Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
911
123.136.505
 
Lịch sử cải lương 6
Tuấn Giang

3.3. Âm nhạc, mỹ thuật.

 

a. Âm nhạc

 

Sự tiến bộ của bài trí sân khấu, nghệ thuật diễn, đưa đến sự phát triển âm nhạc, nhiều nhạc sĩ sáng tác ca nhạc vào vở mới. Những hình thức sáng tác ca khúc, khí nhạc vào vở mới đậm chất cải lương. Ngày xưa ít có hiện tượng sáng tác ca khúc mang giai điệu riêng vượt ra ngoài hơi cải luơng, ca nhạc thường dựa vào hơi làn điệu, bài bản để sáng tác bài ca mới. Vở cải lương tuồng Tầu của đoàn Khánh Hồng – Minh Tơ, sáng tác những bản nhạc hơi Quảng hay, không xa lạ với điệu hát Quảng. Những ca khúc mới vào cải lương gần với bài bản cải lương.

 

Ca nhạc cải lương đã tiến bộ, các ban hát cải lương có đội ngũ nhạc công giỏi, tuy nhiên phần lớn là nghệ nhân, ít biết nhạc đồ rê mi, họ chỉ quen hoà tấu lòng bản hò xự xang... nhưng kỹ thuật hoà tấu cao. Nhiều nhạc công là nhạc sĩ sáng tác, các dàn nhạc có hai bộ phận, số trẻ thích nhạc đồ rê mi, giới già thích hò xự xang... các nhạc công thống nhất khi đệm ca cải lương là theo cổ nhạc. Những đoạn tân nhạc dành riêng cho tân nhạc, cổ nhạc hoà tấu bài bản. Nhiều ban hát có hai dàn nhạc: Tân nhạc thường sử dụng ghi ta viên, violon, clarinette, trompette, hoặc accordeon... Dàn cổ nhạc nhiều nhạc công như Mười Còm, Ba Cần, Văn Còn, Ba Chấp, Hai Phước, Quốc Dũng, Năm Hưng, Tư Tòng, Tám Tá, Mười Nhường, Hai Thạnh, Tám xâm... hoà tấu nhạc khí khá hoàn chỉnh từng phần cho vở diễn. Dù còn một số hạn chế, chất biểu hiện đặc tả khí nhạc chưa rõ, chủ yếu nhạc gây không khí nhưng đã có chủ ý âm nhạc hỗ trợ vở diễn làm nền mô tả. Âm nhạc có vị trí trong vở diễn, tuỳ từng ban hát mạnh về tân nhạc lấn át cổ nhạc, có ban coi trọng cổ nhạc từ đệm cho bài bản đến hoà tấu nhạc toàn vở. Nhiều nhạc công cùng diễn viên đệm cho ca thành những cặp ca chinh phục công chúng, nhiều người thích Tư út ca Vọng cổ gọi là Vọng cổ Tư út... Khi Tư út  mất, út Trà Ôn lấy tên đó, có nghĩa kế tiếp sự nghiệp ca Vọng cổ Tư út . Ca Vọng cổ  nhịp 16 trở thành bài độc chiếm sân khấu cải lương, nhiều ca sĩ nổi tiếng ca nhịp 16 – nhịp 32 đưa kỹ thuật ca phát triển cao các hình thức chắp nối bài ca. Ca Vọng cổ với điệu Oán, với các bài dân ca, ngâm, kể, caVọng cổ với ca khúc. Đây là kỹ thuật ca mới, ca Vọng cổ với bài bản, với dân ca, đặc biệt hình thức ca tân cổ phát triển mạnh. Các nghệ sĩ đã thuần thục các hình thức ca Vọng cổ với bài bản, làn điệu, tạo kỹ thuật ca mới.

                       

Ca nhạc cải lương hấp dẫn: âm nhạc diễn tả, kỹ thuật hoà tấu cao, tạo không khí vở diễn có khí thế, diễn tả sâu các trạng thái tình cảm nhân vật, tình huống sân khấu. Đây là điểm mới, trước đây âm nhạc chỉ cốt gây không khí toàn vở, giai đoạn này chỉ chú ý tới sự mô tả tình cảm. Phần ca phát triển các loại kỹ thuật ca làn điệu, bài bản với bài Vọng cổ, nhập hồn ca nhạc thành những cặp ca nhạc hấp dẫn công chúng. Sự nổi tiếng lôi cuốn bài Vọng cổ với các đào kép phục trang đẹp gây ấn tượng nhân vật, từng vai diễn thành thần tượng của người hâm mộ. Sân khấu cải lương khá hoàn chỉnh: nội dung, hình thức là một tổng thể sân khấu tình cảm mang sắc màu hội hoạ.

 

b. Mỹ thuật, phục trang.

 

Mỹ thuật phục trang sân khấu tạm chiếm có điều kiện đầu tư, nhiều hoạ sĩ chuyên vẽ cho một số ban lớn như Việt kịch Năm Châu, Quốc gia Kịch đoàn, sau này có Khánh Hồng – Minh tơ... Các hoạ sĩ chuyên tâm vẽ phông cảnh sân khấu tả thực, tả thực như thật hoành tráng, hoặc tả thực như thật, vẽ chi thiết như tranh Tầu.

 

Nhiều bầu chủ, giới cải lương và công chúng yêu cải lương tôn thờ vẻ đẹp cải lương là dòng sông trăng, đó như một tuyên ngôn sân khấu cải lương. Các đoàn vẽ phông cảnh như tranh thuỷ mặc. Những vở cải lương lịch sử, dã sử như Trần Hưng Đạo, Trọng Thuỷ Mỵ Châu... hoạ sĩ vẽ chi tiết từng ánh mắt con rồng, vẩy rồng... có thể chưa rõ con rồng ở thời nào, nhưng nhìn ánh mắt, bộ móng vuốt rồng thấy cái oai của biểu tượng nhân vật. Đoàn Minh tơ, Việt kịch Năm Châu, Phụng Hảo... nhiều vở hay treo tranh hổ, hoặc đầu rồng trên cái phông lớn của cảnh cung đình... Những nhân vật hung ác thì mắt hổ xếch, mắt rồng xếch nhe nanh... Những vở cải lương đương đại, lãng mạn trữ tình, cảnh trí nhẹ nhàng thơ mộng, tạo vẻ đẹp lung linh sắc màu, sân khấu ảo giác. Cấu trúc sân khấu, có cột trục, đồ vật... là những mảng bẹt gợi tả, tạo khoảng không thoáng rộng, đạt tiêu chí: uy nghiêm, lộng lẫy, hoành tráng, hoặc trữ tình tươi mát, khoái cảm bâng khuâng lưu luyến lung linh. Bước vào phòng, nhìn lên sân khấu uy nghiêm lộng lẫy khi xem những vở cải lương cổ. Còn những vở cổ trữ tình hoặc đương đại, nhìn thấy sự thoáng rộng lung linh mát mắt, đẹp đến mê hồn trước những cảnh núi sông, dòng suối tiên sa kỳ thú, ra về cứ bâng khuâng nhớ cảnh mê, tình. Đó là những ấn tượng hình thức, một thời mỹ thuật cải lương hoà cùng vở diễn, hấp dẫn chinh phục công chúng bằng hình thức sắc mầu lung linh, huyền ảo.

 

Mỹ thuật cải lương góp một tiếng nói hấp dẫn, chinh phục người xem,có phần gợi tả tạo không khí cho nhân vật, biểu hiện dáng vẻ bên ngoài và nội cảnh, tính cách bên trong về cái thiện, cái ác, đấng quân vương, người quân tử nho nhã. Mỹ thuật khắc hoạ vẻ đẹp lung linh bằng những cảnh tiên sa, chốn hoàng cung của các ông hoàng bà chúa, hoàng hậu, công chúa, những mẫu người đẹp được tô vẽ cùng hoá trang, phục trang. Phục trang các nhân vật quy phạm thành một mẫu, theo các mô típ hình mẫu nhân vật. Phục trang đến giai đoạn này, sau mấy chục năm phát triển đã hoàn chỉnh các hình mẫu nhân vật, tông mầu sân khấu cải lương. Điêù ấy thành phong cách mỹ thuật, phục trang, hoá trang sân khấu cải lương. Những vở cải lương chính kịch, sân khấu hoành tráng rực rỡ gam mầu nóng, tạo không khí uy nghiêm, trang trọng. Những vở trữ tình, bi kịch, sử dụng gam lạnh tạo cánh đồng xanh, rừng núi trữ tình tươi mát, hoặc ảm đạm, lạnh lẽo...

 

Phục trang quy ước chung – công chúa áo dài tay thụng, gam màu vàng chanh, sáng hoặc màu xanh lam hoặc biển xanh, hồng nhẹ. Những vở tuồng Tầu thường đội mũ đuôi lông trĩ dài. Phục trang hoàng hậu, áo như công chúa sẫm màu hơn, hoa văn kim tuyến, kim sa óng ánh hoặc màu hồng sẫm. Phục trang quan văn, áo thụng tay dài màu trắng phớt xanh nhẹ, có chim phượng, kim tuyến long lanh, tầm ngực chim phượng, mây ngũ sắc trong khuôn hình chữ nhật... Những nhân vật phản diện gam màu lạnh, màu ghi nhạt hoặc màu đen... tạo cảm giác con người bất chính. Quan võ, áo sẫm mầu, hoa văn mây sáng, màu đỏ rực rỡ... Tông màu cải lương  cho phục trang giống nhau, nhưng khi pha màu vào các nhân vật, cải lương Nam có tông màu khác hẳn cải lương Bắc. Cải lương Nam thường phục trang công chúa mầu xanh biển, đạm hoặc nhạt, mát mắt, cải lương Bắc màu xanh da trời, cải lương Miền Trung màu xanh thẫm, gần với màu xanh biển và rừng.

 

Những hình mẫu nhân vật cải lương đã quy chuẩn hoá màu sắc, hoá trang, phục trang... đây là sự hoàn chỉnh mỹ thuật phục trang cải lương. Sân khấu cải lương vùng tạm chiếm cả nước đã chuẩn hoá mỹ thuật sân khấu, hoá trang, phục trang các nhân vật.

 

1.       Sự phát triển cải lương các đô thị Miền Nam.

 

4.1. Giai đoạn 1955 – 1965.

 

Theo thoả ước hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, sau hai năm thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam thành một Nhà nước bằng bầu cử tự do. Đây là nguyện vọng toàn dân tộc, nhưng hai năm qua đi rất nhanh, hai miền tồn tại hai Nhà nước, hai chỉnh thể quốc gia có đời sống văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau. Nhân dân hai miền bị xô đẩy vào cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc, văn nghệ sĩ hưởng ứng cuộc đấu tranh theo nguyện vọng dân tộc. Nhân dân Miền Nam dưới luật 10/59, nhưng các văn nghệ sĩ vùng tạm chiếm anh dũng, kiên cường, công diễn những vở cải lương có tinh thần đấu tranh thống nhất. Sân khấu cải lương các đô thị Miền Nam phát triển mạnh, ổn định số đoàn, đội ngũ tác giả, diễn viên... Những đoàn cũ đang tồn tại giai đoạn trước có số đoàn đổi tên, ở giai đoạn sau thêm nhiều đoàn mới.

Năm 1955, ra đời đoàn cải lương Bích Thuận. Năm 1954 đoàn cải lương Kim Chung từ Hà Nội vào Sài Gòn. Năm 1957, đoàn cải lương Phước Chung. Năm 1960, đoàn ánh chiêu dương, Thanh Minh, Kim Chưởng. Năm 1962, đoàn Thủ đô, Thồng nhất, Tinh hoa, Hoa sen. Năm 1963, đoàn Dạ lý hương, Hương mùa thu. Năm 1964, đoàn Thuý Nga, Tâm hoa lan... dưới thị xã, thành phố Cần Thơ, các tỉnh Long An, Cà Mau từ năm 1965 ra đời các đoàn: Trăng ngàn soi, Sao vàng, Việt Nam, Vàm cỏ Đông, Sông Trà khúc, Bông dừa trắng...

 

Sân khấu cải lương vùng tạm chiếm phát triển mạnh ở hầu hết các thành phố, thị xã tỉnh luỵ trước đời sống phồn hoa những năm đầu Mỹ đổ quân vào Miền Nam. Sau mấy năm chiến tranh ác liệt diễn ra giữa hai bên, vùng chiến sự lan rộng đến cả Sài Gòn, Gia Định, nhiều đoàn cải lương tan rã. Nhưng cải lương Sài Gòn vẫn vững mạnh, phải nói là hùng mạnh  bởi có nhiều ban hát lớn, nhiều nghệ sĩ tài danh trụ cột nằm ở đây. Dù họ là diễn viên các tỉnh như: Bạc Tuyết, Hùng Cường, Tấn Tài, út Trà Ôn, Lệ Thuỷ... Nhưng phải trụ ở các ban lớn Sài Gòn họ mới nổi tiếng... Đoàn cải lương tuồng cổ Khánh Hồng – Minh tơ ra đời năm 1950 chuyên diễn cải lương tuồng cổ. Đoàn có công đào tạo đội ngũ diễn viên mới, sau này họ trở thành hạng sao, siêu sao cải lương của hôm nay và ngay cả lúc ấy. Lớp diễn viên đầu tiên: Mỹ Dung, Thanh Tòng, Bo Bo Hoàng, Văn Ngà, Kim Thanh, Xuân Liễu, Bửu Truyện, Ngọc Tín... Đoàn cải lương tuồng cổ Minh tơ diễn tuồng Tầu, tuồng Việt các vở: Phụng Nghi Đình, Bao Công tra án, Dưới mái Tây hiên, Trọng Thuỷ Mỵ Châu, Lưu Bình Dương Lễ, Lục Vân Tiên, Tống Trân Cúc Hoa... Năm 1958, phong trào người hoa phát triển mạnh, dân số tới gần hai triệu người, đoàn diễn cải lương Triều Quảng, như một phát hiện mới rất ăn khách, thực ra chỉ là sự lặp lại cải lương tuồng Tầu năm 1921, nhưng đồ cũ sài lại hoá mới. Thực ra hình thức ca diễn giai đoạn này kỹ thuật cao hơn, đào kép trẻ đẹp, sân khấu... hấp dẫn hơn, mới lạ thực sự. Vào cuối năm 1965, có thời gian đoàn chuyên diễn Hồ Quảng, được số đông người Hoa yêu thích, người Việt nghe thấy mới lạ trước những giọng ca trong sáng như chuông, trang phục lộng lẫy như tiên nữ giáng trần.

 

Đoàn cải lương Thanh Minh năm 1960, đổi tên là Thanh Minh – Thanh Nga, bầu chủ là bà Năm Thơ, ông Năm Nghĩa, ba má của nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga, Bảo Quốc. Nghệ sĩ của đoàn có: út Trà Ôn, út Bạch Lan, Thành Được, Minh Tấn, Thanh Tú, Chí Hiếu, Hữu Phước, Kim Cúc, Hoàng Giang, Kim Loan, Việt Hùng... Những vở khá nổi tiếng của đoàn: Tấm lòng của biển Nhị Kiều, Nửa đời hương phấn của Hà Triều – Hoa Phượng, Bông hồng cài áo – Hoàng Khâm, Cung đàn trên sông lạnh, Lỡ bước sang ngang – Thu An, Sân khấu về khuya của Năm Châu... Nghệ sĩ Thanh Nga là người dũng cảm vì vào năm 1978, cuộc chiến tranh chống Bành Chứơng sắp nổ ra ở phía Bắc, lên cao trào, nghệ sĩ diễn vở Tiếng trống Mê Linh bị đe doạ sát hại, nhưng giới cải lương Sài Gòn hừng hực khí thế sau khi Thanh Nga chết, nhiều diễn viên khác tình nguyện thay vai chị. Năm 1978, nghệ sĩ Thanh Nga nhận một lá thư nặc danh đe doạ, đừng diễn vở mới nhận, liên tiếp thư nặc danh, Thanh Nga cứ diễn, sau đêm 27 – 11 – 1978, khi về nhà, Thanh Nga bị sát hại. Cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga thành một đám tang lịch sử, đồng bào Miền Trung, Hà Nội, Đồng Bằng Nam Bộ và cả nước, nhiều người đến đưa tang chị, giấy lên phòng trào diễn cải lương chống Bành Chướng. Các nghệ sĩ khác tiếp vai diễn của Thanh Nga: Kim Hương, Lệ Thuỷ, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa, Kim Phượng, Mộc Tuyền, Phượng Mai, Ngọc Dầu, Bạch Tuyết, Phùng Há... ở nhiều đoàn hát khác nhau. Đoàn khởi xướng là Thanh Minh – Thanh Nga diễn vở Tiếng trống Mê Linh, sau đến vở Thái hậu Dương Vân Nga, các đoàn: Trúc Giang, Sống chung, Sài Gòn, Đoàn Văn công giải phóng, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang... Vở cải lương ăn khác nhất là Thái Hậu Dương Vân Nga, rạp nào cũng không có chỗ cho người xem. Công chúng đến xem có nhiều lý do, xem vì ủng hộ phong trào đấu tranh chống Bành Chướng, xem vì ngưỡng mộ lòng dũng cảm của các nghệ sĩ, xem vì kịch bản và nghệ thuật. Đây là điều thiêng liêng, kính trọng các nghệ sĩ đã bộc lộ tinh thần không sợ chết trước hiện thực nghiệt ngã của Thanh Nga, là người ngoài cuộc. Ngày ấy, lo ngại thay cho tính mạng của các nghệ sĩ tình nguyện nhận vai diễn nguy hiểm này.

 

Dù rằng cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga không phải như các nhà chính trị thổi phồng lên, sau khi sự thực được phát hiện vào năm 1980, Thanh Nga chết do hai tên cướp có súng ngắn sát hại chị. Nhưng đằng sau đó là một phong trào chính trị nguy hiểm, trở thành sự thử thách, thách thức các nghệ sĩ có dám nhận những vai diễn chống Bành Chướng? Ai đã nhận vai diễn ấy, là chấp nhận thế mạng bởi không thiếu kẻ quá khích sẽ sát hại diễn viên, đó là điều có thể xảy ra...

 

Đoàn Kim Chưởng, bầu Kim Chưởng, có lớp diễn viên trẻ: út Bạch Lan, Diệp Lang, Kim Chưởng, Phương Dung, Thanh Hương, Trường Xuân, Thanh Nguyệt, Phượng Liên, Mộng Thu, Thành Được, ánh Loan... Đoàn diễn các vở: Nửa bản tình ca – Phong Anh, Trương Bỉnh Tòng, Hai chiều ly biệt – Anh Phong, Thuyền ra cửa biển, Chiếc áo ân tình... Đoàn diễn phần lớn những vở cải lương đề tài đương đại, nghệ thuật ca diễn mới, phục trang tân thời, các diễn viên trẻ hấp dẫn.

 

Đoàn cải lương Kim Chung từ Hà Nội vào năm 1954, do bầu Long, bầu chủ, vợ là Kim Chung, đoàn làm ăn thịnh vượng vào bậc nhất Sài Gòn. Diễn viên đào kép trẻ: Bích Hợp, Diệu Hiền, Lệ Thuỷ, Thanh Hải, Hồng Nga, Mỹ Châu, Thanh Kim Hụê, Thanh Hải, Hùng Cường, Minh Vương, Ngọc Đáng, Bích Hạnh... Những vở diễn hốt ra bạc của Công ty Cải lương Kim Chung: Trời lạnh sương khuya – Yên Trang, Hoa đào – Huỳnh Nguyễn... Sau này công ty cải lương Kim Chung phát triển thành các đoàn cải lương Kim Chung I, Kim Chung II, kim Chung III, Kim Chung IV. Bầu Long là hạng sao của thế giới bầu show cải lương Bắc Hà, hào phóng, tung tiền mua nhiều đào kép trẻ về đào tạo thành tài. Lệ Thuỷ năm 1961, diễn viên hát lồng của đoàn cải lương Chuông vàng do bầu Hai Lợi quản lý. Mẹ Lệ Thuỷ gửi nhạc sĩ Mười Của dạy nghề, ông lại gửi chị làm con nuôi cặp đào kép nổi danh Thanh Sơn, Kim Hà để đi diễn được ngồi ô tô... Năm 1962, Lệ Thuỷ bước lên sân khấu, thu đĩa hãng Asia, năm 1963, được đóng vai chính, chị diễn ba tháng chấn động giới mộ đạo cải lương. Bầu Long đến ký hợp đồng với Lệ Thuỷ 50 đồng lương một tháng, sau sáu tháng tăng lên 250 đồng một tháng. Lĩnh tháng lương tăng đầu tiên, Lệ Thuỷ mua căn hộ ở Nguyễn Thiện Thuật, ngoài mặy tiền 50m vuông hết 200.000 đồng, còn thừa 50.000 đồng đủ để tiêu sài cả tháng. Đến năm 1964 lương là: 1.000.000 đồng / tháng, Lệ Thuỷ trở thành triệu phú cải lương. Nhìn vào tháng lương Lệ Thuỷ thấy sự thăng tiến nhanh, thu nhập nghệ sĩ tăng tiến theo tài năng mà bầu Long trả lương cho người hát thuê, ngày ấy họ sống là thế... Tại Sài Gòn có hai mươi hai đoàn cải lương: Việt kịch Năm Châu, sau đổi tên: Phước Chung, Sống Chung... Tiếp đến các đoàn: Hoa sen, Kim Chung, Nhạn trắng, Phụng Hảo, Kim Thoa, ánh chiêu dương, Huỳnh Long, Minh tơ,Tân thủ đô, Tấn Tài, Tân Thinh, Hương mùa thu, Thanh Minh - Thanh Nga, Thủ Đô, Thu An, Kim Chưởng, Như Ngọc, Thống Nhất, Minh Cảnh, Minh Phụng, Tinh hoa, Dạ lý hương... Nhiều đoàn cải lương dưới đồng bằng ra đời như: Đồng Tâm, Sao ngàn phương, Sông Trà, Ca Kịch Tuấn Kiệt, Trời Nam, Việt Nam, Hương hoa, tỉnh Bạc Liêu, Hàm Luông, Vàm cỏ, Bông dừa trắng... Năm 1962, là sự hưng thịnh cải lương các đô thị Miền Nam ở giai đoạn cuối. Đoàn cải lương Hương mùa thu là đoàn lớn do Thu An làm bầu, ông là tác giả, đạo diễn. Đoàn ra đời năm 1964, dàn diễn viên: Huỳnh Minh, Bo Bo Hoàng, Minh Đạt, Thanh An, Mỹ Châu... Đoàn diễn các vở: Sắc áo bên cầu, Nước ngược dòng, Tiếng súng về khuya, Lá của rừng xanh... do Thu An sáng tác, dàn dựng. Nhiều vở diễn phản ánh tinh thần yêu nước, ông có phương hướng nghệ thuật cải lương dân tộc, hiện đại để đoàn tồn tại khá vững...

 

Tại Sài Gòn nhiều ban cải lương lớn, hình thành đội ngũ tác giả với nhiều vở diễn nổi tiếng, cùng các vở diễn là đội ngũ diễn viên trẻ hấp dẫn, ca nhạc cách tân đổi mới nghệ thuật. Những tác giả tên tuổi mới: Tường An, Thiếu Linh,Viễn Châu, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Nguyễn Phương, Thiên Hương, Nguyễn Thành Châu, Anh Phong, Mộc Linh, Trần Hà - Hoa phượng, Điêu Huyền, Hà Triều, Phi Hùng, Lê Khanh, Lâm Hoài Ngọc, Mai quân, Quý Sắc, Năm Nở, Yến Trang, Nguyễn Đạt, Ngọc Lan, Phi Vân, Duy Lân... Sân khấu cải lương các đô thị Miền Nam phát triển mạnh, bên cạnh các vở diễn có tinh thần yêu nước của một số ban hát, phần lớn an phận diễn doanh thu. Nghệ thuật diễn có nhiều hướng dân tộc, hiện đại, hình thức lai căng, xô bồ, tuyên truyền lối sống văn hoá thị dân Mỹ.

 

4.2. Nghệ thuật diễn.

 

Cải lương đô thị Miền Nam có điều kiện phát triển nhiều ban hát mạnh, bề thế, xuất hiện những diễn viên ngôi sao ca hay, thanh sắc vẹn toàn. Nghệ thuật cải lương tổ chức quy mô, mang tính tự phát. Những việc làm ấy hoàn toàn tự nhiên xuất phát từ tâm những người yêu cải lương, quý trọng nền nghệ thuật dân tộc. Đây là nét dặc biệt của cải lương đô thị Miền Nam, Nhà nước chỉ quan tâm đến ban hát nào là công cụ đắc lực tuyên truyền cho chính quyền, bằng không sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. Nhưng lại có nhiều ban hát, nghệ sĩ, tổ chức các hội, các giải thưởng động viên người làm nghề, phát triển cải lương.

 

Nghệ thuật diễn sân khấu cải lương ngày càng nâng cao chất lượng vở diễn, phát triển toàn diện. Lực lượng diễn viên luôn được coi trọng đào tạo lớp kế cận và khích lệ phát triển tài năng. Năm 1957, giải thưởng cải lương có uy tín nhất ra đời, có tiêu chí cụ thể xét thưởng và trao thưởng cho các diễn viên. Giải thưởng này do cá nhân tự đứng ra, góp tiền thành lập Hội đồng giám khảo gồm các nhà báo là thành viên. Tiêu chí người dự thi: ca hay, diễn giỏi, truyền cảm sâu sắc, hình thức đẹp, nhân cách không sai phạm lớn, là những người có đủ phẩm chất trình diễn dự thi. Ban giám khảo bình chọn bỏ phiếu kín, hoặc cho điểm kín, sau đó cộng lại chia trung bình công khai tại chỗ, công bố luôn. Những người dự thi rất vô tư, khá công bằng và tương đối khách quan. Ông Vương Hồng Sến tinh đời khi nhận xét Thanh Nga là đào đẹp nhất, ca hay nhất thời ấy. Vào năm 1958, giải thưởng đầu tiên, duy nhất trao cho nghệ sĩ Thanh Nga. Những năm sau, giải nới rộng hơn, nhiều người đạt được là lớp diễn viên mới: Ngọc Dầu, Hùng Minh, Bích Sơn, Lan Chi, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Ngọc Hương, Kim Loan, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Thanh Tú, Phượng Liên, Bảo Quốc, Ngọc Bích, Mỹ Châu, ánh Loan, Thanh Nguyệt, Thanh Hoàng... Ngoài các diễn viên tài sắc,mấy năm sau, Hội đồng còn trao giải thưởng cho tác giả có vở diễn hay. Giải Thanh Tâm hoạt động sau mười năm không có điều kiện tiếp tục, vào lúc chiến tranh ác liệt, chính trị nhiều biến động, kịch trường suy sụp, nhiều cái suy thoái tan rã. Những giải thưởng do một nhóm cá nhân tổ chức như một thú chơi, nhưng giải thưởng khá cao. Nghệ sĩ Tấn Tài đoạt giải năm 1962, mua ô tô con về làng, từ đó đã đổi 21 kiểu xe ô tô, chẳng thua Lệ Mỹ ở Sài Gòn giàu sang là bao.

 

Giải Thanh Tâm đã cổ vũ diễn viên, tác giả phát triển cải lương, lớp diễn viên mới khá mạnh mẽ như: Thanh Nga, Thanh Tòng, Diệp Lang, Mỹ Dung, Ngọc Dầu, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Thành Được, Ngọc Tín, Thanh Thế, Năm Vững, Bo Bo Hoàng, Xuân Yến, Xuân Liễu, Năm Bửu, Mỹ Châu, Lệ Mỹ... các diễn viên cải lương vùng tạm chiếm có một trăm hai mươi diễn viên cải lương nổi tiếng từ Sài Gòn đến các đô thị Miền Nam, họ là hạng sao và siêu sao nghệ thuật ca diễn cải lương. Mỗi diễn viên ngôi sao tạo phong cách diễn riêng, người đi vào ca diễn chân thật, bình dị chân quê. Người ca diễn cải lương thành thị óng chuốt, ngọt mùi thanh nhã, tìm về cội nguồn cải lương dân tộc. Các diễn viên diễn hành động ngôn ngữ tự nhiên gần với đời thường. Những vở cải lương lịch sử, động tác diễn cách tân hiện đại hoá những bước đi của nhân vật mang hơi thở nhịp sống đương đại. Những vở cải lương xã hội,nghệ thuật diễn gần với cuộc sống, công chúng dễ cảm nhận. Những ưu điểm của nhiều nghệ sĩ, ban hát diễn cải lương dân tộc, cách tân kỹ thuật diễn, nhằm đổi mới toàn diện sân khấu cải lương, đạt tới giá trị : mỹ cảm. Người xem cảm động vai diễn nghe giọng ca hay, phục trang đẹp, ấn tượng sân khấu mỹ lệ hào hoa. Nghệ thuật cải lương đem đến đổi mới, đa phong cách, nhiều đoàn diễn cải lương chiếu phim ca ngợi Việt Nam cộng hoà, diễn kỹ xảo... Nghệ thuật diễn cải lương có mấy đặc điểm:

 

-           Chân thật xúc cảm

-           Hình thức ngoại hình

-           Một phần ảnh hưởng Âu Mỹ.

 

Đó là đặc điểm chung, nhưng còn không ít ban hát diễn xa đà, lai căng, dung tục, có diễn viên ca trong vở Gái quê, người con trai quỳ sát, người con gái đứng thẳng, người con trai chỉ tay vào hỏi cái gì... Không ít ban diễn nhảy máu sexy... Nhiều vở cải lương như: Bóng ai qua thềm, còn ngợi ca nỗi nhớ, vẻ đẹp anh lính cộng hoà... động viên mọi người hăng hái đi lính quốc gia. Vào những thời khắc nghiệt ngã,có cải lương sex, cải lương ôm ngày ấy vì chạy theo thị hiếu công chúng kiếm tiền để tồn tại cũng là lẽ tự nhiên. Ngay những năm đổi mới, sân khấu xã hội chủ nghĩa còn có những hiện tượng tương tự đau có thua kém họ.

Nghệ thuật diễn cải lương các đô thị, nhiều tiến bộ dù là tự do, tự phát, nhưng còn nhiều nghệ sĩ với trách nhiệm nhân văn đã đưa nghệ thuật đến cái đẹp văn hoá dân tộc của sân khấu cải lương trong những ngày lịch sử không bao giờ quên.

 

4.3. Âm nhạc, mỹ thuật.

 

a. Âm nhạc

 

Sân khấu cải lương giai đoạn 1945 – 1955, hoàn chỉnh các mặt có tính lý luận, nghệ thuật diễn, biên kịch, âm nhạc, mỹ thuật khá ổn định phong cách cải lương Việt – Cải lương tuồng Tầu – tuồng Tây. Sang giai đoạn hai, dựa trên cái nền ổn định chung, cải lương đổi mới nghệ thuật dù là phong cách cải lương Việt, Triều Quảng và những tác phẩm phóng tác theo văn học kịch bản nước ngoài. Vai trò cải lương tuồng Pháp, đến giai đoạn này nằm trong cái chung là tác phẩm phương Tây. Sân khấu cải lương đổi mới tòan diện theo văn minh Âu Mỹ, ở vùng tạm chiếm, còn cải lương vùng giải phóng phát triển sân khấu hiện thực xẫ hội chủ nghĩa, đây là sự khác biệt của sân khấu cải lương Nam Bộ những năm 60 của thế kỷ XX.

 

Từ sự đổi mới sân khấu, đổi mới nghệ thuật diễn, ca nhạc, mỹ thuật phục trang. Âm nhạc khi Mỹ hoá các đô thị Miền Nam, phong trào nhạc nhẹ Mỹ tràn ngập các quán bar, phòng trà, khách sạn, nơi công cộng biểu diễn ca hát nhạc nhẹ. Nổi bật những năm 60, nhạc sến, nhảy tuýp... Nhảy tuýp một hình thức nhạc nhảy múa thần tượng Mỹ, là thần tượng của các thanh niên đô thị Miền Nam. Sân khấu cải lương và âm nhạc hướng tới nền âm nhạc Mỹ, văn hoá và thị dân. Nhạc sến, nhạc thị dân buồn thảm, nói về thân phận của những người nô lệ da đen kéo dài trên 250 năm khổ cực. Trên đất Mỹ, nhạc sến chưa được coi trọng, nhưng vào cải lương quá phù hợp cho lối hát buồn, ảm đạm... Còn nhạc tuýp lại tạo không khí tưng bừng cho giới trẻ, nhảy sex, nhảy giải toả hết mình khá phù hợp. Từ đó, ca nhạc cải lương có hai thái cực, những người bảo toàn ca nhạc dân tộc lại ca theo lối cổ, nhạc chậm rãi, nhấn nhá từng chỗ lê thê chịu không nổi quá cổ lỗ. Những người cách tân lại đưa vào những bản nhạc nhẹ mới, ca tân nhạc gấp gáp, ít biểu cảm nặng về tạo không khí. Ca nhạc cải lương có hai thái cực tương phản nhau về hình thức trình diễn, hoà tấu dàn nhạc. Nhiều ban hát hoà tấu tân nhạc át cổ nhạc, nhạc nhẹ pop, jazz, tuýp... cùng các điệu nhảy ầm ào trên sân khấu cải lương. Nhiều ban hát Sài Gòn trình diễn mạnh mẽ các bản tân nhạc, nhưng có những nghệ sĩ, những ban hát lại hướng ca nhạc cải lương trở lại bài bản ca ngọt mùi, đậm chất dân ca kinh điển Nam Bộ. Ca nhạc cải lương về cơ bản đổi mới phong cách, cách tân bài bản làn điệu ca, ca mau các bài bản so với giai đoạn trước, âm nhạc mục đích đạt tới:

 

-           Xúc cảm, ngọt mùi

-           Tạo không khí tuổi trẻ.

 

Ca nhạc cải lương dưới các đô thị đồng bằng tương tự như trên thành phố có hai thái cực, nhưng đa phần giữ phong cách ca nhạc bài bản, đậm chất dân ca sông nước đồng bằng Nam Bộ. Tuy vậy, ca nhạc cải lương có hai hướng một là cách tân đổi mới, hai là bảo cổ, vào thập niên 60, ca nhạc cải lương có bước tiến mới. Ca nhạc tiếp tục các dòng nhạc mới, nâng cao kỹ thuật hoà tấu dàn nhạc, kỹ thuật ca. Nhiều nghệ sĩ ca Vọng cổ được gọi tên riêng Vọng cổ út Trà Ôn, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Tấn Tài, Hùng Cường, Thành Được,... Đó là thế hệ ca mới, đổi mới sân khấu cải lương dân tộc, hiện đại.

 

B. Mỹ thuật, phục trang.

 

Sự đổi mới sân khấu, ca diễn, dẫn đến đổi mới mỹ thuật phục trang, hoá trang... Nếu âm nhạc có hai thái cực, mỹ thuật đã có các hướng cách tân đổi mới và bảo toàn truyền thống tả thực của mỹ thuật sân khấu cải lương.

 

Mỹ thuật tả thực coi như một truyền thống cấu trúc, trang trí sân khấu cải lương từ lúc ra đơi đến nay còn được coi trọng. Nhưng không có nghĩa là mỹ thuật tả thực từ xưa đến nay không thay đổi gì? khi nghệ thuật đổi mới, mỹ thuật đã biến đổi dù là tả thực. Sân khấu tả thực chỉ tính đến thập niên 60 của thế kỷ trước đã thay đổi rất nhiều, từ tả thực tượng trưng,tả thực cụ thể đến tả thực cách điệu, từ vẽ lên những tấm vải treo lên nhiều cảnh trang trí chuyển sang vẽ cảnh trên những khối mảng bẹt... Đó là những biến đổi về bố cục, vật liệu, chất liệu... biển hiệu, cuối cùng là thay đổi hoà sắc, cảnh trí. Vẽ tả thực dưới nhiều bút pháp, góc nhìn biểu hiện khác nhau, những vở diễn cải lương đề tài chiến tranh, nhiều ban hát tả thực trần trụi, khốc liệt về cuộc chiến. Có ban hát lại gợi tả cảnh chiến trường thật đẹp, núi rừng, dòng suối, chim ca, thác đổ... mỹ lệ hoá sân khấu, thơ mộng hiện thực để động viên mọi người đi lính Quốc gia như các vở Bóng ai qua thềm của Minh Hoài, Bên hào vạn lý...

 

Mỹ thuật sân khấu cải lương những năm 60, hiện đại hoá, mỹ lệ hoá sân khấu, đổi mới trang trí, từ cảnh trí phông màn sang trang trí mảng khối, nhưng không choáng ngợp chiếm chỗ không gian sân khấu. Những sân khấu thới ấy, dù trang trí dưới hình thức nào, sân khấu luôn thoáng rộng, hoành tráng đồ sộ, ấn tượng vẫn bao la. Sân khấu cải lương các đô thị vùng tạm chiếm chú ý tới màu sắc, tạo cảm giác tươi mát, bề thế, không gian thoáng rộng. Mỹ thuật cách tân đổi mới, mục đích biểu cảm sâu sắc nội dung vở diễn để lại ấn tượng chinh phục công chúng.

 

Phục trang cách tân, những vở lịch sử hoà sắc mới, quần áo công chúa tông màu lạnh xanh biển, xanh thẫm, nhưng kim tuýên, kim sa long lanh. Tay áo trước kia dài rộng nay nhỏ lại, mặc bó hơn, cổ lại hở ra... Tuỳ mỗi ban hát hoặc ý thích của một số đào kép hạng sao, yêu cầu may theo,  mục đích biểu cảm, gợi cảm hình thức. Mặt khác những cách tân ấy mang lại tính phục trang hiện đại hoá vào các vở cổ. Đoàn Minh Tơ,Phước Chung,Kim Chung... Những vở cải lương đương đại, nói về con người thành phố, phục trang lộng lẫy, những mốt mới nhất của Pháp, Mỹ, Sài Gòn, Hồng Kông... được các diễn viên đưa lên sân khấu. Những vở nói về người lính Công hoà, phục trang thi vị hoá, oai phong và đẹp làm người xem thấy oai sởn da gà, hoặc đẹp đến mê hồn. Thiếu nữ các phục trang kiểu Bi ki ni, đầu tóc, các điệu nhảy... Phục trang tạo dáng vóc nhân vật gợi tả, biểu cảm trực quan chinh phục khán giả hoặc gợi tình... Đây là sự đổi mới mỹ thuật phục trang những năm 60 của sân khấu cải lương tạm chiếm các đô thị Miền Nam.

 

Hoá trang biến đổi, các diễn viên tô son chát phấn theo từng mốt, có thời Mỹ hoá thì vẽ mặt dáng lai thanh nhã, có thời phin Hồng Kông ăn khách... các đào kép ăn mặc hoá trang theo các mẫu người trên phim, đầu tóc Hồng Kông, có diễn viên còn làm theo phục trang, hoá trang một số nhân vật phim chưởng. Hoá trang đã đổi mới chạy theo mốt thời trang vào cải lương, son phấn tạo dáng nhân vật, đây là bước đổi mới hoá trang các nhân vật con người đương đại phi dân tộc.

 

Mỹ thuật phục trang, hoá trang đổi mới theo hướng hiện đại hoá đi vào hình mẫu con người đương đại của các dân tộc, loại trừ những phần quá khích, kể trên mỹ thuật phục trang cải lương nhằm mục đích biểu cảm cái đẹp của các nhân vật kịch, đem đến công chúng mẫu thẩm mỹ con người thời đại. Sân khấu cải lương biểu hiện qua cấu trúc mỹ thuật phục trang, nâng cao thẩm mỹ sân khấu, hướng tới cái đẹp ngoại hình cho công chúng.

 

II. Sân khấu cải lương Bắc.

 

1.       Hoạt động của cải lương từ 1945 – 1955.

 

Giai đoạn đầu Miền Bắc chính quyền kháng chiến hội quân ở Liên khu III, tập chung các đoàn cải lương, tuồng, chèo, nhiều diễn viên của đoàn tư nhân chạy ra vùng kháng chiến. Sân khấu cải lương hình thành hai khu vực những ban hát nội thành ổn định biểu diễn các hứng cải lương, tổ chức đội ngũ diễn viên tác giả... thành lập ban hát mới, những ban cũ tiếp tục diễn. Sân khấu cải lương kháng chiến, tổ chức hoạt động theo hướng mới  các đoàn văn công kháng chiến.

Mấy năm đầu, Nhà nước chưa kịp tổ chức đội ngũ văn nghệ sĩ, các diễn viên cải lương nhiều đoàn từ Hà Nội theo dân di cư ra vùng tự do. Các đoàn lớn: Quốc hoa ban, Thái lạc đài, Tố như, Phụng Khánh, Anh Đệ, Thanh Mỹ... chạy lên Phú Thọ, vào Nam Định, Thanh Hoá, Vinh... lưu diễn cùng dàn chạy loạn. Nhiều nghệ sĩ chạy ra vùng kháng chiến, mỗi người tham góp một chút tiền của, phông màn... mua sắm đạo cụ sân khấu, thành lập đoàn hát. Các đoàn thành lập tự do, diễn năm mười buổi bằng những vở cũ dựng lại, không doanh thu được tự giải tán. Các nghệ sĩ nhập vào các đoàn nội thành mới ra, có đoàn ra hậu phương diễn không đủ chi, gặp bầu mới có thế lực, tài chính, sang tên đổi bảng hiệu ban cho bầu chủ mới... Tình hình hoạt động cải lương tự do từ năm 1945 đến năm 1947, các đoàn tan rã, lập ban mới, nhiều nghệ sĩ chạy đi hát hết ban nọ qua ban kia. Một số nghệ sĩ hăng hái thành lập đoàn hát có đoàn Sĩ Tiến, Sĩ Hùng theo phong trào Nam tiến vào Nam biểu diễn. Đoàn cải lương Sĩ Tiến có các diễn viên: Lệ Châu, Khánh Hợi, Thu Hà, Hoàng Như Mai, Sĩ Tiến, nhạc sĩ Lê Yên, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ... tình nguyện vào Nam biểu diễn, phục vụ đồng bào và những đoàn thanh niên vào Nam chiễn đấu. Đoàn cải lương Sĩ Tiến diễn qua các tỉnh khu III, khu IV, vào Miền Trung lên Đà Lạt. Đêm diễn cuối cùng năm 1946, đoàn trưởng bị bắt, nhờ cậy người quen xin cho ra, đoàn tan rã trở về Bắc. Những ngày đầu cách mạng, các nghệ sĩ vùng tạm chiếm hăng hái, sôi nổi đi theo chính quyền cách mạng, đoàn cải lương ái Liên diễn các vở: Dựng cờ độc lập, Xuân chiến khu... của Sĩ Tiến. Hoạt cảnh Xuân chiến khu của Sĩ Tiến, diễn cải lương chèo, cải lương hát chèo theo điệu luyện năm cung, hát ca khúc mới áo mùa đông, Nhớ chiến khu của Đỗ Nhuận. Đoàn ái Liên còn diễn các vở Phá xiềng xích của Nguyễn Tiến Phúc, Khi rừng mới sang thu của ái Liên. Vở diễn của bà ái Liên nói về những người phụ nữ vùng cao cùng các dân tộc đoàn kết vùng lên phất cờ khởi nghĩa chống Pháp, lá cờ đỏ sao vàng tung bay cùng đoàn nữ du kích lên đường, hát vang bài Việt Nam anh hùng tiến của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Nghệ sĩ ưu tú ái Liên người đầu tiên của cải lương Bắc có vở viết về người dân tộc, người đầu tiên nói về người phụ nữ.

 

1.1          Sân khấu cải lương kháng chiến.

 

Từ năm 1947 đến năm 1954, nhiều đoàn cải lương tư nhân đi theo kháng chiến, diễn phục vụ dân công, bộ đội. Các đoàn diễn doanh thu ở vùng nông thôn, gặp dân công, bộ đội diễn tháo khoán – nghĩa là không bán vé thu tiền. Nhưng tình hình kéo dài được ba năm, khi chiến sự ác liệt, các đoàn về thành diễn dưới sự kiểm soát của chính quyền vùng tạm chiếm. Khu căn cứ kháng chiến, từ năm 1947, thành lập các đoàn văn công ở Việt Bắc và liên khu III, từ đó hoạt động sân khấu có hai khu vực, hai hướng sân khấu khác biệt.

 

Sân khấu cải lương kháng chiến có đoàn cải lương đầu tiên năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc, đoàn văn công Trung Ương, trong đó có tổ cải lương. Sang năm 1951, tại Hậu Lộc Thanh Hoá ra đời liên đoàn ca kịch kháng chiến, có bộ phận cải lương diễn viên: Hải Tùng, Thuý Ngần, Quỳnh Nga, Lê Thọ, Hoàng Anh, Anh Đệ, Tuấn Hợp, Võ Văn Tư... Căn cứ kháng chiến có hai đoàn cải lương hoạt dộng ở Việt Bắc và Liên khu III, do chính quyền cách mạng quản lý. Vùng căn cứ không chiến từ Ninh Bình, Nam Định đến Vinh có các đoàn cải lương diễn doanh thu Đại Quốc hoa, Thanh Mỹ, Phụng Khánh, Thái Lạc... Tại Đông Quan, Phú Xuyên có đoàn cải lương chiến thắng, sau năm 1948 đổi thành Ngày mới. Đoàn có các nghệ sĩ phần lớn từ Hà Nội như Mộng Dần, Bích Được, Kim Xuân, Bạch Yến, Ngọc Chi, Tuấn Sửu, Tư Giã, Ngọc Văn... Nhiều đoàn cải lương Hà Nội chạy ra vùng tự do còn có đoàn Thanh Kỳ, Nam Hoa, Hồng Kỳ... Tại Thái Nguyên năm 1950, đoàn cải lương Quyết tiến cả gia đình nghệ sĩ cải lương...

 

Các đoàn cải lương Bắc giai đoạn 1945 – 1950, có 11 đoàn, hai đoàn cải lương do chính quyền quản lý, còn chín đoàn tư nhân. Sang năm 1950 – 1955, cải lương Bắc còn hai đoàn cải lương Nhà nước, vùng kháng chiến không còn các đoàn cải lương tư nhân. Các đoàn cải lương tư nhân chạy vào nội thành diễn tại các rạp ở các đô thị Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... số đoàn cải lương tư nhân từ 1945 – 1955 là 34 đoàn. Từ năm 1950 đến năm 1955 còn bốn đoàn. Những con số này chỉ là tương đối, bởi các đoàn luôn biến động, không còn ổn định nay hợp mai tan. Theo Ngọc Văn ông thống kê số đoàn cải lương tính từ năm 1926 ra đời cải lương Bắc đến năm 1954 là 76 đoàn cải lương, biểu diễn khắp các tỉnh Miền Bắc.

 

Sân khấu cải lương Bắc có một thời ra đời, phát triển rực rỡ có gần 80 đoàn cải lương, nhưng cuộc kháng chiến ác liệt diễn ra từ nông thôn lên thành thị làm các đoàn cải lương Bắc dần tan rã. Đến năm 1955 Hà Nội còn bốn đoàn, các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hoá mỗi tỉnh còn một đoàn. Số đoàn cải lương Bắc còn đoàn cải lương đi vào chỉnh huấn, thử nghiệm học tập nghệ thuật diễn mới. Sân khấu cải lương kháng chiến chỉ có một đoàn do Nhà nước quản lý.

 

1.1.  Nghệ thuật diễn.

 

Cải lương Bắc sau năm 1945, biểu diễn chủ yếu cải lương các đoàn tư nhân diễn trong nội thành lan đến các vùng tự do, kháng chiến. Sân khấu cải lương kháng chiến quá ít so với lực lượng cải lương tư nhân, sân khấu tư nhân chiếm hầu hết các sàn diễn ở thành thị và một phần nông thôn.

 

Các đoàn có sao diễn vậy, họ diễn một số vở cải lương La Mã, giã sử, dân gian, những vở cải lương lãng mạn, Mối tình Lan Điệp, Lá ngọc cành vàng... Nạn diễn cương lan tràn các đoàn, các diễn viên, vở diễn một đằng, diễn viên cương một nẻo. Giai đoạn kháng chiến thiếu kịch bản mới, viết về con người kháng chiến, các diễn viên diễn vở cũ chạy theo thị hiếu:

 

-        Diễn hình thức, ít nội tâm

-        Diễn cương, nặng về ca.

 

Một số đoàn cải lương ra vùng tự do diễn kịch cương tuyên truyền chủ chương tăng gia sản xuất, tiêu thổ kháng chiến, bị công chúng yêu cầu phải ca cải lương. Các diễn viên nhảy vào ca Vọng cổ, công chúng hoan hô náo nhiệt. Nếu những năm đầu cải lương Bắc diễn nghiêm chỉnh có phần cổ điển, sang giai đoạn kháng chiến diễn hình thức pha tạp nhiều loại. Cải lương hương sa, Kiếm hiệp, nhảy đầm... Những đoàn ra vùng kháng chiến diễn gặp nhiều khó khăn trang bị sân khấu, hoá trang, phục trang nên diễn hình thức, lấy nghệ thuật ca làm điểm nhấn câu khách, hoặc pha trò cương...

 

Sân khấu cải lương kháng chiến nghèo nàn, Liên đoàn ca kịch kháng chiến thành lập năm 1951, đến năm 1952 mới có vở diễn đến năm 1953, đoàn có 13 vở mới, bẩy vở đề tài lịch sử, sáu vở cải lương viết về đề tài con người cách mạng kháng chiến. Thế là đoàn có vốn diễn gồm các loại: kịch thơ, kịch nói, cải lương. Những vở diễn tiêu biểu Lò lửa  giặc Tần, ván cờ thế... Những diễn viên của Liên đoàn ca kịch kháng chiến, trong đó diễn viên không diễn cương, diễn theo kịch bản mới, khắc phục một phần lối diễn hình thức, trọc cười vô ý của trào lưu cải lương lúc giao thời. Những diễn viên cải lương kháng chiến bước đầu diễn cải lương theo lời thoại kịch bản, có phần nội tâm, nghệ thuật ca diễn có dung dị. Do hoàn cảnh kháng chiến sân khấu nghèo nàn, phục trang đơn giản, nghệ thuật diễn và sân khấu có phần hiện thực, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước vùng tự do.

 

1.3     Âm nhạc, mỹ thuật.

 

a.    Âm nhạc cải lương vùng kháng chiến

 

Thực tiễn sân khấu kháng chiến, nghèo nàn hình thức trang trí, các phương tiện đạo cụ, phục trang, các diễn viên dựa vào ca, nghệ thuật ca nhạc có phần phát triển. Nhưng phát triển chưa hẳn đã là đạt được những thành tựu kỹ thuật ca, nó phản ánh tình thế chung các diễn viên lấy ca làm điểm tựa khi diễn.

 

Nghệ thuật ca nhạc không phát triển vì những khó khăn khi dựng vở, các đoàn thường hát bài bản cổ, hoặc lấy những bài hát của các nhạc sĩ vào cải lương như: Lời người ra đi, Trần Hoàn, Khoẻ vì nước – Minh Tâm, Diệt phát xít – Nguyễn Đình Thi, Giọt mưa thu... phần hoà tấu dàn nhạc, hoà tấu bài bản làm nhạc nền cho vở diễn, chưa có sáng tác riêng cho vở diễn. Phần ca, các diễn viên ca bài bản, làn điệu cải lương, phát triển ca Vọng cổ với điệu Oán, Vọng cổ với dân ca, Vọng cổ với ca khúc mới, hoặc các hình thức hát nói phát triển. Các đoàn tư nhân ra kháng chiến diễn doanh thu, hay có nói lối, hát nói đối thoại, cương pha trò với công chúng. Những hình thức cương lời trò nhảy ra ngoài kịch bản khá phổ biến, sau đó nhảy vào hát bài hát mới được hoan hô nhiệt liệt. Những diễn viên trong đoàn cải lương kháng chiến khi diễn vở cũ như: Kiều, Triệu Trinh Nương, Mỵ Châu Trọng Thuỷ... Có người còn cương, pha trò ra ngoài kịch bản. Diễn những vở mới sáng tác nghiêm chỉnh hơn, ca diễn theo kịch bản. Diễn những vở cũ, các diễn viên ca hình thức, chọn những bài ca đang được nhiều người ưa thích đưa vào ca, chất ca vàng vọt bi lụy còn nhiều trong các vở diễn. Ca nhạc cải lương kháng chiến chưa phát triển mạnh, vì lực lượng này quá ít, các diễn viên là những người mới thoát thai từ các ban hát tư nhân, chưa có điều kiện học tập để đổi mới kỹ thuật ca, bước đầu còn nhiều hạn chế. Nhiều diễn viên ảnh hưởng các trào lưu diễn cải lương cũ, những diễn viên cải lương kháng chiến chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng ca diễn cải lương ngoài xã hội.

 

Ca nhạc cải lương kháng chiến, phát triển kỹ thuật ca, hoà tấu dàn nhạc chưa cao, nhưng có nhân tố mới, diễn theo kịch bản mới ít diễn cương ca có phần bài bản, tâm trạng tình cảm nhân vật. Ca nhạc cải lương kháng chiễn bước đầu chưa có sáng tác nhạc cho vở diễn, kỹ thuật ca là ca bài bản, ít nhiều đưa yếu tố ca nhạc mới, kỹ thuật ca mới: ca theo bài bản, ca sát tâm lý, tình cảm nhân vật. Từ nghệ thuật diễn có phần hiện thực, ít diễn cương, hạn chế cuơng trò, cương lời, ít hình thức khoa trương. Ca nhạc cải lương kháng chiến đạt được sức sống mới, tinh thần mới, hướng về cuộc kháng chiến. Mỗi bài ca, vở diễn, ca nhạc cải lương kháng chiến đem đến sức sống hào khí cách mạng, tình cảm con người mới đến với công chúng.

 

b. Mỹ thuật, phục trang.

 

Sân khấu kháng chiến mỹ thuật phục trang nghèo nàn, ngay những đoàn lớn, nhỏ là dân tản cư, chạy loạn đi diễn ở các vùng tự do, cảnh trí đơn giản, diễn những vở cũ cảnh cũ, những đoàn mới thành lập mua đạo cụ tương đối mang tính dã chiến. Những đoàn Anh Đệ, Bích Hợp, Tân Châu, Phụng Khánh, Nam hoa, Thanh Kỳ, Hồng Kỳ, Đại quốc hoa... nhiều đêm diễn chỉ có cái phông giới hạn sân khấu, không gian ba chiều.

 

Sân khấu kháng chiến là sân khấu dã chiến, người diễn, người xem ngồi đứng ngoài trời, nơi là sân đình, không có phông hậu lấy bức tường làm phông. Hai bên cánh gà, đoàn nào có sẵn thì treo lên, bằng không ra chợ mua mấy mét vải riềm bâu may cánh gà treo lên chừng 2m, nhuộm nâu, thế là hợp cảnh, hợp tình. Những trường hợp sân khấu là sân đình, người xem ngồi bốn phía thì người diễn viên ước lệ nào là rừng núi, sông biển... Hình thức diễn này như Chèo sân đình, mỹ thuật chẳng có gì để trang trí, vì thế xem cải lương hôm nay nếu trang trí ước lệ là hạ thấp vẻ đẹp sân khấu cải lương. Mỹ thuật sân khấu cải lương tả thực đẹp hoành tráng như Phùng Huy Bính, Bùi Huy Hiếu, hoặc nghệ thuật sắp đặt sang trọng, đồ vật điển hình, phối cảnh thoáng rộng, hấp dẫn để diễn viên diễn. Mỹ thuật sân khấu kháng chiến trong những điều kiện ổn định, có sân khấu ba mặt, dù là ngoài trời nhiều vở diễn  của Liên đoàn ca kịch kháng chiến thường vẽ tả thực. Một số ban hát, những đêm diễn có điều kiện treo những cảnh tả thực trong nhiều vở cổ. Những vở cải lương đương đại vẽ tả thực, nhưng chỉ có một số cảnh, hoặc một cảnh cứ treo từ đầu đến cuối vở diễn hoặc kéo lên để phông trắng diễn qua mấy cảnh lại thả xuống. Tình trạng trang trí này đến thời chiến tranh giải phóng Miền Nam còn gặp ở các đoàn văn công diễn kịch, chèo, cải lương. Sân khấu có hiện tượng ấy vì điều kiện chiến trường, di chuyển nhiều, vận chuyển gọn nhẹ, cảnh trí vở diễn chỉ là cảnh tượng trưng. Thực tiễn kỹ thuật sân khấu kháng chiến không phát triển thường là:

 

-        Tả thực - ước lệ

 

Mỹ thuật cải lương kháng chiến chưa làm đẹp sân khấu, đạo cụ cảnh trí mang tính ước lệ, nhiều vở đạo cụ chỉ là cái bàn ghế cũ nhưng là cảnh triều đình, sang vở khác là cảnh nhà nông... Mỹ thuật trang trí mục đích giới hạn, xác định không gian sân khấu, không nhằm mỹ lệ hoá sân khấu cải lương.

 

Phục trang những vở cổ lấy phục trang các vở cũ mặc lại, những vở đương đại mặc theo mốt từng giai đoạn xuất hiện trong nhân dân. Giai đoạn 1945 – 1955, các nhân vật bình dân, mặc quần nâu, hai ống lấy dây chun buộc lại dưới cổ chân, mặc áo đen có vẻ là dân anh chị đại ca, giống những gã giang hồ lục lâm. Những cô đào cải lương mặc áo đầm, váy ngắn, tay rộng, đầu thắt nơ, cặp ba lá, đôi khi đào cải lương mặc áo mớ ba, quần áo các bà đồng bóng... phục trang mục đích phân biệt con người sân khấu với con người ngoài đời, sự bắt chước có tính hình thức, không sao chép nguyên bản con người ngoài đời. Phục trang cải lương cố tạo sự khác biệt, nhưng có tính hiện thực phục trang cuộc sống con người đương thời.

 

ánh sáng sân khấu, trước cửa sân khấu vì không có màn đóng kín, nên giới hạn bằng bốn cái cọc tre trên có gác một cái sà ngang để giới hạn là cửa trước mặt khán giả. Trước cửa treo hai cái đèn bão, đến năm 1952 thường được thay thế bằng đèn măng sông chỉ có một cái, đôi khi đang diễn có một anh chạy ra bơm đèn, sân khấu lại mờ mịt, cảnh diễn tạm ngừng, đèn sáng tiếp tục diễn. ánh sáng sân khấu kháng chiến thường thấy: hai đèn bão trước cửa sân khấu, một đèn hoa kỳ để bán vé, một đèn bão soát vé vào cửa. Ngày ấy mọi người khá ngoan, chỉ chăng dây khái niệm sân bãi, có một hai anh dân quân dứng gác, tay cầm kiếm hoặc súng kíp, mọi người mua vé một trăm phần trăm.. Sau hoà bình 1954, xuất hiện một số thanh niên chui rào, vượt rào trốn mua vé vào xem, hoặc chờ tháo khoán, càng về sau tình trạng này diễn ra càng đông. Sân bãi kháng chiến sơ sài, giản đơn nhưng người xem nhiệt tình, chất người biểu hiện tính tốt đẹp trên các mặt thái độ người đi xem và sự trân trọng.

 

Mỹ thuật, phục trang, ánh sáng sân khấu kháng chiến biểu hiện lòng nhiệt tình, sự khát khao nghệ thuật, dù mọi tiêu chí còn nhiều bất ổn...

 

2.  Sân khấu cải lương vùng tạm chiếm

 

Những đoàn cải lương nội thành chạy ra vùng ven tỉnh lị, sau năm 1914 trở về thành lập lại, diễn ra ở Hà Nội và nhiều thành phố phía Bắc. Sân khấu cải lương đô thị xứ Bắc phát triển sau cuộc tổng khởi nghĩa tháng tám, ranh giới hai chính quyền tương đối ổn định, kinh tế thể chế chính trị. Lực lượng kháng chiến chưa đủ mạnh, có lại thế phòng ngự ở nông thôn, các đô thị tương đối hoà bình. Nhiều đoàn cải lương có điều kiện ra đời, công diễn nghệ thuật theo trào lưu văn hoá mới, mở cửa tiếp nhận các hình thức nghệ thuật Pháp, Châu Âu vào thành phố. Sân khấu cải lương nảy sinh nhiều khunh hướng nghệ thuật, phục vụ các đối tượng công chúng có nếp sống văn hoá thành thị.

 

Năm 1946 tại Hà Nội còn năm đoàn cải lương, năm 1945 chạy ra các tỉnh, năm 1947 về Hà Nội, đoàn Tố Như, Đại quốc hoa, Nhật tân, ái Liên, Lạc Việt. Các đoàn diễn những vở cải lương lịch sử, bước đầu lấy lại công chúng, sân khấu chưa đổi mới. Thành phố Hải Phòng có đoàn Phụng Khánh, Kim Ngọc, Nhạn trắng, biểu diễn tại thành phố và các vùng ven huyện Kiến An, Vĩnh Bảo... Thanh Hoá, Nam Định còn có các đoàn Tiếng chung, Thịnh Lạc diễn tại thành phố và các vùng ven nội thị. Nghệ thuật cải lương những năm đầu chưa mới. Một số đoàn còn khí thế cách mạng, diễn một số vở có tinh thần yêu nước, sau đi đến thoả hiệp diễn các loại cải lương theo hướng mới. Tuy hai miền Nam Bắc cách xa nhau, chiến tranh gian khổ, đi lại khó khăn, nhưng đường sắt chưa bị phá, nên là tuyến đường duy nhất nối từ Nam ra Bắc. Đường sắt là tuyến hoạt động giao thông hàng đầu. Năm 1950, sử dụng những tuyến đường sắt để vận chuyển, ngoài ra còn đường ô tô ra Bắc... Dù đi lại bất an nhưng còn có đoàn cải lương Nam lưu diễn ra Hà Nội, hoặc qua sự giao thương sách báo, đĩa hát... cải lương Hà Nội diễn biến giống như cải lương Sài Gòn. Từ năm 1948 đến 1954, cải lương Hà Nội diễn các loại:

 

-          Cải lương kiếm hiệp, La Mã, ấn Độ, diễn huyền

-          Cải lương hương sa, tuồng Tây

-          Cải lương tuồng Tầu, tuồng Phật.

 

Đây là thuật ngữ phổ biến của giới cải lương ngày ấy thường sử dụng, cải lương kiếm hiệp, La Mã, ấn Độ... thực ra là loại tuồng võ, cải lương có đánh võ trong những vở tuồng cổ: Những nhà ngiên cứu sử dụng thuật ngữ này có hàm ý miệt thị một khuynh hướng cải lương, vì những pha đánh võ xưa thường ly kỳ, rùng rợn, đó là hình thức diễn chinh phục công chúng bằng sự tò mò, kỳ bí. Nhiều diễn viên có miếng đánh rùng rợn, phi đao, thổ huyết, bay người, nhào qua vòng lửa, bắn tên, tổ chức những màn đao kiếm ồn ào... Còn hương sa, diễn huyền... là loại cải lương bi luỵ, lãng mạn, sexy có gì lạ, hầu hết các đoàn cải lương các đô thị thời tạm chiếm chuyên diễn hai loại cải lương khá phổ biến, nổi tiếng thời ấy là: Cải lương Kiếm hiệp La Mã, cải lương lãng mạn. Đoàn cải lương Kim Chung, Nhật Tân, Anh Đệ, Kim Phụng... diễn các vở cải lương kiếm hiệp: Trộm mắt phật, tên cướp thành Bát Đa, Người anh hùng xứ Phổ Lan – những vở này do Ngọc Dư đạo diễn dựng cho đoàn Kim Phụng những năm 40, 50 của thế kỷ XX. Nhiều đoàn cải lương ở Hà Nội diễn những vở kiếm hiệp, dựng lại những vở trên. Nghệ sĩ Ngọc Dư kể lại ông dựng nhiều pha đánh trưởng Kiếm hiệp, làm người bay từ trên cao rơi xuống. Hoặc bay qua sân khấu, lượn qua mắt khán giả... vung gươm sáng loá, nhìn thấy kinh sợ. Hoặc những vở cải lương lãng mạn, hương sa, diễn huyền, diễn có nhảy sex... lại có vở bi lụy, sướt mướt như Mồ cô Phượng, Lá ngọc cành vàng, Lan và Điệp, Tuý hoa vương nữ, Mộng hoa vương, Nhạc mùa xuân, Đôi thiết hài xanh, Đa Lê Na, Rô Mê Ô và Juliette... Những vở diễn trên nói lên các loại cải lương diễn thời tạm chiến của chính các ban hát nghệ sĩ Lệ Thanh, Ngọc Dư tham diễn như Đại quốc hoa, Kim Phụng, ngoài ra còn các đoàn Lim Chung, Nhật Tân, Anh Đệ... Nhiều vở diễn có chiếu phim tả cảnh máy bay bắn phá, người tản cư hoặc tả lại cuộc đại chiến lần thứ II... Sân khấu cải lương nội thành có nhiều hướng diễn mới, xa rời sân khấu cải lương có phần thuần Việt ban đầu.

 

Nghệ thuật cải lương các đô thị vùng tạm chiếm từ năm 1945 – 1954, đổi mới, toàn diện. Đổi mới vở diễn, hình thức sân khấu, nội dung phản ánh. Sân khấu cải lương Hà Nội những năm 30, có phần bình dị, nghiêm chỉnh diễn những vở lịch sử có tinh thần dân tộc, những vở đương đại có tinh thần yêu nước đi theo chính phủ kháng chiến. Sau những năm bị tạm chiếm đã thoả hiệp, diễn những vở tô vẽ cho lối sống thị dân Pháp, hoặc chính quyền thực dân. Một số vở ru ngủ lòng dân bằng ca diễn bi luỵ, sexy, hoặc đánh võ ly kỳ bí hiểm, than thân trách phận, buồn thương tan nát... không lối thoát. Nhiều vở diễn nói về những mối tình tay ba, tay tư, khắc khoải nhớ mong, mộng mỵ trong nước mắt. Con người mềm yếu chờ thời, thiếu hành động dành lấy tình yêu trong cuộc sống, một số vở mơ vào cõi tiên, cõi phật chờ vận may, thật không tưởng như chyện cổ tích thần thoại Chử Đồng Tử. Chàng xuất thân là người đánh cá dưới sông, có hai đời cha con chỉ mặc duy một cái khố, cha chết di chúc lại cho con, nhưng con lại nhường cha để cuối cùng con phải cởi chuồng. Vậy mà chàng vùi thân dưới cát lại lấy được công chúa, những môt típ ấy kiểu như Thạch Sanh lấy công chúa... Những vở cải lương tuồng Phật, giáo dục người ta không đấu tranh chống lại định mệnh, hãy ở hiền sẽ gặp lành. Điều ấy là không tưởng, ngày nay những ai viết kịch chỉ nhại lại những mô típ của cha ông là vô bổ, con người hôm nay phải hành động, nếu không sẽ bị tiêu diệt, phải bẻ ngược cái chân lý của cha ông để lại cho phù hợp với con người hôm nay, đổi mới cách phản ánh, đó là vì cuộc sống mới. Những vở cải lương vùng tạm chiếm dù viết dưới hình thức nào, đều là ru ngủ lòng dân, lao vào vòng xoáy đam mê hưởng lạc, an phận cam chịu mất nước. Cải lương các đô thị vùng tạm chiếm đã đổi mới nghệ thuật, nội dung vở diễn phong phú các hình thức biểu hiện, thoát khỏi giai đoạn chân phương bình dị, chân thực.

 

Nghệ thuật cải lương hấp dẫn, hình thức, chạy theo thị hiếu công chúng, đem đến vẻ đẹp mới sân khấu thưởng ngoạn hưởng thụ: vẻ đẹp hình thức, giọng ca ngọt mùi, hình dáng ấn tượng các nhân vật anh hùng và mỹ nữ.

 

2.1 Nghệ thuật biểu diễn.

 

Nghệ thuật biểu diễn cải lương vùng tạm chiếm có điều kiện đổi mới toàn diện, chuyển qua giai đoạn mới từ kinh viện carabộ, tuồng bộ, sang ngôn ngữ hành động hiện đại. Nghệ thuật diễn không tìm kiếm hình mẫu động tác diễn các nhân vật tuồng cổ, từ người này truyền lại người kia như bản phô tô từng động tác, đài từ, vũ đạo... Nghệ thuật diễn mang tính tự do, mỗi diễn viên gần thoát khỏi hoàn toàn những động tác mẫu, vai mẫu của thày, tìm hành động ngôn ngữ nhân vật riêng. Nghệ thuật diễn mỗi người được phép sáng tạo vai diễn mới, nghệ sĩ Ngọc Dư trong vai Quách Hoè năm 1950, ông tự nghĩ ra hành động diễn về cái gậy của nhân vật. Cái gậy Quách Hoè chống để bước ra sân khấu trở thành hình tượng có tính triết lý. Đó là cái gậy để hắn dựa vào lao lên những nấc thang danh vọng quan trường, hắn dựa vào sự vững chấc của ban bè, xã hội, khi thành công hắn vứt gậy đi, lộ nguyên hình là tên phản phúc. Đó là lối diễn biểu hiện hành động sân khấu, một phía nhân vật mang tính hình tượng. Ông còn sử dụng ngôn ngữ ngoại hình, mồm méo mỗi khi tức giận, hai bên má co giật, mắt nhấp nháy... biểu hiện tính gian manh hung ác hiểm độc bên trong con người Quách Hoè. Nghệ sĩ ái Liên loại đào nghiêng nước nghiêng thành, bà diễn có nội tâm, giộng ca ngọt mùi, quyến rũ, nhiều gã hoàng tử, quan Tây mê hồn những vai công chúa, A Lê Na hát tiếng Pháp, nhảy tăng gô... Bà kể có lần diễn ở Bắc Giang, đoàn bị trành mật thám giữ lại, bà và ông Hà Quang Định lên bốt nói mấy câu tiếng Pháp vui vẻ, cả đoàn được trả về. Bà Lệ Thanh năm 1946 diễn ở Thanh Hoá bị vợ một tên quan bắt phạt đoàn, bà cùng Bích Được lên ca mấy bài mọi chuyện lại tan đi...  Như vậy các nghệ sĩ cải lương có vai trò, vị trí xã hội qua nghệ thuật ca diễn. Các diễn viên diễn theo phong cách ca diễn mới, diễn có phần nội tâm cộng với ngoại hình gây ấn tượng đẹp và giọng ca hay, là ba đặc tính của đổi mới nghệ thuật diễn, tìm ngôn ngữ mới cho nhân vật là những sáng tạo riêng. Ngừng sáng tạo vai diễn ở một số diễn viên ngôi sao khá nghiêm, diễn ngoại hình còn phổ biến, đánh võ giật gân cương lời thoại, pha trò ra ngoài kịch bản như một trào lưu cải lương, họ coi là tài năng xuất chúng.

 

Bên cạnh một số sáng tạo ngôn ngữ, hành động diễn tiến bộ, sự lộn xộn trong lối diễn khoa trương khá phổ biến. Những vai diễn cương vô bổ đi cùng nạn nghiện hút, cờ bạc trong không ít diễn viên của nhiều ban hát. Có nghệ nhân năm 1980, khai thác những bài cổ nhạc ông nói: tớ phải có phiện thì diễn mới hay, quả thật khi có thứ đó, ông nói, hát từ sáng đến trưa không biết mệt. Nạn đánh bạc khá phổ biến đến mức, các diễn viên diễn hết màn vào làm vài ván, mải đánh đến lượt lên. Người nhắc vở gọi tên, vội chạy ra vuốt râu, thì râu để quên ở bên trong, nên cương luôn “như ta đây là Trương Phì, em của Trương Phi”... cứ như thế cương vai diễn, sau một đoạn chạy vào đeo râu ra diễn vai Trương Phi. Những lối diễn cương pha trò mang tính nghiệp dư khá phổ biến của cải lương tạm chiếm, hình thức diễn này ảnh hưởng tới các diễn viên viên cải lương kháng chiến, nhiều người còn diễn cương, pha trò vô thức. Ngoài ra còn các lọai ca Quảng tự do, nhiều vở tuồng Việt, cương mấy câu hát Quảng, nói mấy câu chú khách gây cười. Nhiều đào kép lại ca diễn than vãn nỉ non sướt mướt, não nuột chìm đắm vào ảo mộng, tan nát cõi lòng, tạo không khí buồn đau trên sân khấu cải lương, hoặc ca nói đệm tiếng Pháp vào cho oai, coi thường Việt ngữ, diễn ngoại hình trong mốt trang phục sexy, gợi tình...

 

Sân khấu cải lương phong phú, đổi mới nghệ thuật diễn có những thành công, nhưng có những tệ nạn, sau hoà bình phải làm cuộc cải tạo lối sống con người và nghệ thuật. Các đoàn nghệ thuật từ năm 1960 phẩi đề cao khẩu hiệu: xây dựng các đoàn văn công chính quy hiện đại, nhờ đó đến năm 1965, các đoàn nghệ thuật Bắc mới chấm dứt tình trạng nghiệp dư.

 

2.2. Âm nhạc, mỹ thuật.

 

a. Âm nhạc.

 

Sân khấu đổi mới, nghệ thuật diễn mới, hợp thành sự đổi mới ca nhạc, xuất hiện những cặp ca nhạc tung hứng trên sân khấu. Nhiều diễn viên hạng sao thường treo ảnh trước cửa rạp mỗi ban hát, các đào kép phóng to, gợi cảm hớ hênh, hoặc theo trang phục nhân vật... Bằng nhiều hình thức các ban hát chinh phục, hấp dẫn khán giả vào mua vé ngay từ ngoài rạp hát, chưa kể các vai diễn. Có lần Lệ Thanh đi chùa, gặp mấy bà khán giả lại chào chị: con chào Bà ạ! Nghĩa là Lệ Thanh vào vai Trưng Trắc đến mức ra ngoài đời, người ta còn kính trọng như là Bà Trưng Trắc đang hiển hiện trước mặt họ, đây là lời kể của nghệ sĩ. Qua đó, cho thấy sân khấu hấp dẫn công chúng dưới mọi hình thức, có sự hấp dẫn của âm nhạc, không nằm ngoài tổng thể biểu hiện của nghệ thuật cải lương.

Âm nhạc đổi mới nghệ thuật ca diễn hấp dẫn đến mức công chúng đặt thành bài vè những cặp ca nhạc cải lương. Các diễn viên ca các loại bài bản từ ngâm, hò, Oán đến bản Vọng cổ, ca khúc mới... nhiều giọng ca ngọt mùi hấp dẫn. Hát Lý ái Liên, Phan Ninh, Sĩ Tiến pha trò... Nhất Lạng, Nhì Đức... Nhạc Đinh Lạng, Nhạc Tấn, Xuân Vũ, Kim Sinh... tạo ra những cặp bài trùng ca nhạc làm nghiêng ngả sân khấu âm nhạc cải lương Bắc có những tay đàn ngọt, ca hay. Đinh Lạng kéo nhị luồn hơi không ai bằng, ông Vũ Tuấn Đức đàn hết sức bài bản, Nhạc Tấn ghi ta viên, Kim Sinh thập lục, ghi ta ha woai mùi, tiếng đàn như người nói, người ca. Nhiều ban hát còn quảng cáo cả những tay ghi ta lão luyện, song ca đào kép... Ca nhạc cải lương đổi mới, giai đoạn trước nghiêm túc, có tính kinh điển, giai đoạn sau tự do, phóng túng, pha tạp, lai căng. Cải lương ca nhạc Tầu, nhạc Tây, bài bản cổ. Chữ lai căng không có nghĩa là xấu, mà chỉ sự phát triển nhiều dòng ca nhạc vào cải lương. Ca nhạc cải lương mới ra đời là ca nhạc dân gian, bản địa, thuần Việt, khi phát triển đã lai căng ngay. Lai căng như bản chất ca nhạc cải lương trên con đường phát triển âm nhạc, lúc đàu tiếp nhận gần nguyên xi dòng nhạc ngoại lai, sau cải lương hoá, loại bỏ, tiếp thu tinh hoa. Đó là quá trình phát triển ca nhạc cải lương, những hình thức lai căng là giai đoạn đầu cách tân, đổi mới ca nhạc cải lương. Ca nhạc cải lương đi cùng sự cách tân sân khấu, người ca bài Quảng, người đàn không thể khác. Ngày nay, người diễn viên cải lương nhảy hip hop, dàn nhạc không thể đệm bài Vọng cổ... Nếu có đệm bản Oán, thì bản Oán theo nhịp hip hop, đó là sự lai căng, sự tiếp nhận ban đầu ca nhạc cải lương, sau đó, loại bỏ, hoặc tìm đến một bài bản hip hop khác cải lương hoá... Ca nhạc cải lương tạm chiếm, phát huy kỹ thuật độc tấu nhạc cụ ca ngâm hoà cùng giọng ca thành những cặp đàn ca, đôi khi như song diễn trên sân khấu chạy ra ngoài kịch bản. Những hình thức diễn ấy được công chúng hâm mộ, họ thích nghe đàn ca riêng bản Vọng cổ, hoặc bản Oán và các điệu Lý với những đàn ca tài tử ngọt mùi. Ca nhạc cải lương phát triển phần hoà tấu dàn nhạc dựa trên những bài bản làn điệu, làm nền vở diễn, hoặc lấy những bản nhạc nổi tiếng làm nhạc cắt, chuyển cảnh, cao trào, chào khán giả.

 

Âm nhạc cải lương tiến lên bước mới, có âm nhạc sân khấu, nhạc độc diễn cho ca, tạo không khí và nâng cao các giọng ca thành nghệ thuật ca diễn ngọt mùi. Ca nhạc và sân khấu, tạo sự hấp dẫn, dưới nhiều hình thức đáp ứng công chúng.

 

b. Mỹ thuật.

 

Mỹ thuật sân khấu cải lương vùng tạm chiếm có điều kiện đổi mới, giai đoạn trước tả thực ước lệ, bây giờ tả thực như thật. Trang trí đồ vật như thật, những vở cải lương đương đại như Mồ cô Phượng, Lá Ngọc cành vàng, Nửa chừng xuân, Lan và Điệp... vẽ tả thực, đồ vật thật sang trọng.

 

Mỹ thuật sân khấu cải lương góp phần nâng cao thẩm mỹ hình thức bằng vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng, hấp dẫn từ hình dáng màu sắc đến nội dung bên trong. Nhiều đoàn diễn đồ sộ có dàn đồng ca như Ban Tây Thi, thường mở đầu chào khán giả sân khấu hoành tráng, đào kép đẹp, ánh sáng màu sắc lộng lẫy. Hoạ sĩ vẽ quảng cáo vở diễn chi tiết, công phu, viết danh sách đào kép, băng rôn to treo hai bên rạp... Sân khấu hình thức, mỹ thuật có tính hình thức maketinh, trong trường hợp này hình thức mỹ thuật không hoàn toàn là xấu bởi nó phô trương hình thức nhưng có tính biểu hiện nội dung. Nội dung của hình thức này là đẹp, làm trang trọng vở diễn và nghệ sĩ, mục đích là chinh phục công chúng đến rạp mua vé, một phần thán phục các nghệ sĩ tài sắc. Đó là các hình thức bên ngoài, từ dáng vẻ quảng cáo thương hiệu đến bên trong vở diễn. Các ban hát lấy tiêu chí đẹp, trang trọng tả thực như thật để hấp dẫn. Tuy nhiên có những vở trang trí hình thức thật, có quá nhiều cảnh thay đổi rườm rà, cốt làm đẹp, hình thức không chú ý tả vở diễn. Các ban hát diễn những vở cổ trang trí chung tính, nhiều cảnh chưa đúng với điều kiện hiện thực lịch sử. Mỹ thuật nhằm mỹ lệ hoá sân khấu và cảnh trí. Những vở cải lương kiếm hiệp, La Mã, ấn Độ... đạo cụ binh khí khuyếch đại khiến người xem nhìn thấy đã sợ bởi ấn tượng hình thức. Những cảnh người bay cầu kỳ, công phu phi hiện thực, hoàn toàn mang tính hình thức như vở Sơn hà xã tắc, Tôn Tẫn hạ sơn... Mỹ thuật những vở tuồng Tây, ảnh hưởng kịch nói, nhạc kịch opera, sân khấu trang trí mảng khối ước lệ hiện đại. Tuy nhiên, những mảng bẹt ngày xưa gọn nhẹ, dễ vận chuyển không đồ sộ như sân khấu cải lương những năm cuối thế kỷ XX. Sân khấu cải lương xuất hiện nhiều hoạ sĩ mới: Trọng Can, Mộng Goòng, Nguyên Hồng...

 

Mỹ thuật đổi nới, phục trang tân thời, hoặc những vở cải lương cổ, phục trang lộng lẫy kim sa, kim tuyến sang trọng như thật. Phục trang các đào kép chinh phục khán giả bằng dáng vẻ bên ngoài, nhiều diễn viên trước khi ra diễn còn chuẩn bị khá công phu bằng hình thức bên ngoài. Các nghệ sĩ xưa hay chơi trội để khán giả chú ý, có lần theo mốt thời trang ông Ngọc Dư bịt mấy chiếc răng vàng trong vai tuồng cổ bước ra sân khấu, bị ông thầy cho một đạp ngã lăn ra, ông vội vào thay răng cho đúng với vai diễn. Đó là cách diễn cương, xử lý tình huống là một trong những tài ứng diễn của người xưa để sửa chữa những sai xót. Nhiều nghệ sĩ diễn những vở cải lương đương đại, phục trang quần áo, túi sách, đồ trang sức đồ thật tân thời, đẹp lộng lẫy làm nhiều người học theo...

 

Mỹ thuật phục trang tả thực như thật, lộng lẫy, hoành tráng, hấp dẫn. Sân khấu cải lương đổi mới trang trí phục trang, tân thời có tính hình thức đem đến ấn tượng trực quan. Sân khấu trực quan có phần hiện thực thực dụng, chinh phục khán giả nhằm mục đích hiệu quả doanh thu của một thời các ban hát tự do phát triển, tự do tồn tại và tan rã.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 4194
Ngày đăng: 10.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử cải lương 5 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 4 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 3 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 2 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 1 - Tuấn Giang
50 năm trong một liên hoan - Hiền Lương
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 1 - Nguyễn Ngọc Bạch
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 2 và hết - Nguyễn Ngọc Bạch
Suy nghĩ về nhạc cải lương - Nguyễn Ngọc Bạch
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)