Trong những ngày chờ đợi bổ sung làm lao công tại các mặt trận, chúng tôi bị tạm giam trong những khu riêng biệt mang mẫu tự ABC... và những phòng đánh số thứ tự. Tôi ở khu F – Phòng 18.
Trong phòng 18, ngoài các giám thị đặc biệt của quân lao, chúng tôi còn được đặt dưới quyền trông nom trực tiếp của hai “đàn anh”, với toàn quyền sinh sát trong tay. Nói thế không có nghĩa là chúng tôi bị họ giết chết, nhưng chỉ là có thể như thế thôi và nếu sự việc đáng tiếc đó có xảy ra đi nữa thì cũng vì họ đã lỡ tay, lẽ dĩ nhiên là họ chịu trách nhiệm về mặt luật pháp.
Hai “đàn anh” đó là hai sĩ quan, một trung úy, tên Thể, có biệt danh là “Thể ca sĩ” vì gã có tài đàn ghi-ta và hát rất hay. Gã kia thiếu úy tên Kính, tự là “Kính cộc” hay “thiếu úy cộc” vì tính gã cộc cằn. Cả hai thuộc vào hạng tù kỳ cựu, đã đào ngũ năm lần bảy lượt. Vài lần đầu, người ta cho họ được hưởng biện pháp khoan hồng, tù treo năm ba tháng rồi phục hồi binh quyền. Nhưng sau đó, họ lại đào ngũ nữa, lần thứ ba rồi thứ tư. Bây giờ không nghĩ ra biện pháp nào hữu hiệu để ngăn họ khỏi đào ngũ nên người ta cứ giam họ dài dài, và giao cho họ nhiệm vụ trông coi chúng tôi, đám lính tù – vì tội đào ngũ – đã lãnh án, sắp được đưa đi làm lao công – gọi là lao công đào binh – tại các chiến trường.
Cả hai “đàn anh” đều có gương mặt rất đỗi thư sinh. “Thể ca sĩ” gầy, cao lêu nghêu, da trắng xanh, gương mặt choắt với mớ tóc bồng bềnh lúc nào cũng rũ xuống che khuất một bên trán. Mắt sâu, sáng quắc như mắt cú về đêm, đôi môi mỏng, hơi trề, đỏ thắm một cách bệnh hoạn, mỗi khi cười bày hàm răng trắng bóng đều đặn.
“Thiếu úy cộc” trái lại, người nhỏ thó, thấp lùn như một cậu trai mười lăm, mười sáu tuổi. Tóc chổi xể cắt ngắn, lông mày rậm, mắt lồi. Gã có cái mũi đặc biệt, khoặm xuống như mỏ chim ưng, nhưng lại xẹp chứ không cao. Môi mỏng dính, thâm sì. Miệng rộng, khi cười hai khóe môi dịch lên gần đến mang tai – lỗ tai thì bé xíu như tai chuột. Răng mọc không đều, đóng đen nhựa thuốc lá. Mặt gã lúc nào cũng lầm lì, ít nói, nhưng khi nói thì rít lên. Mỗi lần gã tức giận, mặt gã có màu xám và vô phúc cho ai đó trong chúng tôi đã làm cho gã trái ý, gã nện sặc máu mũi. Gã luôn luôn theo sát “Thể ca sĩ” như một kẻ hộ vệ.
Đó là hai vị hung thần của phòng 18. Chúng tôi sợ họ gấp trăm lần những giám thị thực sự có ăn lương chính phủ. Một trong những kỷ luật của cặp bài trùng đó là, mỗi lần họ đi ngang qua hay có mặt trong phòng thì chúng tôi phải tuyệt đối giữ im lặng, bằng cách cúi mặt xuống. Không một ai được ngẩng mặt lên nhìn họ, ngứa không được gãi, nhột cổ không được ho, muỗi đốt, kiến cắn không được đập. Ai ngồi đâu ngồi yên đó cho đến khi nào hai đàn anh cho phép chúng tôi mới được... bình thường trở lại. Bất cứ cử chỉ, hành động nào xảy ra trước khi có lệnh đều bị coi như có tính cách khiêu khích, lăng mạ đến danh dự của họ, tức thì bị một trận đòn nằm dài.
Họ hành hạ chúng tôi đủ mọi thứ, bất cứ lúc nào họ thích. Nhưng có điều lạ lùng tôi nhận thấy họ không bao giờ biểu lộ một xúc động nào trên gương mặt, dầu buồn hay vui. Mặt họ lúc nào cũng tỉnh bơ, lạnh lùng y như gương mặt cố định của hai hình nộm.
Họ có nhiều trò tiêu khiển chung với nhau: đàn hát, uống rượu, hút thuốc lá.
Khi họ họp lại đàn hát – thường ở gốc cây trứng cá trước phòng, có một băng gỗ dài – thì suốt đêm, chúng tôi được nghe tiếng đàn tây ban cầm điêu luyện và giọng hát ấm truyền cảm của trung úy Thể, chẳng thua gì một ca sĩ chuyên nghiệp. Phụ họa có tiếng sáo cũng rất tuyệt của “thiếu úy cộc”. Những đêm như thế không phải là hiếm, nên trong một thời gian ngắn lưu lại đó, dù sống trong một tình cảnh “trên đe dưới búa”, riêng tôi cũng cảm thấy dễ chịu đôi phần. Họ hát hầu hết những bài có tinh thần phản chiến của các nhạc sĩ trẻ nhóm du ca và những bài tình ca thời đại. Họ bắt đầu khoảng gần nửa đêm và chỉ nghỉ vào lúc trời hừng sáng, rồi kéo nhau xuống câu lạc bộ uống cà phê, dễ thương như hai nghệ sĩ đam mê trong nghệ thuật.
Nhưng có những đêm họ chỉ hút thuốc hay uống rượu. Thuốc lá ở đây tuy hiếm vẫn có thể tìm ra không mấy khó khăn, miễn là có tiền để mua với giá cắt họng. Tuy nhiên, cái món bia, mà lại bia hộp thì quả là khan. Nhưng chỉ khan đối với chúng tôi mà thôi, còn hai đàn anh thì vẫn có xài đều đều.
“Thể ca sĩ” có “gu” Pall Mall, “thiếu úy cộc” thì chỉ dùng độc nhất một thứ Wilton, hai loại thuốc lá của quân đội Mỹ. Trung bình mỗi ngày mỗi người hút ba bao, những đêm đặc biệt tăng gấp đôi. Móng hai ngón tay giữ thuốc của họ nâu đen mầu cánh dán và cả bàn tay vàng khè khói thuốc như nhuộm. Những đêm – hút- thuốc, họ chỉ ngồi im lặng hát, tuyệt nhiên không hề nói với nhau nửa lời. Hai đốm lửa đỏ lập lòe sáng lên từng lúc – trong cái góc đặc biệt, dành cho hai đàn anh có lót ván cao lên khỏi nền xi măng lạnh. Họ đốt điếu thuốc đầu tiên lúc đầu đêm và rồi không quẹt thêm một que diêm nào nữa cho đến sáng, trên môi mỗi người ngậm điếu thuốc cuối cùng đi ra khỏi phòng. Căn phòng cửa đóng kín, lúc đầu chỉ ngửi thấy thoang thoảng mùi khói thơm phảng phất, rồi mùi thơm mỗi lúc gia tăng thêm nồng độ và chỉ quá nửa đêm một chút thì toàn thể căn phòng mịt mờ khói thuốc trắng xóa như sương mù. Chúng tôi dầu có nghẹt thở, muốn ho sặc sụa cũng phải cố dằn không dám ngóc đầu dậy. Có lần một người đã lén nhìn hai đàn anh và lập tức bị họ bắt hút thuốc bằng lỗ mũi tưởng chết, hay gài một điếu thuốc vào trong tóc bắt phải giữ yên cho đến lúc điếu thuốc tàn.
Khi hai đàn anh vừa bước ra khỏi phòng, lập tức mấy tay đàn em - chúng tôi cắt luân phiên nhau – nhào tới chỗ họ ngồi làm vệ sinh ngay. Nhặt tất cả những tàn thuốc đút vào túi cất để dành – hút hay bán rẻ lại cho đồng bạn ghiền – quét tro và lau chùi sạch sẽ.
Khi hai đàn anh nhậu, chúng tôi cũng phải giữ im lặng tuyệt đối như vậy. Nằm sắp lớp ngay ngắn, không được thở mạnh hay trở mình. Trái lệnh sẽ được uống bia bằng lỗ mũi ngay. Những đêm như vậy, căn phòng im phăng phắc, chính họ cũng không nói chuyện. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng lắc cắc của vỏ bia rỗng bị bóp bẹp. Sáng ra họ vừa đi khỏi, lại một phiên đàn em khác nhào tới ngay, vừa dọn dẹp vừa ngửa cổ chắt vài giọt bia còn sót lại trong những vỏ bia méo mó, chép miệng chèm chẹp.
Nhưng không phải họ chỉ có những thú tiêu khiển văn nghệ như vậy mà thôi, còn có thú đá gà và trò này chỉ diễn ra vào những buổi chiều tạnh ráo, sau khi cơm nước xong xuôi.
Chúng tôi được lệnh tất cả ra sân, đứng bao lại thành một vòng tròn – như ở các trường đá gà. Trong một góc, hai đàn anh ngồi “tuyển gà” trên một chiếc băng dài. Thoạt đầu họ nhìn khắp chúng tôi một lượt. Sau đó, hai cặp mắt cú vọ dừng lại trên từng gương mặt tái mét, lắm lét của chúng tôi đang hồi hộp chờ đợi sự quyết định của họ. Cuối cùng hai người được gọi ra, cáp độ. Đó là hai “con gà”, có bổn phận phải “đá” nhau cật lực cho hai đàn anh thưởng thức.
Hai con gà đứng giữa sân, sau tiếng đếm thứ ba chấm dứt, tức thì hai con gà phải xáp vào đấm đá nhau túi bụi. Phải đánh thế nào cho hai đàn anh xem thật thích mắt. Vẻ gượng gạo, sự nới tay cho nhau là một trọng tội bị trừng trị ngay bằng một trận đòn nhừ tử. Chúng tôi có bổn phận phải cổ võ, hoan nghênh nhiệt liệt, để khích lệ hùng khí của gà hai đại ca – họ vẫn thường nói thế – cho nên, thà là bị đau trong một trận đòn có qua có lại, hai con gà choảng nhau tận tình như hai kẻ thù không đội trời chung vậy. Chính tôi một lần đã được chọn làm gà trong trò tiêu khiển đó. Lần đó, tôi bị một tên to con, lại có võ, dần cho một trận nên thân. Tuy chưa bất tỉnh nhưng khắp người tôi chỗ nào cũng sưng lên bầm tím, mũi chảy máu và gãy hai cái răng cửa. Tôi cũng đấm đá nên trò lắm và nhiều lần được hoan hô tán thưởng. Thực ra, lúc đầu tôi nghĩ là mình chỉ nên đánh lấy lệ thôi vì mình với hắn chẳng thù oán chi nhau. Nhưng sau đó, hắn đấm tôi chẳng nương tay chút nào, phần bị đau quá tôi đổ giận, phần sợ bị đòn, phần được cổ võ, tôi như nổi điên và tôi xông vào đấm đá say mê như một con gà điên. Tuy nhiên, sức hắn là sức voi còn tôi chỉ là sức thỏ nên rồi tôi cũng bị hắn nện kỹ và sau đó thì nằm dài, dầu tôi đã tỏ ra hung hãn rất mực.
Tôi là gà của “thiếu úy cộc” nên gã bước ra đá nhẹ vào hông tôi rồi cúi xuống xách tai tôi lôi dậy:
- Thằng–trí–thức, sao yếu vậy mậy? – Giọng gã vừa mĩa mai vừa trào lộng rít qua đôi vành môi đang phì phà điếu thuốc – phải trị tội thằng này mới được – gã phà một hơi thuốc vào mặt tôi rồi thản nhiên nói tiếp – gà của tao mà để cho nó đánh đo ván thì không thể tha thứ được. Học chữ nghĩa cho nhiều vào rồi đâm ra u mê lú lẫn. Không chịu học đánh đấm cho thân thể cường tráng và trí tuệ minh mẫn ra.
Nói xong, gã liền vặn tréo vành tai tôi luôn mấy vòng tưởng chừng tai tôi đứt lìa ra. Tôi ôm đầu kêu trời như bọng. Gã xô tôi ngã xuống đất cười ư ứ trong cổ họng. Trong khi đó, con gà của trung úy Thể cũng bị gã hỏi tội:
- Thằng mập này tàn nhẫn quá. Sao mầy tàn ác quá vậy hở thằng kia? Gã vừa nói vừa vặn tai “thằng gà” của gã khiến cho hắn nhăn nhó như đang làm trò – cùng trong một hoàn cảnh đáng thương, cùng là đồng đội với nhau, sao mầy lại nỡ đánh nó ra thân tàn ma dại vậy? Mày không hiểu câu huynh đệ chi binh là gì à. Phải trị tội mày để từ nay về sau mày biết yêu thương đồng đội – Nghiêm! “Thể ca sĩ” hét to lên.
“Thằng gà” đang ngồi lê la dưới đất, mắt lắm lét nhìn gã, vội vàng đứng thẳng dậy như một cây trụ.
- Một trăm cái hít đất - “Thể ca sĩ” la lên.
- Thi hành! – Gã to con nhanh nhẫu đáp lại.
Gã vào thế, chống hai tay xuống đất, chùi hai chân ra sau, người sấp hỏng mặt đất, bắt đầu thi hành.
- Sát xuống nữa – giọng “Thể ca sĩ” lạnh lùng – Cái mông đít khum khum kia, tao đạp cho một cái gãy xương sống bây giờ.
Gã to con vừa làm vừa đếm, hai tay gã bắt đầu run, miệng thở phì phì, mồ hôi tuôn nhỏ giọt. Đến lần thứ ba mươi thì hai tay gã, như hai cây chống bị chặt, sụm xuống và cả cái thân hình to béo rơi phịch, nằm sấp trên mặt đất, bọt miếng trào ra hai bên mép trắng như dãi ngựa kéo xe.
Tôi được tham dự năm hay sáu lần, những trận “đá gà” như thế. Phần đông chúng tôi, thoạt đầu không ai thích thú gì chứng kiến cái việc hai người chẳng thù oán đấm đá nhau tơi bời như vậy. Nhưng rồi khi cuộc đấu bắt đầu đến hồi gay cấn, có tí máu miệng, có tí mồ hôi, tự nhiên không cần được lệnh cổ võ của hai đàn anh, chúng tôi cũng bị cuốn vào trận đấm đá, hô hào một cách hứng thú say mê. Mãi đến khi thấy hai cái xác nằm phờ ra đó, thoi thóp, và hai đàn anh bảo đem đi “vô nước” lòng hối hận mới trở lại.
Một buổi chiều, chúng tôi cũng được lùa ra sân để chuẩn bị trận đá gà như mọi lần, nhưng vừa đứng quanh lại xong, hai đàn anh chưa kịp chọn gà thì trời chuyển mưa. Mây đen kéo tới, gió nổi lên dữ dội và mưa trút xuống, cuộc chơi đành phải hủy bỏ.
Nếu một người than van là đã làm việc bù đầu suốt ngày này qua ngày khác không có giây phút rổi rảnh thì cũng có những kẻ than van vì mình rảnh rỗi quá không có việc gì làm cho đỡ buồn, thời gian nhàn nhã quá độ đối với họ lại là một cực hình. Đó là cái tâm trạng của chúng tôi trong những ngày dài chờ đợi ra chiến trường làm lao công. Hai đàn anh còn tỏ ra hơn thế nữa, nên cuộc đá gà tuy bị trục trặc không có gì để giải trí khiến hai gã buồn chán ra mặt.
Vào phòng, hai đàn anh ngồi xếp bằng vừa hút thuốc liên tiếp vừa đưa mắt nhìn xuống chúng tôi.
- Chiều nay trời mưa, buồn quá - “Thể ca sĩ” lên tiếng – Làm gì cho vui lên coi, tụi bây!
Chúng tôi nín thinh không một ai dám hó hé.
- Nói đi! – Gã hét lớn làm chúng tôi giật mình – Nêu ý kiến đi. Tao cho tụi bây tự do ngôn luận, tự do phát biểu. Không nói gì cả thì coi chừng cái thần hồn!
Tiếng lào xào nổi lên trong đám chúng tôi nhưng rồi lại im lặng.
- Tụi bây ngu lắm! - “thiếu úy cộc” đứng lên, cười cười – Đại ca cho tự do mà tụi bay không chịu tự do, thật là một lũ ngu ngốc. Chỉ khi nào nạt nộ, đánh đập tụi bay mới nghe theo.
- Đứa nào nêu ý kiến hay, tao cho điếu thuốc!
“Thể ca sĩ” móc bao Pall Mall ra để trước mặt. Tiếng xì xào lại nổi lên, kéo dài lâu hơn. Mọi cặp mắt đổ dồn vào gói thuốc lá màu đỏ. Người này đưa mắt nhìn người kia dò xem tình hình. Có những cái cổ rướn cao lên, có những đôi môi mấp máy, có những lỗ mũi mở ra phập phồng, có những cặp mắt nhìn hau háu tưởng chừng tròng mắt sắp lòi ra bay đến bên gói thuốc. Một vài tiếng chép miệng nho nhỏ sau khi nuốt nước miếng.
- Nhưng đứa nào nêu ý kiến không làm tao vui, tao thấy không hay thì bị đòn - “Thể ca sĩ” thản nhiên nói tiếp.
Tiếng xì xào tức thì im bặt, như gió chợt ngừng thổi qua đám lá khô. Những gương mặt hớn hở vội xìu, dài ra thiểu não, những cái cổ đang ngóng rụt xuống, những tròng mắt lồi vội sụp vào trong mi, những đôi môi hé mở ngậm chặt lại. Cụt hứng hết!
“Thể ca sĩ” quay sang hỏi ý kiến “thiếu úy cộc”, tôi ngồi ở cuối phòng nên không nghe rõ. Chợt “Thể ca sĩ” nhìn chòng chọc xuống bọn tôi hỏi:
- “Thằng – trí – thức” ốm yếu đâu?
- Dạ, có mặt! – Tôi vội vàng nhỏm dậy đứng nghiêm chờ lệnh (Thằng – trí – thức là biệt danh của tôi do hai đàn anh đặt cho chỉ vì tôi bị cận thị và mang cái kính bảy độ).
Tất cả những cặp mắt đổ dồn vào tôi. Tôi đứng yên như khúc gỗ chịu đựng cái nhìn dò xét khinh bạc của hai đàn anh, trống ngực đập thình thình.
- Bỏ kính xuống, lên trình diện!
Tôi tháo kính cất vào túi áo. Trước mắt tôi sự vật bị xóa nhòa đi như có một bức màn mỏng vừa che ngang mắt, tôi hơi bị chóng mặt. Mắt tôi mở lớn nhưng tôi đi chập choạng, nền xi măng bằng phẳng tựa như đường mấp mô.
- Thằng – trí – thức – mù! “Thể ca sĩ” nạt – Đi mau lên!
- Cười đi! - “thiếu úy cộc” ra lệnh.
Tức thì một tràng cười nổi lên chung quanh tôi.
- Cười nữa! Cười dài ra! “thiếu úy cộc” hét to lên – tao cho tự do cười mà tụi bay không cười hả?
Tụi bay không thích được tự do phải không? Cười Thằng – trí – thức – mù! Cười lên!...
Tôi loạng choạng suýt té nhào mấy lần vì bước nhầm lên chân những người khác. Những tiếng hà hà, ha ha, hi hi, hì hì lại nổi lên. Dịu lại một chốc rồi lại nổi lên, kéo dài ra cho đến khi tôi lần mò lên đến chỗ hai đàn anh. Tôi lờ mờ thấy họ ngồi cách chỗ tôi đứng chừng ba bốn thước, tôi dừng lại đứng nghiêm trình diện:
- Binh nhất Thằng – trí – thức – số quân...
- Mù! “Thể ca sĩ” chận tôi lại. Phải thêm chữ “mù” vì bây giờ mày mù rồi!
- Thằng – trí – thức... mù! – Tôi lấp bấp nói lại, số quân...số tù – Khu F –Phòng 18 trình diện trung úy, thiếu úy đại ca!
Tôi vừa dứt lời, “Thể ca sĩ” đã chuẩn bị trước, lên tiếng ngay:
- Hôm nay, chúng ta, những người liêm khiết và công chính, họp nhau tại đây để xử tội một phần tử nguy hiểm cho cộng đồng xã hội, đó là Thằng – trí – thức – mù – quay mặt xuống, “Thể ca sĩ” ra lệnh cho tôi – đang đứng trước quí vị. Vì tình trạng khẩn trương, tòa bị đặt vào một hoàn cảnh đặc biệt phải xử theo thủ tục khẩn cấp như tại các mặt trận. Tuy nhiên, vì chúng ta là những người công chính, chúng ta sẽ không để cho tinh thần công lý thiếu sót trong phiên xử. (Tôi nghĩ thầm: “Trời! Hắn nói lưu loát không ngờ!”)
- Quan tòa mà không có áo đỏ gì cả - “Thể ca sĩ” càu nhàu nhỏ tiếng với “thiếu úy cộc”.
- Thì quấn mẹ nó cái “pông – sô” kìa! “thiếu úy cộc” đưa ý kiến.
- Ừ nhỉ! Quên đi mất. Tòa án ka ki mà, cần đếch gì áo đỏ, áo đen!
Gã quàng lên người tấm “pông–sô”, còn “thiếu úy cộc” quấn tấm “ra” trắng như người quàng khăn khi hớt tóc. Hai người ngồi cạnh nhau, ngay ngắn trên bục gỗ.
- Thưa quí vị, “Thể ca sĩ” lên tiếng, thành phần tòa hôm nay có sự hiện diện của trung úy Thể, tự “Thể ca sĩ”, nguyên là chủ tịch cơ quan coi về luật của cả nước, ngồi ghế chánh án kiêm lục sự. Thiếu úy Kính tự “thiếu úy cộc”, nguyên là sinh viên năm dự bị Luật khoa, thủ vai ủy viên chính phủ kiêm luật sư biện hộ. Rất tiếc các nhân chứng vì đường sá xa xôi không đến dự được, tuy nhiên đó chỉ là tiểu tiết không đáng quan tâm. Và, lẽ ra thành phần tòa còn có những người thủ vai khác nữa nhưng vì tình trạng kinh tế Nhà nước không cho phép trả lương thêm, nên tạm thời tòa điều hành với các thành phần vừa nêu.
“Thể ca sĩ” lấy cục đá gõ xuống mặt ván ba tiếng cồm cộp.
- Phiên tòa bắt đầu. Cho Thằng – trí – thức – mù mang kính vào!
Tôi làm theo lệnh.
- Thề đi! “thiếu úy cộc” ra dấu cho tôi. Tôi bối rối.
- Đặt tay trái lên bụng – Gã nạt nộ – Mày không biết thề hả, thằng kia?
Tôi làm theo lời gã, đặt tay trái lên bụng.
- Nói theo tao – Gã gườm tôi – “Tôi thề sẽ nói sai sự thật và chỉ nói sai sự thật!” – Tôi lập lại. Gã nhìn qua trung úy Thể hỏi ý kiến.
“Thể ca sĩ” nói:
- Trước hết chúng ta hãy nghe lời tự thú của bị can.
Sau đây là lời tự thú của tôi do “thiếu úy cộc” ứng khẩu và tôi đã lập lại:
- Tôi là một Thằng – trí – thức – mù. Vì mù nên tôi phải mang kính. Tôi mang kính để tỏ ra mình trí thức, thực ra tôi chỉ là một thằng vô học, dốt đặc cán mai. Tôi có một thân thể bệnh hoạn vì không năng luyện tập đánh nhau. Tôi trốn lính nhưng rồi tôi cũng bị thộp cổ bắt đi lính. Tôi đào ngũ vì tôi nhớ vợ. (Khi tôi lập lại câu đó thì cử tọa cười rộ lên), vì mẹ già và con dại. Nhưng khi tôi về đến nhà thì hay vợ tôi đã bỏ đi theo trai (cử tọa lại cười rộ) vì không chịu nổi những ngày hiu quạnh. Tôi phải ở lại nhà nuôi mẹ nuôi con. Tôi bị bắt vào ngày....tháng...năm.....
Tôi lập lại lời cuối, đứng yên chờ đợi.
- Bây giờ đến phiên ông lục sự. “Thể ca sĩ” nghiêng mình về phía “thiếu úy cộc”, nghiêm trang nói. Xin ông vui lòng đọc bản cáo trạng.
“Thiếu úy cộc” đằng hắng, lấy giọng ứng khẩu nói (vì tờ giấy gã đang nhìn vào chỉ là miếng giấy bạc thuốc lá nhầu nát)
- Việt Nam Cộng hòa ngày... tháng... năm... Chiếu biên bản số của Ty cảnh sát X... ngày..... tháng... năm... bị can Thằng – trí – thức – mù đã bị bắt trong một cuộc hành quân cảnh sát thuộc chiến dịch Phượng hoàng, tại một nhà chứa trong khi đang hành lạc với gái mãi dâm (“thiếu úy cộc” mỉm cười). Mục đích của những cuộc hành quân này là tiêu diệt các cơ sở hạ tầng cộng sản nằm vùng, lùng bắt những thành phần bất hảo, những phần tử trốn quân dịch và các đào binh để bảo vệ an ninh, trong các thành phố đã bị các thành phần trên quấy nhiễu... “thiếu úy cộc” dừng lại, ngẫm nghĩ một lát đoạn nói tiếp....
- Theo lời khai của bị can, Thằng – trí – thức – mù, y là một quân nhân đào ngũ trong lúc đơn vị y đang hành quân diệt địch. Y bị khủng hoảng sinh lý nên đã tìm cách về thành phố giải quyết, nhưng rồi, cũng theo lời bị can, vì thấy đời sống ở thành phố có phần hấp dẫn hơn là đi đánh giặc bảo vệ quê hương, bảo vệ nền dân chủ của nền Cộng Hòa, y quyết định ở lại không trở về đơn vị để cùng các đồng đội đi sát cánh “tiêu diệt giặc Cộng” nữa.
“Thiếu úy cộc” lấy thuốc ra châm hút, phà khói đoạn nói tiếp:
- “Ty cảnh sát đã giải bị can qua phòng quân cảnh tư pháp, tại đây bị can khai là binh nhất Y… đơn vị đóng ở Đông Hà thuộc miền giới tuyến. Vợ bị can chết, đơn vị cấp bảy ngày phép về Cà Mau chôn vợ. Vì cảnh nhà đơn chiếc bị can ở lại thu xếp nên quá hạn phép. Khi trở về đơn vị, bị can đã bị báo cáo đào ngũ, đơn vị không nhận nữa. Y buồn bã đi chơi lang thang ở xóm chị em ta thì bị tóm”.
Không khí trong phòng im phăng phắc. Tất cả cử tọa theo dõi một cách chăm chú và thích thú nghe những lời “thiếu úy cộc” hoàn toàn bịa đặt. Họ cũng nhìn tôi chăm chú không kém để dò phản ứng của tôi. Tôi tức muốn hộc máu mồm mà chết, cái thằng quỷ mắt lé bày đặt ra những sự kiện nhơ nhớp để nhục mạ tôi. Tôi đã có vợ con chi đâu để chết, rồi về chôn cất. Tôi chỉ không thích cái đời lính tráng mà họ bắt tôi đi nên tôi bỏ về vậy thôi. Tôi muốn nhảy tới bóp cổ cái thằng lùn dơ dáy đó, nhưng tôi còn phản ứng gì được nữa ngoài cái dáng vẻ thiểu não: mặt chảy dài, mắt nhìn xuống, miệng méo xệch như sắp khóc.
Chẳng phải là tôi không cảm thấy tủi thân tủi phận đã bị con quỷ lẻm mép kia nhục mạ mà tôi không làm gì được nó, nhưng dường như tôi phải cố gắng xô đẩy sự khốn khổ của tôi tới một mức để khiến cho vài giọt nước mắt thấm ướt mắt tôi. Thật lạ lùng, khi giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống được rồi thì những giọt khác tiếp tục chảy ra không dứt, ngon lành, như nước chảy ra từ một lỗ mọt bể chứa, không tài nào ngăn lại được. Tôi khóc sướt mướt thật sự, khóc tức tưởi như một đứa trẻ bị mẹ đánh oan. Tôi phải mấy lần tháo kính ra đưa tay áo lên chùi mắt. Tuy vậy, vẻ khổ sở của tôi có cái gì đáng tức cười nên hai đàn anh cười rộ, cái giọng cười hô hố, cố ý làm cho sự khả ố tăng thêm, cái giọng cười đầy vẻ châm chọc khôi hài chuyền tới ngay đám đồng đội tôi, khiến họ cũng cười lên rầm rầm, cười hể hả như cái việc khóc lóc của tôi rất đáng tức cười, như nếu họ không cười thì không còn dịp nào họ còn cười được nữa.
Phiên tòa mắc dịch bị gián đoạn một lúc rồi lại tiếp tục. “Thể ca sĩ” nện cục đá xuống mặt ván cồm cộp, cử tọa im lặng.
- Tòa tiếp tục xử, yêu cầu giữ trật tự. Nay đến phiên Ủy viên chính phủ buộc tội. Yêu cầu...
“Thiếu úy cộc” đứng lên. Gã đang mặc quần đùi, giơ hai ống chân xương xẩu trắng nhợt, đầy lông lá – hai tay giữ lấy hai chéo chiếc khăn trắng cho khỏi rớt, gã làm cho bộ mặt gã có một vẻ quan trọng buồn cười:
- Thưa quý tòa, Thưa quý tòa....Mặt gã nhăn nhó. Gã chưa tìm ra lời mở đầu....
- Thưa quý tòa, trong bản cáo trạng, ông Lục sự vừa đọc – cuối cùng sau một lúc bối rối, loay hoay, gã nói được – và lời khai của bị can, tôi nhận thấy có những sự kiện mâu thuẫn, điều đó chứng tỏ, hoặc là bị can đã khai không đúng sự thật – tức man khai, y vội vã nói thêm – hoặc là bị can đã bị bắt buộc ký tên vào một biên bản làm sẵn. Tuy nhiên, giả thiết sau không thể chấp nhận được. Trong chế độ dân chủ của nền đệ nhị cộng hòa hiện tại, mọi nhân viên công lực đều có tinh thần trách nhiệm cao độ, luôn luôn làm việc theo nguyên tắc và công tâm, không bao giờ để cho cảm tình riêng hay áp lực nào chi phối. Guồng máy hành chánh hoàn hảo đến mức chúng ta có thể nhắm mắt phó thác sinh mệnh ta cho luật pháp mà không sợ có sự nhầm lẫn, dầu là sự sơ suất nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, chỉ còn có giả thiết thứ nhất đứng vững, nghĩa là bị can đã cố tình man khai...
Gã ngừng nói, méo miệng, nháy nháy “Thể ca sĩ” ra cái điều thích thú, đoạn hắng giọng nói tiếp:
- Sự láo khoét trắng trợn nhất, là bị can đã khai gian cho đơn vị trưởng y cấp giấy phép ngắn hạn. Chúng ta đều biết rằng, tất cả các đơn vị trưởng của quân lực VNCH đều ý thức, cần phải giải quyết thỏa đáng mọi thắc mắc của các cấp binh sĩ về gia đình họ thì họ mới yên tâm làm tròn nhiệm vụ chiến đấu... Vợ y chết ở Cà Mau trong khi y ở vĩ tuyến 17 mà đơn vị trưởng chỉ cấp phép bảy ngày, khai như vậy chẳng khác nào y đã mạ lỵ đơn vị trưởng của y ngu dốt không biết làm việc...Bị can lại còn khai khi trở về đơn vị không thu nhận. Lời khai này hoàn toàn vô căn cứ có tính cách thóa mạ cả tập thể các cấp chỉ huy vì, ngay như đối với các đào binh biết hối lỗi tự động ra trình diện đều còn được chính phủ khoan hồng, phương chi ở đây bị can chỉ mới trễ phép thì có lý do nào đơn vị trưởng lại nhẫn tâm từ chối thiện chí của bị can...Tuy nhiên, xin quý tòa lưu ý đến một vài điều bị can đã khai đúng sự thật.
Thứ nhất, bị can bị khủng hoảng sinh lý nên đang khi hành quân phải bỏ trốn về thành phố đi chơi bời. Ở đây bị can đã bị đời sống phè phởn ở hậu phương lôi cuốn, và đó là lý do chính yếu khiến y đào ngũ luôn.
Thứ hai, bị can cũng khai sự thật, y là một Thằng – trí – thức – mù, tức là trí thức giả hiệu nhờ vào cặp kính trắng. Quý tòa không tin cứ lột cặp mắt kính y ra mà xem (tôi được lệnh tháo kính và đi quờ quạng một vòng giữa tiếng cười nhạo vang dậy như chợ vỡ) y hoàn toàn không còn thấy đường sá gì nữa. Vì một người trí thức là gì, là người không cần mắt kính vẫn thấy rõ đường đi lại, không cần mang nhãn hiệu thạc sĩ, tiến sĩ vẫn biết suy xét và hành động hợp lý.
Thứ ba, cũng đúng như lời tự thú của bị can, thân thể y quá gầy yếu và vì không chuyên tập luyện đánh nhau nên bị can đã bị thua trong một trận tỉ thí với một người có thân thể nở nang, nhờ đã chuyên luyện võ ở các ngã đường tăm tối trong thành phố, xứng đáng với danh hiệu “thanh niên là rường cột của nước nhà”.
Vậy xét rằng:
- Thứ nhất, bị can đã phạm tội vu khống mạ lỵ nhân viên công lực của chế độ cộng hòa là làm việc tắc trách, thiếu lương tâm. Phỉ báng thượng cấp – một đơn vị trưởng của QLVN – là ngu dốt, làm việc thiếu suy xét đã cấp giấy phép ngắn hạn cho bị can.
- Thứ hai, bị can đã phạm tội thiếu tinh thần chịu đựng gian khổ – là tinh thần nòng cốt của tất cả các chiến sĩ QLVNCH – về thành phố để giải quyết sinh lý, bị đời sống xa hoa cám dỗ, làm thương tổn đến danh dự của tập thể quân đội.
- Thứ ba, bị can đã phạm tội đào ngũ trong thời chiến, một trọng tội đối với tổ quốc và đồng bào.
Trong khi bao nhiêu người đang hy sinh xương máu để bảo vệ nền tự do dân chủ của miền nam, đào ngũ tức là phản bội tổ quốc, nhân dân, làm suy yếu sức chiến đấu của toàn quân toàn dân, một hành động ích kỷ không thể tha thứ được, đáng tội chết.
- Thứ tư và là tội nặng nhất, bị can đã để cho đời sống phè phởn của một thiểu số dân thành thị quyến rũ đến nổi phải đào ngũ để ở lại mong sẽ được thụ hưởng những khoái lạc vật chất nhục thể... Bị can không ý thức được nhiệm vụ cao cả của một chiến sĩ là sống và chết ở mặt trận, (ôi! vinh dự thay! Bỗng nhiên “thiếu úy cộc” ngẫng mặt lên trời kêu lên một cách tha thiết, trung úy Thể thì che miệng cười gục gặt đầu: “Khá, khá lắm!.) là ăn cơm sấy, “thiếu úy cộc” tiếp, là uống nước bùn...để bảo vệ đất đai của miền Nam này, trong đó có các thành phố lớn. Là để bảo vệ sinh mạng và tài sản của mười phần trăm những người nhà giàu và cuộc sống sung túc của thành phần ưu tú này của đất nước. Tại sao chúng ta phải xả thân để bảo vệ họ? Vì nhờ họ mà nước ta mới được kể là một nước có tài sản. Nếu không bảo vệ họ, họ chết đi, tài sản đó có thể bị mất vào tay các nhà băng ngoại quốc (họ chết hết cả thì còn ai lấy về được nữa) nước nhà sẽ tụt xuống ngay hàng một tiểu nhược quốc nghèo khổ nhất thế giới. Tài sản của chín mươi phần trăm dân số còn lại không bằng số tiền du hí của họ ở ngoại quốc... Bị can không ý thức được quốc gia cần thiết phải bảo vệ họ đến mức nào. Ngay như việc họ có một nếp sống cao vút và đối với nếp sống thấp lè tè của đa số dân chúng cũng là do họ có ý thức bảo vệ sức khỏe. Họ cần phải được ăn uống đầy đủ, ăn mặc bảnh bao, tâm trí luôn luôn thoải mái – để có đủ sáng suốt nghĩ ra những mưu mẹo làm giàu, họ giàu thì quốc gia cũng được tiếng thơm lây – không có lý do nào bị can lại có ý ganh tị với những người đáng cho toàn thể dân tộc ghi ơn đó, dầu là phải công tâm ghi nhận có sự chênh lệch cả về phẩm lẫn về lượng giữa bữa cơm của “những người đáng tri ân” gồm thịt bò, trứng, bom, lê, nho, táo, rượu... với bữa cơm của bị can trong rừng sâu gồm: cơm sấy và muối, đôi khi lõi chuối sống. (Tôi thấy dường như khi nói ra những lời đó giọng hắn trở nên dịu dàng đi chút ít và đôi mắt lạnh lùng của hắn thoáng vẻ bối rối? Trông hắn đã có vẻ thấm mệt, tuy nhiên hắn vẫn nói sau đó, không chút cố gắng). Lại nữa, ở thành phố còn có những cơ quan đầu não của chính phủ, các cơ quan lập pháp dân cử trong đó chất chứa bao nhiêu là những bộ óc đang ngày đêm nghĩ ra những kế hoạch quan trọng nhằm đem lại đời sống ấm no cho toàn dân. Quyền lợi khi nào cũng đi đôi với trách nhiệm. Sau những giờ lao tâm khổ trí, quý vị đó cần phải được đền bù xứng đáng khi nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi có sá gì một bữa ăn sáng gồm thịt bò lúc lắc – trứng rán – bánh mì – sữa tươi... để rồi phải phí sức hao hơi ở nghị trường trong những cuộc cãi vã có đánh lộn hay phải lao tâm khổ trí trong những kế hoạch lớn lao có giá trị làm giảm thiểu sự nghèo đói của dân chúng. Thể thức điều hành guồng máy Nhà nước và công quyền vô cùng phức tạp mà một chiến sĩ không có quyền ngờ vực và ganh tị với đời sống vật chất được đền bù của họ. Bổn phận của một chiến sĩ là xả thân ngoài mặt trận để giữ yên các thành phố cho những người “đáng kính” làm giàu thêm cho quốc gia, cho những người vì dân vì nước làm việc nước...Bị can không biết rằng những người đó – sống ở thành phố nhởn nhơ đó – rất biết ơn các chiến sĩ như bị can. Họ thường thể hiện điều đó qua các bích chương, biểu ngữ giăng đầy phố, qua thơ, văn trong lãnh vực tâm lý chiến và nhất là qua các bản nhạc dành cho lính mà các “em gái hậu phương” thường xuyên gởi đến họ trên các làn sóng điện đài phát thanh chính phủ. Một chứng cớ hùng hồn khác là, nếu bị can tỏ ra anh dũng lập chiến công – với một con mắt mù một chân gãy hay một cánh tay cụt càng quý – thì y sẽ được tuyên dương công trạng, được gắn huy chương trong một buổi lễ có các cô gái xinh như mộng đến choàng vòng hoa cho y nữa. Đó là một vinh dự đáng kiêu hãnh của một chiến sĩ mà không phải ai cũng có được. Sau đó, y có thể được đưa về thủ đô của miền Nam đi xem “xi nê miễn phí” dành riêng cho các chiến sĩ ưu tú, đi xem sở thú có chim, khỉ, vượn, hùm beo, cọp, gấu... được các phóng viên báo chí chụp ảnh, phỏng vấn những chiến công hiển hách. Ôi! Bao nhiêu là phần thưởng vinh hạnh dành cho y! (“thiếu úy cộc” nói gần như kêu lên)
Với những tội trạng nghiêm trọng đã nêu, kính xin quý tòa, vì tiền đồ của dân tộc, vì tương lai của xứ sở đất nước miền Nam, vì nền dân chủ đang trên đà phát triển, vì danh dự của tập thể quân đội, vì vận mệnh của cả một thế hệ thanh niên trong thời ly loạn, vì..., vì.... Thưa quý tòa, còn vì nhiều thứ nữa, toàn là những điều hệ trọng mà thiếu đi thì thật là tai hại cho tương lai miền Nam thân yêu của chúng ta...Tôi, nhân danh chính phủ, xin tòa hãy dành cho bị can một hình phạt thật nặng nề, thật xứng đáng, khiến cho bị can còn sống mà như thể chết rồi, thân tàn ma dại v.v... để làm gương cho…. tất cả chúng ta.
“Thiếu úy cộc” thở hắt ra đoạn từ từ ngồi xuống. Hai bên mép nước miếng đặc quện lại trắng phếu, gã vội đưa lưỡi liếm. Gã đã đóng vai ủy viên chính phủ đại diện công tố viện một cách xuất sắc nên bây giờ trông gã mệt mỏi hẳn.
Phần tôi, đã đứng trong tư thế nghiêm hơn một giờ rồi, tôi cũng sắp quỵ đến nơi. Vừa mỏi, vừa buồn ngủ lắm lúc tôi tưởng sắp ngã xuống và bất tỉnh. Không biết bao giờ thì phiên tòa quái ác này kết thúc. Đám cử tọa bất đắc dĩ không thấy có điều gì đáng cười nữa nên cũng ngồi yên lặng, ngáp vắn ngáp dài một cách kín đáo.
- Luật sư biện hộ - “Thể ca sĩ” nói như ra lệnh, đưa mắt nhìn “thiếu úy cộc”. Gã buộc miệng chửi thề, nhìn lại bạn nở một nụ cười miễn cưỡng:
- Mệt thấy mẹ còn biện hộ gì nữa. Gã nói nhỏ với “Thể ca sĩ”. Nghỉ chút đã. Nhưng sau đó gã đứng lên:
- Thưa quý tòa, gã xoa xoa hai bàn tay vào nhau – như bộ điệu thường thấy của một thuộc cấp đứng trước thượng cấp xin xỏ một ân huệ – nhận thấy ủy viên chính phủ đã đưa ra những bằng chứng hiển nhiên, những luận cứ vô cùng xác đáng, chứng tỏ trước công lý bị can quả thật là một kẻ có tội. Trước tài hùng biện của ông ủy viên chính phủ tôi tự cảm thấy thua kém, với những gì tôi dự định biện hộ cho thân chủ hóa ra thừa thải. Thưa quý tòa, vậy xin quý tòa mở lượng hải hà cho bị can được hưởng sự khoan hồng... dạ... không... tôi quên... dạ xin lỗi quý toà. Dạ... xin quý toà xem những lời biện hộ của tôi cũng giống như của ông ủy viên chính phủ vậy. (Gã hơi nghiêng mình như chào một người ở trước mặt). Xin mạn phép ông ủy viên chính phủ. Xin cám ơn quí tòa.
- Vỗ tay lên! Hoan hô!
“Thể ca sĩ” ra lệnh cho đám cử tọa đang ngủ gật. Được đánh thức, họ vỗ tay rào rào. Vài người nói:
- “Hoan hô, hoan hô luật sư, hoan hô!”
- Thôi! “Thể ca sĩ” hùng hồn đứng lên thét về phía cử toạ. Tức thì tiếng vỗ tay im bặt.
- Tòa nghị án – Gã nói tiếp – trong khi chờ đợi xin mọi người giữ trật tự. Đây là tòa án chớ không phải cái chợ. Giữa câu nói gã vặn người kêu rôm rốp. Mỏi lưng quá! Gã chửi tục. Ủy viên chính phủ buộc tội chi mà lâu dữ vậy mậy. Gã quay sang nói với “thiếu úy cộc”. Hai người ra khỏi phòng, đi nghị án.
- Ông chánh án ra ngoài một chút rồi trở vô tuyên án - “Thể ca sĩ” nói với đám cử tọa. Không được xì xào bàn tán làm mất tính cách vô tư của pháp luật.
Họ đứng lên ngay. Cả hai đều rờ phần bụng dưới, vội vàng bước ra.
Tôi buồn ngủ híp mắt lại, đầu váng vất hầu như không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. Tôi thấy người tôi đang quay và tai tôi ù lên. Dẫu vậy tôi còn nghe ra bên ngoài kia, tiếng nước chảy ro ro dội mạnh vào vách nhà và tiếng thở dài quanh tôi được dịp tuôn ra thườn thượt. Hai đàn anh đã trở vào. Tiếng lào xào vội im bặt. Họ đã bỏ tấm pông sô và khăn choàng chỉ còn mặc áo thun quần đùi.
- Tòa tuyên án - “Thể ca sĩ” nói lớn – tòa không choàng pông sô nữa vì trời nóng, sợ ảnh hưởng đến tâm lý làm cho tòa thiếu tính cách công minh. “Thể ca sĩ” nói tiếp – và để chứng tỏ điều đó, gã cởi luôn áo thun ra, gom lại lau mồ hôi đang tuôn ra nhễ nhại.
- Chiếu chỉ điều số 1 của luật gia “Thể ca sĩ” trong bộ luật....(gì nhỉ? Gã hỏi nhỏ “thiếu úy cộc”. Gã này trả lời) À... bộ luật “Tùy hứng”, chiếu chỉ điều số 1 của luật gia “thiếu úy cộc”, cũng trong bộ luật “Tùy hứng”.
Xét thấy những tội lỗi của bị can Thằng–trí– thức–mù, tức binh nhất Y... đã phạm quá sức tưởng tượng, ngoài dự liệu của bộ luật ‘Tùy hứng”. Tòa truyền:
Thứ nhất: cho bị can được hoàn toàn tự do vì bị can có một đời sống không can dự gì tới ông chánh án, tức “Thể ca sĩ”. Nay ông chánh án không thèm để ý gì đến Thằng–trí–thức–mù nữa, nó làm gì mặc xác nó.
Thứ hai, bị can phải về chỗ ngủ ngay lập tức, ngủ thật say. Không được nằm mơ thấy giải quyết sinh lý với bất cứ một người đàn bà nào. Tuy nhiên tòa có dự liệu trường hợp khoan hồng, nếu mơ thấy ngủ với vợ thì tòa cho phép.
“Thể ca sĩ” nói dứt lời, lấy viên đá gõ ba tiếng xuống mặt ván.
- Tòa vãn.
Nói xong, gã liền ôm bụng cười, cười như điên như cuồng. Gã nhìn tôi nạt:
- Sao tòa truyền về ngủ mà mày còn đứng đó. Muốn ăn đòn hả?
Rồi gã lại tiếp tục cười nữa.
Tôi vừa dở chân lên chưa rời khỏi mặt xi măng thì ngã xuống. Cả nửa thân người dưới của tôi đã tê cóng. Tôi đã nằm tại chỗ ngủ mê man, khi mở mắt ra thì trời đã sáng rõ.
Mấy hôm sau, tôi có tên trong danh sách những lao công đào binh được gọi và tôi rời khỏi khu F phòng 18.
Trong những lúc rảnh rổi sau những công tác nguy hiểm không có tự vệ, thỉnh thoảng tôi bỗng cảm thấy nhớ hai gã thanh niên đáng thương, có khả năng bày ra những trò tiêu khiển đầy tính cách hài hước trào lộng đó./.