Op-Ed: Một số hoài nghi và châm biếm mạnh mẽ của một người bình luận về một chương trình mới yêu cầu các tiệm cafe Internet ở Bắc Kinh phải trả tiền cho một hệ thống mới để cho phép chính quyền kiểm soát thông tin cá nhân của những người sử dụng mạng
By YANG Tao
经济观察报E.O./Worldcrunch
http://www.worldcrunch.com/china-when-state-wants-protect-you-owning-your-privacy/3552
Một quán café Internet ở Turpan, Trung Hoa.
Bắc Kinh – Trong mấy tuần gần đây, các quán bar, cafe và khách sạn trên địa bàn quận phía đông thủ đô đã bị yêu cầu trả - bằng tiền của họ - 20.000 nhân dân tệ (3.105$) để lập một "Mạng lưới của hệ thống theo dõi." Khoản phí này cho phép họ tiếp tục cung cấp cho khách hàng quyền lướt Internet trong cơ sở của họ.
Phần lớn những nơi này được cảnh sát báo phải lập một "Hệ thống Quản lý An ninh Dịch vụ Internet ở nơi công cộng," như tờ Tin tức Bắc Kinh tường thuật. "Hệ thống" này cung cấp cho họ các mạng không dây (wireless) và tạo điều kiện cho chính quyền kiểm soát thông tin về người sử dụng. Cảnh sát thật chu đáo biết bao!
Người ta bảo chúng tôi rằng việc cài đặt bắt buộc phần mềm là vì lợi ích của các cư dân mạng Internet, và lợi ích công cộng nói chung. Chúng tôi biết rằng sự phát triển nhanh chóng của Internet không chỉ thúc đẩy tiến bộ trong xã hội, mà còn mang theo chúng những ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều tội phạm dùng nó để lừa đảo trên mạng, buôn lậu ma túy, đánh bạc, và lan truyền những thông tin có hại – cũng như những virus máy tính. Nó gây nguy hiểm cho đất nước và lợi ích công cộng, và có thể làm tăng thêm những khoản phí tổn lớn cho các doanh nghiệp.
Hệ thống này rõ ràng là một ý tưởng tuyệt vời! Đúng như cách đây hai năm, người ta cũng dùng những lời biện hộ nảy khi Bộ Công nghiệp có kế hoạch bắt buộc nhân dân lắp một hệ thống theo dõi gọi là "Con Đập Xanh" do chính phủ cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, cuối cùng, đề nghị này đã không thắng nổi công luận, và bị bãi bỏ.
Vấn đề là ai sẽ tiếp tục bảo đảm quyền riêng tư cho công dân đây? Đặc biệt, ai sẽ bảo vệ những công dân sử dụng Internet để phê phán một cách nặc danh các quan chức tham nhũng hay phát hiện sự lạm dụng quyền lực của chính quyền? Chúng tôi chưa nhận được câu trả lời cho vấn đề này từ phía chính quyền.
Nhưng tất nhiên, có những "chuyên gia" đứng ra bảo vệ "những ý định tốt" của chính quyền. Họ nói hệ thống theo dõi mới này giống như "hệ thống tên thật" (trong hệ thống này các máy tính được cài đặt phần mềm đòi hỏi người sử dụng điền vào một thẻ lướt mạng bằng cách dùng giấy chứng minh (căn cước) của họ. Trang Interent chỉ được mở khi căn cước của người có thẻ đã được xác nhận. Họ nói, ở đây nó được áp dụng cho các quán café internet và chừng nào có một hệ thống theo dõi thích hợp, nó không vi phạm quyền riêng tư cá nhân.
Những bài học của Khai sáng
Và sau đó cũng chính những "chuyên gia" này tuyên bố:" Để duy trì an ninh công cộng và an ninh quốc gia, chính phủ cần phải nắm trong tay thông tin riêng tư của nhân dân."
Tuy nhiên các nhà triết học Khai sáng thế kỷ 19 đã dạy rằng quyền lực thống trị là cái ác cần thiết, và chính vì vậy, hỡi ôi, nó có thể được gọi là "điều thiện." Nói cách khác, quyền lực công cộng, trong trường hợp tốt nhất, chỉ là cái ác cần thiết. Tất nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nó có thể là điều khủng khiếp nhất của quyền lực.
Trong thực tế, cho đến nay chúng ta đã chứng kiến sự thật là cảnh sát không tôn trọng quyền riêng tư của những người khiếu kiện hay những người dũng cảm tố cáo sự tham nhũng của các quan chức chính quyền. Ngược lại, chính là thông tin riêng tư của những người này đã bị tiết lộ cho cảnh sát.
Một số người có quan điểm cho rằng vì các khách hàng trong các tiệm cafe Internet đã buộc phải sử dụng hệ thống tên thật, thì còn cần gì phải có một dụng cụ theo dõi khác nữa?
Tôi cực lực phản đối ý tưởng ấy, và thật ra ngay từ đầu tôi chưa bao giờ đồng ý rằng nên áp dụng hệ thống này. Không nên hạn chế tự do của công chúng một cách vô hạn định. Nói cho chính xác, cái gọi là "Hệ thống Quản lý An ninh của Dich vụ Internet ở những nơi công cộng" đúng ra chỉ là một qui định của cấp bộ, không phải là một đạo luật. Nó là quyền hạn chế tự do của nhân dân. Và nếu chính quyền muốn ban hành một đạo luật để hạn chế tự do của chúng tôi, thì phải chứng minh được lý do hợp pháp.
Hơn nữa, nếu hệ thống mới này trên thực tế là tốt, như một thiện ý mà chính quyền đưa ra, vậy thì 20.000 nhân dân tệ là vì cái quái quỷ gì? Vậy cho phép tôi hỏi một câu hỏi nhỏ: trong tất cả chuyện này có lợi ích hay quyền lực nào dính vào không? Tôi không muốn phỏng đoán khả năng có chuyện tham nhũng ở một số quan chức chính quyền, tuy nhiên nếu chính phủ thật sự thực hiện hệ thống này vì thiện ý đối với xã hội, thì ít nhất chi phí cho phần mềm này và việc đấu thầu phải đưa ra công khai.
Đây là một yêu cầu hết sức khiêm tốn của một công dân./.