Một buổi chiều, thời tiết mùa hạ tràn lan trên biển. Mặt trời chín mọng như quả đào tiên rơi xuống thấp dần và cuối cùng lặn phía sau ngôi khách sạn hoa mỹ sang trọng cao tầng ven biển, hồi quang như bụi phấn vàng tung lên nhuộm những tảng mây một màu hòang thổ ngỗn ngang nổi trôi đầy trời. Càng xa, mây như hạ xuống thấp hơn, đến khơi, mây chiều là những đống bọt xốp nổi trên mặt biển nơi biển tiếp trời. Khách hóng gió chiều và người tắm biển lần lượt ra về. Còn mấy đứa bé con tắm muộn, một số đang chơi đùa, số khác lên ngồi chỗ mép nước, sóng ra vào tới lui, chơi trò xây lâu đài bằng cát. Chúng lấy tay vốc cát ướt cho chảy xuống thành những chiếc tháp, giống như tháp đền Đế Thiên Đế Thích. Biển chiều xôn xao đầy gió đưa hương biển vào tận đất liền. Gió làm biển xôn xao đầy sóng, có vài con sóng chạy đến bờ bỗng lớn lên một cách đột ngột tràn vào phá họai chân tháp. Năm ngọn tháp cao sắp bị đổ, bọn trẻ nằm dài, lấy thân thể làm đập chống lại sóng biển.
Chơi thêm một lúc nữa. Có đứa đòi về, nói:” Tắm lâu rồi, gió chiều lạnh quá, tay chân móp cả, nổi da gà rồi, về không bị cảm ngày mai không đi học được”. Đứa khác còn ham chơi chưa chịu về, chỉ tay ra xa, nói:” Ngòai kia có ông già tóc bạc phơ còn tắm kia kìa, mầy thanh niên lạnh cái gì ?” Tôi lội ra xem, nơi ấy rất nông, chỉ mới tới ngực, có một ông lão, chắc cũng đã bảy mươi, ông không phải người dân chài hay dân thôn quê, cốt cách của một lão trượng phương đông, song còn khỏe mạnh lắm. Ông cụ lom khom dùng xà beng xeo nạy mấy tảng san hô. Tôi nói:” Cháu giúp cụ đem đá lên bờ nhé?” Ông cười hiền hòa, gật đầu nói:” Vâng, chọn hòn nhỏ thôi “ Tôi khuân mấy tảng đá thô ráp, có nhiều con hàu, nghêu sò ốc, cạnh rất bén lên bờ. San hô không nặng lắm, khuân ở dưới nước càng nhẹ, tôi mới chỉ là đứa bé mười hai, thuộc hàng yếu đuối cũng có thể mang những hòn đá lớn. Ông già thấy có đứa bé đến tình nguyện giúp mình nên rất vui, nói:” Nhân chi sơ tính bổn thiện” Rồi giảng giải, trẻ con nào cũng thiện, lớn lên cuộc đời và người lớn làm cho chúng không còn thiện nữa... Chúng tôi làm việc một lúc nữa, khi đã nhá nhem tối số đá san hô đem lên bờ đã khá nhiều. Tôi hỏi:” Cụ lấy đá về nung vôi sao?” Ông cười: ”Không, có cần vôi thì đi mua mà dùng, không ai đi làm cái chuyện công phu như thế này, đố cháu ông định làm gì ?” Tôi nghĩ ngợi một lúc, không biết, lắc đầu. Ông đáp:” Tạo sơn…” Tôi chưa hiểu, ông nói là làm núi non. Rồi ông già kể chuyện thánh kinh Cựu Ước về việc đấng tạo hóa lập nên thế gian này chỉ trong sáu ngày, ngày thứ bảy nghỉ ngơi. Vì thế mà giờ đây ta có tuần lễ bảy ngày…Ay là “Thời kì tạo sơn”…
Thật ngẫu nhiên, chiều hôm nay một buổi chiều bình thường, nơi bãi biển thanh vắng này, có hai “tư tưởng lớn” gặp nhau, lũ bé con xây đền đài bằng cát, ông lão làm núi sông bằng đá.
Tôi giúp ông già chuyển đá lên xe bò, tôi theo xe về tận nhà ông. Đỏ đèn chúng tôi đến. Hồi ấy tôi đang học lớp nhất trường công. Từ nhỏ tôi đã bộc lộ tính nhút nhát, thích sống cô đơn, khó giao tiếp với người cùng tuổi, tôi tìm đến mấy ông già kết bạn. Sau này ông cụ gặp trên biển trong buổi chiều lộng gió năm ấy trở thành một người thân, bạn vong niên, để lại dấu ấn khó phai mờ trong tuổi tôi niên thiếu…
*.
Những năm cuối đời ông cụ dành cả tâm trí công sức tiền bạc cho việc làm hòn giả sơn, thật thì còn hơn thế. Đây là một hòn giả sơn đồ sộ đặt trong cái hồ lớn xây bằng đá hoa cương. Non bộ và hồ chiếm gần trọn cái sân lớn lót gạch Bát Tràng, mặt tiền ngôi từ đường họ Nguyễn. Trông cái đồ chơi kì dị khổng lồ này tôi thấy nó chẳng giống hòn non bộ cỏn con, thú tiêu dao của mấy ông cụ làm quan về hưu, ẩn dật vui thú điền viên ở hai bên bờ sông An Cựu, lúc tôi còn ở Huế. Hòn giả sơn không chỉ đẹp theo kiểu mô phỏng thiên nhiên như tranh sơn thủy mà nó còn tóat lên cái tinh thần ấy là “đất của người”, cương thổ của một tộc người, một dân tộc. Xứng đáng để gọi là giang sơn cẩm tú. Có một buổi trưa vắng vẻ, tôi không quen ngủ trưa, ra sân một mình chơi. Tôi đến bên hòn giả sơn, nhìn xuống hồ nước xanh ngắt đã bắt đầu phủ rong rêu, có chiếc lá tre khô trôi chầm chậm theo gió. Có chú kiến đen nhỏ đang bò trong con thuyền lớn của mình. Tôi thử tưởng tượng, mình hóa thân thành chú kiến kia thì sao nhỉ ? Và thế là tôi bỗng rùng mình khiếp sợ trước dòng nước xanh ngắt sâu hoắm bên chân núi hiểm trở, tôi, con kiến ngướt mặt lên nhìn, thấy nhỏ bé dưới chân dãy núi nhấp nhô trông như cột kình thiên. Tôi tưởng như thấy mình đang ngồi trên con thuyền nan lượn lờ trên con suối xanh uốn mình quanh miền trung du rẫy sắn nương chè thoai thỏai. Xa xa miền bình nguyên mơn mởn ruộng lúa con gái xanh tươi, lúa chín vàng trĩu hạt. Có con sông xanh êm đềm lượn lờ giữa những cù lao xanh ngát bóng tre dừa. Có bờ biển quanh co sóng vỗ trắng xóa chân đá, bãi cát trắng phau. Cõi giang sơn này không chỉ có núi non, sông hồ đất đai, là những vật vô tri, cảnh trí còn có cả những con người với bao nhiêu cảnh sinh họat. Còn có cả nổi buồn vui, nhọc nhằn an lạc của bao nhiêu thế hệ người ràng buộc với mảnh đất chôn nhau cắt rốn này …
Sau này lớn lên tôi dần dần hiểu ra đây không hẳn là trò chơi lúc nhàn rỗi mà chính là cái chí, cái mộng của người để lại cho người “ Thuở tạo sơn” công phu lắm, nó kéo dài trong nhiều năm.
Với chiếc rìu nhỏ, ngày qua ngày ông lão đẽo gọt những tảng đá vôi theo cái mẩu mực nào đó mà ông đã nghĩ ra. Khi làm việc ông nhịn luôn cả hút thuốc uống nước nhưng lại không ngớt kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Hình như cổ tích cũng giúp cho đôi cánh tưởng tượng tung bay cao hơn. Ông già nâng rìu lên bổ xuống, một mảnh san hô trắng tóat bay ra. Ông dừng tay nhìn ngắm khố đá còn lại ở nhiều góc cạnh rồi mới đẽo tiếp. Ông làm việc chậm chạp từ tốn, khác hẳn với kiểu bọn trẻ làm việc chỉ nôn nóng mong cho mau xong để xem đẹp xấu như thế nào. Để tìm tới cái đẹp vĩnh hằng tuyệt hảo, ông già chẳng bao giờ chạy đua với thời gian. Lúc ấy tôi không nhận ra đây cũng là một sự hi sinh to lớn, sau này nghĩ lại, thật đáng thương cảm ngậm ngùi và khâm phục. Thời gian của người già ngắn ngủi lắm, nó cháy nhanh như tim pháo, ông biết thế nhưng cứ chậm rãi, chỉ sợ nôn nóng thì hỏng việc. Lần lần theo ngày tháng những tảng san hô hiện hình thế núi dáng sông, hang động và con đường mòn luồn lách qua núi cao vực thẳm. Tôi nói thứ đá vôi mềm quá, trắng quá, làm sao giống đất đá vạn niên cổ quái trong trời đất? Ông cụ nói, khi từ dưới biển mới lên bờ chúng còn non, còn mềm, thời gian và khí trời sẽ làm cho ngả màu sương gió, hóa thạch. Lúc đó rìu thép chém vào toé lửa, muốn phá đi cũng khó. Đây quả thật là một tiên liệu chính xác. Tuy nhiên ông cụ còn có cách khác làm cho chúng mau trở thành cũ kĩ phong sương, giống như dãi dầu mưa gió thiên niên vạn cổ.
Ông sai lũ trẻ con đi hái lá me đất, chanh rừng về nấu nước, trong chiếc nồi đất rất lớn, lọai nồi bảy chứa tới hai đôi thùng nước đầy. Ông ngâm những mảnh san hô đã đẽo gọt vào. Chúng tôi đứng chung quanh xem. Chất nước chua ăn mòn đá vôi, sủi bọt, bốc mùi vôi nồng nồng. Sau nhiều ngày nước chua hóa đen và những tảng đá vôi bị ăn mòn, nhiều hang hốc lồi lõm hiện ra, một hình thái nham nhở ngẫu nhiên đầy nghệ thuật. Bây giờ chẳng cần đến sự tưởng tượng , trông đá nhân tạo cũng đã nhuốm đầy vẻ phong sương, chẳng khác núi non bị gió mưa, nước lũ bào mòn. Ông nói, trong san hô còn chứa nhiều chất muối, phải ngâm thực lâu cho sạch thì sau này rong rêu mới mọc được.
Ông lấy xi măng trắng gắn chúng lại, tôi cho rằng đây là giai đọan khó khăn nhất, một lọai công việc đòi hỏi óc sáng tạo rất cao. Ông thử đặt chúng kề cận nhau, trông gần, trông xa, lắc đầu, tháo ra rồi gắn theo vị trí khác. Nhiều lần như thế cụ mới bằng lòng. Có khi ông cụ vừa làm việc vừa triết luận với tôi như trước một cử tọa cao cấp. Cụ nói còn như là một vì công hầu, vương tử lãnh chúa chiếm cứ một vùng lớn. Ong cụ còn luận về vị trí, địa hình như một chiến lược gia, một vị tướng sóai cầm quân. Ông nói :” Thế núi dáng sông không những phải đẹp mà còn phải hiểm trở để có thể tựa vào đó mà chống ngọai xâm !” Thật đáng sợ ông lão bình dân, bệnh họan sắp chết này! Công việc khác tôi còn giúp được, riêng việc này tôi chỉ được đứng nhìn.
Tôi nói:” Bức tường sau đình làng. Am thấp suốt ngày không có ánh mặt trời rong rêu mọc từng mảng lớn, rất đẹp. Có thứ rêu xanh óng lên màu lục giống lớp tuyết trên chiếc áo nhung má cháu mặc trong ngày tết. Mình lấy dao lóc về đắp lên chắc đẹp lắm” Ông lão nghe xong nói :” Cháu giỏi lắm, nhưng ấy chỉ là cách làm của mấy nhà giàu chơi cây kiểng, những nhà quí phái đất thần kinh, gọi là “Bích thành” trông cũng đẹp nhưng nhìn kĩ vẫn thiếu nét tự nhiên, người làm sao hòan thiện bằng trời. Làm cách ấy là vội, cứ để rêu mọc một cách tự nhiên. Phải có thời gian để thiên nhiên lần hồi trang điểm cho chúng” Ông nói thêm, thứ đá san hô không phải là đá, vật vô tri, chúng là cái còn lại của một cơ thể sống, lòai cây sống dưới nước, gồm vô vàn nhánh hút thức ăn trong nước biển, chết đi mà thành. Nó chứa hàng vạn ống nhỏ nó tự hút nước lên lên cao, không bao giờ sợ khô. Ngày sau tha hồ cho rêu mọc. Đúng như thế, năm sau, trong nhiều hang hốc rong biếc dâng tràn, còn những nơi đá sườn non nhô lên, bị ánh mặt trời chiếu tới rêu không mọc được vẫn là một thứ đá khắc khổ chơ vơ dãi dầu năm tháng. Cùng thời gian đó những cây đa cây bồ đề, cây si, một số được trồng còn đa số do hạt của chúng bay trong không trung, ngẫu nhiên bám vào sinh trưởng, chưa chi trông đã rất hoang sơ cổ kính. Tôi thầm khâm phục tính kiên nhẫn của ông cụ, ông không bao giờ nôn nóng làm cho nhanh xong việc.
Mùa đông năm ấy cụ yếu hẳn, ho nhiều, ngày nào nắng ấm lắm ông mới ra sân làm việc. Ông thường bị những cơn hen dày vò phải thở gấp, nặng nề, toát mồ hôi. Ông không còn đủ sức ngồi lâu như trước nữa. Ông cụ nghỉ tay vô nhà ngồi nhìn ra, ngắm công trình, có việc gì nhỏ ông chỉ tôi làm. Tôi là một trợ thủ đắc lực. Ông cụ có lần nói:” Chiều hôm đó ra biển tìm đá lại được thêm viên ngọc quí” Hỏi ngọc nào? Cụ nói , ngọc chính là tôi, tôi thầm sung sướng. Một lời khen của cụ già này giá trị biết bao ! Tôi sung sướng và hân hạnh được giúp cụ. Tôi gắn mảnh đá nhỏ làm chiếc bàn thạch cheo leo trên sườn núi cho mấy vị tiên ông ngồi uống rượu đánh cờ. Tôi gắn lão tiều phu trong rừng trúc, gắn ông câu bên gềnh đá với cái cần bé tí trong tay ngồi câu cá hay câu thời vận như ông Khương Tử Nha, tôi đặt người cày ruộng, chị quảy gánh ra chợ, thằng bé lon ton theo mẹ, mái đình cong vút , xóm núi thấp thóang mái tranh sau rừng trúc…Ông cụ khen tôi có hoa tay, ông còn bảo tôi có cái”tâm” hơn hẳn lũ con cháu ông. Tôi sung sướng lắm, còn ông thì buồn khi nhắc đến con cháu mình.
Công cuộc tạo sơn chẳng khi nào chấm dứt. Hết đợt này đến đợt khác, ông cụ còn nghĩ nhiều cảnh trí khác nhau. Ông cố tạo cho cõi trần gian tí hon ấy thành ra chốn thiên đường có thực trên đời. Đến khi công trình hòan thành cũng là lúc cụ giả từ cõi tục. Mọi người xúm vào lo đám tang, còn tôi cố làm nốt những công việc ông dặn. Nhìn con cháu ông chít khăn trắng, mặc áo tang sổ gấu, tôi nghĩ cũng nên cho cái tiểu thế gian này để tang cho người đã sinh thành, tôi cắt băng vải trắng cột quanh đỉnh núi cao nhất, ấy là nơi ông cụ đặt cho mấy cái tên: núi thần tiên, cột chống trời, đỉnh kình thiên… Buổi chiều khi đội hộ tang gồm nhiều thanh niên mặc áo đen viền trắng, đánh trống thổi kèn, khiêng quan tài có hàng nến trắng chậm rãi và cẩn thận, cố đừng để li rượu trắng sánh ra ngòai, qua sân gạch, trời đứng gió im phăng phắt, cây cối đứng yên như bị chôn chân xuống đất, lá cây bị dán chặc trên cành, thế mà dãi băng tang trên đỉnh núi phất phơ lay động giống như cánh tay vẫy nhẹ tiển người quá cố. Hàng cây cổ thụ tí hon cúi đầu ngậm ngùi. Cõi đất trời nhân tạo cũng chạnh lòng. Từ đây số phận nước non ra sao ?…
*
Ông cụ mất, cây cột cái chống đỡ gảy đi rồi, ngôi nhà sụp đổ hòan tòan. Con cháu li tán mỗi người một nơi, thỉnh thỏang mới có người trở về. Cuộc tha phương cầu thực này hình như không tốt đẹp, họ trở về, không phải cảnh áo gấm vinh qui mà trong lốt nghèo hèn. Họ trở về chẳng phải để thăm viếng họ hàng nhà đất mà để bàn chuyện bán nhà cửa vườn tược, những dự định kiểu đó đều không thành bởi không ai thống nhất được với ai. Những cuộc đòan tụ không tránh khỏi cãi vã xung đột. Ông cả dựa vào tục lệ tập quán đòi quyền giành ngôi từ đường và khu vườn. Mấy người khác phản đối nhưng không làm gì được, đưa ra tòa kiện tụng một thời gian chẳng đi đến đâu. Bây giờ ông cả mặc sức hòanh hành làm kinh tế. Lúc đầu ông theo kiểu cha làm nông, sau nghe nói muốn giàu nhanh chóng phải bỏ nông nghiệp theo công nghiệp, ông làm vài nghề thủ công nghiệp song cũng chẳng thấy khá. Ong than phiền nhà đã lỡ đông con, không thể kế họach hóa gia đình được nữa rồi. Kinh tế ngày càng sa sút, lâu nay ông thường luôn miệng bắt chước sách báo đổ thừa ấy là khó khăn chung, klhó khăn do lịch sử để lại...
Không ngơ, khi ông nhìn chung quanh, thấy mấy nhà hàng xóm, lúc trước còn nghèo hơn ông sau đều khá lên cả, ông đâm hỏang tự trách mình không chịu đổi mới cách làm ăn. Từ đó ông bắt đầu làm ăn theo kiểu mà ông gọi nôm na là “kinh thế chợ búa.”
Hòn non bộ lâu nay chẳng được chăm sóc. Nước hồ cạn dần. Thật lâu mới có người múc cho vài gàu nước. Cũng may nó nằm trong bóng râm nên nước ít hao hụt. Thời gian nhuộm cái tiểu thế giới một màu cũ kĩ rêu phong hoang tàng, rất đẹp. Nước hồ bốc hơi dìu dịu làm cho cây trên núi lúc nào cũng xanh tươi, rong rêu tha hồ mọc tràn trong những hang hốc. Nó đẹp thế nhưng con cháu chẳng ai ngó ngàng thưởng thức. Phải chi ông cụ còn sống thấy được tác phẩm của mình đang thời kì nhan sắc vẹn tòan thế này cụ bằng lòng xíết bao ! Mấy chú cá rô ngày trước khi tôi lấy rổ xuống ruộng xúc về nuôi chỉ bằng hạt thóc nay đã bằng bàn tay trẻ con, tung tăng đớp bóng, đớp mồi. Trong hồ, bèo tấm bèo Nhật bản, rong đuôi chồn đẻ nhánh phủ kín mặt nước. Nước hồ chuyển thành xanh ngọc. Sen súng trồi lên nâng những bông hoa hồng thắm tím ngắt. Trên núi, mấy doi đất mà ngày trước ông cụ cố tạo thành bình nguyên, giờ đây xanh tốt đầy một thứ cỏ tóc tiên, trông xa như cánh đồng lúa chiêm mơn mởn. Những xóm làng mái ngói mái tranh ẩn hiện trong rừng giống như thôn bản trong mây. Vùng trung du nhấp nhô đồi nương, lên cao hơn nữa là dãy núi phía tây hùng vĩ. Vách đá thẳng tắp, cheo leo mấy cội tùng. Lọai san hô với muôn vàn ống nhỏ li ti hút nước lên khiến hòn giả sơn lúc nào cũng ẩm thấp xanh tươi.
Ông con trưởng nghe thiên hạ đồn lúc này ba ba bán cho các nhà hàng đặc sản ki lô mấy trăm ngàn, còn đem bán cho người mua đi Trung Quốc, cứ một ki lô là một chỉ vàng. Ông ham lắm , đi học hỏi một vài nơi thấy người ta phải xây hồ, ông liền nghĩ đến cái hồ có sẳn ở sân với hòn non bộ. Ông liền xách búa tạ ra sân đập phá mấy hòn đá giữa lòng hồ, công trình của ông cha mà ông cho là đồ vô dụng trong thời buổi kinh tế chợ búa này. Ông đập cả buổi sáng, lưng áo đẵm mồ hôi mà chưa sứt mẻ được bao nhiêu. Như ngày trước ông cụ nói thời gian và khí trời đã biến thứ san hô, mềm và trắng phau ngày trước thành lọai đá tảng rắn vô cùng. Ông giận dữ tức tối, đưa búa lên nện xuống, mỗi lần như thế kèm theo câu chửi :” Nầy ! Cứng đầu nầy!…Nầy, cứng đầu nầy…Nầy, ồ vô dụng, cứng đầu nầy !…” Tiếng búa chạm vật cứng đinh tai nhức óc. Người con ra sức tàn phá công trình cha mình không chút xót thương. Ông làm việc hồi lâu, hết cả hơi sức đâm bực tức, nghĩ, phải có mìn ầm một cái là xong ! Ông đành kêu mấy đứa cháu lực lưỡng xúm vào tàn phá công trình. Cụ ơi ! Cụ có linh thiêng thì đừng quay về chốn này thấy cảnh đau lòng lắm. Con cháu đang ra sức đập phá những cái cụ đã khó nhọc làm ra để lại cho chúng! Đến chiều mới xong, ngồi nhìn đống đá cao nghệu, người con cả thầm trách :” Đồ chơi mà làm gì công phu như pháo đài. Không lẽ cha tính xây dựng công trình vĩnh cửu, để lại cho hậu thế? Thực là viễn vông ! ”
Ông gánh bùn dưới ruộng lên đổ vào hồ rồi đi mua ba ba con về nuôi. Ông sai vợ con mỗi chiều ra chợ mua đầu tôm xương cá về cho vào hồ làm mồi. Mồi nhiều quá làm cho nước đục ngầu, bọt bèo nổi lên hôi thối không ai chịu nổi.Lúc đầu tưởng dễ, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên chuyến đầu không thành công, ba ba chết hoặc bỏ đi, con còn lại không lớn hơn mấy so với lúc mới đem về nuôi.
Ông thở dài ngao ngán. Ông lại nghe người ta nói, ba ba khó nuôi lắm, nuôi lươn cũng lời mà dễ hơn. Thế là ông mua lươn con về nuôi. Người ta bày ông chặt thân cây chuối ngâm cho nó thối rửa làm thức ăn cho lươn. Trong chất nước đục ngầu hôi thối đó mấy con cá rô nuôi từ thời mới xây hồ, nay đã khá lớn, chúng trồi đầu lên thở, mấy ngày sau chết cả, xác nổi lềnh bềnh đưa bụng trắng. Công dụng cuối cùng của công trình tạo sơn là làm hố ủ phân rác…
Thời gian này mọi thành phố giống như con kí sinh trùng đường ruột A-míp khổng lồ, nó vươn những cái chân giả vô định hinh ra chung quanh, gặp thôn quê nó nuốt trộng. Nó nuốt những miền quê xanh tươi yên tĩnh ven đô. Thọat tiên cuộc xâm lăng bắt đầu từ những con đường rồi lan rộng ra. Đất đai hai bên đường không còn là đất nữa mà hóa vàng. Những mẫu ruộng nhất đẳng điền, đình làng chùa miếu dần dần biến mất. Thay thế vào đó là một khu rừng xi măng cốt thép, nhà cửa mọc lên nhiều và nhanh như nấm sau cơn mưa. Về sau những cánh đồng xa cũng bị xóa nốt. Người ta lao vào cuộc chạy đua điên cuồng mua bán đất đai. Thành phố không chỉ xâm lấn đất, nó nuốt cả con người. Bao nhiêu trai gái già trẻ, những người nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn cũng bị ánh đèn màu thành phố cuốn hút. Họ không có nghề nghiệp gì ngòai sức lao động, họ tự nguyện lao vào guồng máy khốc liệt đó với đồng lương rẻ mạt. Đau đớn hơn cả là những cô gái quê. Họ giống như là lòai thiêu thân trong ánh đèn đô thị. Thành phố nuốt đất nuốt người , nó còn truyền cho nông thôn thanh bình tinh khiết bao nhiêu là thứ bệnh tật. Bây giờ đến đâu cũng chỉ nghe một thứ nhạc ồn ào, tiếng cười nói, chửi lộn, nhậu nhẹt, cử chỉ nhố nhăng, nói năng thô tục, trộm cắp hút xách hòanh hành…
Không biết rủi hay may mà khu vườn ông cụ nằm ven đường, địa thế rất tốt. Lúc đầu người ta còn đo theo mặt tiền để định giá, mỗi mét mấy cây vàng. Những năm sau thì tính theo mét vuông. Cứ mỗi mét vuông là bao nhiêu cây vàng. Nhờ đó giá không phải mấy chục mà mấy trăm cây vàng y. Với giá đó thì con trai con gái dâu rể kể cả những người trước đây mạnh miệng nhất cũng đồng ý bán đất, bán luôn ngôi từ đường, chia nhau. Mỗi người ôm mấy chục cây vàng, mua sắm xe cộ đồ dùng đắt tiền, xong kéo về thành phố. Về sau không thấy ai trở lại chốn cũ.
Người ta chỉ cốt mua miếng đất địa thế tốt đẹp này, còn ngôi từ đường, cái nhà gỗ kiền kiền ba gian hai chái chẳng có chút giá trị gì. Ông thuê xe ủi đất đến phá, Căn nhà cũ kĩ bị san bằng. Bao nhiêu sự kiện trọng đại của một đại gia đình to lớn, kéo dài hơn một trăm năm, phút chốc tiêu tan, giống như nó chưa từng xuất hiện trên cõi đời. Chiếc xe ủi đất phì phò như lòai thú dữ tiến ra sân.Nó cắm những lá thép như móng chân ác thú xuống sân gạch là vỡ hết những viên gạch Bát Tràng. Nó mở cái hàm thép khổng lồ tiến tới toan ngoặm hòn giả sơn. Đúng lúc đó người chủ ra lệnh cho anh thợ lái xẻ ủi dừng lại. Hình như ông ta chợt nảy ra sang kiến gì nên không muốn phá hòn giả sơn với cái hồ..
Người chủ mới xây khách sạn nhiều tầng. Đây là một khách sạn quốc tế. Hôm khai trương tôi thấy tiền sảnh treo hàng cờ nhiều nước. Người ra vào tấp nập, nhiều hơn cả là người da trắng. Họ vui vẻ, hồn nhiên, thường chơi đùa với trẻ con trong vùng. Họ ăn mặc xềnh xòang, lang thang suốt ngày, hang cùng ngỏ hẽm nào cũng chui vào. Màu da họ lạ lắm. Lão Tư Bắp Sú có nghề liệm người chết, nói:”Trông như con cua lột!” Còn mụ Bầu, một người đàn bà ốm nhom như con cá hố phơi khô thì nói:” Coi bộ đúng như người bạch tạng!” Mấy người ngọai quốc ngạc nhiên khi thấy một tờ giấy bạc của họ đổi được cả vạn đồng. Họ ngây thơ lắm, thấy cái hồ khô khốc trơ cả đáy không hiểu người ta làm ra như thế để làm gì ? Sau thì có người tưởng chỗ ấy là nơi chứa rác. Người nước ngòai rất sạch sẽ, họ có ý thức cao về vệ sinh chung, không khi nào xả rác bậy bạ. Nay thấy cái nơi chứa rác làm một cách công phu mỹ thuật, thích lắm. Họ ném vào đó lon bia lon nước giải khát, giấy gói lộn, giấy gói bánh kẹo cao su của Mỹ, thùng giấy và nhiều lọai bao bì khác, nhất là thùng các tông đựng đồ điện tử của Nhật, Hàn quốc. Người Nga thì ném giấy tờ sách vở họ đã đọc xong, đã chán không còn thích nữa thì tống vào đó. Mấy người nghèo sáng sáng bới tung đám rác lên tìm kiếm nguồn sống. Họ đánh chửi giành giật nhau. Nghe nói rác bán có tiền lắm, song bao năm trông cả bọn vẫn nghèo khó rách nát tả tơi. Bây giờ nơi ấy đã thành đống rác khổng lồ! ./.