"Phố xưa vuốt mặt về giữa mưa chiều "
( lời nhạc Vũ Quốc Việt)
Ai cũng có nhu cầu dạo phố, thong dong thả lòng dạ trên những phố phường, dù thành phố ấy "của mình" hay "của người". Con phố đẹp, duyên dáng, có hồn, có tình, có ký ức, tử tế..., dừng lại lâu hơn, ngắm kỹ hơn, trở lại nhiều hơn. Mọi thứ trên trần đời này cứ khúc xạ vào đô thị...
Có con phố làm ta "cười", có con phố làm ta "khóc".
Và tôi thả bộ trên phố, không nhất thiết(cũng không thể!) phải bước vào nhà ai cả. Nhưng tôi có quyền ngắm phố, xúc cảm với nhà cửa, công trình của thiên hạ, nhìn phố phường trên đất nước tôi...
Bất chợt ngày người ta cưới nhau lãng mạn lạ thường trên phố phường Thủ đô quê nhà (ảnh Phạm Cương) ảnh cho bài viết: bơi ở Thủ đô Hà Nội.
QUANG PHỔ
Hai mươi lăm năm sau " Đổi mới", tiền bạc bắt đầu rủng rẻng trong xã hội, trước hết nó hiện ra ở các đô thị. "Ngập nước" tạm lướt qua, "lô cốt" cũng thế, nhưng "kẹt xe" với những dòng người lố nhố những đầu và đầu giữa "biển" xe máy đều đặn hàng ngày thì rõ là nét riêng có. Ngày càng nhiều những "con đường bia bọt", "con đường ăn nhậu", con đường mà người ta tập thể dục bằng môn nâng ly, còn "nhậu sĩ" sinh sôi như lá mùa thu... ra đời ở các đô thị lớn bé. Bỗng một ngày món "lẩu" của người Nam Bộ trở thành "Hoàng đế ẩm thực", tung hoành dọc ngang vỉa hè, được toàn quốc hoá. Tất tần tật mọi thứ tinh hoa nông sản, hải sản được xướng danh yêu dấu vào mỗi chiều tà. Tiếng "zdô" trở thành âm thanh gần gũi, thanh âm của tình Huynh đệ, nồng nàn hoặc cay đắng, và của những quan hệ, diễn đàn ngoại giao, làm ăn, trút xả phiền muộn cùng hưng phấn...
Nền kinh tế thị trường trỗi dậy, sống động, quét qua, đường phố bỗng trở thành "những con đường khẩu hiệu". Tất tần tật mọi thứ nhảy múa, đều muốn phô trương, từ cá nhân đến tập thể, băng rôn, panô tràn ra; từ băng rôn sản phẩm đến băng rôn của lễ lạt, kỷ niệm đều "xuống đường". Cả phố phường xôn xao quang phổ, nâu đỏ sắc vàng, lục lam chàm tím. "Yếu sinh lý", "Trĩ lươn mạch","Gia sư tại gia" hay " Hút hầm cầu"... bám vào cả những bức tường nhỏ bé ở nơi hè phố, thân cây mỏng manh chốn công viên. "Khoan cắt bê tông" nơi cây trụ điện chắc gì là "bản sắc" đô thị Việt thời hiện đại. Những lệnh ngôn " Hãy...", " Nhiệt liệt...", " Quyết tâm... xây dựng khu phố văn hoá" xuất hiện không chừa thành phố nào, ngõ phố nào, dù bên trong các phố lắm khi là nhịp đời của Quán Karaoke ôm, bia choàng(vai), hay tiệm cắt tóc "tê người"... Xứ Kansai(Kobe) của Nhật Bản nay chắc cũng bất ngờ khi biết Karaoke mà nơi đây sinh ra nhưng sang đến VN thì nó được "bản địa hoá", sống một đời sống khác, nó có thể thành thứ Karaoke... liên quan đến da thịt. Không hiếm cảnh người phương Tây ngơ nhác nhìn phố phường ta như những nhìn những nhịp sống lạ, đầy sinh động nhưng kỳ ảo, "tác phẩm" lạ.
*
Có vẻ như đời sống văn hoá đang chạy theo không kịp với đời sống vật chất, rằng tự mỗi người thị dân hình như bỏ quên và tự hệ thống chăm nom cũng loay hoay kiếm tìm giải pháp, hoặc bất lực. Mọi thứ cứ để "chọn lọc tự nhiên", theo thời gian, cái gì hay- đẹp - sang- tốt - đúng -mạnh sẽ đọng lại. Chẳng lẽ đưa triết lý/qui luật sinh học của Charles Darwin vào đô thị sao ?
CÁT CỨ
Từ điển Tiếng mẹ đẻ định nghĩa: "Vỉa hè" là phần nằm giữa lòng đường với nhà ở đô thị, là một bộ phận của phố phường, nơi dành cho người đi bộ. Nhưng những cuộc thả bộ đứt đoạn của ai bách phố vì hàng điện tử, may mặc, bãi giữ xe, phố nhậu... chiếm chỗ làm vỉa hè hình như khiến cần định nghĩa nó theo từng con đường, tuỳ vào từng hoàn cảnh. Vỉa hè ở đô thị VN cũng có số phận.
*
Nhưng cái vỉa hè cũng không bằng hình ảnh kiến trúc, nhà cửa đây đó ở các đô thị. Chưa bao giờ nhà cửa ở VN người ta dựng rào, cất tường nhiều thế, đồ sộ thế, cao thế. Ngày xưa ở xứ mình hàng rào ít mảnh chai, các đầu sắt ít nhọn, ít hiểm, khó sát thương người hơn bây giờ. Giờ đây, ta đã quen mắt với những căn nhà mà cái phần phía trước là những khối sắt thép nuốt chửng hết kiến trúc, tự che lấp bề mặt của căn nhà mà không xót. Có những dãy phố mấy chục căn, hàng trăm căn là hàng trăm "cứ địa", tựa hồ chúng được lồng lại trong những chiếc lồng sắt. Không còn sự liên kết không gian, hài hoà nào nữa của những tác phẩm kiến trúc, của dãy phố. Nhưng càng "cát cứ" thì lòng người sẽ ngăn lại, buồn vui cũng ngăn lại giữa những người hàng phố. Cái tổng thể, không gian đô thị, bộ mặt phố phường, thứ công cộng, trở thành "cõi" riêng, cố riêng đến tuyệt đối. Có vấn đề về an ninh, nên người ta ai cũng tự lo lắng cho cái gì mình đang sở hữu, nắm được, nắm cho chắc. Yếu tố an ninh đã đẩy lùi văn hoá, chối bỏ thẩm mỹ.
Có kiến trúc sư đau đầu: " Bao giờ người Việt chấp nhận sống chung trong phố, sống thật sự, chấp nhận mạo hiểm, hết mình ở không gian phố như thiên hạ Âu, Mỹ, Nhật, Hàn?". Sống ở phố, hộ khẩu ở phường, nhà có số, đường có tên, nhưng người sống không là Thị dân.
Còn những cái lồng sắt trên cửa sổ, ban công, cơi nới để không gian sử dụng được tăng thêm thì dĩ nhiên phần "Kiến trúc" teo lại. Những người bạn Kiến trúc sư thâm trầm của tôi gọi đó là chỗ chui ra chui vào chứ không phải là nghệ thuật về không gian sống, công việc tổ chức không gian, giá trị sống. Mỗi chủ nhà là một "Kiến trúc sư", nên phố xá loạn hình hài, kiểu dáng, linh hồn, cảm xúc. Có phải đô thị vào thời hội nhập thì nhà cửa không cần khoảng lùi, chẳng cần khiêm tốn, chuẩn mực; phải... hoành tráng; không ai nhường ai; tất thảy đều chồm ra, mặt tiền là vinh quang, cao cả nhất ? Nhà rộng, xe lớn, tiền nhiều, ăn to, nói ra "sóng gió", nhưng người sống không sang, trong phẩm cách con người. Về hưu thiên hạ mới thấm đòn, mới thấu nỗi hẩm hiu, cô quạnh, thấy cần hơi thở nồng ấm của thường dân xung quanh, và ngộ ra rằng đã là người, sống cho bá tánh yêu mới là việc cao cả phải làm, phấn đấu, mới sang trọng, thân thương.
Tư tưởng ăn chắc mặc bền, tận dụng tối đa, tranh thủ triệt để... làm nhăn nhó, teo táp vẻ văn minh, hào hoa của Người Thành Phố, dù từ thời xuất hiện đô thị đầu tiên của nhân loại_Thành phố vườn treo Babylon_ người Thị dân đã được đề cao, tôn trọng, rằng như "công dân chiếu trên".
"THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ"
Ta cũng không khó để bắt gặp những đám rau, mảnh vườn cải, vườn cà trong không gian chật hẹp của nhà ai đó ở phố ngày nay. Có những mảnh vườn nhằm trang trí, cho đỡ nhớ quê của lớp người mới "lên đời" thị dân; nhưng cũng có mảnh vườn quyết liệt nhằm cải thiện tối đa hoa lợi thì hơi lạc nhịp, xót xa. Bởi đô thị là đô thị mà đồng quê là đồng quê, nó khó mà dây dưa, khi giá trị riêng đã phân định. Đô thị có nghĩa vụ cao cả để kéo đồng quê dưới kia đồng hành phát triển, và đồng quê có sự thiêng liêng khi cung ứng nông sản thực phẩm cho đô thị_sự phân công tuyệt vời bao đời nay vậy. Cũng như những chuồng gà không thể "chơi vơi" trên căn nhà lầu, và tiếng lợn kêu không phải là âm thanh làm cho phố... "phố" hơn. Con người dịch chuyển về đô thị là qui luật bình thường, tất yếu và cần thiết, bởi ở đó qui tụ những cơ hội để phát triển, tiệm cận và thụ hưởng đời sống văn minh, học hành, chữa bệnh, giải trí... Trong mảnh đất trống con con ấy, nếu là cây xanh, khóm hoa thì là tín hiệu văn minh, vì cân bằng sinh thái với bê tông. Nhưng đôi khi, nhìn thấy cảnh đồng quê xuất hiện nhiều ở phố, thành phổ biến, thì lại là nỗi lo..."nông nghiệp hoá", nông thôn hoá phường phố.
*
Đã hình thành được 700 đô thị lớn nhỏ, với hơn 37 triệu dân đang sinh sống ở đô thị trên toàn VN, nhưng đã được mấy phần trong số họ là Thị dân với đầy đủ ý nghĩa của nó, dù theo quản lý hành chánh mà sổ thẳng thì dĩ nhiên đều là công dân đô thị. Ta có thể thông cảm cho ta, vì đất nước nghèo nên lên phố cũng nghèo, thị dân chưa chuẩn bị làm thị dân thì thường ở khoảng giữa, chưa cởi bỏ hết được nỗi nhớ đồng quê. Ta là cư dân của một đất nước truyền thống nông nghiệp mà. Cần biết gốc gác, nhưng đừng hành xử và kiêu ngạo trên cái nền "Văn minh lúa nước" khi sống ở thị thành. Lắm gia đình có một người "lên phố", lần lượt kéo theo anh em, cháu chít, họ hàng, chòm xóm. Chủ nghĩa "đồng hương" mạnh quá, thắng thế, nhiều khi biến phố thành làng, sống theo hội, nhóm, giọng nói. Đây đó nhiều mái nhà hiện hữu ở phố mà ứng xử như đang ở làng, nông trang, thái ấp, vạn chài. Cảm giác về tình "Đồng hương" là vẻ đẹp thiêng liêng, là tinh thần nơi sự chân thành quê cội, chứ không phải là cơ hội của chia chác, hay tước đi cơ hội của nhóm người tử tế khác; không là trận tuyến khác của quyền lợi, hay sân khấu để diễn kịch về tình yêu quê quán, diễn đàn tử thủ của hội nhóm. Đô thị không phải một chiếc bánh. Đô thị văn minh là nhờ ở sự sòng phẳng, bình đẳng, và công bằng, nhờ tính công cộng; có chỗ cho mọi sự tài hoa và nhiệt tình, chăm chỉ, thiết tha, tự trọng. Đô thị là một vật thể quốc gia, là tài sản quốc gia, của chung. Lạ thật, cho dù là Hà Nội, Sài Gòn, hay "tiểu Paris ở Đà Lạt"... cũng đã trở thành nơi để thiên hạ gần xa đi... "Kinh tế mới". Phố phường xáo trộn mãi cư dân, chưa thể định hình nên phong thái, bản sắc. Đôi nơi đã định hình phong thái, đặc trưng cư dân như Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn... cũng phai nhạt đi. Qui luật chỉ ra rằng phải mất ba đời mới thành Thị dân. Nhưng ai là người dám sống thì rút ngắn thành hai; cũng có kẻ cởi được ngay sạch cốt tiểu nông, vượt qua bóng đè hình ảnh xóm thôn... thì nhập cuộc, tự tin được ngay ở đời thứ nhất. Nhưng rồi vàng son đô thị ấy cũng mất, bị xu thế và thời thế cuốn đi.
Đô thị VN thật tội nghiệp, trên thân thể nó gồng gánh quá nhiều thứ, của cái nghèo, cái lam lũ, cái thiếu khoa học, thiếu nghiêm túc, thiếu khát khao, tính dễ dãi, xuề xoà...của một quán tính từ cái xã hội nông nghiệp cũ xưa lên phố, chạm chân vào hiện đại, hội nhập, văn minh, buổi nhân loại đang "Toàn cầu hoá".
Nhiều khi nhìn cái đô thị hình thành tận thế kỷ XVII Hội An, 36 phố phường xưa ở Hà Nội, rồi phố cổ Bao Vinh ở Huế, đường Đồng Khởi ngày nào, khu Phú Mỹ Hưng nay ở Sài Gòn, hay Trần Hưng Đạo ở phố núi Đà Lạt, nhà cửa trên con đường Biệt Thự ở phố biển Nha Trang, hoặc những tháp Chàm thách thức thời gian trên các ngọn núi phong sương ở duyên hải miền Trung... để thấy thế nào là dựng xây công trình, kiến dựng đô thị, khát khao gầy tạo giá trị cho hiện tại và mai sau. Đô thị cũng cần ... thành tựu, phố phường cũng cần bay lên, cất cao tiếng ca.
Hình thành nhanh những đô thị ăn xổi, lấp đầy vội những con phố tạm thời là để lại những đô thị tật nguyền cho nay mai. Có vị kiến trúc sư nhận định đó là những thành phố "đãng trí", mới sinh ra, chưa già mà đã lẩn thẩn; vì khi dễ dàng phải phá đi, làm lại, không tiếc, là đánh mất ký ức, mà không có ký ức là mất điểm tựa nhân văn_điều thiêng liêng của bất kỳ nơi chốn nào. Người bạn lớn của tôi, Giáo sư kiến trúc Hoàng Đạo Kính cho rằng những đô thị sống vội kiểu ấy sẽ..." là những cô bé Lọ lem mà không bao giờ trở thành Công chúa". Ông bảo, hiện chúng ta chỉ có xây dựng là chính; phố xá đông người lên, nhà cửa nhiều thêm, nhưng... "Kiến trúc" thì ít; và sự thật là chưa có một nền kiến trúc với đầy đủ ý nghĩa của nó. Rằng đó là một bước chuyển bất ngờ, đột ngột, và lộ rõ chưa có sự chuẩn bị. Khẳng khái và lo toan như vị Kiến trúc sư tài hoa đang hành nghề ở Tp.HCM Võ Thành Lân lại: " Nhìn phố phường là ... biết người đời, nết ăn, nếp ở, thẩm mỹ, văn minh, xã hội".
Hình hài phố phường xứ tôi bây giờ quen với tôi và trăm họ trên quê hương mình, nhưng sẽ còn lạ thêm với người nơi khác đến.
*
Đời sống vật chất đang rôm rả ngày nay là cơ hội của Đô thị, của nghệ thuật kiến trúc, bởi nhiều khi khác với văn chương, giá trị của đô thị và kiến trúc thường là phát triển, thành tựu trong điều kiện "có tiền" và không gian thời bình. Kiến trúc tử tế, hướng đến giá trị, ắt sẽ kéo theo nếp làm nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói là vì vậy, như quan niệm của người Pháp, một dân tộc tiêu biểu về tài hoa kiến trúc và văn minh đô thị từ xưa tới nay.
Ai đó bảo để có xã hội văn minh, hiện đại, tử tế thì mọi thứ phải đặt trên cơ sở khoa học rốt ráo, kể cả một cọng rau xanh, một ngụm nước uống hay viên gạch lát vỉa hè, thứ khoa học chuẩn và phổ quát cho cả loài người, xuyên qua mọi ý thức hệ; tử tế và nghiêm khắc, không chấp nhận sự dễ dãi, cẩu thả, buông thả, xởi lởi, tầm nhìn ngắn hạn, "tư duy nhiệm kỳ", hay sự mơ hồ về mô hình xã hội; và trên hết là hướng đến mục tiêu thiêng liêng cao cả mãi mãi duy nhất là vì hạnh phúc cho thân phận bé mọn ngắn ngủi của con người.
Dung nhan phố phường, là chất lượng đô thị, chất lượng văn hoá xã hội, chất lượng tổ chức không gian sống cộng đồng, nhìn từ bên ngoài, nhưng lại chắc chắn là phần cụ thể nhất của cái bên trong phát tiết ra ngoài. Và tôi nói khẽ với riêng tôi rằng, đô thị là thời cuộc, một phần của lịch sử quê hương, dân tộc, thành quả hay hệ quả của thăng hoa hoặc lầm lỗi xuẩn tệ, hạnh phúc hay buồn chua ở một giai đoạn cụ thể mà tất cả cùng chung sống./.