Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
582
123.168.455
 
Tiếng thì thầm trong đêm
Lê Minh

Cũng như bọn trẻ lứa tuổi chín mười, tôi rất thích chuyện ma. Mỗi tối mọi người trong nhà quây quần quanh chiếc đèn dầu dừa (thời đó không có dầu lửa, không có điện). Ánh sáng lù mù u ám của loại đèn này làm cho các con ma trong câu chuyện như chực hiện ra.  Anh em chúng tôi vừa nghe chuyện vừa trùm mền kín mít. Hai đứa nằm bìa cứ kéo qua kéo lại chiếc mền. Tôi nằm giữa, sợ con ma thè lưỡi dài đỏ théng liếm đầu liếm chân, tôi co quắt như con tôm. Câu chuyện ma đang đến lúc kinh khiếp nhất thì đột nhiên tôi nghe ai đó gọi mẹ tôi rồi khóc òa. Hé mền nhìn, thì ra dì Hai bên xóm đang gục đầu trên vai mẹ tôi nức nở. Mẹ tôi thì lặng người, hỏi, nhưng không cần được trả lời: "Bị rồi phải hôn chị Hai?", và bà thẫn thờ như người mất hồn. Giây lâu mẹ tôi  mới nói tiếp: "Hồi anh Hai đi Tân Xuân tôi đã dặn phải né con đường đó, bọn Tây ở đồn Mỹ Nhơn mà nó bắt được, thì...". Mẹ tôi không nói nữa, hình như bà đã nghẹn lời. Đêm đó, không gian lạnh tanh, niềm u ẩn như trùm cả xóm. Tôi cũng không ngủ được và thỉnh thoảng nghe mẹ tôi thở dài. Tôi hỏi mẹ nho nhỏ: "Chuyện gì vậy mẹ?". Mẹ nạt tôi: "Ngủ đi, con nít hỏi làm gì?". Nhưng, không biết nghĩ sao, mẹ tôi nói tiếp: "Dượng Hai Cang đi Tân Xuân bị Tây ở đồn Mỹ Nhơn bắt chặt đầu rồi!". Tưởng tượng cảnh rùng rợn đó, tôi ôm chặt lấy mẹ và nín khe, không dám nhúc nhích. Mẹ tôi lại nói trong tiếng thở dài: "Cái đồn đó Tây nó chặt đầu người ta không biết bao nhiêu rồi! Trời ơi!".

 

Đó là giai đoạn 1945 - 1954. Cuối cùng ta thắng trận Điện Biên Phủ, Pháp ký hiệp ước đình chiến, tiếng súng đã ngưng, Tây đã rút về nước và cái đồn Mỹ Nhơn ác ôn tất nhiên phải bị dẹp. Lúc này, bọn chúng tôi đã lên bậc Trung học, kiến văn mỗi năm được thêm những điều mới lạ và khi trao đổi với bạn, tôi thường mong ước được làm thầy giáo.

 

Thế rồi năm 1960, hai mươi tuổi, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, tôi được bổ về trường Mỹ Chánh Hòa, một ngôi trường nhỏ của vùng nông thôn Ba Mỹ, thuộc huyện Ba Tri. Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, tiếp xúc với các học sinh nhỏ bé đáng yêu, niềm mơ ước của tôi đã trở thành sự thật. Là một trong số thanh niên may mắn học được chút hiểu biết về nghề dạy học, cộng với số vốn kiến thức tiếp thu được trong nhà trường mà tôi rất thích các môn hoa học thực nghiệm, tôi có một ý muốn làm sao xóa sạch tập quán mê tín dị đoan ít ra cũng từ ngay các học sinh thân yêu của tôi. Thật tình, với tâm trạng như vậy, bây giờ tôi không còn biết sợ ma quỷ là gì. Khi nghe nói chuyện ma cỏ quỉ quái, tôi chỉ cười nửa miệng cho là "thần hồn nát thần tính". Duy cái chuyện đồn Mỹ Nhơn thì cứ ray ray rức rức trong lòng tôi hoài.

 

Năm giờ chiều, tan buổi học đầu tiên, tôi đạp xe về nơi ở trọ: Nhà của người chú họ. Đó là một ngôi nhà xưa, ngói đã rêu phong, nền cao, bề thế như cái đình làng tôi, tọa lạc trên miếng giồng ruộng. Khung cảnh càng thêm vẻ u tịch dưới màu trắng quái chiều hôm. Kiểu nhà ba căn hai chái mà cột toàn là gỗ căm xe, tròn lẵn, bóng loáng to cả người ôm. Gian giữa là bàn thờ Cữu Huyền Thất Tổ uy nghi với tấm hoành to được treo tít trên cao, lớp sơn son thiếp vàng đã loang lổ như cặp liễn đối ở hai bên cột. Trước bàn thờ, bộ trường kỷ cẩn xà cừ cũ kỹ càng làm tăng thêm phong cách cổ kính. Hai gian bên cũng là bàn thờ mà phía trước là hai chiếc bàn dài kèm hai hàng ghế đai xưa. Cuối cùng, hai bên chái, mỗi bên một bộ ván gõ rất to mà chủ nhà dành cho khách nghỉ ngơi. Cách trang trí này ta thường thấy ở nông thôn Bến Tre, nơi những ngôi nhà lớn. Người ta dành một không gian mênh mông như thế để tiếp khách, hoặc khi có giỗ chạp Tết nhứt, mà ta thường gọi là nhà trên.

 

Cơm nước xong, trao đổi với chú Tư, thiếm Tư chủ nhà vài ba câu chuyện thì trời sụp tối. Hai ông bà mời tôi lên nhà trên nghỉ ngơi. Mời khách lên nhà trên là một cách cư xử rất trọng thị của chủ nhà đối với khách, mặc dù tôi là cháu. Còn hai ông bà và các người con thì ở nhà dưới.

Vặn lu chiếc đèn bóng sau khi soạn bài xong, cũng vừa thấy uể oải, tôi hít một hơi dài rồi vói tay đóng cửa sổ và ngả lưng xuống ván nằm nghỉ. Không gian thật vắng lặng, yên ắng. Một mình ở gian nhà trên mênh mông, tôi cảm thấy rất thoải mái. Mặc dù mệt mỏi chưa tan hết, nhưng vì lạ chỗ, nên cũng khó mà vỗ giấc ngủ, tôi lóng tai nghe những tiếng động chung quanh. Tôi phân biệt được tiếng lũ dơi quạ đập cánh sành sạch ở mấy nhánh ổi ngoài hiên, rồi tiếng độp độp của mấy trái ổi chín rụng. Thỉnh thoảng, một cơn gió ào tới, tiếng bông và lá mãng cầu ta bên hè rơi rào rào nhè nhẹ làm nền cho tiếng kèn kẹt của hai gốc tre nghiến vào nhau, tôi cũng không lạ gì. Tiếng huých gió te te của loài rắn lục ngoài hàng rào bông bụp không làm tôi ngạc nhiên chút nào, nói gì đến tiếng uềnh oang muôn thuở do bọn ca sĩ bụng bự thi nhau rống ở cái ao lạng góc sâu, vừa nổi nước sau cơn mưa ban xế. Những loại tiếng động về đêm đó gần đây tôi nghe rất thường mỗi lần nghỉ hè về Tân Xuân, quê nội tôi. Chen giữa các tiếng động ấy là khoảng thời gian hoàn toàn lặng yên làm nổi bật tiếng muỗi vo ve rất rõ... Nhưng, hình như... hình như có một tiếng gì lạ lạ, tôi nghiêng tai lắng nghe: Mơ hồ như có tiếng người nói lào xào, một giọng nói, không một thứ tiếng nói không phát thành thanh âm mà chỉ là những tiếng khao khao. Tôi cố nghe thật kỹ: Rõ ràng là tiếng người, phát xuất từ trên mái ngói ngay chỗ tôi nằm. Nghi là bọn trộm, tôi nhè nhẹ ngồi dậy cố lắng tai nghe rõ hơn để báo cho chủ nhà nhưng chung quanh hoàn toàn lặng im. Cho là do mình quá mệt, sinh ra tình trạng giống như bị tự kỷ ám thị, tôi yên tâm nằm xuống tiếp tục vỗ giấc ngủ. Nhưng thật là lạ lùng, vừa đặt đầu xuống gối, tôi lại nghe thứ tiếng khao khao đó tiếp tục, như là tiếng ba bốn người đang thì thào bàn bạc việc gì. Tôi lại ngồi dậy: Không gian hoàn toàn yên lặng, tĩnh mịch. Đúng là mình đã quá mỏi mệt rồi, tôi nằm xuống gối tiếp tục nghe thứ tiếng lạ lùng đó một cách thản nhiên rồi ngủ lúc nào không biết.

 

Chiều hôm sau, chuyện trò với gia đình chú Tư sau bữa cơm, tôi thoáng thấy dường như thiếm Tư muốn hỏi tôi điều gì rồi lại thôi, sau cái liếc mắt kín đáo của chú Tư, và câu chuyện vẫn tiếp tục vui vẻ tự nhiên nên tôi cũng không có gì bận tâm. Ở thôn quê, trời tối rất mau, nhất là vào mùa mưa, tôi lại lên nhà trên soạn bài cho ngày mai. Soạn bài xong, tôi vặn lu cái đèn bóng, đóng kín cửa sổ và thoải mái ngả lưng xuống ván. Vừa đặt đầu xuống gối thì tiếng thì thào kỳ lạ đêm qua lại xuất hiện, cũng ở mái ngói ngay chỗ tôi nằm. Tôi nghĩ thầm: "Hôm nay mình đâu có mệt mỏi gì nữa, thật lạ quá". Rồi tôi bực bội ngồi dậy sẵn sàng báo nhanh cho chủ nhà biết nếu có trộm. Nhưng, khi tôi ngồi dậy thì không gian lại hoàn toàn yên lặng. Tôi đâm nghi ngờ chính tôi và tự hỏi: "Mình có bị thần hồn nát thần tính không đây?" và cười cho mình vớ vẩn thật. Thế là chả có gì cả, thôi, cứ ngủ. Vừa đặt đầu xuống gối, thứ tiếng kỳ quặt đó lại xuất hiện. Tôi không buồn ngồi dậy nữa mà cố lắng tai xem chúng nói những gì. Vô ích, mặc dù rõ ràng là tiếng người nói, nhưng không thể nghe phân biệt được. Tiếng nói như phát ra từ thanh quản bị cắt đứt, không thành âm thanh mà chỉ là khao khao, thì thào. Tôi lì lợm lắng nghe rồi cuối cùng cũng chìm vào giấc ngủ.

 

Thế là đã quá hai đêm. Tối nay khoảng bảy giờ rưởi, tôi soạn bài sắp xong thì nhà có khách: Cô Sáu em ruột của chú Tư chủ nhà, ẵm con đi khám bệnh ở Mỹ Tho lỡ đường về ghé ngủ nhờ. Chú Tư xếp cho cô nghỉ ở gian buồng nhà trên, cùng phía chái có bộ ván tôi ngủ hằng đêm. Soạn bài xong, tôi hỏi thăm cô Sáu vài câu rồi để cho cô nghỉ ngơi, vì biết là cô đi đường cũng khá mệt. Vừa ngả lưng xuống, tiếng khao khao kỳ dị đó lại xuất hiện. Đã quá nhàm, tôi không cần để ý làm gì, cứ nằm nghĩ vẩn vơ, chờ giấc ngủ. Nhưng, đột nhiên tôi nghe tiếng cô Sáu la lớn lên: "Anh Tư ơi! Tôi không dám ngủ ở đây nữa đâu!" và cô ẵm con chạy hớt hãi ra khỏi buồng. Tôi hỏi: "Gì vậy cô Sáu?".

 

"Ma!" "Ma ở đâu?" "Nó nói chuyện trên nóc nhà đó, cậu không nghe à?". Tôi ngạc nhiên thật sự và nghĩ thầm: "Đó là tiếng của ma sao?". Từ nhà dưới chạy lên, biết được cớ sự, chú Tư bảo cô Sáu xuống nhà dưới nghỉ, còn phần chú vì ngại tôi sợ nên chú lên nhà trên nằm ở bộ ván gõ phía cháy bên kia. Mỗi lần dơi đập cánh chú trấn an tôi: "Dơi đó, không phải ma đâu!". Rồi bông mãng cầu rụng rào rào theo cơn gió, chú cũng nói: "Bông mãng cầu rụng đó, anh Năm nó!". Tôi vâng dạ cho qua mà lòng hết sức phân vân.

 

Chiều hôm sau, tôi đến thăm mấy bạn đồng nghiệp ở xã bên. Nơi họ trọ chỉ cách chỗ tôi một con giồng. Bà Bảy chủ nhà khoảng ngoài bảy mươi rất vui vẻ và hoạt bát (sau này, qua chú Tư, tôi mới biết bà là cháu nội cụ Đồ Chiểu, con cụ Nguyễn Đình Chiêm). Bà hỏi thăm gia đình tôi, hỏi tôi muốn cưới vợ ở thôn quê không, bà làm mai cho. "Con gái ở Ba Mỹ này chơn chất thiệt thà dễ thương lắm thằng giáo mày mặc sức mà lựa". "Thưa bà Bảy, con muốn hỏi thăm bà Bảy một chuyện". "Ủa! Thằng giáo mày có chấm cô nào rồi sao? Lẹ dữ a!". "Thưa không phải, là chuyện khác!". Rồi tôi thuật chuyện mấy đêm ở nhà chú Tư và nhất là đêm vừa qua. Nghe tôi nói, đôi mắt bà bỗng trở nên đăm chiêu, gương mặt bà thoáng lộ một vẻ buồn, nhưng, tôi cảm nhận, nỗi buồn thoáng hiện chỉ là phần nổi của một tảng băng. Bà trầm giọng, nói với tôi: "Chỗ thằng giáo mày trọ là nhà của giáo Được. Ngôi nhà này hồi đó Tây nó lấy làm cái đồn Mỹ Nhơn, thằng giáo mày không biết sao?".

 

Bây giờ, đất nước đã được thanh bình, trở về thăm nơi mang nhiều kỷ niệm thời thanh niên, thăm gia đình chú Tư, ngủ ở bộ ván gõ năm xưa, tôi không còn nghe được tiếng thì thầm thuở nào. Nhưng trong lòng tôi, những tiếng thì thầm ấy đã ghi đậm dấu ấn có lẽ không bao giờ mất.

Lê Minh
Số lần đọc: 2095
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Song Sinh - Minh Châu
Bến cũ - Anh Động
Khai đập - Anh Động
Ừ đi! Ừ! - Trần Kim Trắc
Cùng một tác giả