hay (Sự Giàu có về bạn của ba)
Có ai mong thời gian ngừng lại? còn tôi cứ muốn ngược dòng thời gian để trở về những năm 50 của thế kỷ XX, với tình nhân văn từ những người bạn của ông.
Khi đó, tôi là một cô bé lên sáu, bảy tuổi, ở tại nhà mà nay là 19 Quang Trung thị trấn An-Nhơn, Bình Định. Giờ đây tôi đã vào lứa tuổi của U70 mà từng góc nhà; nơi mắc võng, nơi đặt chiếc phản, nơi ba ngồi làm việc, nói chuyện với các chú tôi còn nhớ rõ lắm! Nhớ những trận mưa rào, bọn nhóc chúng tôi trần truồng chạy ra đường tắm; nhớ và nhớ các loại trái của rừng như quả xay, chà giêng (nay đã mất giống), sim, chà là.., và không dừng nỗi nhớ ở đó...
Ngày ấy, gia đình tôi là dân nghèo thành thị; nhà lợp bằng tranh, vách đất, nền có chỗ tráng xi măng, có chỗ đất nện chặt, vì đi nhiều nên láng boong! Diện tích nhà khoảng 100m² chia làm 3 gian, hai chái.
Nhà tôi luôn có tiếng cười rôm rả; hôm nào cũng có chuyện quan trọng để người lớn bàn và chia sẻ. Chính nơi đây - là điểm hẹn của các chú, các bác nhà thơ, nhà văn trẻ - bạn của ba. Dăm bữa, nửa tháng tôi nhìn thấy mái tóc dày, bùm xum, cặp mắt to tròn ngơ ngác như nai của chú Nguyễn Thành Long. Chú ở dưới Qui Nhơn, thường xuyên lên giao lưu với ba. Nghe bạn ba nói, chú có tác phẩm “Ta và chúng nó” hay lắm, được in ngay tại thị trấn An Nhơn - quê tôi. Các chú bảo - thị trấn tuy sống trong nô lệ, thiếu thốn, nhưng đã có một nhà in, thật là quí!
Tôi thường gặp chú Nguyễn Đình. Chú bị hỏng một mắt, tính tình vui vẻ dễ thương. Quê chú ở tận Hội An-Quảng Nam. Xa thế mà tiếng cười của chú không hề thiếu trong nhà tôi. Có lẽ chú thích ba tôi nên thương cả chúng tôi nữa đấy chứ
Còn Chú Trinh Đường (Trương Đình) người to bè bè, cao lớn, chú cười nghe rõ âm khà khà, nghe dòn như mấy dì nhai ổi, rất tự nhiên. Chuyện của chú bao giờ cũng làm cho người nghe cười đến thắc cả ruột và són đái trong quần.
Chú Mịch Quang ư? không ngờ sau này trở thành dượng chồng của tôi. Khuôn mặt xương xương rất đặc trưng của người dân xứ nẫu; da trắng, hao hao giống ba! Song, với tôi thì ba đẹp hơn chút xíu!!! Đi đâu chú cũng mang theo máy ảnh. Chính những tấm ảnh nhà tôi còn giữ được đến giờ, nhờ có đôi tay của chú!
Chị em tôi, đều thích chú Phạm Hổ và chú Khánh Cao. Cả hai chú hiền khô, có nét mặt thật dễ thương! Hai chú đều chịu khó chơi với lũ nhóc con chủ nhà. Nhìn thấy tôi đội nón, chú Khánh gọi tôi là “cái nấm của chú” nghe sao triều mến thế! Sở dĩ người ta gọi chú là “Khánh Cao”, vì chú cao quá cở so với chiếc võng gai nhà tôi; nó chẳng vừa đầu cũng không vừa chân. Mỗi khi nằm lên, đầu và chân chú bao giờ cũng thòi ra ngoài. Thế mà lúc nào đến chơi, chú cũng chỉ nằm trên võng để nói chuyện với ba.
Chú Phạm Hổ nhỏ hơn ba chín, mười tuổi; nhưng ba đối với chú bình đẳng lắm!
Má tôi kể: - Một hôm, từ ngoài cửa bước vào, quẳng chiếc túi (xà-cột) xuống phản, chú lại gần má thì thào “Chị Bảy, nhà còn gì cho em ăn với? Em đói bụng quá!”. Má tôi cười trước cử chỉ chân thành ở chú: “Chỉ còn cơm nguội với mắm ruốc thôi!”.
Chú Phạm Hổ rạng rỡ hẳn “Tốt quá rồi chị ạ!”. Thế là má xuống bếp, xới bát cơm nguội và dích cục mắm mang lên cho chú. Má bảo “Hôm đó, nhìn chú Hổ ăn bát cơm nguội với mắm ruốt sống như nhìn vua, chúa ăn sơn hào, hải vị vậy!”.
Chú Hoàng Châu Ký, khuôn mặt vuông đúng chữ điền. Chú ít nói, trông rất nghiêm. Hình như chú không muốn “được” trẻ quấy rầy. Thấy chú cười ít, nghiêm nhiều nên chẳng đứa nào tranh chú cho riêng mình cả. “Thôi chú là của cả chị em mình” Chúng tôi phân định..
Hàng tháng, lúc thì chú này, lúc chú kia tới, nhà không mấy khi vắng bóng họ. Đôi khi các chú đến cùng một lúc để bàn việc quan trọng hay rủ ba đi công cán xa.
Khoảng thời gian đó, tôi không bao giờ gặp chú Chế Lan Viên và bác Quách Tấn, nhưng hình ảnh của họ vẫn hiện hữu trong nhà tôi, vì nghe ba và mấy chú nhắc đến luôn; nhất là chú Chế Lan Viên. Ba khen: “Cậu Hoan thông minh thiệt!” và ba kể lại chuyện chú ra Huế thi vấn đáp ở trường Quốc Học. Ba nói: “Hoan đã làm Ban giám khảo giật mình, vì câu trả lời quá sắc sảo so với tuổi” rồi đọc bài thơ và câu chú trả lời, nhưng tôi làm sao nhớ nổi.
Mãi sau này ra Bắc - tại 37 Hàng Quạt, ba kể cho chú Quang Dũng, bác Vĩnh Mai, chú Trần Hữu Thung, chú Mai Ngọc Thanh… bạn mới quen ở Hà Nội và nhắc lại câu trả lời nổi tiếng:
“Em cho biết bài Tỳ Bà Hành “bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” có những đặc điểm gì tạo giá trị cho bài thơ.” Ban giám khảo không phải chờ lâu, ngay tức khắc, chú Hoan trả lời vanh vách:
- “Đặc điểm trong bài thì nhiều nhưng mới câu mở đầu “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” đã cho thấy điểm đặc sắc của nghệ thuật: Hai tiếng trắc “Bến-khách” ở đầu và cuối câu làm thành hai bờ sông hơi cao và dốc, còn năm chữ toàn bình nằm ở giữa là những làn sóng nhẹ lăn tăn trên mặt sông.”.
Tôi nhớ chú Vương Linh (tên thật Lê Công Đạo), mặc dù chú ít đến nhà, song, nét mặt, tính cách chú tôi còn nhớ như thế này: - người tầm thước, đậm đà, mặt hơi nghiêng về chữ điền, da ngăm ngăm nên trông mạnh mẽ. Tính trầm lặng, có lẽ trong chú là một nội tâm không giải bày được. Vợ chú đẹp như tây lai...
Chú Hoàng Châu Ký. Ôi, chú này suýt bị mất túi áo quần ở nhà tôi, làm sao quên được! Lần nọ, nhân đi công tác, chú ở lại nhà tôi ba, bốn hôm. Túi áo quần chú đặt dưới gối, trên đầu phản. Chiếc phản gồm 4 tấm ván gỗ mun, đen bóng. Ba đặt nó cạnh cửa sổ. Ngôi nhà tranh của ba nhờ có bộ ván này mà tôn lên vẻ sang trọng. Nó là của hồi môn của ông ngoại cho má. Ba dành riêng cho khách, hay bạn bè ở xa, công tác qua đêm.
Buổi sáng hôm đó, ba và chú Ký đưa nhau đi đâu đó, má bế em Nhuận đến nhà cô Ba Đen. Trước khi đi má dặn “mấy đứa (tôi, Tú Thủy, Huy Ánh, đang chơi đồ hàng trước sân) trông nhà, má đi chút xíu về”.
Liền ngay sau đó, một anh trai đến bên tôi nài nỉ: “Em ơi, cho anh xin gáo nước uống.”. Tôi quay đầu lại, nhìn thấy anh, nước da xanh mét, bụng ỏng, vẻ bệnh hoạn; tôi có ngại. Bởi không thể bỏ chơi để đi lấy nước cho anh, bèn khoán: “anh xuống bếp mà uống, em còn chơi” rồi tiếp tục chơi ...
Một lát sau, bỗng nghe tiếng la của má “Này cậu kia, đứng lại”
Má tôi tinh thật! trên đường về, ngạc nhiên thấy từ nhà mình, một người lạ hoắc lù lù bước ra, bụng to như đàn bà chửa sắp đẻ. Dứt lời, má đặt thằng Nhuận xuống, lao tới, nắm chặt cánh tay anh trai, lôi từ bụng ra ba bộ quần áo:
“ Ôi trời! áo quần của anh Ký đây mà! Tụi nhỏ ham chơi quá, nếu má không về kịp thì mất toi rồi! nói sao với chú, thế có chết không chứ!”
Ba tôi giàu bạn như thế mà đối với ai ông cũng yêu thương; đến độ thuộc lòng tính cách, giọng nói từng người. Giữa đêm khuya, một tiếng gọi khe khẽ “Yến Lan ơi!” Ông nhận ra ngay, “Tế Hanh đó à!” hay tiếng cười khoan nhặt của chú Nguyễn Thành Long, giọng nói trữ tình của chú Phạm Hổ v.v...
Chính tấm thịnh tình đó khiến trái tim non trẻ của tôi nhớ mãi về họ. Đó là những khoảnh khắc thật không dễ gì phai nhòa trong ký ức của tôi về những tháng ngày không bao giờ còn thấy lại!
Tình cảm của họ được nhân rộng trong chị em tôi. Chúng tôi yêu họ như ruột thịt, tranh nhau được sở hữu từng chú: “chú này của chị”, “chú này của em”
Điều gì gợi trong tôi nỗi nhớ những người bạn của cha đến thế. Tuy còn nhỏ nhưng tôi nhận ra mối quan hệ giữa họ thật trong sáng và thắm đượm tính nhân văn, chẳng hề kiểu cách hay khách sáo. Tất cả đều dựa trên tinh thần đồng cam cộng khổ, giúp nhau phát huy bản chất đẹp của người trí thức trên mặt trận văn hóa trong thời chiến.
Phải chăng từ cuộc sống thanh bình, êm ả tuy nghèo vật chất nhưng giàu về tâm hồn của người trí thức tận tâm với văn chương và tổ quốc./.