Một vị thầy trụ trì tiễn học trò cưng của mình đến một thiền viện khác để tu tập thêm chánh định, tỉnh giác và thực hành đạo pháp. Đêm cuối cùng, thầy hỏi sư một câu:
“Mi đã khóa vali lại chưa?”
Tưởng thầy quan tâm đến mình từng chút một, nên sư xúc động nói:
“Dạ chưa. Con cũng sắp khóa đây!”
“Thế càng tốt! Hãy xách va li qua phòng của ta!”
Người thầy nghiêm nghị ra lệnh. Sư tuân theo. Sau đó sư thấy thầy mình bỏ vào đó ba tờ… một trăm đô la Mỹ. Xong, ngẩng lên thầy hỏi:
“Có biết tại sao ta làm vậy không?”
(Chắc thầy thương con nên cho con tiền, để xoay xở khi khẩn cấp!) Sư định nói thế, nhưng vẫn chưa dám mở miệng, nghĩ thế nào cũng có thâm ý gì đó... Thầy nhìn cặp mắt đang tròn xoe của sư, điềm nhiên nói:
“Đây là tiền niết bàn!”
Sư nghe thế rúng động tâm can! Lập tức liên tưởng đến hình ảnh trang nghiêm của đức Phật Thích Ca đang nằm nghiêng bên phải, tay trái xếp dọc theo thân, tay phải lót dưới mặt, toàn thân phát hào quang, đầy rẫy sức từ bi lan xa vạn dặm… thật uy nghiêm và đức độ - một phong thái xuất thần cao vợi và tuyệt diệu không gì sánh nổi!… xung quanh muôn thú chầu chực xa xa và chư tăng đang vây quanh quyến luyến lúc đức Phật nhập diệt… mà rồi sư vẫn không hiểu ra! Sư tự hỏi: Tại sao gọi là tiền niết bàn? Đã nhập niết bàn rồi thì còn cần gì nữa? Tất cả trở thành bản thể tuyệt đối. Tất cả đều có thể dùng thần thông diệu dụng khi muốn, thì còn cần gì đến mấy tấm giấy phiền phức gọi là tiền? Hay đây là công án thầy muốn dạy mình trước lúc ra đi?
Vị thầy dường như muốn để cho sư cạn cùng mọi suy nghĩ, chấm dứt mọi đáp án rồi mới trang trọng tiếp lời:
“Mi sắp đem thân mạng gửi gắm ở một nơi xa lạ! Nếu không may mắn, mi sẽ thất bại, sẽ bị vùi dập và có khi chết giữa chừng trong lúc chưa hoàn thành sứ mạng cao cả của đời mi. Vậy để mi không là gánh nặng cho bất cứ ai, ta cho mi tiền này để bất cứ ai cũng có thể mai táng dùm mi cái thân tứ đại (**) !”
Sư nghe thấy tự nhiên rùng mình, ớn lạnh chạy dọc sống lưng! Trên đường đi, sư luôn bị ám ảnh bởi câu: “tiền niết bàn, tiền niết bàn…tiền niết bàn” nên tự thề với lòng mình: Ta nhất quyết sẽ làm được. Chắc chắn sẽ hoàn thành được tâm nguyện của thầy. Chắc chắn sẽ không là gánh nặng cho người khác!
Câu nói kia cũng tựa như nhát gậy bất thần đập vào đầu hay những cú đá mất thở của các bậc thiền sư đắc đạo ngày trước. Thầy không đến nỗi đánh mình mất thở như thế! Nhưng đủ để mình choáng và tỉnh giác.
Cho dù người ta có khéo léo biện hộ cỡ nào, khéo che giấu cỡ nào… khi đi thẳng đến gốc rễ của các vấn đề cần mổ xẻ thì động cơ chính của mọi ngụy biện; mọi phân giải cũng chỉ là để nâng niu cái bản ngã “quý giá” của người ta mà thôi!
Cuối cùng, trong thời gian ngắn nhất, vị thiền sư đắc đạo, trở về chùa và hoằng dương Phật pháp thật hiển hách.
*
Hắn ngồi trong giảng đường, vừa học vừa để ý từng bối cảnh của chương trình ôn tập Đại Học Từ Xa, vừa nhớ đến câu chuyện trên xảy ra ở đất Mỹ. Hắn cảm thấy thú vị! Câu chuyện đó tuy xa lắc về khoảng cách địa danh, nhưng lại sát cạnh thực tế bản xứ và cũng rất thực dụng. Thực dụng ngay cả trong cửa thiền của Mỹ. Hắn cũng không hiểu tại sao trong hắn lại xuất hiện cùng lúc ba luồng tư tưởng khác nhau, chạy song song trên cùng một khoảng thời gian, ở cùng một bộ nhớ của hắn như thế! Có thể như thế được sao? Khi mà hắn vẫn hiểu bài; vẫn nắm bắt được những tình tiết đang diễn ra trước mắt, đồng thời nhớ lại và suy diễn một câu chuyện xưa? Có thể có cùng một lúc ba luồng tư tưởng như thế được sao trong cùng một con người hắn ở cùng một thời điểm??!
Cũng như những sinh viên khác, hắn cũng là viên chức nhà nước quèn, đăng ký học và chờ ngày lấy được mảnh bằng giá trị cấp quốc gia giống như đại học chính quy mà Ban giám hiệu trường Đại Học Mở TPHCM đã khẳng định trong buổi khai giảng.
Thời đại này là vậy. Những kẻ như hắn, vừa làm vừa học để lấy (hay lấy tiếp) bằng đại học là chuyện bình thường. Có nhiều người, lúc trẻ vì gia cảnh khó khăn, phải lo kiếm sống trước nên phải bỏ ngang đi học trường đời, trường nghề. Giờ tạm ổn mới lẽo đẽo mang mác sinh viên thì cũng đã trung niên, đã có bộ dáng đường bệ và trên người mang nhiều thứ bệnh tuổi già. Cũng có kẻ tự nhận mình lúc trẻ ham chơi, đến lúc có chức có quyền mới thấy “thương” mảnh bằng đại học, mới thấy nó là cần thiết vì sợ bị xã hội đẩy lùi theo quy luật tự nhiên.… Vậy đó! Đủ mọi lý do, đủ mọi thành phần, đủ mọi hoàn cảnh để tất cả cùng ngồi chung một giảng đường thế này. Cũng may là mấy lúc sau này, nhà nước chủ trương tốt đường lối giáo dục, nên hắn và nhiều người còn có cơ hội phát huy năng lực. Và suy cho cùng, dường như họ (tạm gọi là những sinh viên già) có cùng một phạm vi điều kiện như nhau là… bộ nhớ đầy!
Trong môi trường đại học mở đó, có nhiều bối cảnh cười ra nước mắt mà không ai mong muốn. Hắn thấy, dù chỉ là một buổi hay hai buổi đứng lớp, giảng viên già dặn kinh nghiệm cỡ nào cũng vẫn có lúc bị… mắc nạn như thường. Mà những cái “nạn” ấy thì trời ơi đất hỡi!
Thí dụ như môn Triết học Mark - Lénin, giảng viên khoảng trên năm mươi, tóc đã hoa râm, nhưng tụi sinh viên ngổ ngáo cứ đi qua đi lại trước mặt thầy trong lúc giảng như… đi chợ, với lý do rất ư chính đáng: đi trễ! Cuối cùng ông thầy phải nổi cáu, phải trích ra một lượng thời gian để giảng moral cho họ.
Hắn nghiệm ra trong đời thường và các môn trong đại học có mối liên hệ sâu xa mật thiết biết chừng nào! Ví dụ như muốn là một nhà lãnh đạo giỏi thì nhất thiết người đó phải giỏi môn Triết học Mác – Lê này (ít ra là như vậy). Để ít ra, xuất phát từ các cặp phạm trù, còn biết được tại sao mâu thuẫn nội bộ của mình lại phát sinh? Tại sao lại xuất hiện sự phân tầng xã hội… Tại sao một cái nhân có thể gây ra nhiều cái quả, hoặc nhiều cái nhân chỉ tập trung ở một cái quả dài hạn mà thôi!…Tại sao ông thầy phải bị chọc giận một cách vô lý như thế! Mà nhân – quả thì chỉ có thầy… Chân Quang là giảng hay nhất!
Hoặc như môn Quản trị học của thầy Khanh, thầy dạy bằng Powerpoint chiếu Projector rất tuyệt vời! Nhưng khi mới vừa bắt đầu được chừng hai mươi phút thì phải bị ngưng ngang. Ban giám hiệu trường Đại học mở TPHCM đổ đường xa xôi từ Sài Gòn về tỉnh xa bằng xe bốn chỗ, nhưng có lẽ vì kẹt xe dọc đường bất tử nên hơn tám giờ sáng mới tới. Thầy Khanh đành nhường một lượng thời gian hơn tiếng đồng hồ quý báu để cho Ban Giám hiệu sinh hoạt và giải đáp về quy chế, quyền lợi, trách nhiệm vụ của sinh viên hệ này.
Nói quý báu cũng không quá đáng. Vì muốn thi đậu từng tín chỉ, sinh viên phải chăm chú học trong bốn buổi liên tiếp. Thời lượng của môn đó là sáu mươi tiết, chín mươi tiết, thậm chí một trăm hai mươi tiết… thì ở đây chỉ “xắt kẹo” trong vòng mười đến hai mươi tiết (tức là hai ngày) ôn tập thôi. Nên giảng viên và sinh viên phải lao động trí óc quần quật trong khoảng bốn tiếng đồng hồ buổi sáng và năm tiếng đồng hồ buổi chiều giờ hành chánh. Rồi sau đó về tự ngâm cứu, nghiền ngẫm… một mình tự thân vận động chờ vài tháng nữa xách gói đi thi. Ai yếu “cơ”, thi lại vài lần là chuyện bình thường. Cho nên thường có câu truyền khẩu: “Không thi lại thì không phải sinh viên”. Và vì thế, họ gọi những ông giảng viên mặt sắt dạy Toán cao cấp thường cho đề thi trên trời dưới đất là “sát thủ sinh viên”. Và đôi khi, hắn mường tượng có những con cọp đang cố thu hình lại để… vồ mồi ở bên ngoài xã hội, thì lúc này ở đây - nhất là trong lúc thi - những bác cọp đó thật trông giống những chú chuột cống nhum đang cố thu mình lại để chui qua được những “lỗ ngách” nhỏ của cuộc hành trình về đại dương kiến thức.
Cho nên, giờ hắn vẫn ngồi đó, căng mở hết công suất của mọi giác quan để nắm bắt, ghi nhận, đặt câu hỏi trước mớ kiến thức cô đặc quý báu và được hệ thống một cách khoa học mà những thạc sĩ, tiến sĩ giảng viên kia đang chạy nước rút với thời gian, thao thao bất tuyệt trên bục giảng…
*
Thế là thầy Khanh phải nhượng cho Ban Giám Hiệu gần hai tiếng đồng hồ để phổ biến, trao đổi và giải đáp xung quanh vấn đề thi cử - đậu rớt - bằng cấp - kiến thức cho nhóm sinh viên trẻ đang ngồi lẫn lộn với những sinh viên già, sồn sồn an phận. Tưởng việc đã yên, giờ giải lao xong, thầy Khanh định vào dạy tiếp thì lại gặp chướng ngại...
Chướng ngại này là tên sinh viên lỏng khỏng, tướng tá trói gà không chặt, tự xưng mình cũng là giáo viên dạy phổ thông cho trẻ gì gì đó. “Chướng ngại” đang đứng cạnh đầu những dãy bàn, đề nghị tập thể lớp bầu ra một lớp trưởng để điều phối mọi việc (nếu là y thì càng tốt). Khi thấy thầy Khanh mới đặt được một chân vô lớp, y đã khoát tay lia lịa xin phép thầy vài phút để tranh thủ nói chuyện. Thầy đành cười méo mó lui ra, kiên nhẫn chịu đựng sự trấn lột thời gian ấy. Đến lúc các bạn trong lớp phản ứng dữ dội, y mới chịu nhường “đài” cho thầy!
Kế tiếp nữa là môn Kinh tế vi mô do một nữ giảng viên còn rất trẻ, rất mi nhon và phong cách rất…bụi. Ở trong giảng đường hơn trăm người (hay ở bất cứ cuộc hội nghị, hội thảo nào) chuyện tắt điện thoại di động hoặc chuyển qua chế độ rung là điều lịch sự và bắt buộc khi tham dự. Thế mà có kẻ nào đó dám bạo gan bạo phổi để cho điện thoại reo inh ỏi giữa giờ dạy của cô giáo khó tính này như một sự trêu tức. Từng tràng dài không dứt bỗng phát lên bất ngờ một điệu nhạc đơn âm nghe cũng khá lọt tai. Mọi người trong lớp đều ái ngại và sốt ruột tại sao ai đó lại ngoan cố và bất lịch sự lâu như vậy? Hay chắc người nào đó đang muốn tự nguyện… chết dưới tay nữ giảng viên xinh đẹp này! Một hồi sau mới chợt nghe giọng cô đổi tông: “Xin lỗi! Là máy của tôi. Bởi vì máy tôi quá “suya” nên không chuyển qua chế độ rung được”. Rồi cô bước tới mở ví, cầm máy đi ra ngoài. Cả lớp thở phào nhẹ nhõm. Suốt buổi giảng hôm đó, luôn luôn có rất nhiều người cầm máy đi ra đi vào liên tục như “có huông”. Cũng có nhiều cái đầu cúi xuống hộc bàn thì thào: a lô… ờ….ờ….
Đến môn Lý thuyết hành chánh công, lớp vừa vào giờ học được một chút, bỗng nghe đánh “rầm” một tiếng thật lớn! Tất cả cùng nhìn ra ngoài cửa. Thì ra có một thằng oắt con nào đó mới vừa học xong, trên tay còn cầm cuốn tập và cây viết, chắc đang xung ba khía chuyện gì, tưởng phòng này không có ai học nên thi triển thần công đạp cửa một cái chơi cho tụi con gái lé mắt, xanh máu mặt! Hoặc có thể, gã muốn dằn mặt ai đó trong lớp này cũng không biết chừng(!) Giảng viên bình thản yên lặng! Một số người lớn trong lớp bất bình. Thằng nhóc quê độ phi thân mất dạng. Thầy lại tiếp tục thao thao bất tuyệt được thêm một lúc nữa thì dưng không có một tên nhóc khác đi xăm xăm thẳng vô lớp, hướng nhìn thầy và nói rất nhũn nhặn: “Thầy cho em vô kiếm đồ!” Rồi một cách rất tự nhiên, rất lẹ làng, tên nhóc bước tới cúi xuống ngó nghiêng xuống các hộc bàn, mặt kề sát mũi các vị tai to - mặt lớn - bụng phệ (nghĩa đen) đang ngồi học, làm như các vị đó là cục đất sét không bằng! Không phát hiện được gì, y cũng rất tự nhiên như lúc vào, hiên ngang tay không bước ra ngoài, lừng lững như một tay anh chị!
Hắn khẽ bật cười. Vì hắn không biết tại sao những kẻ đó lại… thiếu giáo dục đến như vậy khi đang đặt mông ngồi trên giảng đường đại học, trong khi chúng đã qua hệ phổ thông trung học, tức là đã qua môn đạo đức căn bản trong nhà trường. Hắn mường tượng những tên ấy hình như đang đi lạc từ một hành tinh nào khác đến, như từ Sao Hỏa chẳng hạn! Hoặc bước ra từ trong Võ lâm truyền kỳ? Nếu không, thì cũng thi rớt môn đạo đức trong nhà trường trung học(?) Tại ai? Do ai? Mọi người đều hình dung được câu trả lời nhưng không tiện nói! Họ có lẽ cũng không còn thời gian để chấn chỉnh vì thời gian là quý báu, thời gian của giai đoạn khoa học công nghệ càng quý báu hơn, không thể bỏ sót hay níu kéo lại được!
Nhưng rồi những kẻ này cuối cùng cũng gặp khắc tinh. Khắc tinh của họ là thầy Long dạy Maketing. Email thầy lấy tên là Dragon và thầy tự xưng mình là… Thành Long của Việt Nam. Thầy nói: suy cho cùng, nghề giảng viên nào có khác gì diễn viên trong phim. Trong đời thường cũng phải dốc hết năng lực mình ra để diễn xuất, phục vụ và làm vui đẹp cho đời. Cũng có những chuyện buồn vui sau “hậu trường” lớp học.
Lúc thầy bước vào, cả lớp hơn trăm người đang ngồi im… áng binh bất động! Thầy thấy… ngộ, nên ra dấu và bảo: “Nào các bạn đứng lên!”. Lúc này mọi người mới chịu vội vàng nhấc cái mông quý giá của mình lên khỏi mặt ghế. Có lẽ thầy còn giận trong lòng, nên cứ tỉnh bơ nói chuyện trời trăng mây nước cả buổi. Mất toi bốn tiếng đồng hồ buổi sáng quý báu cũng vì các quý ông này.
Thời gian “sinh viên” vào học không phải được thoải mái như sinh viên chính quy, mà có khi buổi chiều còn lại hoặc nguyên cả ngày hôm sau họ buộc phải “bay” đi tỉnh xa công tác, hội nghị, hội thảo… hoặc chấp nhận thi lại lần hai lần ba có khi là vậy. Thế mà chìa khóa đậu rớt nằm trong cách thi và câu hỏi ôn tập đề cương. Oái oăm thay, với thầy Long, nó lại gắn vào ổ khóa của buổi cuối cùng này. Ai không học buổi ấy thì kể như… thua. Bỏ của! Hắn cũng ở trong tình trạng… nhém thua ấy nên đột nhiên đổ quạu. Giá như không có buổi “trời trăng mây nước” kia lọt thỏm vào thinh không thì hắn đã nắm trọn vấn đề cần nắm rồi. Khỉ thật!
Hắn “bay” đi công tác với tâm trạng nhấp nhỏm không yên. Vậy mà tới lúc thi, đề đóng, hắn vẫn làm bài tốt như thường. Mà làm bài một cách chân chính, nghiêm chỉnh đó chứ, lại còn “cứu” được thêm bốn nhân mạng đang ngồi xung quanh nữa! Thật đúng, “hay không bằng hên”!
Khắc tinh thứ hai hiền lành hơn (mà cũng… dữ dội hơn! Cái dữ dội của những đợt sóng ngầm đang ngủ sâu dưới đáy đại dương). Kỳ lạ thay! Thầy có chiều cao khiêm tốn và giọng điệu cũng khiêm tốn với hàm răng trắng đều nhưng dáng dấp rất hiên ngang, phong độ. Giọng của thầy rất trong; rõ ràng; trầm ấm; nhanh và dứt khoát biểu hiện một nội tâm hùng hậu và phong phú. Chứng tỏ một con người điều độ, mực thước (tức nghiêm ngặt cả tửu lẫn sắc). Qua phong thái giảng của thầy tỏ rõ một cái tâm từ ái, hòa nhã, nhiệt tình, chu đáo và nhạy bén. Cũng có lẽ chính ở chỗ… bén ấy nên thầy có cái tên rất kêu và rất ấn tượng: Búa!
Thầy Búa lúc mới bước vào lớp đã nhận ra hơn trăm người kia đang ngồi lì, trơ “mắt nai” ra nhìn thầy như nhìn một… thiên thần! Trong số trăm người ngồi đó, có hắn! Cũng chịu thôi! Hắn đã định đứng lên để chào thầy cho đúng lễ độ, nhưng lại ngại người ta nói là mình “làm nổi, gây ấn tượng” nên đành làm cá mè một lứa trong phút giây đó cho yên chuyện. Nào ngờ, thầy đã làm một cử động rất tự nhiên nhưng đột ngột để đáp lại những đôi mắt “nai” kia, khiến ai nấy cùng giật mình sửng sốt: chân thành cúi chào cả lớp thật nghiêm cẩn!
Chính sự dữ dội của cơn sóng ngầm đó đã làm mọi người chợt thức tỉnh như bị điện giật. Họ vội vàng đứng lên nghiêm trang, như đang chào vị… nguyên thủ quốc gia. Lác đác trên nhiều gương mặt sinh viên còn vương nét bẽ bàng, xấu hổ (biểu hiện nền tảng đạo đức vẫn còn đó mà hắn phát hiện được, nên cũng tạm yên lòng). Một minh chứng cho tất cả đều nhận biết: Không cần khoe; không cần nói; không cần manh động; chỉ làm một động tác khiêm cung thật lòng và nhiệt thành… là đủ để thu phục nhân tâm mọi người!
Đó cũng là một cách giáo dục (hay nhắc nhở) đạo đức một cách cấp tốc trong thời khoa học công nghệ, mà thầy Búa đã vô tình hay cố ý muốn truyền đạt lại, như đã từng truyền đạt môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của mình. Mà hắn biết chắc, sinh viên sẽ có kẻ tự hỏi: “Tại sao phải học Tư Tưởng Hồ Chí Minh kia chứ?”. Ô! Chắc chắn học để tự rèn luyện nhân cách của mình - những người còn non về đạo đức. Ít ra cũng để trở thành những công dân tốt đẹp hơn, cho xã hội thái bình hơn! Giỏi hơn nữa thì biết đâu... sẽ trở thành những nhà lãnh đạo xuất chúng tài ba - đức độ - (biết đâu được) nhưng lúc nào cũng quên mình, khiêm hạ và hết lòng hết sức, … để cho dân nhờ! Mà muốn được như thế thì phải có cái tâm quảng đại… như Bác! Thấu hiểu tư tưởng của Bác! Đơn giản như đang giỡn!
Cử động đột ngột cúi chào cả lớp của thầy Búa, giống như cành hoa sen phất lên, hay ngón tay chỉ trăng của đức Phật Thích Ca trong giai thoại Thiền tông ngày trước. Người thì chỉ thấy cành hoa hay ngón tay, vì cho đó là thực tiễn; người thấy tới… mặt trăng vì cho ngón tay đó chỉ là phương tiện. Còn hắn thì không thấy hoa sen; không thấy ngón tay; không thấy mặt trăng; cũng không thấy những ngôi sao đang lấp lánh… mà chỉ thấy văn hóa phương Đông tuyệt diệu đang bị che lấp dần đi bởi trào lưu văn hóa phương Tây đang cuồn cuộn tràn vào đời sống, “tấp” người dân tơi bời hoa lá, thông qua những tình huống bất ngờ đã từng xảy đến cho các giảng viên và mọi người trong trường đại học như thế này… và đang ngồn ngộn cả ngoài xã hội!
*
Suy cho cùng, đạo và đời nào có xa nhau mấy?! Đạo ở trong đời, chính là đạo đức, đạo lý, đạo hạnh vẫn cứ hiện diện đây đó khắp hang cùng ngõ hẹp trong đời sống thường nhật và đầy ắp cả trong hư không. Đạo đức có khi xuống cấp, thì trở thành vấn nạn của một xã hội đương thời; Có khi vững chắc thì lại là niềm hãnh tiến của một quốc gia nào đó trên thế giới…như Việt Nam về sau chẳng hạn! Xã hội nếu không có những nền tảng đạo đức làm rường cột để duy trì, tất yếu sẽ khó lòng tồn tại và phát triển tốt đẹp. Hắn nghĩ mọi người đều biết rõ điều đó! Hiểu sâu và xa nữa kìa! Nhưng lại không chịu góp công vun đắp, chỉnh sửa, xây dựng dùm… nhân loại! Hay họ nghĩ rằng, đó chỉ là những lỗi nhỏ(?) Mà nhiều giọt nước lỗi gom lại, sẽ thành một đại - dương - lỗi thì làm sao đây?!...
Chỉ vì thời gian là vàng bạc theo đúng nghĩa hiện hành của nó? Hay chỉ vì cái tôi / bản ngã / lợi ích bản thân / cảm giác cái ta trung tâm của họ quá lớn, nên không còn gì quan trọng hơn để họ phải lo toan??!
*
Hắn đã tốt nghiệp Đại học ấy từ lâu, trước thời hạn cho phép. Những năm về sau, hắn thành tựu trên mọi phương diện của xã hội, kể cả phương diện tâm linh. Dù bản thân và những người bạn đồng chí hướng của hắn không giàu có tiền của nhưng có thừa lòng yêu thương nhân loại. Khoảng thời gian dài đó, hắn đã tiếp tục lần lượt lấy các văn bằng hai và cao học... cùng lúc ráo riết góp hết khả năng, tận hết tâm trí và sức lực của mình để góp phần nhỏ bé cống hiến cho lòng người thêm tốt đẹp.
Bây giờ hắn đứng đó, một mình! Tần ngần trước khuôn viên nguy nga, hùng tráng của chùa Phật Quang ở núi Dinh, cảm giác thật thân quen như đã từng sống ở đó từ lâu lắm - dù đấy chính là giây phút đầu tiên hắn đặt chân đến! Kỳ lạ thật!
Vị thầy trụ trì tự nhiên xuất hiện. Người từ trong chánh điện bước ra, tướng trượng phu uy mãnh mà từ ái; Dáng cách Thầy tao nhã, không một cử động thừa thãi hay thiếu sót… tất cả tạo nên một phong thái phi thường, toát lên một tinh thần cao vợi đến tuyệt đẹp!
Thầy mỉm cười nhìn hắn, cất tiếng trong thanh, trầm hùng của sư tử hống nhưng lan toả sức từ bi bao la vô tận, Thầy nói:
“Ta đợi con ở đây đã lâu lắm rồi!”
Hắn bất giác sụp xuống thật thấp. Hắn quì sát đất, dập đầu lạy Thầy ba lạy thật cung kính! Ba lạy đó hắn muốn bày tỏ rằng: “Đội ơn Thầy đã dạy bảo con bao lâu nay, từ xa, bằng chính giáo pháp kỳ tuyệt của Phật pháp vô biên… để con có thể làm được những điều ích nước lợi dân trong bao năm nay!”. Nhưng xúc cảm trào dâng lên mắt, khiến hắn nghẹn lời không nói được nên câu! Bậc đạo sư mỉm cười độ lượng, cất tay áo khoan dung xoa đầu hắn một cách trìu mến như cảm thông tâm trạng - Một cách tâm truyền tâm - Thầy nói:
“Vào chùa thôi con!”…
250309