Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.245
123.160.492
 
Hôn bàn chân em lạnh ngắt
Lưu Thuỷ Hương

Ánh ban mai yếu ớt nhập nhòa cố xuyên thủng màn đêm, xuyên qua khung cửa sổ hoen rỉ, xiêu vẹo. Màu tím dập dềnh lan man trong căn phòng phủ dày bụi đỏ, vất vưởng bám vào cánh cửa tủ gỗ tràm giăng kín tơ nhện. Tiếng người rì rầm gọi nhau trong màn sương ẩm ướt vật vờ trôi dạt về cánh rừng xa xăm. Buổi sáng thoi thóp vừa sống lại sau đêm dài mịt mùng, ngỡ ngàng vươn đôi cánh tay gầy xanh xao níu lấy bầu trời.

 

Một ngày mới ở nông trường.

Em lần mò nhìn vào tấm gương hoen ố, vàng úa màu đêm qua. Mái tóc đầy đặn như mây chiều phủ kín bờ vai, mập mờ vùi tắt vào vùng bóng tối phía sau lưng. Em mỉm cười, khao khát.

 

Chiếc xe đạp nằm nghiêng ở góc nhà đóng bụi thời gian. Cọt kẹt, lẹt xẹt, rèn rẹt… bánh xe phập phều lăn trên đường.

 

Qua cánh đồng tranh kia sẽ là rừng bạt ngàn. Ánh đèn điện chiếu sáng lóa trên dãy sân tennis nối dài thẳng tắp, lưới mắt cáo vây quanh cao ngất. Ánh đèn sáng lấp lánh trên bể bơi xanh thẫm, lăn tăn sóng. Những ngôi biệt thự tân kỳ phủ hoa vàng, những dãy nhà cao tầng ốp đá hoa cương. Chiếc xe đạp sét khô mãi rên xiết… cọc cạch… cút kít. Tiếng rên thảm não chết nghẹn giữa dòng xe tải đang rầm rập nối đuôi nhau lăn bánh trên con đường nhựa phẳng phiu. Dòng xe hối hả tuôn chảy về khu chế xuất. Máy chạy ầm ào tỏa khói đen nghịt vây kín đầm lầy, tuôn dòng nước thải thối rữa nhuộm vàng vọt lau cỏ ven sông. Trong lòng xe, những dãy thùng xếp kín chất cao, sóng sánh lặc lè bầu sữa trắng. Em và chiếc xe đạp bị nhận chìm trong làn bụi đỏ. Đoàn xe vẫn đi vội vã. Rừng miền Đông ào ào lá đỏ. Em đứng, đứng ở bên đường, như quê hương, vai áo bạc mê muội gọi thầm: “Vàng. Vàng trắng… Máu của miền Đông”.

 

Máu chảy thành dòng. Máu chảy về tim.

Qua cánh đồng tranh là rừng. Rừng đen bạt ngàn nhập vào sương sớm chỉ thấy nhòe nhoẹt một màu chướng khí ẩm đục. Em nhắm mắt lại lừng lững thả bước chân mình trôi đi. Mùi mủ cao su, mùi nhựa gỗ, mùi lá non ngậm sữa lẩn trong sương ướt. Mùi lá mục rã nát quyện vào đất đỏ. Những thứ mùi quen thuộc đã thấm sâu vào cơ thể, tan vào máu thịt chẳng thể nào nhầm lẫn. Tiếng người vọng ra từ những lô cao su rì rào, xầm xào… nghẹn ngào chìm tắt giữa mù sa. Lô cao su non bên đường vừa vào tuổi cạo đầu tiên, thân cây tròn bằng bắp đùi con gái. Những tấm thân dậy thì chớm căng nhựa sống. Nhựa trinh nguyên thơm rạo rực. Em mở căng lồng ngực, cười khao khát.

 

Thằng nhỏ còi cọc cố rướn con dao lên thấu vòng cạo. Đầu gối mốc meo chai sần tì vào lớp vỏ trắng, nó đu lên, nhảy lò cò quanh gốc cây. Bàn tay gầy gò đi được hết đường cạo, sạch sẽ ngọt sớt, thoai thoải từ trái sang phải. Một dòng nhựa trắng tinh róc rách chảy vào chiếc chén sứ, nhựa trắng như sữa. Thằng nhỏ nhảy tập tễnh trong bóng ban mai nhợt nhạt, vỗ tay khào khào hát: “ Vàng. Vàng trắng… Chảy đi vàng ơi. ”

 

Em đẩy chiếc xe đạp băng vào lô, khúc khích bảo:

- Nhỏ, đi cạo mủ sao không vác ghế theo đứng?

 

Thằng nhỏ lừ đừ quay sang nhìn, đôi mắt vàng bợt mấp máy trên khuôn mặt choắt cheo, cằn cỗi. Đôi môi xám chì mỏng lét lắp bắp thì thào:

- Cô!... Cô giống cô Kim!

- Cô Kim là ai?

- Là kỹ sư trẻ mới về nông trường.

- Nhỏ tên là gì?

- Tên Thường thôi.

- Lô này của anh Phong à?

 

Cái tên vừa bật ra trên môi bỗng thành cơn đau dội ngược về tim. Em choáng váng tựa lưng vào gốc cây, ôm lấy cơn đau trân trối nhìn thằng nhỏ. Thằng Thường lắc đầu dửng dưng.

- Lô này của chủ tịch.

 

Thằng Thường cầm con dao quay đi, nó lò cò đu tiếp vào mấy gốc cây, vặn vẹo thân người theo đường cạo. Thằng Thường giống con thằn lằn đói. Khoảng áo rách trên vai giãn ra mỗi khi thằng nhỏ rướn người lên. Em đi theo sau thằng Thường, đưa tay xoa lên cái đầu lở chốc, tần ngần bảo:

- Thường cạo mủ xong, chiều ghé qua cho chị vá áo.

 

Giọng thằng Thường u uẩn như tiếng khóc:

- Cô giống cô Kim. Tâm hồn nhận hậu làm chi, dễ bị lợi dụng.

- Cô Kim hay vá áo cho Thường sao?

- Áo rách của em cô Kim còn xếp trong tủ.

- Cái tủ gỗ tràm ở góc phòng, phải không?

- Dạ. Hồi em bị sốt rét quật ngã, cô Kim khóc em suốt ba ngày, giữ luôn áo lại trong tủ.

- Bây giờ Thường ở đâu?

 

Thằng Thường chỉ tay mông lung về chân trời tối.

- Ở cuối cánh rừng, cạnh cô Kim. Con cô Kim hay khóc lắm. Con nít không đầy tuổi được, khóc tức tưởi hoài.

 

Em lầm lũi dắt xe đi về hướng cuối cánh rừng. Thằng Thường lảm nhảm: “Cô đừng đi.” Trời dần hửng sáng, chướng khí bị đẩy về phía rừng xa chỉ còn một màu xám loang loãng. Hơi sương đọng giọt treo trên mép lá tranh long lanh màu ngũ sắc. Con đường trải nhựa đẫm ướt loang loáng giấc đêm qua, lầm lì chạy dọc theo những hàng cây thẳng tắp. Lô cao su đang tuổi trưởng thành, sung mãn lạ lùng. Sức sống hừng hực nưng núc nén sau lớp vỏ căng cứng, ngập ngụa tràn vào từng khe lá nõn. Lá nõn nà nần nẫn xanh mơn mởn. Nền đất đỏ mẫm mượt không một ngọn cỏ dại, mỡ màng ứa mật đỏ. Mật của đất nhầy nhụa khao khát. Anh thanh niên thoăn thoắt vác đôi thùng gom nhựa trong những chiếc chén gốm treo lơ lửng. Dòng nhựa đổ vào thùng dào dạt, nhựa thanh xuân ấm nồng hừng hực. Nắng sớm heo hắt không xuyên qua được tàn lá dày đặc, chỉ có một vùng sáng tối nhạt nhòa bên dưới bóng cây phủ lên làn da trai trẻ đỏ au như đất, bắp thịt trần cuồn cuộn thớ gỗ. Bụng em như thắt lại khát thèm sự sống rạo rực đang phơi bày hiện hữu, tưởng như có thể sờ mó được, cưỡng đoạt được. Em nghèn nghẹn nói:

- Sao anh không mặc áo?

 

Anh thanh niên quay phắt lại, đôi mắt tím rạt trên khuôn mặt vàng ệt bủng beo. Nụ cười lệch lạc:

- Cô giống cô Kim.

- Giống lắm sao? Anh tên là gì?

- Tên Thường thôi.

- Đất này của ai?

- Đất của bí thư.

- Chiếc xe đạp cứ lọc cọc hoài.

- Con ốc bên phải của vè sau bị lờn, đẩy nó sang trái một chút. Kim hay làm vậy!

- Anh Thường sửa dùm đi.

- Sửa làm gì? Kim đi xe hơi rồi, đâu còn đi xe đạp nữa.

 

Em lặng im nhìn ra trảng tranh. Nắng hao hao vàng, biển tranh dập dờn sóng. Hai con bướm lượn lờ nhập nhoạng đuổi nhau bay, tan biến vào bóng rừng lung luyến đam hoặc. Em xót xa cười mông muội.

- Anh Thường. Đêm qua đã thành bướm bay đi.

 

Anh thanh niên lùi lại, rùng mình bảo:

- Cô giống Kim. Đuổi theo ảo mộng không tìm được lối về. Cô đừng đi nữa.

 

Em lại lọc cọc ra đi, chút ai hoài vừa thoáng đọng rơi lại phía sau lưng. Con đường nhựa mấp mô nhỏ dần. Nắng ngùn ngụt đổ hơi nóng, cánh đồng tranh loang loáng cháy phía xa. Tay chân em ngứa ngáy, hơi mủ cao su bám trên da thấm dần vào máu, sần sùi ửng đỏ. Khuôn mặt căng ra nóng bừng bừng. Cổ họng nứt nẻ khát khô. Con suối đổ ra từ rừng len giữa đôi gềnh đất đỏ bị xâm thực lở loét trần trụi. Mùa mưa, dòng nước hung hãn bạo tàn cuốn trôi đi đất đá, cuốn phăng đi những kẻ nhắm mắt vùi mình. Mùa khô, nước lững lờ trong xanh dịu dàng. Em quỳ gối bên dòng suối mát, tuyệt vọng, kiệt quệ vì khao khát. Em thèm vùi khuôn mặt nóng bừng vào làn nước mát, chìm đắm thân thể khô héo giữa dòng suối tươi. Con suối lừng lững vô tư chảy, róc rách ngây thơ mang theo dòng nhựa độc thấm ra từ lớp lớp cao su. Em cúi đầu trên mặt nước, chiếc bóng lung linh hiện ra khắc khoải, khuôn mặt sưng phù. Em xốn xang nghĩ, chiếc bóng có bộ mặt người phụ nữ mang bầu.

 

Bác công nhân khệ nệ xúc phân rải xuống mấy gốc cây, đưa tay gạt lớp mồ hôi trên khuôn mặt héo hon, lừ lừ bảo:

- Đừng uống nước đó. Thịt xương vùi gốc cao su.

- Ai ở dưới suối?

 

Bác công nhân khấp khểnh lê đôi bàn chân phù thủng ra bờ suối, gật gù nhìn vào chiếc bóng:

- Cô!... Cô giống cô Kim.

- Cô Kim có bầu sao?

- Năm tháng.

- Rừng này của anh Phong à?

- Của giám đốc.

- Tên bác là Thường, bác là công nhân của giám đốc, đúng không?

- Cô biết nhiều quá, giống cô Kim, cô quạnh ở cuối rừng.

- Tại sao không đưa cô ấy về quê?

- Tủi nhục lắm.

 

Em đứng dậy xăm xăm đẩy xe đi về phía cuối rừng. Bác Thường lẩm bẩm:

- Cô đừng đi nữa. Là người không nên biết nhiều quá. Phải có chỗ không biết để lẩn vào đó mà sống.

- Xe đạp này hư rồi – Em hấp tấp ngắt lời.

- Bỏ lại đâu đó đi. Ở đây không ai đi xe đạp đâu.

 

Khu rừng cuối trảng tranh âm u lạnh lẽo dưới bóng chiều. Con đường đất đỏ gập ghềnh quanh co phủ đầy cỏ dại. Nước mùa mưa năm tháng kéo qua cuốn trôi màu mỡ, chỉ còn cằn trơ sỏi đá. Đất bạc màu trơ xương trắng. Những hàng cao su già nua bệ rạc bên đường, nghiêng ngã tựa vào nhau. Cụ già lập cập xới cỏ, xới đến đâu cỏ mọc tràn đến đó, cỏ cũng xơ xác đói như cây. Ông cụ làu bàu chửi:

- Con nhỏ kia! Bỏ chiếc xe đạp ngoài đường! Cấm vác xe vô nông trường. Nội quy, khẩu hiệu treo đầy, không thấy sao?

- Nhưng cháu sợ mất xe.

- Ở đây không có ai biết đi xe đạp đâu.

- Không có ai đi xe đạp - Em ngớ ngẩn chữa lời ông cụ.

- Tôi nói “ không có ai biết ” - Cụ già càu nhàu - Hôm ông Tây đi xe đạp về đây, con nít nông trường lần đầu thấy xe đạp, hò reo vỗ tay chạy theo xem.

- Ông Tây nào? - Em hoang mang hỏi.

- Ông Tây mũi lõ, ngồi xe đạp, cầm ba ton đánh vào bụng đứa con gái. Nó ngã xuống ở đây. Tả tơi nhục nhã cũng ở đây.

 

Em bần thần ngước nhìn hàng cao su già cỗi vây quanh, những cành cây khô xương xẩu lá phủ phấn trắng, lá bệnh hoạn rơi vàng dưới gốc. Những vệt cạo trên cây biến màu nâu thối loét. Từng cục mủ thối bám trên thân sần sùi ung nhọt. Nhựa khô cằn trong chiếc gáo dừa vỡ đóng màu nâu đỏ hôi hám. Nhựa đỏ hơn máu của đất.

- Đám cây này trồng từ năm nào?

- Khi tôi sanh ra đời đã có chúng nó - Cụ già lẩn thẩn cười.

- Cụ nói dối. Cây cao su chỉ thu hoạch ba mươi năm.

- Ờ, đó là thu hoạch. Không cho chết đi thì vẫn phải sống vất vưởng - Cụ già nói dửng dưng.

- Cụ Thường - Em tức tối la lên - Đợt bón phân, phun thuốc lần cuối là khi nào?

- Khi nào, phân nào, thuốc nào? – Cụ Thường lẩm bẩm ngờ nghệch.

- Phân hàng năm, định kỳ. Thuốc vụ sương, thường niên. Rành rành trong sổ sách.

- Ờ… thì sổ sách. Con nhỏ này bệnh chữ nghĩa, giống con nhỏ kia - Cụ Thường cười quái quỷ - Có muốn về đằng nhà uống chén trà không?

- Nhà cụ ở đâu?

- Gần cuối cánh rừng.

 

Bàn tay gầy guộc còng queo như xương khô chỉ mông lung về phía rừng sâu tăm tối. Nụ cười méo mó. Dòng thời gian trôi qua vật vã, đào bới xói mòn da thịt. Em nhìn thẳng vào đôi mắt kéo mây chiều đục lờ, lặng lẽ gật đầu. Cả hai xăm xăm vạch cỏ đi vào cánh rừng đen thẳm. Cành khô cây dại dan díu cấu véo bước chân, dây chùm gửi giăng thòng lọng đan xiết nghẹn thắt.

- Cháu đến uống trà để hỏi cụ một câu cuối cùng.

- Tại sao cô không biết sợ? - Cụ Thường bực dọc - Cô giống con nhỏ Kim. Đàn bà không nên dạn dĩ tự tin quá. Phải biết sợ một cái gì đó. Sợ, để giữ mình lại.

 

Căn nhà gỗ ọp ẹp lọt thỏm giữa những dãy nhà cũ kỹ đổ nát, mòn mỏi yếu ớt chống chọi với thời gian. Ông cụ lách qua tấm cửa treo lủng lẳng phủ bụi mọt vàng.

- Mẹ tôi sanh tôi ra ở đây. Vợ tôi cũng sanh nó ra ở đây. Những người mẹ khổ đã dành cơm. Cho con, cho…

 

Cụ Thường gập người nghẹn ho khùng khục giữa tiếng nước sôi bùng bục. Nước rễ tranh sóng sánh trong chiếc ấm đất đen đúa sứt mẻ, bốc hơi trắng. Em nhấp ngụm nước lợ, nhìn ra cuối cánh rừng, rưng rưng hỏi:

- Anh Phong có ghé về thăm cụ lần nào không?

- Không.

- Cụ nói dối.

- Nó không có thời gian. Một lần, nó về tới lô ngoài kia quay phim bận bịu với đài truyền hình. Diễn viên xúm xít. Người mẫu xúm xít. Hoa hậu xúm xít.

- Cụ bôi nhọ. Anh Phong không phản bội quá khứ. Con gái nông trường thịt da thơm mùi cỏ. Mái tóc em đây, hay là mây là suối. Thịt da em…

- Ờ, sao không nghe thằng Tây khen tụng gì - Cụ già nghễnh ngãng ngắt lời - Có phải vì thiếu mấy lời ca tụng mà vợ tôi chống cự, gào khóc, chửi rủa?

- Cụ đánh lận. Đó là sự cưỡng hiếp. Đó là lòng thù hận. Đó là sự tủi nhục…

Cụ Thường hấp háy đôi mắt già nua nhìn ánh lửa tàn lụi lập lòe trên bếp chợt phủi tay tàn nhẫn. Lão cười khằng khặc:

- Cô giống con nhỏ Kim. Một loại trí thức giống nhau. Ngu giống nhau. Cứ loanh quanh đi tìm điều mình đã biết, để mong thấy nó khác đi.

 

Ánh ban mai yếu ớt nhập nhòa xuyên thủng màn đêm, xuyên qua khung cửa sổ hoen rỉ, xiêu vẹo. Màu tím dập dềnh lan man trong căn phòng phủ bụi mờ. Trời hửng sáng. Chiếc bóng lách qua lần cửa xiêu vẹo, vật vờ đi về cuối cánh rừng. Đất thì thầm gọi. Thì thầm. Trăm năm chuyện cũ.

Cao su đi dễ khó về./.

 

02. 2008

Lưu Thuỷ Hương
Số lần đọc: 1725
Ngày đăng: 10.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giấc ngủ - Duy Thanh
Đám mổ bò - Phạm Lưu Vũ
tạp truyện (chuyện) Cali - Nam Dao
Đá Thì Không Có Mùi Vị - Vương Hà
Hương Dủ Dẻ - Tiêu Đình
Câu Chuyện Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Mờ Ảo Thời Thơ Dại - Lê Văn Thiện
Phiên Tòa - Kinh Dương Vương
Đánh Bóng Bản Ngã (*) - Văn Chấn Ngọc
Tao Khang - Lưu Thuỷ Hương
Cùng một tác giả
Cái áo mùa cũ (truyện ngắn)
Đường viễn xứ (truyện ngắn)
Bay đi chim bồ câu (truyện ngắn)
Kẻ săn chó (truyện ngắn)
Dạ yên thảo (truyện ngắn)
Kẻ sát nhân (truyện ngắn)
Làng Tàm Thực (truyện ngắn)
Kẻ đội mồ (truyện ngắn)
Kẻ tự vẫn (truyện ngắn)
Kẻ săn kiến (truyện ngắn)
Kẻ săn bướm (truyện ngắn)
Sống (truyện ngắn)
Mạt lộ (truyện ngắn)
Kẻ đồng hành (truyện ngắn)
Tao Khang (truyện ngắn)
Phố ly hương (truyện ngắn)
Mặc áo soi gương (truyện ngắn)
Xanh như lá (truyện ngắn)
Hội thi hương (truyện ngắn)