: Nói chung là không
Trong các vấn đề đạo đức, thị trường tự do hoạt động giống như một bộ khuếch đại vậy. Đưa vào tay chúng ta nhiều tài sản và nguồn lực hơn, tức là thị trường làm gia tăng và làm nổi bật thêm tất cả những tính cách mà chúng ta đã có. Kết quả chung cuộc thường là tích cực. Đa số người thích có cuộc sống tốt đẹp cho mình, cho gia đình và bạn bè mình, và những ước mơ như thế chính là một phần của đức hạnh. Thị trường tạo điều kiện cho rất nhiều người, thuộc mọi tầng lớp xã hội, cố gắng giành và giành được những mục tiêu chung đó của con người.
Các đặc điểm khác của thị trường tự do cũng khuyến khích những điều tốt đẹp hơn trong bản tính của chúng ta và ngăn chặn những xung lực mang tính phá hoại của chúng ta. Những người biết cộng tác với những người khác thường là những người kiếm được nhiều tiền hơn là một thí dụ. Họ dễ dàng làm việc với các đồng sự, dễ dàng tiếp xúc với khách hàng, và trình bày kế hoạch kinh doanh khéo léo hơn những người khác. Hợp tác càng mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích thì tính cách của chúng ta càng phát triển nhanh hơn theo hướng đó.
Về mặt cá nhân, thị trường tự do cũng tạo điều kiện cho người ta thực hiện được một loạt dự định tốt đẹp khác nhau. Thị trường tạo điều kiện cho những người có khả năng sáng tạo có thể cung cấp cho đồng bào của mình những dịch vụ đặc biệt: phát minh ra các loại thuốc chữa bệnh mới, làm ra những công cụ lao động có thể tiết kiệm được sức người, tìm ra những phương pháp nhằm cung cấp lương thực cho thế giới một cách rẻ hơn và hiệu quả hơn. Cơ hội trở thành giàu có thường là nguồn động viên cho những người có tinh thần sáng tạo như thế, cái tôi và tham vọng cá nhân cũng là những nhân tố cực kì quan trọng. Nhưng chúng ta không được coi những động cơ này là xấu xa. Thị trường tạo điều kiện gắn ước mơ làm giàu và tham vọng cá nhân của chúng ta với những những tình cảm vị tha của chúng ta. Thị trường làm bừng lên trong ta nhận thức rằng muốn có lời thì phải làm việc thật tốt. Và dĩ nhiên là nó cũng tạo ra những tiền đề để người ta có thể hiến tặng tài sản và lao động của mình vì những lí do bác ái.
Trên bình diện quốc tế, tính ưu việt về mặt đạo đức của thị trường còn rõ ràng hơn. Xin xem xét hiện tượng di dân. Trên khắp thế giới người đều muốn đi khỏi những nước không tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển và đến những nước tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển – tiền không phải là động cơ duy nhất. Cơ hội được sống trong một hệ thống bảo đảm một đời sống có chất lượng cao hơn và đặc biệt là cơ hội thoát khỏi những quan hệ mang tính “cánh hẩu”, làm băng hoại đạo đức của những mô hình kinh tế khác, cũng là những tác nhân có sức hấp dẫn cực kì to lớn. Năm nào tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) cũng công bố xếp hạng những nước tham nhũng nhất thế giới. Năm vừa qua đứng đầu danh sách tham nhũng là Iraq, Myanmar, và Somalia. Những nước ít tham nhũng nhất là Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand – tất cả đều là những nước có nền kinh tế thị trường năng động.
Như vậy, có phải là thị trường diệt trừ được tham nhũng? Không, nhưng rõ ràng là sự thăng tiến của thị trường và sự thoái lui của nạn tham nhũng là một thành tố của xu hướng tiến bộ liên tục và bao trùm trên toàn thế giới. Một trong những chức năng chủ yếu của thị trường là tạo ra sự đồng thuận về một số tiêu chuẩn đạo đức nhất định: tuân thủ thỏa thuận, sự trung thực trong các thương vụ, những người hoạt động trên thương trường phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện lời hứa. Hậu quả xã hội tích cực của tất cả những tiêu chuẩn đạo đức này vượt xa khỏi lĩnh vực thương mại, bất kì người nghiên cứu thị trường hiện đại nào cũng nhận thấy điều đó.
Cũng phải nói thêm một vài điều. Không phải thị trường nào cũng là thị trường “tự do”, theo nghĩa là được pháp luật bảo hộ nhằm chống lại những hành động gây hấn và lừa đảo. Thị trường tự do đòi hỏi một mức độ tin cậy nhất định và nó cũng đòi hỏi phải có nhận thức chung, trên bình diện văn hóa, các qui tắc hoạt động của thị trường. Các thị trường mà tôi xin gọi là “rởm” không đáp ứng được các tiêu chí đó. Ở đấy, những kẻ bất lương như bọn đâm thuê chém mướn và mafia có thể thực hiện những hành động phạm pháp mà không bị trừng phạt, và những doanh nghiệp lừa đảo có thể bán những món đồ ăn cắp được hoặc những món hành kém chất lượng hay (mượn đầu đề báo chí trong thời gian gần đây) dúi cho người ta những khoản vay với điều kiện “tốt” đến mức đáng ngờ.
Chúng ta cũng không được tự dối lòng bằng cách nghĩ rằng tính tự tư tự lợi - theo nghĩa rộng của từ này – mà thị trường khuyến khích, bao giờ cũng là đức tính tốt đẹp. Việc thực hiện các mục tiêu của gia đình mình, bạn bè mình và của cộng đồng chắc chắn là có chứa đựng nhân tố tích cực về mặt đạo đức, nhưng nó lại có thể đi kèm với tính đố kị, lòng tham, tự dối mình và một loạt khuyết tật khác nhau của con người. Mở rộng các lĩnh vực hoạt động xã hội là thị trường cũng đồng thời tạo thêm không gian tự tung tự tác cho các khuyết điểm đó của chúng ta.
Nhiều người trong chúng ta – những người quan sát đời sống kinh tế, và đặc biệt là các nhà báo hay các nhà khoa học – thường rất hay chú ý đến những những hiện tượng tiêu cực vừa nêu. Nhưng chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn về sự tiến bộ của nhân loại. Rõ ràng là trong thời đại của chúng ta – thời đại của sự phát triển và mở rộng nền kinh tế - những biểu hiện tích cực của thị trường đã lấn át những biểu hiện tiêu cực của nó. Điều này đúng không chỉ là vì của cải đã tạo ra những lợi ích vật chất và mà còn vì nó còn có ảnh hưởng tích cực đối với đức hạnh của cá nhân nữa.
Vadim Novikov: Có, nhưng cũng có thể nói như thế về gia đình
Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới đã có sẵn sự hài hòa, nơi mà các giá trị của chúng ta không mâu thuẫn với nhau, nơi mà việc thực hiện một cách trọn vẹn bất kì nguyên tắc nào của chúng ta cũng chì đòi hỏi một và chỉ một tập hợp các hành động mà thôi. Nhưng chúng ta không được hưởng niềm vui đó. Quan niệm về công bằng và từ bi, trung thực và nhân hậu, quan tâm tới người thân và tôn trọng họ thường lại đòi hỏi ta phải có những hành động khác nhau.
Tự do cũng như thế. Tự do không phải là một giá trị không có xung đột, chỉ trong những trường hợp hãn hữu nó mới hoàn toàn hài hòa với những giá trị khác mà thôi. Có lúc thì nó mâu thuẫn với phúc lợi, có lúc nó lại mâu thuẫn với lẽ công bằng và đấy không phải là những mâu thuẫn duy nhất. Nếu chúng ta phải lấy giá trị của tự do làm kim chỉ nam thì không phải là vì rằng cùng với nó, chúng ta sẽ nhận được tối đa các giá trị khác mà vì rằng sự hi sinh là cần thiết.
Tùy thuộc vào thế giới quan mà người ta coi cái gì là hi sinh và sự hi sinh đó nghiêm trọng đến mức nào. Cái mà người này coi là mất mát, hi sinh thì người khác lại coi là được. Vấn đề rắc rối là ở chỗ “thị trường tự do” chỉ là kí hiệu ngắn gọn, biểu thị cho rất nhiều quyết định và giao kèo mang tính cá nhân, cái chung ở đây chỉ là không bị ai ép buộc khi ta chọn giải pháp này hay giải pháp khác. Tất cả những quyết định khác nhau đó không thể có cùng hậu quả đối với đức hạnh.
Nhưng dù có quan niệm như thế nào về đạo được thì ta cũng dễ đồng ý với nhau rằng không phải lúc nào người ta cũng tuân theo các nguyên tắc của mình trong khi quyết định thực hiện một giao kèo nào đó, chứ chưa nói là tuân theo các nguyên tắc của chúng ta. Kết quả là không phải lúc nào người ta cũng khuyến khích những ngưới khác thể hiện những tính cách và thực hiện những hành vi mà họ cho là chân chính, và ngược lại, không phải lúc nào người ta cũng trừng phạt những tính cách và hành động xấu. Thế mà đúng ra là cần phải gọi những hoàn cảnh khi mà cái xấu không bị trừng phạt và cái tốt không được khen thưởng là “sự phá hoại các giá trị đạo đức”.
Tuy nhiên, cũng có thể nói như thế về gia đình. Sự gắn bó làm cho chúng ta trở thành thiên vị và đôi khi buộc chúng ta phải hành động trái với các nguyên tắc của mình. Kết quả là gia đình góp phần phá hoại các giá trị đạo đức. Không phải là phá hoại tất cả và không phải lúc nào cũng phá hoại, chỉ phá hoại một số và đôi khi mà thôi.
Giải thích không phải là khó – chúng ta tham gia vào việc buôn bán trên thương trường và tạo ra gia đình là vì quyền lợi và sự gắn bó của chính mình chứ không phải là vì các nguyên tắc. Các định chế được xây dựng cho mục đích này khó mà có thể có ích các mục đích khác một cách hoàn hảo. Điều làm ta ngạc nhiên là trên thực tế chúng có giúp ích, dù là không thật hoàn hảo. Quyền lợi cá nhân và tình yêu thường khi lại làm được những công việc mà chỉ có tinh thần trách nhiệm không thôi thì khó mà làm nổi. Cần phải tính đến cả chuyện đó trước khi đưa ra phán quyết về ảnh hưởng của thị trường tự do đối với các giá trị đạo đức.
Kết quả: thị trường tự do tăng cường hay làm giảm đi những đặc điểm tiêu cực sẵn có trong mỗi người? Những cố gắng nhằm đưa ra câu trả lời bằng một từ chỉ làm cho vấn đề trở thành rối rắm thêm chứ không giải quyết được gì (mặc dù nhằm thể hiện rõ quan điểm của mình, xin nói rằng tôi nghiênh về phía cho rằng thị trường có ảnh hưởng tích cực). Giống như sự kiện là người ta sẽ chẳng bao giờ phải lựa chọn giữa việc mua tất cả nước hay mua tất cả kim cương trên thế giới, trong cuộc sống thường ngày chúng ta cũng không phải lựa chọn giữa thị trường hoàn toàn tự do với sự mất hoàn toàn tự do về mặt kinh tế. Vấn đề, như vậy là, có phải lúc nào những ý kiến hợp đạo lí và có lợi cho tự do cũng thắng được những ý kiến khác hay không.