưởng tiêu cực làm băng hoại sức mạnh đạo đức của xã hội. Thế hệ trẻ coi sự thịnh vượng giành được do sự hi sinh của cha ông họ như là điều đương nhiên. Một số người không muốn tuân thủ các nguyên tắc của nước cộng hòa được xây dựng trên cơ sở thương mại, một số người khác lại coi thường sự tiết giảm của cha ông mình. Những thế hệ quen lao động cần cù và biết giữ kỉ luật có thể sinh ra những thế hệ thích phản kháng và nổi loạn, thích hưởng thụ chứ không muốn làm những công việc khó nhọc. Thế hệ tiết kiệm cho ngày mai được thay thế bằng thế hệ chỉ muốn sống được ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy là, chính thành công của nước cộng hòa thương mại lại làm suy yếu sức đề kháng trong lĩnh vực đạo đức của thế hệ trẻ. Nhà xã hội học Daniel Bell gọi vòng quay của bánh xe này là “những mâu thuẫn trong lĩnh vực văn hóa của chủ nghĩa tư bản”. Nói cách khác: tiêu chuẩn đạo đức cao sau một thời gian lại trở thành phi đạo đức.
Chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi những tác nhân làm cho đạo đức suy đồi ngày càng nhanh hơn. Nhưng suy đồi đạo đức chỉ là một trong những khả năng, đấy không phải là kết quả tất yếu. Sau khi được cảnh báo, chúng ta có thể thực hiện cố gắng nhằm vượt qua sức hấp dẫn của nó. Như vậy nghĩa là, nhiệm vụ vĩ đại nhất của xã hội thị trường là củng cố đạo đức và văn hóa, là trở về với cội nguồn tinh thần mà cha ông ta gọi là “Sự Thức Tỉnh Vĩ Đại”.
Theo ý kiến của Robert Fogel - giải thưởng Nobel về kinh tế học - thì Hợp Chủng Quốc Hoa Kì hiện đang từ từ chuyển sang “Sự Thức Tỉnh Vĩ Đại Thứ Tư”. Quá trình này được thể hiện thông qua việc quay trở lại với nền tảng, nhấn mạnh vào quan hệ gia đình, kêu gọi giới trẻ tự hình thành những thói quen sử dụng ý chí và trí tuệ, vốn là những bảo đảm tốt nhất cho một tính cách mạnh mẽ. Thế hệ trẻ là hi vọng tuyệt vời nhất cho sức sống trong tương lai của quyền tự do và hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực thương mại của chúng ta.