Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.149.891
 
Chén Trà Biệt Ly
Xuân Tuynh

Chiều chủ nhật, tôi ở nhà, nằm khểnh trên chiếc võng đặt ở tiền sảnh đọc sách thì chuông điện thoại reo. Vội chạy vô phòng bắt máy, một giọng phụ nữ là lạ vang lên trong ống nghe: “A lô! xin lỗi, số máy này có phải số máy của nhà anh Tâm, Nguyễn Thanh Tâm không ạ?’.

- Đúng rồi, tôi là Tâm đây. Xin lỗi, chị là ai, ở đâu gọi tới?

- Mình là Thành, Thành ở quê đây!

- Trời ơi! Thành, Lê Thị Thành. Lâu lắm rồi mới được nghe giọng nói của bạn. Giờ bạn ở đâu?

- Mình đang ở Nha Trang. Nhà trường tổ chức du lịch Nha Trang. Hiện giờ mình đang ở khách sạn Quê Hương. Ít phút nữa Thành sẽ tới thăm gia đình bạn.

 

Mười phút sau Thành một mình đi TAXI đến nhà.

Đã ngót hai chục năm tôi mới gặp lại Thành, cô bạn cùng làng. Thành giờ già đi nhiều, gương mặt chữ điền, điềm đạm, đôn hậu đã có nhiều nếp nhăn nhưng vẫn còn đọng lại một nét đẹp quý phái.

 

Tôi và Thành là đôi bạn thân. Chúng tôi học chung với nhau từ cấp 1 lên đến hết cấp 2. Nhà tôi ở cách nhà Thành chừng vài trăm mét. Nhà Thành ở xóm trong, nhà tôi ở xóm ngoài. Hàng ngày, buổi sáng đi học, chiều về tôi và Lan lại vào nhà Thành học bài. Cô giáo chủ nhiệm xếp tôi, Lan và Thành vào một tổ học tập. Bố Thành, bác Lê Văn Trung, một cán bộ kháng chiến về nghỉ hưu. Bác là người sống ngay thẳng, trung thực được bà con trong xóm, ngoài làng nể trọng. Bác rất quý bạn bè của con cái. Ngày còn nhỏ, mỗi khi chúng tôi vào nhà chơi với Thành, bác hái trái cây trong vườn cho chúng tôi ăn. Nhà bác nhiều trái cây. Mùa nào thức ấy. Mùa hè có mít, nhãn, vải; mùa thu có cam, bưởi... Từ khi về nghỉ hưu bác sống ẩn dật, không tiếp xúc với bên ngoài. Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, chăm sóc vườn tược, bảo ban con cái ăn học. Bác có hai cô con gái, Thành là con thứ, cả hai người con đều học hành đến nơi đến chốn. Chị gái của Thành là kỹ sư nông nghiệp, Thành là nhà giáo.

- Thành vào Nha Trang nghỉ được lâu không. Ngoài quê hai bác khỏe mạnh chứ?

Thành nâng ly nước lọc lên uống một hớp rồi nhẹ nhàng đặt xuống bàn, gương mặt đang vui bỗng nhiên biến sắc. Có lẽ câu hỏi đột ngột của tôi đã chạm vào một điều gì đó trong sâu thẳm cõi lòng Thành, làm bạn buồn. Thành tâm sự:

- Mình vào Nha Trang nghỉ ít ngày còn phải lên Đà Lạt, thăm cho biết. Về gia đình, chồng con mình vẫn khỏe mạnh, các con mình đã có công ăn việc làm, cháu đầu đã lập gia đình. Riêng bố mẹ mình, hai cụ đều mất cả rồi. Bố mất được hai năm, mẹ mình mới mất cách đây hơn một năm.

- Trời. Hai bác mất cả rồi sao. Mình vô tâm quá. Ba, bốn năm nay không về quê nên chẳng hay biết gì về bà con xóm giềng, ai còn, ai mất. Mình thành thật chia buồn với bạn. Lâu nay mình vẫn đinh ninh bác Trung, bố bạn vẫn khỏe mạnh, không ngờ... Bác mất do căn bệnh chi?.

- Cái chết của bố mình cũng lạ lắm. Ông vẫn khỏe mạnh, ngót chín mươi tuổi mà chẳng mắc chứng bệnh tật gì. Hàng ngày vẫn chăm nom vườn tược, rảnh rỗi thì ngồi đọc sách. Họ hàng, anh em bạn bè mỗi bận đến thăm ai cũng mừng cho sức khỏe của bố mình. Nhiều người cón nói: Bố mình phải sống tới trăm tuổi. Vậy mà... cụ đột ngột ra đi!...

- Trước ngày ra đi bác có biểu hiện gì bất thường không - tôi xen vào, cắt ngang mạch chuyện của Thành. Thành vuốt mớ tóc xõa trước mặt ra sau gáy, kể tiếp:

- Chuyện bất thường thì có. Nhưng chuyện này lâu nay mình không muốn nhắc lại làm chi. Riêng với Tâm, bạn bè thân thiết, hơn nữa Tâm cũng quý bố mình nên mình chỉ kể riêng cho Tâm nghe. Chuyện là thế này: Trước cái đêm bố mình ra đi về cõi vĩnh hằng. Hôm đó vào một buổi sáng mùa đông, trời rét khan, mẹ mình đang ngồi ở góc sân băm rau muống để nấu cho lợn ăn, cùng lúc ấy bố mở tủ mang cả mớ huân huy chương vàng rực, cùng với một xấp bằng khen, giấy khen và những quyển sách bìa vàng đỏ dày cộp đem ra góc vườn trước sân nhà, gom lẫn cùng một đống rác rưởi, lá khô, quẹt lửa đốt. Lửa cháy đỏ rực, khói bốc lên đen ngòm, quấn theo gió bay đi mù mịt, cay xè. Mẹ thấy bố đốt những tấm huân huy chương đẹp đẽ, bà tỏ ra luyến tiếc. Mẹ cằn nhằn với bố: Những tấm huân chương được làm bằng vàng, bằng bạc quý giá vậy. Cớ gì ông đang tâm đốt bỏ. Nếu ông không muốn giữ làm kỷ niệm thì đưa cho tôi mang ra tiệm bán kiếm chút tiền tiêu xài không sướng sao. Nhà mình đang nghèo túng, sắp đến tết rồi mà trong nhà không có nổi vài trăm đồng. Tui nghe tụi nhỏ đi làm ăn ở Nga về kể lại: Từ sau cái ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ, hàng năm, cứ vào ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, người ta lại nhìn thấy những cựu chiến binh hồng quân Xô Viết, râu tóc bạc phơ vận quân phục oai vệ, tay bưng cả mẹt huân huy chương sáng chói ra bầy bán rải rác quanh quảng trường Đỏ. Mỗi tấm huân chương có giá cả vài trăm rúp... - Mẹ còn đang nói thì bố cắt ngang, nói xen vào: “Huân chương của nước người ta được đúc bằng vàng thiệt, chí ít cũng được mạ vàng. Còn huân huy chương của ta là đồ giả, đồ giả đó bà. Toàn bằng sắt, chì mạ đồng cả đấy. Có đem cho chẳng ai thèm lấy, nói chi đến chuyện mua bán. Câu chuyện ông Hương, đại tá về hưu ở đội 1 hồi giữa năm ngoái mang huân chương cho đứa cháu nội chơi, thằng nhỏ tưởng là đồ ăn được, đưa lên mồm gặm, mút như mút kẹo kéo, không may bị nhiễm độc chì, tối về mồm miệng sưng vù, tay chân co giật phải vội đưa vào viện cấp cứu. Mất hơn một tháng trời nằm điều trị mới khỏi, tốn bao nhiêu là tiền bạc... tạm dứt lời, bố tiếp tục ngồi xuống vun lá khô đốt cho những chiếc huân huy chương cháy thành than mới đứng dậy, vào ngồi bên mẹ nhỏ nhẹ nói tiếp: “Ba cái tấm huân huy chương nhỏ mọn đó bỏ đi, bà luyến tiếc làm gì. Mới đây tôi nghe nói cái ông nhà văn Nguyễn Khải được nhận cả một giải thưởng lớn mà ông ta chẳng còn coi ra gì huống hồ những tấm huân chương của tôi”.

 

Trò chuyện với mẹ xong, bố ra giếng tắm gội sạch sẽ, vào nhà vận quần áo mới, xuống bếp nấu nước pha trà, bảo cháu ngoại đi mời mấy ông bạn thân trong xóm lại uống trà. Bố mình không uống được rượu, mỗi khi có giỗ, hay tiệc tùng ông thường mượn trà thay rượu. Bốn, năm ông bạn tri kỷ ngồi quây quần bên nhau cả giờ đồng hồ chuyện trò vui vẻ, uống hết hai, ba tuần trà, các ông bạn ra về, bố ngồi vào mâm, ăn đúng một bát cơm với cà pháo muối rồi vào phòng nằm. Sáng ra, mẹ gọi bố dậy ăn sáng để cho mẹ ra đồng thì thấy bố im lặng, nằm bất động. Gọi mãi không dậy. Sờ tay chân thấy lạnh giá mẹ hoảng hốt kêu la ầm ĩ. Các con chạy vào thấy bố đã tắt thở. Chẳng hay bố đi giờ nào... Kể đến đây Thành nghẹn ngào không còn nói thành lời.

- Dẫu gì thì bác cũng đi rồi. Thành đừng nên quá buồn phiền. Bác ra đi ở tuổi ngoại bát tuần kể như cũng mạn nguyện (tôi an ủi Thành).

- Tâm nói nghĩ cũng phải. Bố mình mất ở tuổi ấy so với các cụ trong làng thì bố mình cũng ở bậc cao niên. Chỉ buồn là bố ra đi đột ngột quá, chẳng nói được điều gì với con cháu, người thân. Không ai ngờ được cái bữa tiệc trà giữa bố mình với mấy ông bạn thân trong xóm chiều hôm ấy lại là những chén trà biệt ly!.

 

*

Ông Trung xuất thân từ một gia đình trí sĩ. Cha ông, cụ Lê Trọng Đại là một nhà nho nổi tiếng dưới thời phong kiến ở vùng Hà Nam Ninh. Cụ từng tham gia trong phong trào khởi nghĩa của cụ Phan. Ông Trung, mười sáu tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, làm liên lạc cho mặt trận Việt Minh xã. Năm 1940, lên chiến khu Việt Bắc hoạt động rồi vào đội quân tiên phong của tướng Giáp. Ông tham gia chinh chiến trận mạc suốt chín năm kháng chiến. Năm 1954, giải phóng Điện Biên, ông chuyển ngành về công tác ở xã. Năm 1946, cải cách ruộng đất ông bị bắt đưa ra đấu tố. Đội cải cách quy cho ông là phần tử Quốc dân đảng, có tội với dân. Ông bị kết án tử hình. Vào một buổi chiều mùa đông 1946 Đội cải cách đưa ông ra giữa cánh đồng chùa, trước cổng làng, họ cho du kích xã đào một hố sâu, đẩy ông xuống, lấp đầy đất đến ngang vai, để lộ từ cổ trở lên. Cách các hố chôn ông chừng năm chục mét, hai con trâu mộng to cao, cổ đã mắc vai bừa sẵn sàng đợi lệnh. Chỉ cần có một phát súng bắn chỉ thiên của Đội là lập tức hai con trâu mộng dũng mãnh sẽ lao tới, lôi theo mười một chiếc răng bừa nhọn hoắt, xiên nát đầu ông như người ta lấy dùi nhọn xiên vào một quả bưởi. Bỗng trời nổi gió, mây đen giăng kín bầu trời, sấm chớp đùng đùng. Mọi người có mặt trong buổi hành hình hôm đó xôn xao bàn tán. Họ nói với nhau: “Không biết điềm lành hay dở đây!?”. Liền lúc đó có một thanh niên vận quân phục, hông đeo súng lục nhìn rất oai vệ, phi ngựa tới truyền lệnh cho Đội cải cách ngưng hành quyết, lập tức thả ông Trung. Mọi người ngỡ ngàng trước cái lệnh trên, họ chẳng hiểu lý do gì ông Trung được tha. Những người thân của ông Trung mừng quá, bật khóc! Trời đổ mưa. Trận mưa đầu mùa xối xả, quấn theo rác rưởi, bụi bặm bẩn nhơ trên đường làng. Ếch nhái mừng rỡ đón những giọt mưa đầu mùa nhảy múa tưng bừng. Bà con nông dân hớn hở mừng vui vì có nước để cày cấy. Riêng chỉ mấy ông Đội cải cách buồn lo về cái lệnh thả ông Trung. Đội Trường, một người khét tiếng là tàn bạo trong các cuộc đấu đố, chau mày nói với các cộng sự: “Số phận bọn mình chẳng biết sau vụ xử lý tay Trung rồi sẽ đi về đâu...!”.

 

Ông Trung về sống với vợ con, khước từ tham gia mọi công tác của xã, của thôn. Mặc cho khi sửa sai, chính quyền huyện, xã đến tận nhà mời ông ra làm việc.

 

*

Bạn bè lâu ngày gặp nhau, một dịp may hiếm có. Tôi giữ bằng được Thành ở lại ăn cơm cùng gia đình. Lúc chia tay, tiễn Thành về lại khách sạn,­ Thành mở túi xách tay lấy ra một tấm hình, một tấm hình đen trắng đã cũ kỹ. Trong tấm hình có hình ảnh của tôi, Thành và bác Trung, ba người chúng tôi chụp chung sau 1975, đất nước hòa bình tôi trở về quê thăm gia đình, quê hương, vào thăm bác Trung và Thành. Thành đã mời một thợ chụp hình tận trên thị xã về chụp.

 

Cầm trên tay tấm ảnh đã phai mờ theo năm tháng, tôi nhớ thương bác Trung vô cùng, một con người tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng. Tôi có cảm giác như ánh mắt của bác đang nhìn tôi, nói với tôi bao điều...

 

Tiễn Thành lên xe, cổ tôi nghẹn ngào đứng nhìn theo chiếc xe lao đi vun vút dưới ánh đèn phố lấp loáng.

 

Nha Trang, 18-7-2011

Xuân Tuynh
Số lần đọc: 1798
Ngày đăng: 26.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ám Ảnh Đất - Vương Hà
Kẻ đồng hành - Lưu Thuỷ Hương
Nhét - Vũ Lập Nhật
Khúc Tâm Du - Văn Chấn Ngọc
Mạt lộ - Lưu Thuỷ Hương
Bào Tỷ Ông Nghị - Phùng Hi
Mây trắng, nước xanh, người tử-tù - Doãn Quốc Sỹ
phòng x khu nội trú - Bùi Hoằng Vị
Sống - Lưu Thuỷ Hương
Kẻ Cầu Mưa - Vương Hà