Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.149.398
 
Lời chúc cho một kẻ độc hành
Nguyễn Quang Thiều

 

Đối với thơ ca, nhà thơ chỉ có thể tồn tại hoặc có ý nghĩa nào đó trong sự sáng tạo khi nhà thơ tìm ra một con đường của riêng mình. Nhà thơ phải quyết định giá trị và sự sống còn của mình ngay từ sự chọn lựa đầu tiên. Nhà thơ thực sự phải đi trên một con đường độc đạo. Mà thực tế, nhà thơ luôn luôn là kẻ cô độc trong suốt cuộc hành trình của mình. Những khoái cảm mang tính tập thể luôn luôn lừa mị nhà thơ và giết chết những sáng tạo có ý nghĩa của nhà thơ. Không có khoái cảm nào ghê gớm hơn cái khoái cảm khi nhà thơ được một nhóm đồng nghiệp và một bộ phận bạn đọc vuốt ve. Nó là một thứ khoái cảm khó lòng mà cưỡng nổi. Nhưng tệ hại hơn, có quá nhiều nhà thơ đã lấy cái khoái cảm ấy làm mục đích của mình. Anh ta (chị ta) không chịu được sự cô độc. Anh ta (chị ta) không nhận ra được rằng: trong lúc sáng tạo một bài thơ là anh ta (chị ta) được sống có ý nghĩa nhất chứ không phải sau khi bài thơ đã viết xong. Nhưng buồn thay, có quá nhiều nhà thơ cần là một không khí xã hội bao quanh bài thơ (giải thưởng, vị trí xếp hạng, những bài điểm sách đầy mỹ từ, sự hài lòng của đám đông…) chứ không phải một thế giới khi viết bài thơ ấy. Còn các nhà thơ chọn lựa con đường riêng biệt luôn luôn đứng trước một trong hai thách thức: nỗi cô độc và sự tự biến mất.

 

Tôi phải lắm lời như vậy bởi tôi muốn bày tỏ với thi sỹ Phan Trung Thành rằng: Với cách đi của Ăn Xà Bông, anh sẽ phải độc hành trên con đường sáng tạo của mình và có thể sẽ bị biến mất. Nếu anh hiểu điều đó và chấp nhận nó, anh sẽ tìm thấy ý nghĩa lớn lao của thi ca và thi sỹ. Nếu anh không chịu được thách thức đó, anh có thể chọn lựa một con đường khác. Con đường khác này sẽ làm anh được chìm trong khoái cảm nhưng không phải của thi ca mang lại. Câu chuyện ăn xà bông đã được Phan Trung Thành giải thích. Về chuyện ăn xà bông (xà phòng theo cách gọi của người Miền Bắc), tôi đã được nghe kể từ khi còn là một học sinh phổ thông trung học. Rồi sau này tôi tiếp tục được nghe câu chuyện ấy với nhiều dị bản. Nhưng dù câu chuyện được kể với những chi tiết khác nhau thì thông điệp của câu chuyện vẫn là nói về một nỗi buồn, tính bi hài và sự cay đắng của đời sống con người. Theo tôi, cái tít “Ăn Xà Bông” chính là chìa khóa đa năng để mở các cánh cửa khác nhau của từng đoạn của trường ca.  Ăn Xà Bông chính là password đi vào thế giới hiện thực của những ngáo ộp, những đầm lầy, những linh hồn, những thành thị, những tổ dân phố…

 

Phan Trung Thành gọi Ăn Xà Bông là trường ca hoạt họa. Và cách thể hiện toàn bộ trường ca này được tuân thủ hết sức chặt chẽ với những đặc tính hoạt họa với những tiết tấu chuyển động, ngôn từ, hình ảnh, những lời thoại và những chuyển đoạn (chuyển cảnh). Trong trường ca này, một điều quan trọng và hết sức thú vị là tác giả đã sử dụng một cách vô cùng thành công những đặc tính của đồng dao truyền thống. Lối hát đồng dao trong ngôn ngữ hiện đại đã tạo lên một văn bản độc đáo và đầy cá tính của nhà thơ. Nếu chúng ta chỉ chú ý một chút, chúng ta nhận thấy rằng: toàn bộ hiện thực trong trường ca là hiện thực của một đời sống chúng ta đang sống ở thế kỷ này được hiển lộ trong cách nhìn sắc sảo, khái quát và bi hài, trong một thi pháp hiện đại nhưng lại thể hiện cách nói nhuần nhuyễn của truyền thống. Đây là điều không dễ dàng với các nhà thơ đương đại.

 

Hiện thực và những vấn đề của đời sống và phận người trong thời đại này được đề cập trong trường ca của Phan Trung Thành không phải là một hiện thực xa lạ và không phải của những phận người dị biệt mà đó là hiện thực và phận người mà chúng ta đều chứng kiến hàng ngày và ít nhiều thấu hiểu. Nhưng nếu Phan Trung Thành không tìm được một cách nói mới, cách nói của riêng anh, thì chúng ta không cần thiết phải có trường ca này. Chúng ta chỉ cần đọc những thông tin, những câu chuyện trên các tờ báo hàng ngày là có thể biết tất cả. Nhưng khi hiện thực và phận người được hiện ra trong một cách nhìn mới thông qua ngôn ngữ và cấu trúc mới của tác phẩm văn học, điều đó sẽ mang lại cho chúng ta những cảm xúc mới và những suy tưởng mới. Nó làm cho những điều đã quá cũ hoặc quá nhàm chán trở nên sống động, mới mẻ và nhiều ý nghĩa. Chính vì lý do đó mà chúng ta cần các nghệ sỹ với sáng tạo của riêng họ. Chính vì lý do đó, tôi, với danh nghĩa của một bạn đọc, của một nhà thơ đón chào Ăn Xà Bông và tác giả của nó – Thi sỹ Phan Trung Thành. Và tôi hy vọng thi sỹ Phan Trung Thành không dời bỏ con đường anh đã chọn với bất cứ lý do nào.

Nguyễn Quang Thiều
Số lần đọc: 1812
Ngày đăng: 20.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản Văn Sài Gòn: Sức Lay Động Hấp Dẫn Của Trang Viết - Trần Hữu Dũng
Nguyễn Thanh Trịnh: Người Của Một Thời Đã Mất - Nguyễn Tấn Cứ
Mong Manh - Lê Hà Ngân
Có Người Lòng Như Khăn Mới Thêu - Huyền Chiêu
Buổi Sáng Ở Quán Café Tulips - Mang Viên Long
Hẻm Phố Sài Gòn - Nguyễn Thị Hậu
Những thằng già nhớ mẹ - Vũ Thế Thành
Rồi mây cũng bay đi. - Nguyễn Hòa vcv
Sự Chuyên Nghiệp - Nguyễn Thị Hậu
Buổi Trưa Trong Quán Café (Hay Là Mơ Ghe) - Nguyễn Thị Hậu