Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.139.871
 
Tập Quán Dân Gian Khi Các Bà Mẹ Mang Thai Và Sanh Đẻ Ở Ngã Năm – Sóc Trăng
Trần Minh Thương

Ngã Năm là một huyện nằm ở phía Tây, thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng. Đông giáp huyện Mỹ Tú và huyện Thạnh Trị. Tây và Nam giáp tỉnh Bạc Liêu. Bắc giáp tỉnh Hậu Giang.

 

Địa danh Ngã Năm cũng có các đặc điểm như các vùng đất phèn chua nước ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Bạc Liệu – Hậu Giang – Sóc Trăng nói riêng. Vùng đất này, sông ngòi chằng chịt, hai bên bờ, lá dừa nước mọc um tùm, cùng với nó là ô rô, cóc kèn, choại, ráng, … Dân cư ở thành xóm dọc ven sông rạch, … Những lớp cư dân đâu đến đây mở cõi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo.

 

Cách đây chưa lâu, ở vùng quê hẻo lánh như Ngã Năm còn chìm đắm trong những phong tục kỳ lạ của tín ngưỡng dân gian nhiều khi đến bí hiểm, mê tín trong việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em mới sanh. Với tư cách là người sưu tầm điền dã dân gian, chúng tôi xin ghi nhận và miêu tả những việc làm của dân gian mà ngày nay dưới ánh sáng khoa học hiện đại, phần lớn nó đã lạc hậu, lỗi thời. Dù vậy, chúng tôi xem đây như một “di sản” mà dân gian Ngã Năm đã từng sống, từng thực hiện … một thời trong dĩ vãng.

 

1. Từ tập tục của người Việt

 

1.1. Người đàn bàn nên và không nên làm khi mang thai

 

Từ những chuyện đáng tin trong thời kỳ bụng mang dạ chửa, không được đi đứng vội vàng, không được nằm võng (điều này có lý bởi các hành động ấy dễ sảy thai), hay cho rằng nên ăn trứng gà luộc vừa trắng bên ngoài lại hồng bên trong (ta quen gọi lòng đỏ trứng gà), thì con sanh ra sẽ có nước da trắng trẻo, hồng hào. Thực ra trứng gà có nhiều tố chất rất càn thiết cho cả mẹ và con.

 

Trong suốt thời gian thai nghén người đàn bà phải đứng ngồi ngay ngắn. Có như thế sau này con mới trở thành người ngay thẳng. Bà mẹ tương lai tránh nhìn những cảnh không hay, tránh nghe những chuyện không đứng đắn, không tốt, để cho con sau này thành người đàng hoàng, tử tế.

 

Khi ốm nghén người phụ nữ thường hay cáu gắt, thèm chua! Người chồng và gia đình chồng thường chiều chuộng, cố kiếm cho được món mà người vợ thèm ăn. Người phụ nữ mang thai thường được cho ăn đu đủ, vừa ngăn táo bón, vừa tin tưởng rằng con mình sau này sẽ đầy đủ!

Và dưới đây là cả những chuyện … kỳ quái.

 

Dân gian còn buộc người có thai kiêng ăn cua, vì cho rằng cua là loài bò ngang, ăn cua sẽ bị đẻ ngang, ăn trái chuối sanh đôi (hai trái chuối dính liền nhau) sẽ bị … sanh đôi (!).

 

Không cho sò, ốc, bởi những giống này tiết ra nhiều chất nhờn. Nếu người mẹ ăn trai sò ốc hến thì con đẻ ra sẽ bị nhiều nhớt dãi.

 

Dân gian cho rằng đàn bà không được bước ngang ách trâu, như vậy sẽ bị có chửa trâu (mang thai hơn 9 tháng 10 ngày mà không có dấu sanh con), gặp trường hợp này thì người đàn bà mang thai phải đi xin gạo hàng xóm về nấu ăn, ăn xong sẽ sanh.

 

Không hiểu người xưa có theo dõi, ghi chép chính xác thời gian trâu chửa không? Theo thiển ý của người viết có lẽ chữ chửa lâu đọc trại thành chữa trâu chăng? Còn lý do vì sao phải đi xin gạo ăn, và hiệu quả có thật đến đâu hay chỉ là chuyện tình cờ thì các bậc trưởng thưởng hiện tiền không ai giải thích được!

 

1.2. Đến kỳ sanh nở

 

Đầu tiên phải nhắc đến tập tục đẻ tại nhà, bà mẹ chồng hoặc chồng sẽ giúp người đàn bà vượt cạn, tiến bộ hơn thì mời được bà mụ vườn (xin nói thêm đây là những người chỉ làm qua kinh nghiệm là chính chứ ít có mấy ai học được khoa y học, bởi lẽ ở vùng xa xôi phèn chua nước mặn như đất Ngã Năm vào đầu thế kỷ XX mà nói đến thuốc Tây là điều … không tưởng!). Vì đỡ đẻ theo kinh nghiệm nên khả năng xảy ra rủi ro cho cả con và mẹ là rất cao. Người ta truyền nhau câu người chửa cửa mả không phải là không có căn cứ.

 

Khi đến thời kỳ chuyển dạ đẻ, nếu người đàn bà đẻ khó người chồng phải dùng phương thuật, dùng mẹo để giúp vợ dễ đẻ.

 

Về tín ngưỡng, đầu tiên, mẹ chồng hoặc người đàn bà thân tình trong gia đình đốt ba nén nhang khán vía bà mẹ sanh cầu mong cho người phụ nữ sắp vượt cạn được mau mắn, mẹ tròn con vuông. Người chồng lúc này phải lo nấu ấm nước cho sôi để bà mụ dùng tắm, rửa, … cho cả mẹ và đứa con sắp chào đời.

Khi đẻ người phụ nữ thường nằm trên giường ngủ, (chứ không ở tư thế ngồi như một số vùng miền khác) chỉ có bà mụ, hoặc bà mẹ chồng vào đó. Đứa trẻ vừa lọt lòng, bà mụ nhanh tay vỗ nhẹ vào lưng cho bé khóc thét lên, sau đó bà nhanh chóng tắm sạch bằng nước ấm, cắt dây rúng bằng thanh tre già bén, hoặc mảnh thủy tinh rửa sạch bằng nước sôi, dân gian kỵ cắt bằng dao, kéo (có lẽ sợ nhiễm trùng chăng?). Sau đó, đứa trẻ được quấn kín bằng vải ta, bà mụ vườn tiếp tục quay lại săn sóc cho sản phụ, chờ nhau ra hết là “công đoạn” hoàn tất.

 

Các bà mụ vườn sợ là gặp đứa bé nằm ngang hoặc đẻ ngược (hai chân ra trước đầu ra sau) sẽ khó sanh, nhưng nguy hiểm nhất là nhau choàng, nếu bà mụ non kinh nghiệm gặp trường hợp ấy thì tính mạng cả mẹ và con đều nguy kịch.

 

Trường hợp mẹ đau bụng quá lâu, sanh ra bé bị ngộp, không khóc được thì bà mụ phải dùng miệng hút đờm, nhớt trong mũi của bé, dù là kinh nghiệm dân gian nhưng cũng đã không ít bé được cứu sống trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh ấy!

 

Đối với người mẹ, nguy hiểm nhất là trường hợp xót nhau và “làm băng” (chảy máu sau sanh), …, các bà mụ vườn thường cho họ uống bằng các thứ thuốc nam, có người cứu được, nhưng cũng không ít phụ nữ vĩnh viễn không thấy mặt đứa con mà mình đã tạo ra nó.

 

Nếu người có chửa đã đau bụng lâu, mụ vườn cũng đã tới rồi mà không vẫn không sanh được, thì dân gian dùng một số mẹo vặt như: người chồng phải chạy sang nhà hàng xóm mượn cái quần của người đàn bà (đã đẻ con một cách dễ dàng trước đó) mang về quất cái quần ấy ngang bụng vợ, họ tin làm vậy vợ sẽ đẻ được.

 

Riêng tục người chồng lấy cây củi cháy dở lên xà nhà để mong cho người đàn bà mau sanh, chúng tôi tìm thấy Trịnh Hoài Đức (1765-1825) trong Gia Định thành thông chí, chép rằng: người Đồng Nai có tục khi sanh con lấy một que củi cháy dở cặp vào đầu một cái cọc đem cắm ngoài cổng, sanh con trai thì cắm đầu củi cháy trở vào trong nhà, sanh con gái thì quay đầu trở ra; người ta còn buộc kèm thêm một cây ráy. Toàn thể dấu hiệu ấy gọi là cái khém, riêng thanh củi cháy dở gọi là cái vỏ lửa. Tục của người Đồng Nai dường như cũng muốn báo tin rằng người đàn bà đã hết cữ, đã đẻ xong. Có lẽ những di dân từ miền Đông Nam Bộ xuống miệt đồng bằng và mang theo tín ngưỡng này chăng?

 

Ngoài ra còn có một số mẹo khác mà chúng tôi cho là rất … vớ vẩn.

- Nhà nào có trồng cau thì người chồng có thể leo lên cây cau, ôm cây tụt xuống. Phương thuật giản dị, hình ảnh dễ hiểu, thể hiện sự mong muốn đứa bé mau tụt ra khỏi bụng mẹ.

- Nếu gần nhà có cái ao thì người chồng xuống bơi vài vòng.

- Không biết bơi thì múc một bát nước ao đem về cho vợ uống ba ngụm. 

- Liếm ông táo, nhà nào cũng có ông táo lò để nấu nướng, khi vợ đẻ khó, chồng có thể chạy xuống bếp ôm liếm ông đồ rau, có khi nhổ nước miếng (nước bọt) vào đít Táo quân. Hành động liếm ông Táo hoặc nhổ nước bọt vào đít không biết có còn mang ý nghĩa gì khác không hay là chỉ muốn bắt chước một cử chỉ hôn má, đét đít, nựng trẻ con, và có khi tình cờ, người vợ sanh được. Đã tin họ lại càng tin!

 

Sau khi sanh nỡ an toàn, người mẹ được cho uống “xổ lòng” bằng chén nước gừng với mật ong, hoặc uống nước rể cây bù ngót (rau ngót mọc ở bờ rào hàng ngày dùng nấu canh ăn có vị mát, thanh), cho uống nước bằng rể cây lức sao vàng như uống trà, dân gian tin rằng làm như vậy khí huyết hư trong cơ thể người phụ nữ sau sanh sẽ ra sạch hết.

 

Đàn bà mới sanh chân lông hở cả, nên rất dễ nhiễm sương gió, vì thế phải quấn khăn kín mặt mày, lấy bông gòn nhét lỗ tai, chỉ ăn cơm với muối tiêu, thịt kho khô, kiêng không ăn các loại thức ăn có nhiều nước như canh, các món luộc, khắp người phải tha nghệ, nằm than nóng hầm hập suốt ngày đêm, phần dưới cơ thể lót lá chuối khô (sau này mới có giấy báo nhựt trình), nên rất mất vệ sinh, .... do phải kiêng cữ nhiều nên mẹ thường bị thiếu máu, thiếu sữa khiến đứa bé mới con bú không đủ no, rồi quấy khóc bởi sự nóng nực và khói của bếp than, ...

 

Trong thời gian năm lửa, ở trước cửa buồng hoặc trước cửa nhà người chồng thường treo lên đó khúc cây xương rồng tươi, cùng với ít gạo muối, người ta tin làm như vậy sẽ trừ được ma quỷ. Bởi đàn bà sanh, và trẻ con mới lọt lòng mẹ … yếu sức nên ma quỷ dễ ám hại. Có người tiếu lâm thì giải thích rằng treo xương rồng để “cảnh giác” với mấy ông chồng “ham gần vợ”. Thời gian kiêng cữ chuyện vợ chồng sau khi sanh là phải đợi đến … xương rồng khô! Bởi ai cũng biết xương rồng loài thực vật đặc trưng của sa mạc, nên dù treo cao như vậy chứ để nó khô cũng phải mất hơn … cả tháng trời! Dân gian quả là … tài tình lắm vậy.

 

Trẻ con mới đẻ được bôi trên trán thuốc bắc để phòng gió độc. Cha hoặc bà nội của bé ẵm đến “thầy” xin bùa “hộ mạng” về cho đeo. Bùa là một miếng vải hình trái tim màu đỏ, xỏ chỉ đỏ đeo quanh cổ. Bùa này đến 9 hoặc 12 tuổi mới thôi. Bài thơ Tiền và lá (có người cho là của nhà thơ Kiên Giang tặng Nguyễn Bính, người thì cho là của Nguyễn Bính), đã nhắc đến sự kiện này qua câu thơ:

 

Ngày xưa hớt tóc miểng vùa

Ngày xưa mẹ bắt đeo bùa cầu Ông

 

Cha hoặc ông nội của đứa trẻ còn tìm cây dâu tằm ăn, cắt nhành rồi tiện thành những khúc nhỏ, xỏ thành xâu chuỗi cho trẻ đeo quanh cườm tay, … tất cả đều nhằm mong cho trẻ bé khỏe, mau lớn, …

Nếu trẻ con hay quấy khóc, nhõng nhẽo, dân gian cho là bị ban, phải đem đến thầy lể ban, thầy dùng kim lể một vài điểm trên lưng, tay, chân trẻ, … Người ta tin như vậy, trẻ sẽ không quấy khóc. Nếu nhà nào mà trước đó có trẻ con chết yểu, người ta cho là khó nuôi, các đứa trẻ sanh ra phải mang đến thầy (thường là người biết chút ít bùa phép gì đó) để nhờ thầy nuôi. Lúc bấy giờ đứa bé là con của thầy, nó gọi thầy bằng cha, còn gọi cha mẹ ruột bằng một cái đại từ khác (ví dụ không người đàn ông sanh ra nó là Ba mà gọi là , chẳng hạn), thầy lại đặt cho đứa nhỏ cái tên rất xấu như Con Xù, thằng Hen, Con Niễng, Thằng Đực, con Cái, …, người ta tin rằng con mình đã là con thầy, hơn nữa tên xấu như vậy chẳng ma quỷ nào thèm dòm mặt mà… bắt! Dù trên thực tế, đứa bé vẫn ở nhà và được cha mẹ nó nuôi dưỡng, chỉ đến ngày rằm, ngày vía mới sắm lễ vật đến nhà thầy để thầy … cúng!

 

Trong thời gian nằm nôi, trẻ con thường hay khóc vào chạng vạng tối, khi ấy cha hoặc ông của đứa bé mang cây đục (dụng cụ của thợ mộc) ra đóng xuống ngay đầu xông nhà (gần với vị trí có buồng của đứa bé), nếu nó quấy khóc, người ta lấy cây gỏ gỏ và chiếc đục ấy, … người ta tin trẻ con sẽ hết khóc và ngủ ngon! Sự thể chẳng biết thế nào?

 

2. … đến tập tục người Khmer

 

2.1. Lúc mang thai

 

Cũng như người Việt, phụ nữ Khmer khi mang thai cũng có những kiêng cữ theo tín ngưỡng của dân tộc họ.

 

Đầu tiên là chế độ ăn uống, họ kiêng cữ theo nhà Phật, ăn uống đúng giờ, có điều độ và đặc biệt là không được ăn no. Lúc mang thai không được ăn cháo vì nếu mẹ ăn cháo thì thai nhi sẽ bị dơ bẩn. Ngoài chế độ ăn đã được quy định thì không được ăn thêm các thức ăn khác, nhất là thức ăn ngon, nhiều chất bổ như  thịt, cá.

 

Họ cho rằng “có bầu mà ăn nhiều thịt, cá thì sẽ đau bụng và sanh giun trong bụng, con sẽ bị dơ bẩn”....

           

Ngoài ra, phụ nữ mang thai không được mặc quần áo chật và leo trèo vì sợ ảnh hưởng đến  thai nhi, mẹ không được ngủ trưa, tắm vào ban đêm và ngồi trên bậc cửa, bậc thang sợ khó sanh hoặc khi sanh ra đứa trẻ sẽ bị mất hồn mất vía…

           

Trong khi mang thai, người phụ nữ phải luôn đeo bên mình một mảnh bùa (Cà tha) do các sư thầy viết những câu chữ phù chú nhằm giữ cho hồn của đứa trẻ và bà mẹ khi mang thai được ổn định và khoẻ mạnh, không bị ma quỷ quấy nhiễu. Các mảnh giấy được cuộn chặt, xâu lại bằng một sợi dây nhỏ. Khi bắt đầu có thai, sản phụ được làm lễ tại chùa và được sư thầy ban phước bằng chiếc Cà tha. Trong một số trường hợp, gia đình còn lấy cây xương rồng, bọc một ít gạo treo trước cửa nhà với hy vọng xua đuổi tà ma, tránh các điều xúi quẩy (điều này giống với người Việt).

 

2.2. Khi sanh nở

 

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Khmer rất coi trọng vấn đề sanh đẻ vì đó là mối nguy hiểm đe doạ tính mạng của người mẹ nhưng cũng sẽ có thêm một thành viên mới trong gia đình. Người phụ nữ khi mang thai và sau khi sanh luôn được coi là một người khác lạ nên thường bị xa lánh. Trước đây theo phong tục, khi phụ nữ chuyển dạ, trừ bà đỡ và một số người khác giúp việc, các thành viên khác trong gia đình phải lánh ra khỏi nhà trong thời gian 3 ngày, cho tới khi vía của mẹ và con được bảo đảm an toàn và tiến hành lễ cúng bà mụ thì các thành viên trong gia đình mới trở về nhà. Đây là một điểm khác của người Khmer so với người Việt và người Hoa ở Ngã Năm.

 

Thông thường sau khi sanh, người mẹ phải ăn cơm với muối trong một 1 tháng và uống thật nhiều nước. Có như vậy mới đảm bảo sự trong sạch của sữa mẹ dành cho trẻ.

 

3. Kết luận

 

Con người là sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, để một con người chào đời quả là cũng có quá nhiều tập tục, tín ngưỡng độc đáo mà trải qua thời gian nó vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những kinh nghiệm dân gian quý. Song, trong điều kiện lạc hậu về thông tin, nghèo khó về vật chất, thiếu thốn thuốc men, việc vượt cạn là một thử thách quá lớn với những gì mà người bình dân hiểu biết. Thực tế cũng đã từng diễn ra những chuyện đau lòng cho cả mẹ và con khi sanh nở. Không lí giải được họ dựa vào những điều siêu nhiên, huyễn hoặc, thậm là mê tín, mù quáng. Bên cạnh một vài mẹo vặt vô thưởng vô phạt, trúng được là do sự tình cờ trùng hợp ngẫu nhiên, cũng có nhiều mẹo nguy hiểm như cho đàn bà đẻ uống nước hòa tro, uống nước ao, …

 

Khi xã hội phát triển nhận thức con người được nâng lên thì những tín ngưỡng và tập tục về sanh nở được tồn tại phát huy hay bị đào thải, âu đó cũng là do hiệu quả của chính nó tạo ra mà thôi./.

 

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 25562
Ngày đăng: 09.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghi Thức Cất Nhà Ở Ngã Năm – Sóc Trăng - Trần Minh Thương
Đặc Trưng Múa Rối - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Sử Dụng Điển Cố Trung Hoa Trong Ca Dao Đồng Bằng Sông Cửu Long - Trầm Thanh Tuấn
Hoàng Sa Tiếu Ngạo Phú - Kha Tiệm Ly
Hệ Thống Làn Điệu Dân Ca Các Dân Tộc. - Tuấn Giang
Không Gian Xã Hội Các Dân Tộc. - Tuấn Giang
Hoàng Sa Nộ Khí Phú - Kha Tiệm Ly
Những Chuyện Ly Kỳ Về Con Rắn Hổ Đất Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Nói Chơi … Nét Văn Hóa Đặc Sắc Của Người Bình Dân Qua Ca Dao Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Chợ - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)