Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.223
123.161.679
 
Trên những con đường
Kim Quyên

Sáng mồng 5 Tết, tôi phải đến bệnh viện sớm vì có ca mổ đầu năm, thằng con tôi cũng bắt đầu đi học lại.

 

Hơn 6 giờ nó mới ăn điểm tâm xong, hai cha con bắt đầu nai nịt . Mỗi người một chiếc nón bảo hộ, mắt kính râm, miệng bịt khẩu trang, tay đeo găng, chân mang giày, thằng con ngoài cái ba lô to tướng đựng tập vở còn phải đai thêm một bình ton nước.                              

 

Bước ra khỏi cửa,vợ tôi dặn câu nhật tụng quen thuộc:

 

- Ba ngày Tết, nhớ chạy cẩn thận nghe anh.

 

Thằng con đã yên vị trên xe, sắp nổ máy thì vợ chạy ra đưa bịch bánh kẹo, dặn thêm:

 

- Đem vô cơ quan cho các anh chị đó uống nước.

          

Tôi nổ máy, vọt nhanh. Hôm nay có ca mổ mà giờ này còn ở đây. Chiếc Dream bắt đầu  bon bon trên đường. Con tôi léo nhéo phía sau:

 

- Nghẹt cổ quá ba ơi!

 

Tôi động viên:

 

- Ráng đội nón cho an toàn. Con không nghe T.V khuyên mọi người nên đội nón bảo hộ khi ra đường  sao. Có người nhờ nó mà thoát chết đó.

 

- Nhưng  nặng đầu quá, muốn gẩy cổ rồi.

 

- Một chút tới trường tháo ra liền, đội riết rồi quen, ba đội có sao đâu?

 

Thằng nhỏ im lặng nhưng tôi biết nó đang đau khổ vì chiếc nón. Không thể chiều theo ý nó được. Nó đâu biết rằng cái nón sẽ góp phần to lớn vào việc bảo vệ con người, bảo vệ vốn quý của gia đình,  xã hội.

 

Dọc theo đại lộ T.Đ.X, những người nuôi chó bắt đầu dẫn chó ra đường … làm vệ sinh buổi sáng, có người dẫn nguyên bầy chó Nhật lông xù đứng hiên ngang trước bảng              “ cấm đổ rác” mà … ị. Tôi phải canh chừng những đống phân chó, vừa lạng tránh những con chuột cống to xù bị xe cán tan nát, thịt lông bầm dập, máu  me đỏ lòm trông đến rợn người. Qua khỏi ngã tư  một đổi thì một chiếc xe ba bánh được lôi đi bằng đầu máy Gobel xịt khói đen đặc về phía sau, âm thanh chói tai, long óc, trên thùng xe chất đầy gáo dừa, lặc lè nghiêng ngã, có lúc như  va vào xe tôi. Thằng con tôi gào:

 

- Lên số, qua mặt ba ơi!

 

Qua thì qua, làm sao chịu nổi đám khói với tràng âm thanh nổ liên hồi như pháo đại của nó. Tôi quay ra đằng sau dặn:

 

- Con ôm chặt eo ếch, ba vọt qua.

 

Đôi tay bé nhỏ của nó vòng qua lưng tôi, những ngón tay đan chặt vào nhau như sợ ai bứt rời.Tôi tăng ga, vọt mạnh. Qua khỏi chiếc ba bánh một đỗi, con tôi thở phào, khen:

 

- Ba chạy đua ở Thế vận hội được. Con phục ba sát đất đó.

 

Tôi tủm tỉm cười vì lời tâng bốc của con. Thật ra bấy lâu nay, từ ngày biết sữ dụng xe máy, tôi chưa bao giờ va chạm ai, cũng không ai cọ quẹt được mình, nhất là khi xe có đèo theo vợ con. Lúc nào tôi cũng cặp sát lề phải, tốc độ giữ đều từ 30 đến 35 km/giờ. Ngừng đúng nơi, đúng chỗ qui định. Nhìn chung luật lệ giao thông tôi hiểu tương đối rỏ và thực hiện nghiêm chỉnh. Vợ tôi thường khen:

 

- Đi đâu với anh là yên tâm nhất, em tha hồ ngắm cảnh, ngắm người. Chẳng bao giờ sợ trục trặc gì cả. Mấy lần đi xe ôm hay đi xe đò sợ muốn rớt tim. Tài xế nước  mình hình như liều mạng nhất thế giới. Xe đò chở khách mà họ chạy đua, tài xế có khi “xỉn” nữa chớ, tay nghề thì không biết như thế nào, thi lấy bằng lái xe loạn xạ, xe toàn đời ăn lông ở lổ “tút” lại. Còn Honda ôm thì khỏi nói. Đúng là phải ôm họ mới khỏi sợ rớt. Họ luồn, họ lách như  biểu  diễn xiếc vậy đó.

               

Đủ thứ rắc rối mà vợ tôi than phiền. Vì vậy, đi đâu dù gần hay xa, cô ấy cũng nhờ tôi chở. Sự tin tưởng đó lây lan qua con tôi rồi bà nhạc mẫu, rồi họ hàng. Mỗi lần có người dưới quê lên nhờ công việc hay nhờ trị bệnh, tôi được vợ giới thiệu trịnh trọng:

       

-  Anh Minh sẽ đưa dì đi. Anh chở vô bệnh viện khám rồi chở về, đỡ phải tốn kém. Đi với ảnh yên tâm lắm.

                  

Từ lâu nhà tôi trở thành trạm trung chuyễn cho bệnh viện. Bất cứ bệnh gì,họ hàng trị dưới quê không hết thì chuyễn lên. Tôi có nhiệm vụ khám tổng quát, chẩn đoán bệnh nên đi khoa nào, nhờ người bạn nào trị. Cứ thế, hàng năm giải quyết không biết bao nhiêu ca, chở bệnh nhân đi không biết bao nhiêu chuyến, tôi đều làm tốt. Hiện giờ,uy tín tôi đã lan rộng khắp bạn bè và trong họ hàng, làng xóm.

 

Két..két..Chiếc Dream của tôi dỏng đuôi, sát đít một chiếc xe đạp chở phía

 sau ba tầng bao cớm kẹo từ trong hẻm nhỏ lao ra. Thằng con tôi ngã chúi chụi, miệng la oai oái:

 

- Ba! Ba làm gì vậy ba?

 

-  Con không thấy chiếc xe đạp chạy bậy sao?  Tự nhiên ở trong hẻm vọt ra như chỗ không người, may mà ba thắng kịp.                 

 

Con tôi nhận xét:

 

-  Sao có người hình như không cần biết luật lệ giao thông là gì cả ba há. Luật giao thông dễ ợt chớ có khó gì đâu, chỉ cần chịu khó để ý một chút là được. Mình chạy thì tuân theo luật rồi, chỉ sợ người ta  không chịu  theo, chạy ẩu, chạy càng đâm vào mình, làm sao mà cản họ được.

 

Con tôi nói đúng. Luật giao thông không có gì khó, chỉ khó là do thiếu tôn trọng

sinh mạng mình và sinh mạng người khác mà thôi.

 

Tôi nhìn đồng hồ tay, đúng 6g30, muộn rồi, phải tăng tốc mới được. Chà! Khúc đường nầy ba ngày Tết vào giờ cao điểm thấy sợ thiệt, lại còn một đoàn xe tang đi ngược chiều nữa kia. Rắc rối rồi. Tiến lùi gì cũng không được, nghẹt cứng ở đây.

 

Thằng con tôi học lúc 6g30, còn tôi phải vào trước 7g để giao ban, chuẫn bị ca mổ lúc 8g. Cầm chắc là muộn, làm sao đây?

 

- Ba ơi! Nghẹt thở quá ! Trở ra ngã khác đi ba!

 

- Làm sao trở ra được?

 

- Co n đi bộ còn ba dẫn xe lên lề đường.

 

- Lề đường người ta bày bán la liệt con không thấy sao?

 

- Thì ba chịu khó luồn lách một chút.

 

- Luồn đi đâu nữa, lơ mơ đạp đồ người ta  bắt đền không có tiền trả,bị níu áo đó.

 

Con tôi im lặng. Hai cha con thở khò khè như cá lóc rọng hầm,bị mắc cạn dưới nắng trưa. Hơi xăng, hơi người, tiếng ồn làm cho không khí đặc quánh. Mười phút trôi qua, đoàn người đưa đám ma lừ đừ , chễm chệ tiến từng bước. Ruột tôi như có ai thoa cồn 100 độ, nóng bức cồn cào không chịu được.

 

Công việc hệ trọng đang chờ ở bệnh viện, cái phía mà tôi muốn bay đến cho kịp giờ. Thằng con tôi trể tiết coi như hỏng buổi học đầu năm. Cũng tại nó, ăn điểm tâm chậm như rùa. Thời kỳ công nghiệp hiện đại mà tác phong nó lề mề theo kiểu tiểu thủ công nghiệp làm sao không thất bại được.

 

Mãi nghĩ ngợi mà không hay đã thông đường. Con tôi kêu:

 

- Nhanh lên ba ơi ! Thả ga đi ba, con trễ học rồi.

 

Tôi nhấn ga với tia hy vọng mỏng manh là còn kịp giờ. Bệnh nhân của tôi bị bệnh nặng lắm. Ung thư bao tử. Cuộc đại phẫu thuật không thể đình lại được. Khoa Ung buớu của tôi càng ngày càng có nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Con người bây giờ bị nhiễm độc quá nặng, không gì cứu vãn nổi.

 

Két..két…cảng, rầm..rầm..

 

Tôi chới với mất thăng bằng, đầu óc quay cuồng, bay xuống mặt đường nhựa. Nhiều tiếng la láo nháo :

            

-  Kéo thằng nhỏ ra trước. Ai làm ơn chạy theo bắt hai thằng chạy chiếc Win đó bà con ơi!

 

Lịm đi không biết bao lâu, tôi nghe tiếng khóc ti tỉ đâu đây như tiếng khóc từ âm ti vọng về

 

- Ba ơi ba! Ba chết rồi sao ba? Hu..hu..Ai cứu dùm ba con ! Các bà các ông ơi! Con lạy các ông các bà..hu..hu..

 

- Không sao đâu cháu. Ba cháu mở mắt rồi kìa. Cũng may là té trong lề, nhờ đội cái nón mà không bị bể đầu.  Thiệt may phước hết sức.

 

- Anh ơi ! Anh ráng ngồi dậy coi trong mình có sao không, tụi tui đưa đi bác sĩ.

 

Tôi cố gượng ngồi lên. Mình mẫy đau như ai dần. Đưa tay sờ đầu, chiếc nón bể, đầu còn nguyên vẹn. Môi dưới bị dập, máu tuôn mặn chát, răng cửa hàm trên gãy, con tôi lấy khăn chùi máu luôn tay, nó khóc rấm rứt.

 

- Cũng tại ba, trễ thì cho trễ luôn, ba chạy nhanh vừa thôi.

 

- Không phải do ba cháu đâu. Tại hai thằng chạy chiếc Win kia kìa. Nó đi ăn cướp hay đi đâu mà tuôn đại, tuôn càng như chỗ không người, vậy mà không ai bắt nó mới tức chớ. Để tôi dìu chú đứng dậy. Coi lại cái bàn chân, sao máu chãy dầm dề kia kìa.

 

Mắt cá chân sưng vù, rách toạt một đoạn da hơi sâu. Tôi lúc lắc bàn chân, có tiếng kêu rúc rắc, đau đến lịm người. Mồ hôi vã ra, người gay gay lạnh. Con tôi lại khóc:

 

- Cái chân của con bị phỏng bô rát quá ba ơi! Hu..hu..

 

Tôi nhìn xuống chân nó, một vệt dài đỏ lòm mọng tấy nước. Vậy mà nãy giờ mãi lo cho tôi nó quên khuấy vết thương của mình. Tôi ôm nó vào lòng an ủi:

 

- Không sao đâu con. Chưa chết là may lắm rồi. Về nhà ba trị cho. Con cố gắng đi lại Bưu điện, điện cho bệnh viện ba hay rồi điện cho mẹ con. Đừng nói gì nhiều mẹ lo đó nghen.

 

Nó chùi nước mắt, khập khiểng bước đi. Tôi nhìn theo bước chân của nó mà ái ngại, dặn với theo:

 

- Đi sát  lề nghe con, nhớ coi chừng xe  đó.

 

Đèn xanh bật lên, đoàn người tuôn chạy về phía trước như bị ma đuổi. Mấy người cứu hộ nãy giờ cũng vội từ giã vì họ đã trễ giờ đi làm. Tôi lê chân bước đến chỗ cột đèn xanh đỏ. Không thấy viên  cảnh sát nào, chưa tới giờ làm việc hay do nhiều chốt, nhiều ngã tư quá, không đủ người điều khiển. Thật khổ cho một nước nghèo, hệ thống an tòan giao thông không đãm đương nổi. Tôi tức hai thằng chạy chiếc Win, không ai có thời giờ theo bắt nó, mà có bắt cũng chạy không kịp với loại xe phân khối lớn, mà bắt làm gì khi xử phạt đụng người quá nhẹ, bất quá họ đền vài chục ngàn tiền thuốc là xong.

 

Tôi chậm những vết máu rỉ ra ở khoé miệng, cay đắng nghĩ thầm:

 

- Phải chi hồi đó mình về bệnh vịên dưới quê ở huyện Tân Phước, Tháp Mười. Nơi đó đất rộng người thưa, không khí trong lành, muốn đi đâu đi lúc nào cũng được, chẵng ai tranh giành, chẵng ai xô đẩy. Dân ở dưới cần bác sĩ như cá cần nước,còn ở đây, bệnh viện nào cũng quá tải,bác sĩ nào cũng bề bộn, chân trong chân ngoài lo đủ thứ lo. Hay là mình về quê?

 

Đầu tôi bổng nảy ra ý định đó. Về quê, tôi sẽ không được nhà lầu,xe hơi nhưng tôi được bầu trời thoáng đãng, được sự yên ổn tâm hồn, được tình yêu thương của những người dân quê hiền lành chất phác, nhất là được đi thong dong trên những con đường thênh thang, có bóng cây che rợp, mát rười rượi quanh năm. Về quê! Tôi phải về quê thôi. Tôi vui sướng với ý nghỉ vừa loé lên trong đầu.

 

Két két…cảng..ầm ầm…

 

Người phụ nữ ngã sóng xoài cách tôi khoảng chục mét, máu trào ra ở khoé miệng và lổ tai, đôi bàn chân xanh mét giãy đành đạch như cá lóc bị đập đầu, mấy giây sau thì im bặt. Chiếc xe đạp văng ra xa, ngã chõng kềnh, rau muống, bí rợ, cá bạc má, thịt nạc văng đổ tứ tung . Mấy người đi đường vội dừng xe lại, phụ kéo nạn nhân vào lề . Trên gương mặt trắng bệch, đôi mắt đã trợn trừng bất động.

 

Có tiếng khóc thét của người đàn bà:

 

- Trời đất thánh thần ơi! Chị Xuân ơi! Chị chết tức chết tối vầy sao chị ơi! Chị bỏ chồng bỏ con ngoài đó ai nuôi! Trời ơi! Quân giết người! Giết người không gươm không đao…Trời ơi!…Giết người mà nó không phải đền mạng nè Trời…

 

Huýt..huýt…

 

Chiếc Bonus 125 phân khối của anh công an giao thông bay vèo qua, rượt theo người gây nạn, nhưng chiếc xe của thủ phạm đã biến mất ở khúc quanh phía trước làm sao đuổi theo kịp.

 

Tôi thầm lo cho anh công an, đường phố ken khít xe gắn máy chạy loạn xạ mà anh lao vun vút như vậy khó lòng bắt được tội phạm, còn nguy hiểm đến tính mạng nữa.

 

Chân tôi đau nhức quá nhưng vẫn cố lê về phía nạn nhân xem có giúp được gì cho họ không. Nhìn cặp mắt mở trừng trừng, đôi đồng tử đã giãn  tôi biết không còn hy vọng gì nữa, đành xót xa im lặng.

 

Tiếng khóc than vật nài của người phụ nữ khi thấy cảnh sát giao thông đến đo hiện trường lại vang lên :

 

- Chết rồi còn đo đạc làm gì mấy anh ơi! Phải chi mấy anh có cách gì ngăn ngừa tội phạm thì đở cho dân biết chừng nào. Tội nghiệp bạn tôi, gia đình nó ở ngoài Trung bị bão lụt mới vô trong nầy buôn bán , phụ lo gia đình. Bây giờ nó chết yên thân rồi,còn chồng nó tật nguyền, con nó khờ dại ai lo. Sao khổ chi mà khổ quá như vầy nè, Trời Phật ơi…

 

- Thôi chị à! Tôi nói với giọng đầy thương cảm. Chuyện đã rồi. Khóc than hoài không giải quyết được gì. Chị bình tỉnh coi giúp được chị ấy việc gì hay việc đó. Công an đang làm việc, đừng làm họ rối lên.

 

- Hoàn cảnh bạn tôi tội lắm anh à. Bão lụt, đói khát vẫn không hề gì, vô thành phố văn minh nầy lại chết tức chết tưởi, nghỉ có đau không? Ngày nào tôi với nó cũng đi bán hủ hỉ với nhau, bây giờ một mình bơ vơ tôi biết làm sao đây?

 

- Tay chị cũng bị trầy xước rồi kìa! Chị lấy tiền đây đến tiệm thuốc mua bông băng tôi băng lại cho.

 

- Cám ơn, không cần đâu. Quân chó đẻ đó bất kể mạng sống con người,nó làm như bọn giặc, ở đâu chạy càn tới, tụi tui tránh không kịp, tụi tui chạy sát lề phải, chạy rất chậm mà vẫn bị nạn. Đó! Anh coi hiện trường thì biết, tụi tui có sai luật đi đường đâu.

   

-  Con người có số cả chị ạ! Đi đường bây giờ là giao cho số mạng, may nhờ rũi chịu chớ biết sao bây giờ.

 

- Ba ơi! Mẹ tới kìa!

 

Vợ tôi hớt hãi chạy đến. Thấy xác người chết, mặt cô thất sắc, nhìn tôi từ đầu tới chân như  nhìn người từ cõi chết trở về. Giây sau, cô hỏi:

 

- Có sao không anh ? Em chở anh đi bệnh vịên nghe.

 

- Em gọi chiếc taxi cho anh với con về nhà được rồi. Không có gì trầm trọng lắm, anh tự trị được.

 

Vợ tôi hấp tấp gọi taxi. Hai cha con bước lên, vợ tôi chạy xe máy phía sau,con tôi thỉnh thoảng ngoáy đầu ra sau gọi:

 

- Cặp sát lề phải mẹ ơi! Coi chừng xe phía sau đó!

 

Mùa Xuân vẫn còn đó mà tôi với con tôi xác xơ như hai kẻ thua trận. Nhìn xe cộ nhốn nháo trên  đường, tôi cảm thấy sợ hãi, biết bao nhân tài, biết bao con người hữu ích cho gia đình, xã hội đã chết thảm, chết oan, chết ức trên những con đường?

Kim Quyên
Số lần đọc: 2610
Ngày đăng: 17.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Song Sinh - Minh Châu
Bến cũ - Anh Động
Khai đập - Anh Động
Ừ đi! Ừ! - Trần Kim Trắc
Trăng đẹp mình trăng - Trần Kim Trắc
Gà đẻ gà cục tác - Hồ Tĩnh Tâm
Bến lội - Khôi Vũ
Tri thiên mệnh - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)