Harry Harding, National Interest, 13/7/2001
http://nationalinterest.org/commentary/beijing-through-rose-colored-glasses-why-democracy-cannot-ta-5603
Tiến sĩ Harry Harding là giáo sư Trường Eliot về các Vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp George Washington
Có một tiếng trống giục giã thúc đẩy một dự án dân chủ ở Trung Hoa để chặn đứng những tham vọng độc tài hung hãn. Chẳng ai nghi ngờ rằng Trung Hoa sẽ muốn trở thành cường quốc vượt trội trong bán cầu của nó. Nhưng lý lẽ cho rằng tạo ra một hệ thống dân chủ đa nguyên ở Trung Hoa sẽ loại bỏ được một cuộc xung đột sắp đến giữa Washington và Bắc Kinh là lạc quan thái quá. Chắc chắn rằng Trung Hoa và Hoa Kỳ sẽ là những đối thủ cạnh tranh, thậm chí thù địch, không chỉ vì một đằng là một cường quốc đã định hình, và bên kia là một cường quốc đang lên, mà còn vì các hệ thống chính trị biểu hiện những hệ tư tưởng hoàn toàn khác nhau. Các khái niệm về dân chủ của Hoa Kỳ đặt một mối đe dọa sống còn lên chế độ cộng sản; sự lớn mạnh thành công của Trung Hoa dưới một chế độ độc tài là mối đe dọa cho lãnh đạo Hoa Kỳ và chủ nghĩa biệt lập.
Gần đây Aaron Friedberg kết hợp một cách hết sức bất thường và võ đoán các thành tố hiện thực và phi hiện thực trong một lập luận mà đỉnh cao của nó là "rất có khả năng một Trung Hoa dân chủ hơn cuối cùng sẽ tạo ra một môi trường hòa bình hơn, ít ngả về chiến tranh hơn ở châu Á." Tất nhiên, nó đồng thời cũng có thể loại bỏ mối đe dọa đối với cảm giác của Mỹ về uy quyền tối thượng về tư tưởng hệ. Như vậy, "về lâu dài, Hoa Kỳ có thể học cách sống chung với một nước Trung Hoa dân chủ như cường quốc vượt trội ở Đông Á, cũng như Anh quốc đã phải đi đến chỗ chấp nhận Hoa Kỳ như cường quốc quyền uy ở Tây Bán Cầu." Nhưng, "cho đến ngày ấy Washington và Bắc Kinh sẽ còn kẹt vào một cuộc tranh giành căng thẳng ngày càng tăng để làm chủ châu Á."
Đây là một lý lẽ đã có từ trước. Nó là một trong những dự đoán màu hồng mà Jim Mann đã gọi là "kịch bản êm dịu." Và nó đầy mơ hồ, không chắc chắn. Trong thực tế có rất ít khả năng Trung Hoa sẽ trở thành một hệ thống chính trị dân chủ thật sự, và hơn nữa, một Trung Quốc (vương quốc ở trung tâm) dân chủ hóa có thể hoàn toàn chìm ngập trong những tình cảm dân tộc chủ nghĩa vốn là một phần của văn hóa chính trị Trung Hoa hiện thời, và đang được chính phủ cộng sản hiện nay vun trồng. Ngay cả nếu chúng ta tùy hứng và lạc quan gán một xác suất 50 phần trăm cho mỗi kết quả này, trong khỏang một thập kỷ tới, điều này có nghĩa là cơ may cho một chế độ Trung Hoa vừa dân chủ vừa hợp tác sẽ không lớn hơn 25 phần trăm. Đó không phải là cửa đặt cược tốt nhất. Và dân chủ hóa thật sự nằm trong khả năng thay đổi của chúng ta cũng vậy.
Biết vậy, điều còn quan trọng hơn nhiều là hỏi câu hỏi cơ bản về Hoa Kỳ làm thế nào xoay sở được với sự lớn mạnh của Trung Hoa thông qua hành trạng của chính nó? Điều này sẽ dẫn chúng ta đến một trong những hàm ý chính sách có thể đáp ứng tốt hơn cho những ai bám vào câu thần chú dân-chủ-hóa-là –giải-pháp bằng suy luận.
Thay vì đơn giản hy vọng dân chủ hóa, tôi nghĩ về hướng tạo ra sự tương thuộc về kinh tế lớn hơn giữa Trung Hoa, Hoa Kỳ và phần còn lại của châu Á. Tính hợp pháp của Đảng cộng sản phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế - và sự tăng trưởng này hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, mà xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài. Chính sách tái cân bằng kinh tế mà Bắc Kinh đang cố vận dụng có thể làm thay đổi các tỉ lệ này cách nào đó, khiến cho kinh tế Trung Hoa ngày càng phụ thuộc tiêu thụ nội địa và ít lệ thuộc vào xuất khẩu, và xuất khẩu phụ thuộc các công ty Trung Hoa nhiều hơn và it phụ thuộc hơn vào đầu tư nước ngoài. Nhưng là một nền kinh tế chín muồi, cũng có những lợi ích trong đầu tư nước ngoài để xuất khẩu của Trung Hoa, và điều đó sẽ làm tăng sự tương thuộc của Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới, mặc dù theo một hình thức khác. Điều này tạo ra một môi trường trong đó người Mỹ có thể khuyến khích tính tương thuộc dựa trên quan hệ qua lại. Chào đón tích cực đầu tư Trung Hoa vào Mỹ, với điều kiện sẵn có những cơ hội tương ứng cho những công ty Mỹ (và các nước khác) đầu tư vào Trung Hoa. Đầu tư của Trung Hoa vào một nền kinh tế tiên tiến như kinh tế Mỹ sẽ có nghĩa là hàng hóa Trung Hoa bán ở Mỹ sẽ làm gia tăng sản xuất của công nhân Mỹ - không phải của công nhân Trung Hoa. Đồng thời, các công ty Trung Hoa có đầu tư ở Mỹ sẽ có lợi trong những mối quan hệ ổn định giữa Washington và Bắc Kinh.
Hai là, tiếp tục chào đón sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Hoa trong những thiết chế quốc tế hiện tại – như IMF, Ngân hàng Thế giới, và Liên Hiệp Quốc – và những cố gắng của nó tạo ra những tổ chức mới để đáp ứng những nhu cầu chưa hoàn thành, như SCO, ASEAN+3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – miễn là Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò thích đáng. Có một sự khác nhau to lớn giữa một cường quốc đang lên muốn có tiếng nói nhiều hơn trong hệ thống quốc tế hiện tồn và một cường quốc đang lên muốn thúc đẩy những thay đổi cơ bản đối với hệ thống đó. Nó sẽ là chìa khóa để bảo đảm rằng những thiết chế đó – cả cũ và mới – đủ mạnh để đồng thời áp đặt một số kiềm chế lên hành vi của Trung Hoa và tái bảo đảm với Bắc Kinh rằng sự lớn mạnh của nó vẫn đang thuận lợi.
Trên hết Hoa Kỳ cần duy trì một thế cân bằng quyền lực tốt trong khu vực này. Trung Hoa có thể muốn chi phối khu vực của nó theo cách mà Hoa Kỳ trong lịch sử đã từng chi phối châu Mỹ, hoặc theo cách mà bản thân Trung Hoa chi phối những phần (mà không chỉ những phần) châu Á dưới các triều đại Minh và Thanh. Nhưng những tầm nhìn của thế kỷ mười bảy và mười chín khó lòng mà thành công với hiện thực thế kỷ hai mươi mốt. Dù tham vọng của Bắc Kinh có thể là gì, việc giữ được một vai trò thống trị ở châu Á hiện tại sẽ cực kỳ khó khăn. Nó là một khu vực rất đông đúc, trong đó có ít nhất bốn cường quốc lớn khác (Nga, Nhật, Ấn và Mỹ) ở tại đó hoặc có những quyền lợi lớn, và đó là nơi có một cộng đồng khu vực ngày càng mạnh (ASEAN) và nhiều cường quốc cỡ trung quan trọng khác (đáng kể là Pakistan, Bangladesh, Australia và Nam Triều Tiên). Một số học giả nói rằng một Trung Hoa chiếm ưu thế - và một hệ thống trong đó những nước khác trong khu vực chiều theo việc Bắc Kinh và Trung Hoa thực thi một hình thức bá quyền hạn chế - là một kết quả "tự nhiên" trong khu vực này. Tuy nhiên cho đến nay dường như rất ít cường quốc châu Á thật sự thích một hậu quả như thế. (Trong quá khứ có lẽ họ cũng không ưa thích gì, nhưng họ không có lựa chọn nào khác). Có một xu hướng mạnh tới đa cực trong vùng đất đa dạng và sôi nổi này, và đối với những vai diễn khác trong khu vực, một châu Á đơn cực sẽ là một thất bại khổng lồ về quyền lực và ý chí.
Vai trò của Hoa Kỳ sẽ là đặc biệt quan trọng trong việc quyết định tương lai của châu Á. Mặc dầu sở thích tiềm ẩn và rõ ràng về đa cực, Nhật bản thì uể oải, Nga thì tập trung nhiều hơn vào châu Âu và vùng Âu Á "gần nước ngoài", ASEAL vẫn đấu tranh để củng cố sự đồng tâm về chính sách ngoại giao và tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong tương lai vẫn còn chưa chắc chắn. Washington sẽ là then chốt nếu mục đích là ngăn ngừa một kịch bản liên hoành trong đó hết nước châu Á này đến nước khác hoảng sợ chạy về phe Trung Hoa. Đem lại sức sống mới cho kinh tế Mỹ, tập trung lại các nguồn quân sự và ngoại giao trên vùng Châu Á Thái Bình Dương và khôi phục lại sự hấp dẫn của mô hình kinh tế và chính trị Mỹ sẽ là cách hiệu quả hơn nhiều để thúc đẩy một châu Á cởi mở và ổn định hơn là chỉ hy vọng Trung Hoa dân chủ hóa.
Vâng, Trung Hoa đang lớn lên, và những cường quốc đang lên đã đặt ra những thử thách trong quá khứ. Nhưng đối với tôi, biến số quan trọng nhất trong việc quyết định kết quả không phải là dân chủ hóa của Trung Hoa mà là làm sống động lại nước Mỹ./.