Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.021
123.197.554
 
Đi với những thứ li ti
Vũ Lập Nhật

Người đi với đôi dép kẹp

 

Tôi thấy mình đi cùng ông trên một bãi cát trắng.

 

Ông là một nhà văn tôi yêu thích. Đơn giản vì những dòng ông viết cho tôi cảm giác, ông có thể chứa đựng sự mất mát của tôi. Tôi không nhớ đã làm cách nào để có thể đi cùng ông như thế.

 

Trò chuyện với ông những gì tôi khúc mắc, băn khoăn về văn chương. Tôi và ông cùng nói, cùng đi với nhịp điệu đều đặn. Cho đến khi ông đột nhiên dừng lại, tạo một khoảng lặng đột ngột giống như một thứ giai điệu bị ngắt quãng giữa chừng khi còn đang hồi ngân nga mà không ai nghĩ là nó sẽ dứt. Ngay chính lúc đó, tôi cũng nghĩ ra một câu mà mình rất tâm đắc để hỏi ông. Tôi thận trọng chuyển nó sang Anh ngữ trong đầu rồi hỏi. Và tôi nhớ là mình đã rất hài lòng với câu trả lời của ông. Khi trả lời xong, ông lại tiếp tục đi về phía trước bãi cát. Tôi cũng đi theo ông. Nhưng lần này, dường như có một điều gì đã chuyển khác, chuyển khác trong cái sự có vẻ vẫn giống như lúc trước ấy. Tuy rằng tôi vẫn bước đi theo nhịp chân của ông, nhưng có điều gì đó không đồng điệu nữa. Rồi ông bước trên tôi một vài bước, một vài bước nữa. Tôi chợt nhận ra: cái dép của mình đã bị rớt ra khi đi từ lúc nào. Tôi ngoái ra sau nhìn và thấy nó tuốt ở phía xa xa. Tôi gọi tên ông thật lớn, ông quay đầu lại nhìn tôi. Tôi bảo ông dừng lại, đợi tôi quay về phía sau lấy đôi dép rồi sẽ lại đi cùng ông. Ông mỉm cười gật đầu và bảo sẽ dừng ở đây đợi. Tuy ông đã nói như thế, nhưng không hiểu sao tôi vẫn linh cảm là ông sẽ không đợi, chỉ cần tôi quay lưng lại phía sau, ông sẽ tiếp tục đi về phía trước mất. Thế nên tôi cố gắng chạy thật nhanh đến chỗ chiếc dép đó. Khi tôi xỏ dép vào chân và quay lại, dáng ông đã mất hút rồi. Quả thật, ông vẫn tiếp tục đi lên phía trước, trong khi tôi thì lại quay về phía sau. Ông không chờ tôi. Mà suy cho cùng, chẳng ai chờ ai cả. Nhưng lúc đó, tôi cảm thấy thật buồn. Một sự hụt hẫng khôn nguôi. Và tôi đã khởi đầu buổi sáng của ngày hôm nay bằng nỗi trống rỗng đó đến kèm một cơn đau đầu. Đến bây giờ, nó vẫn còn hơi nhức.

 

Sai lầm của tôi là ngay từ đầu đã mang dép kẹp-loại dép không chắc chắn, nền tảng không bền vững, sao lúc ấy tôi không chọn một thứ dụng cụ hỗ trợ việc đi lại khác tốt hơn cho chân như giày thể thao chẳng hạn. Thế thì nó sẽ khó cách nào rời khỏi tôi. Có lẽ thi thoảng nó sẽ bị sút dây và có lẽ khi ấy tôi chỉ cần cột nơ lại thôi.

 

Sai lầm thứ hai là tôi không để ý khoảnh khắc chiếc dép đó đã bị tuột ra khỏi mình sớm hơn. Tôi cứ mải mê theo ông và không biết mình đang bị mất những gì. Nếu giả sử tôi để ý sớm hơn những thứ thuộc về bản thân mình và những thứ đang dần mất đi của nó thì tôi đã không mất dấu ông? Mà nếu tôi để ý bản thân mình kĩ như thế trong khi đi cùng với ông thì liệu có giữ được một nhịp điệu hoàn hảo như ý tôi mong muốn? Tôi không biết câu trả lời. Mọi thứ có thể chu toàn hết được không hay tất cả chỉ là sự thỏa hiệp. Muốn cái này hơn một chút thì phải giảm cái kia xuống? 


Sai lầm thứ ba của tôi là khi mất dép rồi nhưng nếu vẫn muốn đi cùng ông trong nỗi lo sợ ông sẽ không chờ mình như thế thì cứ đi với ông, bỏ mặc chiếc dép đó. Chẳng sao cả. Có lẽ khi đến một thị trấn nào đó, tôi sẽ tìm được một cửa hàng để mua chiếc giày thể thao. Và khi đó, ông sẽ chẳng phiền hà gì. Tôi nghĩ ông là một người không thích lặp lại kể cả những bước chân mình đã đi. Nếu như thế thì việc mua một chiếc giày thể thao trong một cửa tiệm ở con đường phía trước sẽ chẳng phải là điều lặp lại. Vậy mà lúc ấy tôi đã không nghĩ được như thế. Tôi đã quay lại và nhặt chiếc dép.

 

Chiếc dép khốn nạn của tôi. Nó màu xanh thẫm. Nó không mới nhưng cũng không quá cũ mặc dù tính theo thời gian thì đã có thể gọi nó là đồ cũ. Mẹ tôi đã mua nó cho tôi cách đây ba năm. Bà bảo, đó là thứ dép kẹp chỉ để mang trong nhà, phòng những khi nhà quá dơ vì chưa kịp lau, mang nó vào để đừng bẩn chân. Hay là để mang nó những khi có một thứ đồ thủy tinh trong nhà bị vỡ ra. Những lúc đó, nếu có một chiếc dép kẹp để mang thì xác suất tránh được những mảnh thủy tinh vỡ đâm vào chân sẽ rất lớn. Cũng vì lẽ đó, mà mẹ tôi mua rất nhiều dép kẹp và để chúng rải rác ở khắp nơi trong nhà. Một sự thận trọng quá mức cần thiết. Tôi nghĩ dép kẹp là một dụng vật đặc biệt ở bàn chân. Đặc biệt hơn cả những đôi giày thể thao đẹp mã, những đôi guốc cao lêu nghêu, hay đôi giày búp bê tròn tròn…Đơn giản là vì khi người ta mang giày thể thao, guốc, búp bê…nói chung là giày dép các loại thì hẳn nhiên người ta mang nó khi ra ngoài đường, chẳng ai mang nó khi đang ở trong phòng cả. Chỉ có dép kẹp là không có sự xác quyết đó. Nó có thể vừa mang trong nhà vừa mang ngoài đường. Nhưng mẹ tôi lại cấm tôi không được mang nó khi đi ra ngoài. Tôi hỏi bà tại sao và bà trả lời đơn giản là vì nó không đặc biệt, nó quá tầm thường. Nhưng, như thế nào là đặc biệt, như thế nào là tầm thường. Tôi nghĩ giản dị không đồng nghĩa với tầm thường. Đơn giản là vì trong loại vật mang tên là dép kẹp đó, chắc chắn cũng sẽ có thứ được làm công phu, đẹp đẽ bên cạnh những thứ thô sơ. Hẳn nhiên, những thứ dép kẹp để mang trong nhà chỉ là những loại thô sơ, chúng chỉ tuyền một màu mà thôi. Vì lẽ đó, tôi cũng chẳng băn khoăn gì cái việc đôi dép kẹp màu xanh thẫm đó chỉ có thể được mang trong nhà theo lời mẹ tôi dù rằng tôi cũng không ngại ngần sự đơn giản của nó khi mang ra ngoài đường. Vậy mà, vì lí do gì buổi sáng hôm đó, tôi đã chọn đôi dép kẹp màu xanh thẫm này để mang đi trên bãi cát cùng với ông? Đó có lẽ là lần đầu tiên, tôi mang nó ra khỏi nhà. Tại sao lại mang nó trong thời khắc đặc biệt đó? Câu trả lời đơn giản sẽ luôn luôn là vì tôi yêu thích nó. Nhưng không, ở đây tôi nhận thấy rõ ràng mình chẳng có chút yêu thích đặc biệt nào dành cho nó cả. Tôi không thích nó cũng không ghét nó. Đơn thuần là tôi quen với sự tồn tại của nó. Tại sao tôi lại muốn đem những thứ đã quá quen với sự tồn tại của nó trong thời khắc đặc biệt đó chứ? Chẳng phải tôi luôn thích sự tiêu hủy những cái cũ, tạo ra những cái mới, những thứ lạ lẫm, những thứ có thể đem lại cho tôi cảm giác chơ vơ, ngỡ ngàng hay sao? Cớ gì…cớ gì mà…có phải vì trong tâm thức tôi đang dần thỏa hiệp với cái cũ, tôi mòn dần đi trong sự viết chăng? Có phải vì lẽ đó mà ông không muốn đợi và bước đi cùng tôi nữa?

 

Sai lầm cuối cùng của tôi là hối tiếc sau khi đã quyết định. Nếu tôi chọn chiếc dép kẹp đó, mà không phải là ông thì tôi phải chấp nhận kể cả khi ông đã biến mất, tôi vẫn phải hài lòng với sự tồn tại của nó. Có lẽ, nó không dính chặt vào bàn chân như một đôi giày thể thao nhưng nó có ưu thế là gọn, nhẹ. Khi dùng nó, tôi sẽ không phải mất sức ở bàn chân quá nhiều.

 

Cát.

Những vụn cát tràn vào dưới chân tôi mỗi lúc một nhiều hơn. Chúng cộm và nóng rát. Khi đó, tôi mới phát hiện thì ra bàn chân chẳng khác gì đôi mắt. Ít nhất là cảm giác khó chịu khi có những thứ nhỏ li ti chạm vào và ở lại đó một lúc lâu. Vì lẽ gì? Vì sự níu giữ của nước. Ban nãy, cát vào chân tôi rồi nhanh chóng trôi tuột đi. Nhưng sau khi tôi đã đi dưới ánh mặt trời gay gắt này một khoảng thời gian quá lâu, mồ hôi bắt đầu túa ra từ chân và nó chính là thứ nước giữ những hạt cát này lại. Không phải là việc có thể dễ dàng rơi tuột, chính sự vụ này mới là khuyết điểm lớn nhất của những chiếc dép kẹp. Nó để cho các thứ li ti khi đang đi tràn vào quá nhiều.

 

Người ta có thể bước đi được không với những thứ li ti đó?

Người ta có thể vừa bước đi vừa tiếp tục đón nhận những thứ li ti mới không?

Những thứ li ti đem lại cảm giác khó chịu đó có sai không?

Tóm lại, người ta vẫn có thể bước đi được chứ…với những li ti đó…?

 

Bây giờ tôi đã hiểu. Thế ra, cơ sự cho cái cảm giác có một điều gì đó trục trặc khi bước đi với ông ban nãy chính là do những hạt cát. Có lẽ, nếu đôi dép không rớt ra lúc đó thì rồi dần dần tôi cũng sẽ đi chậm hơn ông rất nhiều vì những hạt cát này. Ông luôn mang giày thể thao khi đi bởi vì ông thích chạy bộ. Và như thế, những hạt cát sẽ chẳng bao giờ rơi vào chân ông khi bước đi.

 

Có phải vì mang giày thể thao và không để những thứ li ti ấy tràn vào mình mà ông bước đi nhanh hơn tôi?

Hay là do sức lực nội tại chênh lệch của mỗi người?

 

Không. Tôi không muốn bỏ cuộc ngay tại đây.

Tôi cúi đầu xuống, chạm vào đôi dép kẹp màu xanh thẫm đơn giản đó lần cuối cùng rồi vứt mạnh nó ra xa. Tôi không muốn vứt nó ở đằng trước. Vì như thế thì nghĩa là đoạn đường phía trước của tôi vẫn sẽ còn có nó. Tôi sẽ gặp lại nó và biết đâu lúc đó, tôi sẽ hối tiếc, sẽ tiếp tục mang nó. Lần đó có thể không phải chỉ là dưới chân nữa, nó sẽ mang vào bên trong tôi. Vì thế, tôi vứt nó ra đằng sau. Tôi không muốn quay đầu lại nhìn nữa. Phía sau ấy.

 

Tôi hít một hơi dài thật mạnh để cảm nhận không khí tràn đầy trong phổi. Rồi tôi bắt đầu chạy.

Chạy. Chạy. Chạy.

Tôi cố gắng chạy thật nhanh. Dưới ánh mặt trời nóng bỏng và bãi cát này. Tôi muốn tìm thấy ông.

Không. Tôi muốn đuổi kịp theo ông.

 

Người đi với đôi giày thể thao

 

Tôi thích những đôi giày thể thao. Tôi luôn luôn mang nó. Tôi chỉ mang nó. Nghĩa là, tôi mang nó ngay cả khi ở trong nhà. Điều này làm cho đôi lúc tôi cũng không biết rõ mình đang thích nó hay đang lệ thuộc vào nó.

 

Không. Chắc chắn là tôi không lệ thuộc vào nó. Tôi thích nó. Vì tôi có thể sắp xếp được nó theo trình tự mình mong muốn. Trình tự đó như thế này: tôi mua nhiều đôi giày với nhiều kiểu, nhiều loại màu khác nhau, tôi mang giày theo màu sắc, nghĩa là nơi nào tôi nghĩ màu của nơi đó làm tông chủ đạo thì tôi sẽ mang giày đúng với màu đó, nó y như cách một con tắc kè biến hóa màu sắc của bản thân để hòa nhập với môi trường, à, mà cũng không hẳn, nó khác với tắc kè đôi chút, đôi giày của tôi không cần hòa nhập màu của nó với cả môi trường mà chỉ cần nó trùng với màu của cái nền dưới chân tôi đang đi, chẳng hạn khi đi ở mặt đường màu xám thì tôi sẽ mang giày màu xám, khi đi trên những con đường đất đỏ thì tôi mang giày màu đỏ, khi ở nhà tôi mang màu đen vì nền gạch nhà tôi màu đen…cứ như thế…đại loại để làm công việc này thì tôi phải đoán được trước màu nền của những nơi mà tôi sẽ đến để mang giày theo và mang cả những đôi khác dự phòng nữa, riêng mỗi khi ngủ trên giường thì tôi mang giày màu trắng mà không câu nệ màu của tấm ra trải giường, và tôi chỉ mang mỗi đôi giày màu trắng đó trên giường khi ngủ ở nhà, đơn giản vì chẳng có nơi nào trên mặt đất này mang một màu trắng khôi nguyên cả, chẳng có nơi nào mà không bị vấy bẩn, nên đôi giày màu trắng chỉ thích hợp trong nhà lúc tôi đang ngủ, khi đó mọi thứ trắng xóa.

 

Nhưng. Cái trình tự đó đã bị phá vỡ. Chỉ ngay ở điểm chốt cuối cùng. Đôi giày màu trắng đó.

Sa mạc của ngày hôm nay màu vàng.

Có nên gọi nó là sa mạc không nhỉ?

Không, nó không mênh mông đến như thế. Nó chỉ là một bãi cát.

Ai đó đã gửi thiệp mời tôi đến bãi cát này để tham dự một buổi tiệc. Tôi đã làm mất tấm thiệp. Tôi cũng quên mất tên của buổi tiệc này là gì. Song, tôi vẫn cứ bước đi. Tôi chỉ nhìn qua tấm bản đồ nhỏ đằng sau thiệp có một lần. Đó chỉ là nhìn lướt, rất nhanh. Tôi nghĩ rằng tôi chưa kịp nhớ đường đi. Quả thật, nếu bây giờ có ai đó bảo tôi vẽ lại nó, chắc chắn tôi sẽ không thể vẽ được. Vậy mà không hiểu bằng cách nào, tôi đã đến được bãi cát này.

Dù như thế nào, việc nhận được tấm thiệp ghi rõ nơi đến cũng đồng nghĩa với việc tôi đã biết trước màu nền của nơi này là màu gì. Lẽ ra, tôi phải chọn một đôi giày có màu vàng. Nhưng giờ đây, tôi đang mang giày màu trắng. Tôi không thích điều này chút nào dù nó chỉ là một trúc trắc nhỏ trong lập trình khoa học mà tôi tự đặt ra cho bản thân mình.

Ngoài ra thì…

Tôi không muốn hủy diệt đôi giày màu trắng đó.

Tôi không muốn hủy diệt những giấc ngủ của mình. Những giấc ngủ màu trắng.

Không biết từ lúc nào, tôi đã đồng nhất đôi giày đó và giấc ngủ của mình.

Có lẽ cơ cấu ở đây nằm trong sự mong muốn của tôi dành cho cả hai là như nhau: không muốn chúng bị vấy bẩn bởi những thứ li ti như cát bụi ngoài kia.

 

Tôi bước đi trên bãi cát này với một tốc độ rất chậm. Chậm hơn bất cứ một người đi chậm nào, có lẽ còn chậm hơn cả một người khuyết tật ở chân, một người bị mất sức lực, chậm hơn một con kiến đang phải khuân vác mẩu thức ăn quá sức của nó về tổ…chậm hơn mọi sự chậm. Có lẽ tôi đã di chuyển gần như không di chuyển. Đơn thuần vì tôi vừa đi vừa chú ý quá kĩ đôi chân của mình. Cứ đi được một vài bước, tôi lại ngước xuống nhìn đôi giày. Tôi ghét khi nhìn những hạt cát bám trên nó. Tôi ngồi thụp xuống, phủi nó thật sạch rồi mới đứng dậy đi tiếp. Cứ thế, cứ thế. Lẽ ra đến cuối cuộc hành trình trên bãi cát này, hoặc tệ lắm thì tôi cũng nên hoạch định cho mình khoảng thời gian lâu hơn một chút giữa hai lần ngồi xuống phủi cát ở chân. Cảm giác này thật kì lạ. Một thứ mà tôi vẫn luôn yêu mến, vẫn nghĩ rằng nó hữu ích cho mình đột nhiên bỗng thành thứ tôi vừa chán ghét, vừa lo lắng trong một cảnh huống khác với cảnh huống mà tôi cho phép sự có mặt của nó dù rằng các công năng của nó vẫn y nguyên. Lúc này tôi mới nhận ra mặt trái của một thói quen được tạo ra từ tiến trình khoa học nào đó. Nó làm cho người ta có thêm một sự lệ thuộc mà lệ thuộc thì đồng nghĩa với khiếm khuyết.

 

Tôi lại ngồi thụp xuống để phủi cát.

Bàn tay tôi lúc này dính đầy cát. Công việc phủi cát về sau càng khó khăn và mất thời gian hơn. Dù phủi như thế nào, tôi cũng không thấy nó trắng lại như lúc trước dù đã sạch cát. Công việc thêm phần khó khăn nữa vì chính tay tôi cũng đã dính đầy cát. Dù tôi cố chà quẹt nó thật mạnh vào áo quần của mình thì đâu đó trong những đường chỉ tay hay vân tay vẫn còn sót lại những phân tử cát. Và như thế, càng lau tôi chỉ càng vấy bẩn thêm đôi giày trắng của mình cho dù là với đôi tay này hay chiếc áo.

 

Đây có phải là lúc tôi nên chấp nhận sự phá vỡ tiến trình quen thuộc?

Đây có phải là lúc tôi nên vứt bỏ?

 

Tôi nghe có tiếng chân người chạy rất nhanh từ phía sau. Khi tôi chưa kịp quay lại để xem đó là ai thì đã nghe tiếng hơi thở kề cận bên mình.

 

“Cho tôi hỏi, anh có thấy một ông nhà văn mặc áo thun trắng, quần ngắn màu xanh biển, chân mang đôi giày thể thao màu trắng có sọc xanh đi ngang qua đây không?”

“Tôi có thấy một người giống như cô miêu tả. Nhưng tôi không biết đó có phải là nhà văn mà cô cần tìm hay không. Với hình dáng bên ngoài như vậy chẳng có điều gì nói lên ông ta là một nhà văn cả. Biết bao nhiêu người đi bộ hoặc chạy bộ đều có hình dạng bên ngoài như thế”

“Tôi nghĩ có lẽ là ông ấy rồi. Dù sao bãi cát này cũng chẳng có nhiều người lắm đâu. Tuy hình dáng đó có thể lặp lại ở nhiều người nhưng tôi nghĩ với một nơi vắng vẻ như thế này thì xác suất của nó cũng không cao lắm. Cảm ơn anh. Dù sao thì bây giờ tôi cũng phải…”

“Khoan đã. Cô đi chân trần đến đây à?”, tôi ngạc nhiên khi nhìn đôi chân trần dính đầy cát của cô.

“Không. Lúc đầu, tôi có mang một đôi dép kẹp đến đây, nhưng sau đó, thấy nó quá vướng víu nên tôi đã vứt bỏ nó để được đi thoải mái hơn”

“Sao? Dép kẹp mà vướng víu à? Tôi cảm thấy hơi lạ. Nó gọn và nhẹ như thế kia mà. Tôi mang đôi giày thể thao này mới là vướng víu đây. Nó quá nóng và chật. Nhưng cái phiền nhất là tôi phải chấp nhận mỗi một bước tôi đi, nó lại bẩn hơn một chút. Tôi không muốn điều đó chút nào.”

“Anh lạ nhỉ. Cát thì nơi có, nơi không. Nhưng bụi thì ngập khắp trong không khí. Hầu như ở đâu cũng có bụi, kể cả ở trong nhà. Tôi phải nhấn mạnh là ở trong nhà, trong một không gian khép kín như thế mà chính ta vẫn hay lau dọn mỗi ngày cũng có bụi. Nếu trong nhà không có bụi thì tại sao những giá sách lâu ngày ta không đụng đến bụi bám đầy ở đó, trong từng ngóc ngách của từng trang. Bụi ở đâu mà ra nếu như không nói nó là thứ có sẵn trong không khí. Sự vấy bẩn đi mỗi ngày một lúc đối với bất cứ sinh vật thể nào là điều không thể tránh khỏi. Chẳng có nơi nào thuần khiết đến nỗi mỗi bước anh đi, anh vẫn giữ được sự trong sạch của đôi chân mình cả. Trừ phi là anh không bước đi nữa. Mà không, kể cả khi anh không bước đi nữa. Chân anh cũng vẫn bị vấy bẩn thôi. Nó đã bẩn đi mỗi ngày từ lúc anh đạp ra khỏi bụng mẹ rồi. Như cái cách mà bụi bám trên những giá sách đặt trong nhà đó…”

“Bình tĩnh nào. Tại sao cô lại phản ứng thái quá như thế? Đúng là không thể tìm được nơi nào mà không có bụi cả. Nhưng kể cả khi cuộc sống là một sự thỏa hiệp, tôi vẫn muốn sự thỏa hiệp đạt được đem lại cảm giác thỏa mãn cao nhất cho bản thân mình. Điều đó chẳng có gì là sai cả. Sạch sẽ không phải là thói quen nữa. Nó đã trở thành tính cách của tôi”

“Vậy à. Còn tôi thì lại bị dị ứng với những người sạch sẽ thái quá. Với tôi, khi anh quan tâm quá mức đến cơ thể của mình, điều đó đồng nghĩa với việc anh giảm sự chú ý dành cho người khác. Đời sống của anh trôi qua mà chỉ có sự luẩn quẩn giữa anh với những câu chuyện của anh. Tôi cho như thế là hơi phí.”

“Những câu chuyện của người khác à? Tôi không cho là mình đã bỏ qua nó đâu. Chỉ là có thể vì tôi quan tâm đến nó ít hơn cô nên cô cảm thấy vậy thôi. Nhưng với tôi, như thế là đủ. Tôi không cần phải biết quá nhiều câu chuyện của những người khác. Vì dù có biết tường tận như thế nào, nó vẫn là thứ nằm ngoài bản thân tôi. Cô nói tôi không quan tâm sao? Chẳng phải khi nãy tôi vừa hỏi vì sao cô mang dép kẹp mà cảm thấy vướng víu là gì? Dường như, trái ngược lại với tôi, cô thì quá thờ ơ với bản thân mình.”

“Anh…anh…ừm…đúng là như thế thật”, cô đột nhiên đổi giọng, thở dài và thái độ khác hẳn ngay trong lúc tôi đang nghĩ cuộc tranh luận này có lẽ còn tiếp diễn dài dài.

“Sao thế?”

“Không. Có lẽ anh nói đúng. Chỉ là suy nghĩ này cũng đến với tôi trước đó. Tôi đã tự hỏi có phải vì tôi thờ ơ với bản thân mình quá mức mà lạc nhịp đi so với ông ấy không?”

“Cái người mà cô đang tìm kiếm ấy à?”

“Vâng.”

“Kể cho tôi nghe câu chuyện của cô có được không?”

“Tôi hiểu rồi. Nghe xong câu chuyện của cô, tôi nhận thấy chúng ta khác nhau hoàn toàn. Trong khi cô thì thờ ơ với bản thân mình còn tôi thì lại quan tâm đến nó một cách quá mức. Vậy nên tôi có thể trả lời thay cho cô một câu mà cô đã tự hỏi bản thân mình. Nếu như cô để tâm đến bản thân một cách quá mức, chắc chắn cô cũng không thể duy trì nhịp độ đều đặn khi đi với ông ấy. Chắc chắn là cô cũng sẽ bị lạc mất ông ấy như bây giờ. Tôi biết sự chú tâm bản thân quá mức đã làm tôi rất chậm. Chậm trong tất cả mọi việc tôi làm. Nhưng tôi không muốn thay đổi điều này. Đơn giản vì tôi thấy chậm cũng chẳng phải là một việc gì đó quá to tát. Dù sao, cũng chẳng có ai đợi tôi cả.”

“Hahahaha…”, cô đột nhiên bật cười lớn tiếng.

“Sao thế?”

“Tôi chỉ đang nghĩ là buồn cười quá thôi. Dù như thế nào thì cũng sẽ không duy trì được nhịp độ, không thể đi cùng nhau, rồi sẽ lạc mất nhau. Thật là khó để đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa hai người cho dù có thân quen tới đâu. Thật ra, tôi cũng đã biết việc này lâu rồi nhưng vẫn cứ luôn lờ đi”

“Việc gì cơ?”

“Là thật ra, đến cuối cùng, chẳng ai có thể đi cùng ai trên con đường cả. Sự đi lí tưởng nhất là đi một mình trên con đường chỉ có mỗi bản thân mình.”

“Thế tại sao cô vẫn còn muốn đi tìm ông ấy? Sao cô không quên đi sự tồn tại của ông? Không vứt hẳn ông đi như cái cách mà cô đã vứt đôi dép kẹp đó để đi con đường của riêng mình?”

“Có lẽ, vấn đề của tôi nằm ở việc tôi vẫn chưa thể chủ động tạo ra sự đơn độc đó. Tôi vẫn còn thụ động đón nhận nó.”

“Thế thì cứ tập vứt bỏ theo như cái cách mà cô muốn. Cô tìm ông ấy để làm gì chứ? Tôi thấy việc đó có giúp ích gì cho cô đâu.”

“Nhưng…tôi…”

“Không nỡ vứt bỏ phải không? Ờ…thì…tôi nói thế thôi nhưng đúng là cảm giác phải vứt bỏ một thứ gì đó quen thuộc với mình nó đau đớn thật. Thật ra, tôi cũng có thứ cần vứt bỏ”

“Thứ gì thế?”

“Đôi giày thể thao của tôi”

“Sao cơ?”

“À, vì tôi không thích nhìn nó bị vấy bẩn nữa. Tôi vứt bỏ nó vì điều đó. Không phải vì tôi muốn đi nhanh hơn. Có lẽ, tôi sẽ chấm dứt việc đi bộ của mình ở đây. Tôi sẽ quay ngược lại để về. Tôi nghĩ thứ cảm giác mà bãi cát này mang đến cho tôi bao nhiêu đây là đủ rồi. Tôi không muốn tiếp tục nhưng cô vẫn cần phải đi đúng không? Vậy nên, tôi đưa cô đôi giày thể thao này để cô đi nhanh hơn. Ở đây không có sự cho-tặng gì cả. Chỉ đơn thuần là trao đổi.”

 

Người đi với đôi giày thể thao vốn lúc đầu là người đi với đôi dép kẹp

 

Dường như tôi đã đi qua rất nhiều năm, rất nhiều tháng trên bãi cát này.

Việc đi với đôi giày thể thao cũng không thể loại bỏ hết những thứ li ti như tôi đã nghĩ. Tôi vẫn bước đi cùng với những thứ li ti bên mình.

Những hạt cát dính vào bàn chân tôi lúc tôi đang đi dép kẹp, rồi đi chân trần không thể nào rũ sạch dù tôi đã cố gắng. Và như thế, khi tôi mang giày thể thao vào, chúng thật vướng cộm. Quả thật, nhờ mang giày, mọi khoảng không quanh chân đều khép kín nên tôi không phải thu thêm vào những hạt cát mới. Tuy nhiên, đồng thời với việc đó là những hạt cát cũ đã dính vào chân cũng không thể nào thoát ra. 

 

Chẳng lẽ dù như thế nào, người ta cũng không thể tránh khỏi việc phải đi với những thứ li ti bên mình sao?

 

Suy nghĩ đó làm tôi đau lòng khoảng thời gian đầu khi bước đi với đôi giày thể thao này. Nhưng bây giờ, tôi chẳng còn cảm giác gì về việc đó nữa. Đơn giản là khi đã bước đi trên cát việc dính cát là điều tất yếu, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Thêm một điều nữa, mang những thứ lớn lao và tiện ích đi bên cạnh cũng không đồng nghĩa với việc có được hạnh phúc. Tình trạng đi mà hạnh phúc nhất có lẽ là sự rỗng, không mang theo bất cứ điều gì cả.  Nhưng khó ai có thể đạt được trạng thái đó.

 

Đáng lẽ, tôi nên vứt cả đôi giày này từ sớm để lại đi với đôi chân trần của mình. Như thế, có lẽ sẽ thoải mái hơn. Vậy mà, tôi đã mang nó suốt từ đó đến giờ.

Việc vẫn chưa gặp lại ông bắt đầu cho tôi có cảm giác thật ra ông cũng chỉ là ảo thể. Có lẽ, tôi đã tự tưởng tượng ra ông. Mà cũng có thể ông đã từng tồn tại rồi biến mất. Một đôi lúc, tôi lại có suy nghĩ rằng ông chính là người đã đưa tôi đôi giày thể thao này. Chỉ là khi đó, ông đang biến vẻ bề ngoài của mình thành một người khác để đánh lừa tôi thôi. Chính suy nghĩ này, dù chỉ là thoáng qua, cũng khiến tôi không dám vứt bỏ nó.

 

Nhưng tôi bước đi như thế này, trên bãi cát này để làm gì cơ chứ?

Tôi cần tìm ông để làm gì nữa cơ chứ?

 

Đột nhiên, mọi thứ thật vô nghĩa.

Tốc độ tư duy của tôi thật chậm. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều này sớm hơn.

 

Tôi không cần ông nữa!

Nhưng tôi cần điều gì?

 

Tôi cởi đôi giày thể thao ra và ném nó thật mạnh về đằng sau.

Tôi cần một cây kéo. Một cây kéo có thể cắt mắt tôi, tai tôi, mũi tôi, môi tôi, trán tôi, cằm tôi…ra khỏi khuôn mặt của tôi. Không. Hơn thế nữa. Tôi cần một cây kéo có thể cắt được cả khuôn mặt của tôi, cả cơ thể tôi, cắt hết những gì tôi đã từng viết, những gì tôi đã từng suy nghĩ, những gì thuộc về tôi, sự tồn tại của tôi.

 

Cắt tôi. Cắt tôi. Cắt tôi.

Tôi cần cắt tôi.

 

Tôi thấy rồi.

Một cây kéo phía xa xa đang nằm lẫn trong cát.

 

1:42 PM

3.8.2011

Vũ Lập Nhật
Số lần đọc: 1648
Ngày đăng: 23.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cát Trắng Bạc Đầu - Trần Quang Phong
Tiệm thịt con vẹt - Nguyễn Quốc Vương
Một Lần Li Hôn - Trần Minh Nguyệt
Một Thuở Tạo Sơn - Quý Thể
Đổ Giàn - Đặng Phú Phong
Xác ướp - Nguyễn Quốc Vương
Dỗi - Huỳnh Văn Úc
Sóng Xao Bến Rì - Tiêu Đình
Cầu Vồng Đơn Sắc - Chu Lê
Người đạp xe vào thành phố buổi sáng - Hoàng Ngọc Biên
Cùng một tác giả
Đóng…?...Mở…? (truyện ngắn)
Sóng (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Good-bye days (truyện ngắn)
Chạm (truyện ngắn)
Con Dốc (truyện ngắn)
Khẩu Trang (truyện ngắn)
Red Skirt Red Shoes (truyện ngắn)
5w1h (truyện ngắn)
Yellow (*) (truyện ngắn)
Mắt kính (truyện ngắn)
Nhét (truyện ngắn)