Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
( Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra)
Lịch sử nhân loại khoảng sáu trăm năm trước công nguyên là một thời kỳ liên tục; lúc đó một, hai hoặc cùng lắm sau ba thế hệ mới có sự thay đổi. Trước sáu trăm năm và thời kỳ tiếp sau hầu như chỉ có một bức mành mỏng chia cắt; trước bức mành có gì, nhìn rất rõ; sau bức mành có gì, cần phải tìm kiếm.
Bản thân cá nhân con người rất nhanh chóng trở thành cái gì đó tương đối. Những đường nét của các sự kiện bị lu mờ. Sự sống trở thành cái không thể hiểu nổi. Những mẩu đời riêng của Khổng tử từng lan truyền như các câu chuyện minh bạch; nhưng hình ảnh Lão tử đã trở nên mơ hồ đối với những thế hệ muộn hơn. Người ta biết nhiều dữ liệu cơ bản về Heracleitos; nhưng đến Püthagos chỉ còn lại truyền thuyết.
Đất dưới chân con người trôi trượt đến nỗi, người ta không tin mình đang đi trên mặt đất nữa, mà đang đi trên một hành tinh lạ thì đúng hơn. Những sự vật cơ bản trở nên mơ hồ; không thể nắm giữ nổi các sự kiện và các cá nhân; sự sống trở nên huyền bí và thời gian trở nên âm u.
Khoảng sáu trăm năm trước công nguyên, ở Trung Quốc có Lão tử và Khổng tử, ở Ấn độ có Buddha, ở Irna có Zarathustra, ở Tiểu-Á có Heracleitos, ở Ai cập có Toth, ở Ý có Pythagoras(Pi-ta-go).
Ngày nay sự thay đổi nhìn như một bức mành buông xuống. Nhưng lúc đó không chỉ người ta nhận ra bằng chứng của mọi sự việc đã diễn ra, mà còn hiểu rất sâu về nó. Đặc biệt, dù những vùng đất rất cách xa nhau, những con người rất cách biệt nhau, nhưng các ngôn ngữ khác nhau dùng để diễn tả sự thay đổi đều diễn tả giống hệt như nhau.
’’Trong một quá trình biến đổi dài và rộng lớn- Buddha nói-có một khoảng thời gian thế giới quay vào trong…lúc đó các thực thể sống trông giống như các ngôi sao lấp lánh quay vào bên trong chúng . Chúng được tạo ra từ các tinh thần trong suốt như pha lê, chúng sống trong niềm vui thanh bình, chuyển động trong không gian tưng bừng ánh sáng của chính bản thân, và sắc đẹp tỏa sáng này vĩnh cửu.
Sau đến một quá trình biển đổi rất dài và rộng lớn, đến thời kỳ thế giới quay ra ngoài, và lúc đó các thực thể bắt đầu chìm vào đời sống. Nhưng tận lúc đó vẫn là những tinh thần trong suốt pha lê, sống trong niềm vui vô tư, chúng lung linh rạng ngời trong ánh sáng của chính mình tỏa ra, và sống vô tận trong sắc đẹp của chính mình. Lúc đó chưa có Mặt trời, Mặt Trăng và các ngôi sao, chưa có ngày và đêm, chưa có tuần và tháng, chưa có đàn ông và đàn bà.
Sau một thời gian dài như vậy, một ngày kia đất có vị thơm ngon lạ lùng bỗng trồi lên, mềm như kem, và sặc sỡ như cầu vồng, thơm và ngọt như mật. Sự tò mò tóm lấy một thực thể, nó bèn nếm thử; và thấy ngon, nhưng đất này làm nó khát. Những thực thể khác lần lượt nếm thử, đều thấy ngon, nhưng đều bị khát. Khi đã nếm thử đất, chúng bắt đầu đánh mất ánh sáng riêng của mình.
Khi ánh sáng bên trong của chúng bị mất, lúc đó xuất hiện ánh sáng bên ngoài, Mặt Trời, Mặt trăng và các vì sao, bắt đầu xuất hiện đêm và ngày, xuất hiện các tuần và các tháng.- Còn các thực thể ăn càng nhiều đất, càng đánh mất tinh thần trong suốt pha lê và vẻ đẹp của chúng. Rồi đất ngon lành biến mất, từ đất mọc lên những cái mầm cây, như nấm, các thực thể ăn mầm cây, càng ăn nhiều cơ thể chúng càng thô thiển, và sắc đẹp của chúng càng biến mất.
Từ từ các mầm cây cũng biến mất, từ đất mọc lên các quả dại, các thực thể ăn quả dại, cái tinh thần trong suốt pha lê của chúng trở nên thô tục, và vẻ đẹp của chúng càng phai tàn dần. Rồi lúa mì mọc lên, lúc đầu vẫn còn hoang dại, màu trắng như bột, không cần phải xay, vị ngọt, không cần phải nướng. Lúa mì buổi tối chúng ngắt, sáng hôm sau tự mọc lên, nếu buổi sáng chúng ngắt, tối lúa mì lại tự mọc lên.
Các thực thể ăn lúa mì, lúc đó một trong số chúng nhìn thấy nhau như là đàn bà, và một số khác thành đàn ông. Khi nhìn nhau, một nỗi đam mê cháy bỏng tóm lấy chúng, thế là chúng ôm choàng lấy nhau. Những thực thể khác thấy vậy rất tức giận, thế là các thực thể bắt đầu dựng những căn nhà và giấu nỗi hổ thẹn của chúng vào đấy.
Một ngày một thực thể nói như sau: Tại sao tôi lại phải đi ngắt lúa mì cả buổi sáng lẫn buổi tối nhỉ? Sáng hôm sau nó ngắt luôn cả phần lúa mì buổi tối. Lúa mì vào ngày hôm sau không mọc lên cả đụn nữa, mà chỉ một nửa. Những thực thể khác cũng bắt chước làm theo, thế là lúa mì không mọc lên hoàn chỉnh, mà chỉ mọc cao một nửa.Một hôm một thực thể khác nói: tại sao ngày nào tôi cũng phải đi ngắt lúa? Nó bèn ngắt luôn phần lúa của hai ngày.
Lúc đó lúa chỉ cao lên một phần tư, khi các thực thể ngắt luôn cho cả tuần, lúc đó lúa chỉ mọc lên một phần tám.- Sẽ ra sao nếu chúng ta chia đất? các thực thể thốt lên và bắt đầu chia đất, rồi một vài thực thể đi ngắt trộm lúa của một số khác. Nhận ra điều này, các thực thể bèn nói: chúng ta hãy chọn ra một người canh chừng, để mọi người chỉ được ngắt lúa trên phần đất của mình. Thế là xuất hiện kẻ cai trị, sau đó đến linh mục, quân nhân, thị dân, nông dân và thợ thủ công.”
2.
Trước Công nguyên khoảng sáu trăm năm từ Trung Quốc đến Ý người ta đều cho rằng cái thay đổi là lịch sử con người bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ đen tối. Sự sống bị mất; cái còn lại chỉ là đời sống. Toàn bộ hiện thực bị đứt làm đôi; sự cởi mở khép lại; những mối liên hệ lớn đứt đoạn. Sự mù lòa và ngu độn hóa không thể tưởng tượng nổi tiếp diễn chỉ trong một vài năm ngắn ngủi.
Heracleitus giận giữ, cay đắng và bực bội chống lại lũ ”bẩn thỉu”, những kẻ vấy bẩn bằng chính máu của chúng, và muốn tắm bằng máu; những kẻ như những con lợn thích thú với bùn; những kẻ như lũ lừa chọn đống rơm hơn là vàng.
Pythagoras từng thốt lên:” Lũ bất hạnh! Chúng không thấy và không hiểu cái tốt ở ngay bên cạnh chúng! Ít kẻ biết rằng từ sự bất hạnh của chúng cái gì được giải phóng!Chúng như những cục bột vô duyên lăn đây-đó, và gặp đủ mọi khổ sở. Từ lúc chúng ra đời trở đi sự phiền nhiễu định mệnh đuổi theo chúng khắp nơi, khiến chúng lên bờ xuống ruộng và chẳng tài nào hiểu nổi tại sao”
Sau buổi lễ các vị thần trở về nhà, Jen Hui Kung hỏi sư phụ của mình:” Tại sao thày lại thở dài trong buổi lễ?”
Khổng tử trả lời như sau:” Khi những bậc cai trị lớn từng sống ở đây, ta chưa sinh ra, nhưng ta biết những gì truyền thống nói về họ. Khi Đạo còn trên quả đất, thế giới là của tất cả mọi người; người ta lựa chọn những người cai trị có khả năng về việc này; người ta nói sự thật và giữ gìn sự thật. Không ai biết đến dối trá và lừa lọc; không có kẻ trộm và kẻ cướp. Cửa các nhà không có, nhưng không ai đột nhập vào nhà. Đấy là thời kỳ Cộng đồng Lớn. Nhưng rồi Đạo phải dấu kỹ, thế giới không phải của chung nữa mà thành tư hữu. Người ta xây tường thành và những cái tháp để bảo vệ thành phố…Sự lừa đảo và dối trá xuất hiện, xuất hiện vũ khí. Đây là thời kỳ Tiểu Vượng.”
Còn Lão tử viết:
Con người từ bỏ Đạo
đạo đức và nghĩa vụ tấn công như thế đó.
Sự ranh mãnh và nhận thức xuất hiện:
những dối trá lớn tấn công như thế đó.
Họ hàng máu thịt lìa xa nhau:
nghĩa và và tình thương con trẻ tấn công như thế đó
Trên các nhà nước ngự trị sự hỗn loạn và bừa bãi:
những kẻ tôi tớ trung thành tấn công như thế đó.
3.
Tri thức liên quan đến thời cổ biến mất nhanh chóng. Chỉ còn lại kỷ niệm -thời hoàng kim mơ hồ; niềm hoài hương muốn nhấn mạnh đến sự thô bạo ngày càng tăng của đời sống. Và quá trình lịch sử không biến mất từng phần. Cái quan trọng nhất, cái thường trực nhất từ tri thức bị rơi rụng; cảm giác, thứ biết phân biệt sự sống và đời sống biến mất; và bản năng để hoàn thiện sự sống trong đời sống biến mất.
Sự sống, như Buddha gọi, là thực thể, như những ngôi sao lấp lánh quay vào bên trong nó. Đấy là thời kỳ Khổng tử gọi là Cộng Đồng Lớn. Thời kỳ chưa có đạo đức, chưa có cả nghĩa vụ, sự thông thái, sự nhận thức, họ hàng ruột thịt chưa xa rời nhau, trong các nhà nước sự hỗn loạn chưa ngự trị.
Sự sống bị khóa lại. Thứ khác xuất hiện: giới hạn. Sự sống chìm vào đời sống. Những dấu hiệu của đời sống xuất hiện: thay thế cho sự thụ động là sự hoạt động, thay thế cho sự êm ả và đầy đủ là sự nỗ lực và khổ hạnh, thay thế cho văn hóa bình yên, lòng yêu thương, sự hấp dẫn vô tư, sự bình thản là công việc, là ý chí, nghĩa vụ, kỷ luật.
Các thực thể phải tìm kẻ canh gác, bởi chúng lấy trộm lẫn nhau trên cánh đồng lúa mì. Đấy là thời kỳ Khổng tử gọi là thời Tiểu Vượng. Con người từ bỏ Đạo, con đường lớn của thời cổ, và sự dối trá lớn bắt đầu xuất hiện.
Ý nghĩa của sáu trăm năm trước công nguyên chính là sự khác biệt không đủ chỉ ra cái đã từng có: SỰ SỐNG, và cái xảy ra sau đó: ĐỜI SỐNG .
Rốt cục đây cũng chỉ là hai từ ngữ. Hai trích dẫn trong thời kỳ này sẽ giải thích những điều này rõ hơn.
Trích dẫn thứ nhất từ cuốn Zend Avesta, như sau:
’’Thế là Dzsamsid xây dựng một vương quốc rộng lớn, đặt tên là Ver, rồi làm cho thành phố đồng ruộng rừng cây đầy ngập gia súc, con người, gà lợn, chó và mang đến đây lửa cháy đỏ bập bùng, mang hạt giống, cây trồng và thức ăn nuôi dưỡng cho các sinh vật sống. Nước tràn đầy trên các suối nguồn và tường thành cao ngất vây xung quanh vương quốc Ver.
Tại đây có đầy đủ chim muông khác loại, đất vàng màu mỡ đầy ắp sản phẩm thu hoạch, trong tâm hồn những người trai trẻ còn ngượng ngập là sự khiêm tốn và lòng kính trọng ngự trị, trẻ em khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Vương quốc đầy sức quyến rũ, sạch sẽ như chốn trú ngụ của thiên thần, vô cùng đẹp đẽ và từ sự cao quý tỏa hương ngọt ngào. Cây cối um tùm mọc lên từ đất đầy rẫy hoa thơm quả lạ.
Giữa các cư dân của vương quốc Ver không có những kẻ cai trị lập ra những đạo luật hà khắc; chưa từng có người ăn mày, kẻ lừa đảo, không có kẻ thù rình rập trong bóng tối, không có những kẻ bạo lực hành hạ người khác, không có những hàm răng nghiến chặt. Giữa các con người với nhau không có sự khác biệt, đàn bà không đau đớn sau khi sinh nở.
Và ở giữa đất nước, chín cái cầu được dựng lên, sáu cái lớn hơn và ba cái bé hơn. Trên đỉnh dãy núi một lâu đài cao vút dựng lên, tường thành vây xung quanh, lâu đài chia ra nhiều phòng có nhiều cửa sổ lớn.”
Trích dẫn thứ hai từ cuốn sách của Hénoch, như sau:
’’Ta thề với các ngươi ở nơi đây, trước các nhà thông thái và lũ điên rồ, các ngươi sẽ còn nhìn thấy nhiều điều trên trái đất! Các ngươi khoác lên người đồ tư trang như đàn bà và che đậy bằng áo quần như một gái trẻ.
Chúng đi đi-lại lại với vẻ trịnh trọng vua chúa, trong quyền lực, trong bạc vàng, trong quyền quý, giàu có và thịnh vượng thừa mứa, như biển dâng thủy triều. Nhưng trong đầu chúng không có gì đã tiếp thu, không có chút thông thái nào, bởi thế chúng sẽ bị tiêu diệt cùng của cải của chúng, cùng quyền lực, cùng phẩm giá của chúng, trong sự hổ thẹn tinh thần của chúng, trong nỗi sợ chết, trong nghèo đói và bị dẫn xuống lò lửa.
Ta thề với các ngươi, những kẻ tội phạm, rằng núi không biến thành kẻ hầu hạ, đồi không biến thành đầy tớ, tội lỗi không bị gửi xuống thế gian mà do chính con người, từ cái Tôi làm ra tội lỗi, và những kẻ đồng lõa cũng phải chịu chung một tai họa…
Ta thề với các ngươi, những kẻ tội phạm, ta thề có thánh thần và sự cao cả, rằng tội lỗi của các người trên trời ghi sổ và đừng có vũ lực nào trên trái đất có thể che dấu nổi…Và vũ lực sẽ bị ghi sổ, và chỉ còn sót lại một dấu hiệu đợi đến ngày phán xử.
Ôi các ngươi, lũ điên khùng, bởi sự điên khùng của các ngươi sẽ là sự mất mát của các ngươi…và các ngươi có biết chăng, rằng các ngươi đã chín muồi cho ngày tận diệt, và các người đừng hy vọng sẽ sống sót…
Trong những ngày đó dân chúng của trái đất sẽ nổi loạn, và trong những ngày đổ vỡ đó các quốc gia sẽ sôi lên sùng sục. và trong những ngày đó sẽ cần phải để con người xé xác những đứa trẻ …và chúng sẽ chìm nghỉm trong sự vô thần, bởi chúng đã đánh mất ý nghĩa trái tim của chúng, mắt chúng đui mù từ sự run rẩy và từ những hình ảnh mộng khủng khiếp…và trong thời gian ấy cha và con cùng một lúc sẽ đánh vỡ đầu nhau, anh chị em ruột sẽ đánh mất lẫn nhau, trong khi máu chảy đầm đìa quả đất như sông lớn…và lũ ngựa sẽ phi ngập thân trong máu, và những vòng bánh xe lún xuống đất bùn đẫm máu.
Và trong những ngày đó thiên thần sẽ bay xuống trái đất, thu gom lũ tội phạm lại một chỗ và tuyên bố bản án khủng khiếp nhất đối với chúng.”
4.
Những trích dẫn trên chưa đến lúc cần giải thích cặn kẽ. Hiểu thế này là đủ: trong phần trích dẫn của Zend Avesta Dzsamsid là vua thời cổ, ở Trung hoa là Hoàng đế truyền thống, ở Hindu là Manu truyền thống, là Ménes Ai cập, là Minos Hy lạp. Dân chúng Dzsamsid cùng những kẻ thống trị không là ai khác ngoài Con người, chính là con người Tinh Thần cổ. Theo truyền thống Hê ber con người này là Adam. Đây là con người Đầu tiên và Đích thực.
Dzsamsid đã tạo dựng vương quốc hòa bình, xinh đẹp, trật tự và trù phú. Vương quốc quyến rũ và sạch sẽ như nơi trú ngụ của thiên thần. Đấy là Ver, người Hy lạp theo truyền thống gọi là thời hoàng kim, theo truyền thống Hê ber đấy là vườn Ê-đen, vườn Địa Đàng.
Điều quan trọng nhất chỉ gói gọn vào vài từ. Đấy là: tồn tại hay không hiện thực của thời hoàng kim? Câu trả lời chỉ chừng này: Zarathustra cùng những người đồng thời đại khác, Lão tử, Buddha, Heracleitus và một số người khác có thể so sánh với họ, từ thời lịch sử(sau CN) đến giờ, vô ích kiếm tìm.
Đấy là sự thật ngày hôm nay, sau hai nghìn năm trăm năm còn nhìn rõ hơn nữa so với thời đó. Không thể tiếp cận nổi những dấu hiệu như sức mạnh tinh thần, sự sâu sắc, tính chất siêu nhân, những đặc tính của những cá nhân này. Những cá nhân này chỉ ra thời kỳ hoàng kim là có thực, và điều này cần phải chấp nhận cho dù từ đó tới nay tất cả nghiên cứu duy khoa học đều chống lại nó.
Cái gì khiến vương quốc Dzsamsid biến thành thời kỳ hoàng kim? Câu trả lời đơn giản: chín cây cầu. Zend Avesta viết, Con Người xây chín cái cầu ở giữa đất nước, sáu cái lớn hơn và ba cái nhỏ hơn. Những cái cầu này dẫn đi đâu, về điều này Zarathustra không nói. Nhưng các phần khác của cuốn sách thánh cho thấy trong chín cây cầu thì tám cái đã gẫy cuối thời kỳ hoàng kim, chỉ còn lại một, tên là Csinvat. Những linh hồn đi trên cây cầu này là những kẻ đến từ trái đất, quay trở lại cõi vô hình. Csinvat nối thế giới hiện hữu và thế giới vô hình với nhau; là Trời với Đất; là tạo hóa vật chất và thế giới tinh thần.
Cái biến vương quốc Ver thành thời hoàng kim là chín cây cầu nối Đất với Trời; để sự sống là cửa ra tự do bội lần cho đời sống, và để đời sống có cửa lên tự do bội lần với sự sống. Từ đời sống vào sự sống qua chín lần chuyển đổi. Số chín không là gì khác ngoài chín số đầu tiên của hệ thống mười số, là con số Chín Ai cập. Thời hoàng kim là thời gian, khi đời sống mở về phía sự sống, khi các thiên thần bay xuống trần gian, và tinh thần chảy xuyên qua thế giới vật chất chín lần.
Về phần bình luận sự phác thảo này chỉ cần nhớ thêm một điều: thời kỳ hoàng kim là thời gian của hòa bình, của cái đẹp và sự trù phú, là hiện thực thật sự được xây dựng trên trái đất.
Khi những sức mạnh thượng đế và sức mạnh tinh thần chảy vào số phận con người, vào cuộc sống cộng đồng, vào thiên nhiên và vật chất một cách tự do và phong phú, tất cả những điều này, khi từng tồn tại trên trái đất, đều được soi sáng, được kính cẩn và trở thành viên mãn. Thế giới hiện hữu hòa hợp một cách tự nhiên với thế giới vô hình. Và điều này biến đời sống thành sự sống, biến thành một, thành tròn vẹn, thành thể thống nhất. Đấy là tính chất của thời kỳ hoàng kim: sự sống.
5.
Tám trong chín cây cầu bị sụp đổ chỉ còn lại cây cầu Csinvat để các linh hồn có thể quay trở lại thế giới tinh thần vô hình.
Giọng điệu này không phải của Zend Avesta nữa mà của Hénoch, nhà tiên tri khải huyền. Đây là âm thanh vẫn vang lên từ đó đến nay, như thể vừa được viết ra ngày hôm nay: đây là tiếng thét thất thanh đau đớn và hoang mang của con người gục ngã và bị xé ra từng mảnh.
’’Ta thề với các ngươi, những kẻ tội phạm,rằng núi không biến thành kẻ hầu hạ, đồi không biến thành đầy tớ, tội lỗi không được gửi xuống thế gian mà chính con người, từ cái Tôi làm ra tội lỗi, và những kẻ đồng lõa cũng phải chịu chung một tai họa…”
Không phải âm thanh từ chương về Ver trong Zend Avesta, khác hẳn. Đấy là âm thanh của sự sống; còn đây là của đời sống. Đấy là của sự sống mở; còn đây là của đời sống khóa kín.
Toàn bộ thế gian bị chia làm đôi, con người quằn quại trong một nửa gẫy gục của nó. Giữa dân chúng may mắn của vương quốc Dzsamsid không có những kẻ cai trị tạo ra những bộ luật hà khắc. Các thực thể như những ngôi sao lấp lánh quay vào bên trong nó. Chín cây cầu nối liền Trái đất và Bầu trời. Đấy là thời kỳ của Cộng đồng Lớn. Đấy là thời kỳ hoàng kim. Và giờ đây là thời kỳ khải huyền (apokalipsis), khi những quyền lực vũ lực” đi đi-lại lại với vẻ trịnh trọng vua chúa, trong quyền lực, trong bạc vàng, trong quyền quý, giàu có và thịnh vượng thừa mứa như biển dâng thủy triều.”
Nhưng nhà tiên tri biết cái kết thúc của thời kỳ này là cái gì. Cái gì sẽ tới? Bản án.” Và trong những ngày đó thiên thần sẽ bay xuống trái đất, thu gom lũ tội phạm lại một chỗ và tuyên bố bản án khủng khiếp nhất đối với chúng.”
„…và trong thời gian ấy cha và con cùng một lúc sẽ đánh vỡ đầu nhau, anh chị em ruột sẽ đánh mất lẫn nhau, trong khi máu chảy đầm đìa quả đất như sông lớn…và lũ ngựa sẽ phi ngập thân trong máu, và những vòng bánh xe lún xuống đất bùn đẫm máu.” Hénoch, Heracleitos, Pythagoras. Và Lão tử nói:” Sự hỗn loạn ngự trị trong các nhà nước…và sự giả dối lớn nổi lên”
Thời kỳ hoàng kim không là gì khác ngoài sự sống. Đấy là cái tổng thể toàn vẹn, cái hiện hữu và cái vô hình cùng hiện diện. Trái đất và Bầu trời, Thượng đế và Con người. Đây là Cộng đồng lớn. Đồng thời với nhau bởi nó cần cùng tồn tại như thế, và cái này thiếu cái kia chỉ là một nửa, chỉ là sự gẫy gục.
Khải huyền là cái bị gẫy, bị vỡ này. Sự sống vỡ, gẫy chỉ là vật chất, chỉ là trần thế, chỉ là: đời sống.
Sự sống vỡ, sự sống bị khóa kín là:” tội lỗi không bị gửi xuống thế gian mà chính con người, từ cái Tôi làm ra tội lỗi, và những kẻ đồng lõa cũng phải chịu chung một tai họa…”Và vì sự sống bị vỡ, con người phải chịu trách nhiệm ở ngày tận thế, khi thiên thần:” sẽ bay xuống trái đất, thu gom lũ tội phạm lại một chỗ và tuyên bố bản án khủng khiếp nhất đối với chúng.”
6.
Sau tất cả những điều trên mà vẫn còn cho rằng thời hoàng kim không hiện hữu, quả thật không tỉnh táo chút nào. Thời kỳ hoàng kim là điều kiện của khải huyền. Khải huyền thiếu thời hoàng kim thì không thể hiểu nổi. Mọi sự đau khổ, mọi tội lỗi, mọi sự hỗn nhương đều là đau khổ, tội lỗi và hỗn nhương, bởi trong con người, tri thức tỉnh táo về thời hoàng kim là cái đẹp, sự quyến rũ và trong sạch của vương quốc Ver.
Mọi sự đau khổ chỉ khi so sánh với niềm hạnh phúc mới là đau khổ. Mọi tiêu cực chỉ khi so sánh với tích cực mới là tiêu cực. Mọi hỗn loạn chỉ khi so sánh với trật tự mới là hỗn loạn. Khải huyền chỉ khi so sánh với thời hoàng kim mới là khải huyền. Hình ảnh cổ và ý tưởng của mọi loại đời sống: sự sống, thứ mà bằng sự giúp đỡ của lịch sử tất cả chúng ta đều biết đến.
Nhưng hai từ này cứng nhắc đối chọi nhau như hai thanh gươm, không được phép nhìn như là một, cả hai đều là hình ảnh ít nhiều may mắn cố gắng chiếu rọi lại sáu trăm năm từ hai mặt. Và hai từ này không là gì khác ngoài hai khái niệm, sự sống và đời sống, là hình thái thể hiện như là hình ảnh và được định hình một cách có ý thức, là hai trật tự sống, là sự khác biệt cơ bản giữa sự sống mở và đời sống khóa kín.
Giờ đây có thể nói rõ hơn một chút. Câu hỏi của sáu trăm năm không phải là: từng có hay không thời hoàng kim, mà là có thể quay lại hay không thời hoàng kim?
Đây là câu hỏi thường xuyên, bí ẩn, nhưng duy nhất của đời sống từ trước đến nay: có thể lấy lại được hay không vương quốc Ver quý giá đã mất, nơi không có những hàm răng nghiến chặt. Hoặc nếu không, có thể hay chăng xây dựng lại một lần nữa?
Bởi vì thời hoàng kim không là gì khác ngoài là hình ảnh cổ của đời sống. Đây là một đời sống cởi mở, là sự sống đã hoàn thành, định hình, vẹn toàn, toàn diện, đầy đủ. Và bởi vì thời hoàng kim là sự sống, nên không là gì khác ngoài là đối tượng mong mỏi thường xuyên và không ngưng nghỉ trong mọi con người và trong mọi thời gian. Còn khải huyền là một đời sống bị phá hỏng và bị phá hủy, là đời sống trong trạng thái nhão, không hình hài, không có cách nào giải quyết. Và từ khi thời hoàng kim biến mất, nhân loại sống trong khải huyền.
Từ khải huyền- apokalipsis- có nghĩa là: revelatio, lời tuyên bố, tuyên ngôn như một bản án. Thời hoàng kim có nghĩa là: niềm hạnh phúc được đón chào. Hai thể hiện này là hoàn cảnh cuối cùng của sự sống.
Từ khi nhân loại bước ra khỏi thời hoàng kim, một sự sống đã định hình, hoàn hảo, bình yên, hạnh phúc và toàn vẹn đã bị bóp méo, và biến thành một khả năng. Hiện thực đích thực của nó bị đánh mất. Đây là ý nghĩa của sáu trăm năm( trước CN). Từ phút ấy trở đi sự sống không bao giờ còn giải pháp của nó nữa, chỉ còn là một khả năng; không còn hình hài, chỉ là khả năng; không còn sự bình yên, mà một lần nữa chỉ còn là khả năng.
Trong thời kỳ khải huyền tất cả hình thức tổng quát và hoàn chỉnh trở thành chất lỏng: hình thức bị chất lỏng hóa này chính là khả năng. Và chính khả năng này cùng những khả năng khác đều nằm trong khải huyền. Bởi vì bản án luôn luôn có mặt tại đây, là biểu hiện của lời kết tội của Tinh thần-Thượng đế. Bản án và lời kết tội với đời sống, thứ đứt đoạn với sự sống.
Đây là ý nghĩa cuối cùng cuốn sách của Hénoch, và tiếng vang của nó từ trước đến nay vẫn là ý nghĩa của khải huyền ca.
Đời sống đứt đoạn từ sự sống, nhưng: nó đang đứng trước tòa án.Những lời nói của Lão tử, Buddha, Herackleitos, Pythagoras đều tiếp cận sự tận thế này.
Tính chất khải huyền của nhân loại sau thời hoàng kim là: nhân loại đang đứng trước một bản án.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
( Budapest. 2011.06.30)