Gửi Mr. Do
Mấy ngày nay anh định viết một thư ngỏ để gửi những người biểu tình chống “bành trướng” và cả những người “chống biểu tình” nhưng sợ bị ném đá.
May quá, gặp em viết bài “Biểu tình, ừ thì biểu tình...” nên anh có mấy dòng gửi cho em.
Anh là anh giáo viên quèn, chỉ biết nghiên cứu và dạy học lịch sử nên mượn bài học lịch sử để thay lời muốn nói.
Trong tác phẩm “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, khi nhận xét về vua Tự Đức, Yoshiharu Tsuboi đã viết:
“Tự Đức đã không may mắn. Và có lẽ, bất cứ một nhà vua nào khác, nếu phải đương đầu với những áp đảo hung hãn từ ngoài như vậy, cũng không giữ nổi nền độc lập cho xứ sở.
Ngay từ khi lên ngôi, ông đã phải đối phó với hàng loạt khó khăn lớn. Biết bao thiên tai - hạn hán, nạn châu chấu, lụt lội, dịch hạch và thổ tả…- đã giết hại số đông dân chúng. Bọn lục lâm thổ phỉ từ ngoài xâm nhập vào trong nước, cướp phá tan hoang, trong khi tại miền Nam thì Pháp cùng với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha tới gây hấn và chiếm đóng một phần đất nước.
Dù trong hoàn cảnh đó, Tự Đức đã kiên trì nổ lực nhằm, chủ yếu bằng ngoại giao, cứu vãn chủ quyền.
Không thành công.
Tất nhiên, không phải là vô ích khi nhắc lại đây những lý do chính của sự thất bại đó.
- Vì mất lòng dân…
- Vì yếu kém về kinh tế…
- Vì gánh nặng của di sản…
- Vì những khó khăn về chính trị…
Tự Đức đã thử bù đắp vào sự yếu kém nội bộ đó bằng cách đánh nhiều ván bài trên bình diện ngoại giao. Một mặt, ông đã gởi nhiều phái bộ đi thương lượng tại Pháp và Sài Gòn nhằm lấy lại xứ Nam kỳ; mặt khác, ông vẫn gởi sứ bộ đều đặn đến Bắc Kinh để giữ hòa hiếu với Trung Hoa. Phải chăng khi tạo ra một tình huống quốc tế như vậy, Tự Đức có thể lách qua khỏi cơn nguy khốn và bảo vệ được nền độc lập của xứ sở bằng cái thế quân bình với hai cường quốc? Chắc là thế, song Tự Đức có trong tay những lực lượng cụ thể gì để có thể đi đến đích? Vì thiếu phương tiện từ bên trong, nên hoạt động ngoại giao của ông sẽ tạo ra sự tranh giành giữa hai cường quốc và kết thúc bằng một cuộc chiến mà chiến trường lại ở ngay trên đất nước Việt Nam”.(1)
Đồng cảm với Yoshiharu Tsuboi, anh thấy nhà văn Nguyên Ngọc đã đúng khi nhận xét:
“Có lần, tôi đã có dịp tìm hiểu về thái độ của triều đình Huế trước cuộc tấn công của quân Pháp vào Đà Nẵng hồi 1858. Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng thái độ ấy, đặc biệt của Tự Đức, không hề là một thái độ bạc nhược, hèn yếu như trước đó-và cả cho đến ngày nay-ta vẫn thường nghĩ. Trái lại, rất cương quyết. Mỗi trận thua, mỗi vị trí bị mất, mỗi tổn thất không đáng có, mỗi hành động trù trừ, dao động, cho đến đại tướng anh hùng như Lê Đình Dương, cả đến vị tướng tài năng nhất và sáng suốt nhất thời bấy giờ là Nguyễn Tri Phương, và tất cả các cấp tướng sĩ đều nhất loại bị trừng trị nặng nề, thay thế, bổ sung kịp thời. Tiếp tế, hậu cần, cùng tất cả các chính sách và các biện pháp hỗ trợ cho tiền tuyến đều hết sức năng nổ. Cuộc chiến đấu thật sự anh hùng và sự chỉ đạo, chỉ huy của triều đình hết sức tích cực…Vậy mà vẫn thất bại và thất bại tất yếu là ở trong cái mà Tsuboi gọi rất chính xác là “bản thể” của cái xã hội ấy. Hẵn không phải ngẫu nhiên mà tác giả viết công trình nghiên cứu này của mình gần như dưới dạng một tiểu thuyết. Chỉ một cách viết như vậy mới bộc lộ được hết cái căn bệnh thâm căn và chí tử của xã hội và đất nước đã triệt tiêu hết mọi sức đề kháng của nó, dẫn nó đến cái chết bi tráng không thể khác. Có lẽ phải chờ cho đến một đầu óc sáng chói như Phan Châu Trinh mới là người đầu tiên thấy ra và gọi đúng tên căn bệnh ấy. Hoàng Xuân Hãn nói rằng Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và đã tìm ra nguyên nhân mất nước thê thảm không phải ở đâu khác mà là “trong văn hóa”. Nghĩa là, nói cách khác, trong cái ý thức hệ cầm tù xã hội, trói chặt hết mọi năng lượng của nó, đánh gục nó không phương cứu chữa. Cái ý thức hệ đã khiến xã hội Việt Nam lạc hậu hơn đối thủ của mình cả một thời đại. Những người đã đổ gục xuống lúc bấy giờ là những người anh hùng đã lạc thời đại. Phan Châu Trinh thống thiết kêu gọi Khai dân trí, Chấn dân khí, để rồi Hậu dân sinh. Ông kêu gọi một cuộc vượt thoát ý thức hệ, một cuộc chấn hưng dân tộc, một cuộc cách mạng văn hóa theo nghĩa sâu nhất và đúng nhất của nó”.(2)
Viết đến đây anh chợt nhớ đến một ca từ của người nhạc tài hoa Trịnh Công Sơn: “Gia tài của mẹ một nước Việt buồn”.
Chú thích:
(1) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, NXB Tri Thức, 2011, trang 376-383.
(2) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Sđd, trang 415-416
Tiêu đề bài do VCV đặt. Gửi Mr. Do là của tác giả