Truyện ngắn của Ishii Shinji (Nhật Bản), Nguyễn Quốc Vương dịch từ tiếng Nhật
Nhà văn Ishii Shinji sinh năm 1966 tại Osaka và lớn lên ở Kyoto. Cho tới nay ông đã xuất bản khoảng 20 đầu sách với nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, điểm sách, phỏng vấn…
Truyện ngắn “Tiệm thịt con vẹt” dưới đây được rút ra từ tập truyện mang tên “ Chim trắng và chim đen” do Kadokawa Shoten xuất bản năm 2005.
Tiệm thịt con vẹt nằm trên con đường lầm bụi nối với miền quê ở cuối phố. Ngôi nhà bê tông một tầng với tấm bảng sắt đã rỉ sét ở trên giữa nóc từ xa nhìn lại trông giống như nhà chờ xe buýt hoặc nhà kho đựng vỏ chai. Nhưng càng đi lại gần ai cũng có thể nghe thấy không lẫn vào đâu được tiếng ông chủ tiệm.
“ Nào! Bò phải không? Nếu lấy thịt bò thì đây này! Ò! Ò…! Ồ, quý vị đã nghe thấy phải không nào. Thực ra thì miếng thịt này đang kêu với tiếng kêu tuyệt diệu đấy! Đây này.Ò…Ò…Ò!”
Cả khu phố chỉ có mỗi tiệm thịt này bởi thế hầu như sáng rồi tối lúc nào cũng thấy cảnh các bà nội trợ cắp giỏ đứng trước cửa tiệm.
Chúng tôi trên đường đi học ngày nào cũng nghe thấy tiếng ông chủ tiệm bắt chước tiếng kêu của con vật(cả trường cấp một và cấp hai suốt từ ngày xưa đều nằm ở cuối con đường dẫn tới vùng quê). Khi băng qua chúng tôi ghé mắt liếc nhìn ông chủ tiệm béo phục phịch với đôi mắt đỏ ngầu đang hăm hở phồng má cất cao giọng. Các bà nội trợ vừa nháy mắt với nhau vừa cười toe toét. Cũng giống như bán thịt, à mà không, dưới con mắt lũ trẻ chúng tôi ông chủ có vẻ như nhiệt tâm hơn trong việc bắt chước tiếng kêu của loài vật.
Sự bắt chước tiếng kêu của ông ta quả thật là tuyệt vời. Nếu người lạ đi qua chắc chắn người đó sẽ nghĩ mình vừa đi qua chuồng nuôi gia súc của đại nông trường nào đó.
Bò, lợn rồi cừu, gà. Cũng đôi khi là tiếng hí rít lên của ngựa vọng tới từ tiệm thịt và những bà nội trợ đang làm việc trên đồng khi nghe thấy liền hiểu rằng “A! hôm nay có món thịt ngựa”. Ông chủ tiệm thịt còn đeo trên tay chiếc vỏ lon rỗng và chiếc hộp gỗ để tái hiện lại nhịp rung của tiếng móng ngựa. Ông vừa nói cảm ơn khách hàng vừa rung chiếc vỏ lon có đựng mấy đồng xu bên trong kêu leng keng.
Lúc tan học đôi khi vào lúc cửa hàng không có khách ông chủ giấu giấu diếm diếm chỉ cho chúng tôi xem bí quyết bắt chước tiếng kêu của con vật.
“ Này! tiếng kêu của bò sữa và bò lấy thịt là khác nhau đấy nhé”
Ông chủ tiệm thịt kéo da dưới cổ căng ra rồi tiếp tục.
“ Bò sữa phát ra tiếng kêu bằng cách đẩy không khí từ túi da ra ngoài. Thế nên tiếng kêu của nó rất dễ chịu. Nhưng nếu là bò thịt thì mỡ sẽ đóng cứng ở ngay chỗ này này. Vì thế mà tiếng kêu hơi cao một chút. Giống như tiếng tù và vậy và có chút gì đó hơi buồn”.
Ông chủ tiệm thịt vốn là nghệ sĩ xiếc. Ông được biết đến với biệt danh “Người Vẹt” bởi ông có thể ngay lập tức bắt chước bất cứ tiếng kêu, âm thanh nào trên thế gian này( vào thời điểm đó tôi vẫn còn chưa ra đời). Tiếng động cơ máy bay, tiếng rắn sắp tấn công, lời thoại của các nữ diễn viên nổi tiếng, tiếng sóng vỗ bờ. Tất cả khán giả đều nhắm mắt lắng nghe âm thanh rung lên từ vòm họng của ông.
Nghe nói “Người Vẹt” hóa thân thành ông chủ tiệm thịt khi con ngựa của đoàn xiếc bị chết lúc biểu diễn phải mang ra bán ngoài chợ. Ông chủ tiệm thịt đến chợ mua thịt và “Người Vẹt” phải lòng con gái ông. “Người Vẹt” quyết định trở thành đệ tử của ông chủ tiệm thịt và tạm thời đến nhà ông ở để học cách xẻ thịt và phân loại thịt. Tiệm thịt được dựng lên ở khu phố chúng tôi khoảng 20 năm về trước.
Hiếm khi thấy bóng bà vợ ở tiệm thịt. Bà vợ có mái tóc nhàu nhĩ và sắc mặt xấu, cho dù có là 30 năm về trước đi chăng nữa thì chuyện đột ngột phải lòng người phụ nữ như thế này quả thật là chuyện không thể nào tin được. Nhưng ông chủ tiệm thịt bao giờ cũng vui vẻ và sau khi mở cửa hàng riêng vợ chồng ông còn có một thằng con trai. Đấy là thằng La. Thằng La cùng học cấp hai với chúng tôi nhưng tôi nghĩ về tuổi tác có lẽ hắn nhiều hơn đến 5 tuổi. La có thân hình lực lưỡng như thể một con bò. Khác với người cha có thể ung dung bắt chước vô vàn tiếng kêu, La chỉ biết đến duy nhất một từ. Dù là trong giờ học, trên đường từ trường về nhà hay lúc được ai đó chào ở giữa phố, hắn lúc nào cũng chỉ há miệng thật to và gào lên thế này.
“ La…!”
Người chồng giỏi bắt chước tiếng kêu của động vật, người vợ hiếm khi nói điều gì và đứa con trai khổng lồ chỉ biết nói mỗi từ “La”. Thật là một gia đình kì lạ nhưng dưới con mắt của những người sống trong khu phố thì mọi việc ở tiệm thịt con vẹt đều diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi thường rủ La chơi trò vật nhau ở bãi cỏ cạnh con sông đào. Tất nhiên không một ai trong chúng tôi có thể thắng được La. Cho dù là hai hay ba đứa xúm lại cũng không vật ngã được La. Sau khi dùng một tay nhẹ nhàng quẳng chúng tôi khi ấy đang bám vào thắt lưng và cánh tay xuống, thằng La xoay lưng về phía mặt trời mùa hè và căng ngực thét lên sung sướng: “La…!”
Chơi vật với thằng La thật thích nhưng có thứ còn thích hơn và làm chúng tôi mê mẩn ấy là trò “tùng xẻo” diễn ra vào buổi chiều thứ bảy ở nông trường tức là công việc giết thịt lợn hay bò. Ông chủ tiệm thịt con vẹt xách chiếc túi da đã sạm lái chiếc xe tải cũ ra khỏi nhà. Ngồi ghế bên cạnh là thằng La. Ngồi bó gối ở thùng chở hàng là hai, ba đứa trẻ may mắn trong đó có tôi. Đương nhiên là tôi bị mẹ cấm không cho xem trò “tùng xẻo” đó. Bố tôi thì lặng im không nói gì. Ông tôi thì chỉ nói rất nhỏ là đừng có bước qua hàng rào.
Ông chủ nông trường vừa chỉ tay ra phía bãi cỏ vừa thét lên con kia, con kia kìa, chính con ở phía ấy đấy. Người nông dân có khuôn mặt rám nắng lấy tấm vải bịt mắt lũ gia súc, tròng dây vào cổ và kéo chúng về phía túp lều chuyên dùng vào việc giết thịt. “Người Vẹt” lấy dao từ chiếc túi da ra( kích thước và góc độ của lưỡi dao mỗi lần rất khác nhau) và mài xoèn xoẹt trên tấm đá mài. Lũ gia súc bị nhốt trong khoảng trống chật hẹp tạo ra bởi hàng rào không ngừng kêu rống lên. Ông chủ tay cầm dao tiến gần lại lũ gia súc. Ông quỳ xuống ghé miệng sát vào tai chúng và nói bằng giọng nhẹ nhàng như thể vuốt ve ai đó “ Cái chết của bọn bay không uổng phí đâu”, “ Bọn bay sẽ đi vào bụng bọn ta và dân làng. Bọn bay sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá. Nhờ bọn bay bọn ta lại có thể sống lâu hơn chút nữa. Xin cảm ơn”.
Ông chủ tiệm thịt không chút do dự thọc sâu con dao vào cuống họng con vật ngoan ngoãn. Người chủ nông trại đưa chậu hứng dòng máu phun vọt ra. Thằng La dùng cả hai tay đỡ lấy thân con vật và đặt nó vào tấm ni lông. Bên ngoài túp lều lũ chó tranh nhau sủa ầm ĩ. Nhưng ông chủ tiệm thịt và ông chủ nông trường thu nhặt cẩn thận hết cả những mảnh thịt vụn cho dù chúng nát tới đâu và không để cho lũ chó một mảnh vụn nào.Còn vết máu dính trên tấm ni lông được thằng La dùng những chiếc bánh mì cứng mang theo lau sạch sẽ. Sau khi công việc kết thúc thằng La xé bánh mì chia cho chúng tôi. Trên đường về nhà chúng tôi vừa ngồi nghiêm trang, lặng im trên thùng hàng xe tải vừa ăn bánh mì. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ ràng mùi vị ấy. Chiếc bánh mì đỏ thẫm với muối và mỡ có vị như thể chúng tôi đang gặm chính ngón tay mình.
Ngay khi kì nghỉ hè kết thúc ông công chứng viên râu rậm hầm hầm chạy đến tiệm thịt con vẹt. “Tôi vừa trói thằng La nhà ông vào cây sồi sau vườn. Nó vừa làm một điều kinh khủng không thể nào tin được. Tôi sẽ làm cho nó không bao giờ có thể vác mặt ra ngoài được nữa”.
Nhưng chúng tôi và những người trong phố đều hiểu rằng người rủ rê chính là con gái ông công chứng. Thằng La không bao giờ tự ý mò vào giường của người khác. La vốn là thằng nhút nhát đến độ chỉ cần bị chúng tôi bỏ lại một mình ở bãi chơi là khóc thét lên. Con gái ông công chứng viên bị sốc bất tỉnh phải chuyển tới bệnh viện ở khu phố bên cạnh trong tư thế trần truồng. Theo chị hầu phòng thì bức tường ở gần giường vẫn còn lại những vết lõm giống như bị đập bằng búa. “Trò chơi nguy hiểm”-thứ cô con gái ông công chứng viên nửa đùa nửa thật dạy thằng La cũng chẳng khác gì trò đánh vật. Có điều với thằng La thì vật lộn trên chiếc giường bị dẫm bẹp quá chật hẹp so với bãi cỏ ở bên bờ sông.
Ông chủ tiệm thịt con vẹt không ngớt lời xin lỗi và rồi ông công chứng viên vừa vuốt râu vừa tính toán số tiền bồi thường. Mặc dù số tiền ấy không chỉ đủ đền cho chiếc giường và bức tường mà có vẻ như đủ để xây mới lại cả căn nhà nhưng để lấy lại đứa con trai với thân hình lành lặn và thực sự lo lắng cho cô gái nên ông chủ tiệm thịt con vẹt đã kí ngay vào tờ giấy đòi bồi thường mà không hề phàn nàn một lời nào.
Mặt thằng La sưng phồng lên như quả bí đao và trở về tiệm thịt bằng bước chân khỏe mạnh. Người chủ tiệm thịt đứng đợi trước tiệm không nói một lời nào chỉ hơi rướn mình vỗ nhẹ lên tấm vai cao hơn vai ông và chắc như đá tảng. Đứa con trai cúi xuống và lẩm bẩm: “La!”
Ông chủ tiệm thịt qua đời vào mùa đông và người ta nói rằng do ông mắc bệnh gan nhiều năm ròng. Cái lạnh khắc nghiệt đã cướp đi chút sức lực cuối cùng còn lại trong ông. Cho dẫu thế nào đi chăng nữa thì chuyện ông chăm chỉ lao động tới tận ngày ông gục ngã là điều không cần bàn cãi. Cũng có thể ông biết trước là mình bị bệnh nhưng vẫn cố làm để kiếm cho đủ số tiền bồi thường phải trả. Nhưng người chủ tiệm thịt con vẹt dũng cảm đã tính toán sai hai điều. Cái chết đến với ông nhanh hơn rất nhiều thời điểm ông dự tính. Và việc ông lao động quá sức nhiều ngày bên ngoài trời lạnh cóng đã làm cho cái chết đến nhanh hơn.
Dưới đây là câu chuyện ông bác sĩ trong khu phố tiết lộ ngoài quán rượu.
Nằm trên giường bệnh người chủ tiệm thịt với khuôn xanh nhợt đưa mắt nhìn từ vợ sang đứa con trai. Ông mấp máy miệng( ông không đủ sức để nói nữa) gọi hai người. Người vợ không hề thay đổi nét mặt nhưng trên môi bà hằn vết răng cắn chặt. Đứa con trai thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra cứ đưa ngón tay di đi di lại trên khung trắng của chiếc giường.
Thân hình ông chủ tiệm thịt đột ngột cong lên giống như một cây cầu. Bác sĩ hốt hoảng chuẩn bị thuốc để tiêm. Khi ấy thằng La ghé miệng vào bên tai người cha mắt đã chuyển sang màu trắng. Và rồi nó bắt đầu bắt chước tiếng người cha bằng một giọng ngập ngừng:
“ Cái chết này không phải là cái chết uổng đâu !”
Người cha đột nhiên lại run lên lần nữa.
“ Bọn ta sẽ sống. Cái chết này không phải cái chết uổng đâu!”.
Thằng La cứ thế nhắc đi nhắc lại. Dần dần giọng nó trở nên giống hệt giọng người cha. Đồng thời cùng lúc ấy hơi thở của người cha nhẹ dần đi êm đềm như chìm vào giấc ngủ. Thằng La-con trai người chủ tiệm thịt vẹt- đã dốc lòng thì thầm những tiếng mà nó đã nghe và quen từ hồi nhỏ cho tới khi người cha trút hơi thở cuối cùng.
Từ đấy trở đi cho đến khi thằng La trả hết tiền bồi thường mất khoảng một năm. Buổi trưa ở tiệm thịt, buổi tối ở công trường ngoài bờ sông, thằng La lao động không hề biết mệt.
Vào giữa mùa đông, bụng cô con gái ông công chứng viên bỗng ngày một phồng lên. Gia đình chúng tôi vào cuối năm ấy chuyển nhà tới thành phố lớn ở phía đông. Vì thế những gì chúng tôi tận mắt nhìn chỉ đến đấy mà thôi.
Theo lá thư người bạn thân viết cho tôi thì đứa con của thằng La và cô con gái ông công chứng viên chết ngay khi mới chào đời. Nhưng ngay năm sau cô lại mang thai lần nữa với thằng La. Đứa con thứ hai chào đời khỏe mạnh. Ông công chứng viên miễn cưỡng phải công nhận cuộc hôn nhân của hai người.
Có lẽ tiệm thịt vẹt vẫn còn nằm nguyên ở cuối phố. Bà mẹ tuổi cao vẫn như ngày trước chúi sâu trong góc cùng tiệm thịt, người vợ trẻ rám nắng vừa vỗ hai tay vào nhau vừa cất tiếng gắt gỏng gọi khách hàng.
Người bố trẻ ôm đứa con thơ vừa sinh đứng ở trước cửa hàng chính là thằng La.
“ La…!La…! La…!”
Thứ giọng trầm của nó thật hợp với việc dỗ dành trẻ con. Trên lòng bàn tay rộng lớn thân hình nhỏ bé đang vặn vẹo lúc này sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời giống như miếng thịt tươi nguyên mà người cha đã mất vừa cắt ra. Đứa bé lúc lúc lại nhìn ông bố rồi ấp úng bắt chước: “La…La…”. Và rồi cuối cùng chẳng bao lâu vào một lúc nào đó từ đôi môi nhỏ bé kia lại phát ra vô vàn những âm thanh vang vọng khắp nơi trên thế gian này./.