Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
743
123.239.156
 
Số phận con gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng
Trầm Hương

Hơn 7 năm trước (1993 ), khi Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện bộ phim tài liệu “Giữa ngàn thác lũ” về những người nữ tù chính trị và tù binh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hình ảnh chị Phan Thị Tiết, người con gái được bà Phan Thị Chạy sinh trong nhà tù Phú Mỹ sau Khởi nghĩa Nam Kỳ hiện đang sống trong túp liều rách nát, tồi tàn bên dốc Cầu Đúc- Bưng Môn ven quốc lộ 1A (Thị trấn Cai Lậy- Mỹ Tho) lướt qua trong phim. Trong sự hạn hẹp thời lượng của bộ phim tài liệu, những mảnh đời dài dằng dặc, trĩu nặng, những bi kịch, thậm chí những số phận còn chịu nhiều oan khuất, bất công do phải “ngược dòng” trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chỉ vài phút lướt qua… Nhưng để có vài phút “lướt qua” ấy, đoàn làm phim phải tìm đến các địa chỉ trong kịch bản để gặp, để quay.  Hôm ấy, từ dưới dốc cầu, tôi nhìn thấy chị Tiết gánh nước đi xuống. Đôi chân chị nổi vồng những đường gân bệnh tật, tần tảo.  Chị hào hển vượt qua dốc cầu bằng đôi chân của người phụ nữ ở tuổi 50,  đôi quang  gánh nặng trĩu trên vai, nước sóng ra ngoài, bước vội trở về nhà cho “truyền hình quay phim”. Sự kiện người phụ nữ vô danh, nghèo khổ bên dốc cầu Đúc Bưng Môn  được quay phim, chụp ảnh làm náo động cả xóm nghèo. Hôm ấy, những người hàng xóm tốt bụng của chị nói: “Nhờ mấy cô, mấy chú truyền hình, nhà báo tìm cách giúp, chớ bả nghèo lắm, một nách nuôi đàn con thơ năm sáu đứa, chồng bỏ theo vợ khác từ lâu, gạo mua từng lít, bữa đói bữa no…”. Đây là tình huống hoàn toàn ngoài kịch bản, bởi chúng tôi về Cầu Đúc- Bưng Môn- Cai lậy- Mỹ Tho để gặp con gái bà Chín Chạy, với mục đích đi tìm lại bóng dáng của một người phụ nữ đã từng bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, đã sinh con trong nhà tù Phú Mỹ sau Khởi nghĩa Nam Kỳ  thất bại…

 

Bà Chín Chạy là ai? Nếu như không được bà Ngô Thị Huệ, nguyên Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương  kể về Bà với niềm thương cảm sâu sắc trong một buổi họp mặt nữ tù, những người ở thế hệ chúng tôi làm sao biết được. Tên tuổi bà gắn với những trang sử vẻ vang đất Cai Lậy vào một ngày mùa đông năm 1940. Lần theo những trang sử Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho, chúng tôi gặp lại những số phận đã làm nên những trang  sử  đau thương và nghĩa khí  của một vùng châu thổ. Vào nửa đêm 22 rạng ngày 23, tiếng trống, tiếng mõ báo hiệu Khởi nghĩa Nam Kỳ ở  Mỹ Tho bắt đầu  vang lên từ đình Long Hưng, bên bờ kinh  Nguyễn  Tấn Thành. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lần đầu tiên được treo lên nóc đình. Đồng Bào Mỹ Tho hưởng ứng lệnh khởi nghĩa với khí thế hào hùng, sôi sục. Hàng ngàn quần chúng xuống đường với vũ khí thô sơ “tầm vông vạt nhọn”, vài khẩu súng mút….

 

“Đoàn biểu tình thị uy của quần chúng kéo tới  Vịnh Bà  Thu (xã Tân Bình)   gần  quận lỵ Cai Lậy, thì gặp một toán lính mã tà. Lúc đầu, do ta làm công tác binh vận, cho nên lính mã tà không bắn vào đoàn biểu tình. Khi tên chủ quận Nguyễn Văn Tâm đến, hạ lệnh nổ súng. Quần chúng vẫn ào ào tiến lên. Lính địch và quần chúng biểu tình  đánh nhau áp lá cà. Địch nhắm bắn chị đang phất cao cây cờ hò reo kêu gọi anh chị em tiến lên. Chị ngã xuống, một chị khác tiến lên thay thế, quyết  không cho cây cờ rớt xuống… Trong trận này, nghĩa quân hy sinh một chiến sĩ, bị thương 7 và sau đó địch lùng bắt 38 người”.

 

Buổi sáng ngày 23 tháng 11 năm ấy có một người phụ nữ cầm cờ đã ngã xuống, một chị khác tiến lên thay thế người hy sinh , cầm lấy lá cờ thấm máu phất cao phía trước kêu gọi đoàn người tiếp tục tiến lên…  Người phụ nữ ấy tên là Phan Thị Chạy, quê ở Tân Mỹ Hạnh- Cai Lậy- Mỹ Tho. Lúc thay người ngã xuống cầm lấy lá  cờ, bà đã có thai ba tháng. Bà bị bắt xuống tàu . Mái tóc dài  của  người phụ nữ bị xổ tung . Kẻ thù dùng tóc bà cột vào mạn tàu đưa về khám Mỹ Tho đánh đập, khai thác rồi đưa về khám Phú Mỹ Sài Gòn …

 

Chị Phan Thị Tiết, người con gái của bà Phan Thị Chạy khó nhọc  đặt thùng nước trước sân nhà, lảo đảo bước vào nhà. Chén cơm nguội lót lòng hồi sáng sớm không cung cấp đủ năng lượng cho công việc gánh nước mướn nặng nhọc này. Mãi cho đến bây giờ tôi mới thấu hiểu điều giản dị ấy. Còn vào lúc đó (khoảng tháng 9 năm 1993), đi cùng đoàn làm phim của Hãng phim truyền hình, chúng tôi chỉ chăm chắm vào mục đích “nghệ thuật” của mình. Chúng tôi chỉ cốt sắp xếp, bố cục cho chị ngồi đâu, đi lại thế nào lúc kể chuyện để camera dễ rê tới rê lui cho tiện, cho hình ảnh đắt, để mỗi khuôn hình đều mang ý nghĩa triết học” theo cách nói của một đạo diễn vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Điện ảnh còn đậm màu sách vở, lý thuyết. Về phần chị Tiết, vì quá nể  Đoàn làm phim được bà Ngô Thị Huệ, một người bạn tù của mẹ mình năm 1940 đưa tới, chịsẵn sàng bỏ buổi gánh nước mướn, nhịn đói “ đóng phim”. Chị làm theo yêu cầu của Đạo diễn ngồi ở góc này, đứng lên đi lại góc khác, trong nhà, ngoài hàng hiên để máy rê theo… Được một lúc, dưới ngọn đèn quay phim bật lên sáng choang, mồ hôi đầm đìa trên trán, mặt chị tái xanh… Mãi cho đến giờ tôi mới biết là lúc ấy  bụng chị trống trơn, chị đã đói “rả ruột” nhưng chị vẫn cố gắng hết sức chống lại cơn đói. Lúc đầu chị nói rụt rè, ngượng ngập nhưng dần dần ký ức cuồn cuộn trở về, chị quên đi trước mặt là camera, là đèn, là những người làm phim đứng láo nháo, quên đi cái đói đang hành hạ, chị kể về người mẹ của mình…

 

Mùa đông năm 1940, bà Chạy bị tra tấn dã man, nếm đủ mọi ngón đòn tàn bạo của kẻ thù, vẫn một lòng trung kiên với cách mạng. Bất chấp xích xiềng tù ngục, cái thai trong bụng bà mỗi ngày mỗi lớn. Trong lúc bị kết án tù chung thân khổ sai, bà Chạy sinh con trong những ngày tù ngục. Người mẹ ấy đã chịu đựng, nếm trải bao nỗi trần ai, khổ nhục, cay đắng để bảo vệ đứa con bé bỏng của mình, đã đi cùng cách mạng đến hơi thở, giọt máu cuối cùng. Chị Tiết chính là đứa con gái trong bụng người mẹ  anh hùng ấy …

 

Đầu năm 1941, khi sinh con, bà Phan Thị Chạy đặt tên cho đứa con mình là Tiết. Trong ý nghĩ của Bà lúc ấy, Tiết có nghĩa là tiết hạnh, giữ gìn khí tiết. Đứa bé sống trong tình thương và sự đùm bọc của các chị em tù trong khám. Kẻ thù muốn cách ly đứa bé khỏi người mẹ đã dùng áp lực bỏ đứa bé khát sữa. Tiếng khóc đến mỏi hơi vì kiệt sức của đứa bé khiến người mẹ đành phải gửi con cho một bà xơ.  Bà cắn chặt răng nuốt vào trong những giọt nước mắt trào ra từ trái tim dạt dào tình mẫu  tử . Một người lính tập gác cửa khám không dằn được nỗi thương tâm đã tìm cách báo cho ông Phan Văn Chót- chồng bà Chạy biết được tình cảnh của đứa con côi cút. Ông Chót đã tìm gặp bà xơ  xin lại đứa bé. Những năm tháng tuổi thơ của Tiết thiếu  bàn tay chăm sóc của  mẹ. Bên người cha, chị lớn lên bằng nước cơm khuấy với đường tán, những bữa bú thép, những đêm khóc đến mòn hơi vì thiếu  sữa. Ông Chót vừa phải làm lụng  nuôi con vừa tham gia kháng chiến chống Pháp. Cảnh gà trống nuôi con, nhiều nỗi  vụng về, nhiều nỗi thương tâm. Cô bé Tiết côi cút, nghèo khổ  lớn lên  trong những ngày gia đình ly tán, đất nước nhiễu nhương còn sống được đã là điều may mắn, nói gì đến chuyện được dạy dỗ,  học hành. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, bà  Chạy được ra tù. Bà tiếp tục tham gia kháng chiến khi giặc Pháp quay trở lại Nam Bộ. Năm 1954, trước mấy tháng ký hiệp định Genève, bà Chạy hy sinh trên bờ kênh Dương Văn Dương trong một trận ném bom của giặc Pháp, lúc bà đang dự một cuộc họp. Năm ấy, Tiết  mới 13 tuổi.  Người cha phải đi đánh giặc, cô gái nhỏ đành về sống với bà ngoại…

 

Sau ngày ký Hiệp định Genève 1954, Tiết rất vui nghĩ rằng sẽ được sum họp gia đình. Dù mất mẹ nhưng chị còn có cha, anh  và đứa em trai út. Chị sẽ cùng những người thân dựng lại mái nhà. Nhưng chính quyền  Diệm được Mỹ dựng lên. Chúng lê máy chém khắp miền Nam tìm giết những người Cộng sản. Ông Chót  lại tham gia chống Mỹ. Trong một trận địch phục kích trên bờ kênh 12, ông Phan Văn Chót  đã hy sinh cùng 7 đồng đội. Người  anh của chị Tiết là Phan Văn Quang  nối tiếp truyền thống yêu nước của cha mẹ, từ bỏ cuộc sống bình yên lên đường  chống Mỹ. Anh chiến đấu rất dũng cảm  và hy sinh trên chiến trường Mỹ Tho  vào những ngày chiến tranh ác liệt. Người em út của Tiết được gửi ra miền  Bắc học lúc lên tám, bị mất tích trên đường đi.  Chiến tranh một lần nữa cướp đi người thân cuối cùng của chị. Chị Tiết vậy là hoàn toàn cô độc. Năm 18 tuổi, chị lấy chồng. Người con gái côi cút ấy dành tất cả tình thương cho chồng con, nỗ lực xây dựng một mái ấm.  Gánh chịu nhiều mất mát, chị rất sợ chia ly và đổ vỡ. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với chị.  Người  chồng  đi tìm một hạnh phúc khác bỏ nhà ra đi, để lại người vợ với đàn con  5 đứa nheo nhóc.  Cắn chặt răng nuốt lại bất hạnh, chị một mình tần tảo nuôi con. Ngôi nhà cha mẹ để  lại bị đốt cháy. Chị dắt díu đàn con ra Cầu Đúc- Bưng Môn dựng tạm túp lều để sinh sống…

 

Hơn 30 năm người chồng bỏ đi biền biệt, chị  lặng lẽ sống, lặng lẽ nuôi đàn con bằng nghề gánh nước mướn, đan đệm. Ngôi nhà lá trống  hoác, nhìn thấy cả trăng sao. Sau này, xã có giúp chị lợp lại mái nhà đã dột nát nhưng cuộc sống  của chị vẫn không có gì sáng sủa hơn. Cuối năm 2000, nhân công trình tổng kết lịch  sử Khởi nghĩa Nam Kỳ sau 60 năm- công trình cấp quốc gia do Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tôi trở về Mỹ Tho tìm lại chân dung của những người phụ nữ cho bộ phim tài liệu “Những người phụ nữ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ”. Và lẽ đương nhiên, mẹ chị Tiết- bà Phan Thị Chạy- người phụ nữ đã thay người phụ nữ ngã  xuống cầm cờ  thúc giục đoàn người biểu tình tiến lên, người phụ nữ bị địch bắt cột tóc vào mạn tàu lúc mang thai 3 tháng, người phụ nữ đã sinh con trong nhà tù, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một chân dung tiêu biểu của bộ phim. Đồng chí Trần Văn Sớm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Biên soạn công trình Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ đã phát biểu trong một buổi sơ kết: “Đây không chỉ là một công trình nghiên cứu lịch sử mà còn là cuộc về nguồn, tìm lại những số phận bị quên lãng…”. Trên đường đi, nhìn cảnh khởi sắc, trù phú của màu xanh ven quốc lộ 1 với những ngôi nhà mới tinh, ngói đỏ  xây đẹp thấp thoáng trong những vườn cây sum xuê, xanh mát; nhìn dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập trong những ngày giáp Tết,  tôi nghĩ chắc là cuộc sống của gia đình chị Tiết đã đỡ khổ hơn xưa rất nhiều, bởi dù gì thì giờ đây chị cũng cảm thấy được tự hào, được an ủi, ấm áp bởi người mẹ chịu nhiều trần ai, đau khổ năm xưa của chị nay đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bởi bản thân bà, chồng và con trai đều hy sinh. Chị Tiết hiện nay là người cuối cùng còn sống sót trong gia đình Bà mẹ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy. Cũng như chúng tôi rất vui mừng khi trở lại thăm Dì Phan Thị Xứng và tận mắt chứng kiến ngôi nhà lá lụp xụp xưa kia của Dì Xứng đã được thay bằng ngôi nhà tình nghĩa sáng sủa, khang trang (Cả hai mẹ con dì Xứng đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Tôi còn đang miên man  với ý nghĩ này thì xe dừng lại dốc Cầu Đúc Bưng Môn. Tôi tìm kiếm… Quả là khung cảnh có nhiều đổi thay sau hơn 7 năm. Nhưng kìa, ngôi nhà lá cũ kỹ, rách nát của chị Tiết vẫn còn  đó, nằm lọt thỏm xung quanh  dãy phố bên chân cầu. Đoàn làm phim sau 7 năm lại tiếp tục công việc của mình. Lại quay phim, lại phỏng vấn, lại yêu cầu chị đi, đứng, ngồi, kể chuyện  cho camera rê tới, rê lui. Những người hàng xóm của chị sau hơn 7 năm không còn xa lạ trước cảnh quay phim nữa. Lòng tin về chiếc “camera đầy huyền nhiệm” năm nào đã không còn. Họ vây quanh chị Tiết nói:

 

- Quay chi quay hoài, mất  công quá, lại thấy đời bả cũng không khá gì thêm. Sao hỏng giúp cho bả xây lại cái nhà, cho bả đỡ khổ!

 

Chị Tiết không nói gì về nỗi khổ của mình nhưng những người hàng xóm  tốt bụng, chất phác của chị thì không thể im lặng. Một chị nói:

 

- Thấy chỉ nghèo, chỉ khổ mà chúng tôi không chịu nổi. Nói thiệt, không có hàng xóm đùm bọc, cưu mang, mẹ con chỉ chết từ lâu rồi!

 

Tôi nói:

 

- Chị kể rõ vài cái nghèo, cái khổ của chị Tiết đi!

 

Chị Mai, người hàng xóm  dường như từ lâu đã xem cái khổ của gia đình chị Tiết là nổi khổ của chính mình nên chân thành bộc bạch:

 

- Thì cô coi, nhà trống trước trống sau, dột nát như vầy sao không khổ cho được!

 

Tôi nhìn theo tay chị, không khỏi nghe đau thắt ở ngực trước chiếc bàn thờ bằng gỗ mộc đã xiêu vẹo, trên đó là tấm bằng  Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy, những tấm bằng Tổ quốc ghi công các liệt sĩ gồm mẹ, cha và  anh của chị Tiết, những huân chương… Rồi tôi tự hỏi, không biết mùa mưa tới, chị có kịp lợp lại căn nhà đã xiêu vẹo, rách nát, chợt nhìn thấy trên góc cột là bản thông báo  về tình hình an ninh của địa phương được  dán ngược, bởi chị không hề biết chữ. Chị cười thật thà nói:

 

- Tôi thấy có cái mộc đỏ chót, nghĩ cái mộc thì phải để ở trên, ai dè mấy đứa nhỏ nói dán như vậy là ngược!

 

Nụ cười của chị  một lần nữa làm tim tôi nhói đau. Hơn 7 năm qua, dáng tần tảo, lam lũ của chị Tiết vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là giờ đây, chị “ đóng phim” có phần mỏi mệt hơn bởi đói nghèo, tuổi tác thêm chồng chất. Cũng qua những người hàng xóm, chúng tôi mới biết thêm nhiều chi tiết đau lòng về cuộc sống quá bi đát của chị Tiết. Chị Mai nói:

 

- Trên bộ ván cô đang ngồi trước kia để xác thằng Rô, con trai chỉ. Nhà nghèo quá, xin đi lơ xe đò, chẳng may mâm xe nổ. Nó chết lúc mới 18 tuổi,  chủ xe đem xác nó về để trên bộ ván này nè!

 

Tôi hỏi:

 

- Rồi người ta có bồi thường… gì không?

 

Chị Mai cay đắng:

 

- Bồi thường cái gì, cho cái hàng là xong. Tôi cũng chưa thấy ai bạc tình, nhẫn tâm như cha ruột của nó. Lúc thằng Rô chết, có người cho ổng hay, ổng cũng không về…

 

- Hay là hoàn cảnh ông ấy cũng khó khăn…

 

Chị Mai tỏ vẻ bất bình dữdội:

 

- Khó khăn gì, hoàn cảnh gì, nhà ổng khá giả lắm, nghe đâu chủ lò mổ heo ở… Nghĩa tử là nghĩa tận, huống chi đó là con trai mình. Cầm thú còn biết thương con huống chi con người…

 

Nỗi đau khổ triền miên làm cho gương mặt chị Tiết trở nên đờ đẫn, vô hồn, pha lẫn nỗi cam chịu.  Chị Tiết nhìn chị Mai bằng ánh mắt vừa đau buồn vừa như năn nỉ chị đừng nói thêm nữa. Nhưng chị Mai vẫn nói, tay chỉ vào gian buồng hẹp, thấp thoáng chiếc giường đã sập:

 

- Đó, chỉ còn thằng con trai út. Nó đi bán hột vịt lộn chưa về. Năm ngoái, nó lấy vợ, tụi tui đi rước dâu. Tội ghiệp, cưới được vợ thằng nhỏ mừng muốn chết, ai dè, đêm đó động phòng trời lại mưa, nhà dột, giường sập. Tụi này hay được xách chiếu qua trải cho tụi nó ngủ đỡ. Nửa đêm, cô dâu xách gói trốn biệt luôn. Vì nghèo, dốt nát mà chỉ chịu thua thiệt đủ thứ. Từ hồi tôi biết tới giờ có 5 đoàn quay phim tới đây rồi. Làm phim tốn tiền nhà nước làm gì, lấy tiền đó giúp chỉ xây cái nhà tình nghĩa thì bà con ở đây hoan nghinh lắm!

 

Những người hàng xóm tối lửa tắt đèn với chị Tiết cùng ồ lên hoan  hô ý kiến thẳng thắn của chị Mai. Đó cũng là nguyện vọng chung của bà con nơi dốc cầu Đúc Bưng Môn- những người hàng xóm tốt bụng suốt mấy mươi năm nay đã chia xẻ những khó khăn, đùm bọc mẹ con chị Tiết. Cũng hơn 7 năm qua, từ dạo bị té gãy chân, chị Tiết không còn làm nghề gánh nước mướn được nữa. Công việc ấy tuy nặng nhọc nhưng kiếm tiền khá hơn đương đệm bàng. Mấy mẹ con chị vẫn đang sống qua ngày  trong tạm bợ, nghèo khổ đến thắt lòng. Một ngôi nhà tình nghĩa  lành lặn để vong linh những người hy sinh cho Tổ quốc được có nơi trở về, trú ngụ; một số vốn làm ăn như một “cần câu cá” là điều thiết thực, cháy bỏng nhất mà người con gái có số phận côi cút, hẫm hiu  của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy mơ ước. Hơn mấy mươi năm, chị Tiết đã thầm lặng mơ ước mà không hề dám nói ra…

 

Đoạn kết có hậu

Thực hiện những cảnh quay rồi chúng tôi lại lên xe ra đi, bỏ lại chị Tiết đứng tựa cửa trông theo với đôi mắt buồn bã, vô vọng về một kiếp người. Dòng xe cộ trên quốc lộ vun vút lướt qua, sao gương mặt chất phác, cam chịu của chị cứ mãi đi theo tôi với nỗi day dứt khôn nguôi. Người con gái của người nữ tù bị kết án chung thân khổ sai vì tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ đã lớn lên trong cảnh mất nước, cha mẹ ly tán mỗi phương, là con gái của đôi vợ chồng liệt sĩ… lẽ nào cứ tiếp tục cuộc sống trong sự lãng quên và bất hạnh. Hàng ngày, có biết bao dòng xe cộ đủ loại vun vút, ngược xuôi trên quốc lộ 1 đã đi qua ngôi nhà rách nát với số phận bị  quên lãng của chị Tiết…

 

Đoạn kết có hậu

 

Sau chuyến công tác, khi viết xong bài báo, tôi gửi đến tòa báo X. Người phụ trách không nhận đăng bài viết này của tôi với lý do: “ Bài dài quá, lại nặng nề”. Tôi gửi đến tờ báo từng nổi tiếng có số lượng phát hành cao và tiên phong trong các công tác từ thiện cũng không được phản hồi. Tôi gõ mọi cánh cửa, nhờ cả uy tín và trách nhiệm nơi những con người “làm ra lịch sử và viết lại lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ” can thiệp… Nhưng số phận mẹ con chị Tiết vẫn tiếp tục rơi vào quên lãng. Suốt 3 tháng ròng rã như thế, hình ảnh chị Tiết tựa cửa trong ngôi nhà rách nát nhìn theo đoàn làm phim với tất cả  niềm hy vọng cứ ám ảnh tôi. Đêm ấy, tôi chợt thức dậy vào lúc  ba giờ khuya, không tài dỗ lại giấc ngủ. Tôi quyết định rửa mặt cho tỉnh táo, ngồi vào bàn làm việc. Từ trong tiềm thức, lời khuyên của một người bạn thân hiện về trong trí nhớ, thôi thúc tôi: “Bạn cứ ước mơ đi. Khi ước mơ bạn sẽ hành động. Khi hành động bạn sẽ được hoặc chưa được. Còn khi bạn không ước mơ, bạn chẳng được gì cả”. Tôi tự nhủ mình không được tuyệt vọng. Tôi mở máy vi tính, gửi e-mail “Số phận chị Tiết” cho tòa soạn báo một lần nữa, tôi viết thư đến một nhân vật nổi tiếng… Nhưng rồi tôi cất lại lá thư với nỗi mặc cảm: “ Nhân vật ấy quá bề bộn công việc. Tôi e ngại mình làm phiền đến ông, trong khi còn có biết bao công việc quốc gia trọng đại khác”. Loay hoay mãi với những ý nghĩ, tôi không hay rằng bình minh đã thức dậy. Vừng hồng bừng lên phía Trời Đông tuyệt đẹp. Tôi chợt nhớ tới cái hẹn sáng nay  đến tham quan Công ty Du lịch Phú Thọ. Vừng hồng mách bảo tôi hành động: “Hãy in bài viết về số phận Chị Tiết gửi  cho doanh nghiệp này. Biết đâu… Ờ, nếu “mất” thì tôi chỉ mất mấy tờ giấy, còn nếu “được” thì tôi sẽ không còn bị ám ảnh bởi đôi mắt đầy kỳ vọng của chị Tiết”. Anh Hồ Duy Hùng- Giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ nhận bài viết của tôi. Anh đọc qua rồi nói: “ Chúng tôi xem rồi sẽ quyết định”.

 

Chưa đầy một tuần sau, anh gọi điện báo cho tôi: “Chúng tôi đang ở nhà chị Tiết ở Bưng Môn- Cai Lậy đây! Bà con ở đây gọi chị là Niết. Báo hại, tôi đi tìm “Chị Tiết” muốn hụt hơi!”. Sau chuyến đi “thị sát” ấy,  Công ty Du Lịch Phú Thọ quyết định xây tặng cho con gái Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy căn nhà tình nghĩa khoảng 20 triệu đồng. Trong cuộc đời của một người cầm bút, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc như thế.

 

Tháng 4 năm 2001

Trầm Hương
Số lần đọc: 2838
Ngày đăng: 16.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vượt biển (1) - Thanh Giang
Thời cầm súng - cầm bút - Thanh Giang
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long - Thanh Giang
Đêm trăng non Gò Tháp - Thanh Giang
Mẹ tôi - Thanh Giang
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa