Tôi gặp cuốn sách này lần đầu tiên năm tôi 20 tuổi và người giới thiệu nó với tôi không ai khác hơn là Cụ thân sinh ra tôi. Một hôm Cha tôi lấy từ trong tủ sách, mà cụ để riêng những cuốn sách Cụ quý và đánh giá cao, cuốn Connaissance du Vietnam này và bảo tôi: “Con hãy chịu khó đọc ngay cuốn này, con đã 20 tuổi và đã biết khá Pháp văn, hãy đọc cuốn này để có một hiểu biết căn bản về quê hương, đất nước và đồng bào của con. Tuy các tác giả là hai người Pháp nhưng những gì họ biết về dân ta rất ư là phong phú, rất đáng để chúng ta sử dụng và tham khảo.”
Vừa mở cuốn sách tôi đã có cảm tình ngay vì tôi bị trên một trăm hình vẽ rất đẹp vẽ đủ mọi lãnh vực, ngành nghề của người Việt mình, chinh phục cái một. Tôi liền bỏ ra 3 tuần lễ để nghiên cứu cuốn sách, và càng đọc tôi càng thấy thích thú. Tôi tự nhủ, đây là một cuốn sách tốt quá, sau khi mình đọc xong, sẽ tìm cách phổ biến cho bạn bè cùng đọc, và rồi tự nhiên tôi cảm thấy như mình bị một sợi dây vô hình nào đó ràng buộc mình với cuốn sách này. Tôi cảm ơn Cụ tôi và trách Cụ: “Cuốn sách hay thế này mà bây giờ Cha mới bảo con đọc, lẽ ra con phải được đọc nó sớm hơn.” Cha tôi cười và bảo: “Phải để cho con lo học cho cừ chữ Pháp rồi đọc thì mới thấy thích”. Từ ngày đó tôi luôn luôn nghĩ rằng mình có một chút “duyên” gì với cuốn sách này đây, để rồi, 37 năm sau, vào năm 1992, tôi được một vị “đầu nậu” sách có danh tiếng và cũng là người có tâm huyết với văn hóa dân tộc nhờ tôi dịch cuốn sách ra Anh ngữ và tôi đã làm điều đó với sự thích thú
…
Bây giờ tôi xin giới thiệu nó với các bạn. Trước hết tôi xin được có mấy lời nói về 2 đồng tác giả Pierre HUARD và Maurice DURAND, sau đó tôi sẽ xin nói về tác phẩm tuyệt vời này. Cuốn sách được viết và xuất bản năm 1954 và tôi chỉ được biết là hai Cụ tác giả, một Cụ là một Thiếu tướng Quân Y (Cụ Huard) và Cụ Durand thì là một Giáo sư thì phải, tôi không nhớ rõ, tuy nhiên điều tôi biết rất rõ là cả hai Cụ đều là thành viên của trường Viễn Đông Bác Cổ đã được thành lập bởi một nghị định của toàn quyền Paul Doumer ngày 15 tháng 12 năm 1898, thoạt đầu mang tên là Phái Bộ Nghiên Cứu Khảo Cổ Học và một năm sau mới mang tên Viễn Đông Bác Cổ. Đây không phải là một Trường mà chính là một Viện Chuyên Nghiên Cứu về Lịch Sử, Khảo Cổ Học và Triết Học tại Bán Đảo Đông Dương và các Quốc Gia ở Viễn Đông như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Nội việc hai Cụ là thành viên của tổ chức này cũng đủ để người đọc có quyền tin tưởng vào những gì các Cụ viết ra.
Giờ tôi xin giới thiệu cuốn sách. Sách này dày 385 trang có chứa đựng 132 minh họa tuyệt vời liên quan tới mọi lãnh vực hoạt động của người Việt Nam, và được chia ra làm 21 Chương, ví dụ như Chương 1 nói về địa lý Việt Nam, Chương 2 nói về Lược sử Việt Nam, Chương 3 nói về Cơ thể của người Việt Nam nghiên cứu về Dòng giống, Bộ xương, Gân cốt, Da, Răng v.v. Mười tám chương còn lại nói về đủ mọi lãnh vực khác như Luật Pháp, Lễ Hội, Đời Sống Xã Hội, Chiến Tranh, Nông Dân, Nghệ Nhân, Đồ Ăn Thức Uống, Ăn Mặc, Chuyên Chở, Thú Vui Giải Trí, Đặc Tính Văn Hóa, Âm Nhạc và Văn Chương, kể cả Bói Toán.
Ngay hồi đó người viết đọc lướt qua nhiều chương và chỉ đặc biệt yêu thích Chương cuối cùng là Chương 21 nói về Văn Chương Việt Nam. Trong Chương này thoạt tiên hai Cụ nhắc tới các tác phẩm viết bằng chữ Hán dưới các đời Lý Trần như Đại Việt Sử Ký (1272), An nam Chí Lược của Lê Tắc (1334), Việt-điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (1323) vv… Về văn chương chữ Nôm các Cụ nhắc tới Hồng Đức Quốc âm thi tập, tới Bạch Vân thi tập của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, và tới thế kỷ thứ XVIII, thì các Cụ nhắc tới Hồ Xuân Hương. Bước sang văn chương bằng chữ quốc ngữ thì các Cụ nhắc tới Trương-Vĩnh-Ký, Huỳnh-Tịnh-Của, Nguyễn-Văn-Vĩnh, Phan-Kế-Bính và Phạm-Quỳnh, các Cụ cũng đặc biệt chú ý tới Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu. Trong chương này các Cụ còn nói tới cả cách thức làm thơ, phú, và trong lúc đọc khá kỹ càng Chương này người viết rất thích một bài mà hai Cụ gọi là thể thơ “Trường thiên”, và người viết xin nêu ra dưới đây vì thực sự là bài viết này trong 53 năm nay đã gần như là một thứ kim chỉ nam cho người viết sống theo:
Bài ghi trên chỗ ngồi
Người xấu chớ nên nói,
Mình hay chớ nên khen,
Làm ân chớ nên nhớ,
Chịu ân chớ nên quên,
Đời khen không đủ mến,
Duy lấy nhân làm nền,
Chứa bụng rồi mới động,
Gièm pha có ngại gì,
Đừng để danh quá thực,
Thánh ở trong ngu si,
Giữ mình cốt trong trẻo,
Ánh sáng lộ tỳ ty.
Mềm mỏng được bền dai,
Lão đam (1) khỏe mới kỳ,
Hầm hầm nét kẻ hèn,
Ôn hòa người lượng cả,
Nói cần, ăn có chừng,
Biết vừa, không tai vạ,
Cứ thế được mãi mãi,
Thơm tho cũng thỏa dạ.
(1) Lão Đam là nói Lão Tử
Ngoài bài nói trên người viết còn khoái chí tử một bài khác ở thể thơ gọi là “yết hậu”:
Sư gạ vãi (2)
Chơi Xuân kẻo nữa già,
Xưa nay vẫn muốn mà,
Mời vãi vào nhà hậu,
Ta…
Vãi cự lại:
Đã mang tiếng xuất gia
Còn đeo thói nguyệt hoa,
Sư mô đâu có thế,
Ma!
(2) Đúng ra là gạn, nhưng người viết tính tình nghịch ngợm đã lấy đi chữ n để thành gạ
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua mà người viết không hề có lúc nào quên mấy câu thơ kỳ diệu này, để rồi gần đây vì thấy đất nước ta đang lạm phát “học giả” nên người viết nương theo bài thơ trên mà cũng làm một bài yết hậu tặng quý vị “học giả” hiện đại (xin lưu ý là các học giả thật, các học giả chân chính thì không bị bài này “phủ sóng”):
Biển học vô bến bờ,
Học thật mắt muốn mờ.
Huống chi là “học giả”
Mơ!
Vào năm 1992, người viết được một vị đầu nậu thuê dịch cuốn sách này ra Anh ngữ và người viết đã làm. Cuốn bằng Pháp văn dày 358 trang, nhưng khi sang tiếng Anh (vì in thưa hơn) nên cuốn sách dày đến 452 trang và người viết đã ký bút hiệu là Vũ Thiên Kim, là tên con gái của mình đã xuất ngoại sinh sống ở Cali bên Hoa Kỳ. Bản dịch này đã được tái bản tới lần thứ ba và người viết đã cẩn thận dịch không bỏ một dấu phẩy của nguyên tác. Do đó ngày nay bản dịch này đang được một số người làm công việc nghiên cứu đôi khi dùng để tham khảo vì hai Cụ tác giả đã làm một chuyện tuyệt vời là, ở cuối mỗi Chương trong tất cả 21 Chương các Cụ đều có để phần Danh sách sách báo tham khảo, như vậy sau mỗi Chương có không dưới 50 tên sách báo liên quan tới vấn đề được bàn, và người dịch đã dịch đủ hết tất cả các tên sách báo đó sang Anh ngữ là thứ tiếng lúc này rất thịnh hành, do đó cũng phần nào có một đóng góp gián tiếp để sau này kể công với Mẹ Âu Cơ…
Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI