Người ta không được phép tự vinh danh lời lẽ của mình. Sự kiệm lời của Thanh Tâm Tuyền về thơ, về thơ của ông, làm như cũng gắn bó với quan điểm tự khởi đầu của ông, rằng những bài thơ rốt lại cũng chỉ là "những bằng chứng của một đời sống", thế thôi, không nên gán cho chúng những hào quang mà chúng không muốn có. Nhưng mà cái đời sống như ông nhìn thấy thì có thể (có thể thôi) cũng ít người thấy được đúng như vậy, và vì vậy mà có những sự cho rằng thơ ông khó hiểu, khó đi vào với số đông. Điều này theo tôi là một sự oái oăm, vì cũng chính Thanh Tâm Tuyền là nhà thơ có lẽ đầu tiên trong thơ Việt Nam nhìn thấy thơ như một phép thông công với kẻ khác. “Phục Sinh”, bài thơ nằm ở những trang đầu của tập Tôi Không Còn Cô Độc, xuất bản vào năm 1956, là bài thơ về phép thông công ấy.
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
Ngôi giáo đường, buổi chiều, hình ảnh sao vỡ (sớm), tiếng chuông là âm thanh, không phải là ngôi giáo đường trong nghĩa chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, mà là một chốn tôn giáo trong nghĩa riêng tư, u mật. Một nơi chốn trở về và tinh lọc. Một phép tẩy lọc linh hồn, catharsis. Ở đây sự phục sinh là sự nhìn vào buổi chiều của bản thể, sự nhìn thấy bản chất người. Thanh sạch cũng là con người, mà cái ác cũng là con người. Con chó sói không màu không nằm ngoài con người, nó lang thang, dữ tợn, nó sẵn sàng tuần hành trong thời đại tối ám, ngoài kia, của những cuộc biểu dương sức mạnh tập thể, nhưng cả ở trong đây, trong cái tôi, cái tôi mang gien người, thừa kế "từng chuỗi cuộc đời tiếp nối". Thơ là một phép thông công với con người, với kẻ khác, nhưng nó là một phép đơn, riêng tư, giữa một người và một kẻ (kẻ khác). Liên trong 'Liên, đêm mặt trời tìm thấy’, trước hết phải hiểu như là một gạch nối qua đó đời sống cùng hiện hữu.
Với Thanh Tâm Tuyền, thơ, hay nghệ thuật nói chung, phải nói lên sự thật. Nếu chúng ta khổ đau, đớn hèn, gian ác, mọi rợ thì hãy nói về những điều ấy: khổ đau, đớn hèn, gian ác, mọi rợ. Nói được những sự thật ấy là sống cái trận bão thổi qua chính mình, và thấu hiểu được cái gọi là đời sống. Người ta có thể đọc lại những điều này ở bài tiểu luận "Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay" của Thanh Tâm Tuyền (số Văn đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền -1973) . Và người ta có thể nghiệm lại những điều này trong chính thơ Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền muốn sử dụng một ngôn ngữ mới để khả dĩ nói được một đời sống của những sự thật. Nó là một ngôn ngữ không uốn lượn, không bị bóp méo bởi phép tu từ, một ngôn ngữ "tự nhiên" (anh cố gắng viết những lời thơ thật tự nhiên). Ông gạt bỏ ẩn dụ, tìm tới hình ảnh. Ông bắt đầu những bài thơ với những hình ảnh của giác quan, của cảm quan.
Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
(Phục Sinh)
Hai người yêu nhau rất tình cờ
như trên cùng một toa xe lửa
tầu chạy qua cầu nghe tiếng sắt và tiếng nước trôi mau
(Tình cờ)
Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày
(Liên Những Bài Thơ Tình Thời Chia cách)
Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
(Đen)
Những bài thơ sống cái khoảng sống được mở ra, tự theo đuổi những vận hành của khoảng sống này, tự làm nên thứ âm nhạc có được nhờ nhịp điệu của hình ảnh, cùng là với những khoảng lặng, những vùng âm thanh chìm lắng. Có lẽ có những nhà thơ đồng thời của Thanh Tâm Tuyền cũng gạt bỏ tu từ, ẩn dụ, nhưng chính thứ âm nhạc riêng biệt, làm nên bởi sự cộng hưởng giữa nhịp điệu hình ảnh và những khoảng lặng, những vùng âm thanh chìm, đã làm nên một sắc thái độc đáo riêng của Thanh Tâm Tuyền (có người sẽ nhìn ra những giai điệu Blues và jazz, hay những âm hưởng chiêu niệm trong nhạc về sau này của Gorecki, hay Arvo Part). Thanh Tâm Tuyền cũng từng bày tỏ sự tâm đắc với một số những nhà thơ Âu châu (Lê Huy Oanh, "Kinh nghiệm đọc thơ Thanh Tâm Tuyền", Văn sdd), ví dụ André Breton, Philippe Soupault và Paul Eluard, trong đó Paul Eluard có lẽ là một trường hợp tâm đắc nhất. Paul Eluard mà đã khởi đi với dada (1917), bước qua l'écriture automatique, tới với siêu thực (Manifesto 1924), rồi vượt bỏ siêu thực để tìm một ngôn ngữ riêng, gần với ngôn ngữ nói, phá bỏ luật tắc chấm phẩy. Paul Eluard mà đã đi vào cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, rồi cuộc kháng chiến chống Đức Quốc Xã trên đất Pháp; đã gia nhập Đảng Cộng Sản, thân thiết với Aragon, rồi rời bỏ Đảng Cộng Sản, đã viết bài thơ ‘Liberté’, đã in Poésie et verité (1942) và Au rendez-vous allemand (1945). Với Thanh Tâm Tuyền, Paul Eluard có lẽ là một trường hợp tâm đắc ở chọn lựa cách nói và cả ở một thái độ, ấy là đi tìm sự thực qua hành động dấn thân. Ngoài Paul Éluard, Thanh Tâm Tuyền cũng đã nhắc tới André Malraux như một tâm đắc tương tự, nghĩa là ở thái độ đi tìm sự thực trong hành động như vậy.
Nhưng nói về thi cách, để trở lại với thi cách, thì Thanh Tâm Tuyền hầu như giữ một chủ trương "mở", có lúc ông kêu gọi khởi đi từ siêu thực, nhưng vượt qua dada, siêu thực, để là thơ tự do; có lúc ông sẵn sàng làm thi sĩ của ca dao, như trong bài “Mưa Ngủ”
…Những chuyến đi xa theo mưa về ngủ mái dạ. Đêm hiền lành, có lẽ từ một cửa bể bến sông quán rượu. Những người bạn hứng mưa vào lòng tay, giọt mưa đẹp như mắt ngủ, rất xa không hề cách. Tôi đưa em về ngủ bên sông, tâm hồn là cánh đồng chưa khai phá. Tôi sẽ mời anh về nghe mưa trên vừng trán vô tư, giác quan mở những ngõ lạ xuống linh hồn. Chúng ta ngủ ngoài mưa như mơ ngủ.
Một ngày, tôi theo anh ra thành thị để chọn một mầu họa dã thú một hơi thơ tự do .
Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao
Đêm hôm qua mưa luồn mái dạ
mưa ngủ cùng những kẻ cô đơn
bao nhiêu xa cách không sợ bằng giận hờn
đừng giận anh em hỡi mưa trời còn thương anh
Bốn câu ca dao kết bài thơ tuy nhiên lại là một nhấn mạnh về sự cần thiết của tính tự nhiên, không kiểu cách, không tu từ, không câu thúc.
*
Có lẽ vấn đề lớn nhất Thanh Tâm Tuyền và những người trí thức ở thế hệ ông bấy giờ (1954-1956) phải đối diện là khoảng cách lớn lao giữa nghệ thuật và cuộc sống, những đời sống cụ thể ở nhiều cấp độ vì những biến động lịch sử đột ngột đang mở toang ra. Nói rõ hơn ấy là sự nhận thấy những phong cách nghệ thuật cũ đã không còn đáp ứng được với nhu cầu mới.
Ngôi nhà của nghệ thuật bấy giờ không còn có thể là kiến trúc cũ, không phải là vì kiến trúc ấy đã hư hoại, mà chỉ vì nó, kiến trúc cũ ấy, bị phong kín trong những tường thành vạn niên. Kiến trúc ấy có thể được để nguyên như một viện bảo tàng, nhưng những đồ án mới phải được nghĩ tới trên những vùng đất mới. Cánh đồng chưa khai phá, đất đai chưa khai phá, những kiến trúc mới cần được kiến tạo.
Chính là trong mưu cầu và bối cảnh ấy, Thanh Tâm Tuyền đề xướng và thực hành hơi thơ tự do. Mở giác quan, mở những ngõ lạ xuống linh hồn, phải được hiểu cả trong bối cảnh con người đang tìm tới kiến tạo và sáng tạo. Tìm tới giấc mơ những đời sống đang cần được xây dựng. Giấc mơ để-ngoài-trời là giấc mơ rộng lớn, giấc mơ của nhiều hơn một người. Thực ra, nó còn rất có thể là giấc mơ đã từng cả chung cho một đất nước, một thế hệ, một viễn tượng quốc gia. Một ngày, tôi theo anh ra thành thị để chọn một mầu họa dã thú một hơi thơ tự do. Sự chọn lựa gói bên trong nó tự do.
Thanh Tâm Tuyền không giấu diếm ước vọng. Như Mayakovski, trong một hoàn cảnh biến thiên tương tự, không giấu diếm ước vọng. Và Bertolt Bretch. Tất cả đều nhìn thấy tình yêu như là giải pháp cho viễn tượng xây dựng xã hội con người. Mayakovski: tình yêu đi cùng với những bài thơ mạnh động từ. Bretch: tình yêu trong những dự phóng nghệ thuật như một thử nghiệm cộng thể. Thanh Tâm Tuyền: là sự hứng đỡ trọn thời tiết của xứ sở, là xây dựng, bằng tấm lòng tinh khôi, chân thật. Hình ảnh mắt để ngoài mưa, mưa trên đất hoang chờ khai phá, đất nằm ngó ra cửa bể: hình ảnh ấy rất Việt Nam mà cũng rất trái đất, con người. Mấy mươi năm sau , than ôi!, chính cũng là trên mảnh đất ngoài mưa ấy ông sẽ viết ‘đứng vững không khuỵu chân/ trên mảnh đất nghèo khổ’ (‘vang vang trời vào xuân'). Sự thất bại của đất nước Việt Nam cho tới hôm nay không thoát ra khỏi cảnh đói nghèo cơm áo, thui chột tinh hoa, lúng túng đi quanh chẳng khác nào một nước dân trí chưa phát triển, là một câu chuyện dài và buồn, nó có đâu riêng lỗi của một nhà thơ, một người trí thức, người từng khao khát, từng viết - bằng từ vựng mới và văn phạm mới - những ước mơ của cả một dân tộc, ở vào một thời điểm đất nước (hai miền) đang bước ra (mỗi miền một cách) cùng thế giới.
tôi chối từ giam cầm chim đẹp trong rừng tóc
dù tiếng hót đã chọn mấy hàm răng
người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường
về quá khứ
chim bay vào trận mưa sao
(Chim)
*
Với Thanh Tâm Tuyền, tinh thần tự do đi liền với tiêu chí giữ cho trung thực với cuộc sống. Có thể tóm thu về nghệ thuật thơ Thanh Tâm Tuyền là như vậy: tự do, lấy hơi dài từ tim, từ mắt từ phổi của mình, và trong lòng cuộc sống. Một nghệ thuật khởi đi với khát vọng tìm xem cuộc sống là cái gì mà vạm vỡ, kinh khủng, đang bứt phá những biên giới tâm hồn tới vậy. Tuổi hai mươi của Thanh Tâm Tuyền rơi vào một khúc quanh quan trọng của lịch sử VN, đã chứng kiến một giai đoạn đổ xương máu trong mưu cầu độc lập, đồng thời lại thấy sự chụp tới của một chủ nghĩa mới, nó hứa hẹn ban phát cũng nhiều, tai ương chực chờ cũng lắm, nó đặt nền trên bạo lực và sự đồng dạng, nó không khéo lại là mặt kia của chủ nghĩa phát xít mới, bọc trong bọc vỏ cách mạng. ‘Cách mạng’: một từ ngữ quá đỗi mê hoặc bấy giờ, nhưng nó cũng đang được thử thách: liệu là con người, con người cá nhân và con người đoàn thể trong xã hội cách mạng mới sẽ thu đạt nhân ái và công chính, hay ‘cách mạng’ sẽ là một từ ngữ treo đầu cờ thôi, và con người thì vẫn cứ sẽ tiếp tục ngập trong bùn lầy, bóng tối - "thắp nghìn kinh không sáng cuộc đời" (Văn Cao)?
Ở tiểu thuyết Bếp Lửa và và ở tập truyện Khuôn Mặt có những nhân vật đọc Marx và thực hành chủ nghĩa Marx, nhưng ở thơ, Thanh Tâm Tuyền dành cho vùng trời ấy sự giải thoát tuyệt đối khỏi những gì thuộc về chủ nghĩa, hướng ý thức (hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao). Trên mảnh đất mới của miền Nam, lắng lại, nghiệm chứng cái uà tràn mới mẻ của tâm hồn mới, một vùng đất mới, đang vỡ vạc da thịt, Thanh Tâm Tuyền ắt hẳn đã phải tự hỏi: làm sao nói lên được cái sự lớn dậy này, của những đời sống, lạ chưa, như vừa được khai sinh, như vừa mới chuyển dạ, hôm qua, trong những nhà bảo sanh (cuộc sống phải đầy như không khí, cuộc sống phải đầy như sớm mai). Làm sao nói lên được cuộc sống đang ngồn ngộn chảy sông biển, ao lạch, tàu bè, đường xá như vừa mới khai trương, trang mới? Làm sao nói lên được cái định mệnh người mà giờ đây đang không chịu kềm hãm trong tù lạch, bóng tối nữa, điều kiện sống ngặt nghèo nữa, mà đang thực sự là lên da lên thịt, đang đòi tìm đường đi và đường bay, những chân trời, cửa biển, hải cảng ? Câu trả lời của Thanh Tâm Tuyền dõng dạc: bằng với tự do, bằng với sự sẵn lòng chân thật khai phá.
Eugene Delacroix - Liberty Leading the People
Ôi hai mươi/ nhân loại trẻ như hoa búp. Không dừng lại với thành phố, làng mạc riêng của mình. Chưa bao giờ trong thơ Việt Nam, cái tầm mở ra cùng thế giới lại mạnh mẽ tới như vậy, ở Trần Dần, ở Thanh Tâm Tuyền là hai thí dụ rõ, và mạnh. Có lẽ vì họ, những người trí thức cầm bút trẻ bấy giờ đang ở khởi điểm dự phóng của một đất nước vừa được cỏi trói khỏi đô hộ. Hay có lẽ vì chính thế giới cũng đang tìm tới với một đất nước đang mặc lại áo xống bản sắc của mình. Nhưng rõ ràng là người trí thức đang nhìn thấy quốc gia trong phương trình của nhân loại. Ở mặt kia của vấn đề, người cầm bút tiên phong đồng thời cũng duyệt lại những cuộc chiến tranh vừa đi qua (đúng là như chỉ mới vừa đi ngang qua trước cửa) tự hỏi, thế giới chưa ổn thoả này đang đi tới đâu? Như Paul Eluard, Thanh Tâm Tuyền nhìn thấy công chính là vấn đề rất lớn. Một vấn đề lớn lao lại là của riêng con người, giữa con người, giữa những cộng đồng chia cắt bởi biên giới quốc gia, chủng tộc. Lò thiêu Auschwitz là một tai ương cho công chính ở tầm mức chủng tộc nhân loại. 'Bọn đao phủ ' không phải là một ẩn dụ. Tự do cũng không cần ẩn dụ. Tự do là một nhu cầu cụ thể. Paul Eluard viết tự do tên người trên mặt những vật thể cụ thể của đời sống, Thanh Tâm Tuyền nói tự do là ngực, là tóc tai, là ngón chân, là tình yêu. Và tình yêu là nguồn sữa mật khởi đầu. Sữa là sữa, bầu ngực là bầu ngực, hình ảnh người nữ tự do trạc áo bày ngực cầm ngọn cờ đi về tự do, công chính, phá ngục áp bức của Delacroix không xa những ngực bày mà Thanh Tâm Tuyền thể hiện.
Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
(Bài ngợi ca tình yêu)
Lý tưởng là một lỗi lầm chăng ? Mơ mộng như thế cũng là một lỗi lầm. Mơ mộng vượt thoát thời đại tù ngục
Ngực câm không tiếng nói
Chất cười không thuộc môi
Giác quan đói khát
Con người bình đẳng trong hạnh phúc, và trong khổ đau. Con người bất cứ nơi đâu, Hà Nội, Sài Gòn, Bình Nhưỡng hay Algiers, Kabul hay Phnom Penh, khi những con người có mưu cầu mở giác quan, mở lồng ngực, đứng trước những lực áp bức trơ lì và hệ thống họ đều cần phải được nghe thấy. Chính trong bối cảnh ấy mà Budapest 1956 làm rúng động Trần Dần, Lê Đạt ở Bắc, và Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam. Không nói khác đi được. Ấy là chính trị, nhưng là chính trị ở mưu cầu cao nhất của con người, cắt qua những toan tính bần hàn và thông lệ.
*
Budapest của những nhà thơ Petofi, Sándor Weores, Ferenc Juhász, của thuyền bè thương khẩu Danube đi giữa một bên đồi cao Buda và bên kia những cánh đồng miền Pest. Thời điểm 1956 (cuộc nổi dậy), Budapest là một biểu trưng cho khát vọng. Ở mặt không gian mà tính, lại là một khát vọng xa xôi, tận một Âu Châu hậu Auschwitz, còn đầy dẫy những vấn đề dang dở của một thế giới đang đi vào cuộc chiến tranh lạnh. Thế mà (sao lạ lùng!), như lịch sử Việt Nam sẽ ghi lại, nó đã dự phần làm nên cái quay quắt, cái chấn động đường hầm, kéo từ một cửa sổ Sinh Từ tới một bàn viết ở Sài Gòn. Điều này phải giải thích làm sao? Vì một độ mở mới ở tầm vóc tư duy, và một quan tâm lấy con người làm đơn vị. Hay còn là vì cái gì khác?
Tôi đang đi đâu đây?
Bài ca nào tôi sẽ hát
...
Cụp đầu ghì lấy đời sống, như một miếng xốp, tôi đâm đầu chạy về nhà
trong mưa đỏ, lục, và xanh: trong thời đại chủ nghĩa xã hội
(Ferenc Juhász – “Thứ Năm, Ngày của mê tín”)
Ferenc Juhász: Hoang mang, trong nghi vấn, trong niềm tin, trong ngụy tín và mê tín, trong kiếm, trong tìm. Một thời đại gì quá lạ. Ferenc Juhász nhìn thấy quá đúng cho Hungary của ông. Thời đại nói ngày mai, và ngày mai tung hê lại rằng thời đại hạnh phúc đang chuyển dạ. Thế giới đang chuyển dạ. Những quân đoàn đang di động vào những vị trí dàn quân, trên một thế chiến quốc mới. Mà cuộc dàn quân chuẩn bị cho một trận đồ sát mới này thì nằm ngoài tất cả mọi trù tính của những nhà thơ trên những xứ sở nằm trong những vòng tròn xanh đỏ, của những bản đồ chiến lược nước lớn.
Hay Vua Lear đã xướng danh đúng?
Lịch sử nhìn từ kẻ đeo đuổi bút mực không trùng khít vào lịch sử của những César. Và lắm khi trong thế tương giao ấy như lịch sử đã cho thấy cái này phải xóa đi cho cái kia trụ vững. Từ thời của Seneca và Néro đã thế. Kẻ cầm bút biết vậy mà phải viết, viết điều buổi ấy nói phải viết. Ngoài kia và trên cao quả nhiên
... Ấy là sao trời
Sao trời trên đầu ta, cầm nắm định mệnh ta
(Shakespeare – King Lear)
Thực sự, như ở bi kịch của Seneca, người ta sẽ không lường trước được rằng tai hoạ bốc dậy ngất ngất lửa tang, lửa nguy tai, chính là ở ngay dưới sàn gỗ chỗ mình đứng. Bi đát, bi kịch là ở ngay đây, ngoài mọi dự tính. Cuộc chiến tranh mà thế giới biết đến như the Vietnam War là điểm thoát lửa cho cuộc chiến tranh lạnh của hai khối Tư Bản / Cộng Sản, đã trùm ngập lên mảnh đất Việt Nam nhanh như một cái bay vút của loài ác điểu, trong một bài thơ rời Thanh Tâm Tuyền viết vào năm 1972:
Trên miền non cao rừng rú
Gió gào giận khốn tù
Trong cõi mộng hung tàn
Một mùa đông dài bão táp
Đêm qua ác điểu đậu cành khuya
Thả rớt trái tim ác độc
Trong một tiếng tang thương
Đêm qua gió cắp mộng lên non trốn chạy
Rồi gió hú van
Trong hành lang tối ám giờ lâm tử
(“Hải đảo,” 1972, Văn)
Từ 1964 đến 1975, Thanh Tâm Tuyền chỉ có rải rác những bài thơ rời “chưa in,” giữa những tiểu thuyết Cát Lầy (1966), Dọc Đường (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng Động (1970), một Tạp Ghi (1970) và một vở kịch Ba Chị Em (1965). Cuộc chiến tất nhiên đã có một tác động nhất định vào chọn lựa này. Trong số Văn tưởng niệm Nguyễn Đức Quỳnh (tháng 6, 1974), Thanh Tâm Tuyền trong tiểu luận “Anh đã đọc Thằng Kình chưa?” nhắc lại một điều đáng để lưu ý:
“Hôm nay thì tôi hiểu thơ mở một cõi ngoài cho người ta sống và tiểu thuyết mở chính cõi này cho người ta sống. Tiểu thuyết là mối hạnh phúc đau đớn anh nhận được, mở cho anh cửa ngõ trần gian nơi anh đắm đuối thèm khát tới. Anh sẽ vẫn còn sống được khi anh còn say sưa với những quyển tiểu thuyết như tôi đã say sưa với Thằng Kình.
Mọi quyển tiểu thuyết lớn lao đều mở rộng lối để đón người. Những người phải sống
.”
Cuộc chiến tranh xáo tung lên tất cả mọi mặt sống chết, cuộc chiến ấy khiến thơ ca vong mạng. Anh im lặng hay là anh sẽ nói lời tanh tưởi, bằng những ẩn dụ khô cạn. Hay anh làm những chiếc miệng cho kẻ khác. Hay anh đi làm những chiếc loa.
Cho tôi dám nghĩ sự đóng lại cõi-ngoài, tức là không gian thơ trong định nghĩa của Thanh Tâm Tuyền, khi chiến tranh tới là như vậy. Trong chiến tranh rồi ra chỉ có một đầu óc đứng chơ vơ giữa những viễn tượng kinh hoàng, thấy những viễn tượng ấy, và hát lên, như khóc, như cười, là có thể còn dựng được thơ ca, đó là trường hợp Bùi Giáng [một trường hợp cho Thanh Tâm Tuyền một thuyết phục rằng, trong hủy tán chiến tranh “điên tam đảo tứ” thơ ca vẫn có thể sống, dù có đảo điên, nhưng không vong mạng].
“Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” (6 biến khúc quanh một đề thơ cổ) trong giai đoạn gần cuối của cuộc chiến là một trong những bài thơ xuất bản ở dạng rời (trên tạp chí) của Thanh Tâm Tuyền. Chung với Bùi Giáng, đây là bài thơ của Thanh Tâm Tuyền viết như một tao ngộ (chữ của BG) với người thơ đi trước. Một biến tấu khúc trên một bài thơ như vậy kể là cổ, một thử nghiệm themes and variations bất ngờ, và thoạt mới xét, đứng như một ngoại-lệ, nhưng xét cho cùng lại trùng phùng trong quan niệm “mở” của Thanh Tâm Tuyền khi đệ đạt thơ như là một kinh nghiệm sống, và như vậy hàm ý, thơ tự do biến kế sở chấp, nó là ngôn ngữ và cửa ngõ cho cái tôi đi xa, đào sâu vào những thực tại sâu thẳm hơn nữa của đời sống. Ở đây, bài thơ này chẳng hạn, là vào thời gian và hiện hữu.
Đi trong những kinh thành chao đảo nếu Bùi Giáng (một nhà diễn dịch uyên thâm thơ Nguyễn Du) có cơn ngây ngất với đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông, thì Thanh Tâm Tuyền trong cảnh Hồng Lĩnh can qua huynh đệ tán trở lại với Nguyễn Du lại tìm ra một nguỡng mộ và đồng điệu về cái nhìn của tác giả truyện Kiều cho ngôi nhà hiện sinh. Hiện sinh là ngôi nhà, cho ta làm khách ghé qua, cho trong ngôi nhà ta nằm mộng, mộng thấy đời trước, những khốn đốn trầm lụy của nhà, của ta—khách lưu trú thoáng chốc.
Bài thơ là một quán niệm về cả cái ta trong thời gian. Ngôi nhà để làm gì? Để ta sống những cảm thức sống, để kinh nghiệm cuộc hiện sinh. Và để đón trở lại một tình yêu, mà như bao cảm lụy khác, sẽ rồi mất. Chỉ còn những tường vách đổ bóng, chỉ còn những truyện tích kể lại, từ trăng, như nhân vật—nhân vật nữ của ngôi nhà: hình bóng tình yêu và cảm lụy, cũng là cái mất, sự không thể lưu giữ, sự cảm hoài. Thời gian đi qua. Ngôi nhà trong thời gian thành chỗ lưu trú hình và bóng, và âm tích. Sáu câu thơ cổ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, cộng cùng truyện tích Orphée và Eurydice, thành 6 biến khúc của mùa, và thời khắc, làm thành một thể nghiệm âm nhạc (ta không thể không nghe ra một nền âm của thời kỳ ấn tượng, của Ravel và Debussy). Thanh Tâm Tuyền vừa quán niệm trên một khổ thơ để lại, vừa vực dậy âm tích cho một sân khấu sống: căn nhà: đời sống.
Bài thơ này xác định lại dòng quan điểm của Thanh Tâm Tuyền, rằng chính là ở đơn vị con người—con người tới, sống, chia sẻ, và đi qua—mà kẻ làm thơ nói, xướng âm, định danh và truyền đi lời, lời đã đi qua những buổi sống mấp manh của mình. Không có gì hơn. Không là gì khác. Cái nói được là cái còn lại trong ngôn từ, những dòng thơ, trong khi toàn bộ thực tại mà kẻ ấy vừa chiêm nghiệm đó đã biến mất.
*
Sau 30 tháng tư 1975, Thanh Tâm Tuyền trở lại với thơ thực sự một lâu dài qua giai đoạn đi tù của mình. Bạn bè bảo Thanh Tâm Tuyền là người ung dung nhất trong sự ra trình diện đi tù. Ung dung. Có phải chăng là vì ông dự toán thấy cần thiết đi cho hết chỗ từng ngừng lại thời nào ở cái phương trình thông công, thông công cùng con người thiện ác, với cuộc sáng tối. Hoặc giả là ông tiên tri thấy qua sạn đạo này ông sẽ tìm ra một chốn quê hương nào lẩn khuất? Hoặc là ông bất kể, vì “tôi là người mười năm/ chết giờ này cũng thoả”?
Sáng nay thức giấc trong nhà giam
Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ
Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu u ám quạnh quẽ
Ánh lửa mênh mang buổi tình đầu
Mưa bụi rì rào
Gió náo nức mù tối
Trễ muộn mùa xuân trên miền cao
Đang lay thức rừng núi biên giới
Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo, anh tự nhủ
Cũng qua cơn khô cạn khác thường
Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc đầu óc quái gở
Từng thiêu đốt anh trên đồi, theo vào đêm dập vùi anh đớn đau
Từ lúc nào anh đứng trân trối cô đơn
Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song cửa ngục
Hoang vu thơ hát lời lá cỏ heo hút
Dẫn anh về tận nẻo nguồn hừng đông lẩn lút
Những ngày tù cho ông gần lại Ungaretti, cúa những câu thơ thời nào
xa, ở đâu xa
như một gã mù
họ nắm lấy tôi bằng tay
(Ungaretti – “Xa”)
Lắng xuống
tôi sẽ thấy
đồng tử mắt tôi
chết
ở chân trời đen
của mắt em
Bây giờ
bầu trời trong vắt vừa khép lại
và bây giờ
ở cố quận Phi châu tôi
hoa nhài
đang khép lại
Không giấc ngủ cho tôi
(Ungaretti – “Tháng Sáu”)
Ungaretti của Italia, của Âu Châu, tắm đẫm trong văn hoá Âu châu, lòng vẫn dõi về Ai Cập, thành phố Alexandria, nơi chàng chào đời và lớn lên một thơ ấu. Ungaretti của thất tung quê quán. Ungaretti đi vào quân ngũ, khi Italia gia nhập Đệ Nhất Thế Chiến, chiến đấu ở tuyến trận Champagne. Ungaretti bạn của những hoạ sĩ lập thể như Leger, Picasso va Braque, và Apollinaire. Ungaretti người ngưỡng mộ Leopardi và Petrarch, nhưng tách đứng riêng khỏi dòng thơ cũ.
Có một gần gũi nào đó giữa hai con đường đi hai thi sĩ?
Ungaretti có một bài thơ gọi là “Hai Ghi Chú”
Một giòng nước chảy những vòng tròn quanh cỏ
Một vũng nước tù phản kháng bầu trời nhạt xanh
tôi đặt nó cạnh bốn câu của Thanh Tâm Tuyền xem như một kết thúc
Nước xoáy chảy xiết nhào trên đá
Táp đẩy xô hụt chân ngửa nghiêng
Kỳ cọ nhớp tanh ngày gớm ghiếc
Nhạo cười theo bọt sóng ngông cuồng
bài thơ có tựa “Tắm suối ngày hè” trong Thơ Ở Đâu Xa. (Chúng ta có thể như Thanh Tâm Tuyền đề nghị ở đâu đó đọc lên giữa một căn phòng có tiếng đàn, khúc “Mùa hè” của Vivaldi, hay một đoạn hồ cầm đánh trong buổi sớm của Bach, xem giọng mình có được sự hoà âm rõ, đẹp và sáng.)./.
9.2007
Đăng lần đầu tiên trên damau.org 9/2007. Bản gửi từ tác giả