Tầm lớn của văn chương theo tôi ở trong không gian ba chiều. Chiều sâu của tâm linh. Chiều ngang của quá khứ và chiều dọc của tương lai. Tôi đọc truyện Vùng Đồi của Phạm văn Nhàn và khám phá ra không gian ba chiều ấy.
Vùng Đồi là một truyện ngắn. Nhân vật chính là người thương binh VNCH. Ngày tàn cuộc chiến, giữa cõi hỗn mang của ma quỉ đội lốt người, giữa cái ngao ngán của thế sự, và cái nghiệp trên vai của những người thất trận, người thương binh ấy quyết định trở lên ngọn đồi cũ - ngọn đồi mà ngày xưa bạn bè đồng đội anh đã gục xuống trong một trận đánh ác liệt, để khẩn hoang, mang lại màu xanh cho vùng đồi xưa.
Cốt truyện chỉ bấy nhiêu, nhưng kích thước truyện không phải vậy. Nó chứa hôm qua, không phải là hôm qua của một ngọn đồi mà của cả trăm ngàn ngọn đồi. Nó có những bạn bè, đồng đội, không phải của một trung đội vô danh mà của hàng vạn người đồng đội khác, hàng vạn trung đội khác. Nó có những mất mát, không phải nỗi mất mát riêng, mà là nỗi mất mát chung:
...Đứng trên ngọn đồi nhìn về hướng rừng, những cây con mọc kín bưng, bắt kịp với cánh rừng trước mặt. Đỉnh đồi vẫn trơ trọi. Anh nhìn quanh ngọn đồi một vòng, nhớ lại từng gương mặt của mỗi đứa. Chỗ này là hầm chiến đấu của chuẩn úy Ngọ. Chỗ kia là hầm của thằng Hòa, thằng Ất và còn nhiều đứa nữa. Còn chỗ này ông Ngọ cho đặt khẩu đại liên đây mà.
...Có những đêm anh không thể nào ngủ được. Anh nhớ đến buổi chiều trên ngọn đồi này cùng với những đồng đội của anh, mà hầu hết đã nằm ngủ im lìm sau một trận pháo của địch từ bên kia cánh rừng pháo tới. Trận pháo mà họ muốn dứt điểm vùng đồi từ lâu. Bây giờ họ mới đổ lửa xuống ngọn đồi với một đám lính ít ỏi. Trong trận pháo đó, anh ngất đi sau lần bị thương. Khi tỉnh dậy, trời đã khuya. Ánh sáng của vầng trăng thượng tuần yếu ớt, người đi, đến tiếng động va chạm của vũ khí. Anh cố gắng bò ra khỏi miệng hố phòng thủ, và trong ánh sáng của con trăng đầu tháng, anh cất tiếng gọi đồng đội. Anh gọi tên từng người một: Chuẩn úy Ngọ, trung đội trưởng đâu rồi? Thằng Vinh, tiểu đội trưởng sắp sửa cho con cái xuống đồi khi trời chạng vạng tối, đâu rồi Ầ..
Nhiều lắm mà. Sao nghe im lìm qúa vậy. Chỉ có tiếng anh gọi trong đêm . Chẳng lẽ chết hết rồi sao? Hay có lẽ anh gọi nhỏ quá mà bạn bè chẳng có đứa nào nghe. Nhưng trong ánh trăng lờ mờ đó, hình như anh nghe có tiếng chân người và tiếng nói: Còn có người còn sống. Tụi bây ơi. Anh nghe tiếng nói, tự nhiên anh nằm im. Có phải đơn vị của anh lên để giải cứu, hay là địch sau những lần pháo ồ ạt, chúng lại xung phong lên. Anh cố bò trở lại hố chiến đấu cũ, nhưng máu từ vết thương lại ra nhiều làm anh không thể bò thêm được nữa. Anh cố gọi to, nhưng rồi anh ngất đi. Tỉnh dậy từ một quân y viện dã chiến. Anh biết anh còn sống.
(Vùng Đồi trang 150)
Còn về cái chiều sâu của tâm linh. Như tấm lòng của một đạo sĩ, người thương binh năm nào, ôm lấy vầng trăng cô độc, bạn hữu là những hồn ma. Cái bầu không khí rờn rợn oan hồn ấy, chỉ có những người đạo sĩ mới làm bạn. Không ai có thể tin rằng có một người lính cũ lại trở về đồi. Người ta, tướng quan, tổng thống, tổng trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng, đã bỏ chạy. Người ta, những cựu sĩ quan đã trở về, lưng còm tội nghiệp...
Phải, ngay cả ông bác già cũng không tin:
- Không dễ đâu. Tao nghe đám đi ăn cây thường hay nghỉ dưới chân đồi nói trong tiếng gió rít mạnh qua vùng đồi ban đêm, hình như có tiếng cười của ma quỷ ?
Vì sao ?
...Anh muốn nói với ông Miêng tiếng cười mà những người đi ăn cây nói đó là tiếng cười của bạn bè anh. Những thằng bạn đã chết trong một buổi chiều, mà những người bên kia cánh rừng đã bắn pháo tới. Trong buổi chiều hôm đó anh cũng đã ngất đi mấy lần vị bị thương . Giấc ngủ của những đồng đội của anh cũng như vết thương trên cơ thể của anh vẫn còn hằn sâu trong tâm thức. Làm sao mà quên được. Mỗi lần trời trở gió, những vết thương cũ lại hành hạ anh, không sao chịu nổi. Những vết thương đó, và những cái chết của đồng đội anh đó, nào ai biết được.
(trang 153)
...Những đêm trăng sáng, anh thường hay ngồi im lặng trước sân nhà nhìn lên đỉnh đồi. Nơi đó những cây đào bắt đầu lên cao. Trong tiếng gió rít mạnh ngang qua vùng đồi, lúc nào anh cũng nghe như có tiếng gọi của đồng đội anh. Mỗi lần nghe như thế, anh lại lên đồi cùng với hai con chó như hai người bạn thân của anh, quấn quít. Có lần ông Miêng lên thăm anh và ở lại. Tiếng gió vẫn rít qua vùng đồi vào mỗi đêm, và anh lại lên đồi cho tới khuya mới trở về ngôi nhà lá, mặc cho ông Miêng có trong ngôi nhà đó. Khi anh trở về, ông hỏi:
- Mầy làm gì đi lên đó khuya dữ vậy?
- Lên thăm mấy đứa bạn.
- Có ma nào trên đó mà mầy đi thăm.
- Họ thức dậy trên đó vào ban đêm mà. Bác làm sao hiểu được.
- Coi chừng mầy bị bịnh đó. Tao đã nói với mầy đám thợ rừng thường nói vùng đồi này có ma.
Anh chẳng nói, trở lại nằm nơi chiếc võng. Hai con chó cũng nằm phục dưới chân anh. Ông Miêng tới bên cái bếp khươi cho ngọn lửa cao thêm để nấu ấm nước. ông nói:
- Mầy phải uống chút gừng cho ấm bụng kẻo bị sương rừng. Thường hay đi ban đêm như vậy không tốt đâu.
Tiếng gió lại rít mạnh len qua kẽ vách . Anh ngồi dậy trên chiếc võng, hỏi:
- Đó. Bác có nghe gì không?
- Tao có nghe gì đâu, ngoài tiếng gió. Tao đã nói với mầy vùng này là vùng gió mà.
(trang 157)
Vâng, không ai có thể tin được. Nhưng người thương binh của chúng ta đã làm được. Và chỉ có người lính VNCH mới có thể làm được. Vì sao. Vì mỗi tấc đồi đã thấm máu của bạn bè, đã thấm sâu tình sống chết thủy chung:
...Anh đang nghĩ về ngôi nhà mà anh phải dựng. Phải rồi, phải dựng ngôi nhà ngay bên cạnh con đường nhỏ này đây. Con đường duy nhất để cho những người lính ngày nào đi lên, đi xuống. Hay những buổi chiều chạng vạng xuống đồi để kích đêm. Đêm nào cũng thế, những người lính lại âm thầm đi ăn đêm. Những tọa độ kích đêm được ông Ngọ đánh dấu cẩn thận trên tấm bản đồ hành quân để báo về cho thẩm quyền. Những đứa con đi ăn đêm, sáng hôm sau trở về vùng đồi trong cái ướt sũng của sương rừng, vói những hơi thuốc lá, và tiếng nói cười râm rang trên con đường mòn dẫn lên đồi. Ngày nào anh cũng đứng chờ những người bạn của anh, qua một đêm kích biết sống chết ra sao: Ộ Tụi mầy còn sống trở về, tao đang đợi tụi bây đây Ộ . Nhưng hôm nay không còn nữa, im ắng quá. Tiếng cười tiếng nói ngày nào đâu mất hết rồi, chỉ còn lại có mình anh với tiếng gió rít qua vùng đồi không thay đổi.
Ông Miêng, đứng bên cạnh anh , nói:
- Mầy vẫn không thay đổi ý định lên trên đây.
- Không.
- Định trồng cái gì trên vùng đồi này để sống?
- Đào lộn hột. Bác thấy sao?
- Bao giờ mới phủ xanh hết ngọn đồi , mậy?
- Một năm, hai năm không biết chừng. Tôi sẽ và sẽ trồng, bác xem.
Tác phẩm Lão Ngư ông và Biển cả của Hemingway được đánh giá cao bởi vì tác phẩm đã nói lên sự chiến đấu và cả sự thách đố của tuổi già, mà lão đánh cá đại diện, trước những thử thách của biển cả và cá mập. Cái lớn của tác phẩm là sự thách đố.
Còn Vùng Đồi thì sao? Một người thương binh lên đồi khô trọc để trồng đào lộn hột, để biến đồi thành màu xanh, lại không thách đố à. Ông lão đánh cá dù sao vẫn có kinh nghiệm, vẫn lành lặn tay chân, còn người lính của chúng ta đã mất mát một phần thân thể, lại không có kinh nghiệm trong nghề trồng trọt, như vậy không phải thách đố à ?
Mặt khác, người ta chỉ tìm trong Lão Ngư ông và Biển Cả một cõi trời giông tố và mênh mông của biển cả, không bờ bến, nhưng ở đây, lại khác. Cả một màu xanh của tương lai.
Cả một cõi triết lý của đông phương kết hợp. Cả tình nhân bản của một con người sống có thủy có chung. Như đoạn kết, người thương binh đưa hai người, một ông lão và một cô gái đi thăm ngọn đồi của mình:
...Anh đưa ông Miêng và Lài đi một vòng đồi, nơi mà ngày xưa đơn vị anh đóng quân . Anh chỉ cho hai người thấy nơi nào là hố phòng thủ của đồng đội anh. Những hố phòng thủ không đủ để che cơn mưa lửa điên cuồng của những người bên kia khu rừng đổ ập xuống trên một diện tích nhỏ hẹp. Thử hỏi còn có người lính nào chịu nổi. Trong trận pháo đó, anh bị thương nặng, bò ra khỏi miệng hố kêu gọi đồng đội xem có đứa nào còn sống không. Chẳng có ai lên tiếng. Anh chỉ cho ông Miêng và Lài:
- Hình như tôi bò ra chỗ này đây.
Rồi anh ngồi xuống. Ông Miêng và Lài cũng ngồi theo. Nơi đó, bây giờ là cây đào. Không phải một cây mà là một vườn đào đang tỏa một màu xanh bao trùm. Ông Miêng nhìn bao quát trên vùng đồi như tìm một vị trí, rồi nói:
- Mai, tao đánh xe trâu chở vật liệu lên đây. Cất cái miếu để thờ.
(trang 161)
tập truyện của Phạm Văn Nhàn Thư Ấn Quán Hoa Kỳ xuất bản
Liên lạc: POBOX 58 South Bound Brook, NJ 08880
E mail: tranhoaithu@yahoo.com