Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.279
123.157.999
 
Lan Man Chuyện Giày Dép
Hà Thúc Sinh

Đến bàn chân là một chi thể quan trọng của con người mà xưa nay vẫn có những người, những nhóm người đại diện cho một quan niệm nhân sinh hay tôn giáo coi nó như một biểu tượng thấp hèn, nói gì chỉ là thứ phụ tùng gọi là giày dép. Nhưng trong đời sống, giày dép lắm khi cũng gây ra lắm chuyện om sòm, và nếu tò mò, việc truy nguyên nguồn gốc của nó cũng khá nhiêu khê.

 

Vâng, thực ra đến nay vẫn chưa có mẫu số chung giữa các học giả về nguồn gốc giày dép. Kết luận của từng người hay từng nhóm nghiên cứu đều dựa vào một vài khám phá nào đó, rồi qua các thử nghiệm khoa học, họ hô hoán lên, kiểu “Đây rồi, những đôi dép ‘cao niên nhất’ của loài người đã được tìm thấy ở tiểu bang Oregon, Mỹ và nó có nhật kỳ từ 7.000 đến 8.000 năm trước TL”; cứ thế, nay người này bảo tìm thấy một đôi ở Phi châu, mai người kia bảo tìm thấy một đôi ở Á châu hay Âu châu, và đôi nào tuổi tác cũng đã vài ba ngàn năm trở lên, thậm chí có những học giả còn nói dép đã xuất hiện với đôi chân con người giữa 26.000 đến 40.000 năm trước. Vậy còn giày? Một số nhà khảo cổ tin rằng có một vài nền văn hoá rất sớm cũng đã chế ra giày, chẳng hạn xứ Mesopotamia, hơn 3.000 năm trước TL (bao gồm nhiều phần đất của Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran ngày nay) người sống ở các vùng núi xứ đó đã có giày đi chứ chẳng riêng dép.

 

Chỉ lạ một điều là không thấy có học giả nào liều thả tưởng tượng xa hơn một chút để giả thiết biết đâu 400.000 năm trước, khi con người đã ý thức được rằng, để khác với khỉ, người ta phải tập thẳng lưng mà đi, ngửa mặt mà sống, và nhờ vậy mới từ từ biết tổ chức cuộc sống bầy đoàn thành một xã hội cộng sản nguyên thuỷ như một số người tin, trong đó trai săn bắn, gái hái lượm, nhất là biết dùng lửa nấu nướng để thoát khỏi kiếp ăn tươi nuốt sống như dã thú; thế rồi, trong một buổi liên hoan barbecue, do vụng về, một người đẹp nào đó đã làm văng bắn những mẩu than hồng xuống đất, một vài chàng trai đạp phải nhảy cà tưng lên, ngờ đâu trong số ấy thình lình lòi ra một đỉnh cao trí tuệ! Chàng đã hét lên một chữ gì đó chắc là tương đương với chữ “Eureka! Eureka!” của Archimedes sau này. Và từ đó nhân loại bắt đầu có dép rồi có giày đi?

Và đi sâu hơn vào chuyện giày dép một chút ta sẽ thú vị thấy nó cũng có lắm đặc điểm. Đặc điểm đầu tiên có thể là về mặt… địa chính trị của nó.

 

Qua quan sát, ta thấy những sắc dân ảnh hưởng nền văn hoá Ấn Hoa thuận giày, còn văn hoá La Hy lại thuận dép.

 

Giới vua chúa quan quyền Tàu và Ấn từ xa xưa đều thấy đi giày, đàn bà đi hài; cứ nhìn lực lượng lính tượng Tần Thuỷ Hoàng cho chế tạo hơn 2.000 năm trước đã được diện giày rất tươm tất. Trong khi đó cũng giới này ở La Mã, Hy Lạp và các nước lân cận vùng Địa Trung Hải, các sultan vùng Trung đông đều phần lớn đi dép có quai, kể cả phụ nữ. Các Pharaoh và ngay Cleopatra của Ai Cập đều đi dép; ông Moi-Sen dẫn dân Do Thái vượt sa mạc trốn khỏi Ai Cập thảy đều “lội sơm sởm” với những đôi dép; các chiến sĩ Sparta thời Hy Lạp cổ, được nhà nước thu nuôi từ bảy tuổi để nhồi nhét cho triết lý hãy chết sống cho chế độ, vì chế độ còn thì ta còn, thấy họ đều chết trận với đôi dép; những anh hùng truyền kỳ Hector, Achilles, kẻ trước người sau nối nhau chết vì cung kiếm cũng với đôi dép.

 

Nhưng dép hay giày, các cuộc khai quật cho thấy phần lớn con người đều đã biết dùng da thú như nai, gấu, bò… để chế cái xỏ vào chân.

 

Vậy ở nước ta đi gì? Phần lớn đi cả giày lẫn dép chế bằng da… người. Lịch sử cận đại với bao hình ảnh do Tây chụp, giờ phổ biến rộng rãi trên internet, cho chúng ta thấy không riêng nhiều “phụ tá” của cụ Đề Thám trong chiến khu đi chân đất, mà ngay những người tín cẩn đứng cầm quạt hầu các vua quan nhà Nguyễn còn rất gần với chúng ta thấy cũng đi chân đất nốt! Mãi đến thời cách mạng vô sản xảy ra mới nổi bật được tính “trọng dép” ở ta, dép râu. Và thành thật mà nói, ở miền Bắc giai đoạn 54-75 là thời kỳ duy nhất đôi chân con người được hưởng một chế độ thống nhất và bình đẳng gần như hoàn toàn: chế độ dép râu. Sư bình đẳng này sau thống nhất vài năm mờ dần, và đến khi cả nước lao vào con đường kinh tế thị trường theo định hướng xhcn, có lẽ cần chạy, nhất là chạy chọt, dép râu không còn dấu tích dưới đôi chân con người thành thị nữa, nếu còn thì sự tàn dư ấy may ra chỉ có thể tìm thấy ở những người không bắt kịp cuộc đua sống mới và đã hoàn toàn bị tụt hậu, hoặc ở những “cụ” thương phế binh tuyệt lộ phải hành nghề Nhị Sách. Dù sao, về mặt sử liệu, chứng tích “vang bóng một thời” của chủ nghĩa trọng dép ít lắm cũng còn lại một bài tán dép (thơ phổ nhạc?) không rõ của ai nhưng kể là xuất sắc, đáng gọi vô tiền khoáng hậu theo đúng nghĩa đen tuyền của bốn chữ ấy:

 

Đôi dép đơn sơ

Đôi dép bác Hồ

Bác đi từ thủa chiến khu bác về

Phố phường trận địa, nhà máy đồng quê

Đều in dấu dép bác về bác ơi…

 

Đặc điểm thứ hai là dù ở đâu, ở thời nào, giày dép như đều biết nhận thức tính thức thời đồng nghĩa với sự khôn ngoan; nếu không, làm gì nó luôn “được” hưởng nhiều… đặc quyền đặc lợi như thế. Trong mọi trường hợp, giày dép không thua quần áo, mũ mão. Nó luôn hưởng ưu tiên được ôm ấp những đôi bàn chân của giới quyền quý, quyền lực, và chỉ khi bị chán chê mê mỏi rủi ra mới có dịp gần gũi hạng dân giả bần hàn, nhất là hạng dân giả ở lắm miền quê thuộc các vùng cày sâu cuốc bẫm, đèo heo hút gió như ở nước ta chẳng hạn. Thật đáng ngạc nhiên là tuy đã bước sang thế kỷ XXI đến 11 năm, sau mặt trăng con người đang hăm he in gót giày lên nhiều mặt hành tinh khác, vậy mà người dân Việt, đặc biệt dân thiểu số không hiểu sao vẫn lắm trẻ em lẫn người lớn giày dép với họ tiếp tục là thứ nếu không xa lạ cũng là xa xỉ, vẫn ngày đêm hát câu chân cứng đá mềm…

 

°

 

Vâng, từ cổ chí kim, khi con người không còn chấp nhận chế độ… chân cứng đá mềm nữa và giày dép ra đời thì chúng đều được hưởng chung một “thiên chức” là phục vụ đôi bàn chân con người, dù đôi chân ấy là của một bà mẹ-việt-nam bụng chửa vượt mặt nhưng vẫn phải ngày ngày lê lết đầu đường xó chợ với kiếp buôn thúng bán bưng, hay của danh hề Charlot, người từng bảo hiểm đôi bàn chân của ông với giá 150.000 USD thời 1920, tương đương 750.000 USD ngày nay. Hai cặp bàn chân đó tuy khác nhau một trời một vực về thời đại và tính giai cấp, nhưng với đôi giày họ đi, dù là giày gì, đều được bình đẳng trong vai trò làm chủ một số động từ như đi, bước, chạy, nhảy, đạp, giẵm, xéo, in dấu v.v…  mà điều kiện thuận tiện nhất cho các động từ ấy có thể thi hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của hai bàn chân là một mặt phẳng, bất cứ mặt phẳng nào, lớn thì như mặt đất mà nhỏ thì như mặt… người.

 

Vậy giờ ta thử nêu vấn đề: khi đôi giày bước lên một mặt phẳng như mặt đất thì đôi chân, đôi giày, mặt đất, thứ nào sướng thứ nào khổ?

 

Câu trả lời dễ dàng tìm thấy là đôi chân và đôi giày có cả sướng lẫn khổ; sướng nếu mặt đất có được một tiêu chuẩn bình thường như bằng phẳng, không lầy lội, không ổ gà hay hố tử thần; ngược lại, cứ thử tưởng tượng đôi chân và đôi giày sẽ như thế nào nếu như chúng thuộc về  các đại gia đủ hạng mặt, ăn tô phở 35 USD đắt gấp 7 tô phở bên Mỹ, suy ra một đôi giày họ mua dùng giá phải bạc ngàn, thế mà tự nhiên giữa đường gặp mưa trút xuống, lụt dâng lên, giày lẫn chân lâm cảnh bì bõm thì phải đau khổ chứ.

 

Nhưng riêng mặt đất nhất định chỉ có đau, dù lúc bình thường hay lúc bất thường. Nguyên tắc chung cái gì bị đạp lên, giẵm lên đều đau, đều tổn hại, nếu không vật chất cũng tinh thần. Người mình lại vốn coi đất như xương cha (đất Tổ) thịt mẹ (đất Mẹ, biển Mẹ); phải chăng chính nhờ tình cảm này đã giúp người Việt bao đời, vì không thể chịu nổi cảnh quằn quại của mẹ cha, đã tạo được trang sử trên thế giới không đâu có: “Không để mất một tấc đất của tiền nhân để lại,” dù đất ấy đã từng bị tên hàng xóm to xấu dày xéo chà đạp cả ngàn năm.

 

Winston Churchill, cố thủ tướng Anh kiêm Nobel văn chương (1953), từng phát biểu rằng chẳng đất nước nào hạnh phúc khi đã có in dấu giày đinh của một thế lực ngoại bang. Câu ấy đã giúp ông, ở một nhận thức nào đó, đáng mặt tri kỷ tri bỉ với người mình. Nhất là giờ đây, dù trong đủ thứ thiên tai gầm thét não nề nhưng chẳng người nào, nếu trong huyết quản không chảy dòng máu lạ, lại không nghe ra trong có cả tiếng giày đinh của tên hàng xóm… dưới xệ ngầu pín trên le ngầu lì, đang giở trò giương cao khẩu hiệu “vừa là đồng chí vừa là anh em” mưu toan lần nữa kéo qua thôn tính mặt đất mặt biển này.

 

°

 

Ấy nãy giờ chỉ lan man chuyện giày dép và mặt đất, giờ xin thử quay sang một thứ mặt khác xem có gì vui chăng, mặt người chẳng hạn.

 

Thực ra gần đây, hễ nói tới giày dép và mặt người là thế nào nó cũng làm nổi bật lên ngay hai mặt đối lập của cùng một vấn đề yêu ghét. Hậu quả của sự đối lập này là “giày tháp cánh bay đi,” và “mặt khôn hồn thì né.” Tất nhiên giày được ném ở đây là giày của người dân chống, còn mặt là mặt của kẻ quyền uy. 

 

Dù lịch sử việc ném giày vào mặt để sỉ nhục (theo quan niệm của người Hồi giáo) còn trẻ măng so với lịch sử ném trứng thối hay cà chua vào kẻ mình không thích, đặc biệt những nhân vật công quyền vô tích sự, thối nát, tham nhũng, ác ôn v.v… vốn đã xuất hiện ở nhiều nước Âu châu và Địa Trung Hải cả hai ngàn năm trước; tuy nhiên, gần đây việc ném giày (vì người dân không dễ gì xáp gần mà đạp) vào mặt những nhân vật quyền thế lại có vẻ nhận được sự hoan hô và ủng hộ nhiệt liệt của quần chúng ngay các nước sở tại. Và việc ném giày như thế thời gian qua từng đã diễn ra ở Úc, Ấn Độ, Ái Nhĩ Lan, Do Thái, Hương Cảng, Hồi quốc, Anh quốc, nhất là ở các nước Ả rập.

           

Đặc biệt đôi ba năm gần đây có hai vụ ném làm inh ỏi thế giới. Vụ trước xảy ra vào ngày 14-12-2008 cho Tổng thống Hoa Kỳ, ông George W. Bush, trong chuyến ông viếng thăm tạ từ Iraq khi sắp mãn nhiệm kỳ 2. Lúc cuộc họp báo của ông và thủ tướng Nuri al-Maliki đang diễn ra thì một chiếc giày bay về phía ông. Tấm ảnh cho thấy người ném là một nhà báo trẻ tên Muntadhar al-Zaidi, người né là TT Bush, và người đón bắt là Thủ tướng chủ nhà. Cùng với hành động ném giày, anh nhà báo còn gửi theo nhiều lời mắng chửi, chẳng hạn: “Đây, tạ từ… đồ chó má!” Khi an ninh đè đầu anh xuống, anh vẫn như cố lý giải cho chữ “chó má” anh dùng: “Ông đã giết dân Iraq!” Trong khi kẻ bạo động bị kéo đi vẫn la hét rầm trời ở phòng kế bên thì bên này, ông Bush đã giễu với các ký giả còn lại. Ông nói: “Có thể quý vị muốn biết phải không, chiếc giày cậu ấy ném tôi mang số 10 đấy!”

 

Ông Bush sau đó nhận được rất nhiều thiện cảm của dư luận nhờ tính trẻ trung và câu giễu tỉnh rất Mỹ của ông.

 

Như thấy rằng chỉ để TT Bush được hưởng cảm giác giày bay là thiếu công bằng, quãng tháng rưỡi sau đó, ngày 2 tháng 2 năm 2009, tới lượt thủ tướng Trung cộng Ôn Gia Bảo trở thành bạn đồng cảnh ngộ với TT Bush.

 

Lúc ấy ông Ôn đang đọc diễn văn nói về vấn đề kinh tế toàn cầu ở đại học Cambridge, Anh quốc. Khi bài diễn văn đi vào đoạn kết thì trong phòng vang lên tiếng huýt sáo, và kế một thanh niên đứng lên hét lớn một câu lịch sử: “Làm sao đại học lại có thể tự đi đánh đĩ với tên độc tài này? Làm sao các bạn lại có thể lắng nghe những lời gian trá này?”

 

Hét xong anh thanh niên ở tuổi đôi mươi rút ngay chiếc giày nặng chịch ném lên sân khấu và hụt ông Ôn trong gang tấc. Kẻ bạo động tất nhiên cũng bị lôi đi. Nhưng phản ứng sau đó của thủ tướng Tàu rọi sáng ngay lên sự khác biệt giữa hai nền văn hoá, hai thể chế chính trị, và hai nhân cách lãnh đạo. Ôn thủ tướng với giọng nộ khí “Hán đế” mắng ngay: “Hành vi hèn hạ ấy không thể có được trong tình hữu nghị giữa Trung quốc và Anh quốc!”

 

Liền những ngày sau đó nền báo chí lề phải Trung cộng đều biến thành các toà án nhân dân lớn nhỏ làm điếc tai thiên hạ.

 

Ở nước ta chưa hề có chuyện tương tự, nghĩa là kẻ dưới “xúc phạm” kẻ trên, nhưng chắc là đã từng có  nhiều mà không ai biết chuyện giày kẻ trên… giẵm, chà, xéo, in dấu v.v… trên mặt người của kẻ dưới. Việc mới nhất công khai xảy ra và các báo đài từ trong ra ngoài nước gần như chọn chung một động từ “đạp” để chỉ hành động của đại uý công an quận Hoàn Kiếm tên Minh, đứng trên xe buýt đạp xuống mặt thanh niên tên là Nguyễn Trí Đức đang bi bốn công an chìm nổi khác giăng chân tay bốn góc như một con vật. Anh Đức là người tham gia cuộc biểu tình chống Tàu xâm lược ngày 17-7-2011, còn ông Minh ở phe công an trấn áp và giờ chưa ai xác định được ông mang máu gì.

 

Sự kiện này dù thế nào đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Và với giới cầm bút trong nước, nhất là những thi sĩ—tức những trái tim nhạy cảm nhất loài người lần đầu tiên thấy họ, dù theo trường phái nào, bất chợt đều trở thành người đồng hành với Louis Aragon, nhà văn hiện thực lớn thế kỷ XX, kẻ đã chủ trương rằng “phải gọi đích danh sự việc bằng tên thực của chúng.”

 

Xin kết thúc bài lan man chuyện giày dép ở đây với ba đoạn thơ của ba thi sĩ cùng nhìn về một hướng, cùng đau nhói một nhịp tim, rồi cùng gọi tên thực của cùng một thảm kịch tầm dân tộc: giày đạp trên mặt người!

 

Rõ rồi nhé

Rõ mồn một rồi nhé

Người Việt trấn áp người Việt nhé

Người Việt đánh đập người Việt nhé

Vì tội tày trời: chống bọn cướp của giết người

Mang tên: Bạn

Mang tên China.

(Rõ Rồi Nhé – Đỗ Trung Quân)

 

 

Hãy đến đây

Đến đây

Các đầy tớ nhân dân

Hỡi Phú Trọng Sinh Hùng Tấn Sang Tấn Dũng

Bốn đầy tớ nhân dân bẫm nhất

Bốn đại biểu nhân dân bự nhất

Hãy đến đây

Đến đây

Nhìn cho rõ bốn cú đạp

Cảm cho thấu bốn cú đạp

Bốn cú đế giày—lưỡi bò điểm mặt

Nó đạp theo lệnh ai?

Ai?

(Hãy Đến Đây! - Bùi Minh Quốc)

 

 

Tàn ác hơn phát súng bắn vào đầu

anh du kích giữa Sài Gòn bị trói

Thú vật hơn bàn tay bịt miệng

người tù lương tâm đứng trước phiên toà

Cú đạp thẳng chân mặt người yêu nước

Sẽ đi vào lịch sử dân ta.

(Hắn Đạp Vào Mặt Tất Cả Chúng Ta –

Hoàng Hưng)

 

1AUG2011

Hà Thúc Sinh
Số lần đọc: 2011
Ngày đăng: 03.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người viết lịch sử báo chí đã ra đi - Huỳnh Như Phương
Nhớ Mẹ - Hồ Thị Mộng Loan
Tản Mạn Tháng Bảy - Lê Đức Thịnh
Thư Gửi Nguyễn Thị Từ Huy - Nguyễn Hồng Nhung
Làm ơn, làm phúc, xin đừng… - Phạm Toàn
Tháng Ba Tây Bắc Hoa Ban Nở - Minh Nguyễn
Lan Man Chuyện Qua Tàu... - Hà Thúc Sinh
1 Ngày Của Hắn - Phạm Ngọc Ánh
Nhạc Sĩ Trương Thìn & Dạ Khúc Trăng Thơm… - Mang Viên Long
Một buổi sớm bình minh trên biển vắng. - Klanvy