Lời nói đầu: Một phần của bài viết này lần đầu tiên được đăng trên blog nguoilotgach ngày 23/6/2011. Nhưng mới đây, Giáo sư Li Jinmin, Trường Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn trong bài viết “Nguồn gốc và sự tranh cãi đang diễn ra về vấn đề Biển Đông” đăng trên “Beijing Review”(1/8/2011) đã nhận xét: ‘Pháp đã không kiểm soát quần đảo Nam Sa sau chiến tranh thế giới thứ II. Hơn nữa, không có tài liệu chứng minh việc chuyển giao giữa Pháp và Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam thừa nhận quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc trong quá khứ. Vì vậy, dựa trên nguyên tắc estoppel của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay nên tuân theo ghi nhận trước đó”.(*)
Lịch sử tranh chấp 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đối với Việt Nam của Trung Quốc có đúng như thế không?
Bài viết này đã có chỉnh sửa, bổ sung thêm tư liệu nhằm phản bác lại quan điểm sai trái và hàm hồ của Giáo sư Li Jinmin.
“Hoàng Sa là một quần đảo thuộc về An Nam”
(Les Lettres étudiantes et curieuses-Tập 3 trang 38,
nhà xuất bản văn học Panthéon, năm 1843)
Bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean Baptiste Nolin hoàn thành năm 1687.
(Nguồn: Bản đồ ký hiệu C.C. 1144.A lưu trữ tại Thư viện quốc gia Bồ Đào Nha)
Khu vực quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa được ghi chú là: Baixos de Chapar de Pulls Scir (tạm dịch: Bãi cát Champa là bãi đá ngầm) nằm trong Vịnh Cochin Chine (Golfe de la Cochin Chine)
Khi nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, người Pháp đã nhận xét:
“Quần đảo Hoàng sa gồm những đảo nổi tiếng trong biên niên sử hàng hải qua chuyện mắc cạn của tàu “l’Amphirite”, chiếc tàu đầu tiên của Pháp dưới thời vua Louis XIV, đi từ Pháp qua Trung Quốc (1698).
Quần đảo nhỏ này có vị trí ở khoảng vĩ độ giữa Huế và Đà nẵng, chia làm hai nhóm: nhóm Croissant (Trăng Khuyết), ở gần bán đảo Đông Dương nhất, và nhóm l’Amphitrite (An Vĩnh), xa về phía Đông. Vị trí địa lý của quần đảo không ra ngoài phạm vi lãnh thổ của vua An Nam, Gia Long, đã đặt chủ quyền từ năm1806.
Nhóm Trường Sa, được biết dưới tên nhóm đảo Tempête (Bão Tố) nằm ở vị trí mà phần lớn thuộc Đông Dương, cùng vĩ độ của quần đảo Côn lôn. Một nhóm khoảng 14 đảo, Trường Sa trải rộng ở phía đông nam của Paradang, phía nam của Hoàng Sa, 594 dặm về phía Nam đảo Hải Nam. Các đảo này có nhiều đảo san hô, là nơi trú ẩn của vô số chim biển; là một vị trí tuyệt vời cho thủy phi cơ trong vùng Đông nam Á, nằm giữa khoảng cách giữa bán đảo Đông Dương và Bornéo”.(1)
Cho đến trước năm 1909, thế giới đã chứng kiến một sự kiện chưa từng có tiền lệ: quân đội của một nước da vàng đánh thắng quân đội của một nước da trắng. Đó là cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).
Đây là một thắng lợi đầu tiên của một nước châu Á trước một cường quốc châu Âu trong thời kỳ hiện đại. Uy thế của Nhật Bản tăng lên nhanh chóng và bắt đầu được coi là một cường quốc đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa Đại Đông Á đang trên đà thẳng tiến.
Trước đó, trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895) và chiến thắng cũng đứng về phía Nhật Bản nên đã làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ thức tỉnh, họ bắt đầu coi trọng đại dương và chiến lược hướng ra đại dương cũng bắt đầu từ đó. Và phương Nam vẫn là hướng bành trướng truyền thống của các nhà nước phương Bắc.
Bản đồ Trung Quốc năm 1910 (thời Nhà Thanh)
[Bản đồ rõ ràng không phải của Trung Quốc mà do người phương Tây vẽ về thời nhà Thanh, Trung đế quốc vào năm 1910 AD, một năm sau chủ quyền của Trung Quốc bị đe dọa và bị bao vây hơn 70 năm.
Trong Bản đồ năm 1910 này, được vẽ một năm trước khi hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Tuyên Thống (còn có tên Aisin-Gioro Pu Yi) thoái vị và cuối cùng đã kết thúc giai đoạn lịch sử phong kiến Trung Quốc, Trung Quốc được vẽ với ranh giới và sự xác định nhỏ nhất. Đáng chú ý là vùng Đông Bắc (Mãn Châu), và Nội Mông, cả hai vùng lãnh thổ trên danh nghĩa do Trung Quốc kiểm soát và thuộc chủ quyền của Trung Quốc được vẽ như các khu vực riêng biệt].
(Nguồn:
http://www.drben.net/files/China/ChinaMaps-ALL/Historic_Maps/Qing_Dynasty-1644-1911/_Ancient_Maps__Asia_-_Chinese_Empire_1910-S_op_800×611.jpg)
Trong bối cảnh ấy, tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đã được nhận thức lại: “Các đảo nhỏ, đá ngầm mà trước đây chưa bao lâu, gây cản trở và làm người ta né tránh, thì hôm nay lại là chủ đề để người ta nghiên cứu, đặt tham vọng, và thay đổi quan điểm ngoại giao. Hậu quả là, người ta phát hiện ra những điều mà trước đây đã bỏ qua: đó là nơi có thể làm căn cứ không quân, điểm để quan sát và tuần cảnh trên biển”.(2)
Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm Đông Sa (Pratas), Tổng Đốc Quảng Đông lúc bấy giờ là Trương Nhân Tuấn đã nhiều lần trình lên cho triều đình Nhà Thanh ở Bắc Kinh để thương thảo với chính phủ Nhật trả lại. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc điện cho Tổng Đốc Trương Nhân Tuấn giao thiệp với lãnh sứ Nhật ở Quảng Châu để giành lại đảo này. Đến ngày 7/10/1907, Nhật Bản trao lại đảo này cho Trung Quốc. Như vậy, sự kiện Nhật Bản nhòm ngó đảo Đông Sa vào năm 1907 làm cho các nhà cầm quyền miền Nam Trung Quốc quan tâm đến các đảo trên Biển Đông.
Năm 1909, vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, và sợ Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành cho khảo sát Hoàng Sa. Quá trình tranh chấp biển Đông của Trung Quốc có thể nói rằng đã bắt đầu từ đây.
“Vào năm 1909, hai tàu chiến nhỏ của Trung Hoa đến từ Quảng Châu, bất ngờ, buộc 2 người Đức giao nộp tài liệu khảo sát về quần đảo trong vòng 24 giờ, nhưng họ loan một mẫu tin trong một tờ báo lớn ở Quảng Châu, ngày 20 tháng 6, một tin quan trọng khôi hài: ‘Teo-tai-Li, như đã nói, là đã vẽ một bản đồ tổng quát về các đảo mà ông đã khám phá và 15 bản đồ riêng của cùng những đảo đó( trong vài giờ !)” (3)
Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933
Xác nhận sự kiện trên, báo Advertiser số ra ngày thứ Ba, 29/6/1909 đã viết:
” Tin từ cảng Darwin hôm 28/6 – một nguồn tin từ Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc) cho biết Trung Quốc vừa tiến hành một sứ mạng chính thức với sự tham dự của cả các sĩ quan chỉ huy cấp cao, đó là ra thăm quần đảo Hoàng Sa trên 3 pháo hạm Fupao, Chinhao và Kwong Kum để thượng cờ rồng (Long kỳ - cờ Thanh triều Trung Quốc) tại quần đảo này. Đảo Hữu Nhật bị đổi tên thành đảo Fupao, đảo Cây thành đảo Chinhao sau khi hai con tàu trên tới các đảo này. Điều này cho thấy người Trung Quốc đang nhắm tới việc biến Du Lâm Cảng (Zulinkan) thành căn cứ phía Nam cho hải quân Trung Quốc trong tương lai”.(4)
Cũng trên báo Advertiser số ra ngày thứ Hai, 5-7-1909, tiếp tục đưa tin:
“Đô đốc Le và Taotai Li, những người vừa ghé thăm quần đảo Hoàng Sa, đã trình tấu cho Phó Vương Quảng Đông là hai đảo Fuk-Po và Mo-Huk có thể được dùng để làm thương cảng, và một cây cầu sẽ nối liền hai đảo. Họ cho biết các cơ sở làm nông nghiệp, sản xuất muối, và nghề cá có thể được duy trì trên những đảo này”.(5)
Tin về quần đảo Hoàng Sa trên trang 8 báo The Advertiser, ngày thứ Hai, 5-7-1909
Từ những sự kiện kể trên, cho đến nay các học giả Trung Quốc vẫn căn cứ vào đó coi như hồ sơ pháp lý của mình để hợp thức hóa trong việc lên tiếng chủ quyền của họ trên biển Đông. Nhưng phía Trung Quốc quên rằng trong các năm 1895, 1896 khi các ngư dân ở đảo Hải Nam ra cướp đồng trên các tàu bị đắm tại Hoàng Sa như tàu Bellona của Đức và tàu Himeji Maru của Nhật, chính phủ Anh đã phản kháng và Trung Quốc tuyên bố chính thức là quần đảo nầy không thuộc về mình.(6)
Trong khi ấy, sau khi Hoà ước Giáp Thân (1884), là Hoà ước được Triều đình Huế kí với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp và kể từ đây thực dân Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam.Thực dân Pháp sẽ thay mặt Việt Nam trong những quan hệ ngoại giao với nước ngoài bên cạnh là đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cũng theo tinh thần của Hòa ước Giáp Thân, thực dân Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.
Trong khoảng thời gian từ 1894-1899, Pháp đã đạt được nhiều lợi ích từ Đông Dương, Trung Quốc và đạt được về nguyên tắc những lợi ích căn bản tại đây, nhưng cũng kể từ thời gian này, chính sách của chính phủ Pháp chú trọng đặc biệt vào châu Phi. Nhưng chúng tôi thấy rằng không vì lợi ích kinh tế ở Châu Phi và những khó khăn ở Đông Dương (lúc đầu người Pháp không mấy quan tâm đến Hoàng Sa) thực dân Pháp vẫn tiếp tục duy trì chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa:
“Cần nhắc lại rằng trong khoảng năm 1899, M. Doumer, khi đó là Thống đốc Toàn quyền Đông Dương, đã ra lịnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Một dự án đã được viết hoàn tất. Dự án này đã bị ngưng trệ một cách lặng lẽ trong khối nhiệm vụ của một quan toàn quyền”.(7)
Dự án này tuy được Toàn quyền Paul Doumer ủng hộ nhưng bất thành vì thiếu ngân quỹ. Giải thích về vấn đề, Báo La Nature có nhận xét: “Chính phủ Pháp, đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam mà những hòn đảo này thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này. Phải nhận thấy rằng họ đã hoàn toàn phớt lờ trách nhiệm cho đến hôm nay. Lý do vì lợi tức ít oi hoàn toàn không biện bạch được cho việc thờ ơ này”.(8)
Tuy nhiên, hải quân Pháp vẫn tuần tiễu vùng biển để giữ an ninh và cứu giúp các thuyền bị đắm: “Từ thời kỳ này đến 1920, quần đảo Hoàng Sa chìm vào quên lãng. Trong thời kỳ này, tàu của sở thuế Đông Dương thỉnh thoảng ghé nơi này nơi kia giữa các đảo của quần đảo, khi thì can thiệp giữa các người đánh cá Trung Hoa và An Nam khi họ hành nghề ở đó, bước đầu họ phải vất vả đánh bắt sản vật biển để sau đó đem bán cùng với các sản vật biển khác mà phụ nữ và trẻ em thu lượm được, khi thì ngăn chận bọn buôn lậu vũ khí và á phiện”.(9)
Bên cạnh việc giữ gìn an ninh trên biển, năm 1917, 1918 trong các báo cáo của chính quyền Pháp tại Đông Dương, có đề cập đến việc cần thiết lắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát thời tiết, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Điều này cho thấy Pháp sớm quan tâm quản lý, thực thi chủ quyền Hoàng Sa trong Đông Dương thuộc Pháp. (10)
Chúng ta thấy rằng, từ cuối năm 1918, sự kiểm soát của Pháp trên biển Đông rất gắt gao, chính vì thế Nhật Bản phao tin là Pháp giành quyền khai thác phốt-phát.
Năm 1920 khi tàu Khuou Maru ở Kobe thuộc tập đoàn Mitsui Busan Kaisha chở phốt phát khai thác từ đảo Phú Lâm bị tàu chiến Pháp Espadon bắt mới rõ là tàu Nhật này đã được Hải quân Pháp đóng ở Sài Gòn xem như cho phép vì chỉ đánh giá về mặt quân sự. Cũng trong năm này, Công ty Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa nhưng Pháp từ chối.
“Trong bản tường trình cho Bộ Thuộc Địa tại Paris viết ngày 20 tháng ba năm 1930, chính phủ thực dân Pháp tường thuật rằng vào năm 1927 Lãnh Sự Nhật Bản tại Hà Nội, ông Kurosawa, đã thay mặt chính phủ Nhật Bản hỏi Pháp về tình trạng một số đảo trong vùng biển Đông. Nhưng Lãnh Sự Nhật Bản tuyên bố rằng, theo chỉ thị của chính phủ Nhật Bản, quần đảo Hoàng Sa dứt khoát không được bàn đến, vì Nhật Bản không hề tranh luận chủ quyền của Hoàng Sa với Pháp” vì đã tự ý đặt Hoàng Sa dưới sự cai quản của chính phủ thuộc địa của Nhật ở Đài Loan.(11)
Mặt khác, ngày 30/1/1921, Chính quyền miền Nam Trung Quốc ra quyết định sáp nhập hành chánh quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông đã làm cho chính quyền Pháp ở Đông Dương ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề chủ quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.Từ đây sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đã trở thành điểm nóng.
Tuy hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy tờ, nhưng Pháp cho rằng đây là hành vi nghiêm trọng. Khâm sứ Trung Kỳ LeFol viết trong thư ngày 22-1-1926 gửi Toàn quyền Đông Dương: “Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo Hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan, thì trái lại hình như hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề, như vậy làm lợi cho người Trung Quốc và dường như họ chuẩn bị cho việc nắm quyền sở hữu chính thức đối với các đảo đó”. Cũng trong bức thư trên, ông LeFol cho biết, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam Triều đã có văn thư ngày 3-3-1925 khẳng định: “Các đảo nhỏ đó [quần đảo Hoàng Sa] bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.(12)
Ngày 8/3/1921, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.
Trước tình hình đó, trong bài báo La perte du Haiphong của tạp chí L'Eveil économique de l'Indochine số 394 xuất bản tại Hà Nội ngày 28/12/1924 đã kêu gọi về sự cần thiết phải chiếm giữ và xây dựng các công trình trên quần đảo Hoàng Sa, lợi ích của việc xây hải đăng trên đảo Tri Tôn.(13)
Sự kiểm soát biển Đông có hiệu quả của của chính quyền thực dân Pháp đã dẫn đến điều kiện cho phép các cuộc thám hiểm khoa học trên quần đảo Hoàng Sa.
“Một cuộc khảo sát về độ sâu vào năm 1926 được tàu De Lanessan của Sở nghiên cứu hải dương và nghề cá Đông Dương thực hiện, với sự điều hành của D’A. Kempf, giám đốc Sở. Chuyến khảo sát đã ghi nhận thành phần cấu trúc duy nhất của đất đá trên các đảo và đảo nhỏ là đá vôi san hô, trên bề mặt là một lớp san hô sống, cát và sỏi đá vôi.
Người ta cũng thấy có một tầng đá vôi phos-phat dày chừng 1m với hàm lượng axit phos-pho-ric từ 23-25% trong tầng mặt, 42% ở tầng sâu (Phân tích của giám đốc phòng thí nghiệm hóa học Sàì gòn, M.Michel-chú thích của tác giả bài báo).
Sự khám phá ra mỏ khoáng này, thật có lợi như ta đã thấy, nhưng cho đến nay, chỉ có một công ty Nhật, vào năm 1920, được giấy phép của Tư lệnh hải quân Sài Gòn đến khai thác mỏ trên đảo Phú Lâm và Hữu Nhật. Một số lượng phosphat nào đó đã được đưa về qua một đoạn đường sắt nhỏ dẫn đến một cầu tàu dài 300m, nơi cập bến”.(14)
Hơn nữa, dường như khó có thể tiến hành khai thác nghề cá dưới dạng công nghiệp trên vùng đá san hô của quần đảo Hoàng Sa. “Quả vậy, những báo cáo của phái đoàn nghiên cứu của tàu De Lanessan nói rằng, dù tìm thấy có rất nhiều loài cá ở đó, nhưng cấu tạo của đáy biển ven bờ gây khó khăn cho việc dùng lưới, công việc mà người ta không thể thực hiện được trong vài phút ở vùng đáy biển gồ ghề nơi có đầy san hô đang sinh trưởng. Cuộc khảo sát đáy biển này, đoàn nghiên cứu đã thực hiện bằng phương cách chiếu sáng, cho phép Sở Nghiên cứu hải dương và nghề cá Đông Dương ghi nhận các loài sinh vật biển chưa được biết đến ở đó cũng như có thể trao đổi qua lại giữa các thành viên trong đoàn về số liệu của những khối san hô và độ sâu các vùng trũng phân cách chúng. Nhưng phải nói là rất ấn tượng với khối nước 20m này, nó trong suốt như thủy tinh với những loài cá nhiều màu sắc rực rỡ lượn qua lại giữa các loài san hô đa dạng”.(15)
Mặc dù “Có vẻ như việc khai thác này không đem lại hiệu quả nên các công trình xây dựng từ lâu bị bỏ phế: cầu tàu, xe goòng, xà lan xi măng, máy chưng cất, v.v…Việc khai thác, thực tế có vẻ không hữu dụng: gió mạnh, tiếp tế lương thực tốn kém và sự an toàn khi chuyên chở hàng hóa rất bấp bênh. Hơn nữa, dường như khó có thể tiến hành khai thác nghề cá dưới dạng công nghiệp trên vùng đá san hô của quần đảo Hoàng Sa. Quả vậy, những báo cáo của phái đoàn nghiên cứu của tàu De Lanessan nói rằng, dù tìm thấy có rất nhiều loài cá ở đó, nhưng cấu tạo của đáy biển ven bờ gây khó khăn cho việc dùng lưới, công việc mà người ta không thể thực hiện được trong vài phút ở vùng đáy biển gồ ghề nơi có đầy san hô đang sinh trưởng”.(16)
Nhưng “Tốt hơn là các quy định này được lập ra khi chính phủ đặt trên khối đá ngầm này một hải đăng hiệu quả cho phép tàu đi biển không gặp nguy hiểm khi đi gần đến đó. Sẽ rất tuyệt vời nếu đặt thêm vào nơi đó một trung tâm thông tin khí tượng, ở nơi có nhiều cơn bão chính đi qua trong vùng biển Trung Hoa, để tổ chức và hoạt động của trung tâm này đưa ra những cảnh báo thời tiết.(17)
Chính vì vậy, D’A. Kempf đã đề xuất thiết lập một đài quan sát và một ngọn hải đăng và nếu có thể là một bến cảng tại Hoàng Sa để có chỗ cho ngư dân tránh bão và bảo vệ ngư dân An Nam.(18)
“Quyền hạn pháp lý của Pháp vững chắc, và yên ổn đủ để cho phép các cuộc thám hiểm khoa học trên quần đảo Hoàng Sa. Một danh sách đáng kể gồm các công trình nghiên cứu khoa học trong mọi lãnh vực đã được công bố bởi các viện thuộc địa và học giả. Từ 1925, sau sứ mạng khoa học lần đầu tiên trên thuyền De Lanessan do các khoa học gia thuộc Hải học viện Nha Trang nổi tiếng thực hiện, những kiến thức về quần đảo Hoàng Sa được thu thập nhiều”.(19)
Nhưng quan trọng hơn hết, Viện Hải dương học sau hai năm nghiên cứu và đo đạc đã chứng minh một cách chính xác rằng: “Quần đảo Hoàng Sa nằm trên một cao nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục địa Việt Nam”. Ðây là một bằng chứng khoa học càng sáng tỏ hơn giá trị lịch sử về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ðúng như lời kết luận của tiến sĩ Krempt, Giám đốc Viện Hải học Ðông Dương, rằng: “Về phương diện địa chất, những đảo Hoàng Sa là một phần của Việt Nam”. Các nhà nghiên cứu hải học, như ông Oliver A. Saix và ông Marcel Beauvoix đều có kết luận như vậy.(20)
Năm 1927, Pháp cho đặt một trạm khí tượng hạng nhất tại đảo Hoàng Sa và một trạm phong vũ biểu tại đảo Ba Bình. Đây là 2 đài khí tượng nằm trong hệ thống được quốc tế thừa nhận.(21)
Trong một báo cáo năm 1933 về tình hình kinh tế, tài chính của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương có nói những hoạt động chính của tàu De Lanessan trong chuyến khảo sát quần đảo Trường Sa. Các đảo được khảo sát gồm có đảo An Bang (Amboyna Cay), Đá Tây (Récif London Ouest), Đá Chữ Thập (Fiery Cross), đảo Ba Bình (Itu Aba) và cụm Tizard, đảo Loại Ta, Đá Subi, đảo Thị Tứ, đảo Song Tử Đông (Cay de l'Alerte) và cụm Song Tử (North Danger) (22) đã chứng chứng tỏ chính phủ Pháp đã có trách nhiệm trong việc chiếm hữu, khai thác liên tục và có hiệu quả trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Bằng những hành động kể trên, người Pháp nhận lấy pháp quyền và trách nhiệm giao nhượng cho họ từ người Việt Nam bị bảo hộ, tiếp tục bảo đảm quyền hạn pháp lý thay mặt cho người Việt Nam. Tuy nhiên, khi đối diện với yêu sách không căn cứ và hành động bất hợp pháp của Trung Hoa về quần đảo Hoàng Sa năm 1932, người Pháp cảm thấy cần phải có biện pháp phòng thủ. Từ năm 1909, Trung Quốc thỉnh thoảng đòi chủ quyền trên đảo. Một lần trong năm 1909, chính quyền tỉnh Kuang Tung [Quảng Đông] cho tàu chiến ra thám hiểm đảo. Ngày 20 tháng ba, 1921 tỉnh trưởng Kuang Tung ký một sắc lệnh kỳ lạ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào lãnh thổ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, hành động của ông không ai biết đến, vì nó chỉ được ghi chép trong văn bản của địa phương, do đó thế giới không biết đến để bình phẩm hoặc chống lại. Tuy Trung Quốc không đưa người ra chiếm đảo, nhưng Pháp thấy rằng những hành động đó khiến Pháp phải ra tay trước. Thí dụ, năm 1930 thủy thủ đoàn trên tàu La Malicieuse đổ bộ lên nhiều đảo trong quần đảo Hoàng Sa để cắm cờ và mốc chủ quyền”.(23)
Ngày 8-3-1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp. Tháng 11-1928, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở quần đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat Bắc Kỳ Mới. Trong thư ngày 20-3-1930, Toàn quyền Đông Dương gởi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp xác nhận: “Cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhân danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Năm 1929, sứ bộ Perrier-De Rouville đề nghị xây dựng bốn đèn pha ở bốn góc quần đảo Hoàng Sa (trên các đảo Tri Tôn, Linh Côn, bãi Đá Bắc, Bom Bay).
Năm 1927, với tựa đề “Chronique des mines” tác giả bài báo đã đề cập đến việc quần đảo Hoàng Sa là một phần của An Nam nhưng chính phủ Pháp đã không có những hành động thiết thực để chứng minh chủ quyền của An Nam khi đó là nước được Pháp bảo hộ và để cho Trung Quốc nghiễm nhiên coi Hoàng Sa là của Trung Quốc (24).
Đứng trước tình hình đó, “Ngày 4-12-1931 và ngày 24-4-1932, Pháp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa”.(25)
Ngày 15-6-1932, chính quyền thuộc địa Pháp ra Nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chính gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1933, chính quyền Pháp quyết định thiết lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.
Báo Le journal officiel trong số báo ngày 1 tháng 7 năm 1933, đã đăng tải một thông tin liên quan đến việc các đơn vị hải quân Pháp chiếm hữu một số đảo và đảo nhỏ nằm trong vùng biển Đông, giữa các đảo của Philippines, Bornéo và Đông Dương.
“Pháp đã biết đến nhóm đảo này, vào ngày 13 tháng 4 năm 1930, bởi tàu chiến nhẹ “La Malicieuse”. Ngày 7 và 10 tháng 4 năm 1933, đảo đã được đặt cột mốc xác định chủ quyền bởi các thông báo hạm “Astrolabe” và “Alerte”; cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 1938, một cột cờ đã được dựng lên bởi tuần dương hạm “Duguay-Trouin”.(26)
“Sự chiếm hữu tiến hành theo nghi thức cổ xưa – đó là một văn bản được thảo ra và các thuyền trưởng ký thành 11 bản – Mỗi đảo nhận một văn bản, được đóng kín vào trong một cái chai rồi được gắn trong một trụ xi măng xây trên mỗi đảo tại một điểm ấn định và cố định trên mặt đất, người ta kéo lên lá cờ tam tài và thổi kèn trên từng hòn đảo”.(27)
Cáo thị sát nhập đăng trên báo “Journal Officiel” ngày 26 tháng 7 năm 1933.
“Công bố quyền thủ đắc do chiếm cứ các đảo do các đơn vị Hải Quân Pháp thực hiện.”
Chính phủ Pháp quốc nay long trọng công bố sự kiện chiếm cứ các đảo nêu trên do Hải Quân
Pháp thực hiện.
1. Trường Sa, tọa lạc tại vĩ tuyến 8 độ 39 Bắc và 111 độ kinh Tuyến Đông cùng một số đảo nhỏ khác trong vùng.(Chiếm cứ ngày 13 tháng 4 năm 1930).
2. Cồn Am Bang (Amboine) tọa lạc tại vĩ tuyến 7 độ 52 Bắc và kinh tuyến 115 độ 55 Đông cùng một số đảo nhỏ trong vùng.(Chiếm cứ ngày 7 tháng 4 năm 1933).
3. Đảo Ba Bình (Ita Aba) tọa lạc tại vĩ tuyến 10 độ 2 Bắc và kinh tuyến 114 độ 21 Đông cùng một số đảo khác trong vùng.(Chiếm cứ ngày 10 tháng 4 năm 1933).
4. Nhóm hai đảo tọa lạc tại vĩ tuyến 111 độ 29 Bắc, kinh tuyến 114 độ 21 Đông cùng một số đảo nhỏ khác trong vùng (36).(Chiếm cứ ngày 10 tháng 4 năm 1933).
5. Loại Tá (Loaita) tọa lạc tại vĩ tuyến 10 độ 42 Bắc kinh tuyến 114 độ 25 Đông cùng một số đảo nhỏ khác.(Chiếm cứ ngày 12 tháng 4 năm 1933).
6. Đảo Thị Tứ (Thitu) tọa lạc tại vĩ tuyến 11 độ 7 Bắc và kinh tuyến 114 độ 16 Đông cùng một số đảo khác.(Chiếm cứ ngày 12 tháng 4 năm 1933).
Tất cả các đảo nêu trên sẽ thuộc chủ quyền của nước Pháp kể từ ngày hôm nay (công bố nầy có hiệu lực hủy bỏ tất cả các công bố được liệt vào sổ bộ trước đây).
Ngày 25 tháng 7 năm 1933.
Ngày 24-7-1933, Pháp đã thông báo cho Nhật Bản việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Hoàng Sa, Nhật Bản lên tiếng phản đối nhưng bị Pháp bác bỏ.
Ngày 21-12-1933, thống đốc Nam Kỳ M. J. Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử(28), Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa.
Người Pháp cũng tiếp tục thực hiện những cuộc thăm dò khoa học các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sau năm 1933. Ví dụ như tài liệu nghiên cứu địa lý và địa chất đảo Trường Sa rất giá trị đã được để tham khảo trong bản tường trình số 22 của Hải Học Viện Đông Dương.
Tháng 10 năm 1937, chính quyền Đông Dương dựng lên trên đảo Hoàng Sa một hải đăng khuyết quang mà phạm vi quét của đèn chiếu khắp nhóm đảo Trăng Khuyết; kế đến, năm 1938, đặt trên đảo Phú Lâm, xa về phía Đông, một trạm khí tượng để dự báo bảo và một ngọn hải đăng để an toàn đi lại trên biển.(29)
Ngày 29-3-1938, vua Bảo Đại ký Dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa:
“Chiếu chỉ các Cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các Cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Nghĩa: đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các Cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Nghĩa.
Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên Đại diện Chánh phủ Nam triều uỷ phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chánh phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn.
Dụ:
Độc khoản: Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên: về phương diện hành chánh, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”. (30)
Dụ số 10 của hoàng đế Bảo Đại ký ngày 29-3-1938
Ngày 15-6-1938 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nhưng ngày 5-5-1939 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định sửa đổi nghị định ngày 15-6-1938 nói trên và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai cơ quan hành chánh:“Croissant et indépendences” và “d’Amphitrite et indépendences”.
Cũng trong năm 1938, Pháp dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, riêng trên đảo Hoàng Sa, bia chủ quyền mang dòng chữ:
Répubique Francaise (Cộng hòa Pháp Quốc)
Empire d’Annam (Đế chế An Nam)
Archipel des Paracels (Quần đảo Hoàng Sa)
1816-Ile de Pattle-1938 (Đảo Hoàng Sa 1816-1938)
Bìa chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
Ảnh: chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng
Ngày 3 tháng 7 năm 1938, Bộ Ngoại Giao Pháp công bố về việc Pháp chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa: “Do sự đáng chú ý của việc chiếm lĩnh quần đảo Hoàng Sa, mà vào tháng 7 năm 1938, Đại sứ của ta [Pháp] ở Tokyo nhắc lại sự sát nhập quần đảo Trường Sa trước đây vào nước Pháp”(31)
Nước Nhật đã phản ứng lại sự kiện này, họ cho rằng “từ năm 1917 người Nhật đã khai thác mỏ phốt-phát trên hòn đảo chính, người ta chưa bao giờ chú ý rằng chỉ có một người Pháp duy nhất đến sống ở đó”(32). Chính vì vậy ngày 31-3-1938 Tokyo đã cáo thị với Đại sứ Pháp rằng “quần đảo Hoàng Sa là đất của Nhật Bản, đã được đặt dưới luật pháp của Nhật Bản, sát nhập cai trị với lãnh thổ Đài Loan; sự chiếm đóng được bảo đảm bằng một đội cảnh sát biệt phái”(33).
Tháng 7-1938, Hãng thông tấn Domei, cơ quan báo chí chính thức của Tokyo, đã công bố một công hàm nói rằng theo tin tức từ Hongkong, có sáu tàu chiến Pháp đang hoạt động bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và rằng, chủ nhật vừa qua, hai tàu vận tải Pháp đã mang đến đó vũ khí, đạn dược và lương thực dự trữ.
Ngày 14-7-1938, Nhật báo La Croix đã khẳng định: “Cần nhắc lại rằng quần đảo Hoàng Sa là một nhóm các đảo nhỏ và đá ngầm nhô trên mặt nước có vị trí nằm ở phía Nam đảo Hải Nam, đối diện với Đông Dương và vừa mới đây có một ít lính Đông Dương được gởi tới đây để bảo vệ trạm phát sóng T.S.F và ngọn hải đăng mà chính quyền Pháp đã xây dựng trên miền đât này, và hơn nữa, đảo này thuộc về thuộc địa của chúng tôi”.(34)
Ngày 4-4-1939, chính phủ Pháp gởi một công hàm phản đối chống lại các quyết định tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản và đề nghị cùng chọn giải pháp trọng tài. Công hàm bị phía Nhật từ chối. Cần nhắc lại rằng, Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 4 năm1939 tại Hạ Nghị Viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp. Nước Pháp tiếp tục quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho đến năm 1956 khi họ rút hết quân đội khỏi Đông Dương theo tinh thần Hiệp định Genève 1954. Mãi đến tháng 5 năm 1956, sau khi Tomas Cloma thiết lập cái gọi là “ Đất Tự do” (Freedomland) của ông ta thì Đặc Sứ Pháp tại Manila đã nhắc nhở chính phủ Philippines về quyền hạn của nước Pháp đến từ việc chiếm đóng vào năm 1933.(35)
Do nhu cầu thiết lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, năm 1938, Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm và 1939 đánh chiếm đảo Ba Bình của Trường Sa. Cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhật Bản đảo chính Pháp tại Đông Dương, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa.
Kể từ đây lịch sử tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa bước sang một giai đoạn mới: chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Xem tiếp phần 2