Sau một thời gian dài lu mờ, một đất nước cổ xưa cuối cùng đã trở lại như một sức mạnh trong kinh doanh và văn hóa toàn cầu
Joel Kotkin & Shashi Parulekar, Newsweek, 25/7/2011
http://www.thedailybeast.com/newsweek/2011/07/24/india-s-most-important-exports-brains-and-talent.html
Quang cảnh khu "Tiểu Ấn Độ" ở New York
Ảnh: Benjamin Lowy / Getty Images cho Newsweek
Từ phòng dành riêng của Câu lạc bộ trên tầng 19 khách sạn Mandarin Oriental của Singapore, Anish Lalvani đăm đăm nhìn về phía chân trời của thành phố, bố cục nguy nga của thủy tinh và thép với tham vọng vươn thẳng đứng. Gia đình Lalvani đã đi một chặng đường dài từ những ngày mà ông nội của Anish, Tirah Singh Lalvani, khởi nghiệp kinh doanh bằng bán lẻ thuốc cho binh sĩ của Vua George VI ở Karachi. Thời đó thành phố này còn là một bộ phận của Ấn Độ thuộc Anh – cho đến khi độc lập năm 1947, và cư dân của nó bỗng nhiên thấy mình ở giữa cuộc lộn xộn của Pakistan mới ra đời. Gia đình Lalvani, cũng như hàng triệu người khác ở cả hai bên biên giới, phải bươn chải kiếm sống. Nhưng đáng lẽ xây tổ ấm ở nơi nay là Ấn Độ, thì gia đình Lalvani đi tìm cơ may ở nước ngoài. Ngày nay tập đoàn Binatone của gia đình có cơ sở ở Hong Kong thuê khoảng 400 nhân viên ở bốn lục địa. "Chúng tôi không thể phá vỡ mạng lưới của lớp người già, nhưng ở hải ngoại chúng tôi tạo ra mạng lưới của chúng tôi," Anish nói.
Hành trình của gia đình Lalvani từ những người tị nạn thành những người có vai vế tiêu biểu cho một hiện tượng toàn thế giới: sự lớn lên về kích cỡ và tầm ảnh hưởng của cộng đồng người Ấn lưu vong. Dân số lưu vong nay lên đến khoảng 40 triệu, trải rộng từ Tây Phi, Bắc và Nam Mỹ, và Đông Á. Và tại nhiều nước trong số này – kể cả Hoa Kỳ, Anh, Canada, Singapore, và Úc – những người Ấn nhập cư và hậu duệ của họ cao hơn cộng đồng dân cư nói chung cả về thu nhập và học vấn.
Tầm quan trọng quốc tế của bản thân Ấn Độ lớn lên đến một mức không ai sánh nổi từ khi nền kinh tế thế giới do châu Âu chiếm ưu thế nổi lên ở thế kỷ 17. Và với đà tăng trưởng kinh tế khoảng 8 phần trăm một năm trong suốt thập kỷ qua – hơn hai lần mức tăng của Mỹ - ảnh hưởng của Ấn Độ ngày càng được củng cố. Các nhà kinh tế tiên đoán rằng đến năm 2025 nước này sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ấn Độ còn là một nước năng động hơn bất kỳ một nước lớn nào khác cả về mặt dân số nữa. Dân số của nó hiện nay là 1,21 tỉ, đứng thứ hai chỉ sau Trung Hoa 1,3 tỉ. và nhờ có chính sách một-con của Trung Hoa, dân số Ấn Độ có khả năng vượt qua Trung Hoa vào cuối thập kỷ 20, khi đó Ấn Độ sẽ có 1,4 tỉ so với 1,39 tỉ của Trung Hoa. Hiện giờ là đất nước của một cộng đồng nói tiếng Anh lớn thứ hai trên thế giới, Ấn Độ dường như sẵn sàng bước lên vị trí thứ nhất, vượt trước Hoa Kỳ vào năm 2020.
Nhưng sự lớn mạnh của tổ quốc cũng chưa sánh kịp sự lớn mạnh của cộng đồng Ấn Độ di cư. Trong thực tế, cộng đồng lưu vong vẫn còn là một trong những nguồn cung cấp vốn nước ngoài quan trọng nhất cho Ấn Độ. Theo những con số thống kê gần đây nhất, công nhân từ Ấn Độ năm 2009 đã gửi 49 tỉ$ về cho người thân ở nhà, vượt Trung Hoa 2 tỉ $ và Mexico 4 tỉ $. Bốn phần trăm GDP của Ấn Độ là nhờ kiều hối chỉ riêng từ Bắc Mỹ.
Trong thực tế, cộng đồng doanh thương Ấn Độ, cả trong nước lẫn ngoài nước, có xu hướng lấy gia đình làm trung tâm. Các doanh nghiệp Trung Hoa được cung cấp tài chính thông qua các ngân hàng, phần lớn là sở hữu nhà nước. Ngược lại các công ty và mạng lưới doanh nghiệp Ấn Độ về cơ bản là công ty gia đình và bộ lạc, vươn ra thành những mạng lưới trên khắp thế giới. "Phần lớn giai cấp trung lưu Ấn Độ có những mối quan hệ bên ngoài Ấn Độ," nhà nghiên cứu Vastala Pant, trước đây làm việc cho văn phòng Nielson ở Mumbai nhận xét. "Các mối quan hệ của chúng tôi trên khắp thế giới cũng là những mối quan hệ gia đình."
Tầm quan trọng của những mối liên hệ gia đình như thế có thể thấy trong mối quan hệ chặt chẽ giữa định cư và thương mại của cộng đồng lưu vong. Năm khu vực hàng đầu về đầu tư của người Ấn Độ - Mauritius, Hoa Kỳ, Singapore, các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất, và Anh - có các cộng đồng người Ấn lớn và ổn định, và các công ty do người Ấn điều hành đặc biệt năng động trong công nghệ điện tử và phần mềm.
Ngày nay, ngay cả những hãng Ấn Độ lớn nhất như Tata và Tập đoàn Relian đều được kiểm soát bởi các nhóm bà con họ hàng mà quyền lực của họ được củng cố bởi tầm vươn xa rộng về mặt địa lý. "Chúng tôi rất linh hoạt trong việc kinh doanh" Lalvani nhận xét, anh lớn lên ở Anh, là một cư dân thường trú ỏ Hong Kong, và lấy một người Mỹ gốc Ấn. "Chúng tôi là những người Ấn về mặt dân tộc theo chủ nghĩa toàn cầu, nhưng cũng quan hệ với Mỹ, Anh và Hong Kong. Đó là tất cả những gì đã làm nên tôi như ngày nay, và làm cho công việc kinh doanh của chúng tôi chạy."
Công việc kinh doanh ấy đã minh họa tầm vóc thế giới của doanh nghiệp Ấn Độ. Năm 1958, cha của Anish là Partap Lalvani và chú của anh là Gulu hợp sức với nhau ở London để khởi động Binatone như một nhà cung cấp các mặt hàng điện và điện tử do châu Á sản xuất. Diện mặt hàng của nó mở rộng ra đến bao gồm cả những dụng cụ dùng trong nhà như ấm đun nước, lò nướng, bàn là, và ngày nay nhân viên của nó rất năng động cả trong các thị trường thường bị bỏ quên như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các vùng xa xôi của châu Phi.
Người Ấn Độ bắt đầu đi lưu vong từ khi các công nhân Ấn Độ tản ra trong khắp Đế quốc Anh vào cuối thế kỷ 18. Cuộc di cư trở nên mãnh liệt sau khi Anh xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1834, mở ra một nhu cầu lớn về lao động trên khắp thế giới. Người lao động Ấn Độ được gửi đi làm công nhân hợp đồng trong những đồn điền cao su ở Malaysia hay làm gia nhân, đầy tớ theo giao kèo ở Tây Ấn. Mặc dầu nhiều người cuối cùng đã trở về quê hương, có nhiều người đã ở lại đất nước mới, và trong nhiều trường hợp trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế quốc dân. Một số vươn lên thành những người thiện nghệ trong hàng ngũ công chức thuộc địa và quân đội, trong khi những người khác trở thành doanh nhân, thầy giáo, thầy thuốc, và cho vay lãi.
Thậm chí sau khi hết thời đế quốc, những người di cư vẫn tiếp tục rời khỏi Ấn Độ để đi tìm một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài, và họ mang theo khối óc và lòng nhiệt thành để làm việc hết mình. Ở Hoa Kỳ, nơi cộng đồng Ấn Độ di cư ít hơn một phần trăm dân số, các thành viên của cộng đồng này chiếm tới 13 phần trăm số sinh viên tốt nghiệp tại những trường đại học hàng đầu của nước này. Nói chung, 67 phần trăm những người hậu duệ Ấn Độ có bằng tú tài, so với 28 phần trăm của tổng số dân cư. Và những con số thống kê này có tương ứng ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ở Canada, những người Ấn Độ thế hệ sau có bằng đại học hoặc bằng cấp chuyên nghiệp dường như cao gấp đôi. Ở Anh, khoảng 40 phần trăm sinh viên y khoa và bác sĩ trong Bộ Y tế là người gốc Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh.
Sự hiện diện của người Ấn trong địa hạt kinh doanh cũng không kém nổi bật trong giới có học vấn cao. Theo kết quả điều tra gần đây nhất của đại học Essex, thu nhập tính theo đầu người của sắc dân Ấn Độ ở Anh vào khoảng 15.860 bảng Anh (khoảng 26 ngàn đô la), cao hơn tất cả các sắc dân khác trong nước này, và gần 10 phần trăm có thu nhập trên mức trung bình của thu nhập quốc dân. Nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong sắc dân Ấn Độ gần bằng nửa tỉ lệ trong toàn quốc. Ở Hoa Kỳ, các con số được công bố gần đây ước tinh thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình là 50.000$, nhưng đối với sắc dân Ấn Độ là 90.000$ - và cuộc điều tra năm 2007 cho thấy trong khoảng từ 1995 đến 2005, số công ty được khai trương bởi sắc dân Ấn Độ nhiều hơn bởi những người di cư từ Anh, Trung Hoa, Nhật Bản và Đài Loan gộp chung lại.
Những người di cư đã mang theo văn hóa của họ – và cả điều đó nữa cũng đang lan rộng ra dân cư nói chung ở bất cứ nơi nào họ đến. Hai triệu dân Anh mỗi tuần thưởng thức ít nhất một bữa ăn Ấn Độ, và giải-trí-trên-màn-hình từ Ấn Độ đã tràn ngập thị trường toàn cầu. Các đây chưa lâu lắm, những bộ phim Bolywood chủ yếu tiêu thụ trong nước, nhưng trong những năm gần đây lượng phim bán ra nước ngoài đã trở nên có ý nghĩa, với thị trường rộng lớn trong các nước có cộng đồng người Ấn chiếm ưu thế. Ngày nay phim ảnh Bollywood và các chương trình tivi chiếm từ 3 tỉ $ đến 4 tỉ $ doanh thu từ nước ngoài, đưa công nghiệp điện ảnh Ấn Độ lên hàng thứ hai chỉ sau Hollywood. Thật ra Ấn Độ đã đánh bạt phần còn lại của thế giới về số lượng phim được sản xuất và số vé bán được, và các nguồn tin công nghiệp ước tính rằng một phần ba số người mua vé ở phương Tây không phải là người Ấn.
Ở Ấn Độ, các điều kiện vẫn còn khắc nghiệt mặc dù đất nước này gần đây đã tiến bộ rất nhiều. Tuổi thọ trung bình ở Mumbai chỉ có 56 năm, thấp hơn Anh và Mỹ đến một phần tư thế kỷ, và người nghèo trên khắp đất nước vẫn còn ở mức gây sốc, cứ bốn trong số mười người sống với ít hơn 1,25 $ một ngày. Những thống kê như thế chắc chắn không thể khuyến khích những người lưu vong trở về quê hương.
Tuy nhiên, đối với những doanh nhân như Anish Lalvani có lý do thuyết phục hơn để ở lại nước ngoài: nó giúp họ giữ được liên hệ mật thiết hơn với thị trường toàn cầu. Nhờ có nhà ở Hong Kong Lalvani có thể tiếp cận nền sản xuất Trung Hoa và một kho tài năng rộng lớn. "Chúng tôi không có nhiều người Ấn Độ trong hàng ngũ kinh doanh của chúng tôi" anh nói một cách tự hào về hoạt động của tập đoàn Binatone. "Chúng tôi kiếm những người tài từ khắp nơi trên thế giới."
Dù lớn đến đâu, về qui mô Binatone còn thua xa các đối thủ cạnh tranh với nó từ Trung Hoa, Mỹ, hay Nhật. Điều đó có nghĩa là nó phải để mắt xăm soi đến những cơ hội mới mà những ông bạn lớn hơn đã bỏ qua. Xây dựng cơ nghiệp gia đình với một tinh thần cơ hội kiên trì như thế, chính là điều đã làm Ấn Độ lớn lên. "Những thị trường mới nổi thì bé, và cần phải mềm mỏng lắm mới lọt vào đó được," Lalvani nói. "Chúng tôi phải đến những nơi giá rẻ và có nhiều chuỗi cửa hàng, để chúng tôi có thể kiếm được hàng từ trên những giá bày hàng." Nhưng theo Lavani và những người như anh, đó là vấn đề cơ bản của lòng tự trọng. "Đây không phải là chuyện chỉ ngồi chờ mà lượm tiền. Đây là vấn đề đừng làm hư đi những gì mà cha anh đã khởi xướng."./.