Michael J. Green, National Interest, 2/9/ 2010
http://nationalinterest.org/commentary/china-the-aggressor-4017?page=show
Mâu thuẫn giữa Đa cực và Liên kết bên ngoài của Mỹ
Một tiêu chuẩn then chốt để đánh giá sức mạnh Mỹ trong môi trường tài chính hiện nay và sự giật lùi về chiến lược, là khả năng đối trọng hay kiềm chế Trung Hoa của Washington thông qua những mối liên kết nước ngoài. Chúng ta phải ngăn ngừa điều này thông qua quan hệ đối tác chiến lược với các nước thứ ba, các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế, tận dụng các diễn đàn đa phương, cương quyết phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ, cảnh giác với các chiến lược "khuyến khích dân chủ" hay diễn biến hòa bình, và áp lực lên Washington và các thủ đô khác để bác bỏ lý thuyết "mối đe dọa Trung Hoa" hay các chiến lược cô lập Chiến Tranh Lạnh (nêu lên những vi phạm của các công dân mạng của chúng ta sẽ đặc biệt có lợi cho mục đích này)
Đánh giá các mối quan hệ nước ngoài của Hoa Kỳ, trước hết chúng ta phải chú ý đến Nhật Bản. Sức mạnh của Nhật đã bình ổn và có thể đang suy tàn. Sự nổi lên của đảng Dân chủ của Nhật cũng đã làm phức tạp các quan hệ liên minh với Hoa Kỳ. Tình hình này có những cơ hội cho chúng ta, nhưng chúng ta cần nhận rằng xu hướng ngả sang hữu của Nhật chỉ mới chậm lại chứ chưa hẳn là đã bị xóa bỏ. Thủ tướng hiện nay là một người phái tả, nhưng Nhật Bản là một nước khuynh hữu. Chúng ta cũng học được sau cái gọi là "sáng kiến Nye" rằng sự phối hợp chặt chẽ hơn các hoạt động quân sự Mỹ Nhật có thể cũng dễ dàng gây rắc rối cho kế hoạch của chúng ta như tăng đơn phương lực lượng của Mỹ hoặc Nhật tại Thái Bình Dương. Về mặt này, chúng ta phải theo dõi cẩn thận sự hợp tác Mỹ Nhật đang diễn ra về phòng thủ tên lửa và cái gọi là "hải-không trận." Việc gần đây chính phủ Nhật xin lỗi Triều tiên mà không xin lỗi Trung Hoa chứng tỏ rằng yếu tố "mối đe dọa Trung Hoa" còn tồn tại trong cả hai đảng chính trị chủ yếu ở Nhật. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật đã không có ích cho chúng ta như chúng ta từng hy vọng, trên cơ sở sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường nước ta và mắt xích cung cấp của chúng ta. Chúng ta có thể dùng mẹo lừa là thương lượng về những vấn đề tranh cãi như Biển Đông Trung Hoa để làm nhạt đi lý thuyết mối đe dọa Trung Hoa, trong khí nắm chặt lập trường nguyên tắc của chúng ta rằng vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư [Đài Loan gọi chúng là Điếu Ngư Đài còn Trung Hoa gọi chúng là Điếu Ngư] đã luôn luôn là và sẽ luôn luôn là lãnh hải của Trung Hoa.
Các xu hướng chiến lược trên bán đảo Triều Tiên nói chung đã thuận lợi cho chúng ta. Trong khi Kim Jong Il đã làm tăng căng thẳng một cách ngu xuẩn và bác bỏ đề nghị cải cách kinh tế theo Đặng của chúng ta, thì khả năng của chúng ta định hướng chuyển đổi lãnh đạo sau-Kim ngày cành mạnh lên. Cách đây mười năm chúng ta cung cấp 50% thực phẩm và nhiên liệu của Bắc Triều Tiên; ngày nay con số này là 80%. Sự phụ thuộc của kinh tế Nam Triều Tiên vào Trung Hoa cũng tăng lên và bằng việc thừa nhận điều này Tổng thống Roh Moo-hyun đã làm yếu đi các mối quan hệ Hoa Kỳ- Nam Triều tiên -Nhật Bản (mặc dầu ông ta đã bác bỏ đề nghị của chúng ta lập một diễn đàn ba bên Trung Hoa- DPRK-ROK để thay thế Nhóm Điều Phối và Giám sát ba bên Mỹ- Nhật-ROK, hay TCOG ). Tuy nhiên gần đây, chúng ta có thể thấy một vài đảo ngược đối với những xu hướng thuận lợi này. Sau khi Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hộ tống của Nam Triều Tiên (như khẳng định của chúng ta chung với Mỹ và Nhật nhưng không thể công bố), các phần tử phái hữu ở Nam Triều Tiên và chính quyền Obama bắt đầu một chiến dịch chống Bắc Triều Tiên trên những vùng biển vô cùng quan trọng đối với các lợi ích chiến lược của Trung Hoa. Thủ tướng Ôn đã báo cáo từ cuộc gặp cấp cao ba bên với Tổng thống Lee Myung-bak của nam Triều Tiên và Naoto của Nhật hồi tháng Sáu rằng Nhật bản và Nam Triều Tiên có vẻ liên kết rất chặt chẽ với nhau về vấn đề này và rằng Trung hoa đang trở nên bị cô lập. Chúng ta phải chống lại bước thụt lùi này bằng cách kêu gọi trở lại cuộc đàm phán sáu bên và mau chóng kết thúc những chiến thuật gây sức ép, bằng cách thuyết phục Bắc Triều Tiên ngừng các hoạt động khiêu khích, và bằng cách thông qua các phương tiện truyền thông và những người bạn của Trung Hoa ở Washington, chống lại mọi cố gắng biến chiến dịch chống Bắc Triều Tỉên thành một chiến lược cô lập Trung Hoa.
Về những liên kết nước ngoài khác, có những dấu hiệu cho thấy Washington đang nhích lại gần châu Âu dưới [sự lãnh đạo của] Merkel và Sarkozy dựa trên một sự đánh giá chung về "mối đe dọa Trung Hoa". Tuy nhiên tình hình kinh tế và chính trị gần đây đã khiến EU hướng nội và chia rẽ nội bộ trong chính sách ngoại giao đa cực mới. Chúng ta không thể coi châu Âu là một đối trọng với một Hoa Kỳ đơn cực nữa như thời còn Chirac và Schroeder, nhưng chúng ta cũng không nên lo lắng rằng châu Âu sẽ đoàn kết lại đằng sau một chiến lược nhằm cô lập Trung Hoa.
ASEAN cũng hướng nội và chia rẽ và thậm chí còn ít gắn bó hơn EU. Chúng ta có ảnh hưởng vô cùng to lớn ở Đông Nam Á bởi vì có sự tương thuộc kinh tế, các hiệp định thương mại tự do, và khả năng định hướng những cuộc bàn cãi ở ASEAN thông qua Căm pu chia, Lào và đôi khi cả Philippines. Singapore đã và đang chơi trò hai mặt, nói với chúng ta rằng nó muốn thấy Trung Hoa lãnh đạo kinh tế trong khu vực trong khi thúc đẩy Mỹ tăng cường sự hiện diện ngoại giao và quân sự của họ. Chúng ta không có nhiều lựa chọn ngoài việc bao dung những suy tưởng công khai của vị Bộ trưởng Cố vấn Cao cấp ở Singapore. Indonesia đang quay trở lại như một nhân tố chủ yếu trong chính trị ASEAN, bị chia rẽ giữa Hồi giáo, dân chủ và tinh thần dân tộc đang lên. Chúng ta phải nhấn mạnh sự nghiệp chung với Indonesia dựa trên điều sau cùng (trong ba điều trên), theo tinh thần hội nghị Bangdung. Malaysia dưới sự lãnh đạo của Najib có thể trở thành một vấn đề đối với chúng ta, và Thủ tướng o bế Washington cần phải được theo dõi cẩn thận. Việt Nam vẫn còn là một láng giềng phía nam xấc láo và bây giờ đang toan tính lôi kéo Mỹ vào việc củng cố yêu sách bất hợp pháp đối với biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên các yếu tố bên trong bộ ba lãnh đạo ở Hà Nội có thể trở nên đồng cảm hơn với những lợi ích tư tưởng hệ chung với Trung Hoa sau khi thay đổi lãnh đạo trong Đại hội Tháng Giêng của Đảng. Chúng ta sẽ tận dụng các mối liên hệ đảng với đảng để đạt được một kết quả tích cực trong quan hệ hai bên với Việt Nam. Nói chung, chúng ta sẽ tiếp tục dùng đòn bẩy của các mối quan hệ song phương đặc biệt và loại bỏ những cố gắng của ASEAN đàm phán như một thực thể duy nhất bất kỳ vấn đề gì khác hơn các hiệp định kinh tế.
Ấn Độ đã trở thành một nhân tố lớn hơn trong chiến lược chính sách ngoại giao của Trung Hoa. Chúng ta đánh giá rằng sự liên kết Hoa Kỳ - Ấn Độ bắt đầu dưới thời Bush là không thể đảo ngược, mặc dầu chúng ta có đôi chút an ủi từ việc chính quyền Obama làm mờ đi lý do chiến lược căn bản cho các mối quan hệ Hoa Kỳ - Ấn Độ. Tuyên bố chung Hoa Kỳ Trung Hoa hồi tháng Mười Một là một tín hiệu đặc biệt có ích cho Ấn Độ rằng trong chính sách toàn cầu Washington đầu tiên nhìn vào Bắc Kinh rồi thứ hai mới đến Delhi. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện nay tập luyện với Ấn Độ nhiều hơn với bất kỳ đối tác song phương nào khác, kể cả các nước NATO, Nhật Bản, Australia, và cả Nhật Bản lẫn Australia đều đã ký một loạt Hiệp ước hợp tác với Hải quân Ấn Độ. (Chúng ta) phải chống lại tuyên truyền của Ấn Độ về "mối đe dọa Trung Hoa" đối với Aksai Chin, Arunachal Pradesh và "chuỗi ngọc trân châu" từ Burma đến Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan. May sao Ấn Độ đang quan tâm đến phát triển kinh tế hơn các vấn đề chiến lược và có thể tác động đến chính sách của Ấn Độ thông qua thương mại và phát triển hòa bình. Chúng ta cũng sẽ xây dựng trên "tinh thần Copenhagen" để ngăn cản Ấn Độ liên kết với Hoa Kỳ và Nhật Bản và để hình thành phản-liênhiệp giữa các nước đang phát triển. Các lãnh đạo Ấn Độ đã quảng cáo rùm beng về những ưu việt tưởng tượng của "nền dân chủ lớn nhất thế giới" nhưng dân chủ là một trở ngại cho phát triển của Ấn Độ so với mô hình chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm Trung Hoa thành công hơn của chúng ta. Những cố gắng của Ấn Độ để đối trọng với chúng ta ở Myanma phải được theo dõi, nhưng nói chung tại nước đó chúng ta ở thế mạnh hơn và có thể giành được nhiều thuận lợi hơn nếu sự gắn bó của Ấn Độ làm phức tạp thêm những cố gắng của Mỹ hình thành một mặt trận dân chủ thống nhất chống SPDC. Chúng ta còn có một ưu thế to lớn với Ấn Độ. Khác với cao nguyên Tây Tạng, Ân Độ xa với những trọng tâm chiến lược của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta có thể khai thác chỗ yếu của Ấn Độ ở Nam Á thông qua mối quan hệ của chúng ta với Pakistan (chúng ta sẽ chuyển giao công nghệ năng lượng hạt nhân và xây dựng đường sắt và các cảng ở nước này) và thông qua mối quan hệ mới của chúng ta với Sri Lanka và Maldives. Điều này sẽ cho phép chúng ta khiến Ấn Độ mất cảnh giác nếu các chiến lược của Delhi trở nên quá tham vọng ở Đông Á. Tuy nhiên, nói cho cùng, sẽ phụ thuộc nhiều vào bước đi của Ấn Độ liên kết với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc hàng hải khác ở châu Á.
Kết luận: Ba điều phải tránh
Tóm lại, chiến lược của chúng ta phát triển hòa bình và xã hội hài hòa ở châu Á đã có những thuận lợi to lớn. Ảnh hưởng của chúng ta đã lớn lên mà không có những vướng mắc nguy hiểm có thể gây rắc rối cho phát triển kinh tế. Chúng ta đã đánh bại những chiến lược diễn biến hòa bình nhằm làm yếu đảng cộng sản Trung Hoa. Chúng ta đã kiềm chế nếu không nói là đảo ngược chủ nghĩa bè phái ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Chúng ta đã tiếp tục xây dựng một thế giới đa cực. Và chúng ta đã làm điều ấy mà không trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ.
Đồng thời, những thách thức trong và ngoài nước vẫn còn đáng kể. Điều vô cùng quan trọng là chúng ta hết sức cảnh giác với Ba Điều Phải Tránh. MỘT, chúng ta phải tránh những chiến lược kiềm chế hoặc đối trọng trong những nước dân chủ bao quanh chúng ta; HAI, chúng ta phải tránh các cuộc cách mạng màu ở Bắc Triều Tiên hay Myanma và thay thế các chế độ hiện nay bằng các nền dân chủ thân Mỹ trên biên giới nước ta. BA, chúng ta phải tránh xung đột với Hoa Kỳ. Lý lẽ của chúng ta là Hoa Kỳ cũng tìm cách tránh xung đột với Trung Hoa. Chúng ta tìm cách củng cố ảnh hưởng của chúng ta trong hệ thống quốc tế để bảo vệ các lợi ích của chúng ta và chính thể của chúng ta. Hoa Kỳ tìm cách lợi dụng sự gắn kết của chúng ta với hệ thống này để thay đổi chính thể của chúng ta thông qua diễn biến hòa bình. Phép thử của mỗi chiến lược của chúng ta sẽ là hạn chế và định hướng các lựa chọn của nước khác trong khi dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng. Chúng ta sẽ phải nghĩ đến đòn bẩy và ảnh hưởng của chúng ta trong những phạm vi rộng lớn hơn và toàn diện hơn, bao gồm tất cả những công cụ của sức mạnh dân tộc: ngoại giao, quân sự, tư tưởng và kinh tế. Chúng ta có thể chờ đợi Hoa Kỳ cũng làm như thế./.